Chương 1
Trong quán cà phê vắng người. Một tên con trai đang ngồi bên cạnh một… tên con trai khác.
- Cái gì đây? Bạn em báo nợ hả? Có cần anh đi chung để em đỡ cô đơn hông? – Tuấn cất giọng cười cợt nhìn sang người bên cạnh.
- Để tới đó người ta sẽ thấy hai đứa con trai yêu nhau à. Anh không sợ bạn bè em bật ngửa khi chúng nó thấy em dẫn theo một thằng đàn ông hả?
- Ha ha ha. Chơi luôn, để anh mượn moto của ông anh, bữa đó hai đứa mình mặc đồ như rocker lên hát tặng cô dâu chú rễ một bài. – Tuấn vẫn tiếp tục trò đùa của anh.
- Được! Anh thích thì chiều. Bữa đó phải mặc đồ đen, lên hát bài Người về cuối phố phối rock. Anh dám chơi không.
Đến lúc này thì Tuấn bắt đầu nụ cười giã lã của mình. Anh thừa biết người yêu anh mà nói là làm cho kì được, dù điên đến đâu đi nữa.
- Em không sợ đám cưới người bạn mười mấy năm của em tan tành hả?
- Sợ quái gì. Nó mà mời em thì nó hẳn phải biết tính em thế nào mà. Không chừng nó còn biết mua bảo hiểm cho cái bữa tiệc ấy rồi.
Tuấn bắt đầu thấy trò đùa của mình đã vượt tầm kiểm soát.
- Thế lỡ tụi học trò của em mà trông thấy thì sao?
- Thế thì rủ tụi nó lên sâu khấu gào luôn chứ sao.
- Thế còn lỡ ba mẹ anh trông thấy thì sao?
- Anh à. Anh thừa biết là bỏ một cục muối xuống biển cũng chẳng mặn bao nhiêu. Hai bác lạ gì em nữa, có sốc cũng không thể hơn lần đầu tiên em ra mắt.
Tuấn cười chạnh lòng. Người ta ra mắt người yêu hoặc là phụ mẫu la hét xiên móc um lên để phản đối, hoặc là cười tươi tắn vui vẻ tra khảo gốc tích rồi bằng lòng. Còn lần ra mắt của anh, ba mẹ anh chỉ biết nhìn trân trân từ đầu đến cuối buổi. Thậm chí ba anh chỉ ăn được đúng một mẩu thịt bò trong món beefsteak tổ chảng, còn mẹ anh thì nhầm cái muỗng khấy thành ống hút của ly trà chanh. Ba mẹ anh cũng thuộc dạng cứng rắn vì từng trải. Ấy thế mà mỗi lần nhắc đến người yêu anh là lập tức lảng sang chuyện khác, nhưng khi hỏi có chấp nhận không thì vẫn gật đầu, thậm chí còn bảo hai đứa cưới đi rồi mua hẳn một căn nhà cho hai đứa về ở. “Dẹp! Anh còn không tự mua được một căn nhà thì đi mà kiếm gái về cưới.” Đó là phản ứng anh nhận được khi kể lại lời ba mẹ.
- Được! Em thích thì anh chiều. Để coi tên hai bạn này. Gia Nghiêm và Thế Toàn. Em đừng nói đây lại là một chuyện tình đam mỹ kết thúc có hậu như hai đứa mình nhé?
- Anh yêu, anh căng mắt nhìn lên chỗ này này. Trưởng nữ, là nữ đó anh ạ, người ta là con gái. Gia Nghiêm là con gái.
Nụ cười trên mặt Tuấn trở nên méo mó đến tội.
- Hay là chuyển giới?
- Ha ha. Anh đừng có tưởng ai cũng may mắn cưới được người chuyển giới. Nó là con gái chính cóng, rất điệu đà và tài giỏi.
- Thế quái nào mà bạn bè em toàn một đám người dị biệt thế nhỉ?
Tuấn khổ sở nói. Nhưng trong lòng anh lại thấy thích điều đó.
- Đến cả người yêu của em còn dị biệt đây. Ha ha.
Một nhân viên bước đến với tờ hóa đơn trên tay.
- Dạ hai anh thông cảm. Cho quán tính tiền trước vì lát nữa có tiệc trà chiều.
- Đấy em coi đi, em coi em làm sao mà chuyện tình đam mỹ của hai ta sẽ vang danh thế giới đấy. Người ta vừa bảo hai anh kìa.
Tuấn vừa nói vừa đưa tiền kèm theo một tín hiệu khỏi thối lại.
- Khoan đã anh ơi. Anh cứ thối lại chẳn hai trăm nhé. Phần còn lại anh cứ giữ. Phạt đấy. Tôi tên là Thanh Hoa, từ khi mẹ sinh ra tôi đến giờ vẫn là con gái, chưa phải đàn bà. Và không bao giờ là đàn ông. Ha ha.
Người bồi bàn ngạc nhiên hết mức nhìn kĩ lại người đang mặc trên mình bộ unisex đen. Hoàn toàn chẳng phân biệt được là trai hay gái nếu chất giọng cao vút của con gái không cất lên.
- Ha ha, xin lỗi đã làm anh quá sốc.
Tuấn cười ngặt nghẽo. Trò đùa của Thanh Hoa luôn là thứ khiến anh không bao giờ ngừng thú vị được.
- Chuyện tình đam mỹ của chúng ta sẽ kết thúc khi em sinh một đứa con gái kháu khỉnh lãnh trọn phần tính cách của mẹ nó.
Cô chợt nhớ lại lời hứa với Gia Nghiêm: “Cậu liệu mà sinh con trai đi, vì con gái tớ dữ lắm, nó sẽ làm con dâu cậu để thay tớ chọc cho cậu cười nửa đời còn lại.” Thanh Hoa chợt cười một mình, câu trả lời của cô bạn sau đó lại khiến cô nhớ mãi: “Thế thì trò liệu mà đặt tên cho đứa nhỏ, đừng có như mẹ nó, Thanh Hoa mà người chẳng Thanh cũng chẳng Hoa, chỉ có họa là nhiều đếm không xuể.”
Kể ra cũng đã là mười lăm năm khi câu nói đó được thốt lên. Người ta nói con gái mà cá tính quá thì ế đến già, cũng may lời nguyền đó đã ngừng lại kịp thời. Cả hai sắp thành gái già thì gặp được một nửa hoàn mĩ của mình. “Cuộc đời vẫn thế con tim thường hay đổi thay. Người về cuối phố long lanh giọt sương tràn mi…” Thanh Hoa biết ngay ai đang gọi cho mình.
- Alô cô nương. Ta vừa nhớ về nàng đấy.
- Thế nữa, ta cũng mới nhớ đến nàng đây. Mà biết ta nhớ chuyện gì không?
- Về cái vụ con trai cậu lấy con gái tớ.
- Thần giao cách cảm hả! Nàng quả là ghê gớm.
***
Mười ba tuổi, cái tuổi mà người ta lo lắng sốt vó con cái họ vì “hội chứng dậy thì” mà làm loạn. Có một điều mà ít người để ý, đó là những ai càng ra sức can thiệp đến hội chứng này đồng nghĩa với việc thời thanh xuân của họ từng rơi vào hai thái cực. Hoặc dữ dội đến mức khốc liệt, hoặc êm đềm đến mức tẻ nhạt. Nhưng điều đáng tiếc là dường như bọn trẻ luôn biết cách tự vẽ ra con đường để chính mình chạy lên đó. Nên dù có can thiệp đến đâu, tất cả chỉ là những nỗ lực nhạt nhòa trong kí ức.
Và dù không muốn liên hệ với bất kì chủng bệnh nào, Dung vẫn phải liên hệ hội chứng này với loại bệnh mà người ta chỉ trải qua một lần trong đời do mấy con virus gây ra. Này nhé, nếu trước mười tám tuổi chúng ta không mắc phải hội chứng này thì suốt đời sẽ miễn dịch vĩnh viễn. Nếu trước mười tám tuổi chúng ta mắc phải hội chứng này thì chẳng có thuốc chữa khỏi, cùng lắm là bồi dưỡng, điều trị những triệu chứng dở hơi ở bên ngoài, dỗ dành và nâng niu mong mỏi tới ngày chúng tự khỏi. Vâng đó chính là cách chúng ta vượt qua dậy thì.
Suốt một thời gian làm giáo viên ở trường, một kinh nghiệm Dung rút ra chính là, nếu “bọn trẻ” phát bệnh nhẹ cô có thể giả vờ ra mặt là mình sẽ lờ chúng đi, giống như một thõa thuận ngầm để chúng có một tự do nhất định. Nhưng nếu bệnh bộc phát và chuyển nặng, tất nhiên việc duy nhất có thể làm là cách ly, theo dõi, can thiệp từng chút một cách chính xác đến cớ sự trực tiếp đó. Triết lý của Dung có lẽ sẽ đúng vĩnh viễn, nếu, vâng chữ nếu mà cô không mong muốn nhất đã xảy ra, nếu cô không đụng phải “bầy đàn A8”.
“Bầy đàn A8”, đó là biệt hiệu mà các thầy cô trong trường dùng để nói về sự đoàn kết đến kì lạ, tỉ lệ thuận với mức thông minh và sự quậy phá của lớp 8A8. Một sự nổi loạn rất khoa học, rất có tổ chức, thậm chí còn có cả lý luận và cách thức hành động rất rõ ràng. Có thể nói đó là một cuộc khởi nghĩa của hội chứng dậy thì, chống lại nỗ lực đưa vào nề nếp và giữ bình yên của giới giáo viên trong trường.
Để giải thích cho vấn đề này, có lẽ phải truy đến nguồn gốc tận cùng của hai năm trước. Trong khối sáu của trường lúc đó có đến ba lớp chọn, nó được âm thầm bố trí rãi rác để tránh dư luận, đó là 6A3, 6A5 và 6A8. Lúc đó 6A8 là một lớp đặc biệt kép, nó không chỉ là lớp chọn, nó còn là lớp của những “con ông cháu cha”, những “doanh nhân máu mặt chỉ nói tiền tỉ”, hoặc những thành phần cộm cán mà nhà trường đã giành giật thành công từ địa bàn của trường khác. Nói thì nghe có vẻ đao to búa lớn thật, đúng hơn phải là huyễn hoặc. Có nhiều thành viên trong lớp này nhận được hai giấy báo trúng tuyển sau khi thi chuyển cấp. Tất nhiên cái danh tiếng trường điểm mấy chục năm sẽ lôi kéo thành công học sinh mới, và lập tức cho hồ sơ của trường kia nằm trong sọt. Việc hợp thức hóa cho vụ trái địa bàn cư trú không biết bằng cách nào đã được giải quyết ổn thỏa sau đó.
Lớp 6A8 ngay từ đầu đã thể hiện sự đoàn kết của mình. Cô còn nhớ như in lớp đã tự phân chia năm nhóm cổ động và lần lượt mỗi nhóm hét to: Triều, Nguyễn, Tất, Tân, Vương. Ý nói hai người bạn đang thi cắm hoa là Triều và Nguyễn chắc chắn chiến thắng. Chính cô phải bảo tụi nhỏ đổi khẩu hiệu khác, vì nó rất có thể được hiểu nhầm sang việc cổ xúy cho tinh thần phong kiến đã chấm dứt. Dễ thương là thế, nên lớp 6A8 ngay từ đầu đã thu hút được sự yêu quý của các thầy cô trong trường. Năm lớp bảy cũng diễn ra đầy tươi đẹp, nếu, vẫn là chữ nếu tai hại, nếu không có sự thay đổi giáo viên chủ nhiệm vào đầu học kì hai. Thầy Huy, một người thầy có lối tư duy cởi mở đã quản lý rất tốt trong mọi chuyện, chỉ trừ việc gây được
cảm tình với phòng giáo dục. Từ khi thầy nghỉ việc vì lý do giảm biên chế, 7A8 bắt đầu hình thành một khối đoàn kết để chống đối giáo viên. Tất nhiên với sự hỗ trợ đắc lực từ phía phụ huynh, 7A8 trở thành lớp học mà đến cả đầu gấu trong trường cũng phải… nể mặt vài phần. Những yêu sách thay đổi cách dạy, thay đổi giáo viên hay cơ sở vật chất đã khiến không ít lần nhà trường điêu đứng. Nhiều lần tụi nhỏ đã thành công vì lý luận chặc chẽ của mình. Thậm chí chúng còn hùng hồn lôi kéo các lớp khác vào "chiến dịch" của chúng, phương pháp xé nhỏ 7A8 để trị vì thế mà phá sản.
Cách đây bốn tháng, khi có quyết định chủ nhiệm 8A8, cô Dung không khỏi rùng mình. Và mọi thứ dừng như vượt khỏi tầm kiểm soát của cô suốt học kì đầu. Điều cô cảm thấy may mắn, đó là tụi nhỏ rất thông minh, siêng năng, nên kết quả học tập không có gì để bàn cãi. Và một điều khiến cô may mắn hơn cả, là cô không trở thành mục tiêu của “bầy đàn A8”.
Thế nhưng cô sắp sửa phải làm một việc thật sự khủng khiếp. Giống như cô đang đem một con cừu làm mồi cho đàn sói dữ.
- Cô giới thiệu với lớp là bữa nay có một bạn chuyển qua lớp chúng ta. Bạn ấy là Nguyễn Thanh Hoa.
Cả lớp ngơ ngác nhìn cô bạn mới chuyển đến. Đôi mắt đen tuyền với hàng mi cong, thân hình nhỏ thó và đôi môi ửng hồng, nước da trắng trẻo đúng chất một đứa con gái ngoan ngoãn e ấp đất Đà Lạt mộng mơ. Chỉ có mái tóc cột lệch sang một bên lại giống y như cô diễn viên trong phim thần tượng của Đài Loan thời bấy giờ.
- Cô thấy nên để Hoa giới thiệu chút cho lớp quen.
- Chào các bạn. Mình quê mình ở Đà Lạt, nhà mình mới chuyển đến đây. Mình thích kết bạn, mong có nhiều bạn mới ở đây.
Cô bạn nhỏ nhẹ nói, cả lớp sững lại. Dường như bọn nó vừa trông thấy một nụ cười kì lạ chớm nở ra trên môi cô bạn mới.
Thế là Thanh Hoa đã bắt đầu gia nhập vào “bầy đàn” của lớp 8A8 trong sự nơm nớp lo sợ của cô Dung.
Chương 2 >>