Bóng anh hùng quyển đầu: Biên cương - Cập nhật - Banhmitrung

Banhmitrung

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
12/8/14
Bài viết
174
Gạo
0,0
05. Trước bình minh (a)

1. Đêm trắng

Trăng treo lơ lửng trên đỉnh trời, ánh sáng nhẹ nhàng len qua kẽ lá, rải trên mặt đất những mảnh vụn vỡ màu ngà. Bờ cỏ mềm ngậm ánh trăng tan, lan lan như dải sóng bạc, thoang thoảng nghe mùi hoa cỏ đồng nội vương vấn ở khắp nơi. Ngọn gió buổi đêm khẽ trườn qua sườn đồi, thổi phất phơ dải áo của một người đàn ông đang chắp tay đứng đó.

Gương mặt gầy gò hốc hác, nước da lại nhợt nhạt tái xanh như người bị chứng cớm nắng lâu ngày, thoạt trông ông ta có dáng vẻ của một con bệnh vừa khỏi. Thế nhưng dưới đôi mày liễu thanh thoát lại là một ánh mắt tĩnh lặng và thâm trầm, mênh mông như biển như hồ, sâu rộng tới mức tựa hồ có thể dung nạp hết thảy những sóng gió bể dâu của cuộc đời. Người đàn ông đó đứng giữa vùng ánh sáng dịu dàng, ngẩng mặt lên ngắm trăng, dáng vẻ vừa cô độc vừa cao quý.

“Bác Thành” - Bên cạnh ông chợt vang lên tiếng gọi của Gia Tuyên - “Nước chè đã pha xong rồi đây ạ.”

Lúc quay người lại Trần Thành suýt nữa phì cười. Thật không hiểu gã tướng quân thô hào ấy tìm ở đâu nơi vùng biên này mấy loại chè như cỏ dại thế này nữa. Nước thắng chắc là nước suối múc đại bên đường, thậm chí còn pha một cách nửa sống nửa chín, khiến cho kẻ thích thưởng chè như ông vừa ngửi đã nhăn mũi lại. Thức ăn kèm chỉ là mấy bánh lương khô cắt nhỏ thành miếng, bát đĩa là túi da đựng nước vốn thường dùng trong quân.

Hiếm ai có thể mường tượng ra cảnh đại quan đầu triều uy thế hiển hách đối ẩm cùng vị thiên tướng danh tiếng lẫy lừng bốn phương, lại bằng một cuộc chè đơn sơ nghèo nàn đến như thế. Trong quân vốn cấm rượu, trừ khi phải hành quân trong mùa đông rét lạnh. Vả lại Trần Thành cũng không thích uống rượu, thế là Gia Tuyên đã xoay xở tìm ra cách pha chè, một việc gã chưa bao giờ làm trước đây.

Cho đến khi Hổ tướng quân lóng ngóng rót chè ra hai cái chén hạt mít sứt sẹo không biết lôi từ đâu ra, sau đó nhăn mặt uống ực một phát thì Trần Thành không nhịn được nữa, bật cười ha hả:

- Ha ha, cái thằng này, đừng có bày đặt nữa, cả đời đã đụng đến chén chè nào chưa. Có đâu lại uống như phường ăn cướp thế.

Mắng dứt lời bèn thò tay giật lấy ấm chè và cái chén, tự rót tự uống. Tuyên cười cười, cũng không lấy gì làm ngượng ngùng lắm:

- Bác bảy thông cảm, lính tráng bọn cháu ăn bờ uống bụi quen rồi, bộ ấm chén này cháu phải cướp của gã hàng rượu ven đường ban sáng đấy.

Trần Thành xoay xoay chén trà nóng hổi trong tay, muốn mượn nhiệt khí của nó để xua bớt cái lạnh giá đầu đông vùng Đông Bắc, cất tiếng hỏi:

- Hồi chiều chúng ta thiệt hại bao nhiêu người, đã lo cho thương binh chưa.

Tuyên thở dài, ngồi xuống:

- Anh em chết trận hơn ba mươi người, bị thương nặng mười mấy người. Về cơ bản chúng ta thiệt hại một nửa binh sĩ. Đặc biệt chiêu Vẫn Lạc Lưu Quang cuối cùng ấy đã sát hại tại chỗ mười người.

Trấn Thành than một tiếng:

- Suy cho cùng họ cũng vì muốn giúp đỡ ta, chỉ là họ không hiểu câu chuyện bên trong mà thôi. Có cách nào để họ tự rút lui mà không phải chiến đấu không?

Hổ tướng quân thản nhiên trả lời:

- Châu Trì và anh em họ Phạm đúng là những kẻ xả thân vì nghĩa. Có điều chúng ta cũng không còn cách nào khác, nếu họ lại đến một lần nữa thì cháu phải giết chết tất cả. Kế hoạch của chúng ta không thể nói rõ ràng cho bọn họ biết, lại càng không thể thất bại vì những tay tự cho mình là nghĩa sĩ giang hồ ấy.

“Không thể thất bại” – Vị tướng quân nhắc lại, quyết liệt và kiên định.

Câu nói mang dáng vẻ quyết liệt này, ba năm trước y cũng đã một lần nói ra, ở trước đầu long xa. Tướng quân trước ngựa cười cười nói nói, mắt thấy vạn binh vẫn như không. Lúc ấy tuyệt nhiên chẳng có một ai dám coi thường y, hay cho rằng y là kẻ khoác lác. Ngay cả vị quân vương thường ngày vốn quyết liệt háo sát, cũng không có lập tức hạ lệnh chém đầu y.

Vì rằng câu nói ấy kết hợp cùng với bộ dáng ngạo nghễ coi thường cả trời đất của viên hiệu úy khi ấy, khiến cho người ta bất giác nảy sinh một sự tin tưởng vững vàng, khiến cho người ta chợt muốn đánh liều một phen.

Trần Thành nhìn sâu vào đôi mắt của Tuyến, liền có thể thấy được tia lửa vừa hung tàn vừa đáng sợ lóe lên. Lăn lộn trong quan trường mười mấy năm, trải qua không biết bao nhiêu biến động thời cuộc, ông biết rằng tia lửa ấy có thể thiêu cháy bất kỳ trở ngại nào chắn ngang đường.

Đó không phải âm mưu hiểm độc của giang hồ. Đó cũng không phải thủ đoạn lắt léo mà đám quan lại hay chơi. Đó là phong thái của một vị bá tướng ngang dọc chiến trường. Vỏn vẹn chỉ có bốn chữ đơn giản khơi khơi vậy đó, mà lại mang theo thứ quyết tâm vô tình và tàn nhẫn, đến mức không còn phải uý kị chuyện gì.

Đến mức, không hề sợ phải mang tội với thiên hạ.

Loại người như thế, liệu rằng có mấy ai can đảm chặn đầu y. Trần Thành thậm chí ngờ rằng, nếu có phải tàn sát hết sạch cả nghĩa sĩ vùng Mộc Sơn này trong trường hợp cần thiết, Hổ tướng quân cũng sẽ không cau mày lấy một cái.

Đến lúc này ông mới chân chính hiểu được cảm giác của đức vua khi hạ lệnh đem cả cả ngàn cấm vệ quân của hoàng thành chém chết một lượt trong trận binh biến năm Ứng Thiên thứ nhất.

Có những người vì nhân đạo có thể bỏ qua mục đích của mình, nhưng cũng có những người vì mục đích của mình mà sẳn sàng vứt bỏ sang một bên lòng nhân đạo. Đời sau hay lịch sử có thể ghi chép về họ như những tên bạo chúa, những kẻ giết người không ghê tay, có thể lưu danh họ là tội nhân của đạo lý luân thường, nhưng có ai dám chắc rằng vào thời điểm đó, làm như thế, thật sự là đúng hay là sai.

Hổ tướng quân, là loại người như thế.

Trần Thành, là loại người như thế.

Lê Long Đĩnh, cũng là loại người như thế.
ooo​

Trần Thành nhón lấy một miếng lương khô, vừa ăn vừa hỏi chuyện. Ông là văn quan, không có thể lực và thân thể mạnh khỏe như đám võ tướng, một đường bôn ba đến đây đã hết sức mệt mỏi rồi.

- Ngày mai chúng ta sẽ gặp người của ngục Bát Quái. Ta nghe nói viên ngục trưởng là Diệp Mân, hàm tứ phẩm, vốn là người gốc Trung Nguyên sang nước ta đã mấy đời, tiếng tăm cũng không tốt đẹp gì.

“Vâng, thưa bác” - Tuyên gật đầu, tư liệu quan lại vùng đông bắc y nắm rõ trong lòng bàn tay - “Diệp Mân bản tính tham lam, thích nhận hối lộ, ỷ vào nơi đây là vùng biên viễn, trời cao hoàng đế xa, hoành hành không cố kỵ gì. Tại Mộc Sơn không có quan viên nào lớn hơn y hai cấp, nên không ai có quyền xen vào công việc của ngục Bát Quái. Có điều, y thật sự là kẻ có tài năng.”

“Có tài năng ư” – Trần Thành nhíu mày – “Về phương diện nào?”

“Gác ngục” – Tuyên thản nhiên – “Ngục Bát Quái vốn là một tòa thành kiên cố có tám cửa, xây theo sơ đồ bát quái. Cách đây năm năm, khi có mấy đợt xung đột biên giới với người Tống, nơi đây đã bị hư hại nặng. Diệp Mân khi ấy nhận lệnh nhậm chức ngục trưởng, đã tự tay xây dựng Bát Quái ngục còn đáng sợ hơn trước đây nhiều lần. Theo như những gì cháu biết thì từ ấy đến nay chưa một ai có thể đào thoát ra khỏi nhà ngục này, dù là những tay kiêu dũng tế thế như họ Cử ở cửa Thần Phù, hay họ Chu ở bên mạn châu Hoan đi nữa. Nghe đồn họ Diệp thông thạo thuật ngũ hành, bắt nguồn từ một phái phong thủy cổ xưa từ Trung Nguyên.”

“Có khả năng thuyết phục y ngả về phía ta hay không, tiền tài hay quyền thế?” - Trần Thành hỏi.

“Chừng sáu phần thành công” – Hổ tướng quân cân nhắc, tay ngục trưởng là một kẻ cứng cựa khó bề doạ nạt – Thám báo của chúng ta báo về, bên ngoài họ Diệp tỏ ra tham lam tài phú, thế nhưng đó chỉ là tầm bình phong mà y dựng lên để che mắt thiên hạ mà thôi. Nếu dựa vào tiền tài để y trung thành, căn bản là chuyện viển vông.”

- Nếu tâm thuật y bất chính, vậy thì giết. Chúng ta phải nắm lấy ngục Bát Quái, tiếp xúc với trại Anh Hùng.”

“Bác bảy” – Tuyên ngập ngừng một lúc, nhưng vẫn quyết định nói thẳng ra – “Vì sao phải sử dụng người của trại Anh Hùng, chỉ cần nắm được hai nghìn ngục vệ, giao cho bọn tướng lĩnh của cháu chỉ huy, có cái gì mà không làm được.”

Trần Thành lắc đầu:

- Có những chuyện quân đội không thể nhúng tay vào, vì sẽ thành chuyện hai nước binh đao. Vả lại mấy người đang ở trong trại Anh Hùng đều là phường nghĩa sĩ. Ánh mắt của ta và họ có bất đồng, nhưng suy cho cùng thì ai cũng muốn báo đền nợ nước mà thôi.”

“Nhưng mà…” – Tuyên còn muốn nói nữa nhưng Trần Thành đã khoát tay:

- Chuyện của cháu ta còn không biết hay sao. Ở đây tranh cường cái gì. Cầm lấy.

Dứt lời ông thò tay lấy trong ngực áo ra một lọ sứ nhỏ, thẩy nhẹ vào tay vị tướng quân:

- Có ít mật gấu đây, cháu lấy mà dùng.

Hổ tướng quân đón lấy lọ mật gấu, mấp máy môi định nói gì đó nhưng lại thôi, chỉ cúi xuống chăm chú chiết mật gấu ra chén nhỏ. Trần Thành hỏi tiếp:

- Gã thích khách hồi chiều lợi hại lắm đúng không, ta thấy cháu trúng thương không nhẹ.

- Hắn là thích khách từ Đại Tống. Lộ số vũ công ấy là vũ học của Trung Nguyên. Nội lực hắn rất mạnh, chỉ giao đấu một đòn mà có thể chấn động cả kinh mạch của cháu, ngay cả nước ta cũng không có mấy người. Nhưng vũ công có cao hơn nữa cũng không đáng sợ, đáng sợ ở chỗ là hắn có thể giả trang vào đám binh lính mà không ai nhận ra. Có thể làm được như thế chứng tỏ hắn rất thông thạo nội tình của chúng ta. Hiện giờ gã thích khách ấy như con rắn độc ẩn nấp trong bóng tối, chờ cơ hội tiếp theo. Có điều trong khoảng thời gian từ đây đến ngục Bát Quái y cũng không thể ra tay nữa.

- Là ý gì?

“Chấn động kinh mạch của cháu” – Tuyên ngạo nghễ - “Cũng phải trả một giá không nhỏ đi, trong vòng một tuần y sẽ phải dưỡng thương cẩn thận, nếu không ngay cả Kiệt cũng có thể giết y.”

“Như vậy, Đại Tống đã nhúng tay vào chuyện này rồi” – Trần Thành trầm ngâm – “Tri châu Quảng Tây quả thật nhạy bén, chỉ từ vài tin tức trong nước mà có thể suy đoán đến bực này. Điều quan trọng là hiện giờ họ đã phái bao nhiêu sát thủ vào nước ta.”

- Vào bao nhiêu, giết bấy nhiêu, là xong chứ gì.

“Cái thằng lỗ mãng này” – Trần Thành mắng – “Ngày mai khoan hãy gặp người của Diệp Mân đã, cháu truyền tin cho y nói rằng ta bị kinh sợ nên tạm nghỉ ngơi một ngày. Phái cho ta bốn người hộ tống, ta cần phải gặp một người bạn cũ trước.”

- Bác bảy, vậy nguy hiểm lắm. Chi bằng chúng ta đưa cả đội quân đi, có gì còn ứng phó được.

“Không cần, cháu ở đây thu hút sự chú ý của họ, bên ta ít người đi nhanh về nhanh” – Trần Thành khoát tay – “Từ lúc bước chân ra khỏi đế đô, có nơi nào không là chỗ tranh chấp sinh tử, còn lo cái gì chứ.”

- Vậy để cháu cho Kiệt đi theo chú. Thằng nhóc mới mười bảy thôi, nhưng trong quân Bạch Hổ không ai vượt qua nó được đâu.

Trần Thành gật gật đầu, trong đầu lại hiện lên hình ảnh viên tướng áo đỏ, tay cầm thương bạc, tựa như một ngọn lửa hồng hoang rực cháy.

Đêm trắng như sương rơi. Gió lạnh như sương rơi. Lòng người như sương rơi.

Những đợt sóng của vận mệnh đã nổi lên ở đằng xa. Ầm ì ầm ì, muốn cuốn đi tất cả. Nên cương ngạnh chống lại hay là bỏ mặc xuôi tay.

Trăng vẫn loang loáng như nước, phủ ngập cả một vùng. Hai người bọn họ tắm mình trong làn ánh sáng huyền diệu thanh tao ấy, cứ ngồi đó trò chuyện vu vơ, cho đến tận lúc hừng đông nhuộm hồng phía chân trời.​
 

Banhmitrung

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
12/8/14
Bài viết
174
Gạo
0,0
Chương 05b: Trước bình minh

2. Bình minh màu lá.

Tiếng gà gáy văng vẳng vọng lại từ nơi nào đó đã đánh thức Tạ Yên Vân dậy.

Đêm hôm qua gã ngồi vận chân khí gần ba canh giờ mới có thể chợp mắt. Chân khí nội kình của gã vốn tự đứng thành một đường riêng biệt trong vũ lâm, đạt tới mức độ vừa hùng hậu vừa tự nhiên như gió thổi mây bay, thế mà lần này cứ chạy đến ngực là dường như bị tắc nghẽn lại một chút.

Tạ Yên Vân thở dài. Viên tướng Đại Cồ Việt kia quả thật đáng sợ.

Hai bên mới giao thủ qua một chiêu, kình lực của y đã thấu vào đến tận tâm mạch, tuy không gây nên nội thương nghiêm trọng nhưng cũng khiến gã cảm thấy khó chịu. Nội kình hùng hậu như thế, điều khiển lực đạo xảo diệu như thế, vũ công của y e là còn hơn mấy phần so với Trác Thần Huyền. Tuy lần này gã lấy mạnh đè yếu, dùng chân lực hơn hẳn của mình đè nén và triệt tiêu luồng ngoại lực kia, nhưng gã vẫn phải đảm bảo mình ở trang thái tốt nhất nếu tái chiến.

‘Người có vũ công như thế, tại sao lại làm loại công việc đi áp tải tù nhân’ - Tạ Yên Vân trầm ngâm suy nghĩ.

Cho dù tù nhân từng là đại quan đầu triều cũng không đến mức phải điều đi hai vị tướng quân áp giải. Mà đôi quân Đại Cồ Việt này tác chiến cũng thật vô tình, đến cả tù binh cũng không lưu lại. Chứng tỏ người tên Trần Thành kia, không chỉ là phạm quan đơn thuần.

Tạ Yên Vân thở dài, y vừa chợt nhớ ra đối phương còn một tay tướng trẻ nữa. Vũ công của tên ấy đủ sức đánh ngang tay với y ít nhất là trong năm, sáu hiệp. Có nghĩa là hiện tại lực lượng của đối phương hơn hẳn y.

Quả nhiên không dễ nuốt, hèn gì tri châu Quảng Châu treo giá cao đến như vậy.

Bảy thang sen tía có tuổi thọ gần trăm năm hái bên thánh hồ Vạn Mộng, với vũ sĩ là kỳ trân dị bảo khó tìm, có thể nhờ nó mà tăng đến mấy mươi năm chân lực. Đối với người bình thường lại càng quý giá không tưởng, thậm chí có thể cải tử hoàn sinh, giúp cho thân thể miễn nhiễm với mọi loại chất độc. Ngoài ra còn bao nhiêu là châu báu ngọc ngà kèm theo nữa.

Tạ Yên Vân lại thở dài lần thứ ba.

Gã một thói quen tự đếm những tiếng thở dài của mình. Đếm đi đếm lại, rồi chợt phát hiện mình đã đếm nhầm. Nhưng cái gì trên đời cũng còn có thể nhầm, huống chi là đếm. Dù sao gã cũng không muốn tìm hiểu đến rốt ráo thân phận của Trần Thành là thế nào, chỉ muốn nhanh nhanh giết chết ông ta, rồi trở về lấy cách phối chế sen tía thành thuốc. Bởi vì nếu không có phương cách phối chế này thì bảy thang thuốc đó cũng biến thành vô dụng.

Nơi quê nhà, có người đang chờ gã mang thuốc ấy trở về.

Cái gã sát thủ danh tiếng Trung Nguyên ấy cứ nằm nguyên tại một góc miếu hoang mà suy nghĩ vẩn vơ, vừa thở dài vừa lắng nghe cái se sắt lạnh lẽo của một buổi sáng đầu đông thấm qua lớp áo bộ hành. Thanh kiếm đen dựng kề một bên mình gã, chuôi kiếm khắc hình một vị thần có tướng mạo cổ quái, đã bị vỡ mất một phần đầu. Nụ cười vốn dĩ từ bi của tượng, cũng vì thế mà trở thành nửa như cười nửa như mếu, như nửa phần thương xót, nửa phần cười nhạo nhân gian.

Nhân gian ô trọc, thánh thần là chi mà cứ phải thương xót hay chê cười.

Ánh nắng xuyên qua mảnh vỡ nơi mái nhà, chiếu thành một vùng sáng tinh nghịch trên nền đất đầy bụi bặm, cứ sáng lên rồi lại dịu di, sau đó lại sáng lên lần nữa. Ngoài kia tiếng chim kêu ríu rít trên tàng cây văng vẳng vọng vào, chen lẫn với tiếng gió lay kẽ lá xào xạc, khiến tâm hồn gã có cảm giác lắng đọng thật êm đềm.

Trong tâm trí Tạ Yên Vân chợt hiện lên hình ảnh một thiếu niên áo vải sờn vai, cũng vào một buổi sáng đông sang lạnh lẽo như hôm nay, ôm thanh kiếm rỉ sét trong tay đứng dưới cổng tam quan khí thế hùng vĩ của Thần Kiếm môn, nước mắt hàng hàng.

Rơi xuống mặt đất.

Lặng lẽ, nở thành hoa.
ooo​


Vốn dĩ gã là kẻ không có năng khiếu về võ học.

Ba năm chăm chỉ luyện tập những bài kiếm quyền nhập môn, thế nhưng chỉ cần bị đẩy ra sau núi làm tạp vụ một tháng, gã đã hầu như quên sạch tất cả các chiêu thức ấy. Cần nói thêm là, những đứa trẻ sống ở dãy nhà tạp vụ ấy đều là loại mồ côi bất thành khí.

Gã cũng chẳng để tâm mấy. Lúc công việc rảnh rỗi vẫn thường tha thẩn dạo chơi ở dưới chân núi. Tâm tính đơn thuần của gã dường như không mấy thích hợp với những võ quyết phức tạp, những công pháp đầy biến ảo của môn phái bài danh trong năm môn phái nổi danh về kiếm thuật ấy. Võ học của Thần Kiếm môn, tìm bất kỳ kẻ nào có chút kiến thức giang hồ lại mà hỏi, câu trả lời ắt đều là bí kíp tuyệt thế. Có điều, trước một kho châu báu ngọc ngà như vậy mà lấy không xong, có kẻ uất hận đứt tim mà chết, có kẻ lại chẳng buồn quá hai ngày.

Đấy, cũng là một dạng tính cách.

Đứa trẻ con ấy thật ra cũng có để tâm, cũng có chút buồn bã thất vọng, nhưng lại dễ dàng chấp nhận cái sự “không được” ấy. Cuộc sống cơ cực từ thuở bé thơ đã rèn luyện cho gã cái tính chấp nhận những sự không thể, một cách cam chịu.

Vậy mà có người lại nhìn trúng cái tên thất bại là gã đây.

Nhìn trúng lúc gã đang ngồi vẩn vơ ngắm mây trôi trên đỉnh núi sau buổi cơm trưa. Ngọn núi cao ba ngàn thước ở sau viện Thần Kiếm môn.

Người ấy đã hỏi gã thấy gì. Gã bảo, sông - chỉ vào mây, một cái đập - chỉ vào núi. Kia là con thuyền.

Người ấy giật mình, hỏi lại - “Thuyền ở đâu?”

“Thuyền ở kia” - Gã chỉ vào ánh mặt trời chói lọi - “Thuyền dát bằng vàng.”

Người ấy chẳng nói gì, chỉ trầm ngâm nhìn gã thật kỹ. Cái gã thiếu niên trông hơi khù khờ ấy, không ngờ lại có thể nhìn thẳng vào mặt trời giữa trưa mà không hề chớp mắt.

“Tiểu tử, ngươi có muốn học võ không” - Người ấy hỏi.

“Có” - Gã chợt cười ngượng, lắc đầu - “Mà không, ta không học được”

- Học không được cũng không sao, chỉ cần mỗi ngày thấy thoải mái là được.

Gã chăm chú nhìn người ấy, rồi nhoẻn miệng cười. Học hay không học có gì quan trọng, chỉ cần mỗi ngày đều vui vẻ là được.

Cái tình thầy trò giữa hai người bọn họ cứ thế mà nảy nở sinh sôi, tự nhiên như mụt măng mọc dưới bụi tre. Gã đã chẳng hề biết cái quy củ không được tự ý bái sư khi đã có môn phái thì cũng đành, mà người ấy dường như cũng chẳng thèm nhớ tới bao giờ.

Tuy là bảo không học vũ công cũng không sao, nhưng y lại bắt gã thiếu niên ấy luyện kiếm suốt ngày không ngừng nghỉ.
ooo​

Rồi một ngày kia, Thần Kiếm môn bị tấn công.

Sư phụ của gã thừa lúc gã sơ ý, ra tay điểm huyệt gã lại, đem nhét vào cái hang bên sườn núi, còn y xách kiếm chạy ra đại sảnh đằng trước.

“Ta tuy không được môn phái thừa nhận” - Y bâng quơ chỉ chỉ về đằng trước - “Nhưng mà đây là nơi đã cưu mang ta.”

Người ấy chẳng bao giờ trở về nữa.
ooo​

Lúc gã lần mò ra được tới đại sảnh thì trận chiến đã kết thúc. Thần Kiếm môn uy danh lừng lẫy mấy mươi năm, qua trận phong ba này, tuy là không có tan thành cát bụi nhưng cũng đã sụp đổ một phần lớn.

Gã nhặt lấy thanh kiếm gãy một nửa còn hoen vết máu đang nằm lăn lóc bên gốc cây du, khóc không thành tiếng. Thanh kiếm có ba vết mẻ ở sát chuôi, lý do là gã một lần lén lấy nó từ chổ sư phụ để ghè mấy tảng đá. Gã mồ côi từ lúc mới sinh, người thân thiết với gã nhất cũng chỉ có người ấy.

Vậy mà giờ đây, cả xác cũng chẳng còn.

Thế nhưng khi gã rụt rè kéo tay áo vị sư bá đang bừng bừng giận dữ, đáp lại chỉ là câu quát mắng:

- Loại bất tài vô tướng như người, dựa vào cái gì mà đòi đi báo thù kia chứ?

Đúng rồi, thậm chí trên đời này có những người, đến cả tư cách báo thù cũng không có.

Đấy là lần đầu tiên trong đời, tâm hồn thuần khiết của gã thấm thía cảm giác bất lực. Bất lực trong uất hận, bất lực trong cay đắng. Mãi về sau này, cảm giác ấy cũng có lúc quay lại, tuy cũng đau đớn vô ngần nhưng vẫn không sao sánh được cái lần đầu tiên ấy.

Nỗi đau đầu tiên là một khoảnh khắc vĩnh cửu, cứ lẳng lặng mà tồn tại, cứ nhẹ nhàng mà khắc sâu.

Sâu thật sâu. Lâu thật lâu.

Nhưng gã cũng chỉ đành quay đi. Ôm thanh kiếm gãy vào lòng, gã quay về tìm lại cuốn bí kíp võ quyết sư phụ hay cất dưới gối trong phòng ngủ.

Bên lề cuốn bí kíp cũ nát ấy có vài dòng chữ ghi vội, nét chữ xiên xiên mềm mại.

“Tiểu Yến, ta thật sự mong một ngày nào đó con được sư môn thừa nhận, đừng như ta.”

Đừng như ta, đừng như ta, con nhé.

Đấy, là kỳ vọng đầu tiên người ta ký thác lên gã.
ooo​

Tâm Tứ Thức.

Cái tên của bộ võ quyết này nghe qua thì có vẻ kỳ lạ bí ẩn như vậy, thế nhưng nó thậm chí còn không được nằm trong danh sách võ thư hạng ba. Nó chỉ là một thứ võ học vô ích, hàng thải loại của thư viện kiếm các. Giống như gã, giống như sư phụ gã.

Chiêu đầu tiên trong bốn thức kiếm có tên Định Phong Vân, thuần tuý chỉ là một chiêu kiếm đâm về phía trước. Vậy mà cái gã thiếu niên họ Tạ ấy, năm năm không ngừng không nghỉ, chỉ luyện tập một chiêu kiếm duy nhất này.

Sư phụ gã có nói qua, nếu có thể đạt đến cái thần của chiêu thức, nói không chừng có thể chặn cả mây trôi trên đỉnh núi ba ngàn thước này. Thật ra chính sư phụ của gã cũng chẳng luyện được tới mức đó, nếu không đã chẳng chết thảm trong trận chiến vệ môn năm xưa. Cái lời nói ngăn cả mây trôi gió thổi, chỉ là lời nói một vị sư tổ truyền lại cho y từ xa xưa.

Nhưng, gã tin.

Hoặc giả, đó là thứ duy nhất để gã bấu víu vào. Mất đi niềm tin ấy, gã sẽ chẳng còn lại gì.

Sau năm năm ròng rã, không có một chiêu thức đâm ra của môn phái nào trên giang hồ có thể hoàn mỹ hơn Định Phong Vân.

Đấy không phải do chiêu thức hoàn mỹ. Mà người xuất chiêu, đã đạt đến sự hoàn mỹ.

Nhưng gã vẫn chưa chặn được mây, nói gì tới định được gió.

Hai năm sau đó, gã chẳng đụng đến kiếm nữa, thế nhưng chiêu thức đơn giản ấy cứ diễn đi diễn lại trong đầu gã hàng ngàn hàng vạn lần. Cả khi ngủ, cả khi thức, cả khi nấu cơm, cả khi giặt giũ, cả khi đang cầm chổi quét nhà.

Cả khi ngồi ngắm mây trôi.

Cho đến khi gã tìm ra được cái thần của chiêu kiếm.

Một chiêu thức, thông thường chia thành hình và thần.

Người có thể xuất chiêu một cách tinh tế, trên đời này nhiều vô số. Người có thể hiểu được cái thần của chiêu thức, tiếc thay, lại chẳng có bao nhiêu. Cao thủ hạng nhất chẳng cần phải nhớ về hình thức xuất chiêu ra làm sao, thu chiêu như thế nào, vì đã chạm tới cảnh giới thần tức là không cần để ý đến hình nữa.

Cái gọi là thần ấy, chỉ có thể ngộ mà đạt được, hoặc đôi khi có thể tìm đến bằng quyết tâm sắt đá, xem võ học như là mạng sống của chính mình.

Có những kẻ đã bước vào hàng ngũ tôn sư, thế nhưng mãi mãi không bao giờ nhập được vào võ đạo. Tuy rằng họ có quyết tâm cứng rắn, sở học của họ bao la như biển, ngộ tính lại càng khiến chẳng ai dám xem thường, thế nhưng họ lại thiếu đi một yếu tố: niềm tin.

Muốn sáng tạo hoàn mỹ, trước hết phải tin vào sự tồn tại của hoàn mỹ.

Đấy chính là cảnh giới trong võ đạo. Đấy là kết quả sự truy cầu bền bỉ trong võ đạo. Đấy là hoàn mỹ. Hoàn mỹ thật sự.

Định Phong Vân.

Chẳng phải kiếm, mà là tâm. Tâm lặng như ngọc hồ, kiếm định cả phong vân.

Lúc ấy, một chiêu kiếm gã đâm ra, chẳng cần quan tâm tới vũ công đối thủ hoa lệ phức tạp đến như thế nào, cũng chẳng phải để ý chiêu thức biến ảo kỳ dị ra làm sao, cứ thế mà rạch trời xẻ đất làm đôi, uy thế không gì có thể chống cự. Mười bảy bộ vũ công cao cấp nhất của Thần Kiếm môn lúc ấy mà cũng không sao có thể đánh bại cái chiêu thức trông hết sức thô mộc này.

Đôi mắt của gã, đôi mắt ngày xưa có thể nhìn thẳng vào ánh mặt trời, là đôi mắt của thần. Không một chiêu thức nào mà gã không thể nhìn thấu ưu điểm và khuyết điểm của nó.

Để rồi sau đó họ trục xuất gã ra khỏi sư môn vì cho rằng kiếm của gã thật quá mức tà dị. Nếu ngày xưa chỉ đơn giản là cho kẻ bất tài ra phía sau núi, thì hôm nay là trục xuất ma đầu ra khỏi sơn môn.

Thậm chí họ còn nghi ngờ loại vũ công ấy có pha thêm tà thuật, bởi lẽ Định Phong Vân đã sớm vượt ra khỏi giới hạn kiến thức của Thần Kiếm môn. Thật ra nếu như có thể giết được gã trong lúc giao đấu thì có khi họ cũng đã ra tay rồi. Vô cớ quần công một người không thù không oán thì chút liêm sỉ sót lại của đại môn đại phái không cho phép họ làm như vậy. Phế đi vũ công của gã thì cũng không ai đủ sức, nên họ chỉ đành đuổi gã đi.

Đấy là cái sự đáng cười của thói thiển cận dốt nát vẫn tồn tại trong vũ lâm.

Gã thiếu niên khổ luyện bảy năm trời chỉ mong được đồng môn thừa nhận tài năng của mình, cuối cùng lại bị cho là đã sa vào ma đạo.

Đứng dưới cổng tam quan, gã cười mà nước mắt chảy ra dàn dụa. Sư phụ, cuối cùng con cũng không thể hoàn thành ước nguyện của người. Gã trai trẻ cứ vừa cười vừa khóc như thế, bỏ đi một mạch không ngoái đầu.

Bước thẳng vào hàng ngũ cao thủ vũ lâm.

Chỉ trong bảy ngày, bốn tông ba phái ngày xưa liên minh vây công Thần Kiếm môn, chết sạch.

Tạ Yên Vân, nhất bộ sát nhân.

Ấy vậy mà ba năm lăn lộn trong giang hồ, ngang nam dọc bắc truy cầu võ đạo, không ít lần vào sinh ra tử, gã đã trưởng thành lịch duyệt thêm nhiều lần, nhưng vũ công thì vẫn cứ dẫm chân tại chỗ. Chiêu thứ hai của Tâm Tứ Thức là một chiêu thức vô danh, vậy mà gã không sao lãnh hội được nó.
ooo​

Giữa lúc đang suy tưởng về quá khứ đó, Tạ Yên Vân chợt nghe có tiếng bước chân thật khẽ. Tiếng bước chân của một người con gái, đang từng bước dẫm lên thảm lá rừng.

Đồng thời gã cũng cảm giác thấy một luồng sát khí hung hăng đang ùa tới.
ooo​

Cô gái thở một hơi dài.

Quệt đi mấy dòng mồ hôi rịn trên trán, xốc lại quang gánh cho ngay ngắn, Hinh lại tiếp tục bước đi. Đôi thùng nước đè nặng trên đôi vai gầy. Dáng người con gái vốn đã liêu xiêu lại càng liêu xiêu.

Bảy năm rồi, cô cứ hàng ngày đi trên con đường nhỏ này, bất kể nắng mưa bão bùng.

Bảy năm rồi, chẳng có đôi vai đàn ông nào san xẻ gánh nặng này với cô.

Bảy năm rồi, có lẽ rằng chính cô cũng đã quên đi mất vị mồ hôi mằn mặn hay tươm trên bờ ngực rộng của chồng mình.

Bảy năm rồi, cái gì cũng có thể quên đi, cái gì cũng trở thành quen thuộc.

Kể cả là nỗi cô đơn.

Chồng Hinh đã chết lúc bị bắt công đi xây dựng ngục Bát Quái, chỉ sau đám cưới có ba ngày. Cái toà thành sừng sững tuyền bằng đá tảng xám ấy không biết đã vùi dưới chân nó bao nhiêu mạng người, đã trực tiếp phá tan đi bao nhiêu gia đình ở vùng biên heo hút này, bao nhiêu người vợ mất chồng, bao nhiêu đứa con mất cha.

Chỉ để đổi lấy một nơi dùng cầm giữ mấy ngàn cuộc sống khác.
ooo​

Hinh loạng choạng, đường mòn trơn trượt quá, đôi guốc gỗ bất ngờ hỏng quai khiến cô mất thăng bằng. Giả như Hinh cứ té sóng xoài ra đấy thì đã chẳng có chuyện gì xảy ra. Nhưng một bàn tay đã khẽ níu cô lại, giữ vững thân hình đang sắp ngã.

- Cô nương, cẩn thận chứ.

Cô ngước lên, bèn thấy trước mắt là gương mặt khắc khổ dãi dầu phong sương của một người đàn ông. Và một ánh mắt sâu đến thăm thẳm, phảng phất như vực sâu không đáy, tựa hồ nhìn đến ai là muốn kéo tuột người ta vào trong đó. Trong lúc cô còn đang ngẩn người thì người ấy đã buông cô ra, cười nhẹ, giọng nói tiếng Việt còn hơi ngọng nghịu, khiến cô mất một lúc mới hiểu ông ta nói gì:

- Cô nương, đã không sao rồi.

Một người Khách. Một dân tộc đến từ phương Bắc xa xôi, thường xuyên qua lại vùng biên viễn này. Hinh vẫn hay gặp bọn họ len lỏi trong các bản làng người Mèo để buôn bán, thế nhưng hầu hết đều là những người đàn ông trung niên to béo xởi lởi, với những bàn tay mum múp thịt , nhờn mỡ. Cô chưa từng thấy ai có một bàn tay rắn rỏi như thỏi thép nguội thế này.

Hinh bối rối không rõ cô nương có nghĩa là gì, nhưng lại không dám hỏi. Hai tiếng ấy nghe là lạ, bởi lẽ trước nay chưa từng có ai gọi cô là cô nương cả. Nhưng chỉ ngẩn ra có một chút đó, khẽ gật đầu cảm ơn người đàn ông rồi xốc đòn gánh trên vai cho ngay ngắn, Hinh lại quay đi.

Đôi guốc đứt quai treo lủng lẳng trên đầu đòn gánh, ngón chân nho nhỏ hồng hồng lộ dưới gấu quần tơ Giao Chỉ, cố gắng bám chặt vào mặt đất trơn trượt, trông dáng Hinh thật nhỏ bé trên con đường mòn chạy giữa những hàng cổ thụ cao lớn.

Con đường ấy đã trở thành sự quen thuộc, trở thành một cái hàng rào bất biến. Đôi khi, sự quen thuộc chính là thứ khó phá vỡ nhất trong tâm hồn con người.
ooo​

Chỉ là cô không hề biết một điều, khi cô đi khuất sau khúc quanh, phía sau lưng người đàn ông đó đã hiện lên ba bóng người, tựa như u linh phiêu phưởng.

Chỉ thấy bóng người đứng giữa vỗ tay, nói một thứ tiếng bản địa hoàn hảo, vượt xa giọng nói ngọng líu của gã:

- Tạ Yên Vân, không ngờ có ngày sát thủ khét tiếng như ngươi lại tỏ lòng xót thương. Sao hả, bị con bé người Miêu ấy hút hồn rồi à, có cần anh em ta giúp đỡ gì không?

Tạ Yên Vân quay lại:

- Côn Luân Tam Sát?
ooo​

Côn Luân Tam Sát, nói về danh vọng trong vũ lâm thì không cao, vũ công cũng chỉ thuộc mặt hàng hạng hai. Nhưng nói về sát thủ, bọn họ chính là sát thủ của sát thủ. Thậm chí không thể gọi bọn họ là sát thủ, mà phải gọi là cuồng sát nhân.

Nếu sát thủ bình thường chỉ có thể giết nhiều lắm là vài mục tiêu thì Côn Luân Tam Sát trong một lần ra tay đã giết sạch một đội quân hơn bảy trăm người, từ tướng đến binh đều chết thê thảm, một chút xương cốt cũng không còn. Chính là nhờ vào thứ trùng độc quỷ dị mà họ nuôi dưỡng, Thanh Hoả trùng.

Đó là một loại trùng độc sống ở vùng núi tuyết Côn Luân, to bằng ngón tay cái, toàn thân ánh lên màu xanh biếc. Trên bảng độc vật bài danh thứ tám, vô cùng đáng sợ. Loại trùng này tuy bản thân không có chất độc, nhưng khi di chuyển bọn chúng tiết ra một chất dịch màu xanh, chỉ cần dính vào da thịt thì lập tức như lửa đốt cỏ khô, trong chớp mắt đã có thể thiêu trụi đi một người, ngay cả lông tóc cũng không còn một miếng. Bị Thanh Hoả trùng đốt là một hình ảnh vô cùng khủng khiếp, nạn nhân không có cách gì dập tắt được ngọn lửa vô hình ấy, cứ từng phần từng phần cơ thể cháy trụi rồi hoá thành tro bụi, cho đến khi trái tim cũng bốc cháy thì mới hoàn toàn chết đi. Mà cũng không ai dám đến gần nạn nhân, bởi vì chỉ cần dính một giọt dịch thể là lập tức sẽ bị hoả thiêu đến chết. Chính vì đặc tính lây lan đáng sợ như thế, Thanh Hoả trùng nghiễm nhiên là một huyền thoại kinh hoàng.

Thanh Hoả trùng không lớn lắm, lại có tốc độ bay khá nhanh. Khi cảm thấy nguy hiểm cận kề loài côn trùng này sẽ tự bạo cơ thể, lúc đó chất dịch xanh trong người nó sẽ bắn ra tứ tung, không cách gì chống đỡ nổi. Côn Luân Tam Sát qua lại trên núi Côn Luân hơn tám năm ròng rã mới tìm cách bắt được mấy con Thanh Hoả trùng, mỗi lần muốn sử dụng đều phải dùng găng tay làm bằng da tuyết điêu và bôi nước tiểu của hổ lên người. Bởi vì chỉ có da tuyết điêu mới có khả năng bài xích tự nhiên với loài côn trùng này và mùi nước tiểu của hổ cũng có thể làm cho bọn trùng uý kị tránh xa. Nếu không Thanh Hoả trùng vốn không có đủ trí năng để nhận chủ, sẽ rất dễ dàng quay lại tiêu diệt luôn cả bọn họ.

Khi bọn họ trở về đến Trung Nguyên, ra tay liền mấy vụ ám sát vô cùng tàn bạo, lập tức vang danh trong giới sát thủ, danh hiệu Côn Luân Tam Sát cũng ra đời từ đó. Cho đến khi giết nhầm cả mấy đệ tử của cao môn đại phái liền bị truy tầm khắp vũ lâm. Dựa vào mấy con trùng để chống lại cả một đại môn phái là chuyện ngu xuẩn, vì thế bọn họ vội vã đào thoát về vùng phía nam, lẩn trốn trong vùng biên giới giữa Đại Tống và Đại Cồ Việt.

Nhận được một món lợi lớn từ tri châu Quảng Tây, họ đã bí mật xâm nhập Đại Cồ Việt hơn một năm trời để tìm cơ hội giết Trần Thành. Thế nhưng vòng bảo vệ của Trần Thành quá hoàn hảo, Côn Luân Tam Sát tài nghệ không cao lắm nên cũng không có cách gì đột nhập kinh thành thi hành nhiệm vụ được. Chính vì thế Tri châu Quảng Châu đã tìm thêm một gã sát thủ vũ công cao cường gửi sang hỗ trợ bọn họ.
ooo​

Sát Nhị cao nhất trong ba người, ánh mắt lạnh tanh vô tình, tròng mắt lấp lánh có màu vàng khè như rắn:

- Tạ Yên Vân, hoả trùng của bọn ta cứ mỗi tháng phải ăn một lần, ngươi đứng ra che chở cho con bé kia, giờ tính thế nào?

Tạ Yên Vân chẳng buồn nhìn gã:

- Kể từ nay, ta cấm các ngươi giết người nữa cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ.

Sát Tam đứng bên cạnh hộc lên một tiếng:

- Họ Tạ kia, ngươi dựa vào đâu mà ra lệnh cho bọn ta.

Tạ Yên Vân cười lạnh, khẽ vỗ vào thanh kiếm. Đứng trước Hắc Thiết, không một ai dám khinh thường, kể cả là bọn sát thủ hung danh đầy rẫy như Côn Luân Tam Sát.

Côn Luân Tam Sát sắc mặt càng lúc càng tối lại, bọn chúng cũng đã từng thấy qua vũ công của Tạ Yên Vân, nếu giao chiến trực diện thì hỏa trùng cũng không thể cứu họ thoát khỏi cái chết. Sát thủ hạng nhất là một cảnh giới rất khó vươn đến, đạt tới cảnh giới này đều có thể coi là tôn sư võ học một phương. Bọn Tam Sát có thể là nỗi kinh hoàng, thậm chí số người chết dưới tay bọn chúng so ra thì nhiều gấp mấy lần so với Tạ Yên Vân, nhưng đứng trước gã vẫn yếu thế hơn nhiều.

Họ Tạ lờ đi sắc mặt bọn Tam Sát, thản nhiên lấy từ trong ngực ra một phong thư có ấn tín của tri châu, ném cho Sát Nhất. Trái với Sát Nhị vô tình tàn ác, Sát Tam thô hào lỗ mãng, Sát Nhất chính là kẻ thâm trầm và nguy hiểm nhất trong ba anh em. Đọc qua bức thư, trong một thoáng y đã có quyết định:

- Được, chúng ta nghe theo ngươi. Bọn ta đã tiềm phục ở nơi này cả năm trời, nhưng kết quả rất nhỏ. Hành động tiếp theo là gì?

Tạ Yên Vân trầm tư một lát, cuối cùng mới trả lời:

- Trước tiên đi tìm Diệp Mân đã. Thành công hay thất bại, kẻ này có liên quan rất lớn.
 

Banhmitrung

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
12/8/14
Bài viết
174
Gạo
0,0
06. Thương rồng (a)

Lúc mặt trời chưa ló dạng, khắp nơi vẫn phủ đầy cái ẩm ướt lạnh lẽo đặc trưng của vùng đông bắc, trên con đường đất nhỏ đã thấy năm con ngựa cao lớn phi như bay, làm dấy lên một trận bụi mù nho nhỏ.

Dẫn đầu đoàn kỵ mã vẫn là viên tướng trẻ tên Kiệt. Nhưng hôm nay y không mặc giáp đỏ nữa mà thay vào đó là một bộ quần áo chẽn bằng vải xám, trông không khác gì những tay võ sĩ lưu lạc trên giang hồ. Nếu không nhìn vào mấy con ngựa cực kỳ cao lớn tráng kiện với khóa miệng và trụ yên bọc đồng, loại ngựa mà chỉ riêng quân đội mới có, thì ắt hẳn không ai đoán được xuất thân của năm người này.

Lúc tờ mờ sáng nay, Hổ tướng quân gọi Kiệt đến, giao cho y cùng với ba người trong Lục Giáp Kỵ nhiệm vụ hộ tống Trần Thành đi gặp một người bạn cũ. Tuy viên tướng trẻ không hiểu vì sao mới bị tập kích ngày hôm qua mà tướng quân của mình vẫn mạo hiểm đến vậy, thế nhưng quân lệnh như núi, không thể không tuân theo. Trên đường đi y tỏ ra vô cùng cảnh giác, thậm chí có lúc thúc ngựa đi trước cả dặm để dò đường.

Ngày hôm qua y đã bị dọa cho một trận. Vũ công tên thích khách ấy thật cao cường, nếu không phải Hổ tướng quân kịp thời ra tay thì chắc Kiệt đã bỏ mạng đương trường rồi. Càng nghĩ đến trận đấu chớp nhoáng ấy, Kiệt càng ấm ức, vừa sợ vừa ức. Tung hoành trên chiến trường đã lâu, không phải y chưa gặp những kẻ vũ công cao cường, thế nhưng cảm giác áp bức và tuyệt vọng như ngày hôm qua là lần đầu tiên.

Có những người khi đối diện cái chết sẽ khủng hoảng tinh thần, dẫn đến việc vũ công thụt lùi hoặc sợ bóng sợ gió. Lại có những người bò được ra khỏi đống xác chết, lại càng khao khát chiến đấu hơn gấp bội, tựa như một đầu lợn độc hung hãn.

Kiệt, là loại người thứ hai.

Y vốn không phải dòng dõi con nhà tướng quân. Giống như Hổ tướng quân, giống như tên đầu lĩnh đã tự sát hôm qua, y là đệ tử của Ngũ Hình môn.

Sáu năm trước, lúc y mới chỉ là một đứa trẻ giữa bãi chiến trường. Sư phụ của y, một cao thủ chi Hỏa Giao thuộc Ngũ Hình môn, khi hình xăm sau lưng chưa kịp chuyển hoá hoàn toàn thì lồng ngực đã bị một ngọn mâu đâm xọc vào, khoét thành một cái lỗ to thật to. Đối phương sau khi rút ngọn mâu ra đã chẳng thèm liếc mắt nhìn đến kẻ chiến bại, cũng không hề dừng lại một chút nào, tàn nhẫn thúc chiến mã xéo qua người nạn nhân để lao thẳng về chiến trường đang tới hồi sôi động.

Nhưng gã đã sơ suất bỏ qua một dáng người nhỏ nhắn nấp sau lưng đối thủ của mình. Giữa trường ác chiến, thường thường chỉ mắc một sơ suất nhỏ như vậy, cũng có khả năng phải bồi cả tính mạng của mình vào.

Ngựa của gã chỉ phi được thêm ba bước đã lật nghiêng xuống, hí lên thảm thiết, đè cứng chân trái gã xuống đất bằng cái thân hình to lớn nặng nề của nó. Hai chân trước của con chiến mã đã bị chặt cụt sát đầu gối bởi một thanh trảm mã đao khổng lồ, máu tươi phun ra thành vòi. Gã chiến binh lúc ấy chẳng kịp có phản ứng gì, chỉ huơ ngang thanh trường mâu có cán làm bằng gỗ thích theo bản năng để tránh việc nó đâm xọc vào cổ ngựa, trong lúc loay hoay cố gắng rút chân trái đang bị kẹt ra.

Một ánh đao nữa lại loé lên như chớp giật, đem cả trường mâu lẫn người cầm chém đứt đôi. Điều cuối cùng gã nhận thức được là ánh mắt của một thiếu niên đang loé lên ánh thù hận đáng sợ, cơ hồ còn lấp lánh hơn cả ánh đao nữa.

Sau đó gã hoàn toàn chẳng biết gì thêm. Tất cả đã hoá thành một mảng màu đỏ thẫm.

Máu tươi từ cổ gã cũng y như máu con ngựa bị chặt chân lúc nãy, bắn toé ra tứ tung. Bắn lên đầu lên cổ của gã thiếu niên cầm trảm mã đao, khiến bộ dáng người đó trông vô cùng ghê sợ.

Tuyên, mới chỉ là một gã hiệu úy quèn, vừa vặn thúc ngựa phi ngang qua. Y kềm cương lại, cúi xuống đứa trẻ đang ngồi bệt bên mấy cái xác người xác ngựa, chìa bàn tay cũng đang thấm đẫm máu me của mình ra, nghiêm nghị bảo:

- Đứng dậy.

Đứng dậy, xông vào nơi chiến hoả mù mịt đằng kia. Đứng dậy để không thả mình nằm xuống. Đứng dậy để không phải chết.

Hai từ ngắn ngủi kéo lên khỏi địa ngục một con người. Kể từ lúc đó, gã thiếu niên đi theo vị tướng quân lạnh lùng và rất mực nghiêm khắc ấy nam chinh bắc chiến.
ooo​

Hổ tướng quân mặc dù là đệ tử chi Lục Hổ, nhưng kiến thức về Ngũ Hình môn của ông ta còn nhiều hơn cả sư phụ của Kiệt. Cho nên việc huấn luyện một đệ từ chi Hỏa Giao đối với ông ta mà nói, chẳng khó khăn gì.

Mà ông ta lại thực hiện cái việc ấy hăng hái quá đỗi. Hầu như không có ngày nào là Kiệt không đánh nhau, nếu không đánh nhau với quân địch thì lại giao đấu với đồng đội. Dần dần y từ một đứa trẻ chỉ biết quật cường kiên trì là chính, đã có thể đánh ngang tay với sáu hộ vệ Lục Giáp Kỵ của Hổ tướng quân cùng một lúc.

Dần dà mọi người chỉ còn biết cảm thán, cái môn phái Ngũ Hình môn này thật quá đáng sợ, chỉ là một đệ tử bình thường mà ngộ tính và quyết tâm đã rắn như đá tảng, vậy cao thủ thật sự của họ thì còn đến bực nào.
ooo​

Ngũ Hình môn, cái môn phái danh trấn nam phương đó bắt đầu xưng bá từ khi nào, chắc cũng không ai có thể nói cho rõ ràng được. Ngay cả nguồn gốc phát triển của môn phái cũng bị phủ bằng một bức màn, mà mỗi một lời lý giải của vũ lâm giang hồ lại dệt thêm lên đó một vài lớp nhuộm bí ẩn.

Đó là một môn phái không có trụ sở, không có tổng đàn. Nó tỏa đi khắp nơi trong Đại Cồ Việt, mỗi một vị đệ tử được chứng nhận bởi hình xăm trên người, đều có tư cách và nghĩa vụ truyền bá vũ học của nó.

Người thì cho rằng môn phái này khởi nguồn từ những ngư dân thường ngày phải chiến đấu với thuỷ quái vùng sông nước để tranh giành các bãi cá, sau này đã nghĩ ra phương cách xăm lên mình những hình thù kỳ quái để có thể dễ dàng lẫn vào bọn chúng mà kiếm ăn. Người lại cho rằng nó phát triển từ đám thợ săn, vốn có thói quen vẽ trên cơ thể những vệt vằn vện như lá cây hay củi mục trong những chuyến săn dài ngày, với mong muốn hoà mình vào thiên nhiên và để dã thú không thể phát hiện ra họ.

Thậm chí có cả những giả thuyết hoang đường đượm sắc màu mê tín như kiểu những hoa văn xăm trên người họ chính là sản phẩm của một bộ tộc thần bí sống trong những ngọn núi trập trùng dãy Trường Sơn, phỏng theo các câu chuyện thần bí về ma quỷ thần linh vốn lưu truyền đầy dẫy bên các bếp lửa làng.

Có điều bất kể bí ẩn hay mù mờ thế nào, vẫn có một cách phân biệt người của Ngũ Hình môn nhờ vào mấy hình xăm trên lưng. Ngũ Hình môn là môn phái duy nhất bắt buộc đệ tử của mình phải xăm lên người những ký hiệu nhận dạng rất dễ nhận ra đấy. Điều này bắt nguồn từ một quy định cổ xưa từ khi các tiền bối sáng phái, đã lập ra để xác định thân phận các đệ tử. Đồng thời cũng là một môn tuyệt học của môn phái.

Dù môn quy của nó cởi mở như vậy, thế nhưng số người có thể được chọn làm đệ tử Ngũ Hình môn thật sự vô cùng ít ỏi. Quyết liệt, bền tâm, không sợ sống chết, ba điều đó thiếu một cũng không được. Thế nhưng khi đã bước vào hàng ngũ đệ tử của họ, dù chỉ là dự bị, thì trong giang hồ đã có một vị trí rất đáng kể rồi.

Thậm chí có một khoảng thời gian vài gã đại đạo to gan lớn mật đã dùng những hình xăm giả, muốn lợi dụng oai vọng của Ngũ Hình môn mà kiếm lợi cho bản thân. Nhưng từ khi bọn đệ tử thật sự ra tay truy sát sạch sẽ những kẻ giả mạo ấy thì không một ai có gan làm giả mấy hình xăm nữa.

Hình xăm của Ngũ Hình môn chỉ có năm hình, tượng trưng cho năm chi phái chính. Hoàng Lạc, Hoả Giao, Lục Hổ, Hắc Quy, Thanh Ngư. Thế nhưng từ khi tách biệt cách đây hơn trăm năm, đệ tử năm chi đã không còn qua lại thân thiết gì với nhau nữa. Thậm chí nếu có xung đột về lợi ích, họ sẵn sàng ra tay với đồng môn mà chẳng kiêng nể gì, bởi vì Ngũ Hình môn luôn cổ vũ mặt tính cách quyết liệt sống chết ấy của đệ tử.

Mỗi một chi phái đều có các cao thủ hàng đầu, được gọi là trưởng tràng. Chỉ có những vị trưởng tràng ấy mới có tư cách để “Điểm Nhãn” cho đệ tử xuất chúng. Và chỉ những người đã tiếp nhận nghi thức Điểm Nhãn này, mới có thể tự xưng mình đã là đệ tử chân chính của Ngũ Hình môn.

Tất cả các hình xăm linh thú trên người đệ tử phổ thông đều không có mắt. Nếu tự tiện thêm mắt vào mà không được các trưởng tràng thừa nhận thì kẻ đó sẽ bị toàn bộ môn phái hợp lực truy sát, dù cho y bỏ chạy đến tận chân trời góc biển cũng không tha.

Sau lưng Hổ tướng quân xăm một con hổ sáu móng đang gầm thét dưới trăng, vì y là cao thủ hạng nhất của chi Lục Hổ. Sau lưng anh em nhà họ Phạm có xăm hình chim Lạc màu vàng đang vờn trong mây, biểu thị họ là người của chi Hoàng Lạc. Sau lưng Kiệt là một cái đầu giao đỏ rực đang cỡi sóng, dấu hiệu chứng tỏ y là đệ tử chi Hoả Giao.

Bí quyết xăm mình này được gọi là “Hoạ”, một bí mật truyền đời trong Ngũ Hình môn, tương truyền có thể giúp người mang hình xăm được điểm nhãn sẽ thừa hưởng sức mạnh huyền bí của những linh thú ấy. Ngoài những vũ kỹ cùng nội lực riêng của chi phái thì còn có thể trực tiếp mượn năng lực bí mật của linh thú để sử dụng, dùng lực lượng ấy mà từng bước khai mở tiềm lực của từng người.

Khi các đệ tử giao chiến hay vận công, màu sắc những hình xăm này sẽ đổi màu vô cùng rực rỡ và yêu dị, chấn nhiếp tâm thần địch thủ. Cho đến lúc màu sắc đạt tới mức độ chói mắt, thì đó là lúc họ dùng những chiêu thức tất sát của môn phái.

Cũng như Vẫn Lạc Lưu Quang mà Phạm Hồng trong trận chiến hôm ấy chính là một chiêu thức tối hậu của chi Hoàng Lạc. Thế nhưng y vẫn chưa được Điểm Nhãn, vì thế chỉ có thể tiêu diệt mười mấy người. Nếu con chim Lạc trên lưng y đã mở mắt, Vẫn Lạc Lưu Quang có lẽ sẽ dễ dàng đem một phần dãy núi Phục Ba đập nát thành cát bụi, toàn bộ nhân mã trên chiến trường lúc ấy nhiều lắm là còn sống hai ba người.

Đấy cũng là sức mạnh của Ngũ Hình môn, một môn phái đầy bí ẩn và đáng sợ.
ooo​

Khi Trần Thành khom người, bước vào một căn nhà vách đất thấp nhỏ thì bọn người Kiệt chia nhau ra cảnh giới bên ngoài. Ba người Lục Giáp Kỵ ẩn mình vào những bụi cây xung quanh, chỉ trong nháy mắt đã chẳng còn thấy tung tích đâu cả. Bất kỳ một người nào trong đội hộ vệ thân tín của Hổ tướng quân đều tinh thông thuật che giấu bản thân và truy lùng tung tích của địch nhân, chỉ thua sút với đội Ma Vệ vùng biên giới một chút. Cái đội ngũ trong truyền thuyết tự xưng một chữ Ma ấy, nghe nói đã đạt đến trình độ tới không hình đi không bóng rồi.

Chỉ có mỗi Kiệt là ngồi trước hàng hiên bên ngoài, ngơ ngơ ngẩn ngẩn vuốt ve thanh trường thương trong tay.

Thương ấy gọi là Long, lưỡi dài bốn tấc, mũi thương hình thoi, ở giữa khoét sáu rãnh máu. Thân thương bằng thép, dài khoảng ba thước sáu tấc (*), bên trên điêu khắc hình rồng chín khúc đang gầm gió thét mây. Mỗi lần chuyển thương, con rồng ấy lại đổi một tư thế uốn lượn khác, lúc thì đường bệ, lúc thì uyển chuyển, có khi giận dữ rạch trời xẻ đất, lại có khi bừng bừng sinh cơ.

Thương pháp Kiệt luyện gọi là Cửu Long thương, chín chiêu mười tám thức, tám mươi mốt đường biến hóa. Trái với loại thương pháp thông thường trên chiến trường, chủ yếu đâm - xẻ gạt - quật - xoay, chú trọng vào tính hiệu quả và đơn giản thì Cửu Long thương pháp lại vô cùng phức tạp. Kết hợp những chiêu thức khác nhau, sử dụng những hình thái khác nhau, bộ thương pháp ấy có thể biến hóa không ngừng không nghỉ, liên miên bất tuyệt.

Lúc giao lại cho Kiệt thanh trường thương và bộ thương pháp này, Hổ tướng quân đã nói: Đây, là thương pháp mở nước. Là thương pháp của đế vương. Ông ta không dùng được, Lục Giáp Kỵ cũng không dùng được, còn Kiệt, thử một chút cũng chẳng chết ai nên cứ thử xem thế nào.

Mấy thứ cao siêu ấy Kiệt không hiểu, cũng không muốn hiểu. Hổ tướng quân chưa bao giờ công nhận ngộ tính của y vượt qua những người khác, cũng chẳng bao giờ gọi y là kỳ tài võ học. Có lẽ vì vậy mà trong sáu năm, Kiệt mới học được có ba thức đầu tiên của Cửu Long.

Y cảm thấy bản thân còn quá kém cỏi. Trong trận tập kích ngày hôm qua, chỉ một cái búng tay của gã thích khách, tất thảy các biến hóa chiêu thức của y đều vô ích, không phát ra nổi một phần uy lực.

Ấm ức, bất cam, tựa như một ngọn lửa vô danh đang bùng cháy trong tâm trí y.

Bàn tay gã thiếu niên mười bảy, càng lúc càng xiết chặt thanh trường thương thép lạnh, nổi cả gân xanh.
ooo​

Thầy Văn, một thầy pháp người Mèo, tuy tuổi đã hơn bảy mươi nhưng tinh thần ông vẫn vô cùng minh mẫn tráng kiện. Lúc Trần Thành bước chân vào gian phòng nhỏ, chưa kịp chào hỏi câu nào thì ông đã lắc lắc cái bầu đang cầm trong tay:

- Thằng nhỏ, làm một ly đã.

Trần Thành lắc lắc đầu từ chối, trong lòng dở khóc dở cười, đã mấy mươi năm rồi mà thầy Văn vẫn coi ông giống như một đứa trẻ như ngày xưa. Ông lão này vốn không phải dân bản địa làng An Xá, thế nhưng lưu lại làng cũng đã bốn mươi năm có lẻ, hầu hết những đứa trẻ trong làng đều học những bài học vỡ lòng từ chỗ ông. Thậm chí cái tên Văn này cũng là do dân làng tự đặt, vì cái tên thật của ông quá khó nhớ.

- Vừa mới sáng sớm thôi mà.

Thầy Văn cũng không nài ép, tự rót tự uống, ông biết tính Trần Thành không ưa rượu:

- Mày biết gì, sáng sớm uống một bình rượu, bệnh tật gì cũng chạy hết. Thế nào, hôm nay tìm đến tao để hỏi chuyện ngục Bát Quái hả?

“Thầy” – Trần Thành không lạ lẫm gì khả năng dự đoán của ông lão, bí thuật của người Mèo hùng mạnh và quỷ dị không thua gì thuật phong thủy Trung Nguyên – “Lần này tôi muốn vào trại Anh Hùng, Diệp Mân có đáng tin không.”

“Tao không biết, nó cũng là một thầy pháp, Một thầy pháp luôn bọc kín tâm tư của mình như tinh đá, nếu không có pháp lực hùng mạnh hơn hẳn thì rất khó để thăm dò.” – Sắc mặc thầy Văn tối lại – “Nhưng tao thấy máu, rất nhiều máu. Máu từ trời, nhuộm đỏ cả dãy Khạu Pha.”

Trần Thành nhíu mày, ông nghe ra hai điều, một là Diệp Mân có sức mạnh pháp lực sánh ngang thầy Văn, hai là chuyến đi này của bọn họ sẽ có hy sinh. Ông lão người Mèo này là một trong những thầy pháp mạnh nhất mà Trần Thành biết, thông thạo cả thuật pháp miền xuôi lẫn cổ pháp dân tộc. Nghe lão kể thời tuổi trẻ đã từng đi khắp nơi trong nước để học đạo, thậm chí sang cả đất Chiêm để ấn chứng với những đạo sư của họ, trong toàn Đại Cồ Việt lúc này e rằng chỉ có đại sư Vạn Hạnh mới có thể vượt qua lão. Thế nhưng sư Vạn Hạnh phải trấn thủ khí tượng đế vương đang hỗn loạn tại Hoa Lư, không thể phân thần đến nơi này được.

- Thầy, giúp bọn tôi nhé.

“Không” – thầy Văn khoát tay – “Tao quý mày, nhưng chuyện người Kinh chúng mày tao không muốn xen vô. Tao cũng già rồi, mày để cho tao sống hết mấy năm nữa đi.”

“Thầy, nếu để Diệp Mân hoành hành, vùng đông bắc này coi như lọt vào tay Đại Tống.” – Trần Thành cố gắng thuyết phục ông lão – “Người Trung Nguyên đối xử với các dân tộc khác ra sao, thầy phải biết rõ chứ, họ miệt thị các người là bọn man di, rừng rú đấy.”

- Không phải, tranh chấp đất đai là chuyện của người Tống và người Việt. Có chiến tranh thì bọn tao lại lên núi, ai cũng không thể khống chế vùng núi non vạn dặm này. Mày đừng dẻo miệng, người Việt hay người Tống có xem thường chúng tao thì cũng thế thôi, dù ai chưởng quản vùng này vẫn phải chấp nhận bọn tao, nếu không thì nơi đây sẽ thành biến thành vùng đất không người.

Trần Thành trầm lặng, ông lão Mèo cũng trầm lặng. Trong một lúc, không khí gượng gạo tràn ngập căn lều.

- Hai mươi bốn năm trước, thầy nhận nuôi một con bé Mèo. Con bé là con hoang, nếu thầy không giúp đỡ thì lúc đó chắc nó đã bị dân bản ném vào rừng nuôi sói rồi. Không ai biết cha nó là ai, người ta chỉ đồn đoán rằng một đội biên quân đã đóng ở đây vài tháng, viên hiệu úy thứ ba cũng là người Mèo đã dan díu với cô gái xinh nhất bản khi đó.

Giọng Trần Thành đều đều. Thầy Văn ngước lên, trong mắt bắn ra sự tức giận vô cùng. Nhưng Trần Thành chọn cách mặc kệ, họ đã không còn thời gian để có thể dùng phương cách thuyết phục mềm dẻo nữa rồi.

- Viên hiệu úy này, tôi cũng có biết qua, là một kẻ rất dũng mãnh gan dạ. Không phải y không muốn về nhận con, nhưng trong một cuộc xung đột biên giới y đã bất hạnh hy sinh. Đứa con gái kia là huyết mạch cuối cùng của y. Lần đó đích thân tôi phê duyệt tiền trợ cấp gấp ba lần cho gia đình y, gửi về làng An Xá. Đứa con gái của y cũng mệnh khổ, vừa lấy chồng đã phải chịu cảnh góa bụa. Chồng nó bị bắt phu, rồi chôn thây dưới tường ngục Bát Quái.

“Lần này, tôi mang đến năm mươi người.” – Trần Thành lạnh lùng nhìn thẳng vào ông lão, giọng vẫn đều đều – “Ai cũng biết giết người, giết rất lưu loát.”

Mắt ông lão vằn lên, cánh tay cầm bầu rượu khẽ run. Thế nhưng đối mặt với đội quân tinh nhuệ nhất của triều đình, cho dù thuật pháp có cao siêu đến mức nào cũng chỉ là trứng chọi đá. Hơn nữa bằng vào dự thuật của mình ông đã nhìn thấy trong đội quân ấy có một vị sát tinh, sát khí của người đó hùng mạnh đến mức có thể hủy diệt cả vùng này, nói gì đến một bản làng nho nhỏ cùng với hai người bọn họ.

Hôm nay Trần Thành không dẫn kẻ đó đến đây, cho dù ông có thi triển thuật pháp giết chết y ngay tại chỗ cũng sẽ không tránh được việc bị truy sát điên cuồng sau đó. Huống gì bốn hộ vệ bên ngoài cũng là phường sừng sỏ đáng gờm.

“Mày muốn tao làm gì.” – Giọng thầy Văn đã khàn đi.

Trần Thành đứng dậy, ông ta biết mình đã thắng:

- Tôi muốn thầy kềm chế Diệp Mân lại nếu gã dùng thuật pháp. Tôi muốn biết trong ngục Bát Quái có thứ gì mà gã có thể dựa vào đó hoành hành không chút sợ hãi như vậy.

Thế nhưng khi bước ra đến cửa, một câu nói đã chặn ông lại.

- Người Kinh chúng mày là những kẻ không có trái tim. Chúng mày đem cái vật bất tường đó đến đây, dùng cạn cả linh khí vùng đông bắc để trấn áp nó, lại đem mấy mươi kẻ có khí số xung thiên nhét vào trại Anh Hùng làm vật tế. Anh hùng cái gì chứ, chẳng qua là mấy con chó giữ nhà mà thôi. Chúng mày làm như vậy, không sợ trời phạt sao.

Trần Thành nghe vậy thì ngửa mặt cười lớn, chỉ vào ngực mình:

- Trời phạt, thầy có thấy mấy kẻ chết rồi sợ trời phạt không? Bọn tôi, đều là những kẻ đã chết. Để bảo hộ đất nước này, bọn tôi chết cũng không hối, còn sợ gì phải gánh mấy cái ác danh chứ. Mười mấy người thì sao? Nếu cần thiết tôi sẽ bồi cả vùng đông bắc này vào. Mệnh nước, hai chữ đó thầy sẽ không bao giờ hiểu rõ, bởi lẽ dân tộc các người chưa bao giờ có một đất nước thuộc về mình. Các người đã từ bỏ, từ bỏ khi phương bắc chiến thắng các người. Còn chúng tôi, dù cho có mất thêm một ngàn năm chiến đấu nữa, cũng sẽ không buông tay.

Dứt lời ông vén mạnh tấm liếp che cửa, sải bước ra ngoài, bỏ mặc vị thầy pháp ngồi thừ trong bóng tối.
--------------------------------------------------------------------

(*) Ba thước sáu tấc: khoảng 1m8 theo đơn vị hiện đại.​
 
Bên trên