Hủ nữ nửa mùa và bà mẹ thờ ơ
๖ۣۜTác giả: Thiệp Mộng
๖ۣۜThể loại: Châm biếm, trào phúng, hiện thực xã hội, tản văn…
๖ۣۜĐộ tuổi: [T]
๖ۣۜĐộ dài: Truyện ngắn
๖ۣۜCảnh báo: không có cảnh báo nào
๖ۣۜTác giả: Thiệp Mộng
๖ۣۜThể loại: Châm biếm, trào phúng, hiện thực xã hội, tản văn…
๖ۣۜĐộ tuổi: [T]
๖ۣۜĐộ dài: Truyện ngắn
๖ۣۜCảnh báo: không có cảnh báo nào
Chú thích: trong này dùng rất nhiều các thuật ngữ, nói qua chút cho các bạn dễ hiểu:
Hủ nữ: các cô gái yêu thích tình yêu đồng tính nam.
Ngụy hủ nữ: là những cô gái cứ tự cho mình là hủ nữ mà không phân biệt nổi đâu là thế giới thực và đâu là thế giới ảo.
Ship: sở thích ghép đôi các cặp đôi có gian tình.
Shipper: những người có sở thích ghép đôi.
JQ: gian tình
Couple: cặp đôi
Yaoi: truyện tranh chuyên về đề tài đồng tính nam, thường bắt nguồn từ Nhật Bản.
Yuri: truyện tranh về đề tài đồng tính nữ, thường bắt nguồn từ Nhật Bản.
Đam mỹ: truyện chữ chuyên về đề tài đồng tính nam, thường bắt nguồn từ Trung Quốc.
Bách hợp: truyện chữ về đề tài đồng tính nữ, cũng thường được bắt nguồn từ Trung Quốc.
Tomboy: những cô nàng có phong cách ăn mặc giống như con trai. Nhiều người nhầm lẫn họ là les. Nhưng thực ra nhiều người là đồng tính nữ họ vẫn ăn mặc bình thường như con gái, còn nhiều cô gái tomboy vẫn là người dị tính bình thường.
Công: tiếng Nhật là seme, tức là người đóng vai trò “nằm trên” trong tình yêu đồng tính nam (lẫn đồng tính nữ).
Thụ: tiếng Nhật là uke, tức là người đóng vai trò “nằm dưới” trong tình yêu đồng tính nam (lẫn đồng tính nữ).
Hỗ công: tiếng Nhật là seke, tức người có thể đóng cả hai vai trò trong tình yêu đồng tính.
BL: tức boy’s love: tình yêu của các chàng trai.
LGBT: cộng đồng những người đồng tính nữ (Les), đồng tính nam (gay), song tính (Bisexual) và chuyển giới (transgender).
GV: gay video, hay phim về đề tài BL.
Hint: giống như JQ, nhưng nếu JQ dùng được cho cả tình yêu dị giới thì hint thường được dùng cho tình yêu đồng giới.
Fanmeeting: buổi họp mặt người hâm mộ.
Like: lượt thích trên các trang mạng xã hội thông dụng hiện nay.
Ở Việt Nam hay dùng từ “cong” và “thẳng” để phân biệt những người đồng tính và những người dị tính. Dị tính “bình thường” thì được cho là “thẳng”, còn đồng tính thì bị gọi là “cong”.
Nhân tiện giải thích luôn về người chuyển giới. Nhiều người cho rằng người chuyển giới là gay, thực ra không phải thế. Người chuyển giới là những người sinh ra trong thân thể nam (hoặc nữ) nhưng lại có tâm hồn và tính hướng của nữ (hoặc nam).
Người chuyển giới bao gồm người chuyển giới chưa phẫu thuật và người chuyển giới sau phẫu thuật.
Giới tính mà cộng đồng LGBT định nghĩa phụ thuộc và tính hướng (tức xu hướng tình dục của họ) chứ không phải phụ thuộc vào tâm hồn bên trong của họ hay vẻ bề ngoài.
Bởi vậy nên những người chuyển giới khác với Gay và Les. Gay là khi họ sinh ra là con trai, hoàn toàn có tâm sinh lí là con trai nhưng vẫn thích quan hệ tình dục với con trai. Tương tự như thế với Les. Và Bisexual tức là có xu hướng tình dục chấp nhận cả hai giới.
Vì đây là những thuật ngữ, chứ không phải là tiếng nước ngoài đơn thuần nên tôi xin phép được để nguyên.
-----------------------------------------
Tôi là một hủ nữ. Giải thích một chút cho những bạn nào không hiểu hủ nữ là gì. Hủ nữ, gọi đầy đủ là Hủ nữ tử (tiếng Nhật là Fujoshi), dùng cho các nhân vật nữ trong truyện tranh Nhật Bản, mà các nhân vật này lại thích BL (Boy's love – Tình yêu giữa các chàng trai), sống trong mơ tưởng tình yêu giữa con trai với con trai.
Đây là một từ Nhật gốc Hán, bắt nguồn từ cách dùng của người Nhật (tức từ chữ Hán Nhật - Kanji). Chữ Hủ (腐) trong từ Hủ nữ (腐女) nghĩa gốc chữ Hán là cổ lỗ sỹ, nhưng do đây là từ Hán Nhật nên nghĩa trong tiếng Nhật lại là vô phương cứu chữa, hết cách, bó tay. Cách gọi này hài hước trào lộng vì trong tiếng Nhật phát âm giống từ Phụ nữ tử (妇女子 - nghĩa là phụ nữ, ふじょし - Fujyoshi). Hủ nữ thường có ba dạng chính thường thấy:
Thứ nhất là dạng hủ nữ thần tượng (shipper): những bạn trẻ có niềm yêu thích, đam mê với một thần tượng, nhóm nhạc hay một số diễn viên phim ảnh nào đó, thường có những sở thích ghép đôi các thành viên hay các diễn viên đó dựa theo một cơ sở gọi là gian tình (JQ), bao gồm các lời nói, hành động hay chỉ đơn giản là vài cái đưa mắt. Vì thường có rất nhiều cặp đôi được ghép trong một nhóm người nên vẫn thường có sự tranh chấp giữa những hủ nữ với nhau để bảo vệ cặp đôi yêu thích của mình.
Thứ hai là hủ nữ đam mỹ: đây là dạng hủ nữ khá phổ thông, họ đọc những cuốn tiểu thuyết đam mỹ, coi các GV (gay video) hay những bộ phim có tính chất đồng tính để thỏa mãn trí tưởng tượng về tình yêu đồng tính của mình.
Và thứ ba là hủ nữ truyện tranh (fujoshi): hay còn được biết đến là những otaku(người yêu thích/ cuồng truyện tranh) yêu thích manga yaoi – một loại truyện tranh chuyên viết về tình yêu đồng tính nam.
Cái này là định nghĩa đàng hoàng đó nha. Nếu bạn không tin cứ mò lên gúc – gồ (google) mà tra, chềnh ềnh trên wikipedia (bách khoa toàn thư điện tử) luôn đó. Các bạn có thể hiểu một cách nôm na hủ nữ là những cô nàng thích tình yêu đồng tính nam (thật ra có cả đồng tính nữ và vẫn đang tranh cãi về vấn đề đặt tên). Nhưng theo cái định nghĩa trên wiki thì tôi thuộc cả ba dạng.
Vẫn có rất nhiều người không hiểu về chúng tôi. Họ nhầm chúng tôi với một cái định nghĩa khác là “trạch nữ” – những cô gái chỉ thích ở nhà và chả hứng thú đi đâu. Hai khái niệm khác nhau hoàn toàn khác nhau! Ờ thì mặc dù đa số chúng tôi thích ở nhà, nhưng là ở nhà để xem GV và yaoi thoải mái hơn thôi. Những cô gái trạch nữ khác thích ở nhà nhưng cũng đâu có nghĩa họ thích boy love đâu. Còn những cô gái là “hủ trăm phần trăm” vẫn có những người thích đi đây đó, chẳng hạn đi fanmeeting của các phim BL này, đi đến phòng tập gym để soi hint mấy anh chàng này, đi tham gia kí tặng cho tập truyện yaoi mới nhất vừa xuất bản này,… Tóm lại là đời sống của hủ nữ chúng tôi phong phú lắm, không hề giống như các bạn tưởng tượng đâu.
Người đời cho rằng cuộc sống của hủ nữ chúng tôi thật là lập dị. Tưởng tượng chúng tôi giống như một con quái vật suốt ngày ru rú trong cái “động đam mỹ” của mình, đầu tóc bù xù như nửa năm không gội, có khi còn có chấy rận gì đó, người ngợm thì lười biếng nhếch nhác. Thật sự không đến mức đó đâu, cùng lắm là ba ngày chưa gội thôi, thật đấy.
Cơ mà thế vẫn còn là may. Nhiều đứa bạn của tôi khi nghe đến từ hủ, đều ngô nghê hỏi:
“Hủ? Hủ là gì hả mày?”
“Tao không biết, chắc là hủ nhựa đó.”
“Không, tao nghĩ là hủ tiếu.”
“Không phải đâu, là đậu hủ đó.”
“Chúng mày nói sai hết. Theo tao biết thì hủ là một từ hán việt, nghĩa là gỗ mục, theo từ điển Thiều Chửu có ghi “phàm vật gì thối nát thì đều gọi là hủ cả.””
“Mày lại tra google đấy à?”
“Đâu đâu tao xem…”
“…”
Họ cũng cho rằng hủ nữ chúng tôi biến thái, lập dị, điên cuồng, thậm chí tiêu cực nữa chứ. Họ nhầm hoàn toàn, mấy đứa như thế là vì đầu óc chúng nó bất thường, không phải tại vì là hủ nên mới thế. Người đồng tính chả có cái tội gì cả, chỉ có những hủ nữ không phân biệt nổi đâu là thật đâu là ảo mới là nguyên nhân gây nên sự rắc rối không đáng có này.
Bởi vì tôi là một hủ nữ lý trí, không phải ngụy hủ nữ nên tôi cực kì dị ứng với sinh tử văn, ghét người ta nhất quyết cho rằng công phải ra công, thụ phải ra thụ, thấy khó chịu với những đứa nào cứ đọc văn đam mỹ hay truyện tranh yaoi là cứ nhăm nhăm muốn đọc “high văn” – tức là cao H, hiểu cho nhanh là “chuyện ấy ấy” của các chàng trai. Và thấy thốn không thể tả với mấy đứa não tàn cứ nhất quyết bẻ thẳng thành cong, nhất quyết cặp đôi nào yêu nhau là phải yêu đến răng long đầu bạc, nếu chia tay hay có đứa thứ ba xen vào là sẽ nhảy dựng lên hú hét gào thét điên cuồng và đòi xử trảm đứa đó.
Cho xin đi, gay họ cũng là người bình thường thôi mà. Họ cũng sẽ yêu rồi thấy không hợp và chia tay giống chúng ta, hơn nữa chuyện tình yêu rất khó kiểm soát được. Ai chắc chắn rằng một anh chàng khi yêu con trai rồi sẽ không yêu một cô gái khác? Nhỡ đâu đấy mới là tình yêu thật sự của anh ta?
Chúng ta không thể chỉ vì sự hoang tưởng của bản thân mà ép người khác theo ý mình, đến yêu ai cũng không được yêu như thế.
Tôi nhớ có một hôm, khi đọc hết một tuyệt phẩm đam mỹ cực kì nổi tiếng trên mạng, lướt xuống dưới phần bình luận tôi đọc thấy một bình luận thế này:
“Tại sao bạn tiểu Bạch lại kì thế. Công là công mà thụ là thụ. Rõ ràng lúc trên giường thích bạn tiểu Hải như thế mà cứ không chịu gọi lão công là sao? Thấy thật ức chế với nhân vật tiểu Bạch này.”
Tôi liền nhấn nút trả lời mà gõ những dòng như sau:
“Bạn không nên nói như vậy. Công là công mà thụ là thụ là quan niệm của những con người bình thường chúng ta áp đặt lên thế giới của những người đồng tính. Đấy là suy nghĩ tồn tại biết bao thế kỉ của chế độ phụ hệ. Chúng ta cứ cho rằng chồng phải ra chồng, vợ phải ra vợ nhưng thực ra cuộc sống của những người thuộc thế giới thứ ba không hề như vậy. Miễn là họ yêu nhau, thì ai công ai thụ đâu có quan trọng đúng không? Mình đặc biệt thích nhân vật tiểu Bạch này vì tình yêu bạn ấy dành cho tiểu Hải được thể hiện rất đàn ông. Cậu ấy sẵn sàng đối mặt với sự phản đối của gia đình tiểu Hải, cậu ấy kiên cường và rất mạnh mẽ. Mình cũng thích truyện này vì nó thể hiện sự công bằng và bình đẳng trong tình yêu và hôn nhân, điều mà tình yêu nam nữ bình thường không làm được. Tình yêu của họ cũng làm mình đặc biệt xúc động.”
Lời bình luận đấy của tôi sau khi gửi đi, chỉ một ngày sau đã nhận được hàng trăm lượt “like” và hàng chục bình luận khác đồng tình. Có người còn phong cho tôi danh hiệu “Hủ nữ của năm”. Tôi rất vui và tự hào về điều đó.
Nhưng thực ra, những điều này tôi chỉ suy nghĩ ra được cách đây không lâu, sau khi xảy ra hai chuyện trong cuộc sống của tôi.
Câu chuyện thứ nhất:
Hồi đó tôi mới hóa hủ. Nhìn đâu cũng chỉ thấy các cặp đôi nam nam. Chỉ thiếu điều giống như một cô nàng nào đó trên mạng nói:
“Thế giới của bạn trước và sau khi trở thành hủ nữ.
Trước: Cái bàn là cái bàn, cái ghế là cái ghế, thước kẻ vẽ hình bé thỏ và bé gấu thì dễ thương, thước kẻ mà vẽ mấy đường cong cong tròn tròn thì là vớ vẩn, cái tách cho vào vòi lấy nước thì sự thực vẫn sẽ mãi là vậy. Đơn điệu, một định nghĩa một sự vật.
Sau: Cái bàn là bạn lạnh lùng công, cái ghế là bạn trung khuyển thụ. Thước kẻ vẽ hình bé thỏ là ngây thơ khả ái thụ, mà thước kẻ vẽ hình bé gấu chính là niên hạ nham hiểm công. Cong cong (0) là “tiểu cúc hoa”, mà thẳng thẳng (1) chính là…ý ý ý.
Có những thứ người bình thường thì có thách kẹo cho ngồi cả ngày cũng chẳng liên tưởng đc gì, mà fan gơ (fan girl – người hâm mộ nữ) thì chỉ năm giây là ý tưởng bộc phát, bộc phát ra rồi càng nhìn càng thấy đúng, càng thấy phù hợp.
Nói túm lại, mọi sự vật đều có linh hồn, có tính cách, phong phú đa dạng vô cùng”
Cá nhân tôi cho rằng đấy là một suy nghĩ cực kỳ sáng tạo và đáng yêu. Miễn là nó chỉ dừng ở thế giới ảo.
Nếu bạn hỏi vì sao tôi lại hóa hủ, thì đơn giản thôi. Sau khi xem một bộ phim về BL, tôi thấy hai nhân vật chính quá dễ thương, thế là nhanh chóng trở thành fan của họ.
Có lẽ, bởi vì tôi ngưỡng mộ họ, ngưỡng mộ mối tình ngang trái mà vẫn kiên định của họ. Ngưỡng mộ họ có thể sống chết bảo vệ tình yêu, có thể can đảm tỏ tình và thể hiện tình cảm với nhau, có thể ghen mà không sợ bị cho là nhỏ nhen, xấu tính. Những điều mà một cô gái như tôi không dám. Bởi vì con gái mà chủ động đàn ông sẽ chán, còn con gái mà hay ghen sẽ khiến đàn ông mệt mỏi.
Nhưng họ lại có thể không kiềm chế nổi cảm xúc mà thể hiện sự ghen tuông, một điều mà một cô gái như tôi không dám. Nên tôi vừa xúc động, vừa ghen tỵ, vừa ngưỡng mộ với tình yêu của họ.
Chỉ có điều, hồi đó tôi vẫn còn phấn khích quá. Nên có đôi chút ảo tưởng phi thực tế. Xem cái gì cũng nghĩ lệch sang hướng “BL” nên so với mọi người có chút bất đồng.
Tôi có một người chị họ lớn hơn tôi hai tuổi. Một hôm chị tâm sự với tôi về một nỗi niềm khó nói của mình trên facebook.
“Có một bạn tomboy ở lớp chị. Bạn ấy đẹp trai lắm, lại hát hay. Chị chả hiểu sao cả ngày cứ suy nghĩ về bạn ấy, chả làm được gì cả. Chị sợ lắm em ạ.”
Đọc được những dòng đấy, tôi lặng cả người. Tôi biết nói gì đây. Dù tôi là một hủ nữ, nhưng chưa bao giờ tôi tưởng tượng những người quanh mình sẽ đồng tính cả. Thế giới đam mỹ và bách hợp (đồng tính nữ) chỉ tồn tại trong phim ảnh và sách truyện thôi. Tôi chưa bao giờ nghĩ nếu nó xảy ra ở ngoài đời thật sẽ như thế nào.
Bạn không thể hiểu sự khó xử của tôi lúc đó. Một mặt lẽ ra tôi phải ủng hộ cho tình yêu của chị. Nhưng một mặt khác, tôi lo sợ. Chị là người chị họ tôi yêu quý nhất. Gia đình tôi cũng rất truyền thống. Sẽ ra sao nếu như những điều này bị họ hàng biết. Họ sẽ khinh bỉ, chế giễu, và kì thị chị của tôi. Tôi không hề muốn điều đó chút nào. Còn gia đình chị ấy nữa. Mẹ chị đã mất, chị chỉ còn bố. Nếu bố chị ấy biết được, chắc chắn sẽ rất buồn.
Tôi lưỡng lự giữa hai quyết định. Mà thực sự không biết phải chọn bên nào. Tôi chỉ dám nghe chị tâm sự và nói rằng có lẽ chỉ là một phút nào đó chị mất kiểm soát mà thôi.
Bẵng đi một thời gian. Một hôm chị kể với tôi:
“Bạn ấy có người yêu mới rồi em ạ.”
Nghe giọng chị rất buồn. Chị khóc rất nhiều. Tôi như cảm thấy cũng đau đớn như chị. Tôi có thể cảm nhận rõ sự tiếc nuối và mất mát trong giọng nói ấy. Nhưng tôi chả làm được gì cả. Tôi hoàn toàn bất lực đan xen với nỗi hối hận. Cuộc sống không hề giống với tiểu thuyết. Và dù tôi là một hủ nữ thì tôi có thể làm được gì cho họ? Tôi vỗ ngực tự xưng mình là hủ nữ mà chả thể giúp họ sống thật với bản thân. Tôi cũng chẳng thế thay đổi nổi thế giới. Bạn biết đấy, có hàng trăm tiểu thuyết và phim đam mỹ chuyển thể mỗi năm. Nhưng những người đồng tính vẫn đang phải chịu sự tổn thương và phải sống che giấu giới tính thật của mình. Dù có bao nhiêu người viết về họ đi nữa thì đã sao? Người ta vẫn kì thị và cho rằng họ là ung nhọt của xã hội.
Và những đứa hủ nữ như tôi, thật ra cũng chỉ thỏa mãn bản thân với những quyển tiểu thuyết phi thực tế mà thôi. Chúng tôi chả thể làm nổi những gì cao cả như là giúp cộng đồng LGBT hòa nhập với xã hội. Chúng tôi không thể thay đổi nổi thế giới.
Tôi chỉ là một con hủ nữ nửa mùa cũng lo sợ y như họ. Và khi lên mạng đọc và tìm hiểu, tôi biết người ta gọi chúng tôi là ngụy hủ nữ.
Phải chăng cho dù có bao nhiêubộ phim ra đời, có bao nhiêu cây bút vẫn miệt mài viết lách hàng đêm, sự u mê và cố chấp cùng những định kiến bởi sự thiếu hiểu biết của con người vẫn còn nguyên. Và những linh hồn đơn côi khát khao hạnh phúc vẫn ngụp lặn giữa miệng lưỡi thế gian, không lối thoát?
Câu chuyện thứ hai:
Gia đình tôi khá là truyền thống. Tuy họ không kì thị người đồng tính, nhưng cũng không ủng hộ họ. Có thể dùng từ “kính nhi viễn chi” để hình dung thái độ của họ.
Bạn biết đấy, cuộc sống luôn tồn tại hai thái cực. Nếu có những kẻ thích các anh chàng gay đến điên cuồng như chúng tôi. Thì sẽ tồn tại những kẻ căm ghét, xa lánh, hắt hủi và ghê tởm người đồng tính.
Gia đình tôi có lẽ thuộc về khúc giữa.
Nhưng không ở thái cực nào cũng chưa phải là một thái độ tốt và đúng đắn.
Năm cháu trai tôi năm tuổi, tôi nhìn thấy thằng bé chơi đồ hàng, nấu ăn và chơi búp bê. Tôi giật mình và nói với chị. Chị lại bảo với tôi:
“Có vấn đề gì đâu? Chúng nó còn trẻ con. Chúng nó chơi đồ hàng, nấu ăn, sau này lớn giúp mẹ làm việc nhà, càng tốt.”
Tôi chả còn biết nói gì nữa. Chị gái tôi là một người thuộc dạng điển hình của những người thiếu hiểu biết về thế giới thứ ba, nhưng lại bảo thủ và luôn tỏ ra hiểu biết về họ. Một hôm đang ăn cơm có bàn luận đến đề tài này. Chị nói:
“Cái bọn gay chúng nó vẫn lấy vợ được mà. Chỉ có cái bọn bê đê mới chỉ ngủ được với con trai thôi.”
Miệng tôi há hốc. Cái định nghĩa kiểu quái gì thế này. Gay với bê đê là một. Chẳng qua gay là từ mà cộng đồng LGBT trên thế giới định nghĩa. Còn bê đê, hay ô môi là từ lóng của dân ta để gọi họ. Sao lại có sự phân biệt buồn cười đến thế?
“Ý chị là gay chúng nó vẫn có thể ngủ với cả nam và nữ, còn bê đê về mặt ngoại hình chúng nó là đàn ông, nhưng bên trong lại là con gái.”
Lại cái sự phân biết dở hơi nào thế? Ngủ được với cả hai giới là bisexual, còn gay là gay. Cớ gì phân biệt buồn cười như vậy?
“Chị không hiểu rồi. Trong giới gay chả có sự phân biệt nào cả. Có chăng có những người đóng vai trò công, người đóng vai trò thụ, còn lại có thể là hỗ công thôi.”
Giờ thì tôi muốn kêu trời lắm rồi. Sao mà giải thích công, thụ với cả nhà tôi giữa bữa cơm được đây.
Cả nhà thấy tôi rất bức xúc thì cực kì ngạc nhiên. Bố tôi gắt:
“Sao mày phải tranh luận mấy chuyện như thế? Chuyện này liên quan gì đến mình đâu? Chỉ là chuyện phiếm thôi mà…”
Tôi đến chán với những người đã không biết mà cứ tỏ vẻ là mình hiểu biết lắm rồi. Google có tính phí đâu, sao không lên đọc kĩ rồi hãy nói. Mà nó lại là gia đình tôi nữa mới điên chứ. Vâng, không liên quan. Cứ nghĩ không liên quan đi, rồi sau hối hận cũng chẳng kịp.
Tôi đâu ngờ điều tôi nghĩ đã ứng nghiệm.
Mười năm sau, cháu trai tôi đã là một cậu bé mười lăm tuổi. Thi thoảng tôi thấy nó cứ ngẩn ngơ. Tôi chẳng biết nổi nó bị làm sao. Còn mẹ nó thì hoàn toàn thờ ơ với con cái, chỉ chăm chăm với cái trang trại con giống chị lập nên.
Cho đến một hôm, thằng bé cả người bầm tím về nhà, thì mọi người mới loạn cả lên.
Nhiều người cho rằng thằng bé bị bắt nạt. Nhưng cố gặng hỏi, nó vẫn không nói. Thằng nhóc này từ bé tính tình đã lì lợm bướng bỉnh. Bị đánh mà một tiếng khóc cũng không có, chỉ thấy đôi mắt nó đầy vẻ tổn thương và căm hờn.
Tôi nghĩ chắc có chuyện thật rồi.
Vậy nên tôi bí mật bám theo nó đến trường. Đến nơi thì tôi thấy một cảnh tượng khủng khiếp.
Gần chục đứa con trai khác đang quây lấy cháu tôi, chúng ném đất đá lên người nó, tiếng cười chế giễu vang lên không ngớt.
“Ha ha ha, thằng bê đê. Đồ con gái, đồ thích màu hồng.”
“Tao đã nghi nghi tại sao nó cứ bám theo mấy đứa con gái rồi. Mới đầu tao cứ tưởng nó dám tăm tia cái Nguyệt. Ra là nó bê đê.”
“Đánh chết thằng bê đê này đi, thằng quái vật, thằng bệnh hoạn, thằng biến thái…”
“Sau này đi vệ sinh chả dám đi cũng với nó nữa…”
“Mày nghe cho rõ đây, thấy nhà vệ sinh có người thì cấm vào. Sang nhà vệ sinh nữ mà đi.”
“Bố mẹ tao bảo bọn bê đê chúng nó không có chim đâu, thế thì nó đi vệ sinh kiểu gì nhỉ?”
“Thì tụt quần ngồi xổm như đám con gái chứ sao ha ha ha.”
Cháu tôi không thể chống trả. Bóng dáng nhỏ bé của nó co ro một góc tường. Nhìn thấy thế tôi không chịu nổi nữa. Tôi xong ra quát lớn:
“Chúng mày làm gì thế? Có muốn tao mách lên nhà trường không?”
“A chạy đi…”
Lũ trẻ chạy mất rồi, tôi mới đến cạnh thằng bé, khẽ chạm vào nó.
Nó hất tay tôi ra.
“Để dì đưa cháu về nhà.”
Nói rồi tôi dìu nó về. Về đến nhà, cả nhà đều kinh hãi trước cái cơ thể bầm tím của nó và những gì tôi kể. Mẹ nó lên hẳn Ban giám hiệu của nhà trường tố cáo bọn nhóc kia. Tin đồn lan khắp trường. Nhưng lại là tin đồn bất lợi cho cháu tôi.
Thằng bé không dám đi học nữa.
Một hôm đang ngủ, tôi bị đánh thức bởi tiếng hét thất thanh từ phía phòng bố mẹ. Mẹ tôi nhận được tin từ chị là thằng bé rạch cổ tay tự sát trong phòng.
Bác sĩ nói rằng thằng bé đã có những biểu hiện trầm uất và hay tự làm tổn thương mình từ lâu nhưng không ai phát hiện ra. Nó có tâm sinh lí bình thường. Nhưng vì sở thích chơi với con gái và những thứ đáng yêu của con gái mà bị hiểu lầm là “cong”.
Sự việc ngày càng phức tạp hơn khi ông bà nội và bố nó biết chuyện. Họ chê trách, chửi rủa và lên án chị gái tôi đã không quan tâm đến con cái. Quên nói một điều, chị tôi và anh rể đã ly hôn được mười năm. Hai đứa con đều do chị nuôi nấng.
Chị tôi khóc và hỏi thằng bé có phải con bị tổn thương vì bố mẹ ly hôn hay không. Chị tôi rất hối hận. Nhưng thằng bé chỉ lặng im không nói một câu.
Tôi thở dài, nếu như ngày xưa chị tôi hiểu biết hơn một chút và chịu quan tâm đến con cái thì đã chẳng có chuyện gì xảy ra.
Và tôi cũng cảm thấy mình có lỗi. Tôi là ai chứ. Chỉ là một ngụy hủ nữ. Một người em và người dì thất bại. Nếu như nỗi hối hận của tôi ở câu chuyện thứ nhất rồi cũng qua, thì lần này nó day dứt và ám ảnh hơn rất nhiều lần.
Khi bạn đọc đến dòng này, liệu bạn có hiểu những cảm xúc của tôi không? Tôi nghĩ bạn không thể hiểu nổi đâu nếu bạn chưa trải qua. Tôi không muốn phê phán, lên án hay chê trách một ai cả. Những gì tôi muốn nói chỉ đơn giản thế này: Chúng ta là phụ nữ, chúng ta không chỉ là những cô gái mê những anh chàng đẹp trai, hay một người bài xích những vấn đề về đồng tính, hoặc ghê tởm tiểu thuyết đồng tính. Chúng ta còn là một người con, một người em, một người chị, một người dì, hoặc một người vợ, người mẹ trong tương lai. Sẽ ra sao nếu những người thân hoặc bạn bè quanh chúng ta rơi vào một thứ tình cảm trớ trêu như thế? Nếu bạn kì thị và ghê tởm, bạn sẽ nuôi dạy nên những đứa trẻ kì thị và ghê tởm. Còn nếu bạn thờ ơ không quan tâm, bạn sẽ có thể có những đứa con là nạn nhân của những đứa trẻ kì thị và ghê tởm đó.
Nó sẽ là một cái vòng luẩn quẩn không dứt. Và bạn biết đấy. Đừng bao giờ cho rằng chuyện của những người đồng tính không liên quan đến mình. Mỗi người chúng ta là một mắt xích của xã hội. Chúng ta tác động lên nhau. Chúng ta ảnh hưởng lẫn nhau. Nếu bạn có một thái độ thiếu đúng đắn, bạn sẽ gây ra tai họa trong tương lai.
Đồng tính chỉ là một giới tính chiếm thiểu số mà thôi. Họ không phải thần thánh, cũng chẳng phải ma quỷ. Họ là những người bình thường và khao khát cuộc sống bình thường. Ngày hôm nay bạn ghê tởm họ, kì thị họ, xa lánh họ, bắt nạt họ, có thể ngày mai, chính con bạn sẽ là nạn nhân của những kẻ giống như bạn khi xưa.
Tôi nhớ cách đây không lâu khi cộng đồng mạng phát sốt lên vì Việt nam đưa ra bộ Luật hôn nhân mới trong đó có cho phép những người đồng tính kết hôn. Lúc đó cộng đồng LGBT đã hạnh phúc tưởng chừng như vỡ òa. Họ để ảnh đại diện là hình cờ bảy sắc cầu vồng, biểu tượng của cộng đồng LGBT. Điều đó đã gây nên một cơn sốt khiến ai ai cũng để cờ bảy sắc mà nhiều người còn chẳng hiểu biết về ý nghĩa của nó.
Sau đó tôi có lên mạng đọc qua về bộ Luật này. Thật không ngờ nó làm tôi thất vọng. Trong điều Luật ghi rõ: “Cho phép hôn nhân đồng tính nhưng không thừa nhận. Nghĩa là những người đồng tính được phép kết hôn nhưng không được pháp luật bảo vệ nếu xảy ra những tranh chấp như ly hôn, phân chia tài sản, hay bạo hành gia đình.”
Đọc xong những dòng này tôi đã hết sức tức giận. Tôi thật sự không hiểu. Sau bao nhiêu cố gắng để đòi lại công bằng cho mình, điều Luật nửa mùa này vẫn không công nhận quyền con người của cộng đồng LGBT?
Câu cuối cùng của bài báo tôi đọc được là : “Việc cho phép những người đồng tính được phép nhờ người sinh hộ đã là một sự nhân đạo lớn đối với họ.”
Nhân đạo? Các bạn đang làm từ thiện sao? Người thuộc cộng đồng LGBT họ là người khuyết tật, trẻ em lang thang cơ nhỡ hay bị HIV/AIDS? Họ tại sao lại cần sự “nhân đạo” của các bạn?
Đối với tôi mà nói. Tôi rất ghét dùng từ “Thế giới thứ ba”. Vì khi sử dụng từ đó, vô hình chung tôi đã loại những con người này ra khỏi thế giới mà chúng ta đang sống. Trong khi họ hoàn toàn bình thường. Trong khi họ chả có lỗi gì cả.
Tôi thích dùng cụm từ “những chú lính chì dũng cảm”. Đối với tôi họ là những con người dũng cảm và kiên cường nhất. Bởi lẽ dù sinh ra khác biệt, nhưng họ vẫn phấn đấu để vươn lên. Giống như chú lính chì của Andersen chỉ có một chân, mà sẵn sàng hi sinh để bảo vệ nàng công chúa xinh đẹp dù ngọn lửa thiêu đốt. Họ sống giữa sự dè bỉu, khinh thường và kì thị của những người xung quanh, vậy mà vẫn cống hiến cho xã hội, cho Tổ Quốc này. Thử hỏi những con người bình thường như chúng ta có phải ai cũng làm được vậy hay không?
Vậy thì vì cớ gì mà chúng ta lại khinh thường họ, lại tách họ ra khỏi cuộc sống của chúng ta bằng bốn chữ “Thế giới thứ ba”?
Tôi nghĩ, thế giới này có tám tỷ người, thì sẽ có rất nhiều sở thích khác nhau. Và giới tính cũng chẳng còn rạch ròi như trước. Giới tính giờ đây đa dạng hơn, huyền bí hơn, nhiều màu sắc hơn. Và chúng ta phải tìm hiểu nó. Chấp nhận nó. Như một phần của sự thay đổi trong xã hội này.
Trên hết, đây là những lời mà một đứa hủ nữ nửa mùa như tôi viết ra. Vậy nên, nếu bạn cũng ghê tởm tôi. Hãy coi những gì bạn vừa đọc là giết thời gian vậy.
Chỉnh sửa lần cuối: