Truyện ngắn Cậu tôi

Hà Thái

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/3/15
Bài viết
406
Gạo
0,0
(Trích Nhà tôi, trường tôi đều ở trên đồi)
---------

Quê ngoại tôi ở Bắc Kạn, cách nhà tôi hơn trăm cây số. Tôi nghe mẹ kể, hồi tôi chưa đầy một tuổi, bố mẹ và cô Xuyên đưa tôi về thăm quê. Đến cái chỗ là đèo Keo Chim sau này không có đường, phải đi men theo bờ suối. Lúc ra khỏi con suối, cô Xuyên mệt quá, bỏ tôi ra khỏi địu, thả tôi tự bò lổm ngổm trên tấm ni lông trải trên cái ruộng cạn, ngồi thở hổn hển.

Đến năm chín tuổi, tôi mới được về lần nữa. Nhà bà ngoại là nhà sàn, ở ngay chân núi. Sàn nhà, vách tường đều được làm bằng tre, mái lợp lá cọ. Quê toàn người Tày, nhưng phần lớn đều nói được tiếng Kinh, dù giọng chưa được sõi lắm.

Mẹ tôi mới chỉ dạy tôi một ít tiếng Tày, bập bẹ được mấy từ kiểu như "tua cáy" (con gà), "kin khẩu" (ăn cơm), "pây slon slư" (đi học)... Tôi thích nói lắm nhưng chả ai nói tiếng Tày với tôi, dù khi mọi người nói chuyện với nhau thì vẫn cứ tiếng Tày, líu lo như chim hót, làm tôi phải vừa dỏng tay lên nghe, vừa nghe vừa đoán mò. Kiểu như tôi biết “tua nhình” là “con gái”, thì khi sang nhà người ta, thấy mẹ trỏ vào tôi mà nói: “Tua nấy là tua nhình cái”, rồi chỉ vào cái Ngọc đang ngồi bên kia với bố, mà bảo là “tua nhình eng”, là tôi cũng đoán ra mẹ giới thiệu đứa nào là chị, đứa nào là em.

Bởi vì thế nên tôi rất thích chơi với thằng Tọa. Thằng Tọa là em con cậu, mới có ba tuổi, nói ngọng líu ngọng lô. Điều tuyệt vời nhất ở thằng Tọa là nó không biết tiếng Kinh. Có nghĩa là tôi bắt buộc phải (hay được?) nói tiếng Tày với nó.

Của đáng tội, vốn từ của tôi thì nghèo nàn, mà thằng Tọa thì quá bé nên cũng chẳng có chuyện gì để nói. Nên tôi rủ nó đi chơi rồi dẫn nó loanh quanh khắp làng, hái quả duối chín ăn. Mỗi khi hái được, tôi lại đưa cho thằng Tọa, khấp khởi hỏi.

- Tọa kin mí? (Tọa ăn không?)

Thằng Tọa lúc thì bảo “kin”, lúc thì lắc đầu “nắm kin”. Mỗi lần như thế, tôi đều thấy vô cùng sung sướng.

Có lần, tôi học được thêm từ mới, nên cố nghĩ ra một câu dài dài để nói với thằng Tọa. Biết nói gì với nó bây giờ? Cuối cùng, tôi nảy ra một ý tưởng, liền bảo, giọng hồ hởi.

- Tọa lồng quán đuối a Châm né. (Tọa xuống quán với cô Châm nhé.)

Phản ứng của thằng Tọa trái lại với mọi dự đoán của tôi, rằng nó sẽ gật “pây” hoặc “nắm pây” như thường lệ. Nó hếch hếch cái mũi lên, nheo nheo đôi mắt.

- Tọa lồng quán đuối a Châm né…é…é… - Nó nhại lại, kéo dài giọng ở chữ cuối.

Tôi im bặt, vừa bực vừa ngượng, bỏ đi chẳng buồn rủ thằng Tọa xuống quán nữa. Sau lần ấy, tôi chẳng dám nói câu gì ngoài câu “Tọa kin mí?” hay “Tọa pây mí?” (Tọa đi không?) với thằng Tọa.

Mấy đứa em khác: thằng Tưởng, cái Mây, cái Biển thì lớn hơn. Chúng nó đi hái quả bứa, quả sung mật cho tôi ăn. Quả bứa ăn chua chua ngọt ngọt, ăn xong răng vàng khè. Quả sung mật thì giông giống quả sung, nhưng to bằng nắm tay, trong lõi đầy mật. Chúng nó còn bày cho tôi cái trò leo cột nhà sàn.

Đây là cái trò mà tôi mê nhất. Cái cột nhà sàn to một vòng tay tôi chẳng ôm hết. Tròn và thẳng đuột, chẳng có chạc hay ngãng gì để dễ trèo như trèo cây. Muốn trèo lên, tôi phải ôm thật chặt lấy cột bằng cả hai chân lẫn hai tay, rồi nhích dần chân và đẩy người lên. Lúc đầu thì khó, nhưng đến ngày hôm sau, tôi leo lên đến gần nóc. Lên đến đó, chỉ việc buông lỏng tay chân ra một tí, cả người cứ theo cái cột tuột xuống sàn. Y như một con mèo! (Ấy là tôi tưởng tượng vậy.)

Tôi cứ leo lên leo xuống mấy cái cột nhà bà. Hết cột này lại sang cột khác. Càng leo quen, tôi lại càng thấy thích thú.

***

Lần thăm quê ấy, khi về, mẹ mang theo cậu Dùng. Cậu chỉ hơn tôi bốn tuổi, người béo trắng, cũng mắt một mí, mũi tẹt giống tôi. Mẹ bảo đưa cậu sang để cho cậu đi học.

Cậu nói tiếng Kinh còn ngọng. Hôm mới sang cậu bảo với mẹ: “Em đi tìm cái hòm diêm ở dưới bếp.” Tôi với cái Ngọc cười ngặt nghẽo: “Ối giời ơi, hò…òm diêm!”

Cậu Dùng học muộn nên chỉ học hơn tôi hai lớp. Cậu học dốt, thích chơi hơn là học. Từ hồi cậu sang, đâm ra tôi lại hay chơi với mấy người bạn của cậu, là anh em thằng Nghĩa với thằng Dương.

Thằng Nghĩa học cùng tôi năm lớp một, nhà ở ngay bên vạt đồi đối diện nhà tôi. Anh Toản nó học cùng lớp với cậu Dùng. Nhà thằng Dương còn gần hơn, chỉ cách nhà tôi có một cái ao. Nó có một đứa em gái kém tôi hai, ba tuổi, tên là Linh. Cái Linh có theo chị em cái Thúy sang chơi với tôi mấy lần. Một lần nó ngắm nghía bắp chân mình rồi bảo.

- Ngày xưa người Việt Nam mình không có bắp chân bắp tay đâu. Đấy là vì lai người Tàu nên giờ mới có.

- Ai bảo mày thế? – Tôi vặc lại. Tôi chưa nghe thấy cái gì vô lí như thế.

- Em nghe người ta nói thế. Thật đấy. Người xưa không có bắp đâu.

Mấy đứa bọn tôi ngồi im không nói gì, bởi vì trông cái Linh có vẻ chắc cú lắm. Không biết cãi lại thế nào, nhưng trong thâm tâm tôi chỉ thấy đó là một điều bá láp. Chả ai không có bắp chân bắp tay cả. Không có bắp chân bắp tay thì làm sao mà có sức làm gì. Trong sách chả có truyện Phùng Hưng đánh hổ, rồi Trần Quốc Toản bóp nát quả cam đấy thôi. Không có bắp thì làm sao mà đánh được hổ, rồi bóp nát được cam cơ chứ? Càng nghĩ tôi càng thấy cái Linh nói sai, nhưng không cãi lại được vì nghĩ lâu quá, chúng nó đã chuyển sang chơi “kim kỉm kìm kim” rồi. Từ hôm ấy, tôi không đánh giá cao cái Linh cho lắm.

Nhưng thằng Dương thì tôi chưa bao giờ chơi với, dù nó bằng tuổi tôi. Một phần vì tại nó không học cùng lớp tôi, một phần nữa vì hồi đó con gái, con trai ít khi tự dưng chơi với nhau lắm.

Nhưng từ hồi cậu Dùng sang thì khác hẳn. Ba người đó cứ sang nhà tôi chơi suốt, nên nghiễm nhiên là ngoài cậu Dùng, còn có tôi và cái Ngọc. Vì cùng tuổi với thằng Nghĩa, thằng Dương, nên trò gì tôi cũng chơi với đám ấy. Từ chơi chắt, chơi chuyền, đến đánh khăng, đá bóng. Bóng là bóng da hẳn hoi, chứ chả phải bằng quả bưởi như khi tôi chơi với cái Thúy đơ. Cậu Dùng còn dạy tôi cả đánh đầu.

Cậu Dùng làm gì cũng khéo hơn tôi. Đá bóng, trèo cây, đánh khăng, chặt củi, nhảy dây cậu giỏi hơn đã đành. Mấy trò như đánh chuyền, đánh chắt cậu cũng thắng. Đến nấu canh rau ngót cũng ngon hơn tôi nấu nốt. Cậu đan vỉ ruồi cũng đẹp. Lấy một thanh tre, chẻ đầu ra bẻ gập lại, rồi lấy lạt đan kín thành hình tam giác. Những hôm nhiều ruồi, mấy cậu cháu tôi bò lổm ngổm trên sân, trên nhà, đập bôm bốp.

Cạnh nhà tôi có cô Ấm, cũng chỉ hơn tôi bốn tuổi, nhưng bởi bố mẹ cô già rồi, tôi gọi là “ông bà” nên cũng gọi luôn cô là “cô”. Cô Ấm học dốt còn hơn cậu Dùng, thi thoảng tôi lại nghe tiếng ông Sơn bố cô dạy cô học, quát tháo ầm ĩ. Chả hiểu vì sao, từ hồi cậu Dùng sang, cô cũng hay sang nhà tôi chơi, rồi hay tỉ tê hỏi tôi về cậu. Dần dần, tôi đoán ra là cô thích cậu Dùng. Thế là tôi mới viết mấy câu thơ ghép đôi hai cô cậu lại với nhau.

Cô Ấm ghép với cậu Dùng

Cả nhà có nước mà dùng quanh năm.

Đại khái thế. Mẹ tôi đọc được, bảo.

- Con cẩn thận. Ông Sơn mà biết là đánh cô Ấm đấy.

Tôi rụt đầu, lè lưỡi, đốt tờ giấy viết thơ đi.

***

Một hôm, tôi phát hiện ra một điều hay ho nữa ở cậu Dùng. Cái giếng nhà tôi ở sau nhà, được che khuất khỏi tầm mắt chung quanh bởi nhà, bếp và chuồng lợn. Lúc ấy chỉ có tôi với cậu Dùng ở nhà. Tôi chạy loanh quanh lên nhà chú Lâm, chú Hạnh chán rồi quay về, mở cái cửa nách để ra giếng rửa mặt. Vừa mới he hé cửa, tôi dừng lại.

Ở sân giếng, cậu Dùng đang nhún nhảy. Cậu đi từ dưới lên, lắc hông, đầu nghiêng nghiêng, tay đưa lên, kiểu mấy ca sĩ trong chương trình ca nhạc trên ti vi. Vừa đi, cậu vừa hát: “Chai đang hăn thoong tua nộc đang bến tênh pù ti cà noong ời…”. Tôi ngó qua khe cửa xem cậu hát hết bài rồi cười khành khạch. Nhìn thấy tôi, cậu đỏ mặt vì ngượng. Về sau, cậu dạy tôi bài hát ấy.

Đấy là bài hát tiếng Tày thứ hai mà tôi thuộc. Nhưng bài này hay và nhộn nhịp hơn hẳn cái bài “Ơ… pù khấu bản mường…” mà mẹ tôi dạy tôi hồi trước. Bài hát này, tôi chẳng có dịp hát cho ai nghe, trừ mọi người trong nhà. Đến bây giờ tôi vẫn còn thuộc.

Hà Thái
11-2016
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Ô ăn quan

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
14/4/15
Bài viết
677
Gạo
400,0
Re: Cậu tôi

Hà Thái

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/3/15
Bài viết
406
Gạo
0,0
Re: Cậu tôi
Bên trên