Chương 6
Con Ba Trợn chạy đến chỗ thằng đang kéo bịch ổi trước tiên, nó há mồm ra định tru tréo thì nhác thấy trước mặt mình vẫn còn hai thằng nữa, mà thằng nào cũng bịt mặt nhìn hầm hố như giang hồ, nó đành giậm chân xuống đất bực bội hét:
- Đồ ăn trộm!
Không biết ba má con nhỏ này có dặn lỡ thấy ăn trộm thì chỉ nên đứng từ xa tri hô chứ đừng đuổi theo hay không mà bây giờ nó hổ báo quá chừng chừng, đứng cách mấy thằng tôi có vài bước vẫn bô bô cái miệng. Hay do nó thấy tụi trộm này cũng nhỏ người như mình nên ít sợ vậy ta?
Dưới tấm khăn bịt mặt, Cò kẹo há miệng thở phì phò vì mệt nhưng vẫn cố sống cố chết ôm “túi càn khôn” theo mình bằng được. Đằng sau nó là Tí Ni đã đuổi kịp lúc, vừa níu áo tên cướp ngày ác ôn vừa nói giọng như đã muốn khóc:
- Trả lại… trả lại đi mà…!
Liền sau đó con bé Hương và Hai Tè cũng chạy nháo nhào tới, hai đứa hai bên chộp tay Cò kẹo giữ nó lại, ở đằng trước con Ba Trợn vẫn không ngừng ngoác miệng oang oang.
Tôi, Dẻo quẹo và thằng Nhí đứng đực mặt ra trơ mắt nhìn Cò kẹo kiên quyết… chịu bị bắt chứ nhất định không buông bỏ tang vật. Mà lỡ nó bị bắt thì cả đám tụi tôi cũng tiêu đời, chỉ mới nghĩ tới mấy nhát roi của ba là tôi đã sợ vãi linh hồn, hai chân run rẩy cứ quíu lại vào nhau.
- Cái gì? Ăn trộm hả?
- Đâu, trộm đâu?
Tiếng lào xào của người lớn ở đằng xa vọng lại mỗi lúc một gần càng khiến bọn tôi sợ hãi, giật bắn người co rúm lại.
Ở cái lúc chí nguy đó, khi mà tôi đã muốn tè ra quần thì thằng Nhí bặm môi phóng vọt tới trước mặt tụi con gái, nó “ê” lên một tiếng rồi… tuột quần mình ra:
- Hê!
Khổ chiêu “ve sầu thoát xác” của thằng này quả là độc địa, chả khó khăn gì cũng làm tụi con gái bưng mặt sợ khóc thét, mắt nhắm tịt vội quay ngoắt đi chỗ khác.
Tận dụng thời cơ, tôi đá đầu Dẻo quẹo cho nó chạy trước rồi túm cái bịch ổi hất ngược lên, mấy trái ổi thi nhau nảy vọt ra ngoài lăn lông lốc xuống mặt đường.
Cò kẹo há hốc mồm, hung bạo giật lại bịch ổi nhẹ tênh chỉ còn gần một nửa rồi co giò chạy biến.
- Lẹ!
Thấy bạn mình vọt nhanh như khói, thằng Nhí hối hả kéo quần lên rồi cũng phóng theo.
Giấc mơ đêm qua giờ đây đã thành sự thật, khi tôi quay người bỏ chạy còn kịp thấy con Tí Ni buồn bã ngồi bệt ra đất khóc ngon lành, hai bím tóc lúc la lúc lắc trong vô vọng, nước mắt nước mũi chảy tèm lem… nhìn thấy mà ghê.
Đúng hơn là lúc bình thường, tôi sẽ kêu thấy ghê.
Còn lúc này thì vừa chạy, tôi vừa tự dưng lại thấy Tí Ni, nó cứ… tội tội làm sao!
oOo
Nằm phịch ra đất, Đóm quèn thở hổn hển:
- Nhà không có ai thiệt hả mày?
- Ờ, ba má tao ở ngoài chợ tới tối lận! – Cò kẹo quệt mồ hôi ngồi xuống cạnh bên.
“Trả thù” thành công, cả đám cao chạy xa bay xuống xóm Dưới rồi tập trung ở nhà Cò kẹo như dự kiến. Bọn Đóm quèn tới trước, đứng lấp ló ngoài cổng một hồi mới thấy bọn tôi chạy lạch bạch về nhà.
Tuấn còi vẫn chưa hoàng hồn, nó giật tấm khăn quàng đỏ ra khỏi mặt:
- Má ơi, tao tưởng tiêu rồi chớ, không chạy kịp là giờ lên đồn công an rồi!
- Mày nhát bỏ xừ, chưa gì đã chạy trước! – Tát ròm nạt ngang.
- Ngon quá ta, chớ thằng nào chạy sau tao? Chạy trước là thằng Đóm chớ sao mày nói tao?
Thấy thằng còi ốm người mà mồm to quá xá, chửi văng tung tóe nước miếng vô mặt mình, Tát ròm đâm ra xuôi xị quay sang trách ngược Đóm quèn:
- Giao cho mày canh chừng mà mày bỏ chạy, nhục bà cố!
- Thôi ông nội, con không chạy thì bị bắt có mà ăn đòn mềm xương. Tao với mày chung xóm nhỏ Tí Ni, đứng xớ rớ nó thấy quen quen, nó biết nó méc là chết! – Đóm quèn thè lưỡi.
Được bạn mình tôn lên hàng “ông nội”, lại thấy nó nói cũng có lí nên Tát ròm thôi xỉ vả… ông nội, đưa tay kéo bịch ổi lại gần:
- Cũng may là còn đem được mớ ổi về, ủa lúc nãy tao thấy nhiều lắm sao giờ còn có bi nhiêu vậy cà?
Cò kẹo được “gãi” trúng chỗ ngứa, nó ấm ức chỉ về phía tôi:
- Thằng Tí ngu, nó đổ hết nửa bịch, tao không giành lại chắc nó đổ hết bịch!
- Ngu cái đầu mày! – Tôi đổ quạu.
- Mày mới ngu đó Cò, tham ăn cho cố mạng! – Dẻo quẹo đồng tình, rồi như chưa hết bực mình nó còn vọt miệng phun một bãi nước miếng dơ hầy ra đất. – Tao mà bị bắt là tại mày hết!
- Sao sao? Kể nghe! – Mấy cái miệng tụi Tát ròm cùng nhao nhao.
Dẻo quẹo quạu quọ “tường thuật” lại hết vụ tẩu thoát gay cấn vừa rồi. Kể thôi chưa đã, nó còn thêm mắm dặm muối đường mấy đoạn nó phi thân từ trên cây xuống đất, lộn mèo mấy vòng qua hàng rào rồi nhảy bật ra đường như cao thủ võ lâm.
- Ủa? Mày chạy rồi sao mà cứu thằng Cò? – Tuấn còi nhíu mày thắc mắc.
- Thằng Nhí mới cứu, mà hầy… công nhận nó có chiêu ve sầu thoát xác ác liệt lắm nghen tụi mày, không có nó là cả đám tiêu hết! – Dẻo quẹo hăm hở đáp.
- Sao sao? – Mấy cái miệng lại chu ra tò mò, mấy cái tai đồng loạt dỏng lên như sợ rớt từng lời vàng ngọc của thằng Dẻo.
Thằng Nhí nãy giờ không nói gì, giờ nghe đến phần mình thì nó đỏ mặt tía tai:
- Kể gì mà kể, bỏ đi!
Nhưng dễ gì bỏ, Dẻo quẹo cứ tiếp tục. Nó vừa kể bằng giọng hồi hộp, vừa đía thêm đủ thứ nên đến khúc thằng Nhí tuột quần cứu bồ cả đám thì như một quả bom nổ, bọn tôi té ra cười lăn lộn, ôm bụng sặc sụa một hồi lâu mới ngồi nhìn nhau thở phì phò vì tức ngực.
- Đó giờ chỉ nghe ông Lê Lai đổi áo cứu chúa Lê Lợi, bữa nay có thằng Nhí tuột quần cứu anh em. Ghê thiệt nha mậy! – Tát ròm búng tay cái chóc đầy tán thưởng.
Thấy lũ bạn lại cười hích hích, thằng Nhí hậm hực:
- Chia ổi đi, tao bực rồi nghen!
Nghe nhắc đến “luận công ban thưởng”, Cò kẹo hăng hái lên liền, nó giành ngay:
- Để tao, giờ chia ra làm bảy phần nghen. Quá cha ơi, ổi xá lị ngon lắm nha, tao đếm xong rồi chia cho tụi bây!
- Lẹ lẹ, đói rồi đó mầy! – Tụi tôi thấy thằng Cò đổ mớ ổi to đùng đầy hấp dẫn ra đất liền nhổm dậy, xáp lại gần.
À đúng ra là chỉ có tụi nó chứ không có tôi, vì tôi lúc này tự nhiên phủi mông đứng dậy:
- Tao về!
- Hả? Còn ổi? – Cả lũ trố mắt ngạc nhiên.
- No rồi!
Đáp gọn lỏn rồi tôi bỏ về một mạch trong sự ngỡ ngàng của đám bạn vì chẳng hiểu thằng Tí ham ăn bữa nay làm sao vậy kìa.
Thật sự thì tôi còn không hiểu tôi nữa là tụi nó. Bình thường những lúc đi ngang qua nhà Tí Ni, tôi vẫn thường ngóng mỏi cả cổ mà chờ mãi vẫn không thấy có trái ổi nào rụng xuống, chỉ có nước miếng chảy lòng thòng ướt áo.
Vậy mà hôm nay, trả thù xong rồi, ổi cũng hái rồi mà tôi chả buồn ăn, chỉ thấy trong bụng nó cứ sao sao ấy!
Vừa đi lững thững về nhà, vừa nghĩ nhưng nghĩ hoài nghĩ hoài cũng thấy hông hiểu gì hết trơn, tôi chán nản tung chân đá mạnh vô cái lon sữa rỗng nằm chỏng chơ bên lề đường.
- Beng… beng…!
- Tổ cha, thằng nào đó? – Cái lon văng vô trong căn nhà gần đó, rồi tiếng chửi theo vậy mà văng ra.
Tôi ù té chạy.
oOo
Chiều tối, tôi cùng mẹ ra chợ mua ít đồ.
- Hôm nay cu Tí muốn ăn gì? Bánh quai vạc nghen? – Mẹ tôi hỏi, bao giờ dắt tôi đi chợ mẹ cũng sẵn tiện mua đồ ăn vặt cho tôi.
- Bánh mì chả cá đi mẹ, nguyên ổ nha! – Tôi mê mấy món chả chiên, chả hấp của bà Xíu ngoài chợ lắm.
Lần nào cũng vậy, đi chợ với mẹ hay bà ngoại luôn là một trong những “hành trình” mà tôi thích nhất vì được ăn hàng thả cửa. Khi thì bánh canh, bún bò, tôm chiên, khi thì cà rem, kem kí.
Bà Xíu bán riết quen, cứ thấy tôi lò dò đi tới là biết ý làm cho một ổ đầy nhóc chả cá rồi cắt bánh ra làm đôi.
- Giờ con ăn một nửa, tí xong lại ăn một nửa! – Tôi nói vậy vào lần đầu đến đây, chứ mẹ tôi định bảo con nít ăn một ổ sao hết.
Nhưng tôi ăn hết thiệt, và lần này cũng sẽ là vậy, xực một hồi là xong á mà!
Trên đường về có đi ngang qua xóm Trên, mẹ tôi nán lại một chút ở nhà bà Tàu để gửi xấp vải may đồ. Tự dưng tôi lại đâm ra tò mò khi nhìn về phía nhà ngoại con Tí Ni, cách nhà bà Tàu có mấy bước.
Tranh thủ lúc mẹ đang nói chuyện với bà Tàu, tôi mò tới cái hàng rào lúc chiều mình đã té ập vào, rồi rón rén nghểnh cổ lên nhìn vô trong sân.
Ở trong sân, con Tí Ni mặt xụ xuống một đống, nó đứng vòng tay lại cạnh bên cây ổi trụi lủi, hai bím tóc buồn bã đờ ra.
Dòm len lén qua mấy nhành hoa giấy, thấy mắt “Na Tra thái tử” đỏ hoe, tự dưng tôi thấy nó tội tội. Nghĩ một hồi, tôi quyết định:
- Ê!
Tí Ni giật mình, nhướn mắt lên nhìn quanh quất nhưng chả thấy ai.
- Ê! – Tôi nhón chân lên.
Lần này thì nó đã nhìn thấy tôi, nhận ra đó là ông Tí… du côn hôm bữa, nó bất giác lùi lại một bước, lo lắng ngó vô trong nhà.
- Ê đừng méc, tao không làm gì đâu mà sợ! – Tôi vội kêu lên the thé.
Không biết có tin hay không, Tí Ni đưa mắt nhìn tôi, mặt vẫn xụ xuống, nó chả biết làm gì ngoài việc đứng vòng tay, chân dí dí xuống đất.
- Bị phạt hở? – Tôi hỏi.
Nó không đáp nhưng lại bặm môi như sắp nấc lên, và tôi coi đó là câu trả lời.
Tôi lại hỏi:
- Sao bị phạt?
- …! – Nó im lặng nhưng khẽ liếc sang cây ổi, rồi lại ngó vô trong nhà.
Thấy nó cứ trơ ra như cục đá, tôi đổ quạu sẵng giọng:
- Sao mày im re hoài vậy? Học lớp mấy?
Dường như trông bộ tôi hổ báo quá nó quên cả sợ, lí nhí nói:
- Lớp ba…!
- Tao học lớp bốn, lớn hơn mày! – Tôi gật gù.
- Sao mày lại bị phạt?
Lần này con Tí Ni không dám im nữa vì sợ tôi bực, nó trả lời ngay bằng giọng buồn buồn:
- Em đi chơi không coi nhà, để… để người ta vô nhà trộm ổi nên bị phạt đứng vòng tay tới giờ cơm mới được vô!
- Ai phạt mày vậy? Ông bà ngoại mày hả? – Tôi thấp thỏm.
Đợi nó gật đầu, tôi liền “lên án”:
- Kì vậy, ở nhà tao cũng quậy mà ngoại tao đâu có lúc nào phạt tao đâu. Vậy là ngoại mày hông có thương mày, tí nữa đánh mày mấy roi cho coi!
- Hông có đâu, tại em hông nghe lời…! – Nghe tôi dọa, Tí Ni mếu máo như sắp khóc.
Thấy con nhỏ chuẩn bị nhè ra đến nơi, tôi đột ngột cảm thấy bùi ngùi bèn an ủi:
- Ờ… chắc mày không bị đánh đâu. Mà mày biết thằng nào ăn trộm ổi hông?
Hai bím tóc con Tí Ni liền lắc qua lắc lại theo mái đầu của nó khiến tôi thở phào nhẹ nhõm. Hú vía, nó không biết tụi “người ta” hồi chiều là bọn tôi, chứ không thì tôi sức mấy còn đứng đây ba hoa. Chạy không kịp luôn ấy chớ!
- Mấy cái thằng mất dạy thiệt, đúng là đồ ăn trộm. Tụi nó mà hông bịt mặt là giờ này biết ai rồi, mày phải đi méc liền! – Tôi càu nhàu chửi đổng, tưởng tượng mình đang chửi tụi thằng Nhí thằng Tát, tất nhiên là tôi chừa tôi ra.
- Sao anh biết mấy ổng bịt mặt? – Tí Ni ngẩn tò te, mở to mắt hỏi.
Nghe hỏi mà tôi điếng người, đần mặt ra có tới mấy giây. May mà trời sẫm tối nên nó không thấy vẻ lúng túng trên mặt tôi.
- Tao… tao đoán đại, tụi ăn trộm trong phim hay bịt mặt mà! – Tôi ấp úng nói.
Dường như cũng tin vậy, hoặc là con Tí Ni cũng xem phim “ăn trộm có bịt mặt” như vậy nên nó không hỏi thêm nữa. Chứ nó mà cắc cớ hỏi tôi thêm tụi trộm có mấy người, tôi quýnh quáng một hồi chắc phun ra hết.
- Mày đứng hoài, mỏi chân hông mày? – Tôi lảng sang chuyện khác.
- Cũng hơi hơi…! – Tí Ni đáp.
- Mỏi thì mày ngồi xuống đi!
- Không được, em đang bị phạt mà!
- Ngu, mày ngồi xong xíu đứng lên liền, ngoại mày trong nhà đâu có biết!
- …!
- Ngồi đi!
Thấy tôi quả quyết dữ quá, con Tí Ni sợ nếu nó không ngồi chắc tôi lại lao vô ấn đầu nó xuống nên dù có hơi lo lắng, sau khi ngó vô trong nhà nó cũng sè sẹ ngồi xuống đất.
- Đó, đỡ chưa! – Tôi toét miệng cười vì nó nghe lời mình cái rụp.
Nhưng nó cãi lời tôi cũng cái rụp, vừa ngồi xuống đã đứng bật lên lại.
- Em hết mỏi rồi! – Tí Ni lóng ngóng nói.
- Chán mày, nhát cáy! – Tôi vung tay, ngửa mặt than.
Sực nhớ ra trên tay mình có ổ bánh mì, tôi nổi hứng muốn “bù đắp”, liếm môi hỏi:
- Mày thích ăn bánh mì chả cá hông?
Con Tí Ni làm tôi thất vọng vô cùng, nó lắc đầu thẳng thừng. Nhưng sau đó lại gật đầu tiếp một cái nữa.
- Là sao? – Tôi ngơ ngác.
- Gần tới giờ cơm rồi...! – Tí Ni đáp.
- Nên mày hông thích ăn bánh mì chả cá? – Tôi hỏi.
- Có, em có thích…! – Nó trả lời.
- Thích thì nói thích, mày cứ lắc qua lắc lại thì bố ai mà hiểu! – Tôi lại đổ quạu, sầm mặt nạt.
Tôi nạt, con Tí Ni sợ rúm người:
- Thích, em thích!
- Cho mày nè! – Tôi cười toe.
Rồi tôi hào phóng chìa ra nửa ổ bánh mì, đưa tay qua hàng rào.
- Bánh mì chả bà Xíu đó, ngon bà cố luôn!
Nhưng Tí Ni nó lại đứng yên một chỗ không chịu chạy tới lấy, chắc nó sợ đang bị phạt thành tượng không được cử động. Thấy nó đứng yên, tôi lại hiểu theo nghĩa khác.
- Đừng lo, tao hứa hông cốc đầu mày nữa đâu mà sợ!
Nghe tôi nhắc “thù” cũ, nó lại bước giật lùi một bước. Tôi… thất hứa liền:
- Mày hông tới lấy, tao vô cốc đầu mày à nha!
Tôi oai thiệt, dọa một cái là con Tí Ni chạy tới lấy bánh.
- Em cảm ơn anh Tí!
- Có gì đâu, í… cái con này sao mày kêu tên tao nữa?
- Chứ… em kêu anh sao?
- Kêu gì cũng được, trừ tên Tí ra!
- Tại sao?
Thấy nó ngơ ngác nom đến tội, nhưng tôi mà giải thích ra Tí là con chuột hôi hám chắc tôi còn tội hơn cả nó. Nên tôi phủi tay:
- Thôi mày kêu tao sao cũng được, giờ tao về à!
- Dạ, anh Tí!
Cái con… tiểu yêu này, chỉ trong vài phút mà nó phạm tên húy của tôi tới mấy lần. May cho nó là tôi đã hứa không cốc đầu nó nữa, chứ bình thường là giờ nó sói trán từ đời tám hoánh rồi.
Nhưng liền đó tôi chợt ngớ người:
- Ủa, mà mày tên Tí Ni mà?
- Dạ, em tên Tí Ni. Mà sao anh? – Nó tròn mắt ngạc nhiên.
- Ha ha, vậy là mày trùng một nửa tên tao, mày cũng là Tí! – Tôi khoái chí nhận ra con nhỏ này cũng chẳng hơn gì tôi, cũng có phần “chuột”.
- Em là Tí Ni mà, anh mới là Tí!
- Tao Tí kệ tao, mày! – Tôi lừ mắt.
Thấy ông anh mới quen này mưa nắng thất thường, thích bực là bực nên Tí Ni sợ tôi một phép, nó dạ ran:
- Dạ, anh Tí!
Thấy mình nấn ná lâu quá rồi, tôi nghĩ bụng phải chạy về lẹ không mẹ lại đi tìm là mệt.
- Thôi tao về, mày ăn bánh mì đi, chả ngon lắm á!
- Dạ!
Con Tí Ni cười toe làm tôi hết muốn về, con nhỏ này ác thiệt, đợi tôi sắp về rồi nó mới cười. Cũng nhờ vậy mà giờ tôi mới phát hiện ra nó có má lúm đồng tiền.
Má lúm đồng tiền cười lên dễ thương ác chiến.
Mải nghĩ, tôi chạy luôn một mạch về nhà báo hại mẹ tôi phải đi tìm thiệt.
Buổi tối, tôi len lén đứng trước gương cố nặn ra một nụ cười để xem mình có thua gì con Tí Ni hông.
Nhưng tôi cười xấu òm. Bực bội, tôi cất cái gương rồi phốc lên giường nằm ngủ.
Trong mơ, tôi thấy con Tí Ni cười với tôi tới cả trăm lần vì tôi cho nó ăn tới cả trăm ổ bánh mì, để rồi sau đó tôi lại đứng trước gương tự cười cũng trăm lần.
Nó ác thiệt, tôi ngủ cũng không yên.
Nhưng cũng dễ thương thiệt, ngoại tôi nói đúng ghê là!
Hết chương 6