Tác giả: Nguyễn Trường Giang.
Tác phẩm: Xóm Trọ Vùng Ven.
---------------------------
Chương 1. Dọn nhà
Xe tía tôi chạy chầm chậm, quẹo qua bảy tám ngõ nhỏ từ Quốc lộ 1 vô đến đây. Tôi ê hết cả mông. Tay trái bám vai tía, tay phải tôi đặt nồi cơm điện xuống đất, bước xuống xe. Cái chân tê cứng, tôi đứng không vững, làm nghiêng xe tía.
- Từ từ xuống, làm gì gấp dữ vậy, Tư! - Tía tôi vẫn ngồi trên xe, nói - Phụ tía bỏ mấy cái móc đồ xuống trước.
Tôi lui cui cầm mấy cây móc đồ bằng nhựa, đã cũ. Nếu làm mạnh, mấy cây móc đồ bằng nhựa lâu ngày chắc gãy nát quá! Tôi chạy lại phía sau xe máy, kiếm đầu cọng dây ràng, gỡ xuống ba cái nồi nhôm, một nồi inox nhỏ xíu, một cái bếp ga mi-ni và đống mùng mền mà dì Sáu đã gói sẵn. Đây là tất cả gia tài của tía con tôi.
Tía tôi già, tôi còn nhỏ nên đồ đạc như vậy là đủ, cũng như xóm trọ này. Trẻ em rất đông, chúng chạy nhốn nháo, mặt mũi lem luốc, tranh nhau ngồi lên xe đạp. Có thằng nhỏ phòng đối diện, chạy vô khóc mếu máo. Méc ba nó mà không thành lời, hai đứa nhỏ hơn cũng vây quanh nó, chỉ tay ra phía ngoài đường. Mặt chúng nhợt nhạt như tàu lá chuối ngâm nước ba ngày: "Chị Hai té xe". Tôi ngó theo hướng tay hai đứa bé chỉ.
- Tâm, Tâm ơi... Con mày té - Bà Hai, chủ phòng trọ, lạch bạch như con vịt xiêm dưới quê, chạy vô kêu lớn - Tâm, Tâm... nó gãy tay rồi, lòi đầu xương ra rồi!
Chỉ kịp nói được mấy câu, bà Hai lại chạy ra ngoài đường. Tiếng nói cười của khu nhà trọ được thay bằng những bước chân xỏ dép và tiếng la hét. Người đàn ông nhỏ thó chạy ra khỏi phòng như tên bắn, người phụ nữ chạy theo sau kêu la thất thanh. Cả xóm lao nhau chạy ra đầu ngõ. Em bé gái nằm khóc thảm thiết dưới mảng tường gạch đang xây dở. Bà Hai lách người ra khỏi đám đông, quay ra chửi vào đám đất:
- Mồ cha tụi nó, xây thì xây luôn đi! Để đó mà bẫy con nít nhà tao à - Bà bẻ cành bông bụp, mấy đứa nhỏ chạy toán loạn - Ra tận đây chơi nè, ra tận đây chơi nè... Đưa con nhỏ đi viện, nhanh lên... - Bà quất vô đít mấy đứa nhỏ, không kịp chạy, bà hối mấy người lớn trong dãy nhà trọ, ai nấy đều quýnh quáng.
Máu trên tay bé gái chảy như bịch nước dâu tây bị xì. Người đàn ông chỉ mặc mỗi chiếc quần xà-lỏn, đề xe gắn máy nổ "xìn xịt" chạy sát gần. "Nhanh lên, nhanh lên. Chở nó vô bệnh viện" - Người đàn ông la lớn, vòng tròn người xem vỡ ào ra một phần ba để chừa đường cho xe chạy. Em bé được chở đi nằm ngất lịm trong tay cha nó.
Tôi và tía mãi nhìn theo, bánh xe đã khuất vào ngã tư phía trước. Mẹ bé gái luống cuống về phòng, xách ít đồ, vừa khóc, vừa lấy xe gắn máy chạy đi.
Dựng chống xe đứng, tía tôi lấy tay quệt những giọt mồ hôi trên chán, vuốt ngược ra phía sau đám tóc bạc. Nhìn phòng đối diện đã đóng kín cửa, tía thở dài. Thò tay vô túi quần, tía rút ra gói thuốc Hòa Bình, lấy ra một điếu và mồi lửa:
- Tư, con bỏ hết đồ xuống, tía ra nhà bà chủ lấy chìa khóa.
- Có mấy cái này, có gì đâu, tía lo!
Mấy bịch đồ đã được Dì Sáu gói gọn gàng, quần áo tía con tôi trong một bịch. Quần áo của dì trong một bịch khác. Chén đũa cũng trong một bịch được nhét hết vô thùng cạc-tông nhỏ. Tôi xếp thành hàng trước cửa, phòng cuối cùng trong hai dãy phòng trọ. Bên ngoài cửa mỗi phòng, những đôi dép xếp hàng siêu vẹo, một vài phòng khóa cửa chính phía trong, vài phòng khóa cửa ngoài. Quần áo treo lủng lẳng trên trên cây gác sào phơi đồ trước mỗi phòng là những lá cờ khẳng định chủ quyền riêng của mình. Vài ba chiếc xe gắn máy xếp hếch đít ra ngăn cản, kính chiếu hậu gá vào cửa sổ.
Có cửa sổ phòng mở toang, có cửa sổ phòng đóng im ỉm, hai ba cánh cửa mở khép hờ. Từ cuối dãy phòng trọ, tôi nhìn những cánh cửa sổ như một đoàn quân khuyết tật đứng yên bên ngoài, vang ra những tiếng gào thét bên trong. Mùi nước xả vải thoang thoảng trên gác sào phơi đồ pha lần mùi phấn em bé tỏa ra từ phòng kế bên, hòa vào mùi thịt kho tiêu, mùi khô mực nướng làm cho tôi chảy nước miếng.
Bà Hai có hai má xệ ôm vào cái cổ núc ních thịt, bà đi xuống cùng tía tôi. Cái môi dưới của bà trề ra, kéo theo hai nếp nhăn trên mặt. Bà cầm cuốn sổ ghi chép và chìa khóa, đi đến trước cửa phòng trọ, giao tận tay tía tôi:
- Anh Bảy, đây là khóa phòng. Tôi ghi số điện từ hôm nay - Bà Hai quay mặt về phía tôi, vênh mặt, lấy tay chỉ lên đồng hồ điện ngay trước cửa phòng trọ - Thằng nhỏ, đọc giùm dì cái số điện - Một mệnh lệnh đanh thép.
- Dạ, tám năm hai bảy - Tôi đứng lên xe tía tôi, ngó vô cái đồng hồ điện đọc lớn.
- Anh ở ba người phải không, anh Bảy?
Mặt tía tôi nghiêm nghị, trịnh trọng nhưng lại bị tái mét:
- Dạ, chị Hai - Tía tôi lấy tay kéo cổ áo thun lau mặt - Tôi có thưa với chị hôm rồi, chỉ có ba người thôi.
Dãy phòng trọ nhà bà Hai nằm bên cạnh bờ sông. Cách tường nhà mười lăm mét là bãi đất, trong xây bia tưởng niệm. Có lần, tôi đã nghe chị Ba kể. Nghe đâu năm 1975, bộ đội giải phóng đánh vô. Hai bên giằng co vị trí chiến lược này mấy ngày đêm. Bộ đội đã chiếm được toàn bộ bên kia sông, đêm, bơi qua bên này sông, đánh nhau tơi bời khói lửa.
Vùng đất này hồi đó còn hoang sơ, nguyên là rừng tràm ngập nước, không có dân ở. Bà Hai là người miền ngoài, về mua khu đất này cũng đã lâu. Cơn sốt đất những ngày đầu, bà cắt đất, phân lô, bán nền.
Tiền bạc bà Hai rủng rỉnh. Không làm mà vẫn có ăn, ăn thoải mái, tiêu xài thoải mái. Bà cũng được anh con trai dẫn lên tòa nhà ba mươi mốt tầng, ở Quận 1, uống cà phê. Uống trên cao, chán, bà dẫn bồ trẻ ra mãi Phú Quốc ăn chơi một thời gian. Anh bồ không đào được đồng nào của bà, anh chạy mất dép. Ở Sài Gòn, hai người con trai của bà ăn nhậu, trai gái, hút xách ghê lắm. Chị Ba nói, anh con đầu đang ở trại cai nghiện, anh con trai sau thì bị AIDS, chết rồi. Bán dần bán mòn, rồi cũng hết. Cuối cùng bà còn hai dãy phòng trọ và cái nhà cấp bốn, kế bên, chừng tám mươi mét vuông.
Thấy bộ dạng khổ sở của tía tôi, bà Hai quay mặt, bước về phòng đầu của dãy phòng trọ, nói vô đám không khí trước mặt:
- Ba người, mỗi người năm mươi ngàn tiền nước hàng tháng - Bà gõ mạnh vô cánh cửa đang đóng kín, chốt phía trong - Dì thu tiền phòng mấy đứa.
Tía tôi khom người tiễn bà Hai, biết bà không ngó, thân hình tía động đậy trở lại. Tôi nhảy xuống khỏi yên xe gắn máy, hỏi nhỏ tía:
- Ủa Tía, bả không thu tiền tía luôn à?
Như thoát được tai nạn khủng khiếp, cúi xuống xách mấy bịch đồ vô phòng, tía tôi đẩy mạnh cánh cửa phòng trọ và cười hì hì:
- Không, bữa hổm tía nói rồi. Bả cũng không thu tiền cọc luôn. Ở hết tháng nào đóng tháng đó. Nãy bả hỏi, tía tưởng bả đổi ý. Vậy cũng mừng.
Khi cửa phòng vừa mở, mùi hôi hôi và tanh tanh bao trùm căn phòng. Giấy tờ vung vãi, vài mảnh vải rách xanh đỏ vàng treo lủng lẳng trên cầu thang lên gác. Với diện tích chừng chín mét vuông thế này đủ cho ba người ở. Phòng này còn sáng sạch và rộng hơn phòng cũ bên quận Tân Phú nhiều. Tôi gỡ mấy cái móc phơi đồ, máng lên cọng dây kẽm ngang tường. Tía tôi mượn đâu được cái chổi mang về quét trên gác, bụi mù.
- Trên đó dơ lắm hả tía? - Từ trong phòng vệ sinh, tôi hỏi với lên.
- Ờ. Con máng mấy cái nồi lên ngay chỗ bếp. Tía thấy người ta còn để lại mấy các móc và đinh máng. Quần áo, chút nữa dì mày tới, dì mày máng. Còn đồ không, ra mang hết đồ vô đi, con.
Tôi với tay cầm miếng rẻ lau trên cầu thang, mang vô phòng vệ sinh xối nước ào ào. Nước ở đây nhiễm phèn nên có màu vàng đục. Phèn bám vô bồn cầu, bám vô tường, bám vô lớp gạch men dưới sàn. Tôi té cái "ạch" vì bị trơn trượt.
- Có sao không, Tư? Lại té nữa! - Tía tôi từ ngoài chạy vô ngay sau lưng tôi.
- Có sao đâu, Tía. Để con lau trên gác.
Bước tới cầu thang, hình ảnh em bé bị xe đạp và đầu xe máy đè lên, hình ảnh bé xỉu nằm ngoặt cứ lảng vảng trong đầu tôi. Cầu thang lên gác được làm bằng sắt cây, vững chắc, vậy mà tôi bước lên chao đảo. Cầu thang có thể gấp lại, móc sát vô tường; khác với cầu thang gỗ ở phòng cũ của tía con tôi.
Hình ảnh người mẫu Hàn Quốc dán đầy trên gác, nam có, nữ có. Những cái tên xa lạ, hình dáng xa lạ. Người ở thành phố tiếp xúc nhiều với phim ảnh, điện thoại, internet thì ham mê thích thú. Nghe nói, thần tượng mấy ngôi sao Hàn Quốc lắm, có người khóc ngất xỉu khi thấy thần tượng của mình luôn! Thần tượng của tôi là tía, tôi khóc thương tía tôi thôi. Tôi xé mấy tấm hình, vo tròn, thảy ra ngoài cửa phòng.
Tôi lau đi lau lại trên gác được hai lượt thì dì Sáu cũng chạy xe đạp đến, đang đứng ngoài cửa. Dì xách khệ nệ mấy bịch đồ nào là đồ ăn tươi sống, gạo, nước mắm, nước tương, đường và bịch bột nêm nhỏ thò ra như muốn rớt xuống sàn nhà. Cái dáng nhỏ con của dì nhìn có vẻ lẻo khẻo và ốm yếu.
Mồ hôi tôi chảy nhễ nhại, cái áo thun màu đỏ đã ướt đẫm mồ hôi. Tôi kéo lê bịch đồ của dì Sáu vô phía sâu trong phòng. Dì Sáu hỏi thân thiện:
- Con uống nước gì? Nói tía con ra đầu ngõ mua - Dì hỏi tiếp tía tôi - Ông có uống cà phê không? Ông ra đầu ngõ, hỏi đổi ga chỗ nào, đổi cho tôi bình ga.
Dì Sáu, tính tình hiền lành, người gần nhà tôi ở dưới Vĩnh Long. Dì Sáu có chồng nhưng không có con. Chồng dì và dì thường đi cắt lúa mướn mỗi khi đến mùa, còn không, ai mướn gì làm nấy. Chồng dì bị bệnh, dì mượn tiền ngân hàng, ngân hàng cầm sổ mấy công đất. Đến hạn không trả được! Ngân hàng thu mấy công đất luôn. Sau bao năm, bây giờ dì Sáu trắng tay. Chồng dì bệnh nặng, mất. Mấy công đất, mất. Dì về ở với mẹ ruột được ba năm, mẹ dì mất. Các anh chị em của dì có gia đình riêng. Ruộng đất không có nên cũng chỉ đi làm mướn, chẳng khá hơn là bao. Anh chị dì, hơn dì được mỗi cái chòi lá, một đàn vịt và mấy đứa con, và còn giàu hơn tía con tôi.
Tía chở tôi từ phía tây lên phía đông, tôi khát khô cuống họng.
- Con uống cà phê đá - Tôi trả lời ngay - Mua thêm ca trà đá tía ơi.
Chỉ có trà đá mới đánh lại cái nóng, cái khát ở Sài Gòn. Nơi này, tôi đã ở được hơn hai năm, đây là lần dọn phòng lần thứ ba. Chỉ đến lần thứ ba tía con tôi mới có dì Sáu phụ giúp, dì ăn ở ngay chỗ làm. Hôm rồi tía tôi nói: dì Sáu lên Sài Gòn phụ rửa chén cho quán cơm chay bên Bình Thạnh đã năm năm. Vậy là hồi dì Sáu đi, tôi còn học lớp ba ở dưới quê.
Cũng bữa hôm rồi, tôi hỏi tía:
- Sao tía biết dì Sáu ở trên này?
Tía tôi trả lời giọng buồn bã, kèm theo hơi thở hắt ra như đứt đoạn:
- Thì dưới quê, mùa này nước mặn đầy đồng. Ai làm ăn gì được, mấy cây dừa còn rụng hết trái... Lúa chết đầy đồng... Ai cũng lên Sài Gòn hết. Tía gặp dượng Tư. Hôm rồi, dượng Tư chở tía qua dì Sáu nói chuyện.
Tía tôi cầm ly cà phê đen lên, tợp một ngụm nhỏ như tợp những mảng đen tối nhất của số phận:
- À tía nói con nè. Tía tính nói dì Sáu về ở chung cho đỡ tiền phòng. Tía phụ hồ, ngày được bao nhiêu đâu! Ở đất này, không có tiền thì lại về quê! Ở quê không sống được nên mới lên đây! Về quê, không có đất cho mà cạp - vừa nói, tía vừa nhìn tôi.
Bữa đó, tôi hào hứng trả lời ngay:
- Sao cũng được, tía - Trong bụng tôi mừng thầm.
Có dì Sáu, tôi sẽ đỡ được nấu cơm, giặt đồ và biết bao công việc khác nữa. Ít nhất, điều mừng thầm của tôi đang đúng trong ngày hôm nay. Ngày hôm nay dì Sáu gợi ý tía đi mua cà phê cho tôi.
Tía tôi từ ngoài đường bước vào. Tay cầm hai ly cà phê, tay cầm chai nước suối, miệng ngậm điếu thuốc. Cái môi tía hếch lên khoe ra vài ba chiếc răng vẫn đang còn vương vấn hai hàng nướu. Tía nói nghe như người bị ngạt mũi mấy ngày:
- Cà phê nè, Tư.
- Tía bỏ ngoài đó đi, con đang lau nhà. Chút con uống - Hai đầu gối tôi quỳ xuống nền nhà, cố lau nhanh mấy đám bụi quanh các góc tường.
- Tía có mua ca trà đá không đó? - Tôi sực nhớ ra.
Đập mạnh tay vô khoảng không, tía cười sảng khoái:
- Quên mất tiêu - Hai mắt màu trắng đục đảo qua dì Sáu, đảo qua tôi. Tía lại đi trở ra ngoài đường.
Tôi nói xấu tía sau lưng:
- Từ sáng đến giờ, tía con như gà mắc tóc, dì Sáu.
Dì Sáu bỏ mấy bịch đồ lên kệ bếp, lắc đầu qua lại như người mẹ dịu dàng với con mình:
- Con lau xong, ra uống cà phê đi. Mấy cái này để dì làm.
Vỉ trứng vịt, miếng thịt heo và trái dừa, bó rau cải bẹ xanh, mấy trái cà chua, mấy cọng hành lá, bó rau cần tàu, con cá diêu hồng... Dì Sáu bỏ tất cả vô cái rổ nhựa ố vàng. Tôi lách người bước vô phòng vệ sinh và ngó "bữa nay ngon á". Màu vàng đục của nước nhiễm phèn lại được tôi xả ào ào vào lùi dẻ lau nhà. Vắt ráo nước, tôi bước ra phơi ngay bậc cầu thang cuối cùng, ra ngoài hiên uống cà phê cùng với tía.
Với tía tôi, những khó khăn và khổ đau của cuộc sống đang tạm đi qua ngay trong giây phút này. Đưa một chân lên chống cằm, chân khác nhịp nhịp. Mắt tía nhìn qua hàng lưới B40, tay vẫn không dời điếu thuốc lá. Nhìn dì Sáu, phía trong phòng, tía mỉm cười - cái cười sảng khoái và cao độ nhất từ bao năm nay.
Dì Sáu như đang tìm kiếm cái gì, đứng sát sau lưng tôi, hỏi tía:
- Bình ga đâu ông?
- Quên mất tiêu! Tui bỏ ngoài quán. Để tui đi lấy.
Tía tôi vừa đứng dậy, tôi cười "kha kha" một hồi, quay lại nói với dì Sáu:
- Con nói dì Sáu rồi, bữa nay tía con sao á! - Tôi cười, dì Sáu cũng cười. Không biết tía tôi có tự cười một mình hay không.
Thấy cười lớn phía bên ngoài, từ phòng kế bên, thằng nhỏ áng chừng ba tuổi cầm cây que như cầm cây kiếm kêu "chả chả...". Thằng nhỏ gõ vô cửa phòng, mẹ nó kêu:
- Tin, Tin vào, vào, Tin... Ông bà mới dọn về - Mẹ cu Tin ngó ra đầu ra khỏi cửa phòng trọ, chào tía tôi và dì Sáu.
- Ờ. Thằng nhỏ đi học chưa con? - Tía tôi xoa đầu cu Tin.
- Dạ. Con gửi ở nhà giữ trẻ tư, ngoài đầu đường. Chào ông bà rồi vô ăn cơm, con - Mẹ cu Tin kéo tay nó, đưa lên trước ngực. Cu Tin "ạ" một tiếng rồi chạy vô phòng trọ của nó.
Dì Sáu ra ngó theo cu Tin đang ngoan ngoãn nghe lời mẹ, nó ngồi xuống chân xếp bằng. Tía cũng ngồi xếp bằng trước cửa ra vào, xoay người, móc tay vô túi quần phía sau, đưa cho tôi tờ giấy bạc màu đỏ.
- Tư, con cầm tiền ra ngoài mua cho tía xị rượu.
- Nay tía uống rượu à? - Tôi cầm tờ giấy bạc và nhìn tía tôi.
- Ờ, mua xị rượu để tia thắp nhang cho má mày. Thắp nhang xong, tía uống.
Mỗi lần chuyển nơi ở mới, tía tôi đều thắp nhang cho má tôi. Tía tôi đổ gạo vô trong cái ly mủ mà tôi thường hay uống nước trà đá. Cắm lên ba cây nhang đang tỏa ra ba làn khói như đại diện cho ba người trong phòng này xuyên qua mái nhà để tìm linh hồn má tôi về đây. Tía tôi rót rượu vô cái ly tía thường pha cà phê đen mỗi buổi sáng. Dì Sáu đã sắp sẵn một tô canh cá diêu hồng, một tô thịt kho trứng, một đĩa thịt luộc, một đĩa rau, chén cơm và nước chấm. Tất cả được dì Sáu bày lên mấy tờ báo cũ, thay mâm, để giữa nhà.
Khói từ ba cây nhang tỏa ra nghi ngút. Tía tôi lầm dầm khấn. Tôi cay mắt, chạy ra bên ngoài cửa nhìn cu Tin đang được mẹ nó đút cơm. Miệng nó nhai ngồm ngoàm, mắt không dời cái màn hình tivi đang phát ra những bài nhạc của bé Xuân Mai. Cái cây cu Tin tưởng tượng là cái kiếm, giờ đây được mẹ nó đặt kế bên, giờ nó là cái cây để quất đít cu Tin khi nó không chịu ăn.
Tôi nhớ lúc ở quê, chúng tôi còn nhỏ đã tự múc ăn. Có những lần chị Ba còn choọc muỗng qua múc trong tô của tôi một vài miếng thịt. Chúng tôi tự ăn, tự bày trò chơi mỗi ngày mà ai nấy vẫn cuồi cuội, chẳng bệnh tật gì như trẻ nhỏ thời nay. Tối ngày chúng tôi leo cây, tắm sông, thỉnh thoảng theo tía tát đìa bắt cá. Bằng tổi tôi giờ này, chắc cu Tin cũng không dám leo cây như tôi ngày xưa.
Sát ngay phòng tôi, phía trong hàng lưới B40, cây đu đủ đã có hai trái bắt đầu chín. Phòng số 12, vài anh chị sinh viên, công nhân hay thợ hồ gì đó đang hô "dzô, dzô" ầm ĩ. Phía xa, tiếng karaoke của bà Hai i ỉ và nhợt nhạt, vọng vào. Phòng tôi, mùi nhang cũng bớt ngột ngạt hơn.
- Tư, cầm cắm ba cây nhang qua bên hông nhà rồi vô ăn cơm, con - Tía tôi ngồi xuống, kéo gọn lại mấy tờ giấy báo.
Dì Sáu lấy thêm hai cái chén, hai đôi đũa. Xách nồi cơm điện đặt kế bên, dì bới cơm vô hai chén. Tía tôi kéo chén cơm đã cúng má tôi về phía tía. Tía rót thêm rượu vô ly, đưa lên uống cái "chót". Tôi hỏi:
- Bữa nay chị Hai, chị Ba sao không qua, tía? Con nghe nói ở trong xóm này mà!
Tía tôi gắp miếng thịt heo luộc, trả lời chầm chậm như để cho dì Sáu cảm thông:
- Tụi nhỏ còn chuẩn bị hàng, chiều tối bán. Sao qua giờ này được! Nhỏ Hai chắc tám chín giờ tối nó mới qua. Nhỏ Ba, bán đến mười một giờ khuya, chắc không qua đâu, nó sống tình cảm, ý tứ lắm. Thôi ăn đi, bà, con.
Tôi gắp miếng thịt kho trứng, cắn cái "phập". Đoạn mỡ vừa đủ ngập chân răng. Dì Sáu kho ăn ngon đã thiệt, không như tía con tôi kho - Tôi nghĩ mà không để ý đến tía đang nhìn tôi và dì Sáu. Tợp thêm một ngụm rượu, gắp cọng rau bỏ vô chén. Tía hỏi:
- Bên quán cơm, bà còn đồ gì không? Chút tôi chở bà qua lấy luôn, sẵn tôi chào bà chủ ở bển.
- Tôi có cái xác khô và mấy bộ quần áo. Tôi gom hết rồi, sáng đi, tôi có nói bả rồi. Mai ông đi làm, đưa tôi đi làm luôn. Sẵn chào bả cũng không muộn - Dì Sáu vừa nói, vừa múc cơm cho tôi - Ông xem, chút có mua thêm cái gì không?
- Nghỉ chút đỡ nắng. Tôi chở bà đi mua cái chiếu tre. Sẵn mua cái chiếu đơn cho thằng Tư luôn. Bên kia, tía con tôi nằm dưới đất không à.
Dì Sáu với tay múc thêm miếng thịt kho, đổ hết nước canh cá vô tô, dì nói như động viên tôi ăn thêm:
- Con ăn hết khúc cá đi, để chiều dì mua món khác.
Gắp miếng cá diêu hồng to, tôi chấm vô chén nước mắm ớt cay. Đã thiệt! - Tôi nghĩ. Tía tôi thường nói "con đang tuổi ăn, tuổi lớn" nên tôi ăn không biết no, ăn nhiều và mau đói. Tôi ăn gì cũng được, không "kén cá, chọn canh" như người khác, giống tính tía.
Tía tôi dáng vẻ thảnh thơi, gắp từng miếng cá, từng miếng rau, tía nhai hoài. Chén cơm chưa hết, xị rượu đã cạn hơn nửa. Ngày bình thường, tía tôi không bao giờ vừa ăn cơm, vừa uống rượu. Tía tôi chỉ uống với mấy người bạn thợ hồ vào tối thứ bảy mỗi tuần. Hôm nay có dì Sáu, tía tôi vui nên một mình uống giữa buổi trưa như thế này.
Dì Sáu ăn như mèo ăn. Ăn có chút xíu rồi lại vô phòng vệ sinh chà rửa bồn cầu, chà rửa sàn ở phía trong. Nước lại chảy xối xả. Chợt tôi nghĩ đến sáng mai nên tôi nói nhỏ vừa đủ cho tía nghe:
- Sáng mai con mượn xe đạp dì Sáu, con ra phụ chị Ba bán nước nha tía? Nghe nói mấy tuần nay chị Ba bị hốt bàn ghế hoài à, tía!
- Chịu vậy thôi con. Ờ, mai con ra phụ chị con đi. Tội con nhỏ, bị hốt hoài chắc cụt vốn luôn - Tía thở dài. Tôi biết mình đã ngắt mạch suy nghĩ của tía, tôi hào hứng:
- Có sao đâu tía. Sáng mai con ra sớm.
Ngày mai, tôi không cùng tía đi phụ hồ. Đôi khi, sự đổi thay này kéo theo sự đổi thay khác trong mỗi con người. Con người ta luôn thay đổi tâm thức và cả các hành động bên ngoài. Tôi cũng vậy. Tâm thức và hành động luôn tìm kiếm những gì mình cho là phù hợp nhất với mình. Ngày mai, tôi bắt đầu một công việc mới: chạy bàn (ghế) theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng.
Chương 2. Bán nước
Công viên này mới xây, những đám cỏ đã xanh mướt, vài bụi hoa đơn trồng dọc theo mé ngoài, công viên hình dáng như chiếc còng số tám. Đây là công viên của quận nên kinh phí xây dựng chắc không nhiều. Ghế đá có năm sáu cái, diện tích ít, không có chỗ chơi trò chơi cho các em nhỏ, không có chỗ tập thể dục. Nói đúng hơn, đây là bãi đất trống, có trồng cỏ và cấm "không bước lên cỏ". Muốn thể dục thì đứng sát mé ngoài đường, vừa tập vừa hít khói xe.
Tía con tôi ở cuối hẻm, con hẻm nhìn ra công viên, chị Ba lui cui đổ ấm nước vô cái fin pha cà phê bự tổ chảng. Tôi để xe đạp của dì Sáu sát cạnh tường, phía sâu. Ai mà lấy cái xe đạp của dì Sáu, mất công vác lên vai thay vì ngồi lên đó để chạy. Tôi và dì Sáu nhỏ con, ơn trời, cái xe không trở chứng. Tôi kêu lớn:
- Em tới nè, để xe chỗ này được không chị Ba?
- Ờ, để tạm đó đi, chút người ta thức dậy thì mình phải dời xe qua chỗ khác - Chị Ba hướng dẫn, hỏi tiếp tôi - Tía sao rồi, Tư?
Tôi nói cho có chuyện nói:
- Tám giờ tối hôm qua, chị Hai và anh rể qua. Mua nồi xú-quách, quá trời luôn. Tía có kêu chị mà.
Chị Ba vẻ buồn buồn. Chắc do lâu chị Ba không được tám với chị Hai, hay chị không ăn được xú-quách! Tôi không biết. Tính chị ít thổ lộ ra bên ngoài, chỉ lo làm ăn mà ít thấy chị than phiền về cuộc sống. Mấy người ở dưới quê đến, nói tía tôi, để người ta mai mối cho chị đi lấy chồng Hàn Quốc hoặc Đài Loan gì đó. Đâu, có bà mối để một xấp tiền trước mặt tía năn nỉ. Tía tôi la, chửi cho mấy bà mối mấy chặp: "tao có chết đói cũng không bán con". Mãi không gạ gẫm được, người ta để cho tía con tôi yên lành như hôm nay. Giọng chị Ba chầm chậm:
- Chị nói không qua được mà! Khuya chị về, chị tính qua, mà thôi để tía ngủ.
Tôi gỡ mấy cái ghế mủ, để cặp sát vô tường, phía lề đường, kể tiếp:
- Sáng nay còn nước dùng hồi hôm, dì Sáu mua bún về ăn. Ăn xong em đi trước. Nay tía chở dì Sáu đi làm, trên đường tía đi làm luôn. Ăn gì chưa, chị Ba?
- Cả đống đồ đang bán ở đây, ăn gì nổi. Chút khoảng chín giờ, khách vắng, chị ăn.
Giờ này chưa tới sáu giờ sáng, những người già đang tập thể dục bên kia đường. Công viên cũng đã ít người hơn. Tôi hỏi chuyện tình cảm để lấy lòng chị Ba buổi sáng:
- Anh Huy có hay ghé không, chị Ba?
Chị đưa tay lên lắc xoay vòng, đi ra đứng gần phía tôi. Chị kéo tay tôi lên hai ba bước, nói có vẻ nghiêm nghiêm:
- Ảnh ra Bắc cả ba tuần rồi, bố ảnh bị chém vì tranh chấp đất. Mấy tuần nay công an hốt quá! Tư nè, sáng người ta cũng đi hốt luôn đó. Em thấy mấy quán phía đầu đường kia không, nếu người ta hô công an thì nhanh tay lấy bàn ghế vô nha. Đó, em thảy vô cái góc trong sân nhà đó đó.
Tôi ngó lên phía đầu đường, phía bên kia công viên. Những quán cà phê sang trọng cũng đã mở cửa. Mấy anh nhân viên, áo đóng thùng, đang mang bàn ghế ra bày. Mấy chị nhân viên mặc váy cầm chổi quét. Sạch thế, có gì đâu mà quét! Đúng là quán sang. Tôi bước vô trong hẻm, ngó vô cái góc chị Ba mới chỉ tay. Căn nhà lụp xụp, ô cửa sổ tô màu xanh nghèo úa lợt lạt. Vài ba chỗ trên cánh cửa đã bong tróc, cánh cửa khép hờ. Quay ra, tôi hỏi chị Ba:
- Ủa nhà đó sao chị Ba?
Cầm vài chai nước ngọt lên bày phía trên tủ, chị tủm tỉm cười:
- Trong nhà, có cụ già. Bả tốt bụng lắm. Bà cụ thấy mình bị gôm bàn ghế hoài nên bả nói mình bỏ vô. Đêm về, chị cũng gởi bàn ghế ở đó.
Có hai khách mới đến kéo ghế ra ngồi, chị Ba im. Hết giải thích. Tôi chạy ra hỏi:
- Dạ, hai anh uống gì? - Lần đầu tiên trong đời tôi mời khách uống cà phê. Tôi cố dấu đi nét quê mùa của mình bằng cách cúi xuống sắp lại hai cái ghế kế bên; mặc dù nếu để hai cái ghế đó cũng chẳng sao. Tôi đứng đợi hồi lâu, anh áo trắng cầm cái điện thoại vẫn đang quẹt quẹt:
- Hai ly cà phê đá, gói con mèo.
- Hai phê đá, gói con mèo chị Ba - Tôi nói lớn và ngó ngang, ngó dọc. Vừa kiếm khách vô uống, cũng vừa để ý công an.
7h30p sáng. Phía trước mặt, ông xe ôm ngồi trên xe, cầm ly cà phê đậy nắp hút "rộp, rộp". Ông bước xuống, vô xe nước lấy bình trà châm vô ly rất tự nhiên. Ông quay ra ngồi như pho tượng, chỉ khác là cái đầu ông cử động.
Khách mỗi ngày càng đông. Chỉ có ba cái bàn và mười cái ghế, nhưng khách mua mang đi cũng nhiều. Tôi lăng xăng chạy qua, chạy lại đưa đồ cho khách. Người cà phê đá, người kêu bạc xỉu đá, người kêu bạc xỉu nóng, rồi nước ép trái cây, nước ngọt.. làm cho tôi chạy túi lụi xụi. Chị Ba nhớ giỏi thiệt, tôi chịu, không nhớ ai là ai. Nội việc tính tiền ba bốn thứ nước là tôi đã cộng không ra rồi. Chị Ba hay thiệt!
8h00p sáng. Không còn ai ngồi uống hoặc mua mang đi. Mấy nhân viên siêu thị Vincom đã tới giờ làm. Giờ là lúc bán cho khách vãng lai. Các công ty, cửa hàng gần chị Ba, nếu ai mua thì kêu điện thoại. Chị Ba mang đến tận nơi.
- Công an, Công an, kéo bàn ghế vô, phụ con nhỏ đẩy cái xe. Lẹ lên - Ông xe ôm vừa hô vừa xếp ba cái bàn chồng lên nhau, nhanh chân vác vô ngõ. Tiếng móc khóa xe treo trên dây nịt kêu "lẹc xẹc, lẹc xẹc". Ông quăng "rầm" vô cái nhà nhỏ. Ông chạy ra, phụ chị Ba đẩy cái xe vô phía trong hẻm.
Tôi đã gôm được năm sáu cái ghế mủ chồng lên nhau, chị Ba vẫn chạy ra, hối:
- Tư, gôm mấy cái ghế vô. Lẹ lên, nó tới là nó bỏ lên xe thùng luôn đó. Lẹ lên - Chị Ba lại chạy vô kéo cái xe, la như ong vỡ tổ.
Mười cái ghế mủ trên tay, như đã chắc ăn, tôi bước vô trong hẻm, mặt vẫn phải đề phòng mấy anh dân phòng xuống dành lấy bỏ lên thùng xe. Xe nước đã kéo sâu vô trong hẻm. Chị Ba đưa tay vén mấy cọng tóc che trước mặt:
- Được rồi chú Hoàng, nó không vô tới đây đâu. Con cảm ơn. Bỏ chồng ghế sát vô đây cho xe chạy, Tư - Chị Ba đã bình tĩnh lại.
Chiếc xe màu xanh chạy qua trước con hẻm. Mấy anh dân phòng ngồi trên thùng xe, cười nói vui vẻ, cái dùi cui màu đen treo lủng lẳng trên tay. Tướng ai cũng cao to, mập mạp. Hai chị em tôi, chỉ cần một tay, xách lên nhẹ nhàng. Trên thùng xe, tôi không thấy bàn ghế. Người ta chỉ đi tuần - tôi nghĩ trong bụng. Xe công an đi đến đâu, tôi và những người dân ngó đến đó. Chiếc xe màu xanh đánh thêm một vòng nữa rồi đi ra phía ngoài đường lớn. Tôi chạy vô nói chị Ba:
- Nó đi rồi chị Ba. Dọn ra đi?
Chị ngồi trên cái ghế mủ sát tường nhà, giảng giải về lịch trình của công an và dân phòng:
- Chút nữa. Hơn mười phút nữa mà nó không quành lại là nó đi luôn - Tay chị vẫn sắp đặt lại mấy thứ đồ trong xe nước - Tư nè, nó mà xuống lấy, đừng có rằng co với nó, nó đập cho nát tay đó. Tối hồi hôm, có cả bà cụ ngồi chơi với chị, nè,.. Tay chị nè - Chị Ba kéo tay áo lên, tôi thấy hai vết bầm tím trên cánh tay phải. Bà cụ trong nhà mở cửa đi ra, nửa thân người cụ trụ trên cây gậy gỗ:
- Mới sáng sớm! Khổ! Nó lại đuổi hả con? - Bà cụ với tay vịn vô xe nước của chị Ba.
- Dạ, con chào bà Phấn. Chẳng biết vụ gì mà đi hốt hoài! Mấy đêm trước con bị hốt hết bàn ghế, mất công hôm sau, tốn mấy trăm ngàn mua lại mấy bàn ghế cũ - Chị Ba phân trần.
Tôi đoán già, đoán non, giọng bực tức, xen ngang câu chuyện:
- Mua ở đâu chị Ba, mấy tiệm gần bên phường hả?
- Đó chứ đâu, chủ tiệm mua đồ thanh lý của bên phường. Trong phường làm gì có chỗ mà để! - Chị Ba đứng dậy, đột nhiên vẻ mặt chị lo lắng, cắt không ra giọt máu - Rồi, thu tiền góp!
Chiếc xe tay ga to kềnh càng từ phía trong ngõ chạy chậm lại. Nó tiến sát đến chị Ba, như một chiếc xe lu đang muốn nghiền nát chị:
- Tiền góp mày - giọng khàn khàn của chị Tâm đang ngồi trên xe, xém tôi lăn ra cười bò khi nghe cái giọng nam giới của chị.
Chị Ba vội vàng mở hộc tủ bằng gang tay trên xe. Chị kiếm những tờ giấy bạc có mệnh giá lớn nhất cho đến nhỏ nhất, chân chị luống cuống, hai tay cầm trịnh trọng:
- Bữa giờ em bán được bấy nhiêu. Sáng mai chị ghé lại, em gởi tiếp, chị.
Ngó trước, ngó sau, không cần ngó chị Ba. Giọng cương quyết của chị Tâm làm chị Ba càng cuống thêm:
- Không rảnh à, mày. Không đủ thì kéo xe vô cho tao. Hết - chị đề máy xe và chừng mắt nhìn chị Ba.
Chị Ba, chạy ra trước đầu xe, nước mắt bắt đầu chảy như hai máng xối hứng mưa chảy vô khạp:
- Chị thương em, chị Tâm. Cả năm nay em có dám thiếu chị đâu. Mấy hổm rày, buôn bán có được gì đâu, chị Tâm. Chị làm phước đi, chị Tâm - hai tay chị Ba chắp trước ngực xá lạy, không dám đụng đến chiếc xe màu sữa bóng lộn.
Mấy bà đi chợ buổi sáng xúm quanh, coi; người trong xóm cũng đổ ra, coi. Chung quanh im phăng phắc, chỉ có tiếng van lạy của chị Ba và tiếng kèn "tin tin" của dòng xe chạy qua, chạy lại trong hẻm, tất cả những con mắt đào xoáy vô chị Ba. Tiếng xe máy của chị Tâm tắt, chị gọi mấy người ra cưỡng bức và đẩy xe nước về nhà chị.
Vài phút sau, hai anh cởi trần mình xăm xổ chạy xe đến, đứng chờ mệnh lệnh cuối cùng. Chị Ba vẫn cầm mấy đồng bạc vừa đứng, vừa khóc, vừa xá lạy, miệng lý nhí "Chị thương em, chị ơi! Chị thương em chị Tâm ơi! Các cô, các dì ơi, năn nỉ chị Tâm giúp con". Chị Ba cầu cứu vậy thôi, ai mà nói làm gì... Tôi chỉ biết đứng nép phía sau bà Phấn, tay bám vô xe nước. Bà cụ Phấn thở hắt ra, lên tiếng:
- Thôi. Mày thiếu bao nhiêu?.. À, đây, cầm lấy trả cho nó. Mày trả tao sau cũng được. Rõ khổ! - Bà cụ rút ra tờ giấy bạc màu xanh, dúi vô tay chị Ba - Ông trời chẳng có mắt!
Chị Ba quay qua xá lạy bà cụ Phấn như tế sao, chị cầm, đưa ngay tờ giấy bạc đưa cho chị Tâm. Chị Tâm "hứ" một tiếng, xe chị nổ máy, chạy ra đầu hẻm. Vài ba người còn nán lại hỏi chuyện bà cụ Phấn. Người ta biết rõ rồi, người ta muốn khoét sâu thêm vào câu chuyện một chút nữa. Nước mắt tủi nhục của sự nghèo khổ vẫn chảy trên hai má chị Ba. Nước mắt rơi xuống đất, đất im lặng! Nước mắt không lên được đến trời, trời im lặng! Nước mắt của tôi chảy ngược vô trong lòng, lòng tôi im lặng, xót xa! Tay bà cụ Phấn huơ huơ để đám người tản ra, bà vỗ nhẹ vô vai chị Ba, an ủi:
- Thôi nín đi, con. Chuẩn bị đồ ra bán đi - Quay qua tôi, đẩy vai tôi, bà cụ hỏi - Mày là em nó hả? Giống nhau như đúc. Phụ con nhỏ đẩy xe ra bán đi. Rõ khổ! Mới sáng sớm!
Nắng buổi sáng đã gắt hơn. Phía bên công viên không còn một bóng người. Quán cà phê ăn sáng - sang trọng, phía đối diện, tấp nập người ra vào. Mùi nước dùng, hơi của nồi phở bay nghi ngút, tạt ngang qua cho tôi ngửi ké. Ông chủ quán nhanh tay đậy nắp nồi. Dưới chân, mùi ống cống quay trở lại vây kín chị em tôi. Hai ổ bánh mỳ ỉu, không nhân, không thịt nằm chèo queo trong xe nước. Chị Ba lấy con dao Thái Lan chẻ ra, nhét vô mỗi ổ một nửa trái dưa leo, xịt thêm ít nước tương. Chị đưa cho tôi một ổ, chị kể với giọng khàn đặc khổ sở:
- Tháng trước, anh Huy có nộp hồ sơ của chị vô công ty ảnh đang làm. Nghe đâu phải chờ trả lời, lâu lắm rồi! Buôn bán kiểu này sống không nổi!
Thân phận người con gái như lục bình trôi, đến được bến trong bến đục cũng phải chịu, chị Ba buồn bã:
- Ảnh đi cả gần tháng nay, chẳng biết khi nào vô! Ảnh cũng nhờ bạn bè gì đó, nói xin cho em coi tiệm internet. Tía có nói em không? - Giọng chị thiểu não, nhão nhoẹt, pha đượm ít nhiều chua chát, ổ bánh mì muốn rớt vô chân thằng bé bán vé số.
Thằng "Tiến vé số" đen thùi lùi, đứng nhìn chị Ba như thương hại. Hết nhìn chị Ba, nó quay qua nhìn tôi như người mới từ hành tinh khác xuống. Nó ngồi bệt xuống đất hóng chuyện. Cái túi dây vắt ngang người, nó kéo sát trước bụng, nó cũng sợ bị người khác cướp mất.
- Tía đâu nói gì đâu, chị Ba! Đi bán đi cưng - Tôi hối thằng Tiến. Nó vẫn ngồi im - Nè, cầm ăn đi cưng.
Thằng Tiến cầm ổ bánh mỳ của tôi, đặt xấp vé số và sổ dò lên chân. Nó gật đầu rồi ăn ngon lành, không nói một lời nào. Thằng Tiến - sáu tuổi đã ra lăn lộn ngoài đời, còn sớm hơn tôi, tôi chưa thấm tháp gì.
- Anh Huy gọi, nhắc tiền nhắc bạc thì đỡ... - Chưa nói hết câu, mặt chị đã méo xệch.
Chị Ba mừng, khóc nức nở, không nói được lời nào với anh Huy. Chị chỉ khóc và khóc. Một hồi lâu, chị vẫn đưa tay lên quẹt nước mắt. Hơn bốn phút, tôi chỉ nghe những tiếng "dạ, dạ" trong những tiếng nấc nghẹn của chị. Chị vẫn cười mếu máo, chị vẫn khóc, vẫn nghe điện thoại. Tôi nghe đến tiếng "dạ" cuối cùng, chị cúp máy. Cũng chỉ một con người, trong mấy tiếng đồng hồ, bao khổ đau đè xuống vai chị, đâm vô tim gan, đâm vô đầu óc. Giờ đây, chỉ một cuộc điện thoại làm chị tươi tỉnh, sức sống lại bắt đầu. Cúi xuống, lau nước mắt, quay lại phía tôi, chị Ba cười:
- Ảnh nói ngày mốt, thứ hai. Chị vô làm công ty, gặp chị Hiền. Chị được đi làm rồi. Cái công ty mà chị mới nói đó.
Nước mắt của chị Ba càng chảy nhiều hơn, chị lau càng nhiều hơn. Đây là nước mắt của hạnh phúc, khác với nước mắt của khổ đau năm phút trước đó. Cầm cái chổi ra quét mấy mẩu tàn thuốc lá, chị quay lại phía tôi, tươi tỉnh:
- Ảnh đang đi xe vô rồi, ảnh gọi chị khi ảnh ngồi trên xe. Chắc sáng thứ hai, ảnh cũng đi làm lại trong công ty.
Bấy lâu nay, khi nghe đến nghe đến "làm công ty", tôi mừng hết biết. Chị Ba vô làm công ty thật rồi, tôi nằm mơ cũng không được.
- Chị Ba vô đó làm gì? Công ty nhà nước, công ty nước ngoài hay trong nước, chị Ba?
Chị nhai miếng bánh mỳ, miệng cười toe toét như lượm được đống vàng:
- Chị vô phụ nhà bếp. Lặt rau, rửa chén. Tư hỏi gì mà hỏi một đống! Công ty nhà nước, làm về đóng tàu.
Tôi càng mừng, hào hứng hơn:
- Vậy lớn lắm heng, chị Ba?
Thằng tiến đứng dậy. Nó đã ăn hết ổ bánh mỳ, vẫn không nói một lời, nó chỉ tay về phía ông xe ôm đang chạy xe về.
- Chú Hoàng mới về - chị Ba chào, quay lại tôi, chị trả lời đầy vẻ tự hào - Lớn. Ảnh làm công nhân hàn ở trỏng. Tư, giờ này cũng không còn khách đâu, thôi kéo xe nước vô đi Tư, cho chắc ăn. Nó hốt giờ này là đuối luôn! Bạn chị ở Tân Vạn, tối nay chị gọi vợ chồng nó lên, chở xe nước về dưới đó, nó bán - chị đứng dậy, ra nói lí nhí gì đó với chú Hoàng. Tôi chỉ nghe thấy tiếng chú "Chúc mừng con, hén... Ờ, ờ,... tối chú qua. Ờ, ờ".
Chị Ba chỉnh lại cái áo khoác, không còn xộc xệ, bỏ nón lá lên lóc tủ, chị cười đầy vẻ tự tin:
- Giờ chị về dọn đồ qua tía, sáng nay dì Sáu đi mua bún, dì Sáu kêu chị qua ở chung. Dì Sáu nói với bà Hai rồi. Cà phê còn quá trời, em uống không? Ờ... Để chị làm.
Chị Ba đổ hết cà phê vô một bịch lớn, phần còn lại chị đổ vô hai ly mủ, bỏ đường, bỏ đá, đậy nắp lại, cắm vô mỗi ly một ống hút. Chị đưa cho tôi một ly, chị cầm ly kia, ra máng lên móc xe của chú Hoàng.
Tôi bỏ máy sinh tố vô bịch, cuốn dây điện, ôm vô chung cùng chồng bàn ghế, mang đến gửi nhà bà cụ Phấn. Cụ đi chợ, không có nhà. Chị Ba mở khóa cổng ngoài, hai chị em tôi đẩy thẳng xe vô.
Chương 3. Ăn mừng
Chị Hai đạp chân chống xe đạp "cạch" trước cửa phòng. Trên tay nào trái cây, nào rau, giá đỗ, rau nhúc và bịch bông so đũa, hô lớn:
- Tư, ra phụ chị, bỏ cái xe sát vô vách đi cưng. Tía về chưa?
Trời về cuối buổi chiều, mưa lác đác, gió thốc vào từ sông Sài Gòn, thổi mạnh, sấm nổ ầm ầm. Hai dãy phòng trọ chưa ai đi làm về. Phòng số 12 trai gái cười, nói, đàn ca từ mười giờ trưa. Giọng ai nấy đều nhừa nhựa trong men rượu. Tiếng chửi thề inh ỏi.
Thỉnh thoảng, một hai chiếc xe máy chạy ra, chạy vào, pô xe nổ như đại bác xung trận. Hai chị đeo tai nghe, chị ngồi gật gù theo tiếng nhạc, một chị nằm trên đùi anh áo đỏ, cầm đũa gõ vô chén "cong cong" khoe cái quần ngắn cũn cỡn, rách gấu te tua như bị cá chốt rỉa. Giọng ai đó phía trong kêu lớn:
- Wow... Gái đẹp, gái đẹp, vào đây nhậu, em gái - Tiếng cười sảng khoái, tiếng đập vô thùng đàn bùm bùm một hồi, vẻ thích thú.
Chị Hai nhanh chân đi vô phòng, tôi bước theo sau, chị hối:
- Chốt cửa lại, Tư. Đám quỷ đó, thấy mà ghê!
- Mấy người nhìn bảnh tỏng mà thô lỗ thiệt!
- Bảnh tỏng gì? Thằng có hai quầng mắt sâu hoắm, cổ cao như con cò ma ấy, nó bên dãy phòng chị. Sinh viên, sinh véo gì đó. Tụi nó đàn đúm hết bên này, qua bên khác. Nguyên cái hẻm này, không ai chịu nổi tụi nó - Chị Hai bực tức.
Nghe chị Hai kể, mấy người đó con nhà khá giả. Lên Sài Gòn học, trường gần đây, ở xóm này cũng lâu rồi, chẳng biết ra trường hay chưa!
Trong hẻm, mấy anh chị này quen với một anh có nhà riêng ở trong hẻm, thường tập chung ở nhà đó, hút "cỏ Mỹ", "cỏ Cao Nguyên" gì đó rồi ca hát um xùm. Bữa hôm, anh cổ cao đã kiếm chuyện với anh rể rồi. Sự việc đơn giản chỉ là mời anh rể uống rượu, anh rể không uống thôi. Có bữa, có người uống say quá, té lấm lem như thằng mò bùn bắt cá cạn. Tôi nghe vậy nên cũng ơn ớn trong người.
Chị em tôi làm đồ ăn trong phòng. Hồi lâu sau tía tôi và anh rể cũng về. Dì Sáu, Chị Ba xách con vịt đã làm lông sẵn, vẻ mặt tươi cười hớn hở. Hôm nay sẵn chiều thứ bảy nên chị Ba làm tiệc đãi cả nhà luôn.
Chúng tôi, mỗi người mỗi việc, người lặt rau, người rửa, người nấu. Tía tôi ngồi trước cửa phòng trọ, hút thuốc. Đồ nấu thì nhiều mà chỉ có mỗi cái bếp ga mi-ni nên nhá nhem tối chúng tôi mới ngồi vô ăn. Chị Ba thấy thiếu đồ uống, chị nháy mắt:
- Nay con đãi, cho tía và anh rể xỉn luôn - Vừa nói, chị vừa đi ra ngoài đường mua rượu và nước ngọt.
Anh rể nói ngó chị Hai, nói lớn:
- Dì Ba, để anh đi mua - Anh rể móc bóp trong túi quần đi ra nhưng chị Ba đã đi ra tút mút bên ngoài đường.
Mấy anh chị phòng số 12 chắc cũng đã say xỉn, tiếng gõ nồi, gõ chén, tiếng đàn, ca càng chát chúa và ầm ĩ hơn. Giọng ca nhừa nhựa im bặt, tiếng đàn im bặt được thay bằng tiếng kêu dài và lớn vang qua phòng tôi "Gái... nhậu...".
"Choảng" - Chị Ba bị giật mình. Chai rượu trên tay chị Ba đã rớt xuống trước cửa. Trong tích tắc, dì Sáu và chị Hai đứng bật dậy như bị điện giật. Mặt chị Ba tái không còn miếng máu, ngây ra như Từ Hải chết đứng, cũng đứng im, miểng chai vung vãi, vài lon nước ngọt bò lăn qua cửa phòng đối diện đang đóng cửa im ỉm.
Tiếng cười cợt nhả, sặc sụa phát ra, tiếng gõ nồi, gõ chén ầm ầm, có anh còn chạy ra trước cửa phòng cười lăn, cười bò. Miệng cười hả hê, tay chỉ về phòng tía con tôi. Mặt tía đỏ phừng phừng, đứng dậy nhìn qua phòng 12. Anh rể nói lớn từ gì đó, chị Hai và dì Sáu ngăn cản, nói ồn ào trong phòng. Con dao trong tay anh rể được chị Hai gỡ ra, bỏ lên kệ bếp. Dì Sáu cố giữ tay, không cho anh ra ngoài phòng.
Chị Ba bước vào, nước mắt chị đã cạn. Chị lắc tay nói anh rể:
- Bỏ đi anh rể, tại em, đâu phải tại tụi nó đâu. Bỏ đi.
Tôi lui cui lượm mấy lon nước ngọt, tía tôi kéo tờ báo cũ gôm lại những miểng chai đã vỡ, gói lại, đưa cho tôi bỏ vô bịch rác trong phòng. Cu Tin thấy động, tay bám vô cánh cửa, ngó ra kêu "Ông, ông" như ra điều muốn nói tía tôi làm bể đồ, như nó làm bể chén vậy. Nó chạy qua, chạy lại, bước vô phòng tía con tôi, tay vẫn chỉ về phía tía tôi, nói: "Ông, ông". Mọi người đều hiểu ý nó, cười ầm ầm.
Chén đũa của tía con tôi được bày ra, cùng mấy cái chén của chị Ba mới mang về. Con vịt được dì Sáu chặt gọn gàng, bỏ trên tờ giấy báo. Chị Ba gọi chú Hoàng, chú đang chạy xe, không về kịp. Anh rể đưa cho tôi hai tờ giấy bạc màu đỏ nói tôi đi ra mua lại hai xị rượu. Hơn sáu giờ tối, bữa tiệc chính thức bắt đầu.
Anh rể là người miền ngoài, vô Sài Gòn làm ăn đã hơn sáu năm. Anh làm chung với tía tôi, anh là thợ chính. Cuộc sống làm thuê, kiếm miếng ăn theo ngày, theo mỗi công trình mà chủ nhận được nên từ khi cưới chị Hai đến nay, anh chị cũng không dư dả gì. Bữa hôm, anh nói với tôi "anh chị làm một thời gian nữa, anh nói tía để em đi học ở Trung tâm giáo dục thường xuyên". Tôi cũng mừng, cũng lo.
Hồi xưa, khi má tôi còn sống, má thường hỏi tôi "lớn lên Tư làm gì?". Tôi thường trả lời "con làm bác sỹ, chữa bệnh cho má". Má tôi không còn nên mộng làm bác sỹ cũng không còn nữa. Giờ đây chỉ mong có đủ cơm ăn qua ngày, có tiền để trả tiền phòng trọ, được học hết cấp ba như anh rể. Vậy là hạnh phúc lắm rồi.
Ba chị em tôi, đâu có ai học hết cấp ba. Chị Hai học hết lớp mười một, đầm tôm của tía nuôi, chết trắng mấy vụ. Tía tôi quay qua nuôi cá, cũng bị thua lỗ. Đùng một cái, má tôi mất, cũng là lúc ngân hàng xiết nợ. Mấy tía con dẫn nhau đi làm mướn dưới quê. Mấy năm nay, đất dưới quê như rừng ngập mặn, tía con tôi lại dẫn nhau lên Sài Gòn làm mướn. Dù sao, ở đây cũng dễ sống hơn, tía tôi nói vậy. Tía có hứa với tôi, khi nào "trúng số" sẽ cho tôi ăn gà dán KFC. Tía hứa, nhưng "số" thì chưa thấy tía "trúng".
Ở Sài Gòn này được hơn một năm, tía tôi "trúng" anh rể bây giờ. Anh Huy thì tôi chẳng có thông tin gì vì chị Ba ít nói. Tía tôi cũng không nói nửa lời, bữa tiệc hôm nay tía mới hỏi chị Ba:
- Con và thằng Huy tính sao, đến khi nào? Tía thấy nó cũng hiền, chịu khó làm ăn. Mà tía cũng nói vợ chồng nhỏ Hai, tụi bây sinh con đi. Người ta muốn sinh còn không được. Trời sinh voi, sinh cỏ. Lo gì.
Chị Hai chọc phá tía:
- Tía và dì Sáu sinh em bé đi, hen dì Sáu. Coi chừng bà Hai bả ghen đó ngen - Chị Hai phá lên cười, vỗ cả hai tay vô chân dì Sáu.
- Tía già rồi, có dì Sáu làm bạn già. Có buồn vui gì tâm sự, chăm sóc nhau khi ốm đau, mệt nhọc. Dì Sáu không có ai, tía nói dì về đây ở, còn có tía, còn có các con - Tía tôi đột nhiên ngưng lại.
Đám trẻ nhao nhao, vỗ tay ầm trời. Tiếng gõ cửa từng phòng, tiếng bà Hai kêu chát chúa. Bà đến trước cửa phòng tôi nói oang oang:
- Anh Bảy, tối nay cầm tờ này ra bãi đất ngoài kia lãnh đồ.
Tôi vội đứng dậy cầm tờ giấy. Tôi đưa cho tía, cả nhà xúm lại bên tía đọc, cười "ồ". Giờ này chúng tôi mới để ý đến những lời ca rên rỉ phát ra từ chiếc loa thùng ngoài bãi đất vọng vào. Theo sau chân bà Hai, thằng Tiến cầm mấy tờ vé số, đưa ra mời tía tôi mua. Nó không nói gì. Tay nó chỉ ra phía ngoài đường như báo hiệu có nhóm từ thiện đến. Chị Ba nhanh chân chạy vô kệ bếp, cầm mấy miếng bánh phồng đưa cho nó, chị gật gật đầu như đã hiểu. Chị Ba giải thích "nó bị câm, không cha, không mẹ, ở với người bà con".
Dì Sáu xếp lại chén đũa, mang vô phòng vệ sinh rửa. Chị Hai nấu nước, pha bình trà cho tía và anh rể. Chị Ba lau nhà. Tôi cầm tờ báo cũ nát ngồi một góc, đọc những hàng chữ quảng cáo bán nhà, bán xe, nhà hàng,... Nhẩm tính, bữa tiệc hôm nay chắc bằng tám ly mì trong tờ quảng cáo, trên tay tôi đang cầm.
Chương 4. Từ thiện đến
Tôi bước theo thằng Tiến đi ra ngoài đường. Chiếc xe tải nhỏ đậu ngay chỗ chị Ba bán nước. Người ta phải chuyển những thùng mì, quần áo cũ và những thùng bột nêm vào bằng tay, xếp gọn gàng trên bãi đất trống, gần chiếc loa thùng. Trong xóm, ba bốn người đàn ông ra vác phụ, mồ hôi nhễ nhại bám vào những thân hình gầy còm, ốm yếu.
Người trong nhóm từ thiện cũng không ai cao to mập mạp gì, ngoại trừ hai anh cầm một xấp phong bì dày cộm, da mặt dám như khạp da bò, cân nặng chắc khoảng hơn tạ mốt, đang đi qua đi lại, tay cầm cái mi-cờ-rô.
Dân trong xóm trọ đến đặc kín khu đất, xô đẩy, chen lấn, cầm tờ giấy lên cao, huơ huơ. Mấy đứa trẻ không chen vô được, đứng phía ngoài, nhảy lên nhảy xuống để ngó những người mặc áo vàng, chữ in trên áo "Nhóm từ thiện". Tiếng loa phát ra giọng nói ồm ồm:
- Xin bà con giữ trật tự, không chen lấn. Hôm nay, chúng tôi đến phát quà miễn phí cho bà con. Mỗi gia đình sẽ được nhận một thùng mì, năm bịch bột nêm. Quần áo cũ, chúng tôi đã gửi về các chủ phòng trọ. Bà con ra lựa, lấy sau. Chúng tôi sẽ phát mì và bột nêm trong mười lăm phút. Mong bà con thông cảm.
Tiếng vỗ tay ầm ầm, người nào có "Giấy nhận quà" thì đưa cho các anh áo vàng, người ta thu lại và trao "quà". Ai nấy đều vui mừng, hả hê. Người không có giấy, nhìn tiếc hùi hụi. Tôi chạy về, kêu tía đưa tờ giấy để tôi ra lãnh. Cả nhà tôi lại cười "ồ", tôi không hiểu, mặt tôi quái dị lắm sao! Tôi đưa tay vuốt mấy giọt mồ hôi đang chảy trên mặt, dưới tóc mai. Tía tôi cười, khuyên giải:
- Mình nghèo thì đã nghèo rồi, mấy đồ đó, để dành cho người khó hơn mình. Tía đưa cho mẹ cu Tin lãnh rồi.
Cu Tin nhảy tưng tưng khi thấy mẹ nó cặp hai thùng mì, hai bên hông, đang đi về, mặt mũi nhợt nhạt mồ hôi. Mẹ cu Tin đặt ngay cửa phòng, bóc thùng mì ra, cu Tin vỗ tay "chét chét". Mẹ cu Tin kêu "chết" và chạy qua đưa cho tía tôi xem:
- Bác Bảy, sáng mai chủ nhật, "giấy mời" trong thùng mì nữa nè.
Tía tôi cầm lên đọc, tía nheo mày, vết nhăn hoắm sâu vào trên trán như những cái đìa cạn nước lâu ngày, lắc đầu. Tôi chạy vào đọc ké thấy dòng cuối cùng " ... bên hông Nhà Thờ Đức Bà, Quận 1. Giấy này tương ứng một phần quà hai trăm ngàn đồng". Tôi vừa đọc đến đấy, tía đã đưa lại cho mẹ cu Tin. Mẹ cu Tin nhanh tay đưa hai tờ "giấy mời" cho mấy người thanh niên khác, đang đứng trước cửa. Anh cổ cao, phòng 12 ngồi hút thuốc, thõng hai chân xuống thềm, ánh mắt như dò xét.
Trong tôi thoáng vụt lên những hình ảnh ngày xưa đi chùa, cùng má. Má tôi cùng các nhà sư, phát quà từ thiện ở chùa Thanh Long thật bình an và trật tự. Ai nấy đều hoan hỉ, bình tĩnh và an lạc, cả người nhận quà và người phát quà. Ngày đó, tôi thường mặc áo lam, đứng sau lưng má, chắp hai tay trước ngực... Chị Ba như đoán được những ngạc nhiên và sự tò mò trong tôi, chị nói nhỏ "kệ, đừng tham gia".
Nghe chị Ba kể, cũng mấy người mập ú này, tháng trước đã phát mì ở ngoài công viên. Anh mập ú đang phát thì công an đến, yêu cầu ngưng phát, xe tải nhỏ ì ì chạy đi. Bữa nay, người ta làm kín đáo hơn, khôn khéo bỏ những tờ "giấy mời" ở những thùng mì nằm sâu trong thùng xe, những thùng mì phía dưới. Có ai yêu cầu hay kiểm tra thì cũng chỉ kiểm tra được phía ngoài, ai đâu mà gỡ ra kiểm tra hết được. Tờ "giấy mời" trong thùng mì là của một nhóm người nhỏ, thường xuyên dụ người lao động trong xóm trọ nghèo, đi biểu tình - chị leo lên gác nói chuyện với chị Hai và dì Sáu.
Xóm trọ vẫn đang lao nhao tiếng chửi thề, người tặc lưỡi, người lắc đầu, người đứng, người ngồi dưới ánh điện loe loét, gần cột điện. Người này đưa giấy qua người kia, xì xào những điều tôi không nghe được. Anh thanh niên cầm mấy tờ giấy nhanh chân chạy ra trả lại, trong đêm tối thứ bảy, đoàn từ thiện đã ngồi lên xe ở đầu hẻm. Xe bắt đầu chạy. Anh thanh niên chạy nhanh, quay vào, rút hộp quẹt trong túi áo, đốt "giấy mời".
-- Còn nữa --
Tác phẩm: Xóm Trọ Vùng Ven.
---------------------------
Chương 1. Dọn nhà
Xe tía tôi chạy chầm chậm, quẹo qua bảy tám ngõ nhỏ từ Quốc lộ 1 vô đến đây. Tôi ê hết cả mông. Tay trái bám vai tía, tay phải tôi đặt nồi cơm điện xuống đất, bước xuống xe. Cái chân tê cứng, tôi đứng không vững, làm nghiêng xe tía.
- Từ từ xuống, làm gì gấp dữ vậy, Tư! - Tía tôi vẫn ngồi trên xe, nói - Phụ tía bỏ mấy cái móc đồ xuống trước.
Tôi lui cui cầm mấy cây móc đồ bằng nhựa, đã cũ. Nếu làm mạnh, mấy cây móc đồ bằng nhựa lâu ngày chắc gãy nát quá! Tôi chạy lại phía sau xe máy, kiếm đầu cọng dây ràng, gỡ xuống ba cái nồi nhôm, một nồi inox nhỏ xíu, một cái bếp ga mi-ni và đống mùng mền mà dì Sáu đã gói sẵn. Đây là tất cả gia tài của tía con tôi.
Tía tôi già, tôi còn nhỏ nên đồ đạc như vậy là đủ, cũng như xóm trọ này. Trẻ em rất đông, chúng chạy nhốn nháo, mặt mũi lem luốc, tranh nhau ngồi lên xe đạp. Có thằng nhỏ phòng đối diện, chạy vô khóc mếu máo. Méc ba nó mà không thành lời, hai đứa nhỏ hơn cũng vây quanh nó, chỉ tay ra phía ngoài đường. Mặt chúng nhợt nhạt như tàu lá chuối ngâm nước ba ngày: "Chị Hai té xe". Tôi ngó theo hướng tay hai đứa bé chỉ.
- Tâm, Tâm ơi... Con mày té - Bà Hai, chủ phòng trọ, lạch bạch như con vịt xiêm dưới quê, chạy vô kêu lớn - Tâm, Tâm... nó gãy tay rồi, lòi đầu xương ra rồi!
Chỉ kịp nói được mấy câu, bà Hai lại chạy ra ngoài đường. Tiếng nói cười của khu nhà trọ được thay bằng những bước chân xỏ dép và tiếng la hét. Người đàn ông nhỏ thó chạy ra khỏi phòng như tên bắn, người phụ nữ chạy theo sau kêu la thất thanh. Cả xóm lao nhau chạy ra đầu ngõ. Em bé gái nằm khóc thảm thiết dưới mảng tường gạch đang xây dở. Bà Hai lách người ra khỏi đám đông, quay ra chửi vào đám đất:
- Mồ cha tụi nó, xây thì xây luôn đi! Để đó mà bẫy con nít nhà tao à - Bà bẻ cành bông bụp, mấy đứa nhỏ chạy toán loạn - Ra tận đây chơi nè, ra tận đây chơi nè... Đưa con nhỏ đi viện, nhanh lên... - Bà quất vô đít mấy đứa nhỏ, không kịp chạy, bà hối mấy người lớn trong dãy nhà trọ, ai nấy đều quýnh quáng.
Máu trên tay bé gái chảy như bịch nước dâu tây bị xì. Người đàn ông chỉ mặc mỗi chiếc quần xà-lỏn, đề xe gắn máy nổ "xìn xịt" chạy sát gần. "Nhanh lên, nhanh lên. Chở nó vô bệnh viện" - Người đàn ông la lớn, vòng tròn người xem vỡ ào ra một phần ba để chừa đường cho xe chạy. Em bé được chở đi nằm ngất lịm trong tay cha nó.
Tôi và tía mãi nhìn theo, bánh xe đã khuất vào ngã tư phía trước. Mẹ bé gái luống cuống về phòng, xách ít đồ, vừa khóc, vừa lấy xe gắn máy chạy đi.
Dựng chống xe đứng, tía tôi lấy tay quệt những giọt mồ hôi trên chán, vuốt ngược ra phía sau đám tóc bạc. Nhìn phòng đối diện đã đóng kín cửa, tía thở dài. Thò tay vô túi quần, tía rút ra gói thuốc Hòa Bình, lấy ra một điếu và mồi lửa:
- Tư, con bỏ hết đồ xuống, tía ra nhà bà chủ lấy chìa khóa.
- Có mấy cái này, có gì đâu, tía lo!
Mấy bịch đồ đã được Dì Sáu gói gọn gàng, quần áo tía con tôi trong một bịch. Quần áo của dì trong một bịch khác. Chén đũa cũng trong một bịch được nhét hết vô thùng cạc-tông nhỏ. Tôi xếp thành hàng trước cửa, phòng cuối cùng trong hai dãy phòng trọ. Bên ngoài cửa mỗi phòng, những đôi dép xếp hàng siêu vẹo, một vài phòng khóa cửa chính phía trong, vài phòng khóa cửa ngoài. Quần áo treo lủng lẳng trên trên cây gác sào phơi đồ trước mỗi phòng là những lá cờ khẳng định chủ quyền riêng của mình. Vài ba chiếc xe gắn máy xếp hếch đít ra ngăn cản, kính chiếu hậu gá vào cửa sổ.
Có cửa sổ phòng mở toang, có cửa sổ phòng đóng im ỉm, hai ba cánh cửa mở khép hờ. Từ cuối dãy phòng trọ, tôi nhìn những cánh cửa sổ như một đoàn quân khuyết tật đứng yên bên ngoài, vang ra những tiếng gào thét bên trong. Mùi nước xả vải thoang thoảng trên gác sào phơi đồ pha lần mùi phấn em bé tỏa ra từ phòng kế bên, hòa vào mùi thịt kho tiêu, mùi khô mực nướng làm cho tôi chảy nước miếng.
Bà Hai có hai má xệ ôm vào cái cổ núc ních thịt, bà đi xuống cùng tía tôi. Cái môi dưới của bà trề ra, kéo theo hai nếp nhăn trên mặt. Bà cầm cuốn sổ ghi chép và chìa khóa, đi đến trước cửa phòng trọ, giao tận tay tía tôi:
- Anh Bảy, đây là khóa phòng. Tôi ghi số điện từ hôm nay - Bà Hai quay mặt về phía tôi, vênh mặt, lấy tay chỉ lên đồng hồ điện ngay trước cửa phòng trọ - Thằng nhỏ, đọc giùm dì cái số điện - Một mệnh lệnh đanh thép.
- Dạ, tám năm hai bảy - Tôi đứng lên xe tía tôi, ngó vô cái đồng hồ điện đọc lớn.
- Anh ở ba người phải không, anh Bảy?
Mặt tía tôi nghiêm nghị, trịnh trọng nhưng lại bị tái mét:
- Dạ, chị Hai - Tía tôi lấy tay kéo cổ áo thun lau mặt - Tôi có thưa với chị hôm rồi, chỉ có ba người thôi.
Dãy phòng trọ nhà bà Hai nằm bên cạnh bờ sông. Cách tường nhà mười lăm mét là bãi đất, trong xây bia tưởng niệm. Có lần, tôi đã nghe chị Ba kể. Nghe đâu năm 1975, bộ đội giải phóng đánh vô. Hai bên giằng co vị trí chiến lược này mấy ngày đêm. Bộ đội đã chiếm được toàn bộ bên kia sông, đêm, bơi qua bên này sông, đánh nhau tơi bời khói lửa.
Vùng đất này hồi đó còn hoang sơ, nguyên là rừng tràm ngập nước, không có dân ở. Bà Hai là người miền ngoài, về mua khu đất này cũng đã lâu. Cơn sốt đất những ngày đầu, bà cắt đất, phân lô, bán nền.
Tiền bạc bà Hai rủng rỉnh. Không làm mà vẫn có ăn, ăn thoải mái, tiêu xài thoải mái. Bà cũng được anh con trai dẫn lên tòa nhà ba mươi mốt tầng, ở Quận 1, uống cà phê. Uống trên cao, chán, bà dẫn bồ trẻ ra mãi Phú Quốc ăn chơi một thời gian. Anh bồ không đào được đồng nào của bà, anh chạy mất dép. Ở Sài Gòn, hai người con trai của bà ăn nhậu, trai gái, hút xách ghê lắm. Chị Ba nói, anh con đầu đang ở trại cai nghiện, anh con trai sau thì bị AIDS, chết rồi. Bán dần bán mòn, rồi cũng hết. Cuối cùng bà còn hai dãy phòng trọ và cái nhà cấp bốn, kế bên, chừng tám mươi mét vuông.
Thấy bộ dạng khổ sở của tía tôi, bà Hai quay mặt, bước về phòng đầu của dãy phòng trọ, nói vô đám không khí trước mặt:
- Ba người, mỗi người năm mươi ngàn tiền nước hàng tháng - Bà gõ mạnh vô cánh cửa đang đóng kín, chốt phía trong - Dì thu tiền phòng mấy đứa.
Tía tôi khom người tiễn bà Hai, biết bà không ngó, thân hình tía động đậy trở lại. Tôi nhảy xuống khỏi yên xe gắn máy, hỏi nhỏ tía:
- Ủa Tía, bả không thu tiền tía luôn à?
Như thoát được tai nạn khủng khiếp, cúi xuống xách mấy bịch đồ vô phòng, tía tôi đẩy mạnh cánh cửa phòng trọ và cười hì hì:
- Không, bữa hổm tía nói rồi. Bả cũng không thu tiền cọc luôn. Ở hết tháng nào đóng tháng đó. Nãy bả hỏi, tía tưởng bả đổi ý. Vậy cũng mừng.
Khi cửa phòng vừa mở, mùi hôi hôi và tanh tanh bao trùm căn phòng. Giấy tờ vung vãi, vài mảnh vải rách xanh đỏ vàng treo lủng lẳng trên cầu thang lên gác. Với diện tích chừng chín mét vuông thế này đủ cho ba người ở. Phòng này còn sáng sạch và rộng hơn phòng cũ bên quận Tân Phú nhiều. Tôi gỡ mấy cái móc phơi đồ, máng lên cọng dây kẽm ngang tường. Tía tôi mượn đâu được cái chổi mang về quét trên gác, bụi mù.
- Trên đó dơ lắm hả tía? - Từ trong phòng vệ sinh, tôi hỏi với lên.
- Ờ. Con máng mấy cái nồi lên ngay chỗ bếp. Tía thấy người ta còn để lại mấy các móc và đinh máng. Quần áo, chút nữa dì mày tới, dì mày máng. Còn đồ không, ra mang hết đồ vô đi, con.
Tôi với tay cầm miếng rẻ lau trên cầu thang, mang vô phòng vệ sinh xối nước ào ào. Nước ở đây nhiễm phèn nên có màu vàng đục. Phèn bám vô bồn cầu, bám vô tường, bám vô lớp gạch men dưới sàn. Tôi té cái "ạch" vì bị trơn trượt.
- Có sao không, Tư? Lại té nữa! - Tía tôi từ ngoài chạy vô ngay sau lưng tôi.
- Có sao đâu, Tía. Để con lau trên gác.
Bước tới cầu thang, hình ảnh em bé bị xe đạp và đầu xe máy đè lên, hình ảnh bé xỉu nằm ngoặt cứ lảng vảng trong đầu tôi. Cầu thang lên gác được làm bằng sắt cây, vững chắc, vậy mà tôi bước lên chao đảo. Cầu thang có thể gấp lại, móc sát vô tường; khác với cầu thang gỗ ở phòng cũ của tía con tôi.
Hình ảnh người mẫu Hàn Quốc dán đầy trên gác, nam có, nữ có. Những cái tên xa lạ, hình dáng xa lạ. Người ở thành phố tiếp xúc nhiều với phim ảnh, điện thoại, internet thì ham mê thích thú. Nghe nói, thần tượng mấy ngôi sao Hàn Quốc lắm, có người khóc ngất xỉu khi thấy thần tượng của mình luôn! Thần tượng của tôi là tía, tôi khóc thương tía tôi thôi. Tôi xé mấy tấm hình, vo tròn, thảy ra ngoài cửa phòng.
Tôi lau đi lau lại trên gác được hai lượt thì dì Sáu cũng chạy xe đạp đến, đang đứng ngoài cửa. Dì xách khệ nệ mấy bịch đồ nào là đồ ăn tươi sống, gạo, nước mắm, nước tương, đường và bịch bột nêm nhỏ thò ra như muốn rớt xuống sàn nhà. Cái dáng nhỏ con của dì nhìn có vẻ lẻo khẻo và ốm yếu.
Mồ hôi tôi chảy nhễ nhại, cái áo thun màu đỏ đã ướt đẫm mồ hôi. Tôi kéo lê bịch đồ của dì Sáu vô phía sâu trong phòng. Dì Sáu hỏi thân thiện:
- Con uống nước gì? Nói tía con ra đầu ngõ mua - Dì hỏi tiếp tía tôi - Ông có uống cà phê không? Ông ra đầu ngõ, hỏi đổi ga chỗ nào, đổi cho tôi bình ga.
Dì Sáu, tính tình hiền lành, người gần nhà tôi ở dưới Vĩnh Long. Dì Sáu có chồng nhưng không có con. Chồng dì và dì thường đi cắt lúa mướn mỗi khi đến mùa, còn không, ai mướn gì làm nấy. Chồng dì bị bệnh, dì mượn tiền ngân hàng, ngân hàng cầm sổ mấy công đất. Đến hạn không trả được! Ngân hàng thu mấy công đất luôn. Sau bao năm, bây giờ dì Sáu trắng tay. Chồng dì bệnh nặng, mất. Mấy công đất, mất. Dì về ở với mẹ ruột được ba năm, mẹ dì mất. Các anh chị em của dì có gia đình riêng. Ruộng đất không có nên cũng chỉ đi làm mướn, chẳng khá hơn là bao. Anh chị dì, hơn dì được mỗi cái chòi lá, một đàn vịt và mấy đứa con, và còn giàu hơn tía con tôi.
Tía chở tôi từ phía tây lên phía đông, tôi khát khô cuống họng.
- Con uống cà phê đá - Tôi trả lời ngay - Mua thêm ca trà đá tía ơi.
Chỉ có trà đá mới đánh lại cái nóng, cái khát ở Sài Gòn. Nơi này, tôi đã ở được hơn hai năm, đây là lần dọn phòng lần thứ ba. Chỉ đến lần thứ ba tía con tôi mới có dì Sáu phụ giúp, dì ăn ở ngay chỗ làm. Hôm rồi tía tôi nói: dì Sáu lên Sài Gòn phụ rửa chén cho quán cơm chay bên Bình Thạnh đã năm năm. Vậy là hồi dì Sáu đi, tôi còn học lớp ba ở dưới quê.
Cũng bữa hôm rồi, tôi hỏi tía:
- Sao tía biết dì Sáu ở trên này?
Tía tôi trả lời giọng buồn bã, kèm theo hơi thở hắt ra như đứt đoạn:
- Thì dưới quê, mùa này nước mặn đầy đồng. Ai làm ăn gì được, mấy cây dừa còn rụng hết trái... Lúa chết đầy đồng... Ai cũng lên Sài Gòn hết. Tía gặp dượng Tư. Hôm rồi, dượng Tư chở tía qua dì Sáu nói chuyện.
Tía tôi cầm ly cà phê đen lên, tợp một ngụm nhỏ như tợp những mảng đen tối nhất của số phận:
- À tía nói con nè. Tía tính nói dì Sáu về ở chung cho đỡ tiền phòng. Tía phụ hồ, ngày được bao nhiêu đâu! Ở đất này, không có tiền thì lại về quê! Ở quê không sống được nên mới lên đây! Về quê, không có đất cho mà cạp - vừa nói, tía vừa nhìn tôi.
Bữa đó, tôi hào hứng trả lời ngay:
- Sao cũng được, tía - Trong bụng tôi mừng thầm.
Có dì Sáu, tôi sẽ đỡ được nấu cơm, giặt đồ và biết bao công việc khác nữa. Ít nhất, điều mừng thầm của tôi đang đúng trong ngày hôm nay. Ngày hôm nay dì Sáu gợi ý tía đi mua cà phê cho tôi.
Tía tôi từ ngoài đường bước vào. Tay cầm hai ly cà phê, tay cầm chai nước suối, miệng ngậm điếu thuốc. Cái môi tía hếch lên khoe ra vài ba chiếc răng vẫn đang còn vương vấn hai hàng nướu. Tía nói nghe như người bị ngạt mũi mấy ngày:
- Cà phê nè, Tư.
- Tía bỏ ngoài đó đi, con đang lau nhà. Chút con uống - Hai đầu gối tôi quỳ xuống nền nhà, cố lau nhanh mấy đám bụi quanh các góc tường.
- Tía có mua ca trà đá không đó? - Tôi sực nhớ ra.
Đập mạnh tay vô khoảng không, tía cười sảng khoái:
- Quên mất tiêu - Hai mắt màu trắng đục đảo qua dì Sáu, đảo qua tôi. Tía lại đi trở ra ngoài đường.
Tôi nói xấu tía sau lưng:
- Từ sáng đến giờ, tía con như gà mắc tóc, dì Sáu.
Dì Sáu bỏ mấy bịch đồ lên kệ bếp, lắc đầu qua lại như người mẹ dịu dàng với con mình:
- Con lau xong, ra uống cà phê đi. Mấy cái này để dì làm.
Vỉ trứng vịt, miếng thịt heo và trái dừa, bó rau cải bẹ xanh, mấy trái cà chua, mấy cọng hành lá, bó rau cần tàu, con cá diêu hồng... Dì Sáu bỏ tất cả vô cái rổ nhựa ố vàng. Tôi lách người bước vô phòng vệ sinh và ngó "bữa nay ngon á". Màu vàng đục của nước nhiễm phèn lại được tôi xả ào ào vào lùi dẻ lau nhà. Vắt ráo nước, tôi bước ra phơi ngay bậc cầu thang cuối cùng, ra ngoài hiên uống cà phê cùng với tía.
Với tía tôi, những khó khăn và khổ đau của cuộc sống đang tạm đi qua ngay trong giây phút này. Đưa một chân lên chống cằm, chân khác nhịp nhịp. Mắt tía nhìn qua hàng lưới B40, tay vẫn không dời điếu thuốc lá. Nhìn dì Sáu, phía trong phòng, tía mỉm cười - cái cười sảng khoái và cao độ nhất từ bao năm nay.
Dì Sáu như đang tìm kiếm cái gì, đứng sát sau lưng tôi, hỏi tía:
- Bình ga đâu ông?
- Quên mất tiêu! Tui bỏ ngoài quán. Để tui đi lấy.
Tía tôi vừa đứng dậy, tôi cười "kha kha" một hồi, quay lại nói với dì Sáu:
- Con nói dì Sáu rồi, bữa nay tía con sao á! - Tôi cười, dì Sáu cũng cười. Không biết tía tôi có tự cười một mình hay không.
Thấy cười lớn phía bên ngoài, từ phòng kế bên, thằng nhỏ áng chừng ba tuổi cầm cây que như cầm cây kiếm kêu "chả chả...". Thằng nhỏ gõ vô cửa phòng, mẹ nó kêu:
- Tin, Tin vào, vào, Tin... Ông bà mới dọn về - Mẹ cu Tin ngó ra đầu ra khỏi cửa phòng trọ, chào tía tôi và dì Sáu.
- Ờ. Thằng nhỏ đi học chưa con? - Tía tôi xoa đầu cu Tin.
- Dạ. Con gửi ở nhà giữ trẻ tư, ngoài đầu đường. Chào ông bà rồi vô ăn cơm, con - Mẹ cu Tin kéo tay nó, đưa lên trước ngực. Cu Tin "ạ" một tiếng rồi chạy vô phòng trọ của nó.
Dì Sáu ra ngó theo cu Tin đang ngoan ngoãn nghe lời mẹ, nó ngồi xuống chân xếp bằng. Tía cũng ngồi xếp bằng trước cửa ra vào, xoay người, móc tay vô túi quần phía sau, đưa cho tôi tờ giấy bạc màu đỏ.
- Tư, con cầm tiền ra ngoài mua cho tía xị rượu.
- Nay tía uống rượu à? - Tôi cầm tờ giấy bạc và nhìn tía tôi.
- Ờ, mua xị rượu để tia thắp nhang cho má mày. Thắp nhang xong, tía uống.
Mỗi lần chuyển nơi ở mới, tía tôi đều thắp nhang cho má tôi. Tía tôi đổ gạo vô trong cái ly mủ mà tôi thường hay uống nước trà đá. Cắm lên ba cây nhang đang tỏa ra ba làn khói như đại diện cho ba người trong phòng này xuyên qua mái nhà để tìm linh hồn má tôi về đây. Tía tôi rót rượu vô cái ly tía thường pha cà phê đen mỗi buổi sáng. Dì Sáu đã sắp sẵn một tô canh cá diêu hồng, một tô thịt kho trứng, một đĩa thịt luộc, một đĩa rau, chén cơm và nước chấm. Tất cả được dì Sáu bày lên mấy tờ báo cũ, thay mâm, để giữa nhà.
Khói từ ba cây nhang tỏa ra nghi ngút. Tía tôi lầm dầm khấn. Tôi cay mắt, chạy ra bên ngoài cửa nhìn cu Tin đang được mẹ nó đút cơm. Miệng nó nhai ngồm ngoàm, mắt không dời cái màn hình tivi đang phát ra những bài nhạc của bé Xuân Mai. Cái cây cu Tin tưởng tượng là cái kiếm, giờ đây được mẹ nó đặt kế bên, giờ nó là cái cây để quất đít cu Tin khi nó không chịu ăn.
Tôi nhớ lúc ở quê, chúng tôi còn nhỏ đã tự múc ăn. Có những lần chị Ba còn choọc muỗng qua múc trong tô của tôi một vài miếng thịt. Chúng tôi tự ăn, tự bày trò chơi mỗi ngày mà ai nấy vẫn cuồi cuội, chẳng bệnh tật gì như trẻ nhỏ thời nay. Tối ngày chúng tôi leo cây, tắm sông, thỉnh thoảng theo tía tát đìa bắt cá. Bằng tổi tôi giờ này, chắc cu Tin cũng không dám leo cây như tôi ngày xưa.
Sát ngay phòng tôi, phía trong hàng lưới B40, cây đu đủ đã có hai trái bắt đầu chín. Phòng số 12, vài anh chị sinh viên, công nhân hay thợ hồ gì đó đang hô "dzô, dzô" ầm ĩ. Phía xa, tiếng karaoke của bà Hai i ỉ và nhợt nhạt, vọng vào. Phòng tôi, mùi nhang cũng bớt ngột ngạt hơn.
- Tư, cầm cắm ba cây nhang qua bên hông nhà rồi vô ăn cơm, con - Tía tôi ngồi xuống, kéo gọn lại mấy tờ giấy báo.
Dì Sáu lấy thêm hai cái chén, hai đôi đũa. Xách nồi cơm điện đặt kế bên, dì bới cơm vô hai chén. Tía tôi kéo chén cơm đã cúng má tôi về phía tía. Tía rót thêm rượu vô ly, đưa lên uống cái "chót". Tôi hỏi:
- Bữa nay chị Hai, chị Ba sao không qua, tía? Con nghe nói ở trong xóm này mà!
Tía tôi gắp miếng thịt heo luộc, trả lời chầm chậm như để cho dì Sáu cảm thông:
- Tụi nhỏ còn chuẩn bị hàng, chiều tối bán. Sao qua giờ này được! Nhỏ Hai chắc tám chín giờ tối nó mới qua. Nhỏ Ba, bán đến mười một giờ khuya, chắc không qua đâu, nó sống tình cảm, ý tứ lắm. Thôi ăn đi, bà, con.
Tôi gắp miếng thịt kho trứng, cắn cái "phập". Đoạn mỡ vừa đủ ngập chân răng. Dì Sáu kho ăn ngon đã thiệt, không như tía con tôi kho - Tôi nghĩ mà không để ý đến tía đang nhìn tôi và dì Sáu. Tợp thêm một ngụm rượu, gắp cọng rau bỏ vô chén. Tía hỏi:
- Bên quán cơm, bà còn đồ gì không? Chút tôi chở bà qua lấy luôn, sẵn tôi chào bà chủ ở bển.
- Tôi có cái xác khô và mấy bộ quần áo. Tôi gom hết rồi, sáng đi, tôi có nói bả rồi. Mai ông đi làm, đưa tôi đi làm luôn. Sẵn chào bả cũng không muộn - Dì Sáu vừa nói, vừa múc cơm cho tôi - Ông xem, chút có mua thêm cái gì không?
- Nghỉ chút đỡ nắng. Tôi chở bà đi mua cái chiếu tre. Sẵn mua cái chiếu đơn cho thằng Tư luôn. Bên kia, tía con tôi nằm dưới đất không à.
Dì Sáu với tay múc thêm miếng thịt kho, đổ hết nước canh cá vô tô, dì nói như động viên tôi ăn thêm:
- Con ăn hết khúc cá đi, để chiều dì mua món khác.
Gắp miếng cá diêu hồng to, tôi chấm vô chén nước mắm ớt cay. Đã thiệt! - Tôi nghĩ. Tía tôi thường nói "con đang tuổi ăn, tuổi lớn" nên tôi ăn không biết no, ăn nhiều và mau đói. Tôi ăn gì cũng được, không "kén cá, chọn canh" như người khác, giống tính tía.
Tía tôi dáng vẻ thảnh thơi, gắp từng miếng cá, từng miếng rau, tía nhai hoài. Chén cơm chưa hết, xị rượu đã cạn hơn nửa. Ngày bình thường, tía tôi không bao giờ vừa ăn cơm, vừa uống rượu. Tía tôi chỉ uống với mấy người bạn thợ hồ vào tối thứ bảy mỗi tuần. Hôm nay có dì Sáu, tía tôi vui nên một mình uống giữa buổi trưa như thế này.
Dì Sáu ăn như mèo ăn. Ăn có chút xíu rồi lại vô phòng vệ sinh chà rửa bồn cầu, chà rửa sàn ở phía trong. Nước lại chảy xối xả. Chợt tôi nghĩ đến sáng mai nên tôi nói nhỏ vừa đủ cho tía nghe:
- Sáng mai con mượn xe đạp dì Sáu, con ra phụ chị Ba bán nước nha tía? Nghe nói mấy tuần nay chị Ba bị hốt bàn ghế hoài à, tía!
- Chịu vậy thôi con. Ờ, mai con ra phụ chị con đi. Tội con nhỏ, bị hốt hoài chắc cụt vốn luôn - Tía thở dài. Tôi biết mình đã ngắt mạch suy nghĩ của tía, tôi hào hứng:
- Có sao đâu tía. Sáng mai con ra sớm.
Ngày mai, tôi không cùng tía đi phụ hồ. Đôi khi, sự đổi thay này kéo theo sự đổi thay khác trong mỗi con người. Con người ta luôn thay đổi tâm thức và cả các hành động bên ngoài. Tôi cũng vậy. Tâm thức và hành động luôn tìm kiếm những gì mình cho là phù hợp nhất với mình. Ngày mai, tôi bắt đầu một công việc mới: chạy bàn (ghế) theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng.
Chương 2. Bán nước
Công viên này mới xây, những đám cỏ đã xanh mướt, vài bụi hoa đơn trồng dọc theo mé ngoài, công viên hình dáng như chiếc còng số tám. Đây là công viên của quận nên kinh phí xây dựng chắc không nhiều. Ghế đá có năm sáu cái, diện tích ít, không có chỗ chơi trò chơi cho các em nhỏ, không có chỗ tập thể dục. Nói đúng hơn, đây là bãi đất trống, có trồng cỏ và cấm "không bước lên cỏ". Muốn thể dục thì đứng sát mé ngoài đường, vừa tập vừa hít khói xe.
Tía con tôi ở cuối hẻm, con hẻm nhìn ra công viên, chị Ba lui cui đổ ấm nước vô cái fin pha cà phê bự tổ chảng. Tôi để xe đạp của dì Sáu sát cạnh tường, phía sâu. Ai mà lấy cái xe đạp của dì Sáu, mất công vác lên vai thay vì ngồi lên đó để chạy. Tôi và dì Sáu nhỏ con, ơn trời, cái xe không trở chứng. Tôi kêu lớn:
- Em tới nè, để xe chỗ này được không chị Ba?
- Ờ, để tạm đó đi, chút người ta thức dậy thì mình phải dời xe qua chỗ khác - Chị Ba hướng dẫn, hỏi tiếp tôi - Tía sao rồi, Tư?
Tôi nói cho có chuyện nói:
- Tám giờ tối hôm qua, chị Hai và anh rể qua. Mua nồi xú-quách, quá trời luôn. Tía có kêu chị mà.
Chị Ba vẻ buồn buồn. Chắc do lâu chị Ba không được tám với chị Hai, hay chị không ăn được xú-quách! Tôi không biết. Tính chị ít thổ lộ ra bên ngoài, chỉ lo làm ăn mà ít thấy chị than phiền về cuộc sống. Mấy người ở dưới quê đến, nói tía tôi, để người ta mai mối cho chị đi lấy chồng Hàn Quốc hoặc Đài Loan gì đó. Đâu, có bà mối để một xấp tiền trước mặt tía năn nỉ. Tía tôi la, chửi cho mấy bà mối mấy chặp: "tao có chết đói cũng không bán con". Mãi không gạ gẫm được, người ta để cho tía con tôi yên lành như hôm nay. Giọng chị Ba chầm chậm:
- Chị nói không qua được mà! Khuya chị về, chị tính qua, mà thôi để tía ngủ.
Tôi gỡ mấy cái ghế mủ, để cặp sát vô tường, phía lề đường, kể tiếp:
- Sáng nay còn nước dùng hồi hôm, dì Sáu mua bún về ăn. Ăn xong em đi trước. Nay tía chở dì Sáu đi làm, trên đường tía đi làm luôn. Ăn gì chưa, chị Ba?
- Cả đống đồ đang bán ở đây, ăn gì nổi. Chút khoảng chín giờ, khách vắng, chị ăn.
Giờ này chưa tới sáu giờ sáng, những người già đang tập thể dục bên kia đường. Công viên cũng đã ít người hơn. Tôi hỏi chuyện tình cảm để lấy lòng chị Ba buổi sáng:
- Anh Huy có hay ghé không, chị Ba?
Chị đưa tay lên lắc xoay vòng, đi ra đứng gần phía tôi. Chị kéo tay tôi lên hai ba bước, nói có vẻ nghiêm nghiêm:
- Ảnh ra Bắc cả ba tuần rồi, bố ảnh bị chém vì tranh chấp đất. Mấy tuần nay công an hốt quá! Tư nè, sáng người ta cũng đi hốt luôn đó. Em thấy mấy quán phía đầu đường kia không, nếu người ta hô công an thì nhanh tay lấy bàn ghế vô nha. Đó, em thảy vô cái góc trong sân nhà đó đó.
Tôi ngó lên phía đầu đường, phía bên kia công viên. Những quán cà phê sang trọng cũng đã mở cửa. Mấy anh nhân viên, áo đóng thùng, đang mang bàn ghế ra bày. Mấy chị nhân viên mặc váy cầm chổi quét. Sạch thế, có gì đâu mà quét! Đúng là quán sang. Tôi bước vô trong hẻm, ngó vô cái góc chị Ba mới chỉ tay. Căn nhà lụp xụp, ô cửa sổ tô màu xanh nghèo úa lợt lạt. Vài ba chỗ trên cánh cửa đã bong tróc, cánh cửa khép hờ. Quay ra, tôi hỏi chị Ba:
- Ủa nhà đó sao chị Ba?
Cầm vài chai nước ngọt lên bày phía trên tủ, chị tủm tỉm cười:
- Trong nhà, có cụ già. Bả tốt bụng lắm. Bà cụ thấy mình bị gôm bàn ghế hoài nên bả nói mình bỏ vô. Đêm về, chị cũng gởi bàn ghế ở đó.
Có hai khách mới đến kéo ghế ra ngồi, chị Ba im. Hết giải thích. Tôi chạy ra hỏi:
- Dạ, hai anh uống gì? - Lần đầu tiên trong đời tôi mời khách uống cà phê. Tôi cố dấu đi nét quê mùa của mình bằng cách cúi xuống sắp lại hai cái ghế kế bên; mặc dù nếu để hai cái ghế đó cũng chẳng sao. Tôi đứng đợi hồi lâu, anh áo trắng cầm cái điện thoại vẫn đang quẹt quẹt:
- Hai ly cà phê đá, gói con mèo.
- Hai phê đá, gói con mèo chị Ba - Tôi nói lớn và ngó ngang, ngó dọc. Vừa kiếm khách vô uống, cũng vừa để ý công an.
7h30p sáng. Phía trước mặt, ông xe ôm ngồi trên xe, cầm ly cà phê đậy nắp hút "rộp, rộp". Ông bước xuống, vô xe nước lấy bình trà châm vô ly rất tự nhiên. Ông quay ra ngồi như pho tượng, chỉ khác là cái đầu ông cử động.
Khách mỗi ngày càng đông. Chỉ có ba cái bàn và mười cái ghế, nhưng khách mua mang đi cũng nhiều. Tôi lăng xăng chạy qua, chạy lại đưa đồ cho khách. Người cà phê đá, người kêu bạc xỉu đá, người kêu bạc xỉu nóng, rồi nước ép trái cây, nước ngọt.. làm cho tôi chạy túi lụi xụi. Chị Ba nhớ giỏi thiệt, tôi chịu, không nhớ ai là ai. Nội việc tính tiền ba bốn thứ nước là tôi đã cộng không ra rồi. Chị Ba hay thiệt!
8h00p sáng. Không còn ai ngồi uống hoặc mua mang đi. Mấy nhân viên siêu thị Vincom đã tới giờ làm. Giờ là lúc bán cho khách vãng lai. Các công ty, cửa hàng gần chị Ba, nếu ai mua thì kêu điện thoại. Chị Ba mang đến tận nơi.
- Công an, Công an, kéo bàn ghế vô, phụ con nhỏ đẩy cái xe. Lẹ lên - Ông xe ôm vừa hô vừa xếp ba cái bàn chồng lên nhau, nhanh chân vác vô ngõ. Tiếng móc khóa xe treo trên dây nịt kêu "lẹc xẹc, lẹc xẹc". Ông quăng "rầm" vô cái nhà nhỏ. Ông chạy ra, phụ chị Ba đẩy cái xe vô phía trong hẻm.
Tôi đã gôm được năm sáu cái ghế mủ chồng lên nhau, chị Ba vẫn chạy ra, hối:
- Tư, gôm mấy cái ghế vô. Lẹ lên, nó tới là nó bỏ lên xe thùng luôn đó. Lẹ lên - Chị Ba lại chạy vô kéo cái xe, la như ong vỡ tổ.
Mười cái ghế mủ trên tay, như đã chắc ăn, tôi bước vô trong hẻm, mặt vẫn phải đề phòng mấy anh dân phòng xuống dành lấy bỏ lên thùng xe. Xe nước đã kéo sâu vô trong hẻm. Chị Ba đưa tay vén mấy cọng tóc che trước mặt:
- Được rồi chú Hoàng, nó không vô tới đây đâu. Con cảm ơn. Bỏ chồng ghế sát vô đây cho xe chạy, Tư - Chị Ba đã bình tĩnh lại.
Chiếc xe màu xanh chạy qua trước con hẻm. Mấy anh dân phòng ngồi trên thùng xe, cười nói vui vẻ, cái dùi cui màu đen treo lủng lẳng trên tay. Tướng ai cũng cao to, mập mạp. Hai chị em tôi, chỉ cần một tay, xách lên nhẹ nhàng. Trên thùng xe, tôi không thấy bàn ghế. Người ta chỉ đi tuần - tôi nghĩ trong bụng. Xe công an đi đến đâu, tôi và những người dân ngó đến đó. Chiếc xe màu xanh đánh thêm một vòng nữa rồi đi ra phía ngoài đường lớn. Tôi chạy vô nói chị Ba:
- Nó đi rồi chị Ba. Dọn ra đi?
Chị ngồi trên cái ghế mủ sát tường nhà, giảng giải về lịch trình của công an và dân phòng:
- Chút nữa. Hơn mười phút nữa mà nó không quành lại là nó đi luôn - Tay chị vẫn sắp đặt lại mấy thứ đồ trong xe nước - Tư nè, nó mà xuống lấy, đừng có rằng co với nó, nó đập cho nát tay đó. Tối hồi hôm, có cả bà cụ ngồi chơi với chị, nè,.. Tay chị nè - Chị Ba kéo tay áo lên, tôi thấy hai vết bầm tím trên cánh tay phải. Bà cụ trong nhà mở cửa đi ra, nửa thân người cụ trụ trên cây gậy gỗ:
- Mới sáng sớm! Khổ! Nó lại đuổi hả con? - Bà cụ với tay vịn vô xe nước của chị Ba.
- Dạ, con chào bà Phấn. Chẳng biết vụ gì mà đi hốt hoài! Mấy đêm trước con bị hốt hết bàn ghế, mất công hôm sau, tốn mấy trăm ngàn mua lại mấy bàn ghế cũ - Chị Ba phân trần.
Tôi đoán già, đoán non, giọng bực tức, xen ngang câu chuyện:
- Mua ở đâu chị Ba, mấy tiệm gần bên phường hả?
- Đó chứ đâu, chủ tiệm mua đồ thanh lý của bên phường. Trong phường làm gì có chỗ mà để! - Chị Ba đứng dậy, đột nhiên vẻ mặt chị lo lắng, cắt không ra giọt máu - Rồi, thu tiền góp!
Chiếc xe tay ga to kềnh càng từ phía trong ngõ chạy chậm lại. Nó tiến sát đến chị Ba, như một chiếc xe lu đang muốn nghiền nát chị:
- Tiền góp mày - giọng khàn khàn của chị Tâm đang ngồi trên xe, xém tôi lăn ra cười bò khi nghe cái giọng nam giới của chị.
Chị Ba vội vàng mở hộc tủ bằng gang tay trên xe. Chị kiếm những tờ giấy bạc có mệnh giá lớn nhất cho đến nhỏ nhất, chân chị luống cuống, hai tay cầm trịnh trọng:
- Bữa giờ em bán được bấy nhiêu. Sáng mai chị ghé lại, em gởi tiếp, chị.
Ngó trước, ngó sau, không cần ngó chị Ba. Giọng cương quyết của chị Tâm làm chị Ba càng cuống thêm:
- Không rảnh à, mày. Không đủ thì kéo xe vô cho tao. Hết - chị đề máy xe và chừng mắt nhìn chị Ba.
Chị Ba, chạy ra trước đầu xe, nước mắt bắt đầu chảy như hai máng xối hứng mưa chảy vô khạp:
- Chị thương em, chị Tâm. Cả năm nay em có dám thiếu chị đâu. Mấy hổm rày, buôn bán có được gì đâu, chị Tâm. Chị làm phước đi, chị Tâm - hai tay chị Ba chắp trước ngực xá lạy, không dám đụng đến chiếc xe màu sữa bóng lộn.
Mấy bà đi chợ buổi sáng xúm quanh, coi; người trong xóm cũng đổ ra, coi. Chung quanh im phăng phắc, chỉ có tiếng van lạy của chị Ba và tiếng kèn "tin tin" của dòng xe chạy qua, chạy lại trong hẻm, tất cả những con mắt đào xoáy vô chị Ba. Tiếng xe máy của chị Tâm tắt, chị gọi mấy người ra cưỡng bức và đẩy xe nước về nhà chị.
Vài phút sau, hai anh cởi trần mình xăm xổ chạy xe đến, đứng chờ mệnh lệnh cuối cùng. Chị Ba vẫn cầm mấy đồng bạc vừa đứng, vừa khóc, vừa xá lạy, miệng lý nhí "Chị thương em, chị ơi! Chị thương em chị Tâm ơi! Các cô, các dì ơi, năn nỉ chị Tâm giúp con". Chị Ba cầu cứu vậy thôi, ai mà nói làm gì... Tôi chỉ biết đứng nép phía sau bà Phấn, tay bám vô xe nước. Bà cụ Phấn thở hắt ra, lên tiếng:
- Thôi. Mày thiếu bao nhiêu?.. À, đây, cầm lấy trả cho nó. Mày trả tao sau cũng được. Rõ khổ! - Bà cụ rút ra tờ giấy bạc màu xanh, dúi vô tay chị Ba - Ông trời chẳng có mắt!
Chị Ba quay qua xá lạy bà cụ Phấn như tế sao, chị cầm, đưa ngay tờ giấy bạc đưa cho chị Tâm. Chị Tâm "hứ" một tiếng, xe chị nổ máy, chạy ra đầu hẻm. Vài ba người còn nán lại hỏi chuyện bà cụ Phấn. Người ta biết rõ rồi, người ta muốn khoét sâu thêm vào câu chuyện một chút nữa. Nước mắt tủi nhục của sự nghèo khổ vẫn chảy trên hai má chị Ba. Nước mắt rơi xuống đất, đất im lặng! Nước mắt không lên được đến trời, trời im lặng! Nước mắt của tôi chảy ngược vô trong lòng, lòng tôi im lặng, xót xa! Tay bà cụ Phấn huơ huơ để đám người tản ra, bà vỗ nhẹ vô vai chị Ba, an ủi:
- Thôi nín đi, con. Chuẩn bị đồ ra bán đi - Quay qua tôi, đẩy vai tôi, bà cụ hỏi - Mày là em nó hả? Giống nhau như đúc. Phụ con nhỏ đẩy xe ra bán đi. Rõ khổ! Mới sáng sớm!
Nắng buổi sáng đã gắt hơn. Phía bên công viên không còn một bóng người. Quán cà phê ăn sáng - sang trọng, phía đối diện, tấp nập người ra vào. Mùi nước dùng, hơi của nồi phở bay nghi ngút, tạt ngang qua cho tôi ngửi ké. Ông chủ quán nhanh tay đậy nắp nồi. Dưới chân, mùi ống cống quay trở lại vây kín chị em tôi. Hai ổ bánh mỳ ỉu, không nhân, không thịt nằm chèo queo trong xe nước. Chị Ba lấy con dao Thái Lan chẻ ra, nhét vô mỗi ổ một nửa trái dưa leo, xịt thêm ít nước tương. Chị đưa cho tôi một ổ, chị kể với giọng khàn đặc khổ sở:
- Tháng trước, anh Huy có nộp hồ sơ của chị vô công ty ảnh đang làm. Nghe đâu phải chờ trả lời, lâu lắm rồi! Buôn bán kiểu này sống không nổi!
Thân phận người con gái như lục bình trôi, đến được bến trong bến đục cũng phải chịu, chị Ba buồn bã:
- Ảnh đi cả gần tháng nay, chẳng biết khi nào vô! Ảnh cũng nhờ bạn bè gì đó, nói xin cho em coi tiệm internet. Tía có nói em không? - Giọng chị thiểu não, nhão nhoẹt, pha đượm ít nhiều chua chát, ổ bánh mì muốn rớt vô chân thằng bé bán vé số.
Thằng "Tiến vé số" đen thùi lùi, đứng nhìn chị Ba như thương hại. Hết nhìn chị Ba, nó quay qua nhìn tôi như người mới từ hành tinh khác xuống. Nó ngồi bệt xuống đất hóng chuyện. Cái túi dây vắt ngang người, nó kéo sát trước bụng, nó cũng sợ bị người khác cướp mất.
- Tía đâu nói gì đâu, chị Ba! Đi bán đi cưng - Tôi hối thằng Tiến. Nó vẫn ngồi im - Nè, cầm ăn đi cưng.
Thằng Tiến cầm ổ bánh mỳ của tôi, đặt xấp vé số và sổ dò lên chân. Nó gật đầu rồi ăn ngon lành, không nói một lời nào. Thằng Tiến - sáu tuổi đã ra lăn lộn ngoài đời, còn sớm hơn tôi, tôi chưa thấm tháp gì.
- Anh Huy gọi, nhắc tiền nhắc bạc thì đỡ... - Chưa nói hết câu, mặt chị đã méo xệch.
Chị Ba mừng, khóc nức nở, không nói được lời nào với anh Huy. Chị chỉ khóc và khóc. Một hồi lâu, chị vẫn đưa tay lên quẹt nước mắt. Hơn bốn phút, tôi chỉ nghe những tiếng "dạ, dạ" trong những tiếng nấc nghẹn của chị. Chị vẫn cười mếu máo, chị vẫn khóc, vẫn nghe điện thoại. Tôi nghe đến tiếng "dạ" cuối cùng, chị cúp máy. Cũng chỉ một con người, trong mấy tiếng đồng hồ, bao khổ đau đè xuống vai chị, đâm vô tim gan, đâm vô đầu óc. Giờ đây, chỉ một cuộc điện thoại làm chị tươi tỉnh, sức sống lại bắt đầu. Cúi xuống, lau nước mắt, quay lại phía tôi, chị Ba cười:
- Ảnh nói ngày mốt, thứ hai. Chị vô làm công ty, gặp chị Hiền. Chị được đi làm rồi. Cái công ty mà chị mới nói đó.
Nước mắt của chị Ba càng chảy nhiều hơn, chị lau càng nhiều hơn. Đây là nước mắt của hạnh phúc, khác với nước mắt của khổ đau năm phút trước đó. Cầm cái chổi ra quét mấy mẩu tàn thuốc lá, chị quay lại phía tôi, tươi tỉnh:
- Ảnh đang đi xe vô rồi, ảnh gọi chị khi ảnh ngồi trên xe. Chắc sáng thứ hai, ảnh cũng đi làm lại trong công ty.
Bấy lâu nay, khi nghe đến nghe đến "làm công ty", tôi mừng hết biết. Chị Ba vô làm công ty thật rồi, tôi nằm mơ cũng không được.
- Chị Ba vô đó làm gì? Công ty nhà nước, công ty nước ngoài hay trong nước, chị Ba?
Chị nhai miếng bánh mỳ, miệng cười toe toét như lượm được đống vàng:
- Chị vô phụ nhà bếp. Lặt rau, rửa chén. Tư hỏi gì mà hỏi một đống! Công ty nhà nước, làm về đóng tàu.
Tôi càng mừng, hào hứng hơn:
- Vậy lớn lắm heng, chị Ba?
Thằng tiến đứng dậy. Nó đã ăn hết ổ bánh mỳ, vẫn không nói một lời, nó chỉ tay về phía ông xe ôm đang chạy xe về.
- Chú Hoàng mới về - chị Ba chào, quay lại tôi, chị trả lời đầy vẻ tự hào - Lớn. Ảnh làm công nhân hàn ở trỏng. Tư, giờ này cũng không còn khách đâu, thôi kéo xe nước vô đi Tư, cho chắc ăn. Nó hốt giờ này là đuối luôn! Bạn chị ở Tân Vạn, tối nay chị gọi vợ chồng nó lên, chở xe nước về dưới đó, nó bán - chị đứng dậy, ra nói lí nhí gì đó với chú Hoàng. Tôi chỉ nghe thấy tiếng chú "Chúc mừng con, hén... Ờ, ờ,... tối chú qua. Ờ, ờ".
Chị Ba chỉnh lại cái áo khoác, không còn xộc xệ, bỏ nón lá lên lóc tủ, chị cười đầy vẻ tự tin:
- Giờ chị về dọn đồ qua tía, sáng nay dì Sáu đi mua bún, dì Sáu kêu chị qua ở chung. Dì Sáu nói với bà Hai rồi. Cà phê còn quá trời, em uống không? Ờ... Để chị làm.
Chị Ba đổ hết cà phê vô một bịch lớn, phần còn lại chị đổ vô hai ly mủ, bỏ đường, bỏ đá, đậy nắp lại, cắm vô mỗi ly một ống hút. Chị đưa cho tôi một ly, chị cầm ly kia, ra máng lên móc xe của chú Hoàng.
Tôi bỏ máy sinh tố vô bịch, cuốn dây điện, ôm vô chung cùng chồng bàn ghế, mang đến gửi nhà bà cụ Phấn. Cụ đi chợ, không có nhà. Chị Ba mở khóa cổng ngoài, hai chị em tôi đẩy thẳng xe vô.
Chương 3. Ăn mừng
Chị Hai đạp chân chống xe đạp "cạch" trước cửa phòng. Trên tay nào trái cây, nào rau, giá đỗ, rau nhúc và bịch bông so đũa, hô lớn:
- Tư, ra phụ chị, bỏ cái xe sát vô vách đi cưng. Tía về chưa?
Trời về cuối buổi chiều, mưa lác đác, gió thốc vào từ sông Sài Gòn, thổi mạnh, sấm nổ ầm ầm. Hai dãy phòng trọ chưa ai đi làm về. Phòng số 12 trai gái cười, nói, đàn ca từ mười giờ trưa. Giọng ai nấy đều nhừa nhựa trong men rượu. Tiếng chửi thề inh ỏi.
Thỉnh thoảng, một hai chiếc xe máy chạy ra, chạy vào, pô xe nổ như đại bác xung trận. Hai chị đeo tai nghe, chị ngồi gật gù theo tiếng nhạc, một chị nằm trên đùi anh áo đỏ, cầm đũa gõ vô chén "cong cong" khoe cái quần ngắn cũn cỡn, rách gấu te tua như bị cá chốt rỉa. Giọng ai đó phía trong kêu lớn:
- Wow... Gái đẹp, gái đẹp, vào đây nhậu, em gái - Tiếng cười sảng khoái, tiếng đập vô thùng đàn bùm bùm một hồi, vẻ thích thú.
Chị Hai nhanh chân đi vô phòng, tôi bước theo sau, chị hối:
- Chốt cửa lại, Tư. Đám quỷ đó, thấy mà ghê!
- Mấy người nhìn bảnh tỏng mà thô lỗ thiệt!
- Bảnh tỏng gì? Thằng có hai quầng mắt sâu hoắm, cổ cao như con cò ma ấy, nó bên dãy phòng chị. Sinh viên, sinh véo gì đó. Tụi nó đàn đúm hết bên này, qua bên khác. Nguyên cái hẻm này, không ai chịu nổi tụi nó - Chị Hai bực tức.
Nghe chị Hai kể, mấy người đó con nhà khá giả. Lên Sài Gòn học, trường gần đây, ở xóm này cũng lâu rồi, chẳng biết ra trường hay chưa!
Trong hẻm, mấy anh chị này quen với một anh có nhà riêng ở trong hẻm, thường tập chung ở nhà đó, hút "cỏ Mỹ", "cỏ Cao Nguyên" gì đó rồi ca hát um xùm. Bữa hôm, anh cổ cao đã kiếm chuyện với anh rể rồi. Sự việc đơn giản chỉ là mời anh rể uống rượu, anh rể không uống thôi. Có bữa, có người uống say quá, té lấm lem như thằng mò bùn bắt cá cạn. Tôi nghe vậy nên cũng ơn ớn trong người.
Chị em tôi làm đồ ăn trong phòng. Hồi lâu sau tía tôi và anh rể cũng về. Dì Sáu, Chị Ba xách con vịt đã làm lông sẵn, vẻ mặt tươi cười hớn hở. Hôm nay sẵn chiều thứ bảy nên chị Ba làm tiệc đãi cả nhà luôn.
Chúng tôi, mỗi người mỗi việc, người lặt rau, người rửa, người nấu. Tía tôi ngồi trước cửa phòng trọ, hút thuốc. Đồ nấu thì nhiều mà chỉ có mỗi cái bếp ga mi-ni nên nhá nhem tối chúng tôi mới ngồi vô ăn. Chị Ba thấy thiếu đồ uống, chị nháy mắt:
- Nay con đãi, cho tía và anh rể xỉn luôn - Vừa nói, chị vừa đi ra ngoài đường mua rượu và nước ngọt.
Anh rể nói ngó chị Hai, nói lớn:
- Dì Ba, để anh đi mua - Anh rể móc bóp trong túi quần đi ra nhưng chị Ba đã đi ra tút mút bên ngoài đường.
Mấy anh chị phòng số 12 chắc cũng đã say xỉn, tiếng gõ nồi, gõ chén, tiếng đàn, ca càng chát chúa và ầm ĩ hơn. Giọng ca nhừa nhựa im bặt, tiếng đàn im bặt được thay bằng tiếng kêu dài và lớn vang qua phòng tôi "Gái... nhậu...".
"Choảng" - Chị Ba bị giật mình. Chai rượu trên tay chị Ba đã rớt xuống trước cửa. Trong tích tắc, dì Sáu và chị Hai đứng bật dậy như bị điện giật. Mặt chị Ba tái không còn miếng máu, ngây ra như Từ Hải chết đứng, cũng đứng im, miểng chai vung vãi, vài lon nước ngọt bò lăn qua cửa phòng đối diện đang đóng cửa im ỉm.
Tiếng cười cợt nhả, sặc sụa phát ra, tiếng gõ nồi, gõ chén ầm ầm, có anh còn chạy ra trước cửa phòng cười lăn, cười bò. Miệng cười hả hê, tay chỉ về phòng tía con tôi. Mặt tía đỏ phừng phừng, đứng dậy nhìn qua phòng 12. Anh rể nói lớn từ gì đó, chị Hai và dì Sáu ngăn cản, nói ồn ào trong phòng. Con dao trong tay anh rể được chị Hai gỡ ra, bỏ lên kệ bếp. Dì Sáu cố giữ tay, không cho anh ra ngoài phòng.
Chị Ba bước vào, nước mắt chị đã cạn. Chị lắc tay nói anh rể:
- Bỏ đi anh rể, tại em, đâu phải tại tụi nó đâu. Bỏ đi.
Tôi lui cui lượm mấy lon nước ngọt, tía tôi kéo tờ báo cũ gôm lại những miểng chai đã vỡ, gói lại, đưa cho tôi bỏ vô bịch rác trong phòng. Cu Tin thấy động, tay bám vô cánh cửa, ngó ra kêu "Ông, ông" như ra điều muốn nói tía tôi làm bể đồ, như nó làm bể chén vậy. Nó chạy qua, chạy lại, bước vô phòng tía con tôi, tay vẫn chỉ về phía tía tôi, nói: "Ông, ông". Mọi người đều hiểu ý nó, cười ầm ầm.
Chén đũa của tía con tôi được bày ra, cùng mấy cái chén của chị Ba mới mang về. Con vịt được dì Sáu chặt gọn gàng, bỏ trên tờ giấy báo. Chị Ba gọi chú Hoàng, chú đang chạy xe, không về kịp. Anh rể đưa cho tôi hai tờ giấy bạc màu đỏ nói tôi đi ra mua lại hai xị rượu. Hơn sáu giờ tối, bữa tiệc chính thức bắt đầu.
Anh rể là người miền ngoài, vô Sài Gòn làm ăn đã hơn sáu năm. Anh làm chung với tía tôi, anh là thợ chính. Cuộc sống làm thuê, kiếm miếng ăn theo ngày, theo mỗi công trình mà chủ nhận được nên từ khi cưới chị Hai đến nay, anh chị cũng không dư dả gì. Bữa hôm, anh nói với tôi "anh chị làm một thời gian nữa, anh nói tía để em đi học ở Trung tâm giáo dục thường xuyên". Tôi cũng mừng, cũng lo.
Hồi xưa, khi má tôi còn sống, má thường hỏi tôi "lớn lên Tư làm gì?". Tôi thường trả lời "con làm bác sỹ, chữa bệnh cho má". Má tôi không còn nên mộng làm bác sỹ cũng không còn nữa. Giờ đây chỉ mong có đủ cơm ăn qua ngày, có tiền để trả tiền phòng trọ, được học hết cấp ba như anh rể. Vậy là hạnh phúc lắm rồi.
Ba chị em tôi, đâu có ai học hết cấp ba. Chị Hai học hết lớp mười một, đầm tôm của tía nuôi, chết trắng mấy vụ. Tía tôi quay qua nuôi cá, cũng bị thua lỗ. Đùng một cái, má tôi mất, cũng là lúc ngân hàng xiết nợ. Mấy tía con dẫn nhau đi làm mướn dưới quê. Mấy năm nay, đất dưới quê như rừng ngập mặn, tía con tôi lại dẫn nhau lên Sài Gòn làm mướn. Dù sao, ở đây cũng dễ sống hơn, tía tôi nói vậy. Tía có hứa với tôi, khi nào "trúng số" sẽ cho tôi ăn gà dán KFC. Tía hứa, nhưng "số" thì chưa thấy tía "trúng".
Ở Sài Gòn này được hơn một năm, tía tôi "trúng" anh rể bây giờ. Anh Huy thì tôi chẳng có thông tin gì vì chị Ba ít nói. Tía tôi cũng không nói nửa lời, bữa tiệc hôm nay tía mới hỏi chị Ba:
- Con và thằng Huy tính sao, đến khi nào? Tía thấy nó cũng hiền, chịu khó làm ăn. Mà tía cũng nói vợ chồng nhỏ Hai, tụi bây sinh con đi. Người ta muốn sinh còn không được. Trời sinh voi, sinh cỏ. Lo gì.
Chị Hai chọc phá tía:
- Tía và dì Sáu sinh em bé đi, hen dì Sáu. Coi chừng bà Hai bả ghen đó ngen - Chị Hai phá lên cười, vỗ cả hai tay vô chân dì Sáu.
- Tía già rồi, có dì Sáu làm bạn già. Có buồn vui gì tâm sự, chăm sóc nhau khi ốm đau, mệt nhọc. Dì Sáu không có ai, tía nói dì về đây ở, còn có tía, còn có các con - Tía tôi đột nhiên ngưng lại.
Đám trẻ nhao nhao, vỗ tay ầm trời. Tiếng gõ cửa từng phòng, tiếng bà Hai kêu chát chúa. Bà đến trước cửa phòng tôi nói oang oang:
- Anh Bảy, tối nay cầm tờ này ra bãi đất ngoài kia lãnh đồ.
Tôi vội đứng dậy cầm tờ giấy. Tôi đưa cho tía, cả nhà xúm lại bên tía đọc, cười "ồ". Giờ này chúng tôi mới để ý đến những lời ca rên rỉ phát ra từ chiếc loa thùng ngoài bãi đất vọng vào. Theo sau chân bà Hai, thằng Tiến cầm mấy tờ vé số, đưa ra mời tía tôi mua. Nó không nói gì. Tay nó chỉ ra phía ngoài đường như báo hiệu có nhóm từ thiện đến. Chị Ba nhanh chân chạy vô kệ bếp, cầm mấy miếng bánh phồng đưa cho nó, chị gật gật đầu như đã hiểu. Chị Ba giải thích "nó bị câm, không cha, không mẹ, ở với người bà con".
Dì Sáu xếp lại chén đũa, mang vô phòng vệ sinh rửa. Chị Hai nấu nước, pha bình trà cho tía và anh rể. Chị Ba lau nhà. Tôi cầm tờ báo cũ nát ngồi một góc, đọc những hàng chữ quảng cáo bán nhà, bán xe, nhà hàng,... Nhẩm tính, bữa tiệc hôm nay chắc bằng tám ly mì trong tờ quảng cáo, trên tay tôi đang cầm.
Chương 4. Từ thiện đến
Tôi bước theo thằng Tiến đi ra ngoài đường. Chiếc xe tải nhỏ đậu ngay chỗ chị Ba bán nước. Người ta phải chuyển những thùng mì, quần áo cũ và những thùng bột nêm vào bằng tay, xếp gọn gàng trên bãi đất trống, gần chiếc loa thùng. Trong xóm, ba bốn người đàn ông ra vác phụ, mồ hôi nhễ nhại bám vào những thân hình gầy còm, ốm yếu.
Người trong nhóm từ thiện cũng không ai cao to mập mạp gì, ngoại trừ hai anh cầm một xấp phong bì dày cộm, da mặt dám như khạp da bò, cân nặng chắc khoảng hơn tạ mốt, đang đi qua đi lại, tay cầm cái mi-cờ-rô.
Dân trong xóm trọ đến đặc kín khu đất, xô đẩy, chen lấn, cầm tờ giấy lên cao, huơ huơ. Mấy đứa trẻ không chen vô được, đứng phía ngoài, nhảy lên nhảy xuống để ngó những người mặc áo vàng, chữ in trên áo "Nhóm từ thiện". Tiếng loa phát ra giọng nói ồm ồm:
- Xin bà con giữ trật tự, không chen lấn. Hôm nay, chúng tôi đến phát quà miễn phí cho bà con. Mỗi gia đình sẽ được nhận một thùng mì, năm bịch bột nêm. Quần áo cũ, chúng tôi đã gửi về các chủ phòng trọ. Bà con ra lựa, lấy sau. Chúng tôi sẽ phát mì và bột nêm trong mười lăm phút. Mong bà con thông cảm.
Tiếng vỗ tay ầm ầm, người nào có "Giấy nhận quà" thì đưa cho các anh áo vàng, người ta thu lại và trao "quà". Ai nấy đều vui mừng, hả hê. Người không có giấy, nhìn tiếc hùi hụi. Tôi chạy về, kêu tía đưa tờ giấy để tôi ra lãnh. Cả nhà tôi lại cười "ồ", tôi không hiểu, mặt tôi quái dị lắm sao! Tôi đưa tay vuốt mấy giọt mồ hôi đang chảy trên mặt, dưới tóc mai. Tía tôi cười, khuyên giải:
- Mình nghèo thì đã nghèo rồi, mấy đồ đó, để dành cho người khó hơn mình. Tía đưa cho mẹ cu Tin lãnh rồi.
Cu Tin nhảy tưng tưng khi thấy mẹ nó cặp hai thùng mì, hai bên hông, đang đi về, mặt mũi nhợt nhạt mồ hôi. Mẹ cu Tin đặt ngay cửa phòng, bóc thùng mì ra, cu Tin vỗ tay "chét chét". Mẹ cu Tin kêu "chết" và chạy qua đưa cho tía tôi xem:
- Bác Bảy, sáng mai chủ nhật, "giấy mời" trong thùng mì nữa nè.
Tía tôi cầm lên đọc, tía nheo mày, vết nhăn hoắm sâu vào trên trán như những cái đìa cạn nước lâu ngày, lắc đầu. Tôi chạy vào đọc ké thấy dòng cuối cùng " ... bên hông Nhà Thờ Đức Bà, Quận 1. Giấy này tương ứng một phần quà hai trăm ngàn đồng". Tôi vừa đọc đến đấy, tía đã đưa lại cho mẹ cu Tin. Mẹ cu Tin nhanh tay đưa hai tờ "giấy mời" cho mấy người thanh niên khác, đang đứng trước cửa. Anh cổ cao, phòng 12 ngồi hút thuốc, thõng hai chân xuống thềm, ánh mắt như dò xét.
Trong tôi thoáng vụt lên những hình ảnh ngày xưa đi chùa, cùng má. Má tôi cùng các nhà sư, phát quà từ thiện ở chùa Thanh Long thật bình an và trật tự. Ai nấy đều hoan hỉ, bình tĩnh và an lạc, cả người nhận quà và người phát quà. Ngày đó, tôi thường mặc áo lam, đứng sau lưng má, chắp hai tay trước ngực... Chị Ba như đoán được những ngạc nhiên và sự tò mò trong tôi, chị nói nhỏ "kệ, đừng tham gia".
Nghe chị Ba kể, cũng mấy người mập ú này, tháng trước đã phát mì ở ngoài công viên. Anh mập ú đang phát thì công an đến, yêu cầu ngưng phát, xe tải nhỏ ì ì chạy đi. Bữa nay, người ta làm kín đáo hơn, khôn khéo bỏ những tờ "giấy mời" ở những thùng mì nằm sâu trong thùng xe, những thùng mì phía dưới. Có ai yêu cầu hay kiểm tra thì cũng chỉ kiểm tra được phía ngoài, ai đâu mà gỡ ra kiểm tra hết được. Tờ "giấy mời" trong thùng mì là của một nhóm người nhỏ, thường xuyên dụ người lao động trong xóm trọ nghèo, đi biểu tình - chị leo lên gác nói chuyện với chị Hai và dì Sáu.
Xóm trọ vẫn đang lao nhao tiếng chửi thề, người tặc lưỡi, người lắc đầu, người đứng, người ngồi dưới ánh điện loe loét, gần cột điện. Người này đưa giấy qua người kia, xì xào những điều tôi không nghe được. Anh thanh niên cầm mấy tờ giấy nhanh chân chạy ra trả lại, trong đêm tối thứ bảy, đoàn từ thiện đã ngồi lên xe ở đầu hẻm. Xe bắt đầu chạy. Anh thanh niên chạy nhanh, quay vào, rút hộp quẹt trong túi áo, đốt "giấy mời".
-- Còn nữa --
Chỉnh sửa lần cuối: