Nhím thanh lịch - Phần 17
SUY NGHĨ SÂU SỐ 11
Bạch dương
Hãy dạy ta rằng ta chẳng là gì
Nhưng ta đáng được sống
Trong
bữa tối hôm qua, mẹ tôi thông báo, cứ như đó là một lý do để mở sâm
panh ăn mừng, rằng đã tròn mười năm kể từ khi mẹ bắt đầu giai đoạn “phân
tích” cùng bác sĩ tâm lý. Tất cả mọi người đều đồng lòng nói rằng thật
tuyệt-vời! Tôi chỉ thấy phân tâm học cạnh tranh với Cơ Đốc giáo trong
tình yêu đối với những nỗi khổ đau kéo dài. Điều mà mẹ tôi không nói là
cũng đã mười năm nay, mẹ tôi phải dùng thuốc chống trầm cảm. Nhưng rõ
ràng là mẹ tôi không kết nối hai sự việc. Còn tôi, tôi nghĩ rằng mẹ uống
thuốc chống trầm cảm không phải để làm dịu bớt lo sợ, mà để chịu đựng
công việc phân tích. Khi mẹ tôi kể về những buổi tư vấn của mình, tôi
chỉ muốn đập đầu vào tường. Người tư vẫn chỉ nói “Hmmm” sau những khoảng
thời gian đều đặn và nhắc lại từ cuối cùng trong mỗi câu của mẹ tôi
(“Rồi tôi đi đến nhà Lenôtre cùng với mẹ tôi”: “Hmmm, mẹ bà?” “Tôi rất
thích sôcôla”: “Hmmm, sôcôla?”). Trong trường hợp này, tôi có thể trở
thành nhà phân tâm học ngay ngày mai. Nếu không, ông ta lại cho mẹ tôi
những bài diễn thuyết về “chủ nghĩa Freud”; trái ngược với những gì
người ta vẫn nghĩ, những bài diễn thuyết này không hề khó hiểu, mà hẳn
là muốn nói điều gì đó. Sự lôi cuốn của trí thông minh là cái gì đó rất
hấp dẫn. Đối với tôi, đó không phải là một giá trị tự thân. Có nhiều
người thông minh. Có đầy rẫy kẻ ngu xuẩn, nhưng cũng có nhiều đầu óc
mang lại hiệu quả cao. Tôi nói ra đây một điều rất nhàm, nhưng bản thân
trí thông minh không có bất cứ giá trị hay lợi ích nào. Ví dụ, có những
người rất thông minh đã cống hiến cả cuộc đời của họ cho câu hỏi về giới
tính của các thiên thần. Nhưng nhiều người thông minh dường như bị lỗi
chương trình: họ coi trí thông minh là một mục đích. Họ chỉ có một ý
nghĩ duy nhất trong đầu: trở thành người thông minh, một điều vô cùng
ngớ ngẩn. Và khi trí thông minh tự cho mình là mục đích, nó vận hành một
cách lạ lùng: bằng chứng về sự tồn tại của nó không nằm trong sự khéo
léo và tính đơn giản của cái mà nó sản sinh ra, mà nằm trong sự tối tăm
của cách thể hiện. Giá như các bạn nhìn thấy những cuốn sách mà mẹ tôi
mang về từ những “buổi tư vấn”… Chúng đầy rẫy từ ngữ tượng trưng, làm
thất bại thảm hại sự loại trừ, và khái quá cái thực với sự trợ giúp đắc
lực của các ký hiệu và cú pháp khó hiểu. Toàn những thứ vớ vẩn! Thậm chí
sách vở mà chị Colombe đọc (chị ấy đang nghiên cứu Guillaume d’Ockham,
một thầy tu dòng thánh Franḉois
ở thế kỷ muời bốn) còn đỡ kỳ cục hơn. Kiểu thế này: thà làm một thầy tu
có suy nghĩ, còn hơn làm một nhà tư tưởng hậu hiện đại.
Và hơn
nữa, đó là ngày của Freud. Buổi chiều, tôi đang ăn sôcôla. Tôi rất thích
sôcôla và đó chính là điểm chung duy nhất của tôi với mẹ và chị gái.
Khi cắn một thanh kẹo sôcôla hạt dẻ, tôi cảm thấy một cái răng của mình
bị vỡ. Tôi chạy đi soi gương và thấy quả thật mình lại bị sứt một miếng
nhỏ ở răng cửa. Mùa hè vừa rồi, ở Quimper, trong một lần đi chợ, tôi bị
ngã vì vướng chân vào dây và tôi đã gần như bị gãy chiếc răng này, từ đó
nó ngày càng vỡ dần ra. Tóm lại, tôi bị mất một miếng nhỏ ở răng cửa và
điều đó làm tôi buồn cười vì tôi nhớ lại chuyện mẹ tôi kể về một giấc
mơ mà mẹ rất hay mơ thấy: mẹ bị mất hết răng, chúng trở nên đen kịt lại
và rụng dần từng cái một. Và đây là câu mà chuyên gia phân tích đã nói
với mẹ tôi về giấc mơ đó: “Thưa bà, một người theo học thuyết của Freud
hẳn sẽ nói với bà rằng đó là một giấc mơ chết.” Thật nực cười, đúng
không? Đấy cũng không phải là cách hiểu ngây thơ (răng rụng = chết, cái ô
= dương vật, v.v…), cứ như văn hóa không có khả năng gợi ý lớn, chẳng
liên quan gì tới thực tế của sự vật. Đó là cách được cho là đặt ưu thế
của trí thông minh (“một người theo học thuyết của Freud hẳn sẽ nói với
bà”) lên trên sự uyên bác xa xôi trong khi thực ra điều đó đem lại cảm
tưởng một con vẹt đang nói.
May mắn thay, để lấy lại tinh thần sau
những việc đó, hôm nay, tôi đến nhà ông Kakuro uống trà và ăn bánh gatô
dừa rất ngon và rất mịn. Ông ấy đã đến nhà mời tôi và nói với mẹ tôi:
“Hai chú cháu tôi đã làm quen trong thang máy và còn đang nói dở một câu
chuyện rất thú vị.” “Thế ư?” mẹ tôi ngạc nhiên nói. “Thế thì ông gặp
may rồi, con gái tôi ít khi nói chuyện với chúng tôi.” “Cháu có muốn đến
nhà chú uống trà và để chú khoe hai con mèo không?” ông Kakuro hỏi và
tất nhiên là mẹ tôi đồng ý luôn vì bà đang tò mò muốn biết câu chuyện sẽ
tiếp diễn thế nào. Mẹ tôi đã nghĩ đến cảnh geisha hiện đại được mời đến
nhà đại gia Nhật Bản. Cần phải nói rằng một trong những lý do mà mọi
người ở đây đều bị ông Ozu lôi cuốn là vì ông ấy (hình như) đúng là rất
giàu. Tóm lại, tôi đến nhà ông ấy uống trà và làm quen với hai con mèo.
Vâng, về lũ mèo, tôi không đến nỗi chỉ thích mèo nhà mình, nhưng ít ra
hai con mèo của ông Kakuro cũng khá xinh xắn. Tôi đã nói quan điểm về
mèo của mình với Kakuro và ông ấy trả lời tôi rằng ông ấy tin vào sự tỏa
sáng và tính nhạy cảm của cây sồi, huống hồ là khả năng ấy của con mèo.
Chúng tôi tiếp tục định nghĩa về trí thông minh và ông ấy đã xin phép
tôi để ghi lại câu nói của tôi vào cuốn sổ hiệu Moleskine: “Đó không
phải là một món quà trời cho, mà là vũ khí duy nhất của loài linh
trưởng.”
Rồi chúng tôi lại nói về bà Michel. Ông ấy nghĩ là con
mèo của bà Michel tên là Léon vì được đặt tên theo Léon Tolstoï, và
chúng tôi cùng nhất trí rằng một bà gác cổng mà đọc truyện của Tolstoï
và sách của nhà xuất bản Vrin thì rất có thể không tầm thường chút nào.
Ông ấy còn có những lý do rất xác đáng để nghĩ rằng bà Michel rất thích
tiểu thuyết Anna Karénin và quyết định gửi cho bà ấy một cuốn. “Chúng ta
sẽ thấy phản ứng của bà ấy,” ông Kakuro nói.
Nhưng đó không phải
là suy nghĩ sâu của tôi ngày hôm nay. Suy nghĩ sâu của tôi bắt đầu từ
lúc một câu nói của ông Kakuro. Chúng tôi nói chuyện về văn học Nga,
lĩnh vực mà tôi không hề biết gì. Ông Kakuro giải thích cho tôi rằng
ông ấy thích các tiểu thuyết của Tolstoï vì đó là những “tiểu thuyết phổ
quát” và hơn nữa, câu chuyện diễn ra ở nước Nga, đất nước mà cây bạch
dương mọc ở mọi nơi trên cánh đồng, và ở đó, trong các chiến dịch của
Napoléon, giới quý tộc phải học lại tiếng Nga vì họ vốn chỉ nói tiếng
Pháp. Vâng, đó chỉ là chuyện phiếm của người lớn, nhưng cái hay ở Kakuro
là ông ấy làm mọi thứ với phép lịch sự. Nghe ông ấy nói chuyện thật dễ
chịu, ngay cả khi bạn không quan tâm đến những gì ông ấy nói, bởi vì ông
ấy thực sự nói chuyện với bạn, hướng tới bạn. Đây là lần đầu tiên tôi
gặp một người thể hiện sự quan tâm đến tôi khi nói với tôi. Ông ấy không
để ý đến việc tôi đồng tình hay không đồng tình, mà nhìn tôi với vẻ
muốn nói: “Cháu là ai? Cháu có muốn nói chuyện với chú không?
Chú rất vui khi được gặp cháu!”. Đó chính là điều mà tôi muốn
nói khi đề cập tới phép lịch sự, thái độ của một người làm
cho người khác có cảm tưởng mình đang hiện diện. Vâng, xét cho
cùng, tôi không mấy quan tâm đến nước Nga của những người Nga
vĩ đại. Họ từng nói tiếng Pháp ư? Quá hay! Tôi cũng thế và
tôi không bóc lột moujik(21). Nhưng ngược lại, đầu tiên tôi không
hiểu rõ tại sao tôi nhạy cảm với cây bạch dương. Ông Kakuro nói
về nông thôn Nga với những cây bạch dương thân mềm và cả tán lá
rì rào trong gió, và tôi cảm thấy mình thật nhẹ nhàng, nhẹ
nhàng...
21. Moujik: nông dân Nga
Sau đó, khi đã
ngẫm nghĩ một chút, tôi phần nào hiểu được niềm vui bất chợt
trong tôi khi ông Kakuro nói về cây bạch dương Nga. Điều này tạo
ra ở tôi hiệu ứng giống hệt như khi người ta nói về cây cối,
bất cứ cây nào: cây đoạn trong sân trang trại, cây sồi sau kho rơm
cũ kỹ, cây du cổ thụ mà giờ đây đã tuyệt chủng, cây thông thân
bị uốn cong vì gió dọc theo bờ biển đầy gió,v.v... Có biết
bao tình nhân văn trong tình yêu cây cối đó, biết bao luyến tiếc
những nỗi kinh ngạc đầu tiên của chúng ta, biết bao sức mạnh
để cảm thấy mình nhỏ bé như thế nào trong lòng thiên nhiên...
vâng, chính là điều này: cây cối, vẻ uy nghiêm không hề thay đổi
của chúng và tình yêu của chúng ta với chúng, điều dạy cho
chúng ta biết mình không nghĩa lý đến mức nào, mà chỉ là
những sinh vật ký sinh tồi tệ chen chúc nhau trên bề mặt của
trái đất, đồng thời làm cho chúng ta trở nên đáng sống, bởi
vì chúng ta đủ khả năng nhận ra vẻ đẹp không hề phụ thuộc vào
mình.
Ông Kakuro nói về cây bạch dương, và sau khi quên đi
các nhà phân tâm học và tất cả những người thông minh nhưng
không biết làm gì với trí thông minh của họ, bỗng nhiên tôi cảm
thấy mình lớn hơn vì đã nắm bắt được vẻ đẹp vĩ đại của
chúng.