CHƯƠNG IV – ĐỔI VAI
Phần 1
Mùa đông – 6h tối – Nhà hàng Valse
Lẫn trong đám đông, đó là lúc ta cảm thấy cô đơn nhất.
Mẹ nuôi từng hỏi Bảo Vi cô có biết khi nào con người ta không sợ chết. Chẳng suy ngẫm nhiều, cô gần như lập tức trả lời, đó là khi họ cũng đang muốn chết. Mẹ nuôi vỗ nhẹ vào trán cô, nói đó là khi họ đã sẵn sàng đón nhận cái chết với tâm thái bình thản nhất. Nhẹ nhàng như một buổi sáng mở cửa thức dậy, thần chết, gã môi giới nhà đất với khuôn mặt nhăn nhúm và bộ quần áo đen là lượt cáu kỉnh bước vào, nhận lấy từ tay họ chùm chìa khóa nhà rồi giao nó cho một sinh linh khác.
Khi bà ngoại của Bảo Vi qua đời, cô là đứa cháu duy nhất bà có được. Bà đặt bàn tay run rẩy của mình lên mui bàn tay cô, như thể đang dùng chút hơi ấm cuối cùng nối liền những kí ức rời rạc. Cô là đứa trẻ hạnh phúc, cô tin vậy, khi phía sau cô luôn có những bàn tay sẵn sàng cho cô nắm lấy khi quay đầu. Bà nói cô không phải buồn, phải khóc, bà thanh thản vì giờ cô đã trưởng thành, hiểu biết và khỏe mạnh, đó là tất cả những gì bà mong đợi ở cô.
Năm cô nhận được giấy báo đỗ đại học, cô lập tức giục bố mẹ nuôi cùng về quê. Cô muốn chỉ cho bà ngoại cô thấy đáng lẽ bà nên kiên nhẫn thêm chút nữa, vì những gì bà có thể trông đợi ở cô không chỉ có chừng ấy. 7 tiếng đồng hồ ngồi xe, cả thân thể cô đau ê ẩm. Nhưng quãng đường trở về, bố mẹ nuôi vẫn nhất định kéo cô xuống một khoảng đất trống gần đó và chỉ cho cô thấy nơi họ sẽ được chôn cất sau này. Họ xoa đầu cô, ôn tồn nói cô đã làm được điều mà không ai trong số họ làm được, rồi thích thú miêu tả tỉ mỉ cho cô ngôi mộ chung của họ với nền đất cao, lát gạch và những chậu hoa màu trắng sữa bao quanh. Bảo Vi nhíu mày, nhìn về phía xa, nơi họ quả quyết rằng rồi đây một con đường thông ra bờ biển sẽ được xây dựng, cô sẽ có thể đi xe hoặc đi bộ mà chẳng gặp bất cứ trở ngại nào khi tới thăm họ. Cô tự hỏi liệu có lúc nào họ tưởng tượng ra bóng dáng cô, một mình lầm lũi trên con đường đó. Cô nói với họ nếu họ ra đi trước khi cô sẵn sàng đối mặt với điều đó, cô sẽ dời mộ họ lên núi, nơi cao nhất, để họ thậm chí dần quên mất biển là gì. Nhưng cô đã không thể làm được điều đó, bởi khi họ qua đời, cô một ngón tay cũng không thể cử động được.
Giờ cô ở đây, tới thăm họ trong một ngày nắng ấm. Chỉ có điều, thay vì nhàn tản đi trên con đường thông ra biển sau chừng ấy thời gian vẫn chưa được khởi công, cô phải bám tay vào những bụi cỏ gai, trượt xuống theo những đụn đất nhỏ phủ đầy cát và sỏi. Lần nào cũng vậy, cô chia nhang cho những ngôi mộ kế bên, như thay lời xin lỗi về sự ồn ào mà cô dám chắc bố mẹ cô dù chuyển tới nơi nào cũng sẽ gây ra.
Bố mẹ nuôi của Bảo Vi là giáo viên dạy nhảy. Họ trưng dụng tầng thượng làm phòng học. Họ phóng khoáng, vui nhộn và ưa thích những buổi tụ tập cuối tuần để ca hát, nhảy nhót, đánh bài và ăn uống. Sau khi kết hôn, vì đã chạy chữa nhiều nơi nhưng vẫn không thể có con, họ coi Bảo Vi như một món quà và sẵn sàng đột ngột mở cửa phòng cô, chỉ để chỉ cho bạn bè và những người thân quen thấy nước da nâu và cặp mắt một mí mà Bảo Vi được di truyền từ nhà ngoại để khẳng định, cô là con gái của họ. Vì muốn có được sự riêng tư, Bảo Vi đã cùng bố mẹ nuôi chụp rất nhiều ảnh. Những tấm ảnh treo kín bức tường dài trong phòng khách để bất cứ ai ngay khi vừa bước vào nhà cũng biết được sự tồn tại của cô.
Cách đây 2 tháng, cô đã tháo chúng xuống, bỏ vào vali và kéo tới nhà Tường An. Có lẽ chúng sẽ bớt cô đơn hơn khi được dì Dung cẩn thận lau chùi.
Mẹ Bảo Vi từng nói trong tai nạn đó, một mình cô sống sót, điều đó có nghĩa cô còn rất nhiều việc chưa hoàn thành. Vì thế hãy thôi nằm dài trên giường và bắt đầu tìm ra những công việc đó, hoàn thành, rồi sau đó cô có thể kết thúc cuộc sống này bất cứ khi nào cô muốn.
Mưa rơi nghiêng ngoài cửa xe. Người tài xế quen, bố mẹ nuôi của Bảo Vi vẫn gọi mỗi lần đi xa, nay đã già hơn trước. Ông thường kể cho Bảo Vi về gia đình mình. Ông có ba người con. Hai cô con gái sinh đôi đã kết hôn và định cư ở nước ngoài. Tết này, họ sẽ mang cháu về thăm ông. Con trai út của ông đang theo học ngành công nghệ thông tin. Một người có thể tháo tung chiếc máy tính của con gái ông tổ trưởng khu phố và lắp lại trong thoáng chốc, ông kể với giọng tự hào. Bảo Vi mỉm cười nhưng trong lòng cô là tiếng thở dài ngao ngán. Cô không biết nếu bố mẹ nuôi còn sống, họ sẽ có thể khoe gì về cô khi chỉ 2 ngày trước, cô đã bị điều chuyển từ nhà kho xuống làm nhân viên phục vụ.
Có một thứ được gọi là cát lún. Nếu không may bị rơi vào, càng giãy giụa, bạn càng lún sâu. Đây chính là tình trạng của nhà hàng Valse trong giai đoạn khó khăn khi doanh thu 2 năm trở lại đây không chút khả quan. Ngày hội giảm giá, Bảo Vi cho rằng đây là chính là bước giậm chân mạnh nhất từ trước đến nay để góp phần chôn vùi hoàn toàn danh tiếng của nhà hàng. Khi một cửa tiệm thời trang uy tín bày bán lố đủ loại quần áo trên vỉa hè, điều đó đồng nghĩa với lời tự thú của chủ tiệm về sự thua lỗ, thậm chí đang tiến gần hơn tới ngày đóng cửa.
Bảo Vi liếc nhìn những vết xước chạy dài trên cánh tay dù sáng nay, cô đã cố trượt xuống phần mộ của bố mẹ nuôi một cách thận trọng nhất. Nhưng may mắn, chiếc sơmi bèo nhúm màu xanh nhạt cùng chiếc gile viền trắng cổ lỗ đã giúp cô che kín. Cô từ phòng thay đồ bước ra ngoài, men theo những âm thanh ồn ã.
Buổi tối, khách hàng đến đông nhất, đó cũng là lúc nhà hàng rơi vào hỗn loạn. Bảo Vi gấp gáp thay ca cho một đồng nghiệp khác. Những sợi tóc bung ra từ mớ tóc hỗn độn của cô ấy khiến Bảo Vi không khỏi e dè. Mọi việc sau đó diễn ra lộn xộn gấp nhiều lần cô có thể tưởng tượng. Những tiếng gọi, thậm chí la hét vang lên từ tứ phía. Họ ban đầu lịch sự cô bằng câu: “Này, cô phục vụ!”, sau đó rút gọn dần từ “Này, phục vụ!”, cuối cùng chỉ còn “Này!”. Những chồng bát đĩa chao đảo trên khủy tay mỏi nhừ. Hàng loạt những lời than vãn về cung cách phục vụ chậm chạp và vài món ăn còn chưa kịp chín, cô thoáng thấy lẫn lộn trong đám đông một ông bố chạy đi tìm dao dĩa để cô con gái nhỏ của mình có thể bắt đầu bữa tối sau một tiếng đồng hồ chờ đợi. Ghi lại đồ ăn khách gọi, bưng bê và lau chùi, Bảo Vi còn kiêm luôn công việc tìm người. Cô hấp tấp chạy quanh nhà hàng để tìm kiếm một bé trai với chiếc mũ len màu đỏ, mà theo lời của bà mẹ, khi đi cậu bé không mang theo giầy. Cuối cùng, Bảo Vi nhìn thấy thằng bé đang ngồi thu lu ở một góc sân sau, chăm chú nhìn vào chiếc lồng thỏ. Bảo Vi ngồi xuống, chậm chạp gỡ bỏ nắm cỏ thằng bé vừa nhổ trụi ở khoảng đất xung quanh, ôn tồn nói:
- Đừng cho nó ăn nữa. Ăn nhiều, béo nhanh, nó sẽ nhanh bị làm thịt.
- Chị đã ăn đùi thỏ hấp sả ớt chưa? Em ăn rồi, rất ngon.
Thằng bé đội mũ lên đầu rồi quay lưng, trở về nơi bố mẹ thằng bé đang than vãn với quản lí nhà hàng. Bảo Vi liếc nhìn thằng bé. Nó nói không sai, đó là một trong những món sở trường của đầu bếp nhà hàng Valse và thật tuyệt khi được dùng với cơm nóng trong một buổi tối mùa đông se lạnh.
Lí thuyết trong sách vở chẳng bao giờ hấp dẫn, hoặc ít nhất chúng chỉ hấp dẫn cho tới khi ta phát hiện thực tế vốn dĩ là điều hoàn toàn trái ngược. Có một khoảng cách dài giữa những con thỏ trắng thông minh luôn biết cách thoát khỏi hàm răng sắc nhọn của cá sấu hay sư tử trong câu chuyện lúc nhỏ ta đọc với những con thỏ mà đầu bếp kì công bày lên bàn cho ta thưởng thức khi lớn lên.
Sau khi nhìn thấy con mình, mẹ thằng bé ôm lấy nó và bắt đầu gọi nó là thỏ con, rồi họ rời đi với lời hứa không bao giờ trở lại. Bảo Vi không có thời gian để tạm biệt hay nhận lời cám ơn từ họ bởi cô đang phải lần lượt xin lỗi hàng loạt những khách hàng xung quanh vì sự chậm trễ của mình. Thêm salat ăn kèm, thêm nước sốt, thêm gia vị, đổi món, cô quay cuồng tới độ khi kết thúc ca làm việc, cô không biết rút cục cô đã trải qua nó thế nào. Cô về nhà, nằm rạp trên ghế sofa và để quên món đùi thỏ chiên đang dần nguội ngắt trên bàn.
Phần 2
Mùa đông – 10h sáng – Quán ăn
Hãy vui vẻ khi ta còn trẻ!
Tiền không thể mua được hạnh phúc, mẹ nuôi của Bảo Vi từng nói với cô như vậy. Nhưng có lẽ bà đã quên nhắc nhở cô rằng không có tiền, khó có thể có được hạnh phúc. Khi còn nhỏ, mọi thứ cô cần, bố mẹ nuôi đều đã lo liệu. Khi lớn lên, cô dần thấm thía sự thiếu thốn tiền bạc sẽ gây ra không ít những rắc rối và khó khăn, dù chỉ là trong những việc thường nhật nhất. Bởi vậy, một kế hoạch đầu tư dài hạn cho tương lai đã được Bảo Vi hoạch định và lập tức thực hiện. Số vốn ban đầu, cô may mắn có được từ việc cho thuê căn nhà cũ của bố mẹ đẻ và rao bán căn nhà của bố mẹ nuôi. Khách hàng đều là những người thân quen tin tưởng vào lời chào mời của Bảo Vi. Còn cô, nhờ sự cả tin ấy mà kiếm được một món hời.
Bước chân nặng nề trên nền gỗ lạnh, chiếc váy ren chậm chạp trượt dần khỏi làn da thô ráp, Bảo Vi cúi nhìn mui bàn tay nứt nẻ vì hanh khô. Khi còn trẻ, người ta thờ ơ với sức khỏe bởi họ tin bản thân còn rất nhiều thời gian để quan tâm tới nó. Nhưng khi tuổi trẻ dần trôi qua, họ bàng hoàng nhận ra bất cứ thứ gì cũng có thể làm họ trở nên yếu ớt. Chút lạnh của cơn mưa thoáng qua vào lúc rạng sáng dễ dàng khiến họ mắc cảm, lọm khọm đi lại như thể một bà lão.
Cố hít thở qua bờ môi khô khốc, Bảo Vi thật muốn cắt phăng đi hai bên cánh mũi tắc tịt vì xét cho cùng, cơ thể cô đâu cần dùng lượng máu ít ỏi để nuôi dưỡng một bộ phận nhất quyết không chịu làm nhiệm vụ của mình. Khoác lên người một chiếc áo choàng dài màu be, bên ngoài chiếc áo sơmi kẻ sọc cài kín cổ, Bảo Vi lặng lẽ kéo ra khỏi phòng chiếc vali cuối cùng, trước khi người chủ mới đến nhận nhà. Bố mẹ nuôi của cô rất thích đi du lịch. Mỗi lần trở về, họ đều khuân theo nhiều vali lớn nhỏ chật kín những thứ đồ lặt vặt mà theo họ, chẳng thể tìm thấy chiếc thứ hai. Từng căn phòng Bảo Vi đang chậm rãi bước qua giờ chỉ còn là những không gian trống rỗng, rồi đây sẽ được lấp đầy bằng những đồ vật khác.
Bảo Vi sau khi giao nhà thì thảnh thơi lái chiếc xe mới mua đi lòng vòng quanh thành phố. Nhưng chưa đi được bao xa, cô đã phải tùy tiện ghé vào một nhà hàng bên đường để trấn tĩnh chiếc dạ dày đang quặn thắt của mình.
Lần đầu tiên, mẹ của Bảo Vi phát hiện ra bố cô ngoại tình, bà đã ngồi yên lặng suốt đêm trong phòng khách. Rạng sáng, ngay khi bố cô vừa đặt chân qua ngưỡng cửa, bà đã ném vào ông tất cả những đồ đạc có trong tầm với và tất cả những từ ngữ cay nghiệt xuất hiện trong đầu. Thường chứng kiến cảnh hai bố mẹ to tiếng, nhưng đó là lần đầu Bảo Vi thấy họ gay gắt tới vậy. Cô thức dậy trong bộ dạng ngái ngủ, nép sau cánh cửa mở hé, nghe ngóng. Ngước nhìn đồng hồ, cô nhận ra tiết học đầu tiên sắp bắt đầu nhưng bản thân vẫn không thể nhúc nhích. Đột nhiên, cô nghe có tiếng bà ngoại tới. Đôi dép loẹt quẹt bước qua những mảnh vỡ, yên lặng vào phòng dẫn cô ra bếp, chuẩn bị bữa sáng cho cô. Sau đó, bà đưa cho cô một chiếc ví nhỏ, bên trong đã đựng sẵn tiền. Bà nói nếu sau này chuyện cãi cọ còn xảy ra thì cô cứ tự mình cầm tiền đi mua đồ ăn. Bụng no rồi sẽ không còn chỗ trống cho sự sợ hãi và buồn rầu.
Từ đó, như một thói quen, mỗi khi tâm trạng không tốt, Bảo Vi luôn cảm thấy đói. Nó như sự thúc giục từ cơ thể cô hãy nạp thức ăn vào và đẩy ra ngoài mọi suy nghĩ không vui.
Nhưng lần này, có lẽ cô đã chọn sai địa điểm để lấy lại tâm trạng. Nhà hàng cô tới, một nơi mang hơi hướng cổ điển với những tấm rèm lớn thêu hoa màu đồng và vàng nhạt. Một người đàn ông trung niên say sưa với chiếc saxophone của mình. Tiếng saxophone, một âm thanh trầm ấm, không da diết như tiếng violon, không thanh thoát, trong trẻo như tiếng piano, chỉ đơn giản như một giọng nói tâm tình nhưng cũng đủ để người nghe lộ ra nét mặt buồn rầu, ngẫm nghĩ.
Tiếng ghế bị kéo qua bên khiến Bảo Vi lập tức quay về thực tại. Trước mặt cô lúc này là một người đàn ông gần 30 tuổi, dáng cao gầy, lòe loẹt trong chiếc áo khoác họa tiết động vật và đôi giầy đá bóng loáng. Nếu có gì đó trên gương mặt anh ta khiến người khác có thể cảm thấy dễ chịu, đó có lẽ là chiếc mũi cao và đôi mắt tinh ranh luôn đưa qua đưa lại. Anh ta ngồi xuống, đối diện với Bảo Vi, cười rạng rỡ. Bảo Vi trái lại, không có vẻ mong đợi cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên này. Cô uống một ngụm nước lớn như để nuốt xuống những mảng màu sặc sỡ, hỗn độn anh ta vừa đổ vào thị giác cô, điềm tĩnh hỏi:
- Anh không còn cái áo nào nữa à?
- Có đấy!
Nói rồi, anh ta vui vẻ cởi bỏ lớp áo khoác ngoài để lộ ra chiếc áo sơmi màu vàng sậm và chiếc cà vạt màu xanh lục.
Anh ta nhoài người về phía trước, chống tay vào cằm, chăm chú nhìn Bảo Vi như thể sắp bắt đầu một câu chuyện dài hơi.
- Cô làm gì ở đây?
- Đi loanh quanh thôi. Còn anh?
- Tôi cũng vậy.
- Anh xem ra rất rảnh rỗi.
Như thể tảng lờ giọng điệu mỉa mai của Bảo Vi, anh ta trả lời, không chút ngập ngừng.
- Tất nhiên. Không ngại nói cho cô biết. Hôm trước, tôi vừa bị vợ chưa cưới đá. Còn hôm nay, tôi tự tay bán quán cà phê của mình.
- Rất tốt. Tôi chắc vì thế anh sẽ chấp nhận lời đề nghị của tôi.
- Lần đầu gặp, cô đề nghị tôi đưa cô về. Lần thứ hai, cô đề nghị tôi kết hôn với cô. Lần thứ ba, cô đề nghị tôi làm việc cho cô. Cô có vẻ luôn muốn làm chủ mọi chuyện.
- Lần đầu, anh đồng ý. Lần thứ hai, anh từ chối. Vậy tôi chắc lần này, câu trả lời của anh là đồng ý, đúng chứ?
- Sao lại là tôi?
- Tôi thích anh. Anh giảo hoạt và có vẻ ngoài không đáng tin.
- Cô có thể nói chi tiết hơn không?
- Giống như một gã quản lí quán bar vậy.
- Thôi, bỏ đi. Dù tôi có được công việc này vì lí do gì thì cũng không quan trọng. Giờ tôi thừa thời gian và thiếu tiền. Được, thỏa thuận vậy.
Anh ta ngoái đầu, mỉm cười gọi phục vụ rồi quay sang nói với Bảo Vi:
- Bữa hôm nay tôi mời.
Bảo Vi nhún vai chấp thuận và nhanh nhẹn gọi thêm một phần giống như lúc trước, vui vẻ thưởng thức.
Những câu chuyện không đầu không cuối về những thứ vô thưởng vô phạt như thời tiết, giao thông, phim ảnh…họ say sưa nói. Nhưng nếu lắng tai nghe kĩ, có thể dễ dàng nhận ra, những điều họ nói chẳng hề ăn khớp với nhau, giống như người này chỉ chờ câu chuyện của người kia kết thúc để thao thao về câu chuyện của riêng mình. Bảo Vi nói về những bộ phim hành động với âm mưu giết người và vũ khí hiện đại, còn Đặng Nam mải mê với những suy luận rối rắm trong các bộ phim giả tưởng. Bảo Vi sửng sốt cập nhật thông tin về những vụ lừa đảo xuyên quốc gia và những tên tội phạm biến thái, phía đối diện Đặng Nam không thôi bình luận về những chiếc giầy da nhái mà anh tình cờ phát hiện trong lần dạo phố gần đây nhất.
Khi bữa ăn kết thúc, Bảo Vi vừa rời khỏi nhà hàng thì bắt gặp phía bên kia đường, một gã đàn ông say xỉn. Cô chăm chú nhìn hắn như thể quen thân. Đặng Nam quay sang, thì thầm hỏi:
- Người quen của cô à?
- Anh nhìn kĩ đi, của cả anh nữa đấy.
Đặng Nam cau mày, tập trung vào dáng người to béo đang nghiêng ngả bám vào một bờ vai thuôn trắng mịn. Cơ mặt anh dần giãn ra, thay vào đó là một nụ cười nhếch mép.
- Không phải cô cố ý sắp xếp cho tôi nhìn thấy cảnh này đấy chứ?
- Là ông trời sắp xếp cho tôi nhìn thấy cảnh này. Anh không có xe đúng không? Đi thôi. Tôi đưa anh đi xem bộ phim giả tưởng mà anh thích.
- Sao vừa rồi cô nói loại phim đấy chỉ giành cho mấy kẻ tâm thần?
- Sau này tiếp xúc lâu hơn anh sẽ thấy, khi tâm trạng vui vẻ, tôi sẽ trở nên rất hào phóng và tốt bụng.
Họ cùng nhau sang đường. Đặng Nam có vẻ khó khăn khi phải thu gọn chân trong chiếc ôtô nhỏ. Anh quay đầu, nhìn quanh một lượt nội thất bên trong, hỏi:
- Mong là sau khi làm việc cho cô, tôi cũng có thể sống thoải mái như vậy. Nhưng sao lại là màu vàng, không phải cô rất ghét những thứ lòe loẹt sao?
- Vì màu vàng dễ được nhìn thấy từ xa, đặc biệt vào buổi tối. Mắt tôi không tốt vào buổi tối. Nhờ màu này, các lái xe khác sẽ biết đường tránh xa tôi.
Đặng Nam cười thích thú. Bảo Vi thực sự không biết anh vì sao luôn vui vẻ như vậy. Nếu cô là anh lúc này, ê chề vì thất bại trong cả hôn nhân và công việc, cô sẽ lao ra ngoài với chiếc xe mới mua và khuấy đảo xung quanh bằng nỗi sợ hãi.
Phần 3
Mùa đông – 8h tối – Căn hộ của Tường An
Nếu cuộc sống chỉ là một vở diễn, mọi người đều có thể đổi vai cho nhau thì có lẽ, trong kí ức của họ, đã không có nhiều tổn thương tới vậy.
Cánh hoa đã rách bươm bởi gió còn bị giọt nước đọng lại từ trận mưa ban sáng đẩy khỏi bệ cửa sổ, rơi xuống lớp đất nhớp nhúa bên dưới. Sâu sẽ trở thành bướm. Hoa rồi sẽ phai tàn. Tạo hóa, bằng cách của riêng mình, luôn đảm bảo cân bằng cho mọi thứ. Người ta nói: “Có trải qua khổ đau mới biết thế nào là hạnh phúc” nhưng điều ngược lại, liệu có đúng hơn, khi từng trải qua hạnh phúc mới thấm thía thế nào là đau khổ bởi mọi thứ chỉ mới đây đã vuột khỏi tầm tay.
Bảo Vi thở dài, kéo lại tấm rèm cửa sổ, ngồi xuống chiếc ghế sofa ưa thích mà suốt một tháng ở lì trong căn nhà cũ của bố mẹ đẻ, cô đã cặm cụi tự mình thiết kế. Một chiếc ghế da màu trắng ôm trọn lấy thân thể cô. Nó mềm mại và ấm áp như thể phía sau, cô có thể tựa vào ai đó. Mẹ nuôi cũng từng ôm cô như vậy, mỗi lần cô bị ốm. Khi còn nhỏ, bà đảm nhận việc bảo ban, chăm sóc mẹ của Bảo Vi. Không may, bà xem đó là một thất bại và kiên quyết không lặp lại sai lầm bằng cách đọc sách, những cuốn sách về việc nuôi dạy con cái đúng đắn và khoa học. Nhưng thay vì chắt lọc, bà lại thực hiện tất cả các phương pháp đã đọc được. Bà khiến Bảo Vi hỗn loạn, không thể phân định đâu mới là cách bà quyết định nuôi dạy cô để có thể cư xử cho phù hợp. Bà đôi lúc phóng khoáng, thân thiện như một người bạn cũ, nhưng chỉ vài ngày sau, khi đọc đến chương tiếp theo của cuốn sách, bà lại trở nên khó tính và hà khắc như một phụ nữ trung niên chưa chồng. Cuối cùng, có lẽ vì đã thấm mệt khi phải hóa thân vào những nhân vật có tính cách trái ngược nhau, bà nghỉ ngơi và để Bảo Vi làm những gì cô muốn. Từ xa, bà quan sát cô và phát hiện điều cô thừa hưởng từ mẹ đẻ chỉ là cặp mắt một mí và nước da nâu khỏe khoắn. Cô khác em gái bà, ít nhất cô chưa từng cáu giận hay la hét. Cô luôn biết cách để những người xung quanh phải làm theo ý mình mà không cần dùng đến sức mạnh, thứ mà bản thân cô từ nhỏ đã chẳng mấy dư thừa.
Căn phòng đóng kín. Một chút lạnh cũng không thể lọt qua nhưng bên ngoài những tán cây đã sũng nước bị gió kéo gập khiến cảm giác về giá rét trong tượng tưởng như đang luồn qua da thịt của Bảo Vi. Rúc sâu hơn bàn chân tê buốt vào lớp chăn dạ ấm, cô liếc nhìn đồ đạc quanh mình. Một khoản tiền bỏ ra, cô đã thay mới toàn bộ. Những thứ như ren, cườm và đăng ten đều bị lột bỏ, thay vào đó là gỗ, chất liệu ưa thích của Bảo Vi. Nhưng căn phòng rộng rãi, vốn dĩ được xếp đặt gọn gàng mới vài hôm đã bị cô biến thành một đống hỗn độn. Cô luôn lần lữa việc dọn dẹp, thậm chí từ chối khi dì Dung muốn làm hộ bởi lí do, chỉ có để vậy, cô mới có thể dễ dàng tìm thấy những thứ mình cần. Dì Dung không hiểu và cũng chẳng bao giờ muốn hiểu những lí lẽ của cô. Dì chờ cô đi làm để dọn dẹp, còn cô, lại tiếp tục bày bừa khi trở về. Vòng tuần hoàn cứ thế tiếp diễn cho tới khi cả hai bên đều mệt lả và thỏa thuận với nhau về việc tổng vệ sinh mỗi chiều chủ nhật.
Như thể một đàn gõ kiến rên la vì đói, những âm thanh khó chịu lặp đi lặp lại trong đầu khiến Bảo Vi không thể chợp mắt, dù cô đã đi quanh căn phòng, suy nghĩ đủ thứ để có thể ngủ. Cô đã dừng thuốc ngay khi những triệu chứng cảm cúm đầu tiên thuyên giảm và giờ cô ngồi đây với thân thể ê ẩm như miếng thịt bò người ta đem dần mỏng để chuẩn bị cho món bít tết và thấm thía câu: “Nhổ cỏ, nhổ tận gốc”. Mỗi khi ốm, cô đều rơi vào trạng thái này, rất mệt nhưng không thể ngủ. Mọi nỗ lực để đầu óc thư thái của cô lập tức trở nên vô ích ngay khi Tường An hậm hực bước vào, dáo dác tìm kiếm thứ gì đó rồi nhìn cô, hỏi sẵng:
- Mẹ mình đâu rồi?
Bảo Vi khoanh tay trước ngực, điềm nhiên trả lời mà không hề mở mắt.
- Mẹ của cậu sao lại tìm ở chỗ mình?
- Vậy mới nói. Cậu trưng dụng phòng mình, giờ còn trưng dụng luôn cả mẹ mình.
- Là mình không có nên mới phải mượn tạm, sau này không phải vẫn là của cậu sao?
Bảo Vi dùng giọng mũi để nhại lại câu Tường An từng nói khi đến vay tiền cô. Tường An mím chặt môi rồi ném về phía cô một bọc giấy nhỏ. Bảo Vi bật dậy, nhíu mày nghi ngại.
- Gì vậy? Không phải mới đó cậu đã kiếm đủ tiền trả nợ rồi đấy chứ?
- Không phải tiền. Nhưng là thứ có thể trừ nợ.
Gói giấy được mở ra. Quả thật, những thứ bên trong đã không làm Bảo Vi thất vọng.
- Cậu chuyển nghề được rồi đấy. Nét thế này thì không chỉ là gây gổ đâu, có thể còn xảy ra án mạng ấy chứ.
- Mình không học trường báo chí để trở thành tay săn ảnh.
- Vậy mình học trường kinh tế để làm phục vụ bàn sao?
- Thôi, đừng gây nhau nữa. Nhưng giọng cậu sao vậy?
- Cám cúm thôi.
- Chắc sau đây cậu sẽ bảo mình đi mua thuốc đúng không?
- Không, mẹ cậu mua giúp mình rồi.
- Thật không hiểu. Trông cậu như tuyển thủ bơi lội mà hễ dính chút mưa là mắc cảm.
- Mình cũng không hiểu. Trông cậu như miếng kẹo cắn dở mà lúc nào cũng có thể kênh kiệu về sức khỏe của mình.
- Bớt tính toán cách thao túng người khác đi, cậu sẽ khỏe như mình thôi.
- Vì mình không khỏe mạnh nên mới phải dùng đến đầu óc.
Tường An chậm rãi tiến lại gần chỗ Bảo Vi, hạ thấp giọng, hỏi:
- Mình hỏi cậu, tại sao lại là nhà hàng đó?
- Vì nó quan trọng với tất cả mọi người, trừ mình.
- Rút cục thì cậu định làm gì nó?
- Không biết nữa, làm nó rơi vào hỗn loạn hay cứu nó khỏi đống hỗn loạn. Theo cậu, điều gì thú vị hơn?
- Nếu muốn điều khiển cuộc sống của người khác đến thế, sao cậu không tự điều khiển cuộc sống của chính mình đi.
Tường An bước qua những đụn quần áo và sách báo lộn xộn dưới sàn nhà, bỏ ra ngoài.
Bảo Vi nhìn theo Tường An, mỉm cười. Vóc dáng của Tường An giống của một bé gái hơn là của một phụ nữ trưởng thành. Nước da trắng, lông mày đậm và những đốm tàn nhang mờ dưới mí mắt phải, cô luôn khiến người ta cảm thấy vô hại, thậm chí gợi cảm giác ngờ nghệch. Nhưng trái với vẻ bề ngoài, cô là người nóng tính và luôn dựa vào sức mạnh thể lực để giải quyết vấn đề mà không màng tới hậu quả hay suy tính trước sau.
Năm đó, khi chạy tới phòng cấp cứu và nhìn thấy Bảo Vi bất động mà không một ai màng tới, Tường An đã nắm tóc y tá gần đó, kéo tới chỗ Bảo Vi và chỉ cho cô ta thấy rằng, dù chiếc váy ren Bảo Vi đang mặc trên người màu đen nhưng ai cũng có thể ngửi thấy mùi máu đậm đặc quanh thân thể cô, cô cần được cứu chứ không phải bỏ mặc chỉ bởi người nhà chưa tới và đút vào tay cô ta vài đồng bạc lẻ. Cô y tá có lẽ nhờ kinh nghiệm đã bình tĩnh giật tay Tường An ra khỏi tóc mình, đưa tới trước cánh mũi Bảo Vi và nói rằng Bảo Vi là bệnh nhân duy nhất còn sống trong phòng cấp cứu lúc đó và giờ hãy để cô ta làm việc của mình, lo liệu cho những cái xác ở kế bên.
Mẹ Bảo Vi, người phụ nữ xuất hiện 1 ngày sau đó, đã đảm bảo với Tường An rằng không gã bác sĩ nào dám qua mặt bà và lấy bố Bảo Vi ra làm một minh chứng, rồi nói cô có thể yên tâm trở về và quay lại để thay ca cho bà. Cứ như vậy, 6 tháng trôi qua, hai người từng nhìn chằm chằm Bảo Vi mỗi ngày để chắc rằng cô không ngừng thở khi họ quay đi, đã đánh cô không tiếc sức khi cô tỉnh lại và nói rằng việc đó chẳng có gì vui, cô muốn ngủ và chẳng cần bận tâm tới bất cứ việc gì.
Mẹ Bảo Vì từng phản đối tình bạn giữa cô và Tường An vì bà cho rằng chẳng có gì tốt đẹp khi ở cạnh một phụ nữ hư hỏng hay con của cô ta. Nhưng rồi bà nhanh chóng thay đổi cách nhìn. Bà nhận ra Tường Ăn, người nóng nảy nhưng thẳng thắn và chân thành, sẽ khỏa lấp những kí ức không mấy vui vẻ của Bảo Vì khi còn nhỏ, để cô biết rằng mối quan hệ giữa người với người không chỉ có cãi cọ, phản bội và đáng khinh.
Bảo Vi từng có giấc mơ về biển. Ở đó, cô nằm dài trên bãi cát để mặc gió cù nhẹ gang bàn chân, sóng trêu đùa thính giác và đằng sau là tiếng cười nói của tất thảy mọi người cô quen trong một gian nhà gỗ. Nếu cuộc sống chỉ là một vở diễn, mọi người đều có thể đổi vai cho nhau thì có lẽ, trong kí ức của họ, đã không có nhiều tổn thương tới vậy.
Chương 3 << >> Chương 5
Phần 1
Mùa đông – 6h tối – Nhà hàng Valse
Lẫn trong đám đông, đó là lúc ta cảm thấy cô đơn nhất.
Mẹ nuôi từng hỏi Bảo Vi cô có biết khi nào con người ta không sợ chết. Chẳng suy ngẫm nhiều, cô gần như lập tức trả lời, đó là khi họ cũng đang muốn chết. Mẹ nuôi vỗ nhẹ vào trán cô, nói đó là khi họ đã sẵn sàng đón nhận cái chết với tâm thái bình thản nhất. Nhẹ nhàng như một buổi sáng mở cửa thức dậy, thần chết, gã môi giới nhà đất với khuôn mặt nhăn nhúm và bộ quần áo đen là lượt cáu kỉnh bước vào, nhận lấy từ tay họ chùm chìa khóa nhà rồi giao nó cho một sinh linh khác.
Khi bà ngoại của Bảo Vi qua đời, cô là đứa cháu duy nhất bà có được. Bà đặt bàn tay run rẩy của mình lên mui bàn tay cô, như thể đang dùng chút hơi ấm cuối cùng nối liền những kí ức rời rạc. Cô là đứa trẻ hạnh phúc, cô tin vậy, khi phía sau cô luôn có những bàn tay sẵn sàng cho cô nắm lấy khi quay đầu. Bà nói cô không phải buồn, phải khóc, bà thanh thản vì giờ cô đã trưởng thành, hiểu biết và khỏe mạnh, đó là tất cả những gì bà mong đợi ở cô.
Năm cô nhận được giấy báo đỗ đại học, cô lập tức giục bố mẹ nuôi cùng về quê. Cô muốn chỉ cho bà ngoại cô thấy đáng lẽ bà nên kiên nhẫn thêm chút nữa, vì những gì bà có thể trông đợi ở cô không chỉ có chừng ấy. 7 tiếng đồng hồ ngồi xe, cả thân thể cô đau ê ẩm. Nhưng quãng đường trở về, bố mẹ nuôi vẫn nhất định kéo cô xuống một khoảng đất trống gần đó và chỉ cho cô thấy nơi họ sẽ được chôn cất sau này. Họ xoa đầu cô, ôn tồn nói cô đã làm được điều mà không ai trong số họ làm được, rồi thích thú miêu tả tỉ mỉ cho cô ngôi mộ chung của họ với nền đất cao, lát gạch và những chậu hoa màu trắng sữa bao quanh. Bảo Vi nhíu mày, nhìn về phía xa, nơi họ quả quyết rằng rồi đây một con đường thông ra bờ biển sẽ được xây dựng, cô sẽ có thể đi xe hoặc đi bộ mà chẳng gặp bất cứ trở ngại nào khi tới thăm họ. Cô tự hỏi liệu có lúc nào họ tưởng tượng ra bóng dáng cô, một mình lầm lũi trên con đường đó. Cô nói với họ nếu họ ra đi trước khi cô sẵn sàng đối mặt với điều đó, cô sẽ dời mộ họ lên núi, nơi cao nhất, để họ thậm chí dần quên mất biển là gì. Nhưng cô đã không thể làm được điều đó, bởi khi họ qua đời, cô một ngón tay cũng không thể cử động được.
Giờ cô ở đây, tới thăm họ trong một ngày nắng ấm. Chỉ có điều, thay vì nhàn tản đi trên con đường thông ra biển sau chừng ấy thời gian vẫn chưa được khởi công, cô phải bám tay vào những bụi cỏ gai, trượt xuống theo những đụn đất nhỏ phủ đầy cát và sỏi. Lần nào cũng vậy, cô chia nhang cho những ngôi mộ kế bên, như thay lời xin lỗi về sự ồn ào mà cô dám chắc bố mẹ cô dù chuyển tới nơi nào cũng sẽ gây ra.
Bố mẹ nuôi của Bảo Vi là giáo viên dạy nhảy. Họ trưng dụng tầng thượng làm phòng học. Họ phóng khoáng, vui nhộn và ưa thích những buổi tụ tập cuối tuần để ca hát, nhảy nhót, đánh bài và ăn uống. Sau khi kết hôn, vì đã chạy chữa nhiều nơi nhưng vẫn không thể có con, họ coi Bảo Vi như một món quà và sẵn sàng đột ngột mở cửa phòng cô, chỉ để chỉ cho bạn bè và những người thân quen thấy nước da nâu và cặp mắt một mí mà Bảo Vi được di truyền từ nhà ngoại để khẳng định, cô là con gái của họ. Vì muốn có được sự riêng tư, Bảo Vi đã cùng bố mẹ nuôi chụp rất nhiều ảnh. Những tấm ảnh treo kín bức tường dài trong phòng khách để bất cứ ai ngay khi vừa bước vào nhà cũng biết được sự tồn tại của cô.
Cách đây 2 tháng, cô đã tháo chúng xuống, bỏ vào vali và kéo tới nhà Tường An. Có lẽ chúng sẽ bớt cô đơn hơn khi được dì Dung cẩn thận lau chùi.
Mẹ Bảo Vi từng nói trong tai nạn đó, một mình cô sống sót, điều đó có nghĩa cô còn rất nhiều việc chưa hoàn thành. Vì thế hãy thôi nằm dài trên giường và bắt đầu tìm ra những công việc đó, hoàn thành, rồi sau đó cô có thể kết thúc cuộc sống này bất cứ khi nào cô muốn.
Mưa rơi nghiêng ngoài cửa xe. Người tài xế quen, bố mẹ nuôi của Bảo Vi vẫn gọi mỗi lần đi xa, nay đã già hơn trước. Ông thường kể cho Bảo Vi về gia đình mình. Ông có ba người con. Hai cô con gái sinh đôi đã kết hôn và định cư ở nước ngoài. Tết này, họ sẽ mang cháu về thăm ông. Con trai út của ông đang theo học ngành công nghệ thông tin. Một người có thể tháo tung chiếc máy tính của con gái ông tổ trưởng khu phố và lắp lại trong thoáng chốc, ông kể với giọng tự hào. Bảo Vi mỉm cười nhưng trong lòng cô là tiếng thở dài ngao ngán. Cô không biết nếu bố mẹ nuôi còn sống, họ sẽ có thể khoe gì về cô khi chỉ 2 ngày trước, cô đã bị điều chuyển từ nhà kho xuống làm nhân viên phục vụ.
Có một thứ được gọi là cát lún. Nếu không may bị rơi vào, càng giãy giụa, bạn càng lún sâu. Đây chính là tình trạng của nhà hàng Valse trong giai đoạn khó khăn khi doanh thu 2 năm trở lại đây không chút khả quan. Ngày hội giảm giá, Bảo Vi cho rằng đây là chính là bước giậm chân mạnh nhất từ trước đến nay để góp phần chôn vùi hoàn toàn danh tiếng của nhà hàng. Khi một cửa tiệm thời trang uy tín bày bán lố đủ loại quần áo trên vỉa hè, điều đó đồng nghĩa với lời tự thú của chủ tiệm về sự thua lỗ, thậm chí đang tiến gần hơn tới ngày đóng cửa.
Bảo Vi liếc nhìn những vết xước chạy dài trên cánh tay dù sáng nay, cô đã cố trượt xuống phần mộ của bố mẹ nuôi một cách thận trọng nhất. Nhưng may mắn, chiếc sơmi bèo nhúm màu xanh nhạt cùng chiếc gile viền trắng cổ lỗ đã giúp cô che kín. Cô từ phòng thay đồ bước ra ngoài, men theo những âm thanh ồn ã.
Buổi tối, khách hàng đến đông nhất, đó cũng là lúc nhà hàng rơi vào hỗn loạn. Bảo Vi gấp gáp thay ca cho một đồng nghiệp khác. Những sợi tóc bung ra từ mớ tóc hỗn độn của cô ấy khiến Bảo Vi không khỏi e dè. Mọi việc sau đó diễn ra lộn xộn gấp nhiều lần cô có thể tưởng tượng. Những tiếng gọi, thậm chí la hét vang lên từ tứ phía. Họ ban đầu lịch sự cô bằng câu: “Này, cô phục vụ!”, sau đó rút gọn dần từ “Này, phục vụ!”, cuối cùng chỉ còn “Này!”. Những chồng bát đĩa chao đảo trên khủy tay mỏi nhừ. Hàng loạt những lời than vãn về cung cách phục vụ chậm chạp và vài món ăn còn chưa kịp chín, cô thoáng thấy lẫn lộn trong đám đông một ông bố chạy đi tìm dao dĩa để cô con gái nhỏ của mình có thể bắt đầu bữa tối sau một tiếng đồng hồ chờ đợi. Ghi lại đồ ăn khách gọi, bưng bê và lau chùi, Bảo Vi còn kiêm luôn công việc tìm người. Cô hấp tấp chạy quanh nhà hàng để tìm kiếm một bé trai với chiếc mũ len màu đỏ, mà theo lời của bà mẹ, khi đi cậu bé không mang theo giầy. Cuối cùng, Bảo Vi nhìn thấy thằng bé đang ngồi thu lu ở một góc sân sau, chăm chú nhìn vào chiếc lồng thỏ. Bảo Vi ngồi xuống, chậm chạp gỡ bỏ nắm cỏ thằng bé vừa nhổ trụi ở khoảng đất xung quanh, ôn tồn nói:
- Đừng cho nó ăn nữa. Ăn nhiều, béo nhanh, nó sẽ nhanh bị làm thịt.
- Chị đã ăn đùi thỏ hấp sả ớt chưa? Em ăn rồi, rất ngon.
Thằng bé đội mũ lên đầu rồi quay lưng, trở về nơi bố mẹ thằng bé đang than vãn với quản lí nhà hàng. Bảo Vi liếc nhìn thằng bé. Nó nói không sai, đó là một trong những món sở trường của đầu bếp nhà hàng Valse và thật tuyệt khi được dùng với cơm nóng trong một buổi tối mùa đông se lạnh.
Lí thuyết trong sách vở chẳng bao giờ hấp dẫn, hoặc ít nhất chúng chỉ hấp dẫn cho tới khi ta phát hiện thực tế vốn dĩ là điều hoàn toàn trái ngược. Có một khoảng cách dài giữa những con thỏ trắng thông minh luôn biết cách thoát khỏi hàm răng sắc nhọn của cá sấu hay sư tử trong câu chuyện lúc nhỏ ta đọc với những con thỏ mà đầu bếp kì công bày lên bàn cho ta thưởng thức khi lớn lên.
Sau khi nhìn thấy con mình, mẹ thằng bé ôm lấy nó và bắt đầu gọi nó là thỏ con, rồi họ rời đi với lời hứa không bao giờ trở lại. Bảo Vi không có thời gian để tạm biệt hay nhận lời cám ơn từ họ bởi cô đang phải lần lượt xin lỗi hàng loạt những khách hàng xung quanh vì sự chậm trễ của mình. Thêm salat ăn kèm, thêm nước sốt, thêm gia vị, đổi món, cô quay cuồng tới độ khi kết thúc ca làm việc, cô không biết rút cục cô đã trải qua nó thế nào. Cô về nhà, nằm rạp trên ghế sofa và để quên món đùi thỏ chiên đang dần nguội ngắt trên bàn.
Phần 2
Mùa đông – 10h sáng – Quán ăn
Hãy vui vẻ khi ta còn trẻ!
Tiền không thể mua được hạnh phúc, mẹ nuôi của Bảo Vi từng nói với cô như vậy. Nhưng có lẽ bà đã quên nhắc nhở cô rằng không có tiền, khó có thể có được hạnh phúc. Khi còn nhỏ, mọi thứ cô cần, bố mẹ nuôi đều đã lo liệu. Khi lớn lên, cô dần thấm thía sự thiếu thốn tiền bạc sẽ gây ra không ít những rắc rối và khó khăn, dù chỉ là trong những việc thường nhật nhất. Bởi vậy, một kế hoạch đầu tư dài hạn cho tương lai đã được Bảo Vi hoạch định và lập tức thực hiện. Số vốn ban đầu, cô may mắn có được từ việc cho thuê căn nhà cũ của bố mẹ đẻ và rao bán căn nhà của bố mẹ nuôi. Khách hàng đều là những người thân quen tin tưởng vào lời chào mời của Bảo Vi. Còn cô, nhờ sự cả tin ấy mà kiếm được một món hời.
Bước chân nặng nề trên nền gỗ lạnh, chiếc váy ren chậm chạp trượt dần khỏi làn da thô ráp, Bảo Vi cúi nhìn mui bàn tay nứt nẻ vì hanh khô. Khi còn trẻ, người ta thờ ơ với sức khỏe bởi họ tin bản thân còn rất nhiều thời gian để quan tâm tới nó. Nhưng khi tuổi trẻ dần trôi qua, họ bàng hoàng nhận ra bất cứ thứ gì cũng có thể làm họ trở nên yếu ớt. Chút lạnh của cơn mưa thoáng qua vào lúc rạng sáng dễ dàng khiến họ mắc cảm, lọm khọm đi lại như thể một bà lão.
Cố hít thở qua bờ môi khô khốc, Bảo Vi thật muốn cắt phăng đi hai bên cánh mũi tắc tịt vì xét cho cùng, cơ thể cô đâu cần dùng lượng máu ít ỏi để nuôi dưỡng một bộ phận nhất quyết không chịu làm nhiệm vụ của mình. Khoác lên người một chiếc áo choàng dài màu be, bên ngoài chiếc áo sơmi kẻ sọc cài kín cổ, Bảo Vi lặng lẽ kéo ra khỏi phòng chiếc vali cuối cùng, trước khi người chủ mới đến nhận nhà. Bố mẹ nuôi của cô rất thích đi du lịch. Mỗi lần trở về, họ đều khuân theo nhiều vali lớn nhỏ chật kín những thứ đồ lặt vặt mà theo họ, chẳng thể tìm thấy chiếc thứ hai. Từng căn phòng Bảo Vi đang chậm rãi bước qua giờ chỉ còn là những không gian trống rỗng, rồi đây sẽ được lấp đầy bằng những đồ vật khác.
Bảo Vi sau khi giao nhà thì thảnh thơi lái chiếc xe mới mua đi lòng vòng quanh thành phố. Nhưng chưa đi được bao xa, cô đã phải tùy tiện ghé vào một nhà hàng bên đường để trấn tĩnh chiếc dạ dày đang quặn thắt của mình.
Lần đầu tiên, mẹ của Bảo Vi phát hiện ra bố cô ngoại tình, bà đã ngồi yên lặng suốt đêm trong phòng khách. Rạng sáng, ngay khi bố cô vừa đặt chân qua ngưỡng cửa, bà đã ném vào ông tất cả những đồ đạc có trong tầm với và tất cả những từ ngữ cay nghiệt xuất hiện trong đầu. Thường chứng kiến cảnh hai bố mẹ to tiếng, nhưng đó là lần đầu Bảo Vi thấy họ gay gắt tới vậy. Cô thức dậy trong bộ dạng ngái ngủ, nép sau cánh cửa mở hé, nghe ngóng. Ngước nhìn đồng hồ, cô nhận ra tiết học đầu tiên sắp bắt đầu nhưng bản thân vẫn không thể nhúc nhích. Đột nhiên, cô nghe có tiếng bà ngoại tới. Đôi dép loẹt quẹt bước qua những mảnh vỡ, yên lặng vào phòng dẫn cô ra bếp, chuẩn bị bữa sáng cho cô. Sau đó, bà đưa cho cô một chiếc ví nhỏ, bên trong đã đựng sẵn tiền. Bà nói nếu sau này chuyện cãi cọ còn xảy ra thì cô cứ tự mình cầm tiền đi mua đồ ăn. Bụng no rồi sẽ không còn chỗ trống cho sự sợ hãi và buồn rầu.
Từ đó, như một thói quen, mỗi khi tâm trạng không tốt, Bảo Vi luôn cảm thấy đói. Nó như sự thúc giục từ cơ thể cô hãy nạp thức ăn vào và đẩy ra ngoài mọi suy nghĩ không vui.
Nhưng lần này, có lẽ cô đã chọn sai địa điểm để lấy lại tâm trạng. Nhà hàng cô tới, một nơi mang hơi hướng cổ điển với những tấm rèm lớn thêu hoa màu đồng và vàng nhạt. Một người đàn ông trung niên say sưa với chiếc saxophone của mình. Tiếng saxophone, một âm thanh trầm ấm, không da diết như tiếng violon, không thanh thoát, trong trẻo như tiếng piano, chỉ đơn giản như một giọng nói tâm tình nhưng cũng đủ để người nghe lộ ra nét mặt buồn rầu, ngẫm nghĩ.
Tiếng ghế bị kéo qua bên khiến Bảo Vi lập tức quay về thực tại. Trước mặt cô lúc này là một người đàn ông gần 30 tuổi, dáng cao gầy, lòe loẹt trong chiếc áo khoác họa tiết động vật và đôi giầy đá bóng loáng. Nếu có gì đó trên gương mặt anh ta khiến người khác có thể cảm thấy dễ chịu, đó có lẽ là chiếc mũi cao và đôi mắt tinh ranh luôn đưa qua đưa lại. Anh ta ngồi xuống, đối diện với Bảo Vi, cười rạng rỡ. Bảo Vi trái lại, không có vẻ mong đợi cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên này. Cô uống một ngụm nước lớn như để nuốt xuống những mảng màu sặc sỡ, hỗn độn anh ta vừa đổ vào thị giác cô, điềm tĩnh hỏi:
- Anh không còn cái áo nào nữa à?
- Có đấy!
Nói rồi, anh ta vui vẻ cởi bỏ lớp áo khoác ngoài để lộ ra chiếc áo sơmi màu vàng sậm và chiếc cà vạt màu xanh lục.
Anh ta nhoài người về phía trước, chống tay vào cằm, chăm chú nhìn Bảo Vi như thể sắp bắt đầu một câu chuyện dài hơi.
- Cô làm gì ở đây?
- Đi loanh quanh thôi. Còn anh?
- Tôi cũng vậy.
- Anh xem ra rất rảnh rỗi.
Như thể tảng lờ giọng điệu mỉa mai của Bảo Vi, anh ta trả lời, không chút ngập ngừng.
- Tất nhiên. Không ngại nói cho cô biết. Hôm trước, tôi vừa bị vợ chưa cưới đá. Còn hôm nay, tôi tự tay bán quán cà phê của mình.
- Rất tốt. Tôi chắc vì thế anh sẽ chấp nhận lời đề nghị của tôi.
- Lần đầu gặp, cô đề nghị tôi đưa cô về. Lần thứ hai, cô đề nghị tôi kết hôn với cô. Lần thứ ba, cô đề nghị tôi làm việc cho cô. Cô có vẻ luôn muốn làm chủ mọi chuyện.
- Lần đầu, anh đồng ý. Lần thứ hai, anh từ chối. Vậy tôi chắc lần này, câu trả lời của anh là đồng ý, đúng chứ?
- Sao lại là tôi?
- Tôi thích anh. Anh giảo hoạt và có vẻ ngoài không đáng tin.
- Cô có thể nói chi tiết hơn không?
- Giống như một gã quản lí quán bar vậy.
- Thôi, bỏ đi. Dù tôi có được công việc này vì lí do gì thì cũng không quan trọng. Giờ tôi thừa thời gian và thiếu tiền. Được, thỏa thuận vậy.
Anh ta ngoái đầu, mỉm cười gọi phục vụ rồi quay sang nói với Bảo Vi:
- Bữa hôm nay tôi mời.
Bảo Vi nhún vai chấp thuận và nhanh nhẹn gọi thêm một phần giống như lúc trước, vui vẻ thưởng thức.
Những câu chuyện không đầu không cuối về những thứ vô thưởng vô phạt như thời tiết, giao thông, phim ảnh…họ say sưa nói. Nhưng nếu lắng tai nghe kĩ, có thể dễ dàng nhận ra, những điều họ nói chẳng hề ăn khớp với nhau, giống như người này chỉ chờ câu chuyện của người kia kết thúc để thao thao về câu chuyện của riêng mình. Bảo Vi nói về những bộ phim hành động với âm mưu giết người và vũ khí hiện đại, còn Đặng Nam mải mê với những suy luận rối rắm trong các bộ phim giả tưởng. Bảo Vi sửng sốt cập nhật thông tin về những vụ lừa đảo xuyên quốc gia và những tên tội phạm biến thái, phía đối diện Đặng Nam không thôi bình luận về những chiếc giầy da nhái mà anh tình cờ phát hiện trong lần dạo phố gần đây nhất.
Khi bữa ăn kết thúc, Bảo Vi vừa rời khỏi nhà hàng thì bắt gặp phía bên kia đường, một gã đàn ông say xỉn. Cô chăm chú nhìn hắn như thể quen thân. Đặng Nam quay sang, thì thầm hỏi:
- Người quen của cô à?
- Anh nhìn kĩ đi, của cả anh nữa đấy.
Đặng Nam cau mày, tập trung vào dáng người to béo đang nghiêng ngả bám vào một bờ vai thuôn trắng mịn. Cơ mặt anh dần giãn ra, thay vào đó là một nụ cười nhếch mép.
- Không phải cô cố ý sắp xếp cho tôi nhìn thấy cảnh này đấy chứ?
- Là ông trời sắp xếp cho tôi nhìn thấy cảnh này. Anh không có xe đúng không? Đi thôi. Tôi đưa anh đi xem bộ phim giả tưởng mà anh thích.
- Sao vừa rồi cô nói loại phim đấy chỉ giành cho mấy kẻ tâm thần?
- Sau này tiếp xúc lâu hơn anh sẽ thấy, khi tâm trạng vui vẻ, tôi sẽ trở nên rất hào phóng và tốt bụng.
Họ cùng nhau sang đường. Đặng Nam có vẻ khó khăn khi phải thu gọn chân trong chiếc ôtô nhỏ. Anh quay đầu, nhìn quanh một lượt nội thất bên trong, hỏi:
- Mong là sau khi làm việc cho cô, tôi cũng có thể sống thoải mái như vậy. Nhưng sao lại là màu vàng, không phải cô rất ghét những thứ lòe loẹt sao?
- Vì màu vàng dễ được nhìn thấy từ xa, đặc biệt vào buổi tối. Mắt tôi không tốt vào buổi tối. Nhờ màu này, các lái xe khác sẽ biết đường tránh xa tôi.
Đặng Nam cười thích thú. Bảo Vi thực sự không biết anh vì sao luôn vui vẻ như vậy. Nếu cô là anh lúc này, ê chề vì thất bại trong cả hôn nhân và công việc, cô sẽ lao ra ngoài với chiếc xe mới mua và khuấy đảo xung quanh bằng nỗi sợ hãi.
Phần 3
Mùa đông – 8h tối – Căn hộ của Tường An
Nếu cuộc sống chỉ là một vở diễn, mọi người đều có thể đổi vai cho nhau thì có lẽ, trong kí ức của họ, đã không có nhiều tổn thương tới vậy.
Cánh hoa đã rách bươm bởi gió còn bị giọt nước đọng lại từ trận mưa ban sáng đẩy khỏi bệ cửa sổ, rơi xuống lớp đất nhớp nhúa bên dưới. Sâu sẽ trở thành bướm. Hoa rồi sẽ phai tàn. Tạo hóa, bằng cách của riêng mình, luôn đảm bảo cân bằng cho mọi thứ. Người ta nói: “Có trải qua khổ đau mới biết thế nào là hạnh phúc” nhưng điều ngược lại, liệu có đúng hơn, khi từng trải qua hạnh phúc mới thấm thía thế nào là đau khổ bởi mọi thứ chỉ mới đây đã vuột khỏi tầm tay.
Bảo Vi thở dài, kéo lại tấm rèm cửa sổ, ngồi xuống chiếc ghế sofa ưa thích mà suốt một tháng ở lì trong căn nhà cũ của bố mẹ đẻ, cô đã cặm cụi tự mình thiết kế. Một chiếc ghế da màu trắng ôm trọn lấy thân thể cô. Nó mềm mại và ấm áp như thể phía sau, cô có thể tựa vào ai đó. Mẹ nuôi cũng từng ôm cô như vậy, mỗi lần cô bị ốm. Khi còn nhỏ, bà đảm nhận việc bảo ban, chăm sóc mẹ của Bảo Vi. Không may, bà xem đó là một thất bại và kiên quyết không lặp lại sai lầm bằng cách đọc sách, những cuốn sách về việc nuôi dạy con cái đúng đắn và khoa học. Nhưng thay vì chắt lọc, bà lại thực hiện tất cả các phương pháp đã đọc được. Bà khiến Bảo Vi hỗn loạn, không thể phân định đâu mới là cách bà quyết định nuôi dạy cô để có thể cư xử cho phù hợp. Bà đôi lúc phóng khoáng, thân thiện như một người bạn cũ, nhưng chỉ vài ngày sau, khi đọc đến chương tiếp theo của cuốn sách, bà lại trở nên khó tính và hà khắc như một phụ nữ trung niên chưa chồng. Cuối cùng, có lẽ vì đã thấm mệt khi phải hóa thân vào những nhân vật có tính cách trái ngược nhau, bà nghỉ ngơi và để Bảo Vi làm những gì cô muốn. Từ xa, bà quan sát cô và phát hiện điều cô thừa hưởng từ mẹ đẻ chỉ là cặp mắt một mí và nước da nâu khỏe khoắn. Cô khác em gái bà, ít nhất cô chưa từng cáu giận hay la hét. Cô luôn biết cách để những người xung quanh phải làm theo ý mình mà không cần dùng đến sức mạnh, thứ mà bản thân cô từ nhỏ đã chẳng mấy dư thừa.
Căn phòng đóng kín. Một chút lạnh cũng không thể lọt qua nhưng bên ngoài những tán cây đã sũng nước bị gió kéo gập khiến cảm giác về giá rét trong tượng tưởng như đang luồn qua da thịt của Bảo Vi. Rúc sâu hơn bàn chân tê buốt vào lớp chăn dạ ấm, cô liếc nhìn đồ đạc quanh mình. Một khoản tiền bỏ ra, cô đã thay mới toàn bộ. Những thứ như ren, cườm và đăng ten đều bị lột bỏ, thay vào đó là gỗ, chất liệu ưa thích của Bảo Vi. Nhưng căn phòng rộng rãi, vốn dĩ được xếp đặt gọn gàng mới vài hôm đã bị cô biến thành một đống hỗn độn. Cô luôn lần lữa việc dọn dẹp, thậm chí từ chối khi dì Dung muốn làm hộ bởi lí do, chỉ có để vậy, cô mới có thể dễ dàng tìm thấy những thứ mình cần. Dì Dung không hiểu và cũng chẳng bao giờ muốn hiểu những lí lẽ của cô. Dì chờ cô đi làm để dọn dẹp, còn cô, lại tiếp tục bày bừa khi trở về. Vòng tuần hoàn cứ thế tiếp diễn cho tới khi cả hai bên đều mệt lả và thỏa thuận với nhau về việc tổng vệ sinh mỗi chiều chủ nhật.
Như thể một đàn gõ kiến rên la vì đói, những âm thanh khó chịu lặp đi lặp lại trong đầu khiến Bảo Vi không thể chợp mắt, dù cô đã đi quanh căn phòng, suy nghĩ đủ thứ để có thể ngủ. Cô đã dừng thuốc ngay khi những triệu chứng cảm cúm đầu tiên thuyên giảm và giờ cô ngồi đây với thân thể ê ẩm như miếng thịt bò người ta đem dần mỏng để chuẩn bị cho món bít tết và thấm thía câu: “Nhổ cỏ, nhổ tận gốc”. Mỗi khi ốm, cô đều rơi vào trạng thái này, rất mệt nhưng không thể ngủ. Mọi nỗ lực để đầu óc thư thái của cô lập tức trở nên vô ích ngay khi Tường An hậm hực bước vào, dáo dác tìm kiếm thứ gì đó rồi nhìn cô, hỏi sẵng:
- Mẹ mình đâu rồi?
Bảo Vi khoanh tay trước ngực, điềm nhiên trả lời mà không hề mở mắt.
- Mẹ của cậu sao lại tìm ở chỗ mình?
- Vậy mới nói. Cậu trưng dụng phòng mình, giờ còn trưng dụng luôn cả mẹ mình.
- Là mình không có nên mới phải mượn tạm, sau này không phải vẫn là của cậu sao?
Bảo Vi dùng giọng mũi để nhại lại câu Tường An từng nói khi đến vay tiền cô. Tường An mím chặt môi rồi ném về phía cô một bọc giấy nhỏ. Bảo Vi bật dậy, nhíu mày nghi ngại.
- Gì vậy? Không phải mới đó cậu đã kiếm đủ tiền trả nợ rồi đấy chứ?
- Không phải tiền. Nhưng là thứ có thể trừ nợ.
Gói giấy được mở ra. Quả thật, những thứ bên trong đã không làm Bảo Vi thất vọng.
- Cậu chuyển nghề được rồi đấy. Nét thế này thì không chỉ là gây gổ đâu, có thể còn xảy ra án mạng ấy chứ.
- Mình không học trường báo chí để trở thành tay săn ảnh.
- Vậy mình học trường kinh tế để làm phục vụ bàn sao?
- Thôi, đừng gây nhau nữa. Nhưng giọng cậu sao vậy?
- Cám cúm thôi.
- Chắc sau đây cậu sẽ bảo mình đi mua thuốc đúng không?
- Không, mẹ cậu mua giúp mình rồi.
- Thật không hiểu. Trông cậu như tuyển thủ bơi lội mà hễ dính chút mưa là mắc cảm.
- Mình cũng không hiểu. Trông cậu như miếng kẹo cắn dở mà lúc nào cũng có thể kênh kiệu về sức khỏe của mình.
- Bớt tính toán cách thao túng người khác đi, cậu sẽ khỏe như mình thôi.
- Vì mình không khỏe mạnh nên mới phải dùng đến đầu óc.
Tường An chậm rãi tiến lại gần chỗ Bảo Vi, hạ thấp giọng, hỏi:
- Mình hỏi cậu, tại sao lại là nhà hàng đó?
- Vì nó quan trọng với tất cả mọi người, trừ mình.
- Rút cục thì cậu định làm gì nó?
- Không biết nữa, làm nó rơi vào hỗn loạn hay cứu nó khỏi đống hỗn loạn. Theo cậu, điều gì thú vị hơn?
- Nếu muốn điều khiển cuộc sống của người khác đến thế, sao cậu không tự điều khiển cuộc sống của chính mình đi.
Tường An bước qua những đụn quần áo và sách báo lộn xộn dưới sàn nhà, bỏ ra ngoài.
Bảo Vi nhìn theo Tường An, mỉm cười. Vóc dáng của Tường An giống của một bé gái hơn là của một phụ nữ trưởng thành. Nước da trắng, lông mày đậm và những đốm tàn nhang mờ dưới mí mắt phải, cô luôn khiến người ta cảm thấy vô hại, thậm chí gợi cảm giác ngờ nghệch. Nhưng trái với vẻ bề ngoài, cô là người nóng tính và luôn dựa vào sức mạnh thể lực để giải quyết vấn đề mà không màng tới hậu quả hay suy tính trước sau.
Năm đó, khi chạy tới phòng cấp cứu và nhìn thấy Bảo Vi bất động mà không một ai màng tới, Tường An đã nắm tóc y tá gần đó, kéo tới chỗ Bảo Vi và chỉ cho cô ta thấy rằng, dù chiếc váy ren Bảo Vi đang mặc trên người màu đen nhưng ai cũng có thể ngửi thấy mùi máu đậm đặc quanh thân thể cô, cô cần được cứu chứ không phải bỏ mặc chỉ bởi người nhà chưa tới và đút vào tay cô ta vài đồng bạc lẻ. Cô y tá có lẽ nhờ kinh nghiệm đã bình tĩnh giật tay Tường An ra khỏi tóc mình, đưa tới trước cánh mũi Bảo Vi và nói rằng Bảo Vi là bệnh nhân duy nhất còn sống trong phòng cấp cứu lúc đó và giờ hãy để cô ta làm việc của mình, lo liệu cho những cái xác ở kế bên.
Mẹ Bảo Vi, người phụ nữ xuất hiện 1 ngày sau đó, đã đảm bảo với Tường An rằng không gã bác sĩ nào dám qua mặt bà và lấy bố Bảo Vi ra làm một minh chứng, rồi nói cô có thể yên tâm trở về và quay lại để thay ca cho bà. Cứ như vậy, 6 tháng trôi qua, hai người từng nhìn chằm chằm Bảo Vi mỗi ngày để chắc rằng cô không ngừng thở khi họ quay đi, đã đánh cô không tiếc sức khi cô tỉnh lại và nói rằng việc đó chẳng có gì vui, cô muốn ngủ và chẳng cần bận tâm tới bất cứ việc gì.
Mẹ Bảo Vì từng phản đối tình bạn giữa cô và Tường An vì bà cho rằng chẳng có gì tốt đẹp khi ở cạnh một phụ nữ hư hỏng hay con của cô ta. Nhưng rồi bà nhanh chóng thay đổi cách nhìn. Bà nhận ra Tường Ăn, người nóng nảy nhưng thẳng thắn và chân thành, sẽ khỏa lấp những kí ức không mấy vui vẻ của Bảo Vì khi còn nhỏ, để cô biết rằng mối quan hệ giữa người với người không chỉ có cãi cọ, phản bội và đáng khinh.
Bảo Vi từng có giấc mơ về biển. Ở đó, cô nằm dài trên bãi cát để mặc gió cù nhẹ gang bàn chân, sóng trêu đùa thính giác và đằng sau là tiếng cười nói của tất thảy mọi người cô quen trong một gian nhà gỗ. Nếu cuộc sống chỉ là một vở diễn, mọi người đều có thể đổi vai cho nhau thì có lẽ, trong kí ức của họ, đã không có nhiều tổn thương tới vậy.
Chương 3 << >> Chương 5