Truyện ngắn Buồn

hồ long

Gà con
Tham gia
6/5/17
Bài viết
13
Gạo
0,0
Có lần, sau một ngày làm việc, đến buổi tối chúng tôi quyết định kết hợp bữa ăn thành luôn bữa nhậu.

Chiếc chiếu trãi nơi bãi cỏ, bày mấy món ăn thường ngày, một lò than đặt giữa để nướng thịt, thêm két bia cùng dăm chai rượu. Một anh lăng xăng chạy đi đâm chẻo, là thứ thức chấm giống như muối mọi nhưng ớt hành đều nướng chín cả, đâm xong thì chúng dẻo quẹo, dùng để chấm xôi hay thịt cá gì cũng ngon tuốt, nhưng hình như nghĩ lại thịt không cần chấm cũng ngon mà. Còn tôi thì mặc đời xuôi ngược quyết bu bám tới cùng cái lò than với hai con cá trê trên vĩ.

“Nướng khi nào thì chín?”. Tôi hỏi một ông bên cạnh.

Thì hết sống đừng cháy là chín?

Cha này răng thế hè! Nướng thì răng mà không cháy?

Rứa thì đừng khét?

Đã cháy thì răng lại không khét!

Đến đây lão sôi máu đứng bật dậy: “Thằng tê! Mi có làm được khôn? Khôn biết làm thì chờ mà… ăn!”

Tôi cười:

Giởn ôn đấy có gì mà không biết!

Nói xong tôi lật vỉ, lớp lá chuối bên ngoài đen nghịt bong dính vào cá, chiếc đuôi thò ra đã quéo lên xoăn lại. Nhìn ánh lửa hồng nhảy nổ tôi lại nhớ đôi tay thoăn thoắt của mấy cô gái Lào dùng kẹp lật thịt, và bôi tẩm gia vị bằng khúc xơ chuối đập bẹp. Đôi tay ám mùi khói và mỡ, song nét mặt thì không khi nào không tươi cười. Có đôi lúc tự nhiên tôi thấy thích cái tính cách lạc quan thái quá “qua hôm ni, tính sau!” của bọn họ, mà hôm sau có khó khăn thì vẫn cười mà sống. Nhưng chuyện gì thì không nói, chứ riêng cái chuyện nướng thịt thì người Lào hay bĩu môi chê người Việt lắm:
Mấy anh nóng nảy quá, không xong! Từ từ thôi!

Quả thật thịt bọn họ nướng rất ngon, vàng rộm ăn với xôi không cần nước chấm, bởi bọn họ nướng một cách kiên nhẫn chú tâm, trên ngọn lửa than cháy rêu rêu, gia vị được tẩm hết lớp này rồi đến lớp khác thấm vào tận trong xương. Tôi cũng bắt chước bọn họ, cá cắt ba khứa trên thân, rồi nướng, tay năng lật, dự là ngon phải biết. Nhưng cuối cùng lại chỉ có mùi cá bởi éo gia vị, mà cá quấn lá chuối thế này thì tẩm gia vị ở đâu. Nghĩ đi nghĩ lại, mới thấy mình ngu làm kiểu này thì phải ướp sẵn từ trước mới đúng. Ây dà! Quan trọng chi, dù gì thì cũng đã có nước mắm, không ai ăn thì bố ăn một mình, càng khỏe.

Cuối cùng sau một hồi vật lộn tới bảy giờ mới có cơm ăn, đói lả người. Nói sao nhỉ, đó là một bữa rượu đưa hương, bia xây tường đá, và đường rãi… đầy xương. Ai ai cũng ngắt nghẻo trong tiếng đàn ghi ta dập dìu điệu bolero Chợ Nọ (một khu chợ ở Huế) của những bản tình ca than nghèo, kể khổ, chửi đời. Song nhờ thế mà vui. Tôi thì uống chẳng nhiều lại dễ say, say rồi lại ngủ quên mất đến khi tỉnh nhìn quanh thì chỉ còn một người đàn, một người hát. Bài hát huyền thoại một chiều mưa qua tiếng hát trầm đục trãi nhiều phong sương như những giọt buồn tê lạnh tâm can. Đàn ngưng nhịp, Ông hát rầu rĩ nâng ly làm cái ực tưởng chừng như nuốt luôn cả cái ly, uống xong lại gục đầu lời chầm chậm:

Xong rồi anh ơi! Mẹ con nó đi rồi!

Ông đàn nghe vậy cũng thở dài một tiếng: “Hày! Thôi chú kệ mẹ đi!”

“Kệ mẹ đi!” là một lời khuyên đúng đắn trong những hoàn cảnh bế tắc không lối thoát, bởi chính người khuyên cũng không có cách giải quyết, mà đã không làm gì được thì làm quái gì phải nghĩ, thôi thì kệ mẹ đi.

Ông hát là thợ nề (thợ hồ), vợ bán cơm hến, hai vợ chồng có bốn mặt con, hai đứa đầu đã lớn trên hai mươi cả. Nhưng hơn hai mươi năm chung sống chịu nhiều lam lũ, cái gọi là gia đình đã hình thành nên những vết rạn vô hình mà người trong cuộc không để ý đến. Cho đến một ngày, đứa em vợ của ông đưa một mối việt kiều cho chị để tìm đường đi Mỹ. Vợ chồng xung đột, ba đứa con đầu lại mơ mộng giàu có nên ủng hộ mẹ, cô lập ba chúng. Ông tức quá bỏ đi Lào luôn.

Ở đây ngày nào ông cũng rên với tôi đến phát ngán: “Long! Nếu có kiếp sau chú nguyện không theo nghề thợ nề nữa!”

Vâng! Dù gì chú cũng là thợ còn tôi chỉ là thằng phụ mà tôi có rên rỉ gì đâu, tôi chửi chơ mấy! Nghề nó cực thôi chứ nó không có tội! Nhờ nghề nên chú mới góp một phần nuôi được mấy đứa con chú lớn đó thôi!

Ông ngậm ngùi một lúc: “Dù gì cái số của tau cũng là cái số hầm phân!”

Hày! Lại duyên và số! mấy anh thì lúc nào lấy duyên số làm cái cớ, còn mấy cô thì quay lại chê trách mấy anh vì chưa từng cố gắng nắm giử nên cứ hay đổ lỗi. Vâng! Mấy cô chỉ đợi, chỉ có thế thôi! Mấy cô tiếc gì một lời động viên, một câu khuyến khích bởi đàn ông cũng sợ hãi, cũng có những nỗi đau, những mặc cảm không thể vượt qua.

Cực có đáng sợ không? Không!

Khổ có đáng sợ không? Không!

Đáng sợ là đã cực khổ mà vẫn không được những người mình yêu thương công nhận! Cái đó mới đáng sợ! Cực kì đáng sợ.

Ánh lửa lập lòe của điếu thuốc cùng làn khói trắng tỏa ra tan vào không gian, tôi lật mình nằm ngửa lại để lọt vào mắt muôn vàn tinh tú, rồi nói lớn cho hai ông kia nghe: “Đúng! Kệ mẹ nó đi!” “Xin lỗi mẹ! Mẹ có tội tình chi?”

Rồi tiếng đàn lại vang lên, hai ông cùng hòa giọng, dù lời sai cả.

…vì nhân gian… chiều mưa rất buồn…

Hát với chả hò!... Mà… buồn thật! Giá như bây giờ… mưa nhỉ!
 
Bên trên