ANNA LÀ NGƯỜI TỐT
Ngọc Mai
Tôi là bác sĩ tâm lý.Ngọc Mai

Công việc của tôi là chữa lành trái tim của bệnh nhân, và thổi bay đi những nỗi đau tưởng chừng nhỏ nhoi như những hạt cát trong tâm hồn họ.
Có một vị tiền bối từng nói với tôi, những tổn thương trong tâm hồn bị người ta quên lãng và xem nhẹ, bởi nó không khiến người ta đau đớn như vết thương ở thể xác, không làm người ta chết dần chết mòn như bệnh nan y. Nhưng đó không phải tất cả lí do, đa số mọi người không thích chữa lành tâm hồn, bởi vì khi vết thương bị tìm thấy, người ta sẽ không thể tiếp tục giả vờ: “Tôi vẫn ổn!”. Chữa bệnh tâm hồn không phải chỉ thuốc hay trị liệu là đủ, mà phải dùng cả trái tim. Để hiểu!
Đã có một thời gian, khi tôi 30 tuổi, cùng một vị giáo sư làm một thí nghiệm mà học sinh trung học là đối tượng chính. Chúng tôi muốn tìm hiểu chỉ số tình cảm và cảm xúc của lũ trẻ, cách tiếp xúc và đối xử với người khác, từ đó kết luận phương pháp giáo dục thích hợp.
Ở đó, tôi gặp một cô bé 18 tuổi, Anna…
Vì không có đủ thời gian, cho nên chúng tôi chỉ chọn một số đối tượng nổi bật chính để khảo sát, Anna có mặt trong số đó. Một cô bé dậy thì sớm, ăn mặc đẹp đẽ, mái tóc xù màu nâu vàng, và đôi mắt nhuộm một sắc u ám. Lúc nhìn thấy Anna bước vào phòng, tôi đã bật ra một suy nghĩ trong đầu: “Nếu đôi mắt sau hai tròng kính tròn vo kia mà cong lại, thì cô bé sẽ rạng rỡ đến mức nào?”
Giống với đa số học sinh trung học khác, Anna chăm chút ngoại hình, học tầm tầm, thích những cuộc vui chơi và hẳn nhiên cũng ghét qua ghét lại vài người nào đó. Tuổi học trò mà nhỉ? Tuy nhiên, tôi lại thấy, Anna rất khác! Có lẽ bởi đôi mắt của em khiến tôi cảm thấy điều đó.
Tôi hỏi em: “Một ngày em tiếp xúc với những ai?”
Em đáp, khoé môi cong lên nhưng đôi mắt chẳng một chút chuyển động: “Bố, dì, bạn bè!”
“Vậy một ngày em dành bao nhiêu thời gian cho họ?”
Em ngước mắt lên, sau đó cúi đầu, rồi mở miệng: “Em dành thời gian cho bố và dì ở nhà, cho bạn bè ở trường!”
Rõ ràng là tôi hỏi số lượng, em lại trả lời địa điểm, nhưng thật lạ là tôi không muốn truy cứu em, mặc dù đây là một câu hỏi quan trọng cho thí nghiệm: “Em dành thời gian cho mình ở đâu?” Tôi thay đổi mục đích của câu hỏi.
Cô bé ngạc nhiên ngẩng đầu nhìn tôi, sau đó tinh nghịch cười, má trái lộ ra núm đồng tiền duyên: “Cả ngày!” Lần này lại là câu trả lời khác với mục đích hỏi: “Dù đang ở cùng bố và dì hay bạn bè, em cũng đang dành thời gian cho mình!”
Em khác với bạn bè đồng trang lứa, bởi mỗi câu trả lời của em đều là ẩn ý. Bệnh nghề nghiệp nổi dậy, tôi bắt đầu quan sát em, ngồi tao nhã trên ghế, hai bàn tay nắm hờ đặt trên đầu gối. Có vẻ như em không hề lo sợ cuộc trò chuyện này. Tôi buột miệng hỏi: “Tại sao đôi mắt em buồn thế?”
Em mở tròn mắt, đưa hai tay bắt chéo ngang ngực, tựa lưng vào ghế, im lặng một lúc, rồi hỏi: “Tại sao thầy chưa có vợ đã đeo nhẫn cưới?”
Tôi không ngờ em hỏi ngược lại tôi, hơn nữa Anna cũng quan sát tôi nãy giờ, nhưng nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, tôi hỏi: “Tại sao em lại cho rằng tôi chưa có vợ?”
“Áo thầy mặc dù đã được là, nhưng vẫn có những nếp gấp do là không kĩ. Một người vợ sẽ không để chồng mình mặc quần áo như thế!”
Tôi bật cười: “Lập luận không chặt chẽ! Có một ngàn khả năng cho chiếc áo được là không kĩ này, ví dụ như vợ tôi dậy muộn, hay vợ tôi bận đi làm sớm. Và việc tôi đeo nhẫn ít cũng phải có ba khả năng xảy ra, tôi có vợ, tôi có người yêu, và tôi thích đeo thì đeo thôi!”
Cô bé cứng họng, rồi lơ tôi luôn.
Tôi cũng không nói gì, bởi tôi định “bắt bệnh” cho tâm hồn Anna, lại bị chính Anna nhìn ra mình cũng có bệnh.
Cho đến khi, một con mèo nhảy qua cửa sổ vào phòng. Tôi thấy Anna mỉm cười, rồi chạy tới ôm chú mèo, vuốt ve nó. Tôi khó hiểu hỏi: “Mèo của em sao?”
“Không! Của cô giám thị. Cô hay đưa nó đến trường vì sợ buổi trưa nó đói!”
“Em thích mèo sao?” Tôi hỏi.
“Vâng!” Em đáp, vẫn nâng niu chú mèo trong lòng, hẳn là đã quá quen thuộc.
“Em có nuôi mèo không?”
Anna lắc đầu.
“Bố và dì em không cho phép à?”
“Không phải!” Lại lắc đầu.
“Vậy tại sao?”
Im lặng một lúc lâu, em mới trả lời “… Nhỡ nó chết thì sao?”
Tôi hỏi lại không phải vì không nghe rõ: “Gì cơ?”
Em lắc đầu, đúng lúc tiếng trống cũng vang lên. Em chào tôi và trở lại lớp học.
Tôi không còn mấy hứng thú với thí nghiệm dang dở nữa, mà bỗng nhiên muốn tìm hiểu về Anna. Khi tôi hỏi về đôi mắt buồn, Anna khoanh tay, dựa lưng, giống như lo lắng bí mật nào đó bị phát hiện, phòng bị và quan sát tôi để đánh lạc hướng. Một cô bé yêu mèo, và có chính kiến, lại không dám nuôi mèo, vì “nhỡ nó chết”.
Tổn thương trong em hẳn là liên quan đến cái chết.
Anna nói cô ấy có bạn bè. Nhưng theo những gì tôi quan sát, Anna rất cô đơn, ở trường học, Anna chỉ có những mối quan hệ xã giao, cô bé thường ăn một mình, và từ chối mỗi khi có ai đó muốn nhập bọn.
Nhưng Anna lại để tôi ngồi cùng bàn. Một lần, khi tôi và Anna kết thúc bữa ăn, có một chàng trai 18 tuổi đỏ mặt bước đến, đưa bó hoa đến trước mặt Anna, thổ lộ: “Anna, tớ thích cậu!”
Mọi người xung quanh ồ lên, biểu cảm của Anna gần như là không có gì thay đổi, cô bé đứng dậy, nói nhỏ: “Đừng quan hệ với tôi, sẽ chết đấy!” Và bước đi.
Vài ngày sau đó, trong trường học rộ lên tin tức, Anna từ chối nam sinh kia vì thích tôi. Anna mặc kệ mọi tin đồn, nhưng lại tránh mặt tôi.
Cuối năm học, khi thí nghiệm của chúng tôi cũng đến bước cuối cùng, cũng là lúc cuộc thi chạy khắp thành phố của học sinh trung học được tổ chức. Anna, Bin và Taylor (cầm đầu phao tin đồn Anna thích tôi) được chọn để tham gia dự thi. Khi họ chuẩn bị lên xe xuất phát, cô bé tên Bin nói mất đôi giày được cho là vô cùng may mắn khi tham gia các giải đấu, nên mọi người đều đi tìm. Anna tìm thấy nó trong nhà vệ sinh nữ.
Tôi ở lại trường, nghe ngóng được vài tin tức, rằng khi cuộc thi bắt đầu, Bin bị chảy máu do trong giày có giấu một mảnh dao lam. Đọc đoạn hội thoại trên web trường, mà tôi chỉ có thể kết luận rằng, Bin bị thương nặng, Taylor khăng khăng rằng Anna cố tình chơi khăm vì sợ Bin thắng mình. Tôi không để ý nhiều, chỉ thấy ngạc nhiên khi đọc được câu nói của Taylor: “Có phải cậu định giết tất cả những người hơn mình không?”
Một tuần sau, đoàn thi trở về. Tôi đã tìm kiếm Anna, nhưng được tin cô bé tạm nghỉ.
Lại một tuần sau đó, cô bé đi học lại. Tôi tìm thấy Anna trên sân thượng, cô bé nằm dưới nền, tay đặt trên bụng, mắt nhìn bầu trời. Khi nghe thấy tiếng bước chân tôi, cô bé chỉ nhìn liếc qua, rồi lại im lặng ngắm bầu trời.
Tôi nói với cô bé: “Anna, em là người tốt!”
Tôi đã từng thấy cô bé gom gọn rác vào thùng rác rồi nói với bác lao công khi trời đã tối: “Bác về với con trai đi, mai dọn cũng được, sạch sẽ rồi!” Tôi đã từng thấy cô bé phát hiện một học sinh khác đang ôm bụng để làm bài kiểm tra. Tôi thấy Anna dắt tay một người khuyết tật sang đường và mỉm cười thật tươi.
Anna, em là người tốt!
Cô bé mím môi nói: “Nói dối!”
“Anna, em có thể kể cho tôi nỗi lòng của em không?”
Cô bé cười khẩy: “Em ổn mà! Em không có bệnh về tâm lý!”
“Em từng hỏi tôi tại sao chưa có vợ đã đeo nhẫn cưới. Chúng ta thoả thuận nhé, nếu em kể cho tôi nghe về chuyện của em, tôi sẽ kể câu chuyện của mình!”
Em không đáp là có hay không, nhưng tôi vẫn kể: “Tôi yêu một cô gái, chúng tôi mua nhẫn, trao nhẫn cho nhau trước ngày cưới. Nhưng khi tôi hạnh phúc đứng đợi trước lễ đường, cũng có một thần chết đang chờ cô ấy! Cô ấy chết ngay trước đám cưới, bởi tai nạn xe.”
“Cô ấy chết bởi chiếc xe được lái bởi bệnh nhân của tôi, tôi đã nói anh ta ổn, chỉ bởi vì tôi không chịu tìm hiểu trái tim anh ta, tìm hiểu nỗi lòng của anh ta! Chỉ bởi vì tôi buông thả chức trách của mình!”
Tôi vò đầu, khi đó tôi chỉ mới 25 tuổi. Khi ấy tôi quá trẻ, khi ấy tôi có quyền phạm sai lầm. Nhưng cái giá phải trả lại quá đắt.
Anna bỗng đặt tay mình lên tay tôi, vỗ nhẹ lên nó. Tôi cảm thấy trái tim mình nhẹ bớt đi, bởi vì có thể kể ra nỗi lòng của mình.
“Em là ác quỷ đấy!” Anna bỗng nhiên nói: “Em hại chết người bên cạnh!”
Khi em cất tiếng khóc đầu tiên, mẹ em mất đi. Bố yêu mẹ em rất nhiều, bố nói, em chính là nguyên nhân khiến mẹ chết đi. Khi em 13 tuổi, đi du lịch với lớp, bởi vì muốn ngắm hoàng hôn trên biển, em lạc lớp, cô bạn thân vì lo lắng mà đi theo em, chúng em gặp mưa lớn, cô ấy vì cứu em mà chết. Họ nói, vì em nên cô ấy mới chết. Vì em ham chơi nên cô ấy mới chết.
Anna khóc, đôi mắt u buồn nhuộm màu sợ hãi. Đầy bất lực. Đầy u uất. Đầy bất công.
Tôi ôm lấy khuôn mặt Anna, nhẹ giọng nói: “Anna, không phải lỗi tại em. Khi mẹ em có em, chắc chắn bác sĩ đã nói sức khoẻ của mẹ em yếu không nên sinh em, nhưng mẹ em đã lựa chọn để em sống. Khi cô bạn ấy đồng ý theo em đi ngắm mặt trời lặn, nghĩa là cô ấy coi em quan trọng như chính mình. Cô ấy lựa chọn để em sống. Bởi Anna là một cô gái tốt. Họ hi vọng Anna sẽ sống tốt thay phần của họ.”
Anna bỗng nhiên gào lên, cô ấy ôm chặt cánh tay tôi, vùi mặt vào vai tôi. Em như một thiên thần yếu ớt, lo lắng mọi người xung quanh xa lánh nên tự mình rời bỏ trước.
Trong thí nghiệm của chúng tôi, chúng tôi điều tra ra có cô bé bị tẩy chay mà giam hãm mình trong không gian nhỏ bé của mình. Biến mình thành một kẻ nhút nhát ích kỉ. Biến mình thành kẻ lạc lõng trong thế giới. Cũng có cô bé vì bố mẹ ly dị mà học hút thuốc, uống rượu, tự đánh mất chính bản thân mình. Lại có cả những đứa trẻ vì áp đặt và yêu cầu của bố mẹ mà trở nên ích kỉ, xấu xa.
Mỗi người trong chúng ta đều có vết thương lòng. Vậy tại sao lại cố gắng dùng lời nói để khiến vết thương lòng càng sâu hơn? Làm tổn thương người khác không có nghĩa khiến mình tốt đẹp hơn, mà chỉ khiến trái tim mình chằng chịt vết thương khác.
Có những vết thương khi còn nhỏ, chỉ cần tinh tế một chút, điều chỉnh lời nói một chút, sẽ khiến vết thương lòng ấy nhanh chóng lành lại.
Giá như ai cũng có thể cảm thông cho người khác một chút, thì đâu cần bác sĩ tâm lý như chúng tôi.
Anna bỗng nhiên đứng thẳng người, cô bé cười rạng rỡ, đôi mắt cong cong như đang cười, chìa ngón út ra, nói:
“Thầy cũng sẽ nhanh chóng quên cô gái kia và yêu lại từ đầu nhé. Vì cô gái ấy cũng mong thầy được hạnh phúc!”
Tôi chìa ngón tay ra, móc nghéo với em.
“Cảm ơn em, Anna Hood. Cảm ơn vì đã khiến tôi dũng cảm quên đi. Và Anna, em là cô gái tốt!”
Có lẽ đối với tôi và cả Anna, một vài câu chia sẻ như vậy chẳng đủ để xoá đi vết thương trong lòng cả hai. Nhưng đó là khởi đầu, đó là cách để chúng tôi đối mặt với vết thương trong lòng của mình, cách để bắt đầu chữa nó.
Tôi sẽ thôi tỏ ra mình mạnh mẽ, tôi sẽ đến những cuộc gặp mặt bạn bè của tôi và cô gái ấy, thay vì trốn tránh bởi sợ hãi có ai đó nhắc về cô ấy. Tôi sẽ đặt cô ấy ở đáy tim, như một kỉ niệm trân quý, Tôi đã luôn muốn quên đi cô gái ấy, bởi quên đi có nghĩa là hết đau khổ. Nhưng bây giờ tôi đã biết, nhớ cũng là một cách để khiến lòng mình bình yên.
Còn Anna, em sẽ thôi đặt nỗi buồn ở đôi mắt, để đuôi mắt có thể cong lên vì vui vẻ. Em sẽ hoà nhập và em sẽ biết rằng, em là một điều kì diệu.
Hết
Chỉnh sửa lần cuối: