Đang viết Cây mận đỏ - Cập nhật - Sương Nữ

Sương Nữ

Gà con
Tham gia
17/4/24
Bài viết
3
Gạo
16,0
Phần giới thiệu
CÂY MẬN ĐỎ
Tác giả: Sương Nữ
Thể loại: Truyện dài, tình cảm, cổ trang
Độ dài: Chưa xác định
Tình trạng: Đang sáng tác

Đôi lời: Bối cảnh hư cấu. Mọi trùng hợp về địa danh có thật chỉ là tình cờ. Nhân vật trong truyện không đại diện cho tác giả.
Mở đầu:
Gió vàng gương nga
Này thì thu sang trăng ngà
Ghe bầu, lụa hoa, chén đồng.

Thanh Hạ là một hoạn quan, nhưng không phải là hoạn quan.

Người nàng thương là một gã hoạn quan tàn tật, sau này người không còn là hoạn quan, người là một ông lão bán gạo.

Người thương nàng là một vị hoàng tử, sau này người không còn là hoàng tử, người là một vị vua mất nước.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Sương Nữ

Gà con
Tham gia
17/4/24
Bài viết
3
Gạo
16,0
Chương 01
Chương 01.
Thanh Hạ lớn lên ở núi Bạch Tây, mẹ nuôi của nàng là một vị sư cô, thầy của nàng là một lão ăn mày. Họ sống trong căn nhà tranh hai gian, lấy nghề thêu thùa mưu sinh, ngày rảnh rỗi lại chăm ngỗng nuôi chim.

Thanh Hạ thường nói với mẹ nuôi: “Con muốn ở trên núi Bạch Tây cả đời! Trồng hoa cỏ rau xanh, nuôi một đàn gà con trong vườn.”


Sư cô cười hiền, cầm thước gõ vào đầu nàng: “Mày phải kiếm một thằng chồng nhiều tiền nhiều của để bà mẹ già của mày được hưởng phước!”

Năm lên bảy tuổi, vào một ngày trời rạng nắng, lão ăn mày nhét đứa học trò nhỏ vào tấm chăn vừa dày vừa nặng, dùng cuộn dây dài buộc như đòn bánh. Lão ôm chăn và người chạy xuống núi, mồ hôi tuôn ướt đẫm, đôi chân già chạy thục mạng. Sư cô cầm chổi bay qua hàng rào cao, tay áo phấp phới trong gió, chân trần như cưỡi mây, thoắt cái đã không thấy bóng dáng đâu nữa.

Thanh Hạ chui ra ngoài, nghiêng đầu tựa lên vai lão thầy. Nàng nheo mắt nhìn ra xa, chẳng còn trông thấy mẹ nuôi đuổi theo.

Nàng nắm lấy sợi râu dài của lão, vừa kéo vừa hỏi: “Thầy ơi, mẹ nuôi đâu rồi?”

Lão cười gằn, mặt nổi đỏ vì mệt: “Mụ lạc đường là cái chắc!”

Đến bến sông, lão đưa nàng cho một ông già tóc bạc, người chèo thuyền, áo quần rách tươm, đôi mắt mù lòa, dưới gò má trái có vết sẹo dài.

Lão gọi người nọ là Lâm.

Thanh Hạ bứt mạnh vài sợi râu của lão thầy, giọng buồn buồn: “Người ta sẽ đưa con đi đâu?”

Lão nhét nàng vào trong khoang thuyền nhỏ, nhếch lên khóe môi: “Thuyền rẽ về Nam, thuyền đưa con về nhà.”

“Nhà của con ở núi Bạch Tây.”

“Đừng về đây nữa, trên đời này không có ngọn núi nào tên Bạch Tây.”

Lão vén rèm bước ra, đến đầu thuyền ngồi xuống cạnh người bạn cũ.

“Đến nơi rồi thì định làm gì?”

“Tìm chết.”

Lão thở dài, ngước nhìn bầu trời xanh như nước: “Ông đi thanh thản.”

Ông già nọ đứng dậy cầm cây chèo gỗ, mũi chèo nghiêng ra sau gõ mạnh lên lưng lão ăn mày: “Xuống thuyền.”

Giờ Thìn hai khắc, đâu đó vang lên tiếng trống. Nắng rọi xuống dòng nước, lấp lánh những hạt ngọc vàng dát dài trên gương. Khi sư cô đuổi đến thì thuyền đã lặn mất bóng, ngoái đầu nhìn lại chỉ còn lão ăn mày ngồi nhịp chân trên tảng đá cao. Sư cô đập cán chổi lên người lão, hét lớn, khóe mắt đỏ hoe.

“Trả con bé lại cho tôi!”

“Thuyền đi xa rồi, không thể tìm thấy nữa.”

Bà ôm mặt nức nở: “Về nơi đó làm gì! Xương cốt của họ đã hóa thành tro, nay chẳng còn một ai, sao không để con bé ở lại đây với tôi chứ? Tôi sẽ chăm sóc nó cả đời…”

“Ý trời đã thế cản ngăn chẳng nổi đâu. Ai mà không có gốc gác để về – ai cũng có gốc gác để về. Mụ phải hiểu, thương nó thật lòng thì để nó đi.” Lão nhét ít bạc vụn vào tay bà, khuôn mặt lạnh tanh và giọng điệu thì bình thản. “Mụ ra chợ mua cho tôi một bình rượu ngon. Sáng mai tôi lên chùa, thắp nén hương, tiễn ông Lâm đi xa.”

Sư cô lấp đầy cát vào lòng bàn tay, những nén bạc nhỏ chôn trong lớp cát dày. Bà quay người rời đi, bóng lưng gầy gò cô quạnh.

Đêm ấy, bà nói với lão ăn mày, rằng: “Xưa nay, ông Lâm thích nhất là rượu rễ cây đào. Tôi mua cho lão ta một bình lớn, uống đến ngán chết thì thôi.”



Con thuyền lênh đênh trên biển đã sáu tháng trời, băng qua sóng lớn, chịu mưa chịu gió, đuôi thuyền gãy đứt nhiều chỗ khiến nước tràn dần vào trong, từ hôm qua đã ngập ngang đến chân.

Ông Lâm đứng ở đầu thuyền khua chèo, miệng ngâm nga vài câu thơ. Thanh Hạ ngồi ở giữa thuyền cầm cái gáo tạt nước, người run rẩy lạnh toát.

Vứt cái gáo trong tay, Thanh Hạ chui vào khoang thuyền, trùm kín chăn, mở túi đựng gạo để lấy hai củ khoai nướng đã nguội ngắt. Đây là tất cả lương thực giúp họ cầm cự qua ngày, gạo sống và khoai tươi. Thanh Hạ không nói chuyện với ông già chèo thuyền. Ông ấy cũng không một lần mở lời với nàng.

Mười ngày sau, thuyền của ông già mù cuối cùng cũng dừng lại điểm đến. Lúc ấy hoàng hôn vừa buông xuống, gió thổi vi vu bên tai, sương mù phủ qua đường núi, vòm trời rặt đậm một màu đỏ tươi.

Thanh Hạ dựa vào mạn thuyền, ngước mắt nhìn ra mảnh đất trống phía xa, nàng nghĩ bụng, lại thêm một ông già lạ hoắc lạ huơ. Người đó vận áo xanh quần trắng, tóc búi vấn trong khăn, tay trái chống gậy, tay phải cầm đèn lồng.

Ông Lâm đưa Thanh Hạ một con dao bạc bọc trong vỏ ngọc: “Mũi dao này không cắt trên da thịt, lấy máu của người khác, không lấy máu của chính mình.”

Ông cúi người, đầu gối khuỵu trên đất, bàn tay gầy guộc chạm vào chân nàng: “Xin cô Thành Hạ đừng quên tôi. Dương Lâm của nước Hà Tiều.”

Những nếp nhăn hằn sâu, đôi mắt ông ấy trống hoác, mất đi cảm giác phương hướng, không có ánh sáng lọt vào trong.

Thanh Hạ rụt chân lại rồi nghiêng đầu nhìn ông với vẻ tò mò: “Thầy tôi cũng là người nước Hà Tiều.”

Nàng từng hỏi lão thầy của mình, nước Hà Tiều ở đâu? Cách núi Bạch Tây bao xa? Nếu cưỡi ngựa thì mất mấy ngày mới đến? Song lão ăn mày chẳng bao giờ trả lời nàng. Lão lại uống rượu, lại say khướt, lại bắt đầu im lặng.

Thanh Hạ bước xuống thuyền, vững vàng đi đến chỗ của ông lão áo xanh. Nàng không quay đầu. Ông ấy đã dặn dò, đừng nhìn lại, đừng hỏi lí do.

Người nọ đưa đèn lồng cho nàng, sau đó lại đưa tay nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn của nàng. Thanh Hạ nhích đến gần, lúng liếng đôi mắt sáng, nàng ngửi thấy mùi cỏ khô vương trên quần áo người bên cạnh.

Ông lão áo xanh mỉm cười hiền từ: “Con gọi ta là thầy Cơ Trần.”

Thanh Hạ nắm lấy ngón tay cái của ông: “Con họ Hoàng, tên Thanh Hạ, sống ở núi Bạch Tây, cạnh làng Con Trăn.”

“Làng Con Trăn, núi Bạch Tây ở nơi nào?”

“Không biết ạ!”

“Núi Bạch Tây nằm cạnh làng Con Trăn, ở Đàm Châu nước Đại Thụy.”

Cơ Trần nắm tay nàng bước đi: “Sau này ai có hỏi đến thì con phải trả lời giống như vừa rồi. Thanh Hạ ở Đàm Châu của Đại Thụy. Núi Bạch Tây là ở Đàm Châu, làng Con Trăn cũng ở Đàm Châu.”

Thanh Hạ chợt dừng lại, nàng ngửi thấy mùi cháy khét, rất nồng, tỏa ra từ phía sau.

Cơ Trần tiếp tục dẫn bước cho nàng: “Thanh Hạ theo thầy về phủ. Từ nay không nhắc đến chuyện cũ.”

Thanh Hạ ngẩng nhìn ông: “Thầy Cơ Trần nhìn ra phía sau giúp con, thuyền của ông già ấy đã rời đi chưa?”

Cơ Trần nhỏ giọng hỏi: “Sao con không quay đầu để nhìn xem?”

Thanh Hạ rụt lại bàn tay, không nhịn được sờ vào con dao bạc giấu trong vạt áo, nghĩ ngẫm đôi lát rồi vẫn lắc đầu.

Cơ Trần bật cười, gõ gậy xuống đất: “Hôm nay là ngày Mười sáu tháng Hai. Mỗi năm đến ngày này, con thắp một nén hương, nấu một mâm cơm. Mỗi năm là một phong thư, người ở nơi kia hẳn sẽ thấy an lòng.”

Thanh Hạ thẳng lưng bước đi, nàng không quay đầu, không xem sông núi phía sau.

Cơ Trần nhìn xuống bàn tay nhỏ đang run rẩy, chẳng thể nói gì thêm, khuôn mặt ông thản nhiên đến lạ thường.

Sóng to tràn vào đất bờ, dâng lên tiếng rì rào lại rì rào. Mây nặng trĩu một góc trời, mây vẽ hình vỏ ốc tròn, cát vàng trôi trong gió lộng. Hai người đã qua một đoạn đường xa, thấy những ngọn đồi dốc nối nhau, cỏ cây rậm rạp như rừng. Thanh Hạ nhìn cái bóng dài dưới chân, giọt nước mắt chảy xuống gò má nàng, vị mặn đến nghét miệng.

Họ ngồi trên xe lừa chất đầy rơm khô và củi tươi đằng sau. Xe lừa đi qua đường núi lớn, vào nội thành đông đúc người, đến chỗ sâu hút trong rừng cao giăng đầy sương.

Ông đưa Thanh Hạ về phủ, sắp xếp một gian phòng riêng, để nàng tự mình tắm rửa, mặc lên người bộ đồ mới. Chập tối, người làm ở phòng bếp đưa cơm nước đến. Thanh Hạ ngấu nghiến từng miếng cơm nóng, ăn đến đau rát miệng, bụng căng lên như sắp vỡ nát. Nàng nhét đồ ăn thừa vào trong áo, ngồi co rúm trong một góc đến sáng. Nơi này tịch mịch lạnh lẽo, không có ai đến trò chuyện với nàng.

Khi gà gáy ngoài sân, Cơ Trần đẩy cửa bước vào, nhìn dáng vẻ nàng nhơ nhuốc dầu mỡ chỉ sau một đêm, ông cau lại lông mày, giục người ngồi dưới đất đi tắm rửa, phải thay quần áo mới, cái cũ đều vứt đi. Thanh Hạ theo ông đến căn phòng lớn bên phía đông. Đầu gối quỳ trên đất, mắt nhìn thẳng, đối diện nàng là pho tượng Phật bằng vàng.

Màn lụa rủ xuống hai bên, những chiếc kệ dài đựng đầy sách, khói mờ lu hương bạc.

Cơ Trần ngồi phía sau bàn gỗ, mài mực rồi cắt giấy. Thanh Hạ nhìn chăm chăm vào ông, mắt còn chẳng chớp một lần.

“Thầy Cơ Trần đang làm gì vậy?”

“Chép kinh.”

“Sao lại chép kinh?”

“Vì bản thân có tội.”

Nàng lại hỏi: “Con sẽ làm gì khi còn ở đây?”

Người nhẹ nhàng gác bút: “Thanh Hạ là nam, cắt tóc, vận áo hoa chi tử, làm một hoạn quan trong phủ Thành Dương.”

“Hoạn quan thì phải làm gì ạ? Công việc ấy có quan trọng không?” Đối diện với ánh mắt điềm đạm của ông, nàng thẳng thừng đặt nghi vấn. Còn những chữ đầu, “Thanh Hạ là nam, cắt tóc, vận áo hoa chi tử…” Nàng lại chẳng để ý đến, không hỏi dụng ý có trong lời nói. Thực ra nàng còn chẳng biết hoạn quan là thế nào.

“Làm một kẻ hầu tận tụy trung thành, không nghĩ chuyện xác dục, không cầu tình duyên nam nữ, không hão huyền điều xa vời, không hỏi đến chốn về. Sau khi chết, người làm hoa chi tử xinh đẹp.”

“Con phải ở đây trong bao lâu?”

“Tròn hai mươi là vừa vặn.”

“Vậy cũng được. Sau đó con sẽ về núi Bạch Tây, tìm mẹ nuôi và lão ăn mày. Không rời đi nữa.” Nàng không gọi người là thầy vì vẫn còn để ý chuyện ông tự ý bắt nàng rời nhà, đến sống ở một nơi vô cùng xa lạ. Có lẽ sau khi trở về, lòng nàng mới nguôi ngoai nỗi giận hờn.

Cơ Trần nhìn lại trang kinh vừa chép xong, buông tiếng thở dài: “Lớn rồi thì làm gì chẳng được, người của phủ Thành Dương không cản ngăn. Nhưng Thanh Hạ phải làm hoạn quan cả đời, sống an phận, đến chết cũng phải an phận.”

Thanh Hạ nhanh chóng gật đầu mà chẳng cần nghĩ ngợi.

Thì bây giờ làm hoạn quan, đợi lớn rồi thì không làm nữa, nàng về nhà.

Cơ Trần không nói với nàng, ở nước Phục Nam, những kẻ yêm hoạn là chim gãy cánh chết trong lồng, sống hèn mọn cả một kiếp người, không thể nhìn thấy ánh mặt trời bên ngoài.

Mà dường như không chỉ ở Phục Nam, đến nơi nào cũng thế.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Sương Nữ

Gà con
Tham gia
17/4/24
Bài viết
3
Gạo
16,0
Chương 02
Chương 02.
Thấm thoắt đã qua một tháng, Thanh Hạ được Cơ Trần đưa đến viện Ngọc Bảo làm việc, nhờ vào sự sắp xếp chu đáo của ông mà nàng được đặc cách ở phòng riêng, có sân sau rộng rãi, chỗ đọc sách thoáng mát, cơm nước hai bữa đều đủ đầy. Mỗi lần ông đến thăm hỏi đều sẽ mang cho nàng vài món quà nhỏ mua từ bên ngoài, rồi ngồi nán lại một lúc mới rời đi. Đôi khi là mấy quyển sách, giấy bút, màu mực, hoặc vải vóc, đồ chơi. Thanh Hạ cất trong rương, khóa lại thực kĩ rồi đẩy vào góc gầm giường.


Phủ Thành Dương cổ kính rộng lớn, cỏ xanh mọc cao tường, con đường móc nối khúc khuỷu phức tạp. Quang cảnh ở đây vừa yên tĩnh vừa trống trải, cổng nẻo luôn đóng chặt, không lọt nổi một chút gió. Người canh giữ bên ngoài nhiều hơn cả người làm bên trong. Kẻ bước vào thì dễ dàng, đến lúc muốn đi ra lại trập trùng gian nan, khó như leo lên trời. Dù không ít lần sinh lòng hiếu kì, Thanh Hạ cũng chưa một lần đến gần bậc cổng chính. Nàng nghe theo lời dạy của thầy Cơ Trần, vâng lời người trên, cố gắng thích nghi và chăm chỉ học hỏi.

Công việc hằng ngày của Thanh Hạ là quét dọn mọi nơi ở viện Ngọc Bảo, phụ chuyện lặt vặt trong bếp và coi sóc vườn cây trái của ngài Mục thư [1]. Theo lời của thầy Cơ Trần, Mục thư là người quản lí việc lớn việc nhỏ của phủ Thành Dương, chức vị rất cao, quyền hành trong tay còn trên cả ông. Thanh Hạ vẫn chưa có cơ hội gặp mặt, không biết có già hơn thầy Cơ Trần hay không? Nghe mọi người kể lại thì ngài Mục thư đã rời phủ được nửa năm, đến hôm nay vẫn chưa có thư từ gửi về.

Nàng đi theo ông Ngữ, hoạn quan lớn tuổi nhất ở viện Ngọc Bảo. Ông phụ trách việc phân công và giám sát những người mới đến. Khuôn mặt tròn trặn đầy mỡ, bụng phồng lên như trái dưa nước, màu tóc đen nhánh không điểm sợi bạc, môi cười rồi mắt cũng cười. Ông Ngữ có một tật xấu là hay càm ràm, gặp chuyện gì cũng ra sức càm ràm, thích ăn bánh đậu đỏ tươi, nhất là bánh đậu đỏ thầy Cơ Trần tặng cho nàng.

“Đây là nước chè nhài của Hoàng tử Lê Xương, cậu cẩn thận bưng qua đó, phải xem ngài ấy uống hết một chén rồi mới được về.”

“Hỏi thăm sức khỏe các thị nữ, họ kêu gì thì làm nấy, phải biết khôn khéo lời hay ý đẹp làm người ta vui lòng. Nếu được các cô ấy cho phép, cậu nên thường xuyên đến phụ giúp, như quét tước, giặt giũ, gánh nước, tỉa tót hoa cỏ ngoài vườn, cho đàn chim con ăn… Hoàng tử thích trồng hoa phong lan, nuôi chim vàng hoàng anh, thích những người tháo vát chịu khó, cậu phải biết ý để làm ngài vui.”

Nhận lấy cái khay tròn đựng chén ngọc từ tay hoạn quan Ngữ, Thanh Hạ ngoan ngoãn nghe lời sai bảo. Nàng đi cùng Hoài Đức, một hoạn quan nhỏ tuổi cũng làm việc ở viện Ngọc Bảo, cậu lớn hơn nàng bốn tuổi, vào phủ sớm hơn nàng hai năm.

Bước trên hành lang, Thanh Hạ nhìn xuống cái chén vẽ con hạc và muỗng nhỏ bằng bạc, màu nước xanh ngát như lá thơm, cánh hoa nhài phủ thành lớp mỏng, khuôn mặt nàng lộ vẻ suy tư: “Em thấy hơi lạ, nước chè lại để lạnh ngắt như thế kia, sao người trong phòng bếp không hâm nóng lại rồi mới đưa đến chỗ Hoàng tử Lê Xương?”

Hoài Đức gãi trán, nghe vậy thì cũng hơi khó hiểu: “Chẳng biết nữa, có khi nào để lạnh vậy uống sẽ ngon hơn không?”

Thanh Hạ lại không nghĩ giống cậu. Nàng nói: “Mẹ nuôi của em hay dặn rằng nước chè phải uống lúc còn nóng, nếu để lạnh quá lâu thì cái vị cốt tủy nhất của món chè ngon sẽ nhạt dần. Và vốn dĩ, người thích chè sẽ không để chè nguội.”

Hoài Đức hỏi: “Hoàng tử Lê Xương có thích nước chè không?”

Thanh Hạ ngạc nhiên: “Em không biết… Nhưng nếu ngài ấy không thích, ông Ngữ sao lại bảo em mang qua đó?”

Đến cổng lớn, bước chân của Hoài Đức thoáng dừng, cậu rủ mắt lẩm bẩm: “Biết đâu vì ngài ấy không thích nên ông Ngữ mới bảo em mang qua đó…”

Cậu từng kể với Thanh Hạ, phủ Thành Dương có Mục thư, ông Cơ Trần, họ quản lí tất tật mọi thứ ở nơi này, bàn chân lớn vững như núi. Bên cạnh ấy, viện Ngọc Bảo lại tách biệt với phủ Thành Dương, nằm ở góc hẻo lánh nhất. Nhiều người vẫn to nhỏ đủ lời, ví đất xanh ngói đỏ, từng bậc cửa, bức tường cao của Ngọc Bảo là chiếc ghe bầu chòng chành ngoài biển, là lòng giếng sâu đã khô cạn. Và những đứa trẻ mặc áo gấm đội mũ ngọc ở đó là con các Chúa. Chúng được sinh ra và lớn lên trong lầu son cung vàng, ngồi trên cao nhìn xuống núi sông, nhận hết thảy sự thành kính từ muôn dân.

Nhưng đó là chuyện từ rất lâu, rất lâu. Quang cảnh lộng lẫy đã tan biến theo cát bụi. Ngày này năm trước, xác người xương trắng chất ngàn, gót sắt của quân giặc giẫm nát tường thành, khói mù và lửa lớn trở thành cơn ác mộng dai dẳng của những đứa trẻ vô tội. Bây giờ, chúng là đàn chim con bị giam cầm, thân mình trong lồng, chân nặng xiềng xích.

Hoài Đức cẩn trọng nhắc nhở: “Đây là ngày đầu tiên em diện kiến Hoàng tử. Lưng thấp xuống, mắt nhìn thẳng, phải sống khuôn phép, đừng có lòng tráo trở.”

Thanh Hạ ghi nhớ lời dạy bảo. Bàn tay nàng nắm chặt, mắt chẳng dám rời chén ngọc, căng thẳng đến mức làm mồ hôi ướt lưng áo.

Hoài Đức nói sang việc khác: “Người mới vào phủ không được đến viện Ngọc Bảo. Ông Cơ Trần đang cất nhắc cho em. Đó là chuyện tốt.”

“Hoàng tử Lê Xương là người thế nào vậy?” Thanh Hạ tò mò trong lòng.

“Một con người hiền hậu.” Hoài Đức nhẹ nhàng đáp. Âu cũng là lời thật lòng.

Hai người đi qua con đường hẹp phủ đá sỏi, hành lang tròn sơn đỏ cột, cuối cùng là đến trước bụi tre ngà cao ngất. Nơi nghỉ của Hoàng tử Lê Xương nằm phía sau. Cây xanh lồng gió mát, nắng vàng ươm đậu trên mái đình, cảnh vật thanh tịnh như chốn thiền định. Từ gian phòng nhỏ bên trái, thị nữ áo trắng bước đến chỗ họ với giỏ hoa tươi trên tay. Hoài Đức gọi nàng ấy là chị Lê Hoa. Thanh Hạ lén lút ngước mắt, thấy nàng ấy đang mỉm cười với mình. Khi trông rõ dung mạo của người thì nàng rối rít cúi đầu, chưa chi đã bẽn lẽn đỏ mặt.

Hoài Đức nói nhỏ với Thanh Hạ, nàng ấy là thị nữ hầu cận của Hoàng tử Lê Xương, người cũng như tên, đẹp như hoa. An Lê Hoa – người con gái đẹp nhất ở phủ Thành Dương.

Thanh Hạ ngoan ngoãn bước lên trước: “Thưa cô, hoạn quan Ngữ bảo tôi sang đây đưa nước chè cho Hoàng tử.”

“Hoàng tử đang nghỉ ngơi trong phòng, phần lễ này tôi xin nhận thay ngài, bữa khác lại đến cảm ơn ông Ngữ.”

“Hoạn quan Ngữ đã dặn tôi phải thấy Hoàng tử uống hết một chén này thì mới được đi về.”

Nàng thành thật kể rõ, không biết khéo léo lựa lời. Thị nữ cười khẽ một tiếng, ngón tay trắng nõn mân mê đóa hoa tươi trong giỏ, ánh mắt dịu dàng không rời khỏi người Thanh Hạ.

Hoài Đức vội vàng giải thích: “Chị thông cảm, cậu ấy mới vào phủ nên còn khờ khạo nhiều thứ.”

Thị nữ khúc khích: “Ra là người mới đến, hỏi sao tôi cứ thấy lạ, không thể nhớ được đã từng gặp ở đâu.”

Nàng ấy không trách cứ chỉ ẩn ý trong đôi lời: “Ông Cơ Trần nhìn người khéo lắm. Mỗi năm, những người mới ông đưa đến đều rất chịu khó học hỏi, trong khoảng thời gian ngắn sẽ thành thục mọi việc, gần như là không có ai kém cỏi hoặc vụng về.”

Thanh Hạ nghĩ bụng, chị ấy đang khen ngợi mình, đúng không nhỉ?

Thị nữ Lê Hoa dẫn đường cho hai người vào trong. Hoài Đức đã đến nơi này vài lần nhưng Thanh Hạ thì là lần đầu tiên. Nàng cảm thấy tò mò về mọi thứ mình nhìn thấy.

Trên trường kỉ gỗ đỏ sau bức bình phong, chàng thiếu niên nghiêng người nằm nghỉ. Áo dài bằng lụa phủ đến gót chân, màu xanh thẫm như lá sen, nước da trắng ngần mềm mại, suối tóc đen huyền chảy xuống tấm lưng gầy. Phía ngoài vách mành trúc, tiếng bước chân vang lên nhẹ nhàng. Hoài Đức đứng chờ ngoài cửa. Thanh Hạ cúi người đi vào sau đó lại kính cẩn quỳ gối trên đất. Lê Hoa nhận chén chè lạnh từ tay Thanh Hạ.

Vị Hoàng tử nọ tỉnh giấc, ngồi dậy dựa vào lưng ghế. Cậu cho phép đứa trẻ đang run rẩy quỳ trên đất đứng dậy. Thanh Hạ thấp thỏm ngẩng đầu, trông thấy một đôi mắt dịu dàng đang nhìn mình.

Đôi mắt của Hoàng tử trong và sáng như hòn ngọc. Nàng chăm chú ngắm nghía.

“Cậu tên gì? Năm nay bao nhiêu tuổi?” Lê Xương cất giọng hỏi. Thị nữ Lê Hoa bước đến gần tỉ mỉ giúp cậu vuốt phẳng lại nếp nhăn trên vạt áo.

“Thưa với Hoàng tử, tôi tên Thanh Hạ, năm nay bảy tuổi.”

“Còn nhỏ như vậy đã được gửi đến đây làm việc rồi sao?” Cậu tỏ vẻ ngạc nhiên.

Lê Hoa bật cười, nhún nhẹ đầu gối, bàn tay nõn nà dâng lên chén ngọc: “Ý của ông Cơ Trần. Nhỏ đến mấy cũng phải làm việc.”

Lê Xương khẽ khàng thở dài, cầm chén rồi uống hết trong một lần nhấp môi. Nước chè lạnh ngắt trôi xuống cổ họng, không có mùi hương hoa nhài, vị ngọt lại chỉ thoang thoảng đầu lưỡi.

Thanh Hạ lặng lẽ quan sát, người không thích nước chè, hẳn là thế. Hoàng tử không thưởng thức món chè một cách nhàn nhã bằng sự thích thú. Lúc ngài ấy nâng chén, như đang uống nước lã, thuốc đắng.

Lê Xương nhìn hộp đỏ trên bàn: “Thưởng cho cậu.”

Thanh Hạ bước qua đó nhận lấy, nàng vui vẻ mở hộp, bên trong đựng đầy những viên kẹo vàng bọc đường. Nàng cất hộp vào trong tay áo, giấu rất kĩ, sợ sẽ làm rơi mất.

Hoàng tử nằm xuống trường kỉ, bắt đầu khép mắt. Lê Hoa dẫn người ra ngoài. Thanh Hạ đi được vài bước thì quay đầu.

Hóa ra Hoàng tử một nước có dáng vẻ như thế này.

Ngài là Hoàng tử của Phục Nam – Tần Lê Xương. Một chàng thiếu niên nho nhã mới mười lăm tuổi.

Hai người rời khỏi phòng, Thanh Hạ hỏi Lê Hoa: “Tôi có thể đến đây thường xuyên không?”

“Cậu Thanh Hạ phải cho tôi biết lí do.”

“Tôi sẽ phụ giúp các chị làm việc, như quét tước, giặt giũ, gánh nước, tỉa tót hoa cỏ ngoài vườn, cho đàn chim con ăn…” Nàng lặp lại những lời hoạn quan Ngữ đã nói.

“Này là ý của ai?”

“Ông Ngữ dặn như vậy đó!” Nàng nhoẻn môi cười. “Nhưng bản thân tôi cũng thích được đến đây. Hoàng tử thật dịu dàng, người sẽ cho tôi kẹo.”

“Ừ. Hoàng tử dịu dàng thật.” Lê Hoa cũng vui vẻ cười theo.

“Cậu có thể đến phụ giúp nhưng nhớ là phải ngoan đấy nhé! Tôi không thích mấy tên phá phách hay làm trò.”

Ngồi xuống gốc cây to che nắng, Thanh Hạ chia cho Hoài Đức một ít kẹo.

Hoài Đức nhìn viên kẹo tròn trong lòng bàn tay, cậu nói với nàng: “Em không nên kể người khác nghe chuyện mà ông Cơ Trần hay ông Ngữ đã dặn riêng em. Giống vừa rồi chẳng hạn, em phải nói khéo với thị nữ của Hoàng tử, đừng thẳng thắn về mọi thứ.”

“Em phải nói khéo thế nào mới đúng ạ?”

“Ờ thì… em nói rằng ông Ngữ đã căn dặn em đến quét dọn phòng nghỉ của Hoàng tử. Thị nữ sẽ không dám từ chối.”

“Em hiểu rồi. Anh Đức thông minh ghê!” Thanh Hạ tấm tắc khen, lại mở hộp cho cậu thêm hai viên kẹo nữa.

Nàng vẫn còn điều thắc mắc: “Hoàng tử không thích nước chè. Em đoán vậy. Anh nghĩ thử xem, vì sao ông Ngữ lại muốn đưa cho ngài ấy chén chè đó? Chè lạnh ngắt như nước, vị ngọt của chè trở nên rất nhạt, hoa nhài khô lại có mùi như cỏ. Đặc biệt ở chỗ nào mà phải trao tận tay Hoàng tử?”

Hoài Đức trả lời: “Anh nói với em rồi mà, anh không biết thật, và anh cũng không muốn đi tìm hiểu nguyên nhân đâu.”

Cậu từ tốn kể lại: “Ông Cơ Trần vẫn thường dạy bọn trẻ ở phủ Thành Dương, rằng bất kể là người mới hay người cũ; có những việc kì lạ chúng ta không nên tò mò, phải im lặng, giữ kĩ trong lòng.

Thanh Hạ nhìn lên bầu trời, ánh nắng hôm nay thật trĩu nặng, che khuất cả mây xanh.

Chú thích:

[1] Chức quan hư cấu.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bên trên