Có một chuyện mà quốc sử triều Nguyễn không nhắc đến, nhưng thấy nguồn sử liệu nước ngoài có ghi chép. Nhật Bản khẳng định là chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên có bốn cô công chúa. Một thương gia người Nhật tên là Araki Shutaro, tên Việt là Nguyễn Taro, là chủ một thương điếm ở Hội An, đã được chúa Sãi gả công chúa Ngọc Khoa. Hai vợ chồng họ có vai trò rất lớn ở vùng đất này, một thời Hội An vang bóng trong khung cảnh mua bán tấp nập trên bến dưới thuyền. Người thứ hai là công chúa Ngọc Vạn, đẹp người, đẹp nết, đã gả cho quốc vương Chân Lạp They Chetta II.
Bà rất được lòng Hoàng gia, được tin cậy và thường được hỏi ý kiến về việc triều chính. Quốc Vương qua đời, bà trở thành Hoàng Thái Hậu giúp con trai củng cố ngai vàng. Người Việt được mời vô triều đình làm quan, người Minh Hương được tự do mua bán. Kiệu bà đi tới đâu đều được đón rước như Phật sống.
Nhờ bà, Quốc Vương They Chetta II đã quyết định cho Chúa Sãi đưa người Việt đến làm ruộng khai khẩn vùng Prey Nokor, tức Sài Gòn Gia Định ngày nay. Đây là vùng đất rừng rậm ẩm ướt, mà dân Chân Lạp vốn thích chỗ khô ráo nên không để ý đến, bỏ hoang. Công chúa Ngọc Vạn là một quý nhân biết nhiều thứ tiếng như Khơ-me, Hoa, lại biết cả tiếng Hán để đọc kinh Phật. Bà góp phần rất lớn ở miền đất mớikhai khẩn, đồng thời phát triển đạo Phật Đại thừa. Người Việt, người Chiêm, Khơ-me, rồi sau đó còn có tàu người phương Tây kéo đến vùng Prey Nokor, đều gọi bà với cái tên thân mật là Cô Chín. Họ còn tôn xưng bà là Bà Chúa Xứ (bà chủ một vùng đất).
Có người quả quyết Bà Chúa Xứ ở Nam Bộ là hình ảnh của công chúa Ngọc Vạn, nhưng vì có phong trào Tây Sơn, dân chúng sợ Tây Sơn nên hình ảnh đó được biến hóa thành thần thánh đi vào tín ngưỡng nhân gian. Vừa qua, Hội Văn nghệ đã tạo điều kiện cho hai đoàn nhà văn Tây Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long ở hai đầu Tổ quốc được dịp gặp nhau, trao đổi giao lưu. Tuy nói là chung một đất nước nhưng trái tim người vốn dễ mang nặng tính địa phương chật hẹp, nếu không nhờ những chuyến đi như vậy, trái tim mỗi người chưa chắc đủ rộng mở để hòa nhập trọn vẹn vào nhịp đập chung của đất nước.
Còn nhớ, khi đoàn nhà văn Tây Bắc đến An Giang, trong lúc trò chuyện thân mật, tôi có hỏi một anh bạn cảm giác về chuyến đi. Anh trả lời hồn nhiên: “Mình có cảm giác như con cá bơi ra biển.” Sao lại là con cá, vcó phải đây là lối ví von đầy hình ảnh quen thuộc của người miền núi? Anh cười thật thà. Hóa ra vùng Tây Bắc tịch mịch vắng vẻ bao nhiêu, khi đi dọc theo bờ biển miền Trung vào đến Nam Bộ, khung cảnh như trái lại, mở ra, người đông náo nhiệt bấy nhiêu.
Tất cả trở nên lạ mắt, nên cũng rất đúng khi anh có cảm giác mình như con cá lội ra biển. Phần tôi ngược lại, men đường cái quan ngược về Tây Bắc xe chạy dọc theo sông Hồng, Sông Lô rồi Đà Giang, cảnh vùng rừng núi hiu hắt làm cho tâm hồn người như chơi vơi buồn theo hiu hắt. Ngồi trên xe tôi thì thầm hát: “Ai qua bến Đà Giang, cho tôi nhắn vài câu. Thương về mái tranh nghèo bên hàng cau...” Bài hát xưa rồi, không nhớ ai là tác giả. Nhưng mà điều gì đang diễn ra trong lòng tôi? Chợt nhớ lại anh bạn khi thăm miền Nam anh có cảm giác như con cá bơi ra biển, hóa ra tôi cũng có cảm giác mình là một con cá đang lội trong nước không tách rời.
Đó chẳng phải là con cá vui của Trang Tử, mà là con cá hồi từ biển xa vạn dặm đang lội về nguồn. Lượt về, cảm xúc âm tính quen thuộc vẫn còn đó, tiếp tục theo khúc hành trình. Qua Đèo Ngang, Đèo Hải Vân... vẫn những hình bóng cũ như lượn sóng gợn trên mặt hồ xa bờ ký ức. Đến Đà Nẵng, xe rẽ qua đường mòn Hồ Chí Minh. Con đường này đến nay vẫn còn nhiều chuyện thời chiến tranh, vẫn chưa nói hết.
Mỗi con đường là một chân trời bao la ghi chép lịch sử bao gồm thân phận nhiều thế hệ. Nhưng lịch sử dù trải qua nhiều giai đoạn, sau cùng rồi lịch sử của tình yêu cũng luôn đằm thắm, thì thầm cùng chúng ta. Tình yêu tuy dễ làm mềm lòng người, nhưng nó cũng đưa người vào bất tử. Tình yêu đã khiến cho những đôi chân mềm yếu trở nên rắn rỏi để người vượt Trường Sơn, khát khao một ngày được trở về quê cũ, nối lại tình xưa. Từ miền Tây Nam Bộ ra thăm Tây Bắc, tính ra đoàn đã vượt qua quãng đường cái quan quanh co khoảng sáu, bảy ngàn cây số, nhưng hơi tiếc là chúng tôi chỉ ngồi trên xe nên chưa phải là đối tượng của câu ca dao này:. “Hỡi anh đi đường cái quan, dừng chân đứng lại cho em than đôi lời...” Vẫn là câu ca dao xưa nhưng chợt gợi tôi nhớ thêm đến một kỳ công thấp thoáng trong đó, cũng là một khuôn mặt phụ nữ.
Điều này lại thêm một lần nữa khẳng định, trên con đường cái quan hay những nẻo đường khác của đất nước, lịch sử luôn mở ra với những con người yếu đuối nhưng chân thành, và dù họ có đi đâu về đâu vẫn luôn là những người khép lại lịch sử với tình yêu và trái tim độ lượng của mình.