Chương 3 Bên kia khung cửa
Tôi vẫn chưa hết bàng hoàng, bước ra khỏi thang máy mà vẫn thấy chân hơi run. Loạng choạng thế nào lại đâm sầm vào một người. Cảm giác như đâm vào một bức tường sừng sững, người này chắc cao ít nhất cũng một mét tám.
- Cô có sao không?
Một giọng nam ấm nhẹ nhàng vang lên. Tôi ngước lên, bối rối xin lỗi anh ta:
- Xin… xin lỗi anh, tôi bất cẩn quá!
Anh ta mỉm cười, khẽ đỡ tôi lên, gật đầu chào rồi bước ra cửa. Nhưng tôi vừa kịp nhận ra khuôn mặt anh ta. Đó là nhân viên thiết kế dưới quyền B TT. Khổ thân anh ta! Có đôi lần tôi thấy những thiết kế của anh rất đẹp nhưng B TT đều gạt phăng với những lý lẽ rất buồn cười “em vẽ thế này là không logic” hay “Em cứ vẽ theo ý anh đi, đừng sáng tạo lung tung”... Kể ra anh ta cũng thuộc dạng khá điển trai, hành xử mực thước, điềm đạm nhưng tôi vẫn thấy anh có vẻ gì đó dịu dàng thái quá so với một người đàn ông, gần như nhu nhược và cam chịu.
Hôm nay xe nhà lại đến đón trễ một chút. Tôi đi dạo quanh sảnh, ngắm mấy gian hàng để giết thời gian. Không biết tại sao, đôi chân lại đưa tôi đến quán ăn nhanh nơi gặp N lần đầu. Hơi phân vân, cuối cùng tôi vẫn bước vào, ngồi ngay cái bàn đã từng ngồi với N. Một hy vọng ngây ngô rằng biết đâu tôi sẽ tình cờ gặp lại cô ấy chăng. Đang lơ đãng nhìn qua khung cửa sổ, một giọng nói nhẹ như hơi thở khẽ hôn vào gáy tôi:
- Tôi ngồi đây được không?
Tuy giọng nói rất khẽ pha chút tinh nghịch nhưng cũng đủ làm tôi giật nảy mình.
- N!!
- Ha ha ha, tôi lại làm cô bất ngờ nữa hả?
- Ừ, cô xấu tính quá!
- Xin lỗi nha. Tôi cũng không ngờ sẽ gặp cô ở đây, chỉ định chọc cô chút thôi.
- Ừm...
Tôi quay đi, tránh ánh mắt của N để cô không thấy được khuôn mặt đang nóng bừng và nụ cười cố ghìm lại của tôi. Không hiểu sao gặp lại cô ta lại khiến tôi vui sướng đến vậy.
Chúng tôi chỉ gọi nước uống, không kêu thêm món ăn. Tôi uống nước cam, còn N uống cappuchino. Chợt nhớ ra một chuyện tôi bèn hỏi N:
- À, tại sao hôm qua cô không nói tôi biết cô là tác giả của cuốn sách đó.
- Chẳng phải tôi đã đưa name card cho cô sao?
- Sau khi đọc tên cô trên đó tôi mới biết ấy chứ!
- Vậy mà cô cũng không gọi cho tôi.
- Ơ... Ừm, đêm qua tôi cũng định gọi nhưng ngủ quên mất...
- ...và còn mơ nữa phải không?
Tôi hơi nhướn mắt nhìn N ngạc nhiên, chưa kịp nói câu gì thì cô lại lên tiếng:
- Cô ngạc nhiên vì sao tôi biết hả? Vì đêm qua tôi cũng mơ, có lẽ giống cô...
- Cô đã thấy gì?
- Thấy khuôn mặt lúc thiêm thiếp ngủ của cô thật dễ thương!
- !!!
Tôi cúi mặt xuống, cầm ly nước cam uống chầm chậm, nhìn qua vai cô rồi lảng qua chuyện khác:
- Câu chuyện trong cuốn sách đó là hoàn toàn hư cấu hay có phần nào dựa trên sự thật không?
- Tính đánh trống lảng hả? Hi hi. Mà câu chuyện của tôi cũng dựa trên tình tiết có thật đấy!
- Chỗ nào?
- Ở chỗ cô gái đó có thể gặp gỡ những linh hồn.
- Cô gái trong truyện có phải là cô không?
- Ừm… cứ coi là vậy đi!
- Cô có thể nói chuyện với linh hồn à?
- Không, tôi cảm nhận được họ thôi. Nè, sao mặt cô nghiêm trọng quá vậy? Cứ như vừa gặp ma ấy.
Tôi khẽ gật đầu. Đầu tôi lại đau nhói, gợi nhớ lại cơn ác mộng ban nãy. Hai tay ôm đầu, tôi hơi cúi ra phía trước, gần như sắp gục xuống bàn. Chợt cảm thấy hai mu bàn tay ấm áp hơn, đôi bàn tay với những ngón thon dài của ai đó đang ôm trọn hai bàn tay tôi. Ngẩng lên và bắt gặp ánh mắt lo lắng của N, bỗng dưng nước mắt tôi chỉ chực trào ra, ứa nhòe khóe mắt. Tôi cắn môi. N dịu dàng nắm hai tay tôi đặt xuống bàn, vẫn ôm chúng trong lòng tay ấm áp của cô.
- Nào kể tôi nghe đi. Đã xảy ra chuyện gì hả?
Và tôi như một đứa trẻ vừa tìm được chỗ dựa, lập tức kể hết chuyện vừa xảy ra cho N. Cô chỉ lặng yên ngồi nghe, thỉnh thoảng khẽ bóp chặt tay tôi trong tay cô. Đôi mắt N nhìn tôi dịu dàng. Mắt cô như đáy hồ lặng sóng và tôi đang được dòng nước trong hồ bao bọc, vuốt ve bởi tấm vải nước êm mát hơn cả nhung lụa. Điều đó giúp tôi bình tâm lại và có thể kể đến hết câu chuyện.
- Sau đó tôi vào đây và gặp cô...
Lúc này N buông tay tôi ra, trầm ngâm không nói gì. Bất chợt cô quay sang nhìn thẳng vào mắt tôi:
- Nói vậy… Ba cô cũng làm trong tòa nhà này hả?
- Ờ. Ba tôi là chủ tịch tập đoàn A mà.
N lại yên lặng rồi đột nhiên nắm lấy bàn tay đang đặt trên bàn của tôi:
- Nè, cuối tuần cô rảnh không? Nếu tiện thì sang nhà tôi chơi nhé!
- Hả!?
“Sao lần nào cũng đột ngột chuyển đề tài thế này? Chả ăn nhập gì cả!” Tôi nghĩ thầm. Nhưng trong lòng chợt thấy vui vui.
- Ờ, cũng được. Nhà cô ở đâu? Mà tôi tới có làm phiền gia đình cô không?
- Không sao, tôi ở một mình mà.
- Cô không sợ à?
- Sợ gì?
- Ở một mình.
- Sao phải sợ?
- Vì… ở một mình thì không ai chăm sóc, không có ai để cô có thể nhờ vả, không có...ờ....ờ...
- Sao tôi phải nhờ vả ai đó? Tôi nghĩ tôi tự lo cho mình được. Còn cô? Cô sợ ở một mình hả?
- Không hẳn là sợ. Đúng hơn là tôi quen một mình rồi. Ý tôi là một mình, không có cảm giác người thân bên cạnh dù họ vẫn tồn tại đó. Từ nhỏ, chung quanh tôi luôn có người làm giúp mọi việc rồi, từ giặt giũ, nấu nướng, đưa đi học rồi đi làm v.v. Nên nếu giờ ra ở riêng một mình tôi không biết phải làm sao để sống sót qua một ngày nữa!
- Ha ha ha, cô đúng là một tiểu thư chính hiệu! Vậy cả lúc đi chơi với bạn bè, cô cũng có người đưa đón à?
- Đúng rồi! Cô cứ nói địa chỉ nhà cô đi, tài xế riêng sẽ đưa tôi đến đó.
- Trời ơi! Quên chuyện đó đi cô bé. Tôi sẽ tới nhà cô và chở cô về nhà tôi, được chưa?
- Thế có làm phiền cô không?
- Không. Có lợi là đằng khác. Biết cô là tiểu thư đại gia tôi có thể bắt cóc cô đòi tiền chuộc được đấy!
- Hả!!?
- Ha ha ha cô dễ thương thật đó. Cô không quen bị chọc à?
- Không, hồi đi học chả ai dám chọc ghẹo tôi cả. Họ không muốn ba tôi phật lòng. Mà tôi cũng chẳng có ai là bạn bè thật sự. Cảm giác họ chỉ lợi dụng để tiếp cận ba tôi thôi. Ba lại càng không chọc ghẹo tôi, ông muốn tôi phải tỏ ra là tiểu thư gia giáo, không được bỡn cợt. Hơn nữa, một ngày không biết tôi gặp ba được mấy phút, chưa kịp nói câu nào đã đi mất rồi. Vậy đó, cô thấy cuộc sống của tôi buồn tẻ lắm phải không?
- Mẹ cô đâu?
- Không biết. Chưa từng nghe ai nhắc đến bà ấy. Mẹ hiện tại là mẹ kế, và bà ta chả thèm quan tâm tôi đâu.
N không cười nữa. Tay cô nhẹ nhàng đặt lên má tôi, những ngón tay mềm mại như xoa dịu được mọi nỗi ưu phiền, tôi ước gì chúng cứ ở đó mãi mãi. N từ tốn nói:
- Tôi có thể làm bạn cô không? Bạn thật sự ấy.
- !!!
- Đừng nhìn tôi như thế. Tôi tuyệt đối không phải hạng miệng xưng là “bạn” mà mắt hình viên đạn sau lưng!
- Phì, ha ha ha...
Tôi không nhớ bao lâu rồi tôi mới được cười thoải mái như thế. Các cơ mặt dường như chai cứng lâu ngày, nay mới được dịp co giãn, chúng thi nhau xô đẩy làm miệng tôi mở to hết cỡ đến nỗi cảm thấy hơi đau. Nhưng tôi vẫn chưa thể ngưng cười, đành ngước đôi mắt biết ơn nhìn N thay cho câu trả lời. Cô đưa tay lau giọt lệ nơi khóe mắt tôi, hẳn nhiên chúng ứa ra không phải vì tôi buồn. Đột nhiên, N đứng lên, vươn người ra trước và đặt lên trán tôi một nụ hôn nhẹ. Giấc mơ đêm qua bất chợt trở lại như hiển hiện trước mắt. Vẫn sự nồng ấm ấy, sự ẩm ướt ấy làm tôi ngơ ngẩn trong chốc lát, hơi rùng mình, không lạnh mà vẫn nổi gai óc. Mặt N kề sát mặt tôi, cô thì thầm:
- Hôm nay để tôi đưa cô về nhé!
- Ừm...
Tôi gọi điện cho tài xế, bảo anh ta đừng đến nữa. Phải mất một lúc để thuyết phục anh rằng sẽ không có chuyện gì xảy ra, rằng tôi sẽ chịu trách nhiệm nếu chẳng may ba tôi khiển trách anh. Sau đó tôi đi cùng N ra khỏi tòa nhà.
Tôi chưa từng ngồi sau xe máy của bất kỳ ai trước giờ. Cảm giác đó hoàn toàn khác khi nhìn phố phường qua cửa kính xe hơi. Trong chiếc hộp thép bốn bánh ấy, tôi như nhìn cuộc sống đang chảy quanh từ một thế giới khác - nơi không có bụi, không có tiếng ồn xe cộ, không có ánh nắng chói bang vắt kiệt mồ hôi trên khuôn mặt khắc khổ của những người buôn gánh bán bưng bên hè phố, không có mưa dầm thấm áo anh lái xe ôm lầm lũi mong kiếm thêm chút tiền cuối ngày. Dòng đời chảy quanh tôi như nước trong bể kính, không chạm được đến tôi, dù rằng vẫn có thể quan sát hàng ngày nhưng chỉ như một cuốn phim lướt qua mắt.
Gió chiều thổi tung mái tóc tôi và tóc N. Hai mái tóc như hòa lẫn vào nhau. Bây giờ tôi mới có dịp nhìn kỹ: Tóc N màu nâu đỏ, không biết do nhuộm hay do cháy nắng. Những sợi tóc mềm mại vuốt ve mặt tôi, luồn qua cổ áo sơ mi, âu yếm một phần ngực trần. Từ tóc N tỏa ra một mùi hương dịu ngọt, không nồng nhưng cứ vương vấn mãi như bài thơ tình chưa có đoạn kết. Đột nhiên, N hơi tăng tốc băng qua ngã tư rồi thắng gấp, làm tôi không phòng bị chúi người về phía trước, hai cái nón bảo hiểm đập cốp vào nhau.
- Ui da! Sao lúc tôi tăng tốc cô không ôm eo tôi, nếu vậy thì đâu có bị đập đầu thế này.
- Cái gì?! Là cô cố tình hả? Đồ xấu xa!
- Ha ha ha! Xin lỗi nha. Tôi muốn dẫn cô tới chỗ này. Đi nào!
N rẽ vào một con hẻm nhỏ. Ở thành phố này có rất nhiều hẻm nhưng với tôi đây là lần đầu nhìn thấy một con hẻm nằm trong lòng phố. Vì lẽ rất dễ hiểu là xe hơi không thể vào lọt hẻm nhỏ, mà đó lại là phương tiện chủ yếu của tôi. Chạy được một đoạn thì N dừng lại ở gánh hàng ven đường của một bà cụ. Bà hẳn đã già lắm, không đoán được tuổi, chỉ biết thời gian đã khắc dấu trên gương mặt bà vô số những nếp nhăn muộn phiền. Nhưng đôi mắt bà vẫn tinh anh, hiền từ nhìn chúng tôi, cất giọng run run:
- Mua gì không cháu?
- Bán cho cháu năm bịch chè, mỗi bịch một loại. Năm cái bánh chuối nướng, năm cái bánh da lợn, năm gói xôi vị. Ờ...ừ...hôm nay có món gì mới không bà?
Tôi trợn mắt nhìn N, không nói lời nào. “Cô ta ăn hết từng ấy đồ ngọt một lúc sao? Hẳn cô nàng phải là kẻ thù của những kẻ ăn kiêng để giữ eo”. Bà cụ chậm chạp gói những món N mua, trong khi N quay qua nhìn tôi, nháy mắt:
- Chè của bà là ngon nhất ở khu này đó, cô cũng ăn thử đi. Tôi mua luôn cả phần cho cô rồi nè.
- Ăn ngọt mà không sợ mập à?
- Không. Chắc tôi có nuôi một sư đoàn giun nên tôi ăn bao nhiêu cũng không mập nổi!
- Giỡn hoài!
Lúc đó bà cụ đưa cho N mấy món xôi chè gọi khi nãy. Cô rút ra tờ hai trăm ngàn, cẩn thận đặt vào tay bà:
- Đây, cháu gởi bà cả tiền trà nước cháu hay uống ké chỗ bà. Cháu đi nha, mai cháu lại tới!
Khi hai chúng tôi lại rong ruổi trên yên xe, tôi hỏi N:
- Chỗ ấy ngon đến đâu mà bán mắc dữ vậy?
- À, tiền chè bánh chỉ có mấy chục ngàn à. Nhưng tôi đưa thêm bà cụ để bà có bữa cơm chiều tử tế chút.
- Con cái của bà cụ đâu mà cô phải lo cho bà ấy thế?
- Bà cụ ấy lớn tuổi vậy mà vẫn phải bán chè để kiếm sống thì dĩ nhiên là con cái cụ chả đứa nào thèm lo rồi. Chúng nó giành lấy căn nhà rồi đuổi bà ra đường đấy.
- Nên cô thường mua chè chỗ bà để giúp đỡ phải không?
- Ờ, cô cũng thông minh đó!
- Hả!?
- Ha ha ha, đừng nóng, người ta giỡn mà. Ừm, ban đầu khi tôi đưa tiền dư bà nhất quyết thối tiền lại, không đủ thì bà tìm người đổi tiền lẻ. Bà nói bà tuy nghèo nhưng không muốn ai thương hại mà bố thí hết, bà kiếm được bao nhiêu thì ăn bấy nhiêu thôi. Tôi phải nói là hay đi ngang chỗ bà, thỉnh thoảng có ghé vào xin nước uống, bà coi như cháu trả tiền nước, vì cháu còn uống nhờ bà dài dài. Bà cụ pha trà cũng ngon lắm đó. Ăn bánh, chè của bà rồi uống trà là số một. Nói mãi bà mới chịu nhận tiền ấy chứ.
Tôi lặng yên, hơi ngả đầu trên vai N, nhưng vẫn chưa đủ can đảm vòng tay ôm tấm eo lưng thon gọn của cô.
- Sao cô biết hết vậy? Bà cụ có quan hệ gì với cô sao?
- Không, chẳng có quan hệ gì hết ngoài quan hệ người mua và người bán. Cứ coi như tôi nhiều chuyện đi. Tôi cần biết nhiều chuyện để viết văn mà.
- À, ra thế!
- Mỗi con người bản thân đã là một câu chuyện rồi. Trái Đất có khoảng bảy tỷ người, vậy là tôi có sẵn những bảy tỷ câu chuyện!
- Vậy tôi cũng là một câu chuyện của cô sao? Tôi chỉ là một câu chuyện để cô viết văn sao?
- Cô còn hơn một câu chuyện. Cô sẽ thành người viết nên câu chuyện của chính tôi từ giờ.
- ...
- Chúng ta đi một vòng rồi về nhà cô nhé.
Cô chở tôi đến khu vực gần Hồ Con Rùa. Tôi cũng từng đến đây nhưng toàn ngồi trong quán café ven hồ ơ thờ nhìn ra phố phường nhộn nhịp. Nhưng hôm nay tôi ngồi trên thành hồ, sau lưng là mặt nước hiền hòa xanh thẳm, mấy đứa trẻ con chạy chơi trên những bậc thang, tiếng cười ríu rít. Tôi hít sâu vào lồng ngực mùi hơi hăng hăng bốc lên từ mặt nước, mùi của hàng bắp xào tỏa ra thơm phức và mùi tóc của N đang ngồi kề bên tôi. N lấy ra mấy bịch chè mua lúc nãy, đưa cho tôi một bịch:
- Cô ăn thử chè bà ba này đi!
- Ăn bằng cái gì? Đâu có ly đựng đâu, cũng chả có muỗng.
- Trời ơi, cô phải người Sài Gòn không vậy? Là người Sài Gòn hãy ăn kiểu Sài Gòn, ha ha!
- Là sao?!
- Như vầy nè!
N cắn một góc ở đáy bịch chè rồi ngửa cổ, mút chè qua lỗ hổng đó. Tôi chưa từng ăn chè kiểu đó bao giờ, cứ ngẩn ra mà nhìn. N quay qua, lấy bịch chè trong tay tôi:
- Cô không quen, coi chừng làm văng chè tùm lum giờ. Để tôi cắn giùm cho!
Khi cái miệng xinh xắn của N vừa rời bịch chè, tôi đón lấy và dốc vào miệng mình. Vị chè ngọt thanh có lẫn cả vị môi của N. Tôi giữ niềm vui bí mật ấy cho riêng mình, tưởng như chúng tôi vừa hôn gián tiếp. Có lẽ N đang tự hỏi vì sao tôi chợt nhoẻn miệng cười vu vơ. Ăn xong, trời cũng vừa sụp tối. N đưa tôi về nhà. Trên đường đi chúng tôi không ai nói câu gì, mỗi người theo đuổi ý nghĩ của riêng mình.
Chương 2 <--->
Chương 4