Tôi đến với Có ai giữ giùm những lãng quên vào một trưa chủ nhật trong bệnh viện. Nắng thị trấn ngày ấy rất dịu nhẹ, chút gió của chớm đông khiến hàng liễu ngoài cửa sổ bỗng lao xao. Nhìn người dì đang bình yên ngủ trên giường bệnh, chợt nhớ khi thơ bé đôi tay đang sưng phù kia từng bế tôi, ấp ôm chiều chuộng. Đôi chân giờ nằm yên bất động kia khi xưa từng cõng tôi qua bao nắng gió cuộc đời. Nếu ngày hôm nay không ngồi đây, phải chăng tôi đã lãng quên những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt ấy.
Rồi chợt nhận ra câu trả lời cho câu hỏi của Jun Phạm: Có ai giữ giùm những lãng quên. Chính tôi vẫn đang hằng giữ những lãng quên của chính mình. Chỉ là bà Chúa thời gian vặn đồng hồ quá nhanh khiến tôi mải miết đuổi theo những điều phù phiếm, rồi chôn chặt kí ức vào góc sâu nhất của tim.
Đến với Có ai giữ giùm những lãng quên, tôi bắt gặp trong đó những điều đúng, rất đúng mà cũng không hoàn toàn đúng. Ví như tình người những năm 90 vô cùng tương thân tương ái. Còn tình người giờ đây…
Điều bất ngờ nhất là tôi chẳng thấy được sự bất ngờ nào trên gương mặt người đang điều khiển xe máy cả. Họ vẫn thản nhiên chạy trước đầu xe cứu thương mặc tình cho còi xe hú to đến cỡ nào vẫn không chịu né tránh. Tôi tự hỏi lòng người bây giờ bạc bẽo đến thế sao?
Tôi từng sống vài năm ở Sài Gòn phồn hoa, mảnh đất mà tình người bạc hơn vôi, gật đầu thừa nhận câu hỏi của Jun Phạm.
Thế nhưng, ở miền quê nhỏ nơi tôi đang sống, tình người thấm đượm trong từng ánh mắt, từng cử chỉ. Họ bất chấp sự phiền hà vẫn lặn lội đường xa vượt mấy trăm cây số mang thuốc về cứu một mạng người. Họ không nghĩ suy tính toán vẫn chăm sóc giùm con của người lạ khi gia đình người lạ có chuyện.
Tình người là những hôm trong bệnh viện, mẹ bảo con đi mua cơm cho cô giường bên đi, đừng lấy tiền mà tội nghiệp cô, vào đây thui thủi một mình không người thân, chẳng ai chăm sóc. Tình người là một chú người đồng bào thiểu số nhường phiếu ăn của mình cho người phụ nữ mắt đỏ hoe vì không có tiền mua cháo cho con.
Tình người vẫn tồn tại đủ đầy ở khắp mọi nơi nếu mỗi người chịu mở lòng ra, dù chỉ là một chút nhỏ nhoi. Và tình người vẫn hằng len lỏi trong cuộc sống của những trái tim không bị đồng tiền chi phối.
Có ai giữ giùm những lãng quên, không là những danh từ mĩ miều, không là những câu văn bóng bẩy, trau chuốt. Đó chỉ đơn giản là những câu kể với chấm phẩy bình thường, thế nhưng lại chân thật, sinh động, đôi khi khắc khoải đến không tài nào chợp mắt được.
Tôi đọc, tôi suy ngẫm rồi bất chợt thở dài theo từng mảnh đời vụt thoáng qua. Là một tết vừa vui vừa buồn với cô bé lượm ve chai ngồi co ro trong một góc cầu Khánh Hội. Bàn tay em đen nhẻm xấu xí vì không được ấp ủ trong đôi bàn tay to lớn của những người là cha, là mẹ. Là… phút giây tôi chợt nghẹn lòng.
Là những câu chuyện vu vơ khiến tôi tìm thấy mình trong đó. Là chợt nhớ khi xưa gần trung thu, bố cặm cụi chặt rồi vót tre, mua giấy kiếng đỏ và nến về làm lồng đèn cho ba chị em. Lồng đèn khi ấy đúng như Jun Phạm miêu tả: Lung linh tuyệt đẹp thắp sáng cả một mùa trung thu nghèo. Chiếc lồng đèn tre giản đơn trong tôi có lẽ còn lung linh hơn, bởi nó chứa đựng cả tình thương bao la như biển cả mà bố dành cho chúng tôi. Để rồi giờ đây, khi đã ra trường đi làm, những chiếc lồng đèn xưa cũ mất mất dấu hẳn, nhưng tình thương của bố vẫn vẹn nguyên như thuở nào: Là sáng sáng con gái vội vội vàng vàng xuống nhà đã thấy bố dắt xe qua khỏi mấy bạt cà phê, chỉ vì sợ con trượt ngã. Là đi chợ rồi bất chợt ghé hiệu thuốc mua cho con gái chai dầu gội ngăn rụng tóc khi con than thở sao tóc dạo này thưa quá. Là nước mắt con chợt nhòe khi viết những dòng này cho bố.
Có ai giữ giùm những lãng quên – là những ước ao thật giản dị cho “Ngày đầu tiên”: ước gì khi về già mình và ai đó còn có thể tình tứ nắm tay nhau bước qua những mùa valentine như ông lão bà lão trong câu chuyện.
Jun Phạm cũng dạy ta những bài học nho nhỏ về chuyện người ra đi – người ở lại. Người ra đi chỉ còn là quá khứ, hãy cứ giữ lại những hồi ức đẹp, nhưng xin đừng bám víu và bi lụy, vì những người còn lại mới thực sự xứng đáng được ta yêu thương và nhớ về!... Hãy sống và trân trọng những gì mình đang có!
Là ta bỗng trở trăn theo những trăn trở về hạnh phúc của Jun Phạm và chợt thốt lên: Hóa ra 20/3 là Quốc tế Hạnh phúc. Đầu thì thầm nghĩ: Có thật ngày đó ta sẽ hạnh phúc và hạnh phúc trong ta là khái niệm thế nào?
Hạnh phúc là:
- Là nắm tay người thương bước qua những giông tố cuộc đời rồi nhìn nhau mỉm cười.
- Là có thật nhiều tiền rồi đi du lịch đây đó, xây cho ba mẹ ngôi nhà mới khang trang hơn...
- Là khi chứng kiến những người ta yêu thương hạnh phúc.
- Là khi ta dám sống thật với những đam mê đang hằng cháy bỏng trong tim...
Là bất cứ đều gì cũng đều đúng cả. Hạnh phúc nào có khái niệm đủ đầy. Hạnh phúc là khi ta thấy hạnh phúc. Thế thôi. Cũng giống như bài toán về niềm vui nỗi buồn. Niềm vui < nỗi buồn.
=> Qua đó chứng minh con người luôn sống trong hạnh phúc nhưng chẳng bao giờ hiểu được giá trị chính xác của nó.
Hạnh phúc là tự tôi phải dò dẫm khám phá, lãng quên là chính tôi vẫn hằng giữ. Còn bạn thì sao, ai đang giữ giùm bạn những lãng quên của năm tháng xuân xanh không bao giờ trở lại?
Viết cho chính tôi,
cho ngày đông Đà Lạt rét mướt,
ngày mà mặt trời ngủ quên trong vòng tay ấm áp của mây mềm!
cho ngày đông Đà Lạt rét mướt,
ngày mà mặt trời ngủ quên trong vòng tay ấm áp của mây mềm!
Chỉnh sửa lần cuối: