1. "Câu chuyện vô hình và đảo" - Hamvas Béla
"Câu chuyện vô hình và đảo" là một cuốn sách không hề được truyền thông để mắt đến nhiều, nhưng lại là trong những tác phẩm được độc giả của NXB Tri Thức yêu thích nhất trong vòng một năm qua. Toàn bộ những đánh giá 5 sao được đưa ra không có gì là quá cỡ.
Tác phẩm triết học tâm linh này là một trong những ghi chép độc đáo nhất trong lịch sử triết học hiện đại, khi mà Hamvas Béla đã lội ngược dòng về thời quá khứ cổ xưa để tìm cách diễn giải căn nguyên của những bất ổn hay trạng thái kì lạ của hiện tại. Ông là một nhà triết học tầm cỡ - người đã có những tác phẩm luôn bị kiểm duyệt và cắt xén trước khi những suy nghĩ của ông đến được với công chúng yêu tri thức hiếm hoi. Cách viết của ông chưa bao giờ tìm cách đánh đố về mặt câu từ, nhưng lại đòi hỏi một sự tĩnh tại và khả năng tự nghiệm của người đọc về thông điệp đúc kết.
Ngoài "Câu chuyện vô hình và đảo", tác phẩm hết sức quan trọng khác của Hamvas Béla được mong đợi dịch ra tiếng Việt là "Một trăm cuốn sách", trong đó ông liệt kê những cuốn sách cổ nhân loại đã gìn giữ và con người cần phải đọc, như kinh Veda, Đạo đức kinh của Lão Tử, Tử thư Tây Tạng, Kinh Thánh...
2. "Bay đêm" và "Xứ con người" - Antoine De Saint-Exupéry
Thêm 2 tác phẩm của tác giả "Hoàng tử bé" vừa ra mắt tại Việt Nam đã giúp người đọc hiểu thêm về người phi công viết sách lừng danh trong lịch sử văn học Pháp. Văn phong phóng khoáng và lãng mạn, Saint-Ex chủ yếu thuật lại trải nghiệm trên các chuyến bay đêm của mình cùng đồng đội qua mọi miền thế giới, với gió, cát, sa mạc, biển cả, những dãy núi trùng điệp và cả những vì sao. Qua đó, ông cũng chiêm nghiệm về tình bạn, triết học, bản lĩnh, sự tiến bộ của con người, và cả những điều bó hẹp và bức bí trong xã hội.
"Xứ con người" dường như được giới hàn lâm đánh giá cao hơn "Bay đêm" bởi tính phổ quát của tư duy, triết học thấm đẫm trong các tiểu luận ngắn và giàu cảm xúc. Nhưng "Bay đêm" cũng là một tác phẩm không thể bỏ qua của nhà văn Pháp kì tài này. Đó là một tiểu thuyết được viết hết sức ngắn gọn và tiết chế, gợi nhớ đến "Suối nguồn" - một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất thế kỉ 20 của nhà văn/ triết gia Mỹ Ayn Rand. Có thể nói hai tác phẩm này là khí trời tinh khiết, là ước ao vượt qua cuộc sống đời thường để sống trong vùng trời của tự do.
3. Nắng tháng Tám - William Faulkner
Không chỉ là văn phong, mà chính yếu là tinh thần độc đáo của những nhân vật sinh ra bởi William Faulkner mới là thứ khiến những nhà văn lớn trên thế giới từ thời đại ông trở về sau này đều ngả mũ.
Những dòng chữ chạm vào phần sâu kín nhất của tâm lý con người đã bộc lộ một nhà văn điềm đạm với óc quan sát tỉ mỉ, kỹ lưỡng và sâu sắc, không ngại các chi tiết nhỏ. "Nắng tháng 8" của Faulkner đã được viết ra không phải để cho người khác đọc một cách ơ hờ, thoải mái. Nó là một cuộc thử thách, muốn độc giả trải nghiệm một cái gì đó rất riêng tư, rất thầm kín như tiếng thì thầm nức nở của nhân vật. Là phần tăm tối nhất, và cũng là thử thách lớn nhất của con người. Họ bị giằng néo trong một thế giới mà việc tồn tại nghĩa là nhận lãnh trách nhiệm và vướng vào mâu thuẫn. William Faulkner đề nghị họ đương đầu để vượt qua. Và ông coi đó là phẩm chất cao quý nhất của con người.
4. "Viễn vọng" và "Yersin - Dịch hạch và thổ tả" - Patrick Deville
Giống như nhiều nhà văn của lối viết hiện đại, Patrick Deville không sử dụng những câu từ hoa mỹ và dài dòng, ngược lại, đó là lối viết tiết chế và thông minh, cắt gọn như thể một nhà giải phẫu ưa thích sự chính xác và trúng đích. Những con chữ trở nên mạnh mẽ, tự tin, lấp lánh và tỏa sáng. Nhân vật của Patrick Deville trong 2 tác phẩm - một hư cấu, một phi hư cấu này cũng rất thú vị. Dù được viết cách nhau gần 30 năm, Patrick Deville vẫn tỏ ra ưu ái những nhân vật nam kì lạ và tách biệt, mê mẩn phiêu lưu, ưa khám phá và có xu hướng bứt khỏi mọi ràng buộc thông thường.
"Yersin - dịch hạch và thổ tả" thuật lại cuộc đời của Alexandre Yersin - đứa con lỗi lạc không cầu được vinh danh từ Pháp quốc, người đã gắn cuộc đời mình với mảnh đất thuộc địa hoang sơ và những người nghèo cùng khổ. Ông đã chọn Đà Lạt, Nha Trang... những thành phố đẹp nhất Việt Nam để lưu lại dấu ấn sâu đậm của cuộc đời mình.
5. Khoảng trống - J. K. Rowling
Người ta có thể cho rằng "Khoảng trống" được đọc nhiều chính bởi cái tên tác giả. Đúng, nhưng chưa đủ. Không lẽ "Vacancy" không phải là một tác phẩm có giá trị về mặt văn chương?
Không phải giọng văn - mà đề tài và cách thi triển các mạng lưới mới là điểm nhấn độc đáo của nữ văn sĩ đã từng sáng tạo ra cậu bé phù thủy Harry Potter. Với "Khoảng trống", bà vẫn giữ mối bận tâm với những đứa trẻ - lần này là trong hiện thực đương đại và trần trụi - khi chúng lớn lên xung quanh những người lớn mang đầy thiếu sót trong mình. Ma túy, tình dục không an toàn, tham vọng và lừa dối... âm thầm bủa vây thị trấn Pagford, len lỏi vào những mái nhà. Andrew, Krystal, Gaia, Fats và Sukhvinker... không một đứa trẻ nào hòa hợp và được lớn lên một cách bình yên trong vòng tay cha mẹ. Chúng tự vùng vẫy và khám phá cuộc đời, để sống sót, hoặc là phải chết.
6. Sói thảo nguyên - Hermann Hesse
Tác phẩm có tính chất hồi sinh này kể về một nhân vật chất chứa đầy tâm sự và lạc lõng. Sự nhạy cảm vượt trội so với những người khác tồn tại trong anh như một dấu ấn đau đớn của số phận. Có lẽ chỉ việc tò mò và thử cưỡng lại cái chết quá dễ dàng và được trù bị sẵn mới khiến Harry Haller tiếp tục sống trong sự tuyệt vọng của mình.
Đây là một tác phẩm được sinh ra trong bối cảnh nước Đức vừa trải qua Thế chiến thứ I, đồng thời chính bản thân tác giả Hermann Hesse cũng phải hứng chịu nhiều bất hạnh cá nhân trước khi bắt đầu sáng tác. Nhưng ông cho rằng cuốn sách của mình không chỉ đưa ra một nhân vật cùng kiệt cô đơn và bị tổn thương sâu sắc, mà nó còn chứng tỏ khả năng tự chữa lành của anh ta. Cũng như William Faulkner, Hesse cho rằng đó mới là phần siêu việt của con người.
7. Những màu khác - Orhan Pamuck
Nếu ai đó băn khoăn điều gì đã cấu thành một nhà văn đoạt giải Nobel, thì "Những màu khác" có thể là câu trả lời đáng giá. Dường như nó thu thập những chất liệu quan trọng nhất của Orhan Pamuk: cuộc đời riêng tư, những mộng tưởng thời tuổi trẻ và cả lúc về già, những nhà văn hàng đầu mà ông quan tâm từ thuở nhỏ, vùng đất mà ông gắn bó, những tư tưởng mà ông ngưỡng mộ, đời sống chính trị, quan điểm xã hội...
Sinh trưởng ở Istanbul - vùng đất nằm bên rìa Châu Âu, bị ảnh hưởng sâu sắc của cả hai nền văn minh Đông - Tây như thể có hai linh hồn trong một bản thể, Orhan Pamuk có biệt tài phân tích kĩ lưỡng về sự khác biệt giữa các giai tầng trong xã hội, cũng như những khát khao, ẩn ức và xung đột của những giai tầng này. Ông cũng là một nhà văn thấu hiểu cả tinh thần dân tộc và chủ nghĩa quốc tế. Điều mà ông băn khoăn nhất có lẽ là các định kiến và sự chênh lệch giàu nghèo, phồn thịnh trên thế giới - cả về phương diện tinh thần và vật chất.
8. Nghe mùi kết thúc - Julian Barnes
Tác phẩm đoạt giải Man Booker 2011 này là một bài học của kí ức. Kí ức không phải lúc nào cũng đúng. Kí ức có thể sai. Kí ức tự động loại bỏ qua những lỗi lầm đáng xấu hổ để chủ nhân có thể (vờ như) sống tiếp một cách an toàn, tránh khỏi sự dằn vặt khủng khiếp của lương tâm đạo đức.
Cuốn tiểu thuyết ngắn được chia làm 2 phần: phần 1 nói về thời thanh niên của Tony Webster với đám bạn thân, trong đó nổi trội là Adrian - cậu bạn cực kì thông minh, uyên bác đến mức thầy giáo triết học cũng nể nang. Phần 2 nói về một Tony Webster lúc về già, bối rối và tẻ nhạt, chẳng ai có ấn tượng sâu đậm về ông. Cái mà ông có là lòng tin ở bản thân mình; rằng mình đã không làm sai bất cứ chuyện gì trong đời.
Nhưng sự thực không phải như vậy. Một bằng chứng có thực đã chống lại ông, bắt ông phải quay ngược 40 năm về thời trai trẻ, ước định lại những hệ quả khôn lường do mình đã gây ra và đã cố tình lãng quên như thể chúng chưa từng tồn tại.
Tác phẩm được hội đồng chấm giải Man Booker tuyên bố là viết đẹp, dễ đọc, có chất lượng cao và phản ánh được con người của thế kỉ 21.
9. Chính trị luận - Aris Tottle
Phân tích của dịch giả Nông Duy Trường về tác phẩm này nói rằng, chính trị, tự nó không xấu, chỉ có những mô hình và chế độ chính trị do con người tạo ra mới có tốt và có xấu vì không nhận thức rõ được về bản chất của con người.
Mục đích tối hậu của mọi chế độ là tạo dựng và bảo vệ đời sống tốt đẹp cho mọi người. Chế độ nào đạt được mục đích này là chế độ đúng đắn; ngược lại, chế độ nào chỉ phục vụ cho quyền lợi của giới cầm quyền là chế độ bất công, vì quốc gia là sự kết hợp của những con người tự do và bình đẳng. Aristotle đã phân tích một cách tỉ mỉ và thực tế những mô hình chính trị, mà ngày nay mặc dù tên gọi có khác, nhưng bản chất vẫn không thay đổi như mô hình Quả đầu (tập đoàn cai trị), Quý tộc (thành phần ưu tú lãnh đạo), và Dân chủ, cùng những biến thể và sự suy vong của những thể chế này và đề nghị một mô hình khả thi nhất.
Triết gia Hy Lạp này đã nói một câu bất hủ: “Mọi người, như một quy luật, đều là những quan tòa không ngay thẳng khi phán đoán những gì có liên quan đến quyền lợi riêng tư của mình” Aristotle đưa ra một đề nghị là “Pháp trị,” tức là hãy để luật pháp, chứ không phải con người có quyền tối thượng, vì con người luôn luôn để tư lợi và tình cảm xen vào.
"Chính trị luận" được xem là tác phẩm kinh điển, đặt nền móng cho mô hình chính trị phương Tây.
10. "Những đỉnh cao chỉ huy – Cuộc chiến vì nền kinh tế thế giới" - Daniel Yergin & Joseph Stanislaw
Tác phẩm được tái bản này xứng đáng là một cuốn sử thi tuyệt vời của nền kinh tế thế giới, cẩm nang cho điều hành Nhà nước và những ai quan tâm đến các công cụ kinh tế vĩ mô. Nó có thể trả lời phần nào cho câu hỏi, tác động của Nhà nước đã làm thuận lợi cho quá trình phát triển kinh tế quốc gia, hoặc khiến nó đi vào bế tắc như thế nào?
Từ sau thế chiến thứ I đến khi toàn cầu hóa bùng nổ và tạo một sợi dây ràng buộc, Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore... đã từng dò dẫm những bước đi chập chững, trải qua những bài học đắt giá, những cơn sóng gió lao đao, những sai lầm và ảo tưởng, những mạo hiểm và thành công đi kèm những cuộc cải tổ đến tận gốc rễ chính trường.
Một tác phẩm hoàn toàn kì công, đồ sộ và để lại nhiều suy ngẫm. Daniel Yergin không phải là một tác giả xa lạ với bạn đọc Việt Nam, trước khi viết chung "Những đỉnh cao chỉ huy" (1998) với chuyên gia tư vấn tài chính Joseph Stanislaw, ông từng làm xôn xao độc giả bằng cuốn sách ngàn trang "Dầu mỏ, tiền bạc và quyền lực" (1991). Và đương nhiên, giải Pulitzer tiếp tục là bảo chứng cho óc phân tích và khả năng thu thập dữ liệu tài tình.
11. Bách khoa thư thế hệ mới - Nhóm tác giả Pháp
Cuốn sách chỉ dày khoảng 400 trang (ngắn gọn với một bách khoa thư). Mỗi trang chứa tới hàng chục hình vẽ và chú thích về một thời kì lịch sử, một phát minh hoặc một ngành khoa học. Dành cho trẻ em từ 9 đến 12 tuổi, ước tính khối lượng kiến thức mà Dokéo cung cấp bằng 3 - 4 năm học trong nhà trường phổ thông Việt Nam hiện nay. Thậm chí còn hơn thế nữa.
Sách gốc được xuất bản tại Pháp năm 2011, cuối tháng 05/2013, phiên bản tiếng Việt ra đời. Nó đáp ứng được sự cập nhật của thông tin khoa học - một trong những tiêu chí quan trọng nhất, đồng thời, có lối trình bày thực sự súc tích, ngắn gọn, dễ hiểu, có tính hệ thống với nhiều hình minh họa.
Tác phẩm được xem là có thể dành cho cả trẻ em và người lớn. Điều độc đáo của Dokéo là ngoài những phần thông tin về lịch sử khoa học và lịch sử tự nhiên, thông tin về xã hội học của nó rất đáng chú ý. Dành cho trẻ em từ 9 đến 12 tuổi, nhưng các nhà biên tập của Dokéo sẵn sàng đưa các kiến thức về nhân quyền, luật pháp, những cuộc đụng độ trong lịch sử loài người, sự khác biệt giữa các quốc gia... vào trong tác phẩm.
"Câu chuyện vô hình và đảo" là một cuốn sách không hề được truyền thông để mắt đến nhiều, nhưng lại là trong những tác phẩm được độc giả của NXB Tri Thức yêu thích nhất trong vòng một năm qua. Toàn bộ những đánh giá 5 sao được đưa ra không có gì là quá cỡ.
Tác phẩm triết học tâm linh này là một trong những ghi chép độc đáo nhất trong lịch sử triết học hiện đại, khi mà Hamvas Béla đã lội ngược dòng về thời quá khứ cổ xưa để tìm cách diễn giải căn nguyên của những bất ổn hay trạng thái kì lạ của hiện tại. Ông là một nhà triết học tầm cỡ - người đã có những tác phẩm luôn bị kiểm duyệt và cắt xén trước khi những suy nghĩ của ông đến được với công chúng yêu tri thức hiếm hoi. Cách viết của ông chưa bao giờ tìm cách đánh đố về mặt câu từ, nhưng lại đòi hỏi một sự tĩnh tại và khả năng tự nghiệm của người đọc về thông điệp đúc kết.
Ngoài "Câu chuyện vô hình và đảo", tác phẩm hết sức quan trọng khác của Hamvas Béla được mong đợi dịch ra tiếng Việt là "Một trăm cuốn sách", trong đó ông liệt kê những cuốn sách cổ nhân loại đã gìn giữ và con người cần phải đọc, như kinh Veda, Đạo đức kinh của Lão Tử, Tử thư Tây Tạng, Kinh Thánh...
2. "Bay đêm" và "Xứ con người" - Antoine De Saint-Exupéry
Thêm 2 tác phẩm của tác giả "Hoàng tử bé" vừa ra mắt tại Việt Nam đã giúp người đọc hiểu thêm về người phi công viết sách lừng danh trong lịch sử văn học Pháp. Văn phong phóng khoáng và lãng mạn, Saint-Ex chủ yếu thuật lại trải nghiệm trên các chuyến bay đêm của mình cùng đồng đội qua mọi miền thế giới, với gió, cát, sa mạc, biển cả, những dãy núi trùng điệp và cả những vì sao. Qua đó, ông cũng chiêm nghiệm về tình bạn, triết học, bản lĩnh, sự tiến bộ của con người, và cả những điều bó hẹp và bức bí trong xã hội.
"Xứ con người" dường như được giới hàn lâm đánh giá cao hơn "Bay đêm" bởi tính phổ quát của tư duy, triết học thấm đẫm trong các tiểu luận ngắn và giàu cảm xúc. Nhưng "Bay đêm" cũng là một tác phẩm không thể bỏ qua của nhà văn Pháp kì tài này. Đó là một tiểu thuyết được viết hết sức ngắn gọn và tiết chế, gợi nhớ đến "Suối nguồn" - một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất thế kỉ 20 của nhà văn/ triết gia Mỹ Ayn Rand. Có thể nói hai tác phẩm này là khí trời tinh khiết, là ước ao vượt qua cuộc sống đời thường để sống trong vùng trời của tự do.
3. Nắng tháng Tám - William Faulkner
Không chỉ là văn phong, mà chính yếu là tinh thần độc đáo của những nhân vật sinh ra bởi William Faulkner mới là thứ khiến những nhà văn lớn trên thế giới từ thời đại ông trở về sau này đều ngả mũ.
Những dòng chữ chạm vào phần sâu kín nhất của tâm lý con người đã bộc lộ một nhà văn điềm đạm với óc quan sát tỉ mỉ, kỹ lưỡng và sâu sắc, không ngại các chi tiết nhỏ. "Nắng tháng 8" của Faulkner đã được viết ra không phải để cho người khác đọc một cách ơ hờ, thoải mái. Nó là một cuộc thử thách, muốn độc giả trải nghiệm một cái gì đó rất riêng tư, rất thầm kín như tiếng thì thầm nức nở của nhân vật. Là phần tăm tối nhất, và cũng là thử thách lớn nhất của con người. Họ bị giằng néo trong một thế giới mà việc tồn tại nghĩa là nhận lãnh trách nhiệm và vướng vào mâu thuẫn. William Faulkner đề nghị họ đương đầu để vượt qua. Và ông coi đó là phẩm chất cao quý nhất của con người.
4. "Viễn vọng" và "Yersin - Dịch hạch và thổ tả" - Patrick Deville
Giống như nhiều nhà văn của lối viết hiện đại, Patrick Deville không sử dụng những câu từ hoa mỹ và dài dòng, ngược lại, đó là lối viết tiết chế và thông minh, cắt gọn như thể một nhà giải phẫu ưa thích sự chính xác và trúng đích. Những con chữ trở nên mạnh mẽ, tự tin, lấp lánh và tỏa sáng. Nhân vật của Patrick Deville trong 2 tác phẩm - một hư cấu, một phi hư cấu này cũng rất thú vị. Dù được viết cách nhau gần 30 năm, Patrick Deville vẫn tỏ ra ưu ái những nhân vật nam kì lạ và tách biệt, mê mẩn phiêu lưu, ưa khám phá và có xu hướng bứt khỏi mọi ràng buộc thông thường.
"Yersin - dịch hạch và thổ tả" thuật lại cuộc đời của Alexandre Yersin - đứa con lỗi lạc không cầu được vinh danh từ Pháp quốc, người đã gắn cuộc đời mình với mảnh đất thuộc địa hoang sơ và những người nghèo cùng khổ. Ông đã chọn Đà Lạt, Nha Trang... những thành phố đẹp nhất Việt Nam để lưu lại dấu ấn sâu đậm của cuộc đời mình.
5. Khoảng trống - J. K. Rowling
Người ta có thể cho rằng "Khoảng trống" được đọc nhiều chính bởi cái tên tác giả. Đúng, nhưng chưa đủ. Không lẽ "Vacancy" không phải là một tác phẩm có giá trị về mặt văn chương?
Không phải giọng văn - mà đề tài và cách thi triển các mạng lưới mới là điểm nhấn độc đáo của nữ văn sĩ đã từng sáng tạo ra cậu bé phù thủy Harry Potter. Với "Khoảng trống", bà vẫn giữ mối bận tâm với những đứa trẻ - lần này là trong hiện thực đương đại và trần trụi - khi chúng lớn lên xung quanh những người lớn mang đầy thiếu sót trong mình. Ma túy, tình dục không an toàn, tham vọng và lừa dối... âm thầm bủa vây thị trấn Pagford, len lỏi vào những mái nhà. Andrew, Krystal, Gaia, Fats và Sukhvinker... không một đứa trẻ nào hòa hợp và được lớn lên một cách bình yên trong vòng tay cha mẹ. Chúng tự vùng vẫy và khám phá cuộc đời, để sống sót, hoặc là phải chết.
6. Sói thảo nguyên - Hermann Hesse
Tác phẩm có tính chất hồi sinh này kể về một nhân vật chất chứa đầy tâm sự và lạc lõng. Sự nhạy cảm vượt trội so với những người khác tồn tại trong anh như một dấu ấn đau đớn của số phận. Có lẽ chỉ việc tò mò và thử cưỡng lại cái chết quá dễ dàng và được trù bị sẵn mới khiến Harry Haller tiếp tục sống trong sự tuyệt vọng của mình.
Đây là một tác phẩm được sinh ra trong bối cảnh nước Đức vừa trải qua Thế chiến thứ I, đồng thời chính bản thân tác giả Hermann Hesse cũng phải hứng chịu nhiều bất hạnh cá nhân trước khi bắt đầu sáng tác. Nhưng ông cho rằng cuốn sách của mình không chỉ đưa ra một nhân vật cùng kiệt cô đơn và bị tổn thương sâu sắc, mà nó còn chứng tỏ khả năng tự chữa lành của anh ta. Cũng như William Faulkner, Hesse cho rằng đó mới là phần siêu việt của con người.
7. Những màu khác - Orhan Pamuck
Nếu ai đó băn khoăn điều gì đã cấu thành một nhà văn đoạt giải Nobel, thì "Những màu khác" có thể là câu trả lời đáng giá. Dường như nó thu thập những chất liệu quan trọng nhất của Orhan Pamuk: cuộc đời riêng tư, những mộng tưởng thời tuổi trẻ và cả lúc về già, những nhà văn hàng đầu mà ông quan tâm từ thuở nhỏ, vùng đất mà ông gắn bó, những tư tưởng mà ông ngưỡng mộ, đời sống chính trị, quan điểm xã hội...
Sinh trưởng ở Istanbul - vùng đất nằm bên rìa Châu Âu, bị ảnh hưởng sâu sắc của cả hai nền văn minh Đông - Tây như thể có hai linh hồn trong một bản thể, Orhan Pamuk có biệt tài phân tích kĩ lưỡng về sự khác biệt giữa các giai tầng trong xã hội, cũng như những khát khao, ẩn ức và xung đột của những giai tầng này. Ông cũng là một nhà văn thấu hiểu cả tinh thần dân tộc và chủ nghĩa quốc tế. Điều mà ông băn khoăn nhất có lẽ là các định kiến và sự chênh lệch giàu nghèo, phồn thịnh trên thế giới - cả về phương diện tinh thần và vật chất.
8. Nghe mùi kết thúc - Julian Barnes
Tác phẩm đoạt giải Man Booker 2011 này là một bài học của kí ức. Kí ức không phải lúc nào cũng đúng. Kí ức có thể sai. Kí ức tự động loại bỏ qua những lỗi lầm đáng xấu hổ để chủ nhân có thể (vờ như) sống tiếp một cách an toàn, tránh khỏi sự dằn vặt khủng khiếp của lương tâm đạo đức.
Cuốn tiểu thuyết ngắn được chia làm 2 phần: phần 1 nói về thời thanh niên của Tony Webster với đám bạn thân, trong đó nổi trội là Adrian - cậu bạn cực kì thông minh, uyên bác đến mức thầy giáo triết học cũng nể nang. Phần 2 nói về một Tony Webster lúc về già, bối rối và tẻ nhạt, chẳng ai có ấn tượng sâu đậm về ông. Cái mà ông có là lòng tin ở bản thân mình; rằng mình đã không làm sai bất cứ chuyện gì trong đời.
Nhưng sự thực không phải như vậy. Một bằng chứng có thực đã chống lại ông, bắt ông phải quay ngược 40 năm về thời trai trẻ, ước định lại những hệ quả khôn lường do mình đã gây ra và đã cố tình lãng quên như thể chúng chưa từng tồn tại.
Tác phẩm được hội đồng chấm giải Man Booker tuyên bố là viết đẹp, dễ đọc, có chất lượng cao và phản ánh được con người của thế kỉ 21.
9. Chính trị luận - Aris Tottle
Phân tích của dịch giả Nông Duy Trường về tác phẩm này nói rằng, chính trị, tự nó không xấu, chỉ có những mô hình và chế độ chính trị do con người tạo ra mới có tốt và có xấu vì không nhận thức rõ được về bản chất của con người.
Mục đích tối hậu của mọi chế độ là tạo dựng và bảo vệ đời sống tốt đẹp cho mọi người. Chế độ nào đạt được mục đích này là chế độ đúng đắn; ngược lại, chế độ nào chỉ phục vụ cho quyền lợi của giới cầm quyền là chế độ bất công, vì quốc gia là sự kết hợp của những con người tự do và bình đẳng. Aristotle đã phân tích một cách tỉ mỉ và thực tế những mô hình chính trị, mà ngày nay mặc dù tên gọi có khác, nhưng bản chất vẫn không thay đổi như mô hình Quả đầu (tập đoàn cai trị), Quý tộc (thành phần ưu tú lãnh đạo), và Dân chủ, cùng những biến thể và sự suy vong của những thể chế này và đề nghị một mô hình khả thi nhất.
Triết gia Hy Lạp này đã nói một câu bất hủ: “Mọi người, như một quy luật, đều là những quan tòa không ngay thẳng khi phán đoán những gì có liên quan đến quyền lợi riêng tư của mình” Aristotle đưa ra một đề nghị là “Pháp trị,” tức là hãy để luật pháp, chứ không phải con người có quyền tối thượng, vì con người luôn luôn để tư lợi và tình cảm xen vào.
"Chính trị luận" được xem là tác phẩm kinh điển, đặt nền móng cho mô hình chính trị phương Tây.
10. "Những đỉnh cao chỉ huy – Cuộc chiến vì nền kinh tế thế giới" - Daniel Yergin & Joseph Stanislaw
Tác phẩm được tái bản này xứng đáng là một cuốn sử thi tuyệt vời của nền kinh tế thế giới, cẩm nang cho điều hành Nhà nước và những ai quan tâm đến các công cụ kinh tế vĩ mô. Nó có thể trả lời phần nào cho câu hỏi, tác động của Nhà nước đã làm thuận lợi cho quá trình phát triển kinh tế quốc gia, hoặc khiến nó đi vào bế tắc như thế nào?
Từ sau thế chiến thứ I đến khi toàn cầu hóa bùng nổ và tạo một sợi dây ràng buộc, Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore... đã từng dò dẫm những bước đi chập chững, trải qua những bài học đắt giá, những cơn sóng gió lao đao, những sai lầm và ảo tưởng, những mạo hiểm và thành công đi kèm những cuộc cải tổ đến tận gốc rễ chính trường.
Một tác phẩm hoàn toàn kì công, đồ sộ và để lại nhiều suy ngẫm. Daniel Yergin không phải là một tác giả xa lạ với bạn đọc Việt Nam, trước khi viết chung "Những đỉnh cao chỉ huy" (1998) với chuyên gia tư vấn tài chính Joseph Stanislaw, ông từng làm xôn xao độc giả bằng cuốn sách ngàn trang "Dầu mỏ, tiền bạc và quyền lực" (1991). Và đương nhiên, giải Pulitzer tiếp tục là bảo chứng cho óc phân tích và khả năng thu thập dữ liệu tài tình.
11. Bách khoa thư thế hệ mới - Nhóm tác giả Pháp
Cuốn sách chỉ dày khoảng 400 trang (ngắn gọn với một bách khoa thư). Mỗi trang chứa tới hàng chục hình vẽ và chú thích về một thời kì lịch sử, một phát minh hoặc một ngành khoa học. Dành cho trẻ em từ 9 đến 12 tuổi, ước tính khối lượng kiến thức mà Dokéo cung cấp bằng 3 - 4 năm học trong nhà trường phổ thông Việt Nam hiện nay. Thậm chí còn hơn thế nữa.
Sách gốc được xuất bản tại Pháp năm 2011, cuối tháng 05/2013, phiên bản tiếng Việt ra đời. Nó đáp ứng được sự cập nhật của thông tin khoa học - một trong những tiêu chí quan trọng nhất, đồng thời, có lối trình bày thực sự súc tích, ngắn gọn, dễ hiểu, có tính hệ thống với nhiều hình minh họa.
Tác phẩm được xem là có thể dành cho cả trẻ em và người lớn. Điều độc đáo của Dokéo là ngoài những phần thông tin về lịch sử khoa học và lịch sử tự nhiên, thông tin về xã hội học của nó rất đáng chú ý. Dành cho trẻ em từ 9 đến 12 tuổi, nhưng các nhà biên tập của Dokéo sẵn sàng đưa các kiến thức về nhân quyền, luật pháp, những cuộc đụng độ trong lịch sử loài người, sự khác biệt giữa các quốc gia... vào trong tác phẩm.
Theo Hồ Hương Giang