Chương 2
Ngoan, hiền, thông minh.
Cụm này ngoan hiền dường như là kẻ thù của sự thông minh trong lớp 8A8.
Nhưng may mắn thay, cô bé Thanh Hoa chẳng có dấu hiệu nào cho thấy mình bị bạn bè xa lánh cả. Ngược lại, dường như sự quậy phá của “bầy đàn A8” đã giảm đi đáng kể từ khi cô bạn mới xuất hiện. Điều này dấy lên sự vui mừng trong giới giáo viên. Ai cũng lo lắng tình trạng “bầy đàn” sẽ trầm trọng hơn khi lên lớp chín, điều đó sẽ ảnh hưởng đến kết quả của kì thi chuyển cấp.
- Cô Dung, cô trầm tư cái gì vậy? – Thầy Thắng, thầy giám thị khối chín của trường, cũng là một chuyên gia toán học.
- À em đang xem lại bảng điểm để hướng dẫn các em vào đội tuyển học sinh giỏi. – Cô Dung nói.
- Tui thiệt hông biết nên vui hay buồn giùm cô. Chọn thì dễ, nhưng mà biết tụi đó có vào đúng như cô chọn không? – Thầy Thắng nói như chọc vào nỗi đau của cô Dung.
- Đâu cô cho tui xem bảng điểm coi, biết đâu tui giúp được. – Thầy Quế, trưởng bộ môn Sinh của trường, cũng là người trực tiếp đứng lớp 8A8 của cô.
Thế nhưng cô biết rõ chữ “tui giúp” kia của thầy là thầy đang muốn "xí" một vài em trước khi cô có lựa chọn cho những môn khác.
- A8 của cô thì cũng giỏi mà. Xem này chẳng có lấy một đứa trung bình. Mấy đứa khá thì có môn còn trội hơn cả mấy đứa giỏi. – Thầy Quế bắt đầu bằng một chuỗi khen tặng.
- Thầy à, tôi biết thầy muốn chọn Duy và Khiêm, ngoài ra thì Ái cũng có khả năng lắm. Nhưng tôi còn đề xuất một em khác. – Cô Dung bèn đón trước.
- Ai? – Và thầy Thắng hỏi liền.
- Thủy! Em ấy tuy có điểm của thầy không cao lắm, nhưng em ấy thích. Em ấy nói rằng có thể đọc qua một lần là nhớ mà không cần học bài.
- Chà, học sinh như thế sao cô không nói sớm để tôi chú ý giúp em ấy học tốt hơn? Kiểu học sinh đó rất có tinh thần cầu tiến, chỉ là thiếu uốn nắn thôi! – Thầy Thắng nói như thể thầy vừa lỡ mất một món hời quá to.
- Cô Dung, tôi có cái này không hiểu lắm đây! – Thầy Thắng chăm chú nhìn vào sổ điểm cái của 8A8. – Cái em này, tại sao không có một cái mười nào cả? Cũng không có cái nào dưới tám. Nói đúng hơn phải là luôn luôn từ tám đến chín điểm.
Đúng là thiên tài toán học của trường, không có con số nào có vẻ kì lạ hơn những con số trong mắt một nhà toán học.
- Chắc em ấy chỉ ở mức đủ giỏi môn toán thôi thầy ạ.
- Không. Cô xem đi, môn nào cũng vậy. Trừ nhạc, thể, mĩ.
Cô Dung và thầy Quế cùng nhìn chăm chú vào hàng loạt điểm số. Điểm thấp nhất là tám, điểm cao nhất là chín. Không trừ một môn nào trong tổng số chín môn tính điểm. Bây giờ thì đó đúng là một điều kì lạ rồi.
- Còn nữa cô xem ở đây. Văn và toán đồng tám phẩy một, sinh và hóa đồng tám phẩy ba, địa lý và lý đồng tám phẩy năm, lịch sử và giáo dục công dân đồng tám phẩy bảy. Còn môn anh văn lại trật khỏi đà đó mà có tám phẩy tám. – Thầy Thắng bắt đầu chuỗi phân tích đầy mùi số học của mình. – Nếu em ấy biến con tám phẩy năm này thành con chín thì đã lên tám phẩy chín rồi.
- Đúng là có lạ, nhưng nó quan trọng lắm sao thầy? – Cô Dung tế nhị.
- Tôi có cảm giác em ấy thú vị với những con số lắm đấy. – Thầy Thắng liền đổi giọng. – Tôi nghĩ em ấy nên vào đội toán.
Và đến cuối cùng thì ý định của thầy cũng đã được nói ra. Cô Dung đành cười.
- Dạ. Nhưng em không dám hứa nhé, vì thường thì để vào đội tuyển cần phải có điểm phẩy môn đó từ chín trở lên. Với lại em Hoa có vẻ khá thích môn Sử của em thầy ạ.
Cô Dung chợt nhận ra mình vừa nói hớ mất một câu. Đáng lẽ cô không nên ra mặt giành học sinh cho mình.
- Đâu! Tôi thấy em ấy học cũng tốt trong giờ Sinh mà. – Thầy Quế nói ngay.
- Dù thế nào, tôi vẫn nghĩ là nên tôn trọng lựa chọn của các em ấy hơn. Chúng ta chỉ đóng vai trò định hướng là được rồi. Còn vụ quy định thì cô không cần quá lo, cứ để trưởng bộ môn xem xét.
Tất nhiên thầy Thắng đang ám chỉ thầy ấy cũng có khả năng đặt cách một vài trường hợp nào đó.
Theo quy định ở trường, chỉ có những em đạt chín phẩy trở lên và có danh hiệu học sinh giỏi mới được vào đội tuyển. Nghĩ có lẽ những luật lệ này dường như cũng khắt khe và cứng nhắc quá. Có những em thật sự giỏi một môn nào đó lại không đạt được học sinh giỏi, hoặc đạt học sinh giỏi chỉ vì siêng năng cần cù thuộc lòng là đủ. Thế nên các thầy cô đôi khi cũng có những trường hợp đặc cách, nhưng vẫn rất rườm rà.
Cô Dung nhìn lại lần nữa vào sổ điểm cái. Kể cũng kì lạ, có những cá nhân ban đầu gần như chẳng giỏi môn nào cả, rồi cuối cùng lại có một số môn vượt trội lên ở cuối học kì. Kể gì thì Thanh Hoa đã an toàn, và thậm chí còn trở thành một học sinh giỏi toàn diện, dù không có môn nào xuất sắc cả. Nhưng thực sự thì cô bé thích môn Sử hơn, nếu có sự lựa chọn thì chắc cô bé sẽ không chọn môn Toán, cũng chưa lần nào thầy Thắng nói là em nổi trội cả.
- Cô lại trầm tư gì thế cô Dung?
- Thật may là cô bé Thanh Hoa này không bị cả lớp cô lập thầy ạ, lúc mới đầu nhìn thấy gương mặt hiền lành của em ấy là thấy lo.
- Con bé thông minh lắm, nhưng thật sự tôi thấy rất lạ. Những bài tập khó thì Hoa hay xung phong giải, và giải rất đúng nhưng luôn chọn một con đường rất dài để chứng minh. Chính tôi cũng khá bất ngờ khi cô bé lại biết cách đấy! – Thầy Thắng nói, rõ ràng là thầy rất muốn Hoa vào đội tuyển toán, hoặc ít nhất là vào học lớp toán của thầy.
- Thầy nói tôi cũng thấy lạ lắm nhe! Trong giờ tôi thì con bé đó hay hỏi lắm, có khi nó hỏi vượt khỏi tầm kiến thức của sách giáo khoa nữa. Tôi còn nhớ rất rõ hôm kia mới dạy cái bài hệ thần kinh trung ương, cô bé đã hỏi đến cách hình thành trí nhớ ngắn và giấc ngủ REM. Và khi em nói CIA có một nghiên cứu xóa vết trí nhớ thì tôi gần như cứng lưỡi. – Thầy Quế cũng tham gia vào.
- Khoan đã thầy ạ. Sao trước giờ các thầy không nói cho em biết mấy việc như thế? – Cô Dung lo lắng nói.
- Cô cũng biết là mấy trưởng bộ môn như chúng ta đâu có nhiều thời gian rảnh rỗi. – Thầy Quế phân trần. – Tôi là tôi cũng thích em ấy, nhưng có vẻ như em ấy không chỉ thích học trong khuôn khổ sách giáo khoa, tôi nghĩ nếu được thì sẽ rèn luyện để em ấy thi vào trường chuyên thì tốt hơn.
- Chà thầy trùng ý với tôi đấy. Dù gì em ấy cũng không phải là dạng học sinh dễ săn được giải. – Thầy Thắng nói ngay.
Cô Dung đành ôm mối lo và lẳng lặng chào hai thầy rồi bước ra về. Thật sự kì quái, đến giờ cô mới biết Thanh Hoa cũng như thế ở những môn khác. Cô còn nhớ rất rõ, mà có lẽ đó là buổi học mà cô sẽ nhớ suốt đời này.
***
- Thưa cô, riêng cô thì cô đồng tình với Phan Bội Châu hay Phan Chu Trinh hơn ạ? –Thanh Hoa nói khi cô Dung vừa giảng xong.
- À, đây là lịch sử, thực sự thì chúng ta không nên phán xét quá nhiều em ạ. Đúng là mỗi người có cái đúng có cái chưa đúng, mỗi người đều có ưu và khuyết riêng, nên kết quả cuối cùng vẫn là sự thất bại của phong trào Đông Du và phong trào Duy Tân…
Thanh Hoa lại giơ tay muốn phát biểu, và cô tò mò muốn nghe xem em ấy nói gì đành gọi lên thêm một lần nữa.
- Thưa cô em có khảo lượt một số tài liệu. Theo em thấy cái đã khiến cả hai ông đều thất bại có thể gộp chung lại trong một cụm từ, Văn hóa Á Đông. Em nói vậy có sai không cô?
Lúc này thì cô Dung quá bất ngờ, cô chưa từng thấy học sinh nào lại nói ra một ý kiến táo bạo đến như vậy. Nhưng để giải quyết vấn đề, cô phải biết vì sao em ấy lại có suy nghĩ như thế. Thế là cô đành hỏi tiếp.
- Sao em nói vậy? Em nghiên cứu được cái gì à?
- Dạ, em có đọc sơ sơ. Và nghịch lý đầu tiên mà em bắt gặp đó là Phong trào Đông Du, tại sao không phải là phong trào Tây Du hay Âu Du? Theo em thấy thôi ạ, đó là vì Phan Bội Châu muốn giữ lại cái cốt cái cội người Việt. Trong khi Nhật bán cả hoàng gia để cử người đi Tây du học, thì hoàng gia của chúng ta chỉ là ngửa mặt nghe nhã nhạc cung đình. Và khi Phan Bội Châu cố gắng hết mức cũng chỉ có thể cử người đến Nhật, một đất nước đầy Á Đông với những tư tưởng cũng rất Á Đông. Người ông chọn làm lãnh tụ trong hội Duy Tân cũng là cái thanh danh quyền uy của nhà nước phong kiến, lãnh tụ Cường Để chính là là một hoàng thân quốc thích! Thực tế mà nói,em không biết mình có suy nghĩ đúng hay không mới hỏi cô, nhưng em có cảm giác Phan Bội Châu là một người muốn nâng cấp phong kiến lên một tầm cao mới, dùng văn hóa phong kiến tiến bộ để đánh bại thực dân, có thể nói đó là một sự lý tưởng hóa dân tộc Việt. Phan Bội Châu thậm chí còn nghiên cứu kinh dịch, ông giảng giải sáu mươi bốn quẻ như khoáy động càn khôn, giải từng hào âm dương chi tiết và sắc xảo, không phải nói ông mê tính, nhưng điều đó có thể cho ấy tư tưởng nhà nho tân thời là khá to lớn.
Cô Dung gần như bất động, rồi cô bé lại nói tiếp.
- Còn về Phan Chu Trinh, có thể nói ông ấy là người cách mạng tư tưởng vĩ đại lại không gặp thời. Duy Tân vốn là một bước đi đúng đắn. Ông thấy trước sự ngu dân mà bọn xâm lược sử dụng, ngay lập tức đã cho người dịch sách thành chữ quốc ngữ, mở rộng trường học phổ cập giáo dục, thúc đẩy kinh tế và sự tự cường. Nhưng một chữ Á Đông khác lại làm ông sụp đổ, lần này đó vẫn là chữ Vua. Những kinh thi của người xưa hằng hà sa số, mà thực lực ông có chỉ dịch được rất ít, hằng hà sa số vì thế mà mất trắng, dân ta vì thế mà đến một chữ hán một chữ nôm cũng không đọc được, còn chữ quốc ngữ chẳng ai nhớ nổi. Giờ mỗi lần bước vào đền thờ tổ tông, hỏi có mấy ai đọc được dòng liễng trước cổng, bút họa thếp vàng hay chăng? Theo một số lời đồn thì Phan Chu Trinh là hội viên Tam Điểm, Hội Tam Điểm vốn có tư duy rất mở và cũng rất tân thời, bình đằng và bác ái, luôn khuyến khích sự học. Nhưng cuối cùng cũng vì một chữ Á Đông mà tất cả đều thất bại hết. Riêng về phần em, em nghĩ tư tưởng phong trào Duy Tân là sáng suốt hơn.
Và chuông reo, cô Dung chẳng biết phải nói gì hơn, một cô bé nhỏ xíu lại lập luận sắc nét về những vấn đề sử học như vậy. Bỏ qua chuyện đúng sai ở đây, một tư tưởng tân tiến thế này trong thời đại này có lẽ là một sự thách thức ghê gớm.
- Cô không khẳng định những gì em nói là đúng, nhưng những tài liệu của em tìm thấy không hẳn là chính xác, cũng chưa biết chừng nó là giả mạo. Thế nên thật may là em đã nói lên cho cô biết. Và về sau, nếu có thảo luận thêm về vấn đề gì, em có thể liên hệ với riêng cô khi hết giờ để không làm ảnh hưởng giờ học của các bạn.
- Dạ không nên ạ! Bọn em cũng muốn biết mở rộng kiến thức nữa cô ơi! Và đó là câu hỏi của cả lớp chứ không chỉ riêng bạn Hoa đâu cô! – Tuấn, “đầu đàn A8” liền lên tiếng bênh vực.
- Ừ, nếu các em có ý ham học thì tốt, nhưng cô phải nói là các em phải giữ thái độ trung dung với những vùng kiến thức này, tuyệt đối đừng để mình thiên lệch về bất kì bên nào cả nhé! Và cũng đừng đem ra bàn tán quá nhiều, có gì chúng ta cứ thảo luận trong giờ của cô.
Cả ngày hôm đó, cảm giác đến bây giờ cô Dung vẫn không quên được là cô vừa thích vừa lo. Lo rằng tụi nhỏ sẽ bị tiêm nghiễm những tư tưởng lệch lạc. Giờ thì chẳng những cô phải dạy theo sách, cô còn phải rào trước những lần bất ngờ như thế này. Chợt cô nhận ra là những gì mình dạy lại chẳng hấp dẫn gì lắm, chúng đúng là khô khan, dường như hôm nay trong giờ Sử của cô, chẳng có ai là giáo viên cả, kể cả cô. Dường như kể từ lúc đó. các em học sinh nhỏ tuổi đã cho cô một bài học thay đổi tư duy trong cách dạy môn Sử này.