Phần 1: Món cháo cám lợn
Chương 1: Cô Sáu nhà Thừa Ty[1] trấn Sơn Nam[2].
Góc phía Tây của Đỗ phủ là khu gần nhà bếp dành cho bề trên, rất ít người qua lại. Vì sợ đám tôi tớ bẩn thỉu ăn vụng hoặc đụng chạm làm hỏng đồ ăn nên bà lớn đã ra lệnh trừ mấy mụ làm bếp thì tôi tớ không ai được bén mảng tới khu vực này. Người bề trên thì chẳng ai lượn qua khu bếp để làm gì. Lúc này lại đang là giờ cơm chiều, đám tôi tớ ăn ở nhà dưới, đám người bề trên thì ăn ở nhà trên, chẳng ai để ý tới một thằng nhóc mười tuổi, dong dỏng cao, khuôn mặt thông minh, bộ dạng thong dong đi về phía nơi ít người qua lại ấy.
Nhìn qua nhìn lại thấy không có ai, Vũ vén vạt áo dài lên buộc lại và chỉ một giây sau đó bộ dạng thong dong của người đọc sách bị ném đi đâu mất chỉ còn thấy một thằng nhóc mười tuổi trèo lên cây xoài cao chót vót. Cây xoài này rất chua, đó là lý do chẳng ai muốn ăn nó cả. Nhưng cuối hè, những trái xoài đã chín, độ chua cũng giảm dần thì chúng lại có thể làm đồ ăn lót dạ giúp Vũ thoát khỏi cơn sủi bụng suốt cả một đêm. Đang loay hoay không biết ném xoài xuống làm sao cho khỏi bị nát thì một giọng nói trong trẻo, non nớt vang lên:
- Anh đang làm gì vậy?
Qua tán lá, Vũ thấy người vừa nói đang ngồi dưới mái hiên, cách cây xoài độ mười mấy bước chân là cô Sáu của nhà này, Đỗ Thị Hân, mới bảy tuổi, và một cách lắt léo nào đó có thể coi là em họ của Vũ bởi già* của Vũ là mẹ Cả của cô ta.
*Già: cách xưng hô ở một số vùng miền Bắc, già là chị gái của mẹ.
Vũ lúng túng đánh rơi hai trái xoài đang cầm trên tay. Cậu thực sự không biết phải trả lời thế nào. Đường đường là cháu ruột của bà lớn Đỗ phủ, là khách trong nhà, vậy mà đến bữa tối cũng chẳng có mà ăn phải hái xoài ăn tạm, dù mới mười tuổi nhưng là người đọc sách Vũ vẫn cảm thấy xấu hổ không muốn nói lí do.
Chẳng biết là cô Sáu tinh ý nhận ra sự bối rối của Vũ hay vốn dĩ cô chẳng quan tâm tới lí do, chỉ thấy cô đặt thứ gì đó trên tay xuống thềm nhà rồi chạy tới dưới gốc cây xoài. Cô mặc áo giao lĩnh[3] trắng kín tới tận cổ, vạt áo màu đen, bên dưới là váy nâu phủ tới tận gót chân. Lớp váy ngắn bên ngoài thông thường là lụa nhiều màu như các cô tiểu thư khác thì của cô Sáu lại là vải lam nhạt màu, thắt lưng được buộc bằng dây vải màu nâu cùng màu với váy. Bộ quần áo đơn giản ấy trông sạch sẽ hơn đám tôi tớ nhưng khiến người ngoài không ai nghĩ rằng người mặc nó lại là cô Sáu nhà ngài Thừa Ty trấn Sơn Nam này. Tóc cô Sáu mới dài chấm vai, có chút vàng hoe, buông xõa xuống vai áo. Khi tiến lại sát gốc cây, cô Sáu ngước mắt nhìn lên. Vũ bây giờ mới nhìn kĩ “cô em họ” bắn mười mũi tên chưa tới của mình. Cô có một đôi mắt to trong sáng đến lạ và một khuôn mặt nhỏ gầy nhưng toát lên vẻ lanh lợi. Thấy hắn nhìn mình thì Hân nhoẻn miệng cười, hai mắt híp lại.
- Anh cứ ném xuống đi, tôi đỡ cho anh.
Vũ giật mình, giờ mới hiểu lí do cô bé tiến về phía mình. Nhìn đôi mắt đầy ý cười của cô bé, Vũ cười lại rồi nhằm phía mấy trái xoài gần đó hái và ném xuống. Cô Sáu nhanh nhẹn giúp hắn chộp lấy, chỉ một lát đã được gần chục quả. Vũ nghĩ như vậy cũng đủ cho bữa tối của cậu và chia cho cô bé mấy quả nên hắn tụt xuống đất.
Vũ nhận lại mấy quả thuận miệng hỏi:
- Sao giờ ăn mà cô Sáu không vào ăn cùng mọi người?
Mặt cô bé đột nhiên sầm lại. Ở nhà này ai cũng biết cô Sáu là con của bà Bảy, mà bà Bảy sau khi sinh cô bé không lâu thì hậu sản mà qua đời. Già của Vũ có ba đứa con là cô Cả, cô Ba và cậu Năm, già còn suốt ngày tranh đấu với mấy bà vợ lẽ, thời gian đâu mà quản cô Sáu. Mà dẫu có thời gian thì bà cũng việc gì phải quan tâm tới con của người bà đã từng phải chia sẻ chồng. Bà Bảy còn sống cũng không phải là người đức ông yêu thích nên khi bà mất ông cũng quên béng đi mình còn một cô con gái đứng hàng thứ sáu trong nhà. Bà Cả thì chỉ cần đảm bảo cô Sáu không chết đói là được. Xét đến cùng thì cô Sáu với Vũ cũng giống nhau chả phải đầy tớ* hay ở đợ* mà cũng chẳng ai coi hai người là người bề trên.
*Đầy tớ: bán đứt mình vào nhà quan lại, quyền quý. Con cái của người bán đứt.
*Ở đợ: đi ở có thời hạn và lấy công trước.
Vũ biết mình lỡ lời định nói lảng sang chuyện khác thì:
- Đừng gọi em là cô Sáu, gọi em là Hân được rồi. Anh là Vũ, cháu nhà mẹ Cả hả?
Vũ cười gượng gãi đầu. Mẹ Vũ và già vốn cùng là con vợ cả, nhưng mẹ Vũ cưới một người tú tài nghèo khổ còn già cưới người giờ đã là ngài Thừa Ty trấn Sơn Nam, mặc dù khi cưới thì ông ta cũng mới là huyện thừa mà thôi. Già luôn khinh bỉ mẹ Vũ vì cưới kẻ bần hàn, làm ô nhục dòng họ. Từ khi mẹ được gả đi, mẹ và già không liên lạc gì với nhau. Hai năm trước cha bạo bệnh qua đời, mẹ đổ bệnh và nhắm chừng không qua khỏi nên mới phải dắt Vũ tới đây gửi gắm. Già không nỡ đuổi Vũ đi vì dù sao “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, nhưng bà chẳng bao giờ muốn giới thiệu Vũ với mọi người.
Mọi người đều tưởng Vũ là thằng đi ở đợ được bà Cả sắp xếp để hầu bên cạnh cậu Năm. Nghĩ đến đây Vũ không khỏi chửi thầm, đời đúng là thối, thằng đi ở đợ tối còn có cơm ăn, còn Vũ thì sao? Bọn đầy tớ cho rằng Vũ ăn cơm cùng cậu Năm nên chẳng bao giờ phần cơm cho hắn. Cậu Năm xấu tính vô cùng làm gì có chuyện cho Vũ ăn cùng, trừ buổi trưa nếu không cho Vũ ăn, hắn sẽ lấy cớ đói run tay không làm bài cho cậu Năm, cậu ta sợ thầy đồ đánh đòn nên mới chừa đồ ăn cho Vũ. Còn buổi tối thì… xoài trên cây hãy còn đủ cho hắn ăn thêm dăm bữa nữa ha. Vũ mang cái tâm người quân tử không muốn đi mách lẻo với già, mà dù có mách thì sao? Ban đầu già nói với bên dưới ăn uống của hắn tính theo cậu Năm, là cậu Năm không đồng ý cho hắn ăn cùng nên già sẽ trách phạt cậu Năm sao? Không đâu với tính khí bênh con như mạng của già thì sau đó Vũ chỉ khốn khổ hơn vì chuốc thêm sự khinh ghét từ già và căm ghét từ cậu Năm. Kinh nghiệm sống hai năm ở Đỗ phủ này đủ để Vũ quyết định ngậm miệng không đi cáo trạng.
Với thân phận như vậy quả thực Vũ ngại ngùng khi nhận mình là cháu nhà mẹ Cả. Vẫn như lúc trước, Hân lại tinh tế nhận ra chỗ khó xử của Vũ. Ánh mắt cô nhìn lại vào bọc xoài trên tay Vũ thì khẽ thở dài, cái thở dài chẳng hợp với tuổi của cô chút nào. Cô cười nói:
- Anh Vũ đừng ăn xoài vội, để em rửa cho anh đã nhé, không đau bụng đó.
Quả thực có mấy trái bị lăn đất, hơi bẩn thật. Hân nhanh nhẹn nhặt một cái rổ sảo[4] gần đó, cho xoài vào, nhắc Vũ chờ một lát rồi đi đến chỗ thềm nhà cầm cái bát tô đặt ở đó. Giờ Vũ mới biết hóa ra thứ Hân đặt xuống trước khi chạy lại cây xoài là một bát cơm trắng, trên phủ rau dưa. Thì ra Hân ngồi đây ăn tối. Đúng thôi, em ấy không lên nhà trên ăn được, cũng không ăn cùng đám đầy tớ, ở đợ được thì chỉ có thể ăn một mình mà thôi. Cùng là con của đức ông mà cô Cả, cô Ba, và cậu Năm thì ăn cơm toàn thịt cá còn cô Sáu thì chỉ có cơm trắng với rau dưa, thật là bất công. Nhưng nghĩ đến đây Vũ vội cúi đầu, dù sao vẫn còn hơn hắn, hắn đến bát cơm rau dưa còn chẳng có mà ăn đây này. Trưa nào được cho ăn, dù là đồ ăn thừa của cậu Năm thì Vũ cũng cố gắng bằng sống bằng chết lấp đầy cái bụng nhưng ăn một bữa sao no cả ngày được, đêm hắn vẫn chẳng ngủ nổi vì… sủi bụng.
Miên man suy nghĩ một hồi đã thấy Hân quay trở lại. Cái rổ sảo ban nãy giờ được úp lên trên một cái nón. Hân ngồi xuống bậc thềm, tươi cười gọi Vũ tới. Khi Vũ đi tới, Hân mở cái nón ra, bên trong ngoài xoài còn có hai tô cháo rau đang bốc khói. Vũ còn đang ngẩn người thì Hân đã nói:
- Anh cho xoài thì em ăn sao hết cơm, nên em nấu hai bát cháo rau, anh ăn cháo của em thì em mới ăn xoài của anh.
Sống mũi Vũ có chút cay cay. Hân khá gầy, vì không bị bắt làm việc dưới nắng như bọn tôi tớ nên nước da trắng lại càng làm cô bé trông mỏng manh. Bát cơm vừa rồi trông có vẻ to nhưng có chút cơm chứ mấy, gì mà ăn không hết, đây rõ ràng là cố ý chia đồ ăn cho hắn đây mà.
Không để cho Vũ do dự thêm, Hân kéo Vũ ngồi xuống bậc thềm, nhét một chén cháo rau vào tay hắn. Cháo được nấu từ cơm nguội, lại nấu vội nên chưa nhừ chỉ thấy hạt cơm trương to, thêm rau dền dại, rau sắn, chút mướp… nhìn hổ lốn như món cám lợn ấy vậy mà hai đứa trẻ vừa cười vừa nói ăn hết ngon lành. Xong xuôi mỗi đứa còn giải quyết hết hai quả xoài rồi mới cười hì hì chào nhau hẹn chiều tối mai lại trẩy xoài.
oOo
Hôm sau đó y hẹn Vũ tới khu nhà bếp phía Tây, chỗ cây xoài sà tán lá vào nhà bếp. Hân đã ở đó chờ cậu. Được vài bữa thì xoài hết, mùa đông cũng đến. Rau dại như rau dền, rau sam mà mọi khi chỉ cần ra vườn vơ tay một cái là được cả nắm thì giờ cũng chết hết cả. Càng lạnh thì lại càng đói. Vũ không dám đến chỗ cây xoài nữa, hắn không có gì trao đổi thì Hân hẳn vẫn chia cho hắn một nửa chút cơm đó. Nhưng Hân gầy như thế, mùa đông lại lạnh như thế, hắn thật sự nuốt không trôi. Trời sẩm sẩm tối, không có đèn dầu để đọc sách Vũ đành cầm sách, đem cái chõng tre ra ngoài sân. Hôm nay trăng mười sáu, Vũ hi vọng nương theo ánh trăng có thể đọc thêm vài trang sách. Trời trở lạnh nhưng cũng chưa đến mức không thể ngồi bên ngoài được.
Chỗ Vũ ở là một góc hẻo lánh ở Đỗ phủ, cách xa chỗ ở của đám người bề trên và cả tôi tớ. Buổi sáng để tới chỗ cậu Năm học thì Vũ phải chạy hơn một khắc[4] mới đến, nhưng được cái cũng tiện, chẳng ai nhòm ngó, thỉnh thoảng nhớ cha mẹ quá Vũ có thể khóc được một hai tiếng mà không sợ bị người khác nghe thấy.
Đương lúc Vũ tháo cái đai quần ra để quấn chặt lại với hi vọng làm thế sẽ bớt cảm giác đói thì một bóng đen lù lù tiến tới khiến Vũ sợ buông tay làm quần tụt xuống.
Người vừa tiến tới sững người rồi kêu á một tiếng rõ to, nhưng rất nhanh sau đó bịt miệng lại. Cũng may chỗ Vũ chẳng có ai không thì to chuyện rồi vì Vũ nhận ra người đi tới là Hân. Dù một đứa mới bảy tuổi, và một đứa mới mười tuổi nhưng nam nữ vẫn có sự khác biệt, với quy củ trong nhà nếu để người khác nhìn thấy cảnh này, rồi đến tai già hay đức ông thì hai đứa cũng no đòn.
Vũ càng lúng túng càng không biết quấn cái đai quần sao cho chặt. May mà ánh trăng không đủ sáng để Hân nhìn ra mặt hắn đỏ bừng.
Hân sau phút hoảng hốt ban đầu thì che miệng cười, ban đầu cười nhỏ, càng cười càng như không nhịn được nữa. Vũ xấu hổ nên khi cái đai quần được quấn chặt thì cáu kỉnh hỏi:
- Cô Sáu tới đây làm gì, để bà Cả biết không hay đâu.
Thấy Vũ gọi mình là cô Sáu, Hân biết hắn đang giận, cô thôi cười, nhưng dưới ánh trăng Vũ vẫn nhìn ra bờ môi run run vì nhịn cười của cô bé.
- Anh đói tới tụt cả quần thế kia sao không tới khu bếp phía Tây, em đợi anh bị muỗi cắn sưng cả chân đây này.
Vũ đã xấu hổ lại càng xấu hổ hơn. Vốn tưởng không tới nữa thì cô bé tự biết chứ, bình thường lanh lợi lắm mà.
Hân thả cái rổ sảo xuống chõng tre, mở cái nón ra, vẫn như mọi khi là hai tô cháo. Bụng Vũ vang lên ọc ọc, khiến Vũ phải bước lùi vài bước ra khỏi cái chõng tre vì sợ Hân nghe thấy. Hắn ấp úng nói:
- À, cái này, từ mai em đừng đem tới nữa… Tôi, tôi… tôi không đói. Em… em tự ăn đi.
Bàn tay Hân đang cầm bát cháo để từ rổ sảo sang chõng tre khựng lại một nhịp. Kì thực từ khi Vũ xuất hiện ở Đỗ phủ, lần đầu tiên thấy Vũ rầu rĩ đi sau lưng anh Năm, khi đó Hân mới năm tuổi, nhưng cô đã nhận ra, có người cũng giống như cô. Cả hai đều không thuộc về đám tôi tớ, cũng chẳng thuộc về đám người bề trên, cứ như Đỗ phủ rộng thế, nhiều người thế mà vẫn thấy không có nơi nào thuộc về mình, vẫn thấy cô đơn. Mãi tới hai năm sau ngày Vũ tới Đỗ phủ, hai người mới có cơ hội tiếp xúc. Đúng như Hân nghĩ, người anh tên Vũ này khiến cô rất thích. Lúc ngồi đợi bên thềm nhà phía Tây mãi mà không thấy người tới, Hân đã đoán Vũ hẳn muốn từ chối. Còn chưa nghĩ ra cách thuyết phục thì mắt cô nhìn thấy một cuốn sách cũ, bong lề, bìa còn rách đôi ba chỗ đặt ở chõng. Hân cười híp mắt quay lại nhìn Vũ.
- Anh Vũ biết đọc sách, viết chữ?
Vũ đang một bụng những lời thuyết phục Hân thì bị câu hỏi của Hân làm nghẹn lại. Hắn cứng ngắc gật đầu.
- Vậy anh Vũ dạy Hân được không? Các chị trong nhà đều biết chữ, mẹ Cả lại không cho gọi em lúc mời người tới dạy. Nên em…
Vũ nhìn điệu bộ đáng thương của Hân thì vội quả quyết gật đầu.
- Cái này dễ mà, nhưng cả ngày tôi phải theo hầu cậu Năm, tối muộn đọc sách viết chữ hại mắt, chỗ tôi cũng không có đèn dầu… - Vũ ngập ngừng chút rồi nói tiếp. – Cậu Năm toàn dậy trễ, nên sáng có thể bỏ ra một hai giờ dạy em sau đó tìm cậu Năm cũng không muộn, em thấy sao?
Dường như Hân chỉ đợi Vũ đồng ý là tiếp lời ngay:
- Dạ, vậy sáng mai em qua, nhưng thầy đồ của em không ăn no bụng, sáng mai có sức đâu mà dạy em?
Vừa nói Hân vừa cười cười đẩy bát cháo về phía Vũ. Đến đây thì Vũ đành phải lắc đầu. Con bé này tâm tư tinh tế thế, mới có bảy tuổi mà đã như bà cụ non rồi ấy. Đúng là nếu nó không làm thế thì Vũ nhất định sẽ không ăn. Lúc nghĩ như vậy Vũ cũng quên mất là cậu cũng mới có mười tuổi. Dường như những đứa trẻ không được quan tâm, phải dựa vào chính mình tìm cách để tồn tại thường có tâm tư linh hoạt, biết đọc suy nghĩ thông qua biểu hiện của người khác thì phải.
Vũ nhìn bát cháo, tròn mắt hỏi:
- Sao nhiều cháo vậy, còn khoai nữa?
Hân lại híp mắt cười, môi chúm lại rồi kéo về phía trái. Đây là điệu bộ mỗi lần đắc ý của Hân.
- Em đổi cơm cho chị Hến và thằng Ốc. Chị em nó chỉ được ăn khoai nên thích lắm.
Vũ lại nhìn vào những hạt cơm trương phềnh trong bát, đầu hắn hơi hếch lên, trong mắt rõ ràng ý hỏi: thế cơm đâu mà nấu cháo?
Hân cười khanh khách. Cô bé hoa chân múa tay miêu tả “chiến tích” của mình.
- Ngoài chị Lá và bà Thìn làm bếp ra, không đứa đầy tớ hay ở đợ nào được vào bếp, mà người nhà trên chẳng vào đó bao giờ. Hôm qua em đem bát đến trả, phát hiện ra trong nồi luôn có một ít cơm cháy cứng, cạy không ra khỏi nồi. Nên hôm nay em đổi cơm lấy khoai, đem nước và khoai đổ cùng đám cơm cháy ấy nấu cháo. Anh nhìn nè, nấu được hai bát đầy ú ụ. Đã vậy chị Lá vừa nãy còn khen em, bảo cô Sáu làm sao mà rửa sạch được nồi thế.
Vũ bị lây bộ dạng vui vẻ của Hân, cả hai vừa xì xụ húp cháo vừa ríu ra ríu rít nói chuyện. Đột nhiên Vũ hỏi:
- Thế bình thường nồi nấu cơm ấy, làm sao để rửa sạch?
- À, ngâm nước một đêm, sáng hôm sau đổ nước ấy vào nồi nấu cám…
Hân đang vui vẻ nên xíu nữa thì bật ra cụm từ “nấu cám lợn”. Hân mấy lần nghe mẹ Cả với các chị lớn nói chuyện, thấy bảo người đọc sách tâm tư rất cao ngạo. Thế nên Hân mới phải nghĩ cách để Vũ chấp nhận ăn cháo của cô, nhưng giờ lại nói ra mất chuyện cơm cháy thừa ra vốn là để nấu cám lợn thì chỉ sợ hắn phật ý. Thấy Hân vội vàng che miệng và im bặt, Vũ cười to nhưng Hân hãy còn nhỏ nên không nhận ra được nét buồn trong tiếng cười.
- Món cháo rau mấy bữa trước của em chả nhẽ không giống cháo cám lợn?
Nghe được câu này, biết Vũ không để bụng, Hân lại toét miệng cười cúi xuống húp cháo xì xụp.
Hai đứa trẻ nhỏ không người quan tâm từ đó nương tựa vào nhau. Chúng bắt đầu buổi sáng bằng tiếng đọc sách lanh lảnh trong trẻo và kết thúc một ngày bằng món cháo cám lợn. Cứ như vậy xuân tới, hạ đi, thu về, đông qua… thấm thoắt đã sáu, bảy năm.
----
Chú thích:
1.Thừa ty: đơn vị quản lý hành chính tại địa phương của xã hội phong kiến Việt Nam
Tháng 6 năm Hồng Đức thứ 2 (1471), đặt chức Thừa Ty ở 12 Thừa tuyên. Ở các tỉnh nhỏ chỉ có Tuần vũ thì Thừa Ty giữ vị trí tỉnh Phó giữ việc hình. Thời Tự Đức (1848-1883) Thừa Ty coi như tỉnh Phó của tỉnh nhỏ..
Thừa tuyên/xứ: phân cấp hành chính thời quân chủ Việt Nam (938 – 1886). Năm 1466 vua Lê Thánh Tông chia cả nước thành 12 thừa tuyên/xứ. Sau đó thừa tuyên/xứ được đổi thành Trấn.
Thời Lê Trung hung: Đứng đầu các trấn là các cơ quan Trấn ty, Thừa ty và Hiến ty. Nhiệm vụ của Thừa ty và Hiến ty như thời Lê sơ:Thừa ty trông coi hành chính (hộ tịch, ruộng thóc, kiện tụng),Hiến ty lo việc tư pháp (tuần hành, khảo khóa, khám xét, xét hỏi, hội đồng kiểm soát).
Nguồn: http://www.vanhoanghean.com.vn/chuy...uan-pham-tuoc-hoc-vi-thoi-phong-kien-viet-nam
http://vi.wikipedia, từ khóa: hành chính thời Lê trung hưng.
2. Trấn Sơn Nam: đơn vị hành hành chính thời Lê trung hưng – Đàng Ngoài, Trấn Sơn Nam gồm có: Hà Đông, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình.
3. Áo giao lĩnh:
Đây là bức tranh do người Nhật vẽ về người Đông Kinh vào năm 1714. Trên góc phải của bức tranh có ghi chữ "Đông Kinh nhân", tức người Đông Kinh, người Hà Nội ngày xưa. "Thế giới nhân vật đồ quyển" của Nhật Bản - năm 1714 (Thăng Long)
Đây là bức tranh do người Nhật vẽ về người Đông Kinh vào năm 1714. Trên góc phải của bức tranh có ghi chữ "Đông Kinh nhân", tức người Đông Kinh, người Hà Nội ngày xưa.
Trang phục bé Hân nhà ta có dạng này:
[4] Rổ sảo: trông như thế này này cả nhà.
Giới thiệu truyện << >>
Chương 2