Tác phẩm: Góc Xám
Tác giả: Zest
Thể loại: Truyện ngắn
Tình trạng: Hoàn thành (Ngày 17/4/2016)
Giới hạn độ tuổi: K+
Cảnh báo nội dung: Không
Nhân vật: Khả Ngân, Viết Vũ
Chú thích: Tác phẩm được viết dựa trên một câu chuyện hoàn toàn có thật.
* * * * *
Xám, màu pha trộn giữa đen và trắng, giống như câu chuyện của tôi, một câu chuyện dang dở... Và tôi cũng không biết nó sẽ đi đâu, về đâu và kết thúc ra sao? Cuối cùng là nước mắt hay nụ cười?Tác giả: Zest
Thể loại: Truyện ngắn
Tình trạng: Hoàn thành (Ngày 17/4/2016)
Giới hạn độ tuổi: K+
Cảnh báo nội dung: Không
Nhân vật: Khả Ngân, Viết Vũ
Chú thích: Tác phẩm được viết dựa trên một câu chuyện hoàn toàn có thật.
* * * * *
Tôi chợt bừng tỉnh giấc, mở đôi mắt ra, xung quanh là một màu đen của màn đêm bao trùm lấy không gian. Tôi vừa trải qua một cơn ác mộng khủng khiếp. Những hình ảnh đáng sợ ấy vẫn đang quanh quẩn trong tâm trí và chúng ám ảnh tôi. Tôi thở mạnh và gấp. Thật may, đó không phải là sự thực! Nhưng tôi vẫn có thể cảm nhận rõ những giọt mồ hôi lạnh ướt đẫm trên khuôn mặt. Bỗng nhiên, một cảm giác đau đớn đến quằn quại từ dưới bụng làm cơ thể tôi run lên từng đợt, bàn tay bất giác ôm chặt lấy bụng. Cơn đau dạ dày của tôi tái phát.
Tôi bước xuống giường và đi ra khỏi phòng một cách chệnh choạng, tới tủ thuốc và lục lọi. Khi tìm được vỉ thuốc, tôi quay đầu lại và trở về phòng ngủ, khi đi ngang qua phòng khách tôi bỗng chôn chân tại chỗ vì lờ mờ nhìn thấy trên ghế sofa có một người đang nằm đó. Trong căn nhà chỉ duy nhất một mình tôi sống, vậy rốt cuộc người đó là ai? Sự liên tưởng kéo đến mang theo những dòng suy nghĩ phức tạp và cảm giác sợ hại lại một lần nữa bủa vây lấy tôi. Và ngay lập tức, tôi hét lên theo phản xạ:
– Aaa...
Tiếng hét thất thanh của tôi phá tan sự im lặng trong đêm. Bỗng nhiên bóng đèn huỳnh quang được bật lên, cả không gian bừng sáng. Sau đó, có một giọng nói vang lên:
– Khả Ngân, con sao vậy?
Tuy chưa thích nghi được với ánh sáng nhưng tôi vẫn có thể nhận ra người đàn ông đang ngồi trên ghế với dáng vẻ hốt hoảng. Đó là bố tôi! Sự căng thẳng trong lòng tôi đã giảm bớt nhưng thay vào đó là một cỗ ngạc nhiên, bởi vì bố đã không về nhà từ rất lâu rồi cũng như suốt một thời gian dài tôi đã không gặp bố. Tôi quên hẳn câu hỏi của bố, cho đến khi bố mở lời lần nữa:
– Có chuyện gì xảy ra? Tại sao con lại hét lên?
– Dạ, không! – Tôi còn muốn hỏi bố thêm nhiều điều nữa, nhưng vẫn lặng thinh không nói gì cả.
Cơn đau dạ dày như biến mất từ lúc nào không hay, rồi tôi chợt nhớ đến vỉ thuốc đang cầm trên tay. Từ từ đưa tay giấu sau lưng, nhưng bố không mảy may để ý đến hành động nhỏ nhặt này của tôi. Tôi chỉ nhìn thấy bố thở dài mệt mỏi rồi hỏi tôi:
– Con chưa ngủ sao?
– Con tỉnh giấc!
– Vậy con mau ngủ tiếp đi, sáng mai còn đi học.
– Vâng! – Tôi nhỏ nhẹ đáp.
Trở về phòng, tôi đóng cánh cửa và ấn chốt. Đồng hồ trên tường điểm ba giờ sáng, tôi sẽ không ngủ được nữa. Tôi ngồi thẫn thờ trên giường, không làm gì khác.
Vậy mà thời gian cũng trôi qua thật nhanh, ông mặt trời vừa nhô, chiếu rọi những tia nắng sớm vào góc tường qua khe cửa sổ. Tôi đeo cặp sách lên vai, ra khỏi phòng. Trong căn nhà, cảnh vật vẫn vậy, như chưa hề có sự xuất hiện của một ai. Tôi không còn nhìn thấy bố nữa, bố lại đi rồi. Không muốn nghĩ nhiều nữa, tôi lắc đầu rồi bước nhanh ra khỏi nhà.
Trường học cách nhà tôi không bao xa, qua hai con hẻm và một đường lớn, nên ngày nào tôi cũng đi bộ. Lúc tôi đến, sân trường chỉ lác đác vài học sinh. Đúng như dự đoán, tôi là người đầu tiên tới lớp. Tôi ngồi vào chỗ và mở một cuốn sách ra để đọc, thói quen hàng ngày. Lúc lâu sau, có chiếc cặp sách đặt lên đầu bàn còn lại, rồi một tiếng nói quen thuộc vang lên:
– Chào Ngân!
Đó là Viết Vũ, cậu bạn ngồi bên cạnh tôi. Tôi không nói, chỉ quay lại và mỉm cười với cậu ấy rồi tiếp tục chăm chú đọc sách. Tôi là một người rất kiệm lời, hay nói cách khác, tôi rất lười giao tiếp cho dù ở bất cứ nơi đâu, với bất cứ ai. Tôi luôn thu mình vào một góc, không quan tâm đến ai và cũng chẳng cần ai quan tâm đến tôi. Bắt đầu từ bao giờ, tôi trở nên như vậy? Đôi khi tự hỏi với bản thân. Phải chăng là kể từ khi tôi hiểu câu chuyện đó?
Chẳng mấy chốc, lớp học trở nên ồn ào bởi những tiếng nói, cười vui nhộn của những đứa bạn. Tôi và Viết Vũ ngồi bàn cuối cùng, cho dù đã bắt đầu vào tiết học nhưng góc chỗ chúng tôi vẫn rất lộn xộn, nhất là vài đứa con trai ngồi phía trên. Tôi thực sự thấy khó chịu, nhưng tôi không nói gì mà sự khó chịu ấy chỉ biểu hiện trên khuôn mặt đang cúi xuống viết bài. Nhưng dường như, mọi thứ cảm xúc của tôi chỉ có duy nhất một người hiểu được, đó là cậu bạn ngồi bên cạnh. Mỗi lần như vậy, Viết Vũ đều nhắc nhở mấy tên ở bàn trên:
– Trật tự đi! Không muốn học thì để người khác học.
Tôi thầm cảm ơn cậu ấy, nhưng chỉ im lặng.
Tùng... tùng... tùng...
Hồi trống vang lên, hai tiết học đã trôi qua và đến giờ giải lao hai mươi phút. Những âm thanh ồn ào và vội vã từ mọi người xung quanh vang lên. Ai cũng có những điều thú vị của riêng họ, còn tôi, tôi chỉ có một mình. Trong lớp chỉ còn tôi ngồi một góc và vài đứa con gái đang xúm lại tám nhảm ở dãy bàn bên kia. Mỗi khi một mình như vậy, tôi luôn làm bạn với cây bút chì và quyển sách, chìm vào thế giới nhỏ bé của riêng mình. Nhưng sự tập trung của tôi bị phân tán bởi những tiếng nói, cười đến mức vô duyên của mấy đứa con gái kia. Giữa tôi và những cô bạn đó có sự khác biệt quá lớn. Bởi những điều họ thích là những thứ tôi không biết, không hiểu còn những điều tôi thích thì là những thứ họ không quan tâm. Hiện tại, tôi cần một không gian yên tĩnh, nhưng tôi chợt nghĩ: “Không có Viết Vũ ở đây!” Vậy thì...
– Làm phiền trật tự! – Tôi nói nhưng vẫn chăm chú với quyển sách. Tôi cũng cảm thấy mình khá vô lí, vì giờ giải lao đâu có cấm tiếng ồn.
Tất cả đều ngưng nói và quay lại nhìn tôi. Bắt gặp đâu đó vài ánh mắt khinh khỉnh. Nhưng dường như tôi chẳng là gì trong mắt họ, bởi vì sau đó họ lại tiếp tục bàn luận về những câu chuyện nhảm nhí của họ. Tôi chỉ thở dài, dù sao cái cách đối xử này của mọi người, tôi cũng quen rồi. Tôi đứng lên và muốn đi khỏi đây, nhưng bỗng một cơn choáng váng nhẹ ấp đến làm tôi đau đầu và hoa mắt nên khi bước ra khỏi chỗ, tôi vấp phải chân bàn, tạo nên âm thanh rất khó nghe. Tất cả bọn họ đều quay lại nhìn tôi một lần nữa. Và tôi đọc được trong suy nghĩ của họ qua cử chỉ của nét mặt, họ cho rằng tôi cố tình làm vậy vì tức giận với họ nên “giận cá chém thớt” với cái bàn. Tôi cũng chỉ cười khuẩy. Trước khi đi đến cửa lớp, tôi vẫn còn nghe thấy vài tiếng xì xầm.
– Con bé đấy làm sao thế? Tính cách kỳ quặc.
– Khó ưa, khó gần.
– Kệ nó đi! Trong lớp có ai quan tâm tới nó đâu.
Tôi lại cười, một nụ cười nhạt nhẽo, thì ra tôi đã bị cô lập trong tập thể này. Vậy cũng tốt!
Tôi đi đến thư viện, nơi đây thật đông đúc, các bàn trống đã không còn. Tôi lấy một quyển sách Lịch sử và tìm một góc khuất nào đó rồi ngồi bệt xuống. Ban đầu, tôi đọc rất nhập tâm, nhưng rồi không biết từ khi nào, đôi mắt tôi lướt qua từng con chữ một cách vô định mà không tiếp thu được thứ gì vào trong đầu. Và tôi chìm vào giấc ngủ!
* * *
– Khả Ngân, Khả Ngân!
Một giọng nói con trai vang vẳng bên tai, cứ ngỡ là mơ cho đến khi tôi lờ mờ nhìn thấy một khuôn mặt đang ở rất gần. Là Viết Vũ, cậu ấy đang ngồi xổm trước mặt tôi! Hai đôi mắt nhìn nhau không chớp. Tôi hành động theo phản xạ, ngay lập tức đẩy thật mạnh vào vai Viết Vũ khiến cậu ấy suýt nữa ngã ngửa ra đằng sau, bởi vì tôi ghét sự gần gũi này. Những thật may, đôi tay của cậu ấy đã nhanh chóng chống xuống đất. Rồi Viết Vũ nhìn tôi với ánh mắt ngỡ ngàng:
– Sao cậu làm vậy?
– Xin... xin lỗi! – Đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy việc mình làm thật quá đáng. Hình như đã từ rất lâu rồi tôi mới biết nói ra từ này: Xin lỗi.
– Không sao đâu!
Sau đó, Viết Vũ nắm lấy tay và kéo tôi đứng lên. Nhưng tôi vội rụt tay lại và tự mình đứng lên. Tôi ghét sự đụng chạm và quan tâm của người khác, điều đó thật xa lạ. Tôi cảm thấy vô cùng lúng túng khi Viết Vũ vẫn nhìn tôi.
– Tớ đi tìm cậu suốt cả buổi!
Tôi bình tĩnh trở lại và đưa tay nhìn chiếc đồng hồ đang đeo rồi nói:
– Mười hai giờ trưa sao? Muộn rồi, về thôi. – Tôi đi qua mặt Viết Vũ, tới thẳng cửa thư viện.
Trở về lớp và thu dọn sách vở. Khi tôi bước ra khỏi cửa, đã thấy cậu ấy đứng ở đó. Lưng tựa vào tường, một chân vắt chéo và khuôn mặt hơi cúi xuống.
– Sao cậu còn chưa về? – Tôi hỏi.
– Tớ chờ cậu! – Rồi cậu ấy khẽ mỉm cười.
Nhưng tôi không thích cái nụ cười ấy. Tôi chỉ bình thản đi lướt qua.
– Lần sau, không cần đâu!
Đi được một đoạn đường, tôi lại thấy Viết Vũ lẽo đẽo chạy theo sau tôi.
– Tại sao cậu lại ngủ ở thư viện?
– Đọc sách rồi ngủ quên!
Viết Vũ đã chạy lên trước mặt tôi và đang đi giật lùi. Còn tôi cố bước nhanh hơn.
– Tớ... rất lo lắng cho cậu!
Tôi bỗng giật mình rồi lúng túng nhưng vẫn lấy lại bình tĩnh và đáp một cách cẩn trọng:
– Ừ! Cảm ơn.
Viết Vũ xoay người lại, đi song song với tôi. Chúng tôi cứ lặng lẽ đi bên nhau như vậy cho đến khi tôi dừng lại trước một con ngõ lớn.
– Đến gần nhà tớ rồi! Cảm ơn cậu đã đi cùng.
– Ừ, tạm biệt!
Tôi thấy Viết Vũ lại nở nụ cười, nhưng nét cười ấy thật gượng gạo và cứng nhắc. Tôi không đáp mà quay lưng và bước vào con ngõ đó.
“Tại sao lại nói dối? Nhà cậu đâu có ở đây.”
Chờ cậu ấy đi khuất, tôi mới đi ra khỏi con ngõ mà chính tôi cũng chưa từng đặt chân tới. Tôi không muốn nói dối Viết Vũ, chỉ là tôi không muốn cậu ấy hay bất cứ một ai khác biết nhiều về tôi.
Về nhà, tôi thấy ở trước cửa một đôi giày da màu đen đang vứt chổng trơ. Bố ở nhà? Tôi chợt thở dài rồi tiếp tục bước vào. Bố đang ở trong bếp nói vọng ra:
– Sao con về muộn vậy?
– Hôm nay, lớp con tan muộn.
– Đói không? Mau vào đây ăn chút gì đi.
– Vâng!
Vào bếp, tôi cứ nghĩ rằng trước mặt sẽ là một bàn với vài món ăn đơn giản mà tự tay bố làm nhưng không ngờ, đó chỉ là đồ ăn sẵn được bày biện một cách đẹp mắt. Thất vọng! Tôi không cảm thấy đói, nhưng vẫn ngồi xuống đối diện bố. Bố không ăn, chỉ ngồi nhìn tôi. Thỉnh thoảng, vài sợi tóc mái dài rơi xuống trước mặt làm cản trở tầm nhìn của tôi thì bố vội vàng vén gọn chúng giúp tôi nhưng tôi né tránh. Tôi... cảm thấy lạ lẫm với sự quan tâm này. Bố thấy vậy, chỉ từ từ thu tay lại. Bỗng, bố cất tiếng nói để xua tan đi cái cảm giác xa cách này giữa hai cha con:
– Năm nay, con học lớp 10 phải không?
Tôi chợt cười buồn.
– Không ạ! Con đang học lớp 9.
– À ừ, bố quên mất! – Tôi thấy rõ sự lúng túng trên khuôn mặt bố.
“Bố chưa từng nhớ, thì sao lại quên?”, tôi nghĩ.
– Học hành có vất vả không con? – Bố chuyển sang khía cạnh khác.
– Bình thường ạ!
Bố gật đầu rồi lại nói tiếp:
– Năm sau, bố sẽ cho con đi du học ở Hồng Kông.
Tôi không ngạc nhiên, bố đã có ý định này từ rất lâu rồi.
– Một mình con thôi sao?
– Không! Bố, con và bé Phương sẽ cùng đi. Nếu không có gì thay đổi thì chúng ta định cư ở bên đó luôn.
Tôi đứng bật dậy, đôi mắt mở to nhìn bố.
– Vậy... còn mẹ thì sao? – Giọng tôi bỗng nghẹn lại. Nghĩ đến mẹ, tôi lại cảm nhận được những giọt lệ cay đang tràn dần qua vành mi.
Bố im lặng, lòng tôi chợt lạnh.
– Con sẽ không đi đâu hết! – Tôi hét rồi lao lên phòng, đóng chặt cửa.
Ngồi bệt xuống nền nhà, lưng tựa vào cánh cửa, tôi co ro ở đó. Từng giọt nước mắt thi nhau chảy ra càng nhiều, tôi không thèm quệt chúng. Có một điều tôi luôn chôn giấu trong lòng, rằng tôi rất ghét bố. Gia đình tôi trở nên xa cách như vậy, tất cả là lỗi của bố. Bố vì bản thân mình mà làm khổ mẹ tôi, làm khổ tôi và cả đứa em gái của tôi nữa.
Cách đây mười năm, khi tôi còn là một đứa trẻ năm tuổi, tôi giống như một nàng công chúa được bố mẹ hết mực cưng chiều và yêu thương. Tôi luôn cho rằng tôi là đứa trẻ hạnh phúc nhất thế gian này. Trẻ con là như vậy, rất ngây thơ và đơn giản.
Tôi còn nhớ, vào những buổi sáng chủ nhật, bố thường hay đưa tôi đi chơi. Một lần, bố có hỏi tôi:
– Bé Ngân, con có biết ai xinh đẹp nhất trên đời không?
– Là mẹ ạ! – Tôi không cần suy nghĩ mà trả lời ngay, nhưng mẹ tôi cũng thật sự rất xinh đẹp.
Bố cười và xoa đầu tôi, nói:
– Sai rồi! Nếu có một người xinh đẹp hơn mẹ thì sao?
Tôi bỗng cụp mắt xuống, lí nhí đáp:
– Không, mẹ đẹp nhất!
– Vậy con có muốn gặp một người đẹp hơn cả mẹ con không?
Mắt tôi bỗng sáng lên vì sự tò mò và thích thú.
– Có ạ!
– Vậy chúng ta đi thôi!
Và tôi theo bố đến một nơi vô cùng xa lạ, rất phồn hoa và sầm uất. Đúng như lời bố nói, tôi gặp được một cô xinh đẹp. Cô ấy cười với tôi, nhưng tôi luôn có cảm giác sợ hãi khi nhìn thẳng vào cô ấy. Cô ấy còn cho tôi rất nhiều quà và kẹo nên chẳng mấy chốc tôi quên đi nỗi sợ hãi mơ hồ kia và bắt đầu thân thiết với cô ấy. Vào chủ nhật hàng tuần, bố lại đưa tôi và cô đi chơi, tôi đều rất vui. Một ngày nọ, khi ba chúng tôi đang ở Công viên giải trí thì bố nhận được điện thoại từ phía công ty nên ngay sau đó đã rời đi. Chỉ còn tôi và cô ấy, cô nắm tay tôi đi qua từng gian hàng bán đồ chơi, tôi nói tôi muốn mua búp bê.
– Cháu rất thích con búp bê này phải không? – Cô cúi xuống hỏi tôi.
– Vâng ạ! Nó rất đẹp. – Tôi hồn nhiên nói.
– Cô mua cho cháu con búp bê này, cháu phải hứa với cô một chuyện, có được không? – Cô xinh đẹp lại cười.
– Chuyện gì ạ?
– Cháu phải giữ bí mật về cô với mẹ cháu. Nếu mẹ có hỏi về con búp bê thì cháu phải nói là bố mua. Cháu nhớ chưa?
Tôi nghiêng đầu không hiểu, mẹ dặn là không được nói dối mà.
– Tại sao ạ?
– Bởi vì... mẹ cháu không thích cô! – Cô ấy ngập ngừng trả lời tôi.
Tôi giả vờ suy tư một lát rồi gật đầu với cô và ôm lấy con búp bê mới. Ngày ấy, tôi chẳng thể hiểu thâm ý sâu xa trong câu nói đó. Bây giờ nghĩ lại, tôi chỉ có sự căm ghét đến tột cùng đối với người phụ nữ đó, tình nhân của bố tôi.
Thời gian trôi qua, tôi lớn lên rồi cũng dần quên đi “cô xinh đẹp” ấy. Và tôi sẽ thật sự quên mất cô ta nếu không có chuyện đó xảy đến với gia đình tôi.
Hơn một năm trước, vào đêm hôm ấy, tôi đang ngủ say thì bị đánh thức bởi một tiếng vang lớn: “xoang”, nó giống như tiếng thủy tinh vỡ. Và sau đó tôi nghe thấy tiếng ồn ào từ trên tầng, đó là phòng của bố mẹ. Tôi rón rén đi ra khỏi phòng và nhẹ nhàng bước lên cầu thang, khi đã đứng lấp sau cánh cửa phòng ngủ của bố mẹ, tôi nhìn thấy trên sàn nhà là những mảnh thủy tinh của chiếc bình hoa luôn đặt trên tủ trang điểm của mẹ. Đó là chiếc bình hoa tôi đã tặng mẹ cách đây không lâu, vào ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra cho đến khi giọng mẹ nói với bố vang lên:
– Anh đang làm cái gì vậy? Anh có biết hai đứa đang ngủ ở bên dưới không?
– Tôi mặc kệ! – Bố quát lên, tôi chưa bao giờ thấy bố tức giận như lúc này. Trông bố thật đáng sợ!
– Vậy bây giờ anh muốn gì? – Mẹ tôi thở dài, tôi thấy được sự mệt mỏi trên khuôn mặt hao gầy của mẹ.
– Ly hôn, tôi muốn ly hôn, tôi không muốn chung sống với cô nữa.
Nghe đến đây, tôi lấy tay bịt chặt miệng để ngăn từng tiếng nấc đang nghẹn ứ trong cổ họng nhưng không thể nào ngăn được những giọt nước mắt chảy dài trên má. Tôi đã lớn, tôi đủ hiểu chuyện gì đang xảy ra.
– Không được! – Mẹ phản đối ngay lập tức, rồi nói tiếp. – Anh thật ích kỉ, anh chỉ biết nghĩ cho bản thân mình thôi sao? Ly hôn rồi gia đình này sẽ đi về đâu, các con sẽ ra sao? Anh có từng nghĩ cho chúng nó không?
Đó là câu nói của mẹ, cũng là tiếng nói cuối cùng tôi được nghe thấy trong đêm đó. Tai tôi ù đi, tôi chỉ biết nhìn trân trân vào căn phòng đó. Tôi nhớ rằng bố mẹ đã cãi nhau rất lâu, rồi đột nhiên bố vung tay lên cao tát vào mặt mẹ một bạt tai khiến mẹ ngã khụy xuống. Tiếng nấc nhỏ của tôi ngưng lại, tôi nhìn ngây ngốc nhìn thật lâu và hình ảnh đó... tôi sẽ không bao giờ quên. Sau đó, bố lấy hết quần áo của mình bỏ vào vali rồi đi về phía cửa phòng, mẹ vội vàng giữ chân bố lại nhưng bố vẫn cương quyết bỏ đi. Tôi thấy bố đang đến gần chỗ tôi lấp, nhưng tôi chỉ biết chôn chân ở đó. Rồi bố đi qua mặt tôi, dường như không nhìn thấy tôi, có phải vì không gian ngập trong một màu đen tối đã che kín đôi mắt bố, hay là bởi vì bố đã không còn quan tâm đến bất cứ điều gì nữa, bao gồm cả tôi và gia đình này? Tôi nhìn theo hướng bố đi khuất. Hình như, người đó không còn là bố tôi nữa! Mẹ vẫn ngồi đó và khóc, miệng kêu gào một điều gì đó, hình như là tiếng gọi bố, nhưng bố đã đi và có lẽ sẽ không bao giờ quay lại nữa. Tôi nhìn thấy nỗi đau trong đôi mắt của mẹ, nhưng tôi có thể làm gì?
Tôi lê bước về phòng, lặng lẽ nằm xuống giường. Tôi cũng khóc, tôi khóc vì mẹ, khóc vì một gia đình đã không còn nguyên vẹn. Em gái tôi đang ngủ say bên cạnh. Đôi mắt nhắm nghiền và nhịp thở đều đặn của nó cho tôi một cảm giác bình yên. Giá như tôi giống con bé, cứ bé bỏng như vậy và không biết chuyện gì hết. Giá mà những gì tôi vừa nhìn thấy, vừa nghe được chỉ là một giấc mơ, một cơn ác mộng kinh khủng, thì tốt biết chừng nào?
Ngày hôm sau, tôi giả vờ như đã quên hết mọi thứ. Tôi bắt gặp mẹ đang ngồi thẫn thờ trong phòng, cảnh tượng của đêm hôm qua vẫn đang ở ngay trước mắt tôi, nó khiến tôi bị ám ảnh. Tôi gọi mẹ, mẹ từ từ quay lại nhìn tôi, đôi mắt thâm tím mệt mỏi của mẹ vẫn còn đọng lại những giọt nước mắt.
– Sao hôm nay con dậy sớm vậy? – Mẹ nhẹ nhàng hỏi tôi rồi ngồi xuống dọn đống mảnh thủy tinh bị vỡ trên sàn nhà.
– Chiếc bình hoa này... – Tôi ngờ vực hỏi mẹ.
– Xin lỗi con gái, hôm qua mẹ lỡ tay làm vỡ mất món quà của con.
Tôi không dám nhìn vào mắt mẹ, mẹ nói dối, nhưng lời nói dối này chỉ để giấu kín tôi những điều đã xảy ra, những đau đớn mẹ đã phải trải qua.
– Bố... đâu rồi hả mẹ? – Tôi biết mình đã chạm đến nỗi đau của mẹ, nhưng tôi thật sự muốn biết câu trả lời của mẹ.
– Bố đi công tác rồi con gái ạ! Có lẽ là vài tháng nữa mới trở về. – Mẹ nhẹ nhàng nói với tôi bằng một chất giọng khàn.
Tôi không nói được điều gì nữa, chỉ đứng đó nhìn mẹ. Mẹ là một người phụ nữ yêu gia đình, tôi không thể hiểu tại sao bố lại đối xử tàn nhẫn như vậy với mẹ chứ? Vài tháng trôi đi, nhưng tôi vẫn không gặp lại bố. Kể từ ngày hôm đó, gia đình tôi mất đi một thành viên, mẹ giống như một người phụ nữ không có chồng, còn tôi và em gái giống như những đứa trẻ không cha. Hàng xóm láng giềng họ cũng bán tán về gia đình tôi, nhưng mọi chỉ trích vô căn cứ ấy đều đổ lên mẹ tôi. Tôi rất tức giận, nhưng vẫn vờ như không biết gì, bởi vì tôi không muốn gánh nặng trên vai mẹ lại càng trĩu xuống.
Và chúng tôi cũng đã quen dần với sự thiếu vắng của bố. Bởi vì sau tất cả những gì đã gây ra, bố không còn xứng đáng với mẹ, với gia đình này nữa. Có lẽ cuộc sống của ba mẹ con chúng tôi cứ lặng lẽ trôi qua như vậy. Cho đến một ngày, mẹ nói với tôi rằng:
– Bởi vì công việc nên sau này, mẹ và bé Phương sẽ ở luôn cửa hàng. Con ở nhà một mình nhớ phải biết tự chăm sóc bản thân.
Thoạt đầu, tôi không hiểu gì. Những điều mẹ nói khiến tôi vô cùng ngỡ ngàng và có một chút lo lắng.
– Nhưng, con muốn sống cùng mẹ. – Từ bé đến lớn, chưa có một ngày nào tôi phải xa mẹ.
– Không được! – Mẹ chợt phản ứng gay gắt, nhưng sau đó lại dịu giọng. – Khi nào nhớ mẹ và em, con có thể tới đó.
Một khi đã quyết định, thì tôi có năn nỉ thế nào mẹ cũng sẽ không đổi ý, nên tôi biết rằng mình phải chấp nhận, chấp nhận một cuộc sống độc lập. Nhưng lòng tôi vẫn luôn cảm thấy khó hiểu. Và tôi đã tìm ra câu trả lời cho sự khó hiểu ấy khi một lần vô tình nghe thấy cuộc nói chuyện điện thoại của mẹ với... bố. Tôi lờ mờ đoán ra lí do. Bởi vì căn nhà này là của bố, bởi vì bố không muốn mẹ sống ở đây, mà mẹ nhất quyết không chịu ly hôn nên đã làm theo mọi yêu cầu của bố, bao gồm cả việc bỏ tôi lại với một căn nhà trống không. Tôi đã giận mẹ, nhưng lại thấy mẹ thật đáng thương, đáng thương vì có một người chồng như bố tôi.
Và kể từ giây phút đó, tôi căm ghét bố. Dường như sự căm ghét ấy quá lớn, lớn đến nỗi chúng làm thay đổi con người tôi. Trở thành một người khép mình và tự lập hơn. Tôi nghĩ, ngay cả người bố mà tôi yêu thương cũng không thể cho tôi một niềm tin vững chắc thì còn ai có thể khiến tôi tin tưởng? Tôi thực sự hiểu cái cảm giác trên thế giới này chỉ còn có một mình tôi. Ngày qua ngày, cuộc sống của tôi giống như một vòng tuần hoàn khép kín, thật đơn điệu. Tôi chẳng còn bận tâm đến những người xung quanh mình, họ làm gì hay họ là ai. Cái cách sống ấy cũng biến tôi trở nên mờ nhạt, rồi họ, cũng không còn nhớ đến sự tồn tại của tôi. Nhưng không sao, bởi vì tôi thích cuộc sống ấy, một cuộc sống thật bình yên.
Ngày hôm qua, tôi gặp lại bố sau hơn một năm xa cách. Tôi không biết chính xác cảm giác của mình là gì, có nhớ nhung, còn yêu thương hay không, nhưng tôi chỉ biết rằng sự căm ghét đối với bố chưa từng phai nhòa đi chút nào. Hình như lần này trở về, bố vẫn muốn tiếp tục làm tổn thương đến mẹ, nhưng tôi không cho phép điều đó xảy ra, vì tôi không còn là một con nhóc nữa, tôi đã lớn và tôi có thể bảo vệ mẹ.
* * *
Sáng hôm sau, tôi đến lớp với tinh thần vô cùng mệt mỏi. Đêm qua, lại một đêm mất ngủ, bởi vì tôi đã khóc rất nhiều, khóc đến thấm mệt, tôi cũng không muốn ngủ nữa, vậy là lại thức trắng đến sáng. Mặc dù chỉ đi vài bước chân trên dãy hàng lang để tiến vào cửa lớp, nhưng đã không biết bao nhiêu lần vai tôi va vào người khác, là tôi vô ý hay họ cố tình? Không để tâm, tôi chỉ nhìn thẳng rồi bước tiếp.
Tôi nằm gục trên bàn và ngủ thiết đi. Bao nhiêu mệt mỏi, lo lắng và đau thương có lẽ sẽ được nhấn chìm trong giấc mộng nào đó, tôi mong là như vậy dù cho sự lãng quên ấy chỉ là nhất thời.
Một cái lay nhẹ lên bờ vai, một giọng nói khẽ... là Viết Vũ, cậu ấy gọi tôi. Ngẩng đầu, tôi thấy lạnh người khi mấy chục cặp mắt của tất cả mọi người trong lớp đều nhìn chằm chằm vào tôi. Sau đó, tôi lại giật mình khi phát hiện cô giáo đang đứng ngay bên cạnh. Tôi tự giác đứng lên, cô bắt đầu truy vấn:
– Tại sao em lại ngủ gật trong giờ học?
– Dạ... – Tôi không biết trả lời cô thế nào, nếu nói rằng đêm qua tôi mất ngủ thì có lẽ cả lớp sẽ cười ồ lên và cho rằng tôi nói dối.
– Em có biết kết quả học tập gần đây của em rất giảm sút không?
– Em... – Tôi cũng không biết nói gì nữa, vì đó là sự thật.
– Mau ra ngoài rửa mặt đi! – Cô thở dài rồi bước lên bục giảng và tiếp tục bài học.
Tôi đi ra ngoài, đằng sau là vài lời nói châm chọc hay những tiếng cười khúc khích đắc ý của lũ bạn.
Mở van vòi nước, tôi hứng lấy từng làn nước và hất mạnh chúng lên mặt. Lạnh và buốt! Những giọt nước ấy như tát vào mặt tôi, ép tôi phải tỉnh, ép tôi lấy lại tinh thần dù chỉ là một chút. Không lâu sau, trống đánh. Tôi bắt đầu nghe thấy từng tiếng bước chân pha với tiếng cười đùa của vài đứa con gái đang tiến gần. Mở bừa một phòng vệ sinh nào đó rồi đóng cửa và xoay chốt, tôi mang chiếc điện thoại ra nghịch ngợm, có lẽ tôi sẽ lại trốn tiết và ở lì trong này. Những tiếng ồn ào dày lên trong một khoảng thời gian rồi bẵng đi và bắt đầu vơi dần. Nhưng vòi nước vẫn chảy, vẫn còn có người ở bên ngoài?
– Mày vui vẻ lắm sao?
– Phải rồi! Mày không thấy hôm nay con Ngân bị cô giáo mắng sao? Mày có thấy cái cách nó đi ra khỏi lớp trông rất đáng thương và tội nghiệp không?
Dừng ngón tay đang bấm trên màn hình điện thoại, đoán không nhầm thì tôi là nhân vật mà bọn họ nhắc đến, và hình như tôi lại bị kéo vào một câu chuyện nhảm nhí.
– Không đến nỗi như vậy! Nhưng tại sao mày lại ghét nó như vậy, nó có làm gì mày đâu?
– Tao ghét nó chỉ vì nó vô cùng đáng ghét thôi! Tất cả mọi thứ về nó: thái độ và cách cư xử với mọi người rồi cả giọng nói và khuôn mặt. Nó luôn tự biến bản thân mình thành một kẻ đáng thương bằng cách cố tình tỏ ra lạnh lùng, nhưng kết quả là… chẳng có ai để ý đến nó. Thật là ngu ngốc!
Tôi nắm chặt chiếc điện thoại trong tay. Có lẽ tôi sẽ không nghe được những lời nói xấu thậm tệ như vậy nếu không ẩn mình trong gian phòng này. Thật buồn cười! Ai mới là kẻ “ngu ngốc” trong khi họ chẳng hiểu gì về tôi, cái nhìn phiến diện của một kẻ đứng ngoài quả thực vô cùng phong phú. Nhưng, bọn họ đã chạm đến lòng tự trọng ở tận sâu trong lòng tôi.
Mở cửa, tôi bình thản bước ra ngoài, đi qua mặt hai bọn họ tới vòi nước bên cạnh. Rửa tay, mặc dù tôi không thích làn nước lạnh buốt này.
– Khả Ngân, cậu... cậu ở trong đó sao? – Một trong hai cô bạn lên tiếng hỏi tôi, vậy là người còn lại vẫn im lặng chính là người “ghét” tôi.
– Mày nghe thấy hết hết cuộc đối thoại của bọn tao rồi sao? – Cô bạn ấy cuối cùng cũng lên tiếng.
Chưa từng có ai nói chuyện với tôi bằng ngữ điệu này, giống như coi tôi là kẻ thù vậy. Hai cô bạn trước mặt này nhìn khá quen, hình như học cùng lớp với tôi, nhưng tôi không nhớ tên. Vậy đấy! Tôi vô tình gây thù chuốc oán với những người mà tôi còn không biết đến sự tồn tại của họ.
– Phải! Tôi đã nghe thấy hết. – Tôi nói.
– Ồ, vậy sao? Vậy thì tao cũng nên nói vài điều để mày hiểu thứ đồ giả tạo như mày đáng khinh như thế nào. – Những lời nói khó nghe ấy lần lượt dội vào tai, nhưng tôi vẫn bình tĩnh.
– Mày thôi đi! – Cô bạn bên cạnh ngăn cản và có ý định kéo cái người vừa nói những lời hùng hổ ấy với tôi đi.
– Mày bỏ tay ra, để tao nói hết!
Tôi không nói gì, chỉ nhìn hai người họ giằng co với nhau, rồi cười.
– Mày có biết vì sao trong lớp này không có một ai muốn làm bạn với mày? Bởi vì chính bản thân mày đã tự cô lập mình. Thái độ dửng dưng, khuôn mặt lạnh lùng và cả cách đối xử hững hờ với mọi người, những điều đó chỉ khiến mày tách rời tập thể mà thôi. Sẽ không có ai hiểu cho cái tính cách cổ quái ấy của mày đâu, mà họ chỉ nghĩ rằng mày thích khác người, vậy thôi. Thật đáng khinh!
Nụ cười của tôi bỗng cứng đơ trên khuôn mặt. Sự tức giận đè nén trong tôi lúc này đang dâng trào đến cực điểm. Tôi không muốn nghe thêm bất cứ điều gì nữa. Tâm trí hoàn toàn trống rỗng và tôi đã thực hiện một hành động theo bản năng: tát vào mặt cô gái trước này một cái bạt tai. Tiếng “bốp” vang lên thật lớn, cô bạn ấy lảo đảo lùi lại phía sau. Bàn tay tôi đỏ lên vì rát, chắc hẳn cái tát ấy rất mạnh và đau.
Một tay ôm lấy bên mặt đã sưng lên, cô bạn ấy vẫn nhìn tôi với ánh mắt chứa đầy sự căm phẫn. Tôi cũng nhìn chằm chằm vào vết lằn trên má cô ấy, đó là “tác phẩm” của tôi.
– Hãy im đi! Cậu hiểu gì về tôi và cậu hiểu tôi đến đâu? – Tôi dừng lại, cười nhẹ, một nụ cười cứng nhắc. – Đúng, tôi là vậy, bởi vì con người thật của tôi vốn như vậy. Hơn nữa, tôi không cần một ai thấu hiểu và có thể làm bạn với tôi hết. Sẽ chẳng còn ai đáng để tôi đặt lòng tin. Tôi đã nói hết lời, cậu đã thỏa mãn chưa? – Tôi biết mình đang run, bởi vì chính tôi cũng không dám chắc về những điều vừa nói.
– Đừng ngụy biện nữa! – Dường như cô bạn đó càng trở nên kích động, hét lớn với tôi rồi xông tới và vung tay lên định trả lại tôi một cái tát.
Chuỗi hành động xảy ra một cách quá nhanh, khiến tôi không kịp nắm bắt. Tôi cứ ngỡ rằng cú đánh ấy sẽ giáng xuống khuôn mặt tôi, nhưng ngay tại khoảnh khắc đó, có một bàn tay khác giữ chặt lấy cánh tay đang vung lên của cô bạn ấy. Tôi sững sờ và quay lại nhìn người đó, là Viết Vũ. Lòng tôi lúc này trở nên hỗn loạn vô cùng, tôi không biết nói gì, chỉ giương mắt nhìn mọi thứ tiếp tục xảy ra.
– Đủ rồi! Cậu thật quá đáng. – Viết Vũ lên tiếng với cô bạn ấy. Cậu ấy bảo vệ tôi?
– Chuyện này không liên quan tới cậu. – Cô ấy vẫn vô cùng cứng miệng.
– Có liên quan! Vì cậu đã xúc phạm bạn của tôi. Những điều cậu nói ra so với cái tát mà cậu nhận lại còn có sự chênh lệch. Vậy nên, đừng cố tình công kích bằng lời và gây sự bằng hành động với Khả Ngân nữa.
Nói trong giận dữ, rồi Viết Vũ nắm bàn tay tôi, một cái nắm thật chặt và kéo tôi ra khỏi nơi đó, căn nhà vệ sinh. Tôi lê chân theo sau cậu ấy, còn khuôn mặt cúi gằm xuống. Chúng tôi cứ đi mãi, giống như có thể đi đến cuối cuộc đời. Suy nghĩ đơn thuần ấy bỗng nhiên lướt qua nhẹ nhàng khiến tôi giật mình. Bởi một con người như cậu ấy không nên dành cho tôi. Tôi đứng lại, cậu ấy cũng vậy. Tôi buông tay và quay đầu, đi về hướng ngược lại với cậu ấy. Tôi cảm thấy mình thật kém cỏi khi một lời cảm ơn cũng không thể thốt ra.
Đuổi theo và đứng chặn trước mặt tôi, Viết Vũ nhìn tôi bằng một cặp mắt khó hiểu.
– Tớ có điều muốn nói, chuyện vừa rồi, cậu đã sai. – Cậu ấy nói, vẫn là ngữ điệu nhẹ nhàng ấy.
– Tớ sai? Tớ không thấy mình sai. – Tôi không thể hiểu tại sao cậu ấy lại nói như vậy.
– Cái tát! Cậu không nên làm vậy. Dù người đó là ai thì cậu cũng không có quyền xúc phạm danh dự của họ bằng một cái tát như vậy.
Giọng nói ấy vẫn chậm và đều, nhưng nó không khác gì một lời chỉ trích thẳng thừng đối với tôi. Tôi uất ức, nếu tôi là người sai, vậy ai là người đúng?
– Quyền! – Tôi cười, nụ cười ấy cay đắng làm sao! Nếu “không có quyền”, vậy tại sao bố lại có thể giáng cho mẹ một cái tát đau đớn đến vậy, cái tát của một con người bội bạc.
Viết Vũ thở dài, cậu ấy đặt tay lên vai và nhìn thẳng vào mắt tôi, nói:
– Tớ chỉ muốn cậu hiểu rằng cậu đã sai, thật sự đã sai. Và cậu đừng trốn tránh điều đó, hãy nhìn nhận và sửa chữa lỗi lầm này.
Tôi cắn môi, quay mặt đi. Có phải là tôi sai? Tôi không rõ!
Chỉnh sửa lần cuối: