No1: Mối thù đi theo cả đời
Người ta nói “chó dữ mất hàng xóm, dâu dữ mất anh em” và “giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng”, sao mà hai câu ấy nó lại vừa khéo ứng với cặp chị dâu – em chồng nhà tôi thế không biết.
Bố mẹ tôi sống ở quê nên nhà trên Hà Nội vốn chỉ có anh em tôi và một thằng em họ nữa. Từ ngày anh tôi lấy vợ thì thành ra là bốn người ở chung. Từ ngày bắt đầu ở chung anh trai tôi đã bảo chị dâu:
- Tránh xa con nhỏ Chi Nga ra, nó là đứa xấu tính nhất nhà đó.
Gớm, ổng thương vợ nên dặn vợ đề phòng, mỗi tội hồi ấy anh chị mới góp sức chống ế cho nhau, vẫn chưa qua giai đoạn lừa phỉnh nên ổng tưởng bả hiền. Một thời gian sau, uống rượu say bị vợ đá khỏi phòng, giữa mùa đông rét mướt ngồi thu lu ghế sofa, lúc ấy mới rên hừ hừ nói:
- Bố khỉ, em gái nó còn lau cho cái mặt, pha cho cốc nước chanh giã rượu với đặt cho ca nước trên bàn. Vợ thì đến ngủ nó cũng không cho.
Nhưng lúc ấy “giặc bên Ngô” đã đi lấy chồng rồi, hối cũng không kịp.
Mà làm sao ổng lại bảo tôi là xấu tính nhất nhà? Khổ, nhà có bốn người, bố mẹ thì không được phép nói xấu, còn tôi với ổng chả nhẽ ổng tự nhận ổng xấu tính hơn tôi? Với lại tôi có cái ưu điểm nhớ lâu và nhược điểm hay thù vặt. Trước giờ mỗi lần tranh cãi tôi phun một tràng lí lẽ rõ ràng, thứ tự đầy đủ, dẫn chứng đàng hoàng khiến ổng không nói được câu nào. Túm lại là cãi thua nên đâm ra nói xấu, đơn giản thế thôi.
Lan man nói mấy câu lại vứt cái chủ đề mối thù đi suốt cuộc đời lên tận chín tầng mây rồi. Là thế này, năm tôi lên bốn, anh trai tôi lên bảy. Chú ngay sau bố tôi nhà trồng táo, đem tới cho một bịch. Lại trúng rằm nên mẹ lựa những quả đẹp để thắp hương còn lại dăm ba quả xấu xấu thì cho anh em tôi ăn trước để khỏi phải nhìn thấy cái cảnh đáng xấu hổ là hai đứa trẻ con cứ đứng như trời chồng ở phòng khách, nhìn chằm chằm vào bàn thờ và thi nhau… rớt nước dãi. Bốn tuổi nhưng mà tôi không ngu chút nào đâu nhé. Anh trai chia táo làm hai phần, tôi không biết đếm, nhưng nhìn thấy phần của anh rõ ràng nhiều hơn nên không chịu. Cuối cùng anh trai tôi phải chia theo cách, đưa một quả cho tôi và ảnh lấy một quả cứ như thế đến khi chia hết thì tôi mới vui vẻ ôm táo đứng lên.
Nhưng lúc quay đầu lại tôi thấy anh trai cũng kéo vạt áo phông lên để cho táo vào và ôm trước ngực giống như cách tôi làm nhưng hai túi quần ảnh… căng phồng? Tôi đã bảo là tôi không ngốc chưa? Anh tôi đã bảo là tôi xấu tính chưa? Nếu rồi thì vì lí gì tôi lại im lặng? Tôi thả táo của mình xuống, lao tới giật một bên túi quần anh trai. Ổng bị bất ngờ nên hất tay và tôi thì đang đứng không vững ở trên thềm nhà. Cuối cùng vì cái vung tay của anh trai làm tôi lăn một vòng từ thềm nhà, qua ba bậc thềm mới lăn xuống sân. Trước khi lăn xuống sân tôi còn “hôn” bậc thềm thứ hai một cái rõ kêu. Kết quả tôi mới bốn tuổi đã thay răng cửa, môi sưng tều lên. Mẹ tôi còn trêu bảo:
- Đấy cứ tranh táo mà ăn, giờ mọc ngay một quả ở mồm đấy.
Nhưng sau lần làm đau em gái ấy, mỗi lần tranh cãi chuyện gì, chắc chắn ông anh tôi sẽ đầu hàng chỉ cần tôi nói:
- Anh thôi đi, anh đẩy em một cái gãy răng, sứt môi năm em bốn tuổi em còn nhớ thì em nhầm làm sao được.
Giờ mỗi lần bị vợ “xúi” mắng em gái là ổng không nghe, bị vợ nói mát thì ổng bảo ngay:
- Đẩy nó có cái từ năm nó bốn tuổi nó còn bảo nó nhớ cả đời, anh thề là anh không có gây thù chuốc oán gì với con ranh ấy đâu.
P/s: Đừng để cái No1 lừa cả nhà nhé. Anh trai tôi là người luôn để mọi người thấy tôi là đồ xấu tính xấu nết, ảnh bị bắt nạt mà vẫn phải cười hiền với em gái, trong khi đó cái đứa “nô bộc” cho ảnh luôn luôn là tôi. Bằng chứng là câu cuối cùng của ổng ấy. Tôi nghe điệp khúc này lần đầu mừng rớt nước mắt vì tưởng ổng là bênh em gái, nhưng nghe kĩ lại thì là: ổng không muốn nghe lời vợ nên đổ lỗi là tại tôi ghê gớm. Ai nghe cũng thấy vợ và em gái ổng thật quá đáng, còn ổng đáng thương bị kẹt giữa hai kẻ quá đáng ấy.