Tản văn Bài học từ mảnh vườn

Smigel Nguyễn

Gà BT
☆☆☆
Tham gia
3/7/14
Bài viết
1.235
Gạo
266,0
Nếu muốn nấu một bát canh cua ngọt mát vào mùa hè thì trong những ngày mưa lây phây mùa xuân ta đã cần trồng cây con, từ mùa đông đã cần gieo hạt.

Đầu mùa đông, khi nắng đã hanh, những chùm quả mồng tơi từ xanh chuyển sang màu tím ngắt mọng nước. Mẹ tôi tuốt chùm quả, nước từ thịt quả ứa ra nhuộm tím loang lổ trên bàn tay đã nhăn nheo vì năm tháng. Dưới vòi nước, bàn tay ấy chà xát đám quả vào chiếc giá mây đan, lớp thịt quả bị chà tách rời khỏi hạt, trôi theo dòng nước. Đám hạt sạch sẽ được đem phơi khô trong nắng gió hanh lạnh của mùa đông.

Cuối đông, mẹ tôi xới một bãi đất góc vườn, vung đám hạt mồng tơi và tưới nước cho đủ ẩm. Cũng ở rìa bãi đất ấy, mẹ tôi giấu nắm hạt mướp được gỡ ra từ quả mướp khô gác trên mái bếp từ vụ trước, mẹ tôi đã chọn một quả mướp thật đẹp để dành lại trên giàn cho già cóng, hết mùa mướp mới cắt vào gác lên mái bếp để khói và hơi nóng của bếp củi bếp rơm sấy khô roong. Bây giờ lấy xuống, gỡ hạt đem gieo, còn xơ mướp được cắt ra thành từng miếng gọn gàng để rửa bát. Cái mớ xơ đan xen chồng chéo nhau lại thành thứ cọ bát đĩa xoong nồi thật sạch sẽ, nếu có dùng thêm nước rửa bát cũng tạo bọt rất tốt.

Lũ rau đay thì dễ dàng hơn, không cần chuẩn bị gì nhiều. Khi cây đã cỗi và vào cuối vụ, đám cây đay sẽ nở hoa và đậu quả, lúc bấy giờ rau cũng không ngon nữa, chẳng ai còn hái để nấu canh. Thế là ở nơi góc vườn, đám rau đay tự mình đơm hoa kết trái, trái già câng, lá già xơ xác. Mẹ tôi chặt tận gốc cây, gác cả cành dài lên bờ tường cho tự khô, tự nứt hạt rồi rụng xuống ngay ven tường. Đến mùa xuân như bây giờ, cây con tự mọc lên tua tủa. Có khi mẹ tôi nhổ đám cây con ra trồng cho thẳng hàng thẳng lối, có khi mẹ tôi kệ chúng tự mọc dại lẩn quẩn nơi ven vườn.

Thế là cứ đầu xuân, khi mưa phùn lây phây làm ẩm đất ẩm cát, mẹ tôi xới mấy luống đất lên và trồng xuống đủ loại cây con. Rau mồng tơi, rau muống, gieo hạt dền,… Phía ven vườn thì giàn bầu đã leo xanh tốt tua tủa tay uốn éo bám vào giàn, lúc này cũng vừa tầm đánh gốc mấy cây mướp ra trồng ở giàn bên cạnh.

Mùa hè. Ánh nắng rọi chiều thẳng đứng xuống mảnh vườn làm lũ ve kêu râm ran trên ngọn cây nhãn, cây xoài. Mấy gốc xoan đào nở hoa trắng đục từng chùm đan vào nhau như khoác lên một tầng mây trên tán lá xanh mang mùi ngòn ngọt.

Bắt đầu mùa hè bằng mùa ổi chín. Nếu ổi chín mùa thu thơm nao nức khắp xóm, ổi chín xuân - hè lại có vị ngọt đượm. Rồi xoài, vải, nhãn, dưa,… dắt díu nhau đi dọc mùa hè. Nhưng trái ngọt mùa hè cũng không bằng những bát canh rau.

Hái năm rau muống xanh non mơn mởn sau cơn mưa rào đêm hôm trước. Ngay từ lúc đun nước luộc rau thả đôi ba quả sấu xanh vào nấu cùng, tới khi vớt rau ra thì dằm nát sấu. Hoặc không có sấu thì vắt nửa quả chanh. Không quên dằm chút sấu hoặc vắt chút chanh vào bát mắm chấm rau, thêm bát cà pháo muối sổi, cuối mùa thì xé nhỏ quả cà bát đã muối chua. Ta có thể túc tắc ăn canh rau muống với cà muối đến tận nửa năm nắng nóng.

Canh cua thì cầu kỳ hơn, không chỉ riêng chuyện sơ chế cua, mà thức canh ấy phải là rau thập cẩm. Quả mướp, nắm rau mồng tơi, rau đay, thêm rau dền cơm hay rau sam mọc dại, nếu nhà trồng ớt thì ngắt thêm nắm ngọn non, nấu chung cũng đều rất hợp. Cái kiểu nấu canh rau “tập tàng” phổ biến ấy cũng chẳng cần phải là canh cua, canh thịt. Cứ ra vườn hái lẫn lộn cả rau tự trồng cùng cả những loại rau dại tự mọc cũng ra một bát canh mùa hè ngọt mát.

Quy hoạch vườn để biết chỗ nào trồng rau nào là một nghệ thuật. Thức cây nào ưa nắng, thức rau nào ưa mát. Lũ rau ngót trồng dưới tán chuối hay dưới giàn mướp, giàn bầu vẫn xanh um. Luống mồng tơi phải vun luống đất cho cao kẻo mưa ngập cây chết úng. Những lối trũng thì không quên trồng thêm ít rau răm, bầu băm xào hay nấu canh ngao hến mà thiếu vài ngọn rau răm thì mất vị.

Nhắc đến mấy thứ rau thơm cũng vừa vặn là gia vị của mảnh vườn. Mảnh vườn nhà nào cũng không quên một góc cho những loài rau ấy: ngải cứu, tía tô, kinh giới, húng, hành,… Thêm một bụi rau diếp cá, thứ rau mà người không ăn được chỉ ngửi thôi đã thấy khiếp sợ, thế mà hái lẫn lộn mấy loại rau thơm ấy cho bữa rau sống giải nhiệt, chấm cùng nước sốt cà chua hay ăn kèm mấy món kho, là tuyệt đỉnh.

Mảnh vườn dạy cho tôi bài học về mùa màng, mùa nào thức nấy, mỗi tiết mỗi thì có gì để ăn, thức nào hợp với thức nào. Nhưng để có được những thức quà theo mùa ấy, tôi phải tự học được bài học về sự chuẩn bị. Hạt giống dành mùa sau. Thời gian hạt nảy mẩm. Những thứ âm thầm ấy không có ai nhắc nhở, không phải cảnh một ngày thức dậy ra vườn thấy lũ rau xanh mơn mởn, thấy trái chín thơm nồng thì thu hái và thưởng thức. Những thứ âm thầm ấy được đúc rút từ kinh nghiệm và mang những màu sắc trầm mặc của đất, nước, quả, hạt, của những công việc nặng nhọc mất sức.

“Đất dạy ta rõ về ta nhiều hơn mọi sách vở. Vì đất cưỡng lại ta. Khi đọ sức với chướng ngại, con người tự tìm thấy mình.” (Xứ con người - Antoine De Saint-Exupéry) Tác giả của Hoàng tử bé không chỉ nói về những mơ mộng mà còn đúc kết một bài học từ đất mẹ và tự nhiên. Mảnh vườn đã nuôi nấng tôi từ những hạt giống, cây mầm mẹ tôi vùi xuống đất. Mảnh vườn che chở và trao cho tôi những ngọn gió mát lành như ngôi nhà của mẹ tôi, như làn gió từ chiếc quạt giấy phe phẩy những ngày mất điện hồi nhỏ.

Tôi biết ơn những bài học từ mảnh vườn, càng biết ơn những bài học từ mẹ tôi – người gìn giữ mảnh vườn luôn xanh mát và dồi dào cây trái rau màu.

Mảnh vườn nuôi lũ chúng tôi lớn lên nhờ những sớm hôm mẹ tôi thức dậy từ tờ mờ sáng, ngọn đèn pin leo lét rọi lên những hàng rau, đánh thức lũ ếch nhái uôm ọp. Những bài học từ mảnh vườn đều là từ mẹ dạy tôi. Để có chúng tôi ngày hôm nay, mẹ tôi đã gieo hạt ươm mầm và chăm bẵm từ rất nhiều mùa trước…​
 
Bên trên