Đang viết Cây mận đỏ - Cập nhật - Sương Nữ

Sương Nữ

Gà con
Tham gia
17/4/24
Bài viết
2
Gạo
8,0
Phần giới thiệu
CÂY MẬN ĐỎ
Tác giả: Sương Nữ
Thể loại: Truyện dài, tình cảm, cổ trang
Độ dài: Chưa xác định
Tình trạng: Đang sáng tác

Đôi lời: Bối cảnh hư cấu. Mọi trùng hợp về địa danh có thật chỉ là tình cờ. Nhân vật trong truyện không đại diện cho tác giả.
Mở đầu:

Thanh Hạ là một hoạn quan, nhưng không phải là hoạn quan.

Người nàng thương là một gã hoạn quan tàn tật, sau này người không còn là hoạn quan, người là một ông lão bán gạo.

Người thương nàng là một vị hoàng tử, sau này người không còn là hoàng tử, người là một vị vua mất nước.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Sương Nữ

Gà con
Tham gia
17/4/24
Bài viết
2
Gạo
8,0
Chương 01
Chương 01.
Thanh Hạ lớn lên ở núi Bạch Tây, mẹ nuôi của nàng là một vị sư cô, thầy của nàng là một lão ăn mày. Họ sống trong căn nhà tranh hai gian, lấy nghề thêu thùa mưu sinh, ngày rảnh rỗi lại chăm ngỗng nuôi chim.

Thanh Hạ thường nói với mẹ nuôi. “Con muốn ở trên núi Bạch Tây cả đời! Trồng hoa cỏ rau xanh, nuôi một đàn gà con trong vườn.”


Sư cô cười hiền, lấy thước gõ vào đầu nàng. “Mày phải kiếm một thằng chồng nhiều tiền nhiều của để bà mẹ già của mày được hưởng phước!”

Năm lên bảy tuổi, vào một ngày trời rạng nắng, lão ăn mày nhét đứa học trò nhỏ vào tấm chăn vừa dày vừa nặng, dùng cuộn dây dài buộc như đòn bánh. Lão ôm chăn và người chạy xuống núi, mồ hôi nhễ nhại người, đôi chân già chạy thục mạng. Sư cô cầm chổi bay qua hàng rào cao, tay áo phấp phới trong gió, chân trần như cưỡi mây, thoắt cái đã không thấy bóng dáng đâu nữa.

Thanh Hạ chui ra ngoài, nghiêng đầu tựa lên vai lão thầy. Nàng nheo mắt nhìn ra xa, chẳng còn trông thấy mẹ nuôi đuổi theo.

Nàng nắm lấy sợi râu dài của lão, vừa kéo vừa hỏi. “Thầy ơi, mẹ nuôi đâu rồi?”

Lão cười gằn, mặt nổi đỏ vì mệt. “Mụ lạc đường là cái chắc!”

Đến bến sông, lão đưa nàng cho một ông già tóc bạc, người chèo thuyền, áo quần rách tươm, đôi mắt mù lòa, dưới gò má trái có vết sẹo dài.

Lão gọi người nọ là Lâm.

Thanh Hạ bứt mạnh vài sợi râu của lão thầy, giọng buồn buồn. “Người ta sẽ đưa con đi đâu?”

Lão nhét nàng vào trong khoang thuyền nhỏ, nhếch lên khóe môi. “Thuyền rẽ về Nam, thuyền đưa con về nhà.”

“Nhà của con ở núi Bạch Tây.”

“Đừng về đây nữa, trên đời này không có ngọn núi nào tên Bạch Tây.”

Lão vén rèm bước ra, đến đầu thuyền ngồi xuống cạnh người bạn cũ.

“Đến nơi rồi thì định làm gì?”

“Tìm chết.”

Lão thở dài, ngước nhìn bầu trời xanh như nước. “Ông đi thanh thản.”

Ông già nọ đứng dậy cầm cây chèo gỗ, mũi chèo nghiêng ra sau gõ mạnh lên lưng lão ăn mày. “Xuống thuyền.”

Giờ Thìn hai khắc, đâu đó vang lên tiếng trống. Nắng rọi xuống dòng nước, lấp lánh những hạt ngọc vàng dát dài trên gương. Khi sư cô đuổi đến thì thuyền đã lặn mất bóng, ngoái đầu nhìn lại chỉ còn lão ăn mày ngồi nhịp chân trên tảng đá cao. Sư cô đập cán chổi lên người lão, hét lớn, khóe mắt đỏ hoe.

“Trả con bé lại cho tôi!”

“Thuyền đi xa rồi, không thể tìm thấy nữa.”

Bà ôm mặt nức nở. “Về nơi đó làm gì! Xương cốt của họ đã hóa thành tro, nay chẳng còn một ai, sao không để con bé ở lại đây với tôi chứ? Tôi sẽ chăm sóc nó cả đời…”

“Ý trời đã thế cản ngăn chẳng nổi đâu. Ai mà không có gốc rễ để về – ai cũng có gốc rễ để về. Mụ phải hiểu, thương nó thật lòng thì để nó đi.” Lão nhét ít bạc vụn vào tay bà, khuôn mặt lạnh tanh và giọng điệu thì bình thản. “Mụ ra chợ mua cho tôi một bình rượu ngon. Sáng mai tôi lên chùa, thắp nén hương, tiễn ông Lâm đi xa.”

Sư cô lấp đầy cát vào lòng bàn tay, những nén bạc nhỏ chôn trong lớp cát dày. Bà quay người rời đi, bóng lưng gầy gò cô quạnh.

Đêm ấy, bà nói với lão ăn mày, rằng. “Xưa nay, ông Lâm thích nhất là rượu rễ cây đào. Tôi mua cho lão ta một bình lớn, uống đến ngán chết thì thôi.”



Con thuyền lênh đênh trên biển đã sáu tháng trời, băng qua sóng lớn, chịu mưa chịu gió, đuôi thuyền gãy đứt nhiều chỗ khiến nước tràn dần vào trong, từ hôm qua đã ngập ngang đến chân.

Ông Lâm đứng ở đầu thuyền khua chèo, miệng ngâm nga vài câu thơ. Thanh Hạ ngồi ở giữa thuyền cầm cái gáo tạt nước, người run rẩy lạnh toát.

Vứt cái gáo trong tay, Thanh Hạ chui vào khoang thuyền, trùm kín chăn, mở túi đựng gạo để lấy hai củ khoai nướng đã nguội ngắt. Đây là tất cả lương thực giúp họ cầm cự qua ngày, gạo sống và khoai tươi. Thanh Hạ không nói chuyện với ông già chèo thuyền. Ông ấy cũng không một lần mở lời với nàng.

Mười ngày sau, thuyền của ông già mù cuối cùng cũng dừng lại điểm đến. Lúc ấy hoàng hôn vừa buông xuống, gió thổi vi vu bên tai, sương mù phủ qua đường núi, vòm trời rặt đậm một màu đỏ tươi.

Thanh Hạ dựa vào mạn thuyền, ngước mắt nhìn ra mảnh đất trống phía xa, nàng nghĩ bụng, lại thêm một ông già lạ hoắc lạ huơ. Người đó vận áo xanh quần trắng, tóc búi vấn trong khăn, tay trái chống gậy, tay phải cầm đèn lồng.

Ông Lâm đưa Thanh Hạ một con dao bạc bọc trong vỏ ngọc. “Mũi dao này không cắt trên da thịt, lấy máu của người khác, không lấy máu của chính mình.”

Ông cúi người, đầu gối khuỵu trên đất, bàn tay gầy guộc chạm vào chân nàng. “Xin cô Thành Hạ đừng quên tôi. Dương Lâm của nước Hà Tiều.”

Những nếp nhăn hằn sâu, đôi mắt ông ấy trống hoác, mất đi cảm giác phương hướng, không có ánh sáng lọt vào trong.

Thanh Hạ rụt chân lại rồi nghiêng đầu nhìn ông với vẻ tò mò. “Thầy tôi cũng là người nước Hà Tiều.”

Nàng từng hỏi lão thầy của mình, nước Hà Tiều ở đâu? Cách núi Bạch Tây bao xa? Nếu cưỡi ngựa thì mất mấy ngày mới đến? Song lão ăn mày chẳng bao giờ trả lời nàng. Lão lại uống rượu, lại say khướt, lại bắt đầu im lặng.

Thanh Hạ bước xuống thuyền, vững vàng đi đến chỗ của ông lão áo xanh. Nàng không quay đầu. Ông ấy đã dặn dò, đừng nhìn lại, đừng hỏi lí do.

Người nọ đưa đèn lồng cho nàng, sau đó lại đưa tay nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn của nàng. Thanh Hạ nhích đến gần, lúng liếng đôi mắt sáng, nàng ngửi thấy mùi cỏ khô vương trên quần áo người bên cạnh.

Ông lão áo xanh mỉm cười hiền từ. “Con gọi ta là thầy Cơ Trần.”

Thanh Hạ nắm lấy ngón tay cái của ông. “Con họ Hoàng, tên Thanh Hạ, sống ở núi Bạch Tây, cạnh làng Con Trăn.”

“Làng Con Trăn, núi Bạch Tây ở nơi nào?”

“Không biết ạ!”

“Núi Bạch Tây nằm cạnh làng Con Trăn, ở Đàm Châu nước Đại Thụy.”

Cơ Trần nắm tay nàng bước đi. “Sau này ai có hỏi đến thì con phải trả lời giống như vừa rồi. Thanh Hạ ở Đàm Châu của Đại Thụy. Núi Bạch Tây là ở Đàm Châu, làng Con Trăn cũng ở Đàm Châu.”

Thanh Hạ chợt dừng bước, ngập ngừng muốn quay đầu nhìn lại. Bởi lẽ, nàng ngửi thấy mùi cháy khét, rất nồng, tỏa ra từ phía sau.

Cơ Trần tiếp tục dẫn bước cho nàng. “Thanh Hạ theo thầy về phủ. Từ nay không nhắc đến chuyện cũ.”

Thanh Hạ ngẩng đầu nhìn ông. “Thầy Cơ Trần nhìn ra phía sau giúp con, thuyền của ông già ấy đã rời đi chưa?”

Cơ Trần nhỏ giọng hỏi. “Sao con không quay đầu để nhìn xem?”

Thanh Hạ rụt lại bàn tay, không nhịn được sờ vào con dao bạc giấu trong vạt áo, nghĩ ngẫm đôi lát rồi vẫn lắc đầu.

Cơ Trần bật cười, gõ gậy xuống đất. “Hôm nay là ngày Mười sáu tháng Hai. Mỗi năm đến ngày này, con thắp một nén hương, nấu một mâm cơm. Mỗi năm là một phong thư, người ở nơi kia hẳn sẽ thấy an lòng.”

Thanh Hạ thẳng lưng bước đi, nàng không quay đầu, không xem sông núi phía sau.

Cơ Trần nhìn xuống bàn tay nhỏ đang run rẩy, chẳng thể nói gì thêm, khuôn mặt ông thản nhiên đến lạ thường.

Sóng to tràn vào đất bờ, dâng lên tiếng rì rào lại rì rào. Mây nặng trĩu một góc trời, mây vẽ hình vỏ ốc tròn, cát vàng trôi trong gió lộng. Hai người đã qua một đoạn đường xa, thấy những ngọn đồi dốc nối nhau, cỏ cây rậm rạp như rừng. Thanh Hạ nhìn cái bóng dài dưới chân, giọt nước mắt chảy xuống gò má nàng, vị mặn đến nghét miệng.

Họ ngồi trên xe lừa chất đầy rơm khô và củi tươi đằng sau. Xe lừa đi qua đường núi lớn, vào nội thành đông đúc người, đến chỗ sâu hút trong rừng cao giăng đầy sương.

Ông đưa Thanh Hạ về phủ, sắp xếp một gian phòng riêng, để nàng tự mình tắm rửa, mặc lên người bộ đồ mới. Chập tối, người làm ở phòng bếp đưa cơm nước đến. Thanh Hạ ngấu nghiến từng miếng cơm nóng, ăn đến đau rát miệng, bụng căng lên như sắp vỡ nát. Nàng nhét đồ ăn thừa vào trong áo, ngồi co rúm trong một góc đến sáng. Nơi này tịch mịch lạnh lẽo, không có ai đến trò chuyện với nàng.

Khi gà gáy ngoài sân, Cơ Trần đẩy cửa bước vào, nhìn dáng vẻ nàng nhơ nhuốc dầu mỡ chỉ sau một đêm, ông cau lại lông mày, giục người ngồi dưới đất đi tắm rửa, phải thay quần áo mới, cái cũ đều vứt đi. Thanh Hạ theo ông đến căn phòng lớn bên phía đông. Đầu gối quỳ trên đất, mắt nhìn thẳng, đối diện nàng là pho tượng Phật bằng vàng.

Màn lụa rủ xuống hai bên, những chiếc kệ dài đựng đầy sách, khói mờ lu hương bạc.

Cơ Trần ngồi phía sau bàn gỗ, mài mực rồi cắt giấy. Thanh Hạ nhìn chăm chăm vào ông, mắt còn chẳng chớp một lần.

“Thầy Cơ Trần đang làm gì vậy?”

“Chép kinh.”

“Sao lại chép kinh?”

“Vì bản thân có tội.”

Nàng lại hỏi. “Con sẽ làm gì khi còn ở đây?”

Người nhẹ nhàng gác bút. “Thanh Hạ là nam, cắt tóc, vận áo hoa chi tử, làm một hoạn quan trong phủ Thành Dương.”

“Hoạn quan thì phải làm gì ạ? Công việc ấy có quan trọng không?” Đối diện với ánh mắt điềm đạm của ông, nàng thẳng thừng đặt nghi vấn. Còn những chữ đầu, “Thanh Hạ là nam, cắt tóc, vận áo hoa chi tử…” Nàng lại chẳng để ý đến, không hỏi dụng ý có trong lời nói. Thực ra nàng còn chẳng biết hoạn quan là thế nào.

“Làm một kẻ hầu tận tụy trung thành, không nghĩ chuyện xác dục, không cầu tình duyên nam nữ, không hão huyền điều xa vời, không hỏi đến chốn về. Sau khi chết, người làm hoa chi tử xinh đẹp.”

“Con phải ở đây trong bao lâu?”

“Tròn hai mươi là vừa vặn.”

“Vậy cũng được. Sau đó con sẽ về núi Bạch Tây, tìm mẹ nuôi và lão ăn mày. Không rời đi nữa.” Nàng không gọi người là thầy vì vẫn còn để ý chuyện ông tự ý bắt nàng rời nhà, đến sống ở một nơi vô cùng xa lạ. Có lẽ sau khi trở về, lòng nàng mới nguôi ngoai nỗi giận hờn.

Cơ Trần nhìn lại trang kinh vừa chép xong, buông tiếng thở dài. “Lớn rồi thì làm gì chẳng được, người của phủ Thành Dương không cản ngăn. Nhưng Thanh Hạ phải làm hoạn quan cả đời, sống an phận, đến chết cũng phải an phận.”

Thanh Hạ nhanh chóng gật đầu mà chẳng cần nghĩ ngợi.

Thì bây giờ làm hoạn quan, đợi lớn rồi thì không làm nữa, nàng về nhà.

Cơ Trần không nói với nàng, ở nước Phục Nam, những kẻ yêm hoạn là chim gãy cánh chết trong lồng, sống hèn mọn cả một kiếp người, không thể nhìn thấy ánh mặt trời bên ngoài.

Mà dường như không chỉ ở Phục Nam, đến nơi nào cũng thế.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bên trên