Chương 1. Tình cờ
Bà Phượng luôn chứng minh cho gia đình thấy bà là một người vợ hiền, một người mẹ đảm. Cơm nước mỗi ngày nấu ba bận, quần áo cách hai ngày giặt một lần, nhà cửa thì lúc nào cũng sạch bóng vì cứ khi nào rảnh rang bà lại cầm máy hút bụi lên. Đã có một khoảng thời gian, bà ưa chuộng kiểu trang phục mặc cùng tạp dề mặc dù trông cơ thể bà càng thêm gầy nhẳng sau khi buộc chặt dây tạp dề vào eo. Năm tháng thì cứ trôi qua còn nghĩa vụ nội trợ của bà thì chẳng hề lung lay.
Một người như bà Phượng làm sao lại có ngày tức giận vì việc bếp núc, đút quần áo vào máy giặt một cách mạnh bạo, to tiếng khi con mèo hoang đi lạc vào nhà và chẳng thèm lau sạch dấu chân bám bẩn của nó trên sàn. Ấy thế mà điều đó đã thực sự xảy ra.
Thời điểm này, gia đình của bà Phượng không hề có bất kỳ biến cố nào. Chồng bà là ông Trọng đã giao lại quán rượu ngoại cho đứa con trai quản lý. Việt thì chắc chắn không phải là nỗi thất vọng của bố mẹ. Anh có trong tay tấm bằng cử nhân kinh tế của Đại học Quốc gia lại nắm trong lòng bàn tay các mặt hàng rượu có lượng tiêu thụ khá trên thị trường. Cả Việt và ông Trọng đều không hiểu lý do bà Phượng thường xuyên cáu bẳn.
“Tránh xa tôi ra!” Tiếng chiếc bát rơi xuống đất vỡ tan vang lên đồng thời với tiếng hét của bà Phượng.
Ông Trọng thả tờ báo xuống mặt bàn, tháo luôn cặp kính lão. Mắt ông liếc vào phòng bếp rồi lại đảo về phía chân cầu thang:
“Việt, mẹ con lại làm sao kìa.”
Nói xong, ông Trọng thở dài, đầu ngả xuống chiếc ghế sô pha. Xem ra ông định nghỉ trưa tại phòng khách.
Việt chạy xuống các bậc cầu thang trong khi đang cố luồn nốt cánh tay còn lại vào chiếc áo nỉ. Anh tới chỗ bà Phượng đúng lúc bà đang thu dọn các mảnh vỡ văng dưới nền nhà.
“Để con giúp mẹ.” Việt nói bằng một chất giọng đầy sự lo âu.
“Mẹ vừa trông thấy…” Bà Phượng tháo chiếc găng tay cao su ra, đưa cho Việt.
Việt nhìn khắp gian bếp, lắc đầu:
“Trong này chỉ có bát đĩa thôi mẹ. Không phải mẹ tức giận vì một con muỗi bay qua chứ?”
Bà Phượng rót đầy một ly nước lọc, uống cạn:
“Chuẩn bị đi đâu thế?”
Khuôn mặt Việt trở nên đăm chiêu:
“Con thường đi làm vào giờ này mà.”
Bà Phượng tránh cái nhìn của con trai. Đó là cái nhìn được sao nguyên bản từ ông Trọng. Thực chất thì Việt trông giống y chồng bà thời trẻ chứ không riêng gì cái ánh nhìn chất chứa sự quan tâm.
“Mau đi đi kẻo nhân viên lại có cớ nghĩ xấu về mình.”
Ông Trọng nhổm dậy, hàm râu trên mép nhếch lên độ vài lần:
“Tìm giúp mẹ con một chuyên gia tâm lý để giải tỏa buồn bực, căng thẳng hay cái thứ gì khác bà ấy cố giấu nhẹm đi.”
“Tôi không bị tâm thần.” Bà Phượng gắt lên.
“Bố không có ý đó đâu mẹ. Gặp chuyên gia tâm lý cũng giống như đi gặp người bạn thân vậy. Họ sẵn sàng ngồi cả buổi để nghe ta tâm sự và giúp ta giấu kín những gì đã nói.” Việt giải thích.
Dù bà Phượng muốn hay không muốn chấp nhận giải pháp ông Trọng đưa ra thì bà vẫn gật đầu chấp nhận. Bà chưa bao giờ làm trái ý của chồng.
Việt ngồi trên một chiếc ghế sa lông đơn, đối diện với bố. Anh giở di động ra và nghiền ngẫm nó:
“Có rất nhiều địa chỉ… rất nhiều chuyện gia. Mẹ muốn một người như thế nào?”
“Nữ. Trẻ tuổi.” Bà Phượng bước từng bước chân nặng nề lên cầu thang.
Sau một hồi tra cứu, Việt giơ chiếc di động cho ông Trọng xem. Chiếm phân nửa màn hình là ảnh một cô gái tầm tuổi đôi mươi với nụ cười ấm áp để lộ chiếc răng khểnh duyên dáng, mái tóc đen xõa ngang vai khiến đôi mắt nâu thêm phần nổi bật. Cô ấy không cần đến bằng thạc sỹ tâm lý học của mình để thu hút sự lựa chọn của mọi người.
“Xinh không bố?” Việt hứng thú.
Ông Trọng trả di động cho Việt, mắt nhắm nghiền tiếp tục giấc ngủ dở dang:
“Tạm được.”
Việt một tay lưu lại số di động của cô gái vào danh bạ, tay kia nghoe nguẩy chiếc chìa khóa xe Chevrolet xám. Ông Trọng đã đi chiếc xe đó gần chục năm và giờ thì chiếc xe là của con trai. Màu xám không phải sở thích của Việt, anh sẽ phải chịu đựng nó cho tới khi kiếm được nhiều tiền hơn.
Chiếc Chevrolet băng băng trên mặt đường, dừng ở một ngã tư khi đèn tín hiệu chuyển đỏ. Đi thẳng ngã tư thêm một đoạn là tới quán rượu ngoại của gia đình. Mắt của Việt dán vào cái bảng chỉ đường gắn gần đèn tín hiệu rồi bất ngờ bẻ lái qua bên trái.
Công ty tư vấn tâm lý Việt đã tra cứu ban nãy dần hiện ra phía trước. Anh hạ kính xe xuống, mỉm cười thân thiện với bác bảo vệ trước khi lái tới bãi đỗ.
“Trần Khả Ngân… văn phòng tầng hai…” Việt tắt động cơ xe, miệng lẩm bẩm.
“Giờ con ra bến xe đây. Tầm chiều muộn con mới về đến nơi.” Một cô gái đang trả lời di động đi nhanh qua Việt đúng lúc anh xuống xe.
Giọng nói của Việt khiến sự vội vã của cô gái tiêu tan dần:
“Em là chuyên gia tâm lý của công ty này phải chứ?”
Cô gái quay đầu lại, chào hỏi Việt bằng một nụ cười xã giao. Đôi mắt nâu nhìn về phía anh đầy vẻ thắc mắc:
“Vâng, anh là khách hàng của công ty à?”
“Hôm nay anh mới tới để đặt lịch tư vấn.” Việt nói.
Cô gái giơ chiếc di động đang cầm trên tay mình lên:
“Anh có thể gọi điện tới công ty để làm điều đó mà”
“Ừm, anh tiện đường nên ghé qua. Vả lại anh cũng muốn tận mắt gặp chuyên gia mình đã chọn trước khi lên lịch hẹn với cô ấy.” Việt chỉ tay vào cô gái và cô cũng tự chỉ tay vào mình một cách hơi ngập ngừng.
Cô gái gật gù như đã hiểu ra lý do Việt tới bắt chuyện:
“Anh gặp vấn đề khó khăn gì trong cuộc sống? Gia đình, công việc hay tình yêu?”
“Hầu như mọi thứ đều ổn ngoại trừ việc anh mới chia tay bạn gái cách đây không lâu. Nhưng mà nói chuyện đó ở bãi đỗ xe có hơi…” Việt nén cười.
“Có hơi kỳ nhỉ. Vậy chúng ta sẽ tiếp tục câu chuyện khi anh và em có lịch hẹn nhé.” Cô gái vẫy tay tạm biệt, đôi chân lui dần về sau từng chút và tới khi nói hết câu cô vội bước rời khỏi công ty.
Cô ấy đúng là chuyên gia Việt đã tra cứu thấy cách đây không lâu. Trần Khả Ngân, thạc sỹ chuyên ngành tâm lý học, năm nay hai mươi bảy tuổi.
Dù có hơi muộn, Ngân vẫn lên kịp chiếc xe khách đi tới làng gốm cách Hà thành hơn ba tiếng ngồi xe. Đó là nơi cô sinh ra và lớn lên cùng gia đình có truyền thống làm gốm lâu đời. Ngân không có năng khiếu mà một nghệ nhân gốm cần nhưng may thay nhà đã có chị cả kế thừa tài năng của bố. Nhờ chị nên Ngân mới được học và làm công việc cô yêu thích.
Ngân ngồi ở hàng ghế cuối cùng, cô đang mường tưởng ra cái bàn gốm xoay liên tục và liên tục. Cách này giúp cô dễ đi vào giấc ngủ hơn là đếm cừu.
Trong khi Ngân đang lim dim ngủ thì có người ngồi phịch xuống ngay bên cạnh khiến chiếc bàn xoay gốm trong tâm trí cô vỡ tung. Bên cạnh Ngân là cô gái có mái tóc ngắn cũn nhuộm màu hồng khói, cô ta mặc quần bò rách trong thời đầu tháng mười hai, gương mặt lạnh băng chỉ có ở kiểu người khó gần gũi.
“Sinh năm bao nhiêu thế?” Cô ta bắt chuyện với Ngân.
Ngân thôi không chiêm ngưỡng mái tóc nổi bật của cô ta mà nhìn qua cửa sổ dãy ghế đối diện:
“Em sinh năm 88.”
“Vậy xưng cứ xưng em đi.” Cô ta lấy chiếc nón lưỡi trai từ trong ba lô ra, đội lên đầu.
“Tóc chị đẹp lắm.” Ngân giơ ngón tay cái lên.
Vuốt nhẹ mái tóc đen mượt của Ngân, cô ta nói:
“Bọn đàn ông chết mê kiểu tóc này của phụ nữ. Khi bọn chúng biến mất thì chỉ việc cắt phăng nó đi.”
“Chị gặp rắc rối với đàn ông à?” Ngân không kiềm nổi căn bệnh nghề nghiệp.
“Nhiều lắm. Không nhớ nữa.” Cô ta ngáp ngắn.
Ngân ngừng cuộc trò chuyện, cô mau chóng thiếp đi cho tới lúc xe khách dừng lại. Cái chị ngồi bên cạnh Ngân đã khoác ba lô đi ra tới cửa xe trong khi cô vừa mới tỉnh giấc.
Rời khỏi xe, hít hà cái mùi quê nhà mà trong lòng Ngân cứ rạo rực. Cô sống một thân một mình trong thành phố từ hồi mới lên đại học tới khi có công việc ổn định. Làm việc suốt ngày nên lâu lâu Ngân mới về quê ăn bữa cơm với gia đình chứ không về thường xuyên như thời sinh viên nữa.
Đường xá trong làng đã được tu sửa lại, đất đỏ biến thành xi măng. Tầm chiều thế này, đám trẻ con trong làng thường tụ tập chạy nhảy ngoài đường. Giờ thì đứa nào đứa nấy mắt dán vào di động của bố mẹ. Chỉ có gốm sứ của làng là vẫn vậy. Gốm có mặt ở khắp nơi, gốm vẫn thu hút bất kỳ con người nào dù là khách thăm quan hay những đứa con của làng như Ngân. Cô thích đồ gốm, chỉ không thích chế ra gốm mà thôi.
Ngân đụng mặt cô gái gặp trên xe khách lần nữa. Tay cô ta cầm bức ảnh, mắt hướng về căn nhà có cánh cổng màu đỏ nâu đang mở rộng.
“Khách thăm quan hả?” Người từ đằng sau cổng bước ra hỏi chuyện.
Ngân chạy tới chỗ cái cô vừa xuất hiện kia, cái cô lúc nào cũng búi tóc cao như bà mẹ một con:
“Chị Thùy!”
Thùy bỏ dở cuộc nói chuyện với cô gái tóc nhuộm hồng khói, dang tay đón nhận cái ôm của Ngân:
“Mày lại về một mình à? Lát nữa mẹ lại thúc giục chuyện hôn nhân cho xem.”
“Chị còn chưa lấy sao em dám lấy.” Ngân nháy mắt.
“Cấm mày đem chị ra làm bia đỡ đạn.” Thùy chống nạnh.
Bấy giờ cô gái tóc hồng khói mới lên tiếng:
“Cho hỏi người trong ảnh có phải học viên của nhà không?”
Thùy cầm bức ảnh chụp lại khoảnh khắc vui đùa trên bãi cát giữa bé gái đáng yêu và người đàn ông xăm trổ đầy mình:
“Chú Hưng mới xin làm học viên của bố tôi cách đây hơn tháng. Cô tìm chú có việc gì?”
“Tôi là Hân, con gái ông ấy.” Cô gái đáp.
“Ra là cô hả? Chú Hưng luôn nói mình rất nhớ cô.” Thùy trả lại bức ảnh cho Hân.
“Nhớ tới mức không nhận cuộc gọi từ tôi.” Hân cười khẩy.
Thùy cong môi lên:
“Người làm gốm như bọn tôi hiếm có thời gian rảnh lắm.”
Ngân nắm cổ tay Hân:
“Để em đưa chị tới nơi làm gốm.”
Hân hất tay của Ngân ra:
“Dẫn đường là được rồi.”
Ngân dẫn Hân vào trong nhà trước khi cô ta nghe thấu tiếng Thùy lẩm bẩm. Khắp sân nhà đều được trải gạch nung cùng màu với cái cổng. Chiếc bàn gỗ chiếm gần hết diện tích sân đựng đầy những bát đĩa, ấm chén và cả lọ hoa. Ngân băng ra sau khu nhà mái ngói hình chữ U để tới nơi làm gốm dành cho học viên hoặc khách du lịch. Khu đất đó trước kia là vườn tược trồng rau xanh.
Nơi làm gốm chính là căn nhà cấp bốn xây theo kiểu khối hộp chữ nhật nằm ngang. Trong nhà cũng trưng bày nhiều sản phẩm gốm sứ. Chỉ khác ngoài sân ở chỗ nơi này có thêm những chiếc bàn xoay.
“Chú Hưng có phải không ạ?” Ngân dễ dàng nhận ra người đàn ông với hai cổ tay xăm kín mít.
Nghe tiếng Ngân gọi, chú ấy ngừng việc lau chùi gốm sứ lại. Nhận ra đứa con gái đứng cạnh Ngân, chú bối rối tới mức làm đổ cả bình gốm xuống nền.
“Hân… Hỏng… hỏng rồi…” Chú đứng như trời trồng tại chỗ.
Tiếng rơi vỡ gây sự chú ý tới vài người đang thực hành bên bàn xoay gốm. Ngân nhanh tay thu gom các mảnh gốm vỡ vào trong túi xách của mình. Trong vòng chục giây, nền nhà đã sạch bóng.
“Cháu… cháu là ai thế…” Nét mặt chú Hưng vẫn căng thẳng sau khi Ngân kéo khóa chiếc túi xách lại.
“Cái bình gốm đó giá bao nhiêu. Coi như bố bán nó cho con rồi.” Hân nói.
Chú Hưng chưa kịp nói câu gì thì Hân tiếp tục:
“Nó trông xấu tệ. Hoa văn lồi lõm hệt cái mỏ quặng. Chắc giá như cho không thôi mà.”
Chú lấy tay xoa cái đầu trọc lốc:
“Vấn đề không phải là giá cả. Người làm gốm cần nhất là sự cẩn thận.”
“Vì chú quá xúc động nên mới vô tình làm vỡ bình gốm. ” Ngân an ủi chú Hưng.
“Dù thế nào đi chăng nữa hình ảnh về ông bố ngày trước vẫn không thể phai trong tâm trí con.” Hân đi khỏi nơi làm gốm.
Ngân đuổi theo Hân sát nút:
“Chị và bố đã lâu ngày không gặp đúng chứ? Chị định rời đi ngay sao?”
Hân ném cho Ngân cái nhìn đầy khó chịu:
“Đừng chĩa mũi vào chuyện của người khác.”
Giọng nói của Ngân vương chút buồn:
“Bức ảnh đó rất đẹp.”
Hân lặng thinh hồi lâu, đôi mắt cô đỏ hoe:
“Nó đã từng rất đẹp.”
Chú Hưng đứng lấp ló sau bức tường, gặp phải ánh mắt của Hân liền bước ra. Chú đưa cho Hân một ngôi nhà làm bằng sứ, giống như thứ đồ chơi có thể nắm trọn trong lòng bàn tay.
“Sắp tới giờ ăn cơm rồi. Ở lại với bố đi.”
Ngân nhường lại không gian cho bố con Hân một cách lịch sự. Cô rón rén đi vào trong bếp, mùi thức ăn chín thơm nức làm tay cô nổi hết da gà.
“Mẹ ơi, con về rồi đây.” Ngân cười bất an.
Bà Thu cởi tạp dề ra, ném về phía Ngân. Tay bà ngưng đảo qua đảo lại món xào khiến nó kêu xì xèo như biểu tình:
“Miệng thì bảo về sớm giúp mẹ nấu nướng. Chân thì bước đi đâu mắt tăm mất tích.”
Ngân ôm lấy thân hình mập mạp của bà Thu thì bà liền đẩy nhẹ cô ra:
“Cháy hết đồ ăn kia kìa. Cứ thế này bao giờ mới lấy được chồng đây.”
Ngân thay mẹ đứng bếp ngay tức khắc, mặt phụng phịu:
“Con hứa với mẹ khi nào ba mươi tuổi sẽ lập gia đình rồi mà. Khi nào con ba mốt tuổi mẹ nhắc cũng chưa muộn.”
Bà Thu tét vào mông con gái:
“Con Thùy nó suốt ngày vùi mặt vào gốm thì không nói làm gì. Mày ở trên thành phố suốt mà không quen được với thằng nào là làm sao?”
Ngân thanh minh:
“Con cũng muốn yêu lắm mà chẳng ai chịu đấy mẹ.”
Thùy từ đâu xuất hiện với quả quýt đang ăn dở trên tay:
“Mẹ đừng tin cái miệng nó. Mấy thằng bạn con thích nó lắm, còn xin con số di động của nó để nhắn tin làm quen. Cuối cùng nó có thèm hồi âm thằng nào đâu.”
“Mấy anh ấy chỉ trêu em thôi.” Ngân tiếp tục thanh minh.
“Làm sao mày biết chúng nó trêu hay thích thật.” Bà Thu lườm Ngân.
Bà Thu tét vào mông Thùy khi cô che miệng cười hả hê:
“Sắp ăn cơm tới nơi rồi mày còn nhai cái gì thế?”
“Mẹ không biết muốn giữ dáng thì nên ăn quýt trước bữa cơm à?”
Thùy nói xong cả cô và Ngân đều không nhịn được cười. Bà Thu chỉ nghĩ mấy đứa này bị dở hơi.
Cơm và thức ăn khi nấu xong được chia thành hai mâm. Ngân bê một mâm xuống nơi làm gốm mời các học viên. Mâm còn lại cô bê vào căn phòng chính giữa dãy nhà chữ U, đó là phòng khách của gia đình kiêm luôn chỗ để ăn uống. Và tại chốn này, chuyện lấy chồng của Ngân lại được khơi dậy. Có điều, không phải từ mẹ cô mà là từ bố cô.
“Bố mẹ đẻ ra mày đẹp đẽ như thế mà kết cục vẫn ế là sao?” Đôi mắt ti hí của ông Trung nhìn chằm chằm vào Ngân.
Ngân vẫn ăn uống ngon lành trong khi bố nói. Cô biết mình sẽ phải đối mặt với cơn bão
sao mày chưa có thằng nào theo khi đặt chân về tổ ấm nên đã chuẩn bị sẵn tâm lý rồi. Hơn nữa, hôm nay chỉ là ngồi ăn cơm với gia đình chứ không phải ăn cỗ cùng họ hàng.
Thùy ghé sát người vào bố:
“Bố xem cái danh bạ điện thoại của nó này. Toàn là khách hàng với đồng nghiệp. Nó không có ý muốn yêu đương thì đời nào mới lấy được chồng.”
“Ơ kìa, sao chị lại cầm di động của em.” Ngân nhăn mặt.
Thùy vẫn tiếp tục táy máy di động của Ngân:
“Chứ không phải mày bỏ quên trong phòng bếp à. Chị cầm hộ ra cho đấy.”
“Mà sao chị lại mở khóa được nhỉ?” Ngân hậm hực.
“Chị nhìn lén lúc mày nói chuyện điện thoại với ai đấy.” Thùy mỉm cười một cách vô cùng đáng nghi.
“Chị đang làm gì thế?” Bấy giờ Ngân mới nhận ra có điều không ổn.
Thùy trả di động cho Ngân:
“Mai mối cho mày chứ sao. Thằng bạn này của chị ổn từ gia thế đến ngoại hình luôn. Ngày trước nó có bạn gái nên không giới thiệu cho mày được. Nhân cơ hội nó đang thất tình mày tiến tới luôn đi em.”
Bà Thu ăn xong bát cơm mới nói chuyện:
“Thằng đấy thế nào?”
“Ôi mẹ ơi! Xem chị Thùy vừa làm gì kìa.” Ngân hét toáng lên.
“Con gửi tin nhắn làm quen thôi.” Thùy ngoắc tay với bố.
Ngân dụi đầu vào vai bà Thu:
“Sao bố không ngăn chị ấy lại. Bố trông thấy mà. Con và bạn của chị còn chẳng quen biết nhau. Con biết giải thích thế nào với anh ta đây.”
Thùy nói chắc như đinh đóng cột:
“Nó tên Việt, tốt tính lắm. Cứ thử trò chuyện xem có ưng không.”
Ngân định xóa bay cái tin nhắn đáng xấu hổ đó khỏi di động thì mặt cô tái mét:
“Chị gửi nhầm người rồi. Đây không phải số anh bạn của chị mà là số khách hàng của em.”
Thùy đích thân xem kỹ lại tin nhắn:
“Không nhầm đâu. Đúng số nó rồi. Hóa ra nó là khách hàng của mày à?”
Ngân hoang mang:
“Em mới nhận được lịch hẹn của người này. Có khi nào lại là cái người ở bãi đỗ xe không?”
“Chắc mày với nó có duyên rồi con ạ.” Bà Thu nói.
“Anh ấy đang gọi lại…” Sự hoang mang của Ngân tăng cao cùng với tiếng nhạc chuông di động.