Chợ

Tác giả: Thiệp Mộng
Thể loại: Tâm lý, cuộc sống, hiện thực xã hội,…
Rating: [K]
Length: truyện ngắn
Thể loại: Tâm lý, cuộc sống, hiện thực xã hội,…
Rating: [K]
Length: truyện ngắn
Cảnh báo: Những ai mà không tin vào những điều kì diệu thì đừng đọc truyện của mình nhé. Vì có thể mình viết nó hơi “ảo”. Nhưng truyện của mình chỉ mang tính chất hình tượng mà thôi. Bạn phải suy ngẫm rộng lớn hơn mới hiểu được.
------------------------------------------
Chương 1: Nhạc và đời
Cạnh nhà hắn là một cái chợ. Nói nhỏ không phải nhỏ, nói to cũng chả phải to. Nhưng ồn ào tưởng chừng muốn vỡ tung cả màng nhĩ. Sáng sớm đã huyên náo đến tận cửa nhà hắn.
Hắn không ghét chợ. Vì lí do hắn thuê nhà này cũng là do nơi đây thuận tiện, muốn gì cũng có. Nhưng sự ồn ã này hắn không sao chịu được. Vì sao ư? Vì hắn là nhạc sĩ. Nói nhạc sĩ cho oai chứ hắn chỉ là học nhạc ở nhạc viện, chẳng ngờ đâu có người có chuyên môn nhận định nhạc của hắn cực kì độc đáo, muốn hắn làm việc cùng. Thật không ngờ đĩa đơn đầu tiên đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình và nhanh chóng bán chạy.
Thế là phút chốc, từ một chàng sinh viên nghèo, hắn thành một nhạc sĩ có tiếng. Đơn đặt hàng của các công ty lớn cứ ầm ầm kéo đến. Làm hắn áp lực nặng nề. Nếu một tuần nữa chưa có bài hát mới, hắn sẽ vuột mất hàng trăm triệu.
Hắn giắt mấy đồng lẻ vào người, xỏ dép tổ ong ra đường, định bụng ra ngoài chợ mua ít cháo trứng muối về ăn rồi nghĩ nốt bài hát.
Chợ - lúc nào cũng thế - ồn ã, huyên náo, hỗn loạn và đủ mọi loại thành phần của xã hội. Đầu chợ là vài quầy hàng ăn sáng. Có bún bò Huế, mì Quảng, hủ tiếu, bánh xèo, bánh cuốn,… Đi thêm vài bước là hàng rau, hàng tôm cá, vịt ngan người ta nuôi ở nhà đem ra đây bán, tranh thủ lúc mấy ông công an phường hay ban quản lý chợ chưa ra “tuần” rồi “dọn dẹp” quanh khu này mà ngồi đây bán cho đỡ mất mấy đồng đăng kí kinh doanh.
Vào đến chợ, thì đủ mọi màu sắc, hình thù hỗn độn làm rối loạn trí óc bạn. Hàng đậu gia truyền của bà Bảy trong gian hàng, hàng thịt bà Thắm, hàng chè cô Huệ, hàng gạo thím Năm,… Lượn qua lượn lại là mấy cái xe đẩy bán đồ lặt vặt, hàng chục người bán vé số đủ mọi lứa tuổi, và vài người ăn mày, hát rong. Tất cả nhân lên, hòa trộn vào nhau thành một bức tranh đa dạng mà rối rắm về cái được gọi là “thị trường nguyên thủy” của loài người.
Hắn dừng lại chỗ hàng cháo trứng muối mua một bát. Chủ quán là một đôi vợ chồng trẻ, cũng vì thấy hắn hay ăn ở đây mà cực kì niềm nở. Hắn lại chẳng mặc cả bao giờ, lần nào mở hàng họ cũng đông khách nên hôm nay cô chủ quán tặng hẳn cho hắn thêm một quả trứng muối.
Hắn cảm ơn cô rồi chưa về nhà ngay, hắn còn lượn vài vòng quanh chợ thăm thú đã. Hôm nay hắn đi sớm, nên có thể thấy cảnh những chiếc xe hàng mà các lái buôn mang đến cho các chủ quầy. Những chiếc xe ba gác hoặc xe lam nhồi nhét cả chục con lợn, hoặc gà, hoặc rau quả vào đó rồi chở đi.
Có cả cái xe chở đá sơn màu xanh rất đẹp, nhìn nó mới nhất trong số mấy cái xe mà hắn thấy.
Hắn đi lững thững rồi suy nghĩ miên man. Người ta nói những đứa trẻ sống ở chợ khôn ngoan hơn những đứa sống ở những khu khác dù cùng lứa tuổi. Có phải vì ngày ngày phải tất bật mưu sinh, phải tiếp xúc với một xã hội phức tạp ngay từ lúc chào đời đã khiến chúng khôn lanh hơn hay không?
Hắn nhìn khu chợ huyên náo, nhìn những con người ngày ngày hối hả vòng quay tất bận của cuộc sống. Hắn thấy như mình lạc lõng. Những con người này, họ làm sao có thể hiểu được âm nhạc hắn viết chứ.
Hắn đi vòng vòng, rồi dừng lại chỗ một bà cụ. Bà bán không nhiều, chỗ bà bán chỉ có một mẹt tôm, một mẹt tép, vài ba con cá nục, cá khô. Nụ cười móm mém của bà như sáng lên khi thấy hắn. Hắn chỉ vào mớ tép hỏi:
“Bán bao nhiêu thế bà?”
“Mười đồng một lạng.”
Hắn nhìn mấy cái mẹt của bà, thấy bà bán hết chỗ này cũng phải quá trưa, mà bà lại chẳng có cái ô để che nghĩ cũng tội, nên chẳng thiết mặc cả với bà mấy hào. Bèn mua lấy hai lạng.
Ai ngờ đâu, có một phụ nữ ăn vận cũng sáng sủa đi qua hỏi:
“Bà bán con mấy lạng tép nào.”
“Đây con.”
“Mấy tiền một lạng thế?”
“Mười đồng.”
“Ấy, sao đắt thế. Tám ngàn thôi.”
Người phụ nữ có dắt tay một đứa bé. Chắc là đang trên đường đưa con đi học. Gần đây có một trường mầm non tên Hạnh Phúc. Hắn cười khẩy. Hạnh phúc ở đâu chứ? Khi mà con người vẫn chi li tính toán từng tí một và ích kỉ chỉ nghĩ đến mình?
Thằng bé con đang cầm một lọ màu xanh xanh, tay kia nó cầm một que thổi. Từ miệng nó thổi ra những quả bong bóng óng ánh, khúc xạ lại ánh mặt trời loang loáng những dải màu rực rỡ như ánh cầu vồng.
Những quả bong bóng bay đến mặt bà lão, chạm vào rồi vỡ ra. Kì lạ thay, bà lão không hề thấy khó chịu. Cũng không hề bực tức khi bị mặc cả có hai ngàn đồng. Bà chỉ cười, nụ cười móm mém đôn hậu rồi đồng ý bán cho hai mẹ con này mớ tép giá tám ngàn một lạng.
Hắn lúc đầu bất bình, nhưng sau lại cực kì ngạc nhiên. Đợi hai mẹ con kia đi khỏi, hắn hỏi bà:
“Lúc nãy sao bà hiền thế? Cứ thế mãi bị bắt nạt thì khổ.”
“Ấy, bậy nào. Cháu không biết. Ta nhìn thằng cu vừa nãy là nhớ đến cháu ta. Nó năm nay cũng tầm đấy, nó cũng thích chơi thổi bong bóng lắm.”
“Vậy sao? Vậy nó cũng đi học chứ?”
“Không, nhà nghèo quá, mẹ nó cho nó đi bán vé số với nhặt ve chai kiếm tiền phụ giúp gia đình rồi. Nó chỉ ước có một cái lọ thôi bong bóng như thế mà không có.”
Hắn sững người. Rồi hắn quay đầu nhìn lại bóng lưng thằng nhóc đang lẽo đẽo đi sau mẹ nó. Từng quả bong bóng lung linh óng ánh vẫn cứ bay tứ tán khắp nơi. Quanh đó, một ông lái xe ôm, một ông bán báo dạo, hai ba bà bán trái cây ngồi đó thích thú chọt chọt làm vỡ mấy quả bong bóng. Dường như có ánh sáng tỏa ra từ những gương mặt kham khổ, lam lũ dãi nắng dầu sương kia. Những quả bóng như thổi vào góc chợ chật hẹp, tẻ nhạt và yên ắng này một giai điệu mới mẻ tràn đầy sức sống.
Tựa như một bản nhạc vui tươi.
Tự nhiên, có một luồng điện xẹt qua đầu hắn. Rồi hắn quay đầu chạy hết tốc lực về nhà. Viết một mạch ba trang giấy ca khúc mới nhất của mình.
Ngày hôm sau, ca khúc đấy được gửi đi. Suốt hai tháng sau đó, ca khúc ấy vẫn chiếm lĩnh mọi bảng xếp hạng.
Chương 2: Người nghệ sĩ mù lòa
Góc phố ấy không vắng bóng người. Thậm chí nó đông đúc người qua lại vì ở trong một khu chợ khá có tiếng. Khu chợ đấy xưa kia vốn chỉ là một khu chợ nhỏ, không ngờ thời gian qua đi xây dựng lên đã thành một cái chợ to sầm uất.
Ngày nào cũng như ngày nào, vào lúc bốn giờ chiều, người ta cũng thấy một gã quái dị cầm chiếc đàn vĩ cầm ra góc phố ấy kéo đàn. Lúc đầu còn nhiều người đến nghe, trầm trồ khen hay, rồi cho anh ta tiền. Nhưng càng về sau, người ta nghe nhiều cũng thành chán. Căn bản thứ nhạc hàn lâm thâm thúy sâu xa đó họ không hiểu. Lâu dần rồi chả ai để ý đến anh ta nữa, số tiền cho anh ta cũng ngày một ít đi.
Cạnh khu chợ có một lớp dạy nhạc cho trẻ em, cũng nhận dạy cho cả người lớn. Có một cậu bé rất kì lạ, mỗi lần tan học cậu đều chẳng về nhà ngay, mà cứ lượn lờ gần người kéo đàn vĩ cầm đó say sưa nghe anh ta đàn.
Năm nay cậu cũng mười lăm tuổi rồi. Cậu chả chọn loại nhạc cụ nào dễ đánh mà lại đi chọn vĩ cầm, cũng chỉ tại cậu say mê tiếng đàn này của người nghệ sĩ dạo kì quái kia.
Bạn đã bao giờ nghe nhạc không lời chưa? Thử tưởng tượng có một ngày nào đó bài hát bạn yêu thích, của một nhóm nhạc thần tượng nào đó chẳng hạn, trở thành nhạc không lời. Do một nghệ sĩ saxophone hay vĩ cầm, hay organ, hay thậm chí là hacmonica biểu diễn tại một góc phố, một đoạn đường dưới hầm xe điện ngầm, hay là trên cầu. Giai điệu quen thuộc đó cất lên, không hề có lời. Chỉ có giai điệu, nhịp và âm sắc hòa trộn vào nhau du dương như mang tâm hồn ta đến một thế giới khác. Bạn không cần quan tâm lời bài hát được cất lên là ngôn ngữ của đất nước nào, bạn có hiểu hay không. Tất cả những gì đọng lại trong bạn là giai điệu da diết mà kì diệu của nó.
Cậu như chìm vào từng nốt nhạc mà người nghệ sĩ ấy kéo. Tim cậu như chùng xuống sau từng nốt nhạc trầm buồn. Đến khi sực tỉnh, bản nhạc đã kết thúc.
Trong thời gian quan sát anh ta, cậu đã nhận ra anh ta là một người mù. Khi kéo đàn xong, đôi tay anh ta mò mò vào trong hộp đàn. Cảm nhận thấy sự trống rỗng bên trong, gương mặt thoáng nỗi thất vọng, rồi lặng lẽ xếp đàn vào hộp, lò dò bước đi. Khi anh ta đi đường, đều phải dùng hộp đàn mò mẫm.
Cậu tính chạy theo xem người đó đi đâu. Nhưng đã nghe tiếng điện thoại mẹ cậu gọi về nhà.
Cậu rất muốn cho anh ta tiền. Nhưng cậu tiền tiêu vặt có hạn. Căn bản đều là tiền bố mẹ cho. Không thể nào cho anh ta nhiều được. Dù sao cũng là tiền mồ hôi công sức của bố mẹ cậu. Cậu không thể cứ dùng nó bố thí cho người ta mãi.
Cậu phải làm sao đây?
Hôm nay người kì quái ấy vẫn đứng chỗ đó kéo vĩ cầm, nhưng dường như chả ai đến nghe cả. Hắn đã kéo vĩ cầm ở đây một tuần. Những ngày đầu tiên, hắn nhận được những tràng pháo tay nhiệt liệt. Chúng làm hắn sung sướng tận hưởng như chìm đắm vào cái quá khứ huy hoàng ngày xưa. Khi hắn còn là một nhạc sĩ phong độ đỉnh cao. Rồi dần dà, khi cái hào quang danh vọng của hắn ngày một lớn, khả năng sáng tác của hắn lại ngày một kém đi. Hắn chẳng thể nào cho ra đời những bài hát chất lượng được nữa. Sự nghiệp của hắn ngày một tụt dốc. Việc không thể làm theo những bản hợp đồng khiến hắn phải bồi thường số tiền rất lớn, lại bị người ta lừa nên chẳng mấy chốc hắn lâm vào cảnh nợ nần, phải bán tống bán tháo mọi thứ đi để trả nợ. Chỉ còn mỗi cây đàn vĩ cầm mà hắn gắn bó là không nỡ bán đi. Tai nạn cướp đi đôi mắt hắn. Chẳng còn cách nào hắn phải ra đường kiếm kế sinh nhai.
Những ngày đầu hắn vẫn còn chìm đắm trong hào quang ảo tưởng như ngày xưa. Lúc đó tiền chẳng có ý nghĩa lắm với hắn. Nhưng bây giờ chả có đồng xu nào. Muốn có thứ bỏ bụng cũng không có.
Hắn lại lầm lũi dò dẫm bước đi. Hắn nhớ cái chợ này, nơi hắn đã từng sáng tác một kiệt tác. Vậy mà giờ đây, lại không thể tìm lại lần nữa.
Hắn nhớ những quả bong bóng nhỏ bé của đứa trẻ con thổi bay bay theo gió sáng hôm ấy. Liệu nếu hắn còn được nhìn thấy chúng, hắn có thể sáng tác lại một lần nữa không?
Đôi tay hắn vươn ra, như muốn chạm vào những quả bóng trong tưởng tượng. Hắn nhớ từng nốt nhạc, từng lời ca bài hát khi xưa. Bài hát về một cậu bé với ước mơ có một cái lọ thổi bong bóng.
Bong bóng quên đi muộn phiền. Thắp cho em ước mơ của ngày mới.
Nhưng bàn tay của hắn chỉ chạm vào khoảng không, của đêm đen mịt mù.
Tối hôm đó trời mưa. Và sáng ngày hôm sau, người ta phát hiện ra xác một tên ăn mày chết vì đói và lạnh ở trên cầu.
Bọn ăn mày xung quanh còn hôi của chiếc đàn vĩ cầm của hắn vì cho rằng nó đáng giá. Một tên chủ quán cà phê mở gần khu chợ đó có mắt nhìn đã mua nó với giá hai trăm nghìn đồng.
Cũng chiều hôm sau ấy, một cậu bé hỏi mua cây đàn đó với giá một triệu.
Tên chủ quán lưỡng lự. Hắn biết chắc cây đàn này không rẻ. Cả chục triệu là ít. Chỉ là quanh cái khu này ai bỏ tiền ra mua một thứ đồ cũ của người khác với giá cao thế đâu.
Thế là hắn nhượng lại cây đàn đó cho cậu bé. Phần cũng vì cậu ta khẩn thiết quá. Còn vừa khóc lóc vừa van nài hắn bán cho cây đàn.
Năm giờ chiều ngày hôm đó. Cũng đã là lúc chợ vãn. Những gương mặt mệt mỏi uể oải nhìn nhau rồi tất bận chuẩn bị đóng đồ ra về. Cái không khí im lìm tiêu điều của cảnh chợ chiều cũng dễ làm buồn lòng cả vài người chậm trễ giờ mới vội vàng tạt qua mua đồ ăn cho bữa tối.
Bỗng dưng, ở góc đường nọ, một người kì lạ cầm hộp vĩ cầm đang đứng đấy. Dáng vóc nhỏ bé lại mặc một cái áo trùm đầu khá to che hết cả gương mặt. Đã thế người đó lại còn đeo khẩu trang. Chả hiểu tên quái dị đó định làm gì.
Vốn dĩ cả chợ chả ai thèm quan tâm. Nhưng khi tiếng đàn cất lên, cả khu chợ bỗng chốc yên ắng cả lại. Tất cả mọi người quay lại nhìn người đang kéo vĩ cầm. Âm thanh anh ta tạo ra vui vẻ, tươi mới, và cực kì độc đáo. Dù họ đã từng nghe, nhưng lần này có một cảm giác khác hẳn. Họ thấy như đồng cảm, hiểu và như muốn hòa vào làm một với giai điệu đó.
Tất cả, tất cả nín thở thưởng thức thứ âm nhạc diệu kì của người nghệ sĩ đường phố lạ mặt.
Đôi tay ấy mỗi lần đưa đẩy, lại khiến mọi người như lạc bước vào một thế giới tưởng tượng hoàn toàn khác. Cả không gian chật hẹp trước mặt như dài ra theo cái kéo tay của anh ta. Rồi từng âm thanh dồn dập với những tiết tấu nhanh, như tiếng chuông gió ngân nga sinh động làm tất cả nhận ra giai điệu đó. Mọi người vỗ tay theo nhịp bài hát, cùng đồng ca bài hát quen thuộc.
Rồi những nốt nhạc lắng xuống. Không còn như chiếc lá phiêu linh bay trong gió, rơi xuống mặt hồ tĩnh lặng, bập bềnh trôi. Mà như viên đá rơi xuống, chìm xuống lòng sông. Hay như bức tranh thêm vào những gam màu trung tính, trắng, xám, đen, đọng lại như vệt nước mưa rỏ xuống trước hiên nhà.
Giây phút và khoảnh khắc khi bài nhạc được cất lên giữa một nơi ồn ào của nhân sinh ấy. Cái khoảnh khắc đó, có dùng bao nhiêu lời để diễn tả cũng không lột tả nổi. Đơn giản là nó kì diệu.
Đến tận khi màn biểu diễn đã kết thúc rồi, tất cả vẫn như còn chìm đắm trong nó mà không hề hay biết. Rồi đột ngột, họ vỡ òa ra xúc động. Những tràng pháo tay liên tiếp vang lên. Vài người cho vào hộp đàn những đồng tiền lẻ. Rồi bắt đầu nhiều người hơn cho thêm tiền vào đó.
Người kì quái kia nhìn hộp đàn. Không ai có thể biết anh ta biểu lộ cảm xúc gì. Rồi anh ta tiến đến, lấy những đồng tiền đó, vuốt lại cho phẳng phiu, và đi đến chỗ những người ăn xin, trịnh trọng chia đều cho họ.
Tràng pháo tay từ những người xung quanh lại vang lên. Vài người bật khóc. Những người ăn xin nhận được những đồng tiền này cũng xúc động không nói lên lời. Dường như ngày hôm đó đã là một ngày đặc biệt trong cuộc đời họ. Một ngày có thể thay đổi cuộc đời họ. Để họ thấy cái gì đó khác hẳn cuộc sống lam lũ tối tăm mà ngày nào họ cũng phải chật vật lo mưu sinh.
“Mẹ, mẹ xem con nhặt được cái gì này?” Một cô bé nhặt được một mẩu giấy cuối cùng rơi ra từ hộp đàn. “Anh, em không đánh vần được, anh đọc cho em với.”
Người quái dị kia quay lại. Ánh mắt thoáng có nét cười. Đó là mẩu giấy trong tập giấy vô giá mà cậu lấy lại được từ người đàn ông kì lạ kia. Khi đập con lợn đất lấy hết tiền tiết kiệm của cậu đi mua lại cây đàn này, cậu không thể ngờ mình đã mua được thứ còn đáng giá hơn cả cây đàn. Đó là những bản nhạc mà người nghệ sĩ kia đã sáng tác. Chúng được giấu một cách bí mật trong hộp đàn.
Cậu nhớ những tờ giấy cậu tìm thấy khi tìm được những bản nhạc. Những mẩu giấy viết tay vội vã. Dòng đầu tiên cậu đọc được là: Chỉ có những ai không quan tâm đến giá trị cây đàn mới tìm được chúng.
“Anh đọc cho em đi.”
“Được rồi, được rồi. Cái gì vậy? “Nghệ thuật sinh ra từ nhân sinh, vì thế phải phục vụ nhân sinh”. Sao anh chả hiểu gì cả?”
Mọi người xung quanh cũng chúi đầu vào mẩu giấy của hai đứa trẻ. Đến khi họ ngẩng đầu lên, người kì lạ kia đã không hề thấy bóng dáng.
<Hết>