I.
Khi hay tin tôi đã đậu Ngô Quyền, ba mẹ vui mừng đến mức chạy đi khoe hàng xóm ngay lập tức. Ai nấy đều vui lây cho tôi.
Còn tôi, tôi chả thấy có gì vui cả, bởi nguyện vọng ban đầu của tôi không phải trường này. Tôi buồn vì không được học chung với đám con trai mà tôi chơi thân suốt mấy năm cấp hai.
Ngày khai giảng, tôi ôm tâm trạng lửng lơ đi dự. Chiếc áo dài gấm trắng dù được may trừ hao, so với cơ thể tôi có chút rộng, nhưng rốt cuộc cũng chẳng thể giấu nổi những đường nét chưa hoàn hào của tuổi dậy thì. Bằng chứng là trông tôi gần như hai lưng. Phía sau là LCD phẳng hoàn hảo, phía trước là tivi màn hình lồi kiểu cũ. Nhưng tôi cũng chả quan tâm. Việc mặc áo dài còn khiến tôi thấy vô cùng phiền phức, nó cứ lùng nhà lùng nhùng, vướng víu chết được.
Trường tôi xây theo kiểu khép kín, các lớp học quây lại theo hình bánh chưng, để dư một khoảng trống ở giữa. Khoảng trống ấy được gọi là sân trường.
Sân trường được lót bằng phiến đá to, có cỏ mọc xen kẽ, nhìn cứ như sân bóng đá ấy. Tôi ngồi gần cuối của hàng. Mỗi lớp chỉ được xếp thành hai hàng, để tránh rối đội hình, mà thực ra là sân cũng không đủ rộng nếu cứ ngồi chàng hang ra. Trong lúc thầy hiệu phó đọc diễn văn, thì tôi buồn chán bứt đống cỏ xung quanh lên.
Sở dĩ tôi chán nản như vậy là vì trước giờ trong mắt tôi, tụi con gái đích thị là những đứa phiền phức. Tụi nó thay đổi còn hơn thời tiết, mới đầu giờ còn chia nhau ổ bánh mì, vậy mà tan học đã lườm nguýt, nói xấu nhau, chia bè chia phái... Để tránh xa khỏi mớ rắc rối kinh niên ấy, tôi chỉ chơi với con trai. Ha, tụi con trai á, phải nói là tuyệt vời ở cái khoản không lắm lời, chơi với tụi nó vô cùng sảng khoái, chả cãi nhau hay bực bội bao giờ. Vậy mà, giờ nhìn xem, tôi đã rơi trúng vào chỗ nào? 10 C1 nha, chuyên ban C đấy, híc híc, toàn gái là gái thôi.
Mấy đứa con gái tết bím xinh xắn, làm quen nhau xong cứ ngó xuống chỗ tôi. Bắt được sóng điện phát ra từ mắt của một nhỏ beo béo, tôi liền cúi gằm xuống, dán mắt vào đôi xăng đan mới được mẹ mua cho chiều qua, đếm xem có bao nhiêu mũi chỉ khâu xung quanh đế. Vừa đếm tôi vừa thầm mong mau mau hết giờ, để tôi còn về nhà.
Nhưng tôi đã lầm to, trống vừa điểm là tụi tóc bím ùa lại vây kín xung quanh tôi. Hỏi han tôi bằng những cái miệng chúm chím thiệt là dễ thương. Hỏi tôi tên gì, nhà ở đâu, ba má làm nghề gì, nhà có mấy anh chị em... À ờ, công an hỏi cung thể nào thì tụi nó hỏi tôi cũng tương tự vậy á.
Trả lời xong đống câu hỏi ấy, tôi mệt muốn ná thở. Khi tôi tưởng mọi chuyện đã kết thúc thì tụi nó lại kéo tôi đi ăn chè. Tại bàn chè, tôi được tụi nó mở mang tầm mắt bằng những câu chuyện về diễn viên, ca sĩ nổi tiếng thế giới và những bộ phim, bài nhạc với những tình tiết gay cấn, hấp dẫn. Tụi nó còn hồn nhiên bình phẩm về những cảnh thân mật của nam nữ chính trong phim với lời lẽ "bạo" đến mức khiến tôi chỉ biết há miệng, tròn mắt mà nghe. Thấy mặt tôi cứ ngơ ra, tụi nó liền hỏi về những phim yêu thích của tôi. Vì tụi nó hỏi nên tôi cũng không ngại mà cứ thành thật liệt kê ra. Nào là Tây Du Ký, Thuyền trưởng Simbad, Hoàn Châu công chúa... Kể được vài tên phim thì mặt đứa nào đứa nấy chảy sệ cả ra, rồi tụi nó ngán ngẩm nhìn tôi mà lắc đầu. Có phải tôi lạc hậu quá không nhỉ?
Ngày đầu tiên đến trường kết thúc bằng việc tôi được gia vào nhập hội "Đẹp tự nhiên" do con Vy và Loan khởi xướng, với các tiêu chí sau: môi hồng tự nhiên, da trắng tự nhiên, mi dài tự nhiên, tóc óng mượt tự nhiên... và cả ngực to tự nhiên. Dĩ nhiên, tôi chỉ được mỗi cái trắng tự nhiên thôi. Thật buồn mà!
Nỗi buồn đó nhanh chóng được thay thế bằng niềm vui, đó là tôi chợt khám phá ra tụi con gái ở tuổi này hình như đã "người lớn" hơn. Tụi nó nói những chuyện thú vị và quan tâm đến nhiều vấn đề khác, chứ không luẩn quẩn và tủn mủn như tụi "con nít" cấp hai. Điều đó có nghĩa là quãng thời gian sau này của tôi chắc sẽ không đến nỗi nào. Nghĩ thế, tôi vui sướng guồng chân nhanh hơn, chiếc xe đạp mini được thể lao vun vút. Tôi quên luôn cả lời mẹ dặn là phải đi thật chậm và chú ý cắt đường ray xe lửa theo chiều vuông góc. Vậy nên sau tiếng "pặc" thần thánh thì cả người tôi bay lên, tạt thẳng vào vệ cỏ, còn chiếc xe đạp hiên ngang đứng nguyên tại chỗ với cái bánh trước bị kẹp giữa đường ray.
Chiếc xe đạp không bị trầy xước gì, nhưng tôi thì có. Không những trầy xước rớm máu mà cái quần còn bị rách bươm. Nhưng khi ấy tôi hoàn toàn không lo lắng vết thương sẽ bị nhiễm trùng hay thành sẹo xấu thế nào... Trong đầu tôi chỉ có duy nhất một hình ảnh, đó là khuôn mặt khó tả của mẹ khi biết tôi đã làm gì với bộ áo dài mới toanh này.
...
Đúng ngày 7 tháng 9, tôi đến trường để nhận sách. Đây là dịp để chúng tôi làm quen lẫn nhau và bình bầu ban cán sự lớp. Qua đây tôi cũng biết được sĩ số của lớp mình.
10 C1 có cả thảy ba mươi mống, 26 nữ và 4 nam. Vì có ít nam như thế nên chúng tôi ưu ái liệt bọn con trai vào danh sách động vật quý hiếm cần được bảo vệ.
Cô chủ nhiệm để tụi tôi tự bình bầu lấy, thế nên tụi con gái nhất quyết bỏ phiếu cho tôi làm lớp trưởng, dù rằng sau đó tôi đã hết sức từ chối.
Vâng, cái chức lớp trưởng đã giúp tôi bộc lộ được bản chất tiềm ẩn, cộng thêm sự trợ giúp từ hội "Đẹp tự nhiên", tôi càng tác oai tác quái tợn.
Kỉ luật thép của tôi đã giúp lớp liên tục xếp hạng nhất các tuần, giành cờ vàng của tháng. Đến nỗi thầy quản sinh đã nói tôi khỏi mang cờ xuống nộp, vì tuần nào lớp tôi chả hạng nhất.
Mọi chuyện diễn ra yên bình như thế khiến tôi cứ nghĩ là mơ. Lớp toàn được phê A+, thầy cô khen lấy khen để, tiếng thơm lan đến tận cả... Trấn Biên, Bùi Thị Xuân... 10 C1 ngày càng có "máu mặt" trong lẫn ngoài trường.
Tôi sẽ mãi vui vẻ và tự hào về tài cán của mình như thế, nếu không có một ngày thằng Lâm vác khuôn mặt sưng phồng đến lớp.
Có biến, cả lớp lập tức bu lại chỗ nó. Dĩ nhiên, tôi là người lên tiếng đầu tiên, vì tôi là lớp trưởng mà.
Tôi hất hàm hỏi:
- Lâm, bị sao vậy?
Thằng Lâm nhăn nhó, bộ dạng thập phần đau đớn, nó rờ tay lên khoé miệng rỉ máu, khẽ rên vài tiếng.
Đám con gái tụi tôi thấy vậy thì "ruột đau như cắt", bởi tục ngữ có câu: Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ mà.
Thằng Lâm đau như thế, làm sao nói được, vậy nên tụi tôi rất tức thời, liền dồn tất cả chú ý lên thằng Hiệp.
Tay tôi chỉ chỉ vào thằng Lâm, còn mắt thì nhìn thằng Hiệp:
- Lâm bị sao vậy Hiệp?
Thằng Hiệp chỉ chờ có thế, nó chẹp miệng, điệu bộ khoa trương quá mức cho phép:
- Nó bị Trương Tam Phong dùng Thuần Dương Vô Cực, trên tung cước, dưới dùng quyền, cứ thế liên hoàn...
- Stop! - Tôi giơ tay, ra hiệu cho thằng Hiệp dừng cái màn múa may quay cuồng lại. - Đừng có thao thao bất tuyệt nữa, vào vấn đề chính giùm cái!
Mặc cho thằng Hiệp chưng hửng, tôi nhấn mạnh thêm:
- Ngắn gọn thôi!
Thằng Hiệp lập tức như cái máy liên thanh, nó bắn một tràng:
- Thằng Lâm bị thằng Phong và mấy thằng bên C3 chặn đánh ở bãi giữ xe sau trường!
- Lí do?
- ... Vì quá... đẹp trai!
Thằng Hiệp nói xong bụm miệng cười. Nó ẩy ẩy đầu thằng Lâm:
- Đáng đời mày, còn vênh váo chê tao xấu nữa không? Đẹp đó, sướng chưa?
- Bộ đẹp trai là cái tội hả? - Nhỏ Vy, bí thư lớp gào lên.
Chưa hết, theo sau tiếng gào ấy là hàng chục ánh mắt quỷ dị của đám con gái găm vào mặt thằng Hiệp, khiến nó choáng toàn tập.
Thằng Hiệp nào biết nó đã chạm đến sở thích tao nhã và thời thượng của chúng tôi, đó là chuyên rình và ngắm "giai đẹp".
Cơ mà, hình như "Bụt chùa nhà không thiêng", nên tụi tôi chẳng phát hiện ra trong lớp cũng có mĩ nam, chỉ đến khi mĩ nam ấy bị tụi côn đồ giở thói "vùi hoa dập liễu".
Uy lực từ ánh mắt của tụi tôi khiến thành Hiệp mùa hè mà cũng lạnh sống lưng. Nó vội vã lái chúng tôi quay lại chủ đề chính:
- Vụ thằng Lâm, xử sao đây mấy bà?
Tôi thu ánh mắt viên đạn lại, nhíu mày suy nghĩ:
- Mà, thằng Phong gốc gác thế nào?
- Nó là đại ca của khối 10 chứ sao, đúp ba năm rồi, năm nào cũng bị đình chỉ vì đánh bạn nhập viện... Bla... Bla...
- Lưu ban ba năm? - Tôi há hốc miệng lặp lại.
Con Thảo, lớp phó học tập, nãy giờ im re, nghe đến đoạn này cũng ngứa miệng xen vào:
- Ba năm? Sao có thể chứ? Lẽ ra phải bị đuổi rồi mới đúng!
Đám con gái cũng thấy vô lí, bèn quay qua chia cặp, hoặc chia nhóm từ ba người trở lên, tích cực thảo luận về vấn đề này.
Thằng Lâm ngồi một xó, tự lấy khăn ướt rịt vào khoé miệng, trong mắt chứa đầy ai oán. Còn thằng Hiệp thì đứng chết trân như Từ Hải vậy.
- Mấy bà, bộ đó là vấn đề chính hả?
Thằng Sơn chịu hết nổi với sự xàm xí đang diễn ra, nó la lên một cách đầy phẫn nộ.
Thằng Sơn là động vật quý của quý, bởi nó tuy là nam nhưng lại sở hữu giọng nữ cao hoàn hảo. Tiếng thét của nó còn chói tai hơn cả còi xe bus (Tôi thề là không nói điêu tẹo nào).
Đám con gái lập tức im re.
Thằng Lâm ấm ức nói:
- Hồi đầu, ai là người nói sẽ bảo vệ tụi tôi này nọ, mà bây giờ... Ai? Ai hả? Bây giờ tôi thế này đó, mấy bà tính sao? Có đòi lại công bằng cho tôi không?
Những ánh mắt rực lửa ban nãy đều nhất loạt cụp xuống, né tránh cái nhìn khẩn thiết của thằng Lâm. Chỉ có tôi là không làm như thế, vì sao? Vì tôi là lớp trưởng, tôi phải có trách nhiệm với thành viên của mình.
Tôi lại chỗ thằng Lâm, vỗ vai nó an ủi, hạ tông giọng xuống thập nhất có thể, để làm sao khi phát ra âm thanh, nghe ấm áp nhất. Tôi nói:
- Lâm, đừng lo gì cả. Giờ cứ dưỡng thương cho tốt. Chuyện đứa nào đã nói ra câu đấy, cứ để tớ lo. Tớ đảm bảo sẽ nhớ được, chỉ cần cho tớ thời gian thôi, nhất định sẽ nói rõ tên họ của đứa đó. Nhé!
Câu nói của tôi coi như kết sổ. Ai nấy về chỗ ngồi, lôi tập vở ra chuẩn bị vào tiết mới.
Chuyện thằng Lâm bị đánh, chúng tôi cũng không thưa với cô chủ nhiệm, bởi nếu làm thế, rất có thể thằng Phong sẽ nhờ đám bạn bên ngoài của nó tẩn thằng Lâm thêm vài trận không chừng. Thôi thì, tránh voi chẳng xấu mặt nào mà, đúng không? Nhất là cái mặt đang đẹp nữa chứ.
Đẹp trai kể cũng khổ phết!
Có hai điều nho nhỏ tôi muốn kể thêm đó là việc tôi hứa với thằng Lâm và vụ nuôi thù của bốn động vật quý hiếm.
Việc đầu tiên, tôi thực sự có lỗi, vì cho đến khi vết sứt trên mặt thằng Lâm đóng mài, rồi bong mài, để lại mấy vệt trắng hếu thì tôi vẫn chả nhớ ra đứa nào đã hùng hồn tuyên bố như thế. Dù theo lời của hội “Đẹp tự nhiên”, thì kẻ đó chính là tôi. Nhưng tôi cật lực bác bỏ, sao tôi có thể không nhớ những cái mà tôi đã nói chứ.
Việc thứ hai là tụi con trai đã nung nấu ý chí báo thù lâu lắc như thế nào. Đúng là ứng với câu Quân tử báo thù mười năm chưa muộn mà.
Tụi con trai chọn ngày 8/3 làm thời điểm “đáp lễ” tụi tôi.
Sau khi tặng hoa và hát tặng cô giáo những giai điệu ngọt ngào ca ngợi công ơn thầy cô thì tụi nó nháy mắt với nhau.
Ngay khi tụi nó mắt giao mắt, tình ý dạt dào như thế, tôi đã sinh nghi. Bởi vậy, khi tụi nó nói muốn hát tặng tụi tôi một bài thì tôi đã lắc đầu.
Nhưng đám con gái ngây thơ nào biết được chi, mắt đứa nào đứa nấy long lanh vì cảm động, miệng đứa nào đứa đấy rộng đến tận mang tai.
Thằng Hiệp là đứa hát mở màn, cái giọng nó nghe thật chua:
- Con gái nói có là không, con gái nói không là có đó, con gái nói buồn là vui, con gái nói vui là buồn...
Tụi con gái ở dưới đung đưa người, tay thì vỗ vỗ theo nhịp bài hát.
Ai ngờ, tụi con trai lại rống lên như bò bị chọc tiết:
- Đừng nghe những gì con gái nói! Đừng tin những gì con gái nói!
Tụi nó không những cải biên lời nhạc mà còn dùng hết sức bình sinh để gào rú, đã thế còn lặp đi lặp lại cho thỏa lòng mong ước.
Đám con gái ở dưới nín bặt vì sốc, tôi cúi đầu thở dài.
Riêng cô Văn thì cười nghiêng ngả, sém chút không nhặt được hàm.