CHƯƠNG 2 – BẠN BÈ
Phần 1
Mùa đông – 8h sáng – Bệnh viện
Khi bạn say ngủ, mọi chuyện đều có thể xảy ra.
Sáu tháng hôn mê, ba người tử vong, một gương mặt chảy xệ vì mỡ và tuổi tác đã thông báo cho Bảo Vi điều đó, đơn giản, ngắn gọn như thể một tin vắn người ta vẫn lướt qua mỗi sáng bên tách cà phê nóng hoặc dọc lề đường để thu lượm chủ đề bàn tán. Không một di chứng, kí ức nguyên vẹn như thể miếng thịt tươi ngon bà nội trợ đã cẩn thận để vào ngăn đá, không hề ôi thiu. Bảo Vi muốn đặt rất nhiều câu hỏi nhưng khi cô vừa cố cất giọng thì đã bị thứ gì đó trích vào da thịt. Cô yên lặng, tiếp tục chìm vào giấc ngủ.
Một tuần sau đó, cô hoàn toàn tỉnh táo. Cô ghét bệnh viện và vì thế, cô quyết định không nói một từ, chỉ chăm chăm nhìn vào khoảng tường trắng phía trước. Cô vốn nghĩ vẻ ngoài điềm tĩnh đó sẽ giúp cô thoát khỏi nơi tẻ ngắt này. Không ngờ, sau khi bác sĩ điều trị viết nguệch ngoạc vài dòng vào một tờ giấy gập đôi, cô liền bị chuyển tới khoa bệnh kế bên, nơi có khuôn viên rộng với những cây cao và hồ cá phủ kín rong rêu. Vị bác sĩ ở đây đã đứng tuổi. Khuôn miệng nhăn nheo của ông nói rất chậm rãi, như thể đều đặn nhả ra từng từ rồi uể oải ghép lại thành câu. Trong khi Bảo Vi bị phân tâm bởi tiếng tích tắc của đồng hồ thì ông ấy chẳng có dấu hiệu sẽ dừng lại. Bảo Vi thở dài, lặng lẽ đẩy qua bên vạt áo khoác ngoài, những viền ren đen bên trong lộ rõ. Ngay lập tức, cô được rời khỏi căn phòng đó, trở về nhà. Trái lại, mẹ cô, người đang ngồi đợi trên dãy ghế chờ được gọi vào và không thấy quay trở ra suốt một tiếng đồng hồ sau đó.
Có phải là mơ?
Đó là câu đầu tiên Bảo Vi tự hỏi mình.
Để trả lời, vừa về tới nhà bố mẹ nuôi, cô đã mở chiếc tủ gỗ trong phòng khách, lấy ra toàn bộ ly, tách và cả những chiếc đĩa đựng hoa quả được chạm khảm tỉ mỉ, lần lượt đập bể. Chỉ mẹ cô đứng đó, yên lặng nhìn cô, không la hét, không tức giận. Những mảnh vỡ cuối cùng rơi xuống, cô ngước mắt nhìn một lượt quanh căn phòng, không có tiếng bước chân, không một âm thanh đáp trả. Phụ nữ trong nhà cô, trừ cô, khi tức giận đều rất thích la hét. Bác cô, thậm chí còn đẩy âm vực lên thành tiếng rít. Nếu thực sự bà đang ở đây, bà đã lập tức chạy rầm rập xuống cầu thang và khiến cho tất cả hàng xóm đổ xô đến vì những âm thanh phẫn nộ của mình. Như đã tự mình xác minh, Bảo Vi bước qua những mảnh vỡ, bỏ đi. Máu dây thành những vệt dài trên sàn gỗ.
Tại sao lại là mình?
Đó là câu thứ hai Bảo Vi tự hỏi mình.
Gương, cô nhìn chằm chằm vào đó và tự hỏi tại sao trong tai nạn đó, chỉ mình cô sống sót. Câu trả lời luôn là, chẳng tại sao cả. Điều đó thậm chí làm cô tức giận hơn. Cô không biết trút cơn tức giận vào thứ gì hay vào ai nhưng cũng không thể không tức giận. Luẩn quẩn trong mê cung do mình tạo ra, hai tuần sau, khi mẹ cô đã mất dần kiên nhẫn bởi đáng lí một bà bầu cần sự chăm sóc nhiều hơn, thay vì một cô gái trẻ ngày ngày nằm dài trên giường làm bộ uể oải, bà kiên quyết tháo bỏ cánh cửa phòng cô và giật tung tấm vải mỏng đang che kín cửa sổ để dù không muốn, cô cũng phải nhìn xem, bên ngoài, mọi người vẫn phải sống và làm việc ra sao.
Bảo Vi không thể tranh cãi hay nổi giận với bà vì ngay sau đó, bà chuyển dạ và tiếp tục trải qua một ca sinh khó. Có lẽ, lần này vì bà đã lớn tuổi, đứa bé phải nằm trong lồng kính, còn bà không thể gượng dậy khỏi giường. Bận rộn chạy qua chạy lại giữa hai nơi, trong khi dượng cô vẫn không thể từ bỏ những chuyến công tác dài ngày, Bảo Vi nhờ thế mà trở lại với cuộc sống bình thường. Áp lực vì đó là những người thân ít ỏi còn sót lại của mình, cô thường xuyên hớt hải bật dậy trong đêm chỉ để chắc rằng mẹ cô còn thở và đứa bé vẫn ở đó, không có chuyện gì xảy ra. Khi mọi chuyện trôi qua, cô thường đùa rằng có lẽ cô nên đóng tiền thuê theo tháng ở bệnh viện, sao mối ác duyên giữa cô và nó chẳng bao giờ ngừng lại.
Năm đó, khi cô say ngủ, mái tóc tém đã dài tới ngang vai và những chậu cây bác cô trồng đã lần lượt héo úa. Giờ, khi cô say ngủ, sếp cô đang giận tới tím mặt, uống như tu thứ nước bóng rẫy, nhạt vị vừa được rót ra khỏi ấm.
Bảo Vi từ lâu đã tới trước cửa, cố thở sao cho gấp, rồi đẩy mạnh cửa, bước vào. Bờ môi khô khốc, nổi bật trên gương mặt đỏ gay chắc hẳn đã bén qua hơi men từ lúc tờ mờ sáng mở ra, hỏi, giọng khàn đặc: «Là cô hả?». Sau đó, ông ta không nói không rằng ném chiếc tách trên tay về phía Bảo Vi. Cô không tránh bởi đơn giản, tránh cũng không kịp. Hiện giờ, đầu óc cô vẫn còn chút mụ mị do giấc ngủ sâu. May mắn, nước trong tách đã uống cạn, một vết thâm cũng không xuất hiện. Tách trà chỉ là khúc dạo đầu, tiếp theo giấy tờ, hồ sơ ông ta đều lăng cả xuống đất. Bảo Vi cuối cùng cũng có thể dùng cơn thịnh nộ này của ông ta để đo ra số phần trăm được chiết khấu từ cà phê mà các nhân viên uống mỗi ngày. Nhưng cà phê vốn chỉ là một trong dãy dài những thứ ông ta có quyền quyết định nguồn hàng. Giờ cô hiểu tại sao trong khi việc làm ăn của nhà hàng đang đi xuống thì ông ta vẫn thảnh thơi ngày ngày nhậu xỉn. Bảo Vi liếc nhìn tờ giấy nhầu nhĩ ở dưới chân, trong lòng cười nhẹ. Vốn dĩ cô viết nó là để ông ta xem, chứ đâu mong đợi nó tới được tay người thực sự lưu tâm tới nội dung trong đó. Tố cáo nội bộ, chuyện này đâu cần phiền tới một nhân viên nhỏ bé như cô.
Tất cả kết thúc khi chiếc điện thoại trên bàn đột ngột đổ chuông. Bảo Vi rời khỏi căn phòng chật hẹp sặc mùi khói thuốc, vòng qua vườn sau và lên tới tầng thượng của nhà hàng.
Thật khó để Bảo Vi ưa thích thứ gì đó, vì thế những điều cô ghét hợp thành một danh sách dài dằng dặc, trong đó có độ cao. Nó thường khiến cô nghĩ tới việc rơi xuống và những điều kì quặc tiếp liền sau đó. Nó làm bất kì thức uống thơm ngon nào trên tay cô nguội ngắt. Và hơn cả, nó nhân đôi đoạn đường cô phải lênh khênh trên đôi giầy cao gót còn mới. Miếng băng dán bong ra, phần da lúc trước sắp lành lập tức bật máu. Giờ, cô ở đây và chịu đựng tất cả sự khó chịu này chỉ để yên lặng, đứng sau lưng một người đàn ông trung niên. Trải nghiệm đánh đổi bằng thời gian, mái tóc đã bạc hơn phân nửa, dáng vẻ đĩnh đạc nay dựa vào một cây gậy gỗ để chống đỡ. Ông ấy lúc nào cũng như đang chờ đợi điều gì đó nhưng là gì, Bảo Vi không thể khẳng định.
Cốc cà phê ông ấy đưa cho, Bảo Vi khẽ nhấp môi rồi nhanh chóng nuốt xuống ngay khi vị đắng vừa chạm tới đầu lưỡi. Gương mặt lộ rõ vẻ sửng sốt. Một nhóm người đang vội vã từ cổng bước vào. Cô liếc nhìn bọn họ, ánh nhìn trùng xuống.
Hoa, sau vài ngày đã rụng hết. Vẻ trang nhã thay bằng sự khô cằn. Từng cành trầm ngâm trong gió lạnh.
Phần 2
Mùa đông – 9h30’ sáng – Bệnh viện
Ngày nắng ấm, liệu có thể trở lại?
Khi Bảo Vi bắt đầu khởi hành, trời có gió nhẹ. Lúc cô sắp tới nơi thì trời âm u. Cô vừa đặt chân xuống khỏi taxi thì trời mưa như trút nước. Đôi giày cao gót chỉ mới đi được vài ngày, cô điềm nhiên giẫm qua vũng nước lớn. Một phụ nữ gần đó, sáng suốt hơn, chân trần lội qua, sau đó, cẩn thận dùng giấy ăn lâu khô chân, xỏ lại vào giầy. Bảo Vi liếc nhìn, chậm rãi giậm chân lên tấm thảm mềm đặt ngay ngưỡng cửa để nước ở phần đế được thấm hết. Nói thế nào, với cô, mọi thứ luôn phải làm đúng nghĩa vụ của mình, dù bản thân chúng có quý giá tới chừng nào.
Mái tóc dính nước, từng lọn xoăn rủ xuống, Bảo Vi thích thú trước dáng vẻ mà bản thân cho là gợi cảm, nhất thời quên mất đang chăm chú soi hình mình trên nền kim loại bóng loáng của một khay đựng các dụng cụ y tế. Cô hộ lí đột nhiên xuất hiện từ một góc hẹp gần đó, ném về phía Bảo Vi ánh nhìn kì lạ rồi nhanh nhẹn đẩy chiếc xe chất đầy những thứ đồ lỉnh kỉnh, khuất dạng sau khúc ngoặt đầu tiên. Bảo Vi chậm rãi ngồi xuống bên cạnh một người đàn ông với gương mặt chỉ ngoài 30 tuổi nhưng mái đầu đã điểm bạc. Anh ta cặm cụi gặm móng tay, thậm chí sau đó còn có ý định chuyển qua phần thịt xung quanh, nếu bác sĩ không tới và thông báo cho anh ta rằng cuối cùng, cả vợ và con trai anh ta đều bình yên.
Sau khi anh ta bước vào gian phòng sơn trắng gần đó, một người đàn ông khác bước ra, bộ dạng phờ phạc, tóc tai bù xù, bàn tay to bản níu vào thành vịn được lắp dọc hành lang bệnh viện. Khóe miệng khẽ nhếch lên, Bảo Vi bật dậy khỏi dãy ghế chờ, vỗ mạnh vào vai anh ta. Kinh hãi, đó là tất cả những gì Bảo Vi có thể miêu tả về anh ta lúc này. Ngay khi anh ta kịp định thần, cô đã nhanh chóng giữ lại những ngón tay đang sẵn sàng vung vẩy, thảng thốt kể cho cô nghe về những gì đã xảy ra, nhanh nhẹn đẩy anh ta ra khỏi cánh cửa bệnh viện, băng qua đường.
Một quán cà phê nổi ven hồ, Bảo Vi đưa mắt rời khỏi tách trà nóng vừa bưng ra, dừng lại trên cánh tay đen nhẻm đã thôi gồng cứng. Có vẻ như sự lựa chọn của cô không làm phiền lòng người từng hai lần suýt chết đuối ở chính chỗ này hoặc giờ tâm trí anh ta đang chật cứng bởi những mối bận tâm khác.
Cười nhẹ, Bảo Vi mở đầu câu chuyện bằng giọng điệu châm chọc:
- Lâu rồi không gặp, trông cậu tuyệt đấy!
Vẻ bề ngoài như thể một sản phụ vừa trải qua một ca sinh khó, anh ta uể oải đưa tay cố ấn những sợi tóc cứng đờ ép sát da đầu, chẳng ngờ chúng càng dựng thẳng hơn khiến da mặt anh ta đỏ lựng.
- Máu. Dao. Kéo. La hét. Gào thét. Như chiến trường vậy. Cậu không tưởng tượng được đâu.
Bảo Vi nhún vai, ánh mắt lơ đãng nhìn theo bước chân của một người phục vụ gần đó.
- Không phải từ trước mình đã tưởng tượng ra nên mới khuyên cậu đừng đăng kí vào trường y sao?
Có ba điều Bảo Vi từng khuyên cậu bạn cô kết thân từ hồi nhỏ, đó là đừng làm bạn với cô, đừng trở thành học trò của bố cô và đừng kết hôn với em gái cô. Nhưng giờ, cậu ta ngồi đây với bộ dạng khốn khổ vì đã hoàn thành cả ba điều đó.
Bảo Vi lần ngón tay trên những hình vẽ in chìm rồi nhanh nhẹn cất tấm thiệp cưới vào túi xách, nhã nhặn quay lại bên tách trà nóng. Người đàn ông đó cau mày nhìn cô như thể đang chờ đợi từ cô một phản ứng nào đó, mạnh mẽ hơn.
- Đơn giản thế thôi sao?, anh ta hỏi
- Vậy cậu muốn mình thế nào? Đánh cậu? Không cần, mình đoán sau 3 tháng, cậu sẽ tự đánh mình thôi. Hai người phụ nữ đó, không dễ đối phó đâu.
- Không phải bố cậu vẫn sống yên bình đấy thôi.
- Cậu lấy gì để so với bố mình. Học thức? Bề ngoài? Mưu mẹo?
Người đàn ông đó tu một hơi cạn cốc bia lạnh trong ngày đông giá rét, như thể muốn hạ bớt thân nhiệt đang tăng cao của mình. Anh ta thở dài, uể oải nói:
- Gặp cậu, mình chẳng vui chút nào.
Bảo Vi nhún vai, cười rạng rỡ.
- Còn mình lại rất vui. Chuyển lời cho hai mẹ con họ, đám cười này, mình nhất định đến góp vui.
- Cậu đừng về. Dạo này bố cậu vì chuyện này rất nóng tính.
- Vậy nên mới càng phải về. Nhân dịp này làm mọi thứ xào xáo thêm.
Người đàn ông đó sau một cuộc điện thoại thì gấp gáp rời đi. Bảo Vi còn ngồi lại, yên lặng nhớ lại nhiều chuyện trước đây.
Năm lớp 8, chuyển nhà, chuyển trường, Bảo Vi nhất thời rơi vào im lặng. Mọi người nói là vì những thay đổi bất ngờ khiến đầu óc cô trở nên trống rỗng, nhưng bản thân cô lại nghĩ rằng vì cô đột nhiên có quá nhiều điều muốn nói, nhưng lại chẳng biết bắt đầu từ đâu. Tường An, người mà bác gái cô tin tưởng gửi gắm cháu gái mình, đã nhanh chóng tiếp cận cô và kéo cô khỏi sự yên tĩnh mà cô cho là thư thái. Câu chuyện đầu tiên Tường An kể cho cô nghe là về mẹ mình, người bị một phụ nữ khác đánh vì ngoại tình với chồng bà ta. Bảo Vi nhìn Tường An, thở dài và bắt đầu câu chuyện về mẹ mình, người mỗi đêm vẫn tìm tới bệnh viện để đánh người phụ nữ đã ngoại tình với bố cô. Cuối cùng, họ càng nói càng thêm thân. Tình thân kéo dài tới tận sau này. Có lẽ, khi họ nghe câu chuyện của nhau, họ nhận ra bản thân mình không bất hạnh như mình từng nghĩ.
Năm lớp 9, Tường An lần đầu đi xe đạp tới trường, bị một chiếc xe khác tông phải từ đằng sau, ngã tới độ mẻ một chiếc răng cửa. Trong lúc Bảo Vi còn bàng hoàng, Tường An liếc nhìn phần răng bị mẻ, lập tức lao đến, dùng cặp đập túi bụi vào thân hình béo mập đang lê lết trên nền đất vì chưa thể gượng dậy. Bảo Vi vừa giằng tay cô bạn thân kích động khỏi chiếc cặp, vừa giải thích cho cô về quy trình làm răng giả và khẳng định sẽ chẳng có gì thay đổi trên gương mặt mà cô luôn quý trọng.
Ngày hôm đó, ba người họ gặp lại nhau khi cậu ta được giới thiệu là học sinh mới chuyển đến và thậm chí, gặp lại nhau nhiều lần sau đó, khi họ phải làm nhóm trong giờ học tiếng Anh. Tường An đuổi theo anh ta để bắt anh ta làm hết bài thuyết trình cho cả ba người. Anh ta đuổi theo Bảo Vi để xin cô giúp đỡ. Ba người cứ như vậy, đuổi theo nhau. Cuối cùng, khi Tường An và anh ta còn mải tranh cãi, Bảo Vi đã lặng lẽ về nhà, tự mình làm hết. Vì bác cô nói nếu cô có thể giành được thứ hạng cao trong lớp, bà sẽ dẫn cô tới chỗ bố cô, bất cứ lúc nào cô muốn.
Năm đó, cô đứng thứ 5. Và đúng như cô muốn, chiếc xe của bác cô đã đỗ lại ngay trước căn nhà lạ lẫm mà bà khẳng định, bố cô ở ngay trong đó. Từ những bậc thang đầu tiên, cô bắt đầu nhẩm lại vô số câu chuyện mà cô muốn kể đang đột nhiên trở nên rối rắm. Bậc cuối cùng, cô nhận thấy ngay ngưỡng cửa, bố cô ở đó, đúng như bác cô nói nhưng không phải một mình, bên cạnh, hai bóng người đang ngồi quay lưng lại phía cô. Bảo Vi nheo mắt nhìn, bố cô đang cười lớn, gương mặt ông nhăn nhúm lại như thể trái táo bị hút kiệt nước, biểu hiện này cô thỉnh thoảng nhìn thấy khi có điều gì đó làm ông hài lòng tới cực độ. Bảo Vi chậm rãi bước lùi, quay trở xuống. Sau này, giao kèo giữa cô và bác gái trở thành mỗi khi thứ hạng trong lớp của cô bị tụt, cô sẽ phải tới ở với bố cô suốt ba tháng hè.
Một tuần sau đó, Bảo Vi lại không nói một lời, một mình ngồi trên nền đất, chăm chú ghép những mảnh xếp hình bày la liệt khắp phòng. Tường An không biết có phải vì dậy thì sớm nên giác quan thứ 6 cũng phát triển hơn. Ngày cuối tuần, cô xồng xộc chạy vào phòng Bảo Vi, bám riết và bắt cô mặc một chiếc váy đen rộng thùng thình, giả làm một bà mẹ kế độc ác. Còn bản thân, thích thú trong vai cô con gái xấu tính và chỉ định cậu bạn mới quen làm đứa con riêng khốn khổ. Lần này, tới lượt Tường An bàng hoàng về khả năng nhập tâm của Bảo Vi. Cô vừa ôm chầm lấy Bảo Vi để ngăn cô không cắn cô con riêng bất hạnh, vừa giải thích cho cô tất cả chỉ là diễn và mọi thứ sẽ dừng lại, ngay lập tức, nếu cô muốn. Chỉ nửa tiếng sau, Bảo Vi dường như đã bình tĩnh lại, vui vẻ bên tô cơm rang trứng mà cậu bạn mới quen trong thoáng chốc đã chuẩn bị xong. Cô bước qua tuổi thơ như vậy, bên cạnh hai người bạn vốn dĩ không biết sự xuất hiện của họ với cô, quan trọng đến thế nào.
Kí ức cuối cùng cũng dừng lại khi những giọt trà cuối cùng trôi tuột khỏi đầu lưỡi. Tách trà dâu thêm ba thìa đường, vị ngọt át vị đắng và thơm của trà, khiến Bảo Vi trong thoáng chốc nhớ đến những buổi trà chiều mẹ cô vẫn thường dẫn cô theo.
Căn phòng đón nắng bao quanh bởi những cửa sổ lớn, thưa thớt những dây leo vặn thừng sít chặt lấy nhau. Bên trên, lủng lẳng những chậu cây nhỏ nở hoa màu vàng nhạt. Bộ ghế sofa êm ái màu kem, ken giữa vài chiếc ghế nhỏ màu đỏ nhạt là tất cả những gì phụ nữ cần cho một buổi chiều yên tĩnh để giãi bày tâm sự. Sau này, khi lớn lên, Bảo Vi mới biết rằng có những buổi trà chiều thư thái như vậy. Khi còn nhỏ, trà chiều với cô là những ngày ảm đạm. Cô một mình ngồi trên chiếc ghế cao, nhâm nhi tách trà dâu, rồi vặn xoắn chiếc ống hút dài trước mặt để giết thời gian. Trong khi mẹ cô, ở bàn bên cạnh, hồ hởi thêm vào câu chuyện của những phụ nữ khác hình ảnh của bố cô. Nó méo mó và xù xì tới độ Bảo Vi không chắc có phải do mẹ cô đã tưởng tượng ra. Họ vừa nói vừa cười như thể vừa trút ra ngoài mọi bực tức, cáu giận. Trái lại, Bảo Vi đột nhiên cảm thấy tâm trạng nặng nề.
Chiều đến. Nắng theo gió rơi trên mặt hồ, chìm dưới lớp nước sâu. Kí ức mà ta có thể nhớ được, có lẽ phần nhiều đã bị chính bản thân ta dìm xuống. Thời gian vốn dĩ không làm bất cứ điều gì biến mất, nó chỉ giúp lưu giữ mọi thứ trong không gian, đâu đó, quanh đây.
Phần 3
Mùa đông – 10h sáng – Lớp học yoga
Tôi rất muốn mơ lại giấc mơ đó, có nắng ấm và có ghế mềm.
Chiếc ghế gỗ quay ngược đầu, Bảo Vi thích thú ngồi lên. Góc đối diện, một con mèo đen đang giương to hai mắt, rên lên những tiếng hằn học như thể đáp trả thái độ châm chọc của cô. Một phụ nữ trong bộ quần áo ngủ màu đỏ hun chậm rãi tiến lại gần, lấy từ tay cô bát cơm đã sạch nhẵn và thay vào đó là một tách trà nóng. Hương dâu nhẹ, ngọt lịm thấm đẫm chiếc lưỡi khoan khoái. Cô đưa tay quệt qua khuôn miệng bóng nhẫy, cảm nhận sự bỏng rát của đôi môi vì món cá sốt cay và âm thanh cáu giận của Đậu đen, sinh vật chỉ mới lót dạ bằng khẩu phần kiêng khem khắt khe, khi cô phả vào khứu giác của nó vị cá tươi ngon.
Dì Dung, mẹ của Tường An, thường ngăn cô trêu chọc con vật tội nghiệp đó bằng cách kể cho cô nghe về cuộc đời của nó trước kia. Dì nhớ rõ, nó bị bỏ lại trong một chiếc hộp gỗ, bên cạnh những túi rác lớn, phía dưới tấm biển sơn đỏ ghi: « Cấm đổ rác ở đây! », gắn trên bức tường quét vôi màu vàng chanh, cách nhà Tường An hơn chục bước chân. Dù biết đó có thể là điềm xấu, nhưng dì vẫn mang nó về nuôi, vì dì nói cuộc đời dì chẳng thể xấu hơn. Bù đắp, theo cách của dì, là vuốt ve và tận tình phục vụ những bữa ăn đầy ắp thịt cá. Vài tháng sau, bác sĩ nói dì hãy thôi làm thế. Vậy là nó phải ăn kiêng, bị buộc vào góc nhà và bị lờ đi mỗi lần rên la vì đói. Bảo Vi nhún vai, nghĩ thầm nếu nó biết từ chối sự quan tâm thái quá từ người khác, có lẽ đã chẳng đến nông nỗi này.
Để dì Dung có thể thảnh thơi sau khi đã chuẩn bị cơm tối cho mình, Bảo Vi quyết định chấm dứt những âm thanh khó chịu của Đậu đen bằng cách rời khỏi chiếc ghế gỗ, tiến vào bếp, nhảy lên chiếc bệ cao, ngay cạnh bồn rửa. Lần đầu gặp, dì Dung đã hỏi cô: « Con có đói không? ». Cho tới tận bây giờ, bà vẫn hỏi cô câu hỏi đó. Bà nói khi còn nhỏ, gia đình bà nghèo tới độ chẳng ngày nào được ăn no. Lớn lên, bà muốn trở thành người mẹ không bao giờ để con mình phải đói, nhưng không may con gái bà chẳng coi việc được ăn no là điều quan trọng.
Bảo Vi cũng đã từng như vậy, cho tới khi cô bị đói. Một lần khi còn nhỏ, cô bị lạc. Không thể tìm thấy đường về nhà, cô lẽo đẽo theo sau một phụ nữ lạ mặt, chỉ vì trên tay bà ta cầm theo một túi bánh lớn, lè nhè khóc. Thấy vậy, bà ta quay lại, dúi vào tay Bảo Vi một chiếc bánh và nói rằng nếu cô không yên lặng, bà ta sẽ kéo cô tới nơi mà cô không bao giờ có thể tìm thấy nổi một cái bánh để ăn. Có lẽ vì cô từng bị đói, nên cô hiểu « được ăn » quý giá tới chừng nào.
Cô đưa tay úp những chiếc bát đã rửa sạch lên chiếc chạn kế bên mình rồi nhìn dì Dung, ôn tồn:
- Dì là nhất.
Bảo Vi bật cười. Đôi mắt một mí nhắm tịt. Chiếc mũi tẹt khẽ chun lại.
- Con mới là nhất.
- Dì là người duy nhất muốn nấu cho con ăn.
- Còn con là người duy nhất thích ăn cơm dì nấu.
- Thế còn chồng và con gái của dì?
- Dì không thích họ.
Bảo Vi gật gù ra điều đồng ý.
- Con cũng vậy.
Họ cười phá lên. Âm thanh này còn tiếp diễn sau khi họ dọn dẹp căn bếp và bắt đầu lật tung phòng khách để tìm chìa khóa tủ rượu.
Chuông báo thức đổ liên hồi, Bảo Vi thở rít qua kẽ răng, chắc rằng bản thân đã thức dậy nhưng đó thực chất chỉ là một phần của giấc mơ dài còn tiếp diễn từ đêm qua. Những tiếng reo hò đếm ngược, Bảo Vi sau khi tu cạn phần còn lại của chai rượu, nằm rạp xuống nền đất, bên cạnh dì Dung.
Giờ, cô ở đây trên chiếc ghế bành êm ái của một quán cà phê. Đôi môi nứt nẻ vì hanh khô ngập trong bọt kem và thứ nước nóng hổi đậm vị caramel. Trời như thể tích trữ nắng qua bốn mùa, để rồi ngày đầu năm mới, thỏa thuể trút xuống, nhả vào đó chút gió, chút dư vị phấn chấn của những lời chúc tụng đầy phần khích đêm qua. Khi ta hạnh phúc, trái tim ta dường như bao dung và rộng lớn hơn. Nó đón nhận cả những vết bẩn lốm đốm ở mép bàn và thân hình mỡ màng của một đàn ông trung niên đang cố khỏa thân phía trước vòi nước công cộng. Ảo ánh đó bị quấy loãng bởi một thứ mùi đậm đặc, phảng phất đâu đó.
Bảo Vi choàng tỉnh dậy bởi những ngón tay thô kệch đậm mùi hành tây đang kẹp sát cánh mũi cô. Một gương mặt hằn học tiến lại gần, ném vào cô ánh nhìn hăm dọa.
Lúc này, cô mới hiểu ra, sau khi kết thúc giấc mơ trên nền đất lạnh cùng dì Dung, cô đã tiếp tục một giấc mơ khác khi ngồi thiền ở lớp học yoga. Tiếng ngáy của cô đang khiến tâm sức của những người khác tiêu tan.
Để trở nên khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần, Bảo Vi chọn yoga. Sau một tháng, cô bắt đầu nghi ngờ về lời quảng cáo ban đầu của người bạn, đồng thời cũng là người đầu tiên nhận được phiếu giảm giá vì giới thiệu thêm cho trung tâm thể dục thẩm mỹ một khách hàng tiềm năng.
Kết thúc giờ học, Bảo Vi nhoài người trên chiếc bàn tròn trong phòng nghỉ, ngước mắt nhìn người đàn ông vừa ngồi xuống kế bên mình. Chiếc áo họa tiết da báo bó sát. Chiếc quần bò mài, trái lại, rộng thùng thình. Mái đầu hớt khá công phu, tạo thành chỏm lớn giữa một vùng không tóc. Anh ta nói thứ giọng lơ lớ, pha trộn giữa giọng nói của một cô gái mới lớn với giọng nói của một ông lão đã rụng gần hết răng. Dáng đi của anh ta khiến bất cứ phụ nữ nào cũng phải e dè về sự nữ tính của bản thân.
Bảo Vi hút một hơi dài thứ nước mà nhà sản xuất cam kết sẽ giúp bất cứ ai lấy lại năng lượng tức thì, rồi quay sang người đàn ông đó, lớn giọng hỏi:
- Sao cậu lại đối xử với mình như thế?
Anh ta hờ hững nhón một lát hành tây đã nhúng đẫm sốt mayonnaise, bỏ vào miệng, hỏi:
- Như thế nào?
- Cậu nói ở đây có một giáo viên rất hấp dẫn. Thế cả tháng vừa rồi, gã đó đã trốn đi đâu?
- Vẫn ở đây, ngay cạnh cậu.
Theo ngón tay anh ta chỉ, ánh mắt Bảo Vi dừng lại trên một bộ quần áo thể thao màu cam nhạt và nụ cười bẽn lẽn mà cô biết chắc, chẳng dành cho mình. Giờ cô hiểu ra, tiêu chuẩn hấp dẫn của hai người vốn dĩ không thể đánh đồng.
Người đàn ông kia rút ra từ trong túi một chiếc khăn mùi xoa kẻ sọc, nhẹ nhàng chùi quanh miệng rồi hỏi:
- Thế còn cậu?
- Mình thế nào?
- Người ở cùng hấp dẫn mà cậu nói chắc cũng đang đi trốn suốt một tháng vừa rồi phải không?
Bảo Vi chỉ vào bản thân mình, khẽ nhún vai.
- Vẫn ở đây, ngay cạnh cậu.
Khóe miệng khẽ rung lên như đang nén cơn tức giận, người đàn ông đó điềm tĩnh hỏi:
- Số tiền lấy được của mình, cậu định làm gì?
- Kiếm việc cho cậu.
- Sao?
- Mình muốn cậu thuê nhà mình lâu dài nên sẽ kiếm việc cho cậu. Nếu không, nửa năm sau, cậu lấy gì trả cho mình.
- Cậu khiến mình bỏ ra một khoản lớn để thuê một căn hộ chẳng đáng 1/3 số đó, rồi lấy tiền đi kiếm việc cho mình để mình tiếp tục thuê căn hộ đó.
- Bingo!
- Mình rất hối hận.
- Vì đã làm bạn với mình?
- Vì đã thả tay ra khỏi mũi cậu khi nãy.
Người đàn ông đó đứng dậy khỏi ghế, trước khi quay lưng bỏ đi còn vỗ mạnh vào vai Bảo Vi, chỉ vào cuốn sách dày trên bàn, thì thầm:
- Đọc cho kĩ. Chắc sẽ tìm được triệu chứng giống cậu thôi!
Bệnh lí thần kinh, có thể tóm tắt nội dung cuốn sách mà Bảo Vi vừa chọn được từ hiệu sách gần nhà như vậy. Cô mua nó không phải để phòng bệnh mà bởi tò mò vì sao cô không mắc bệnh. Nhưng cuối cùng, cô phát hiện giống như việc có thể sống sót sau tai nạn đó, việc cô tỉnh dậy và khỏe mạnh xảy ra chẳng vì lí do nào đặc biệt.
Phạm Nguyên, người bạn kì lạ của cô, đã rời đi. Bỏ cuốn sách vào chiếc túi lớn mang theo, Bảo Vi cà nhắc bước xuống cầu thang. Thân thể cô như thể đang rời ra thành từng phần riêng rẽ. Bên ngoài, nắng chói chang. Cô rất muốn mơ lại giấc mơ đó, có nắng ấm và có ghế mềm.
Chương 1 << >>
Chương 3