Tản văn Con đã lớn rồi!

Phương Hoàng

Người phủi bụi bị bụi phủ
Nhóm Biên tập
Tham gia
16/3/14
Bài viết
1.981
Gạo
21.993,0
Một ngày, mình tình cờ đọc được một bài viết của một người mẹ viết cho con trai của mình.
Câu chuyện được kể là hoàn toàn có thật. Mình thấy nó rất hay và ý nghĩa nên share lên đây cho mọi người cùng đọc.

Ghi chú: bởi vì chủ nhân bài viết không muốn công khai các thông tin cá nhân nên toàn bộ danh từ riêng gồm tên người và tên địa danh cùng với toàn bộ ngày tháng chi tiết mình sẽ chỉnh sửa hết nhé!
Hy vọng mọi người có những phút giây vui vẻ khi tham gia diễn đàn!


(quote)
26/03. (Kỉ niệm ngày con nhận bằng tốt nghiệp)

Con đã lớn rồi!

Ngày mẹ nhận ra đã có con trong lòng mẹ là một ngày mùa xuân nắng đẹp. Nắng đẹp, thời tiết đẹp như thế nhưng cơ thể mẹ lại rất mệt mỏi, vỉ con đấy con biết không!

Các bác trong khu tập thể trường PTTH NC 4 cứ trêu đùa và động viên mẹ rằng “Không cả muốn đuổi ruồi nữa”. Tuy vậy mẹ đã rất hạnh phúc vì sinh linh bé nhỏ của mẹ đang tồn tại trong bụng mẹ.

Những ngày đầu tiên, con đã quấy đảo trong bụng mẹ để không thể cho thức ăn gì tồn tại trong dạ dày của mẹ, mỗi bữa ăn mẹ nôn 3, 4 lần. Sau rồi mẹ cũng có cách để trị con. Bát cơm đầu mẹ chỉ chan canh để sau đó cơn khó chịu qua đi mẹ mới có thể ăn được chút cơm với thức ăn để nuôi dưỡng con đấy.

Còn nhớ, khi đó mẹ đã thèm ăn thịt gà, nhà có con gà trống đang dùng để gây giống cho đàn gà của cả khu tập thể, bố đã không ngần ngại làm thịt để chiều theo ý thích của mẹ con mình.

Rồi con dần hình thành và lớn trong bụng mẹ, mỗi đêm, cứ khoảng 1-2 giờ sáng mẹ lại lắng xem con làm gì. Lúc đầu, con chỉ mới nhoi lên, cồm cộm như quả trứng gà nhỏ xíu, mẹ đặt tay lên, chạm vào con sau làn áo và mỉm cười, hạnh phúc đi vào giấc ngủ.Mỗi tháng trôi qua, sự thay đổi cứ rõ nét hơn từng ngày, con trai mẹ quẫy tanh tách như chú tôm nhỏ, đêm nào mẹ thức giấc vào giờ đó, chờ chưa thấy con phát tín hiệu là mẹ lại lo lắng mong chờ.

Mẹ đã nâng niu giữ gìn con cẩn thận. mẹ không dám đi xe đạp, không xách nước. Sau nhà, bố trồng ngải cứu, thạch xương bồ cho mẹ. Mỗi ngày mẹ lại nhắm mắt nhắm mũi cố gắng uống một cốc nước ngải cứu sống, uống nhiều đến nỗi ngày sắp sinh con, bố mẹ đùa rằng “ Nếu con là con gái, mẹ uống nhiều ngải cứu như thế, con đen sì thì sau này phải gán thêm chiếc xe máy là tài sản giá trị nhất của nhà ta lúc bấy giờ, con mới lấy được chồng mất”.

Mẹ lại thèm ăn khoai khô nấu xéo, đó là món ăn dân gian của vùng nông thôn thời đó, rồi thèm mía, nhưng khổ cho mẹ, khoai xéo thì không đúng mùa, bố về TS, Thị xã TH tìm mua mà không có. Mía ngoài đồng người ta mới trồng lên được vài đốt.

Mẹ mang con trong bụng qua những ngày hè oi ả trong vùng NC đồng chua nước mặn, mẹ con mình nuôi lợn, trồng rau, kiếm củi, lá để nấu mỗi buổi trưa. Bố về Thị xã mua đất, làm móng nhà, nhiều hôm buổi chiều làm vườn, buồn quá mẹ tủi thân lại thủ thỉ với con và khóc một mình.

Con chào đời vào ngày tháng 12 năm 1991 (Tân mùi)- một ngày mùa đông có nắng, lúc đó chắc là khoảng 8 giờ sáng. Mẹ chưa có kinh nghiệm như khi sinh em T sau này nên việc ý thức để nhớ giờ mẹ lại không nghĩ đến. Khi ấy mẹ chỉ lo khâu những cái tã, chăn, áo, những đôi bao tay, gối, mũ nhỏ xíu cho con. Mẹ dặn bác A và bác H “ Nếu lúc đó mẹ sinh con khó thì mổ chứ nhất định không được móc xép”, mẹ sợ con của mẹ sẽ bị ảnh hưởng đến não.

Khi mẹ chuyển dạ vào khoảng 4 giờ sáng, cả nhà ngoại cuống quýt lo đưa mẹ đi bệnh viện Thị xã. Bố đang ở trong NC (Hôm đó không phải ngày cuối tuần). Bác A, bác T đưa mẹ đến viện, ông ngoại lật đật đạp xe sang báo cho bên nội, bà ngoại ở nhà lo đi chợ mua đồ nấu ăn cho mẹ.

Mẹ đã rất đau khi con đòi ra ngoài, bà nội thương cứ xoa lưng giúp mẹ đỡ đau, nhưng mẹ cố gắng vượt qua vì khi về để chờ sinh con, các bác trong khu tập thể dặn mẹ “Có đau cũng phải cố gắng để sinh cho nhanh, nếu xoa cho dịu đau thì lại lâu hơn”

Con òa khóc chào đời cân nặng 3,7 kg. cả kíp đỡ đẻ đều suýt xoa sao con to thế, lưng con bằng lì. Bà nội vái 4 phương cảm ơn trời phật đã mang con đến cho gia đình ta. Bác H, bác T, bác A,bác Hg vui mừng lắm vì “mẹ tròn con vuông”. Ngày con sinh ra, chỉ có con là bé trai duy nhất, còn lại là 3 bé gái. Mẹ đã hạnh phúc vô cùng, tâm trạng mẹ lâng lâng khi con bé xíu nằm bên cạnh. Mẹ đã mất ngủ đêm đầu tiên khi con ra đời.

Con về nhà, bà nội vạch lên trán nhỏ bé của con vết nhọ nồi bảo vệ, những ngày đầu tiên con ngủ ngày thức đêm, rồi dị ứng với len. Mẹ mất ngủ gầy rộc người, bố bận việc làm nhà nên tối mệt không giúp mẹ được.

Mỗi lần cho con ăn, mẹ lụi hụi nấu cháo, cà cháo. Chị G toát mồ hôi làm trò để giúp mẹ bón cho con ăn, gần hết được bát cháo, con lại trớ hết . Con mệt, mẹ mệt, quần áo bẩn hết, con còi nhỏ, mẹ gầy yếu, con có biết không!

9 tháng nghỉ ở nhà, rồi đầu năm học mẹ con mình phải vào lại trường NC để làm việc, khi đó bố đang đi ôn thi vào khoa công nghệ thông tin của ĐHBK. Chiều ấy, mẹ đem con lên tàu vào ga MK, dì O ra Thị xã giúp mẹ con mình. Dì D và dì H đón ở Ga. Gần đến ga MK thì trời đổ giông, xuống ga không còn cách nào khác, mẹ bế con chạy trên đường tàu giữa trời giông mưa sấm sét. Áo mưa rách, chiếc nón bị gió hất ngược ra phía sau, mẹ cũng không màng đến. Mẹ ôm con chạy trong mưa. Tâm trạng mẹ lúc đó chỉ lo bảo vệ cho con an toàn. Hình ảnh đó của mẹ dì O chứng kiến và kể lại trông thương lắm. Mẹ cũng không còn hình dung được cảnh tượng đó nữa.

10 tháng, con bị một trận ốm, không hiểu vì sao con nôn rất nhiều, bố mẹ vội đem con sang bệnh xá nhờ y tá khám cho con. Trên vai bố, con vẫn nôn liên tục. Bố cứ dỗ con “ Bán cái ốm cho bố”

Vụ mùa năm đó, bố mẹ bận thu hoạch lúa, đặt con trong cũi bố làm bằng cách dùng mấy cây nứa buộc xung quanh chiếc giường một ở phòng ngoài. Ấm nước điện bố mẹ cắm ở trong buồng không hiểu vì lí do gì lại sơ ý đem ra đặt trong giường cũi của con. Con quờ tay dội nước nóng đổ vào người. Mẹ hoảng hốt bế con vừa khóc vừa chạy quanh sân, may mắn lần đó nước đã bớt nóng chắc còn khoảng 700 nên con không bị bỏng.

Đầy năm, con chập chững những bước đầu tiên quanh gốc đa trước nhà, ông ngoại đạp xe từ thị xã vào đem theo quà mừng của cả nhà, mẹ nhìn con trai mẹ nhón những bước chân lòng tràn ngập hạnh phúc. Những bước chân đầu đời của con.

Con được 14 tháng, bố chuẩn bị ra HN để học ĐHBK. Cai sữa cho con, bác A và các bác bên nội gửi vào rất nhiều cam, thứ con thích ăn thay cho sữa mẹ. Mẹ trốn để con khỏi đòi, dì H bế thế nào mà con lại đứng ở ngay đằng sau mẹ, con giơ tay nhỏ xíu của mình túm lấy mẹ, bắt được mẹ rồi.

Bố không có nhà, giúp đỡ mẹ con mình là các cô bác khu tập thể, dì D, dì H bế con, cho con ăn giúp mẹ. Bác H, bác Hg chỉ bảo cho mẹ cách nuôi con. Mỗi lần em TL nhà dì H ốm, quê bố TL ở NC nên dì H có bà con đến giúp, mẹ lại lo sợ con ốm thì vất vả lắm vì nhà mình xa quá. Mẹ lên lớp, gửi con bất cứ ai có thể gửi được kể cả bác C (Hiệu phó lúc bấy giờ), có hôm mẹ vừa bế con vừa giảng bài cho học sinh, vậy mà mẹ con mình vẫn vượt qua được những năm tháng khó khăn ấy.

Mùa đông những năm đó, trời lạnh, kinh tế gia đình chưa dư giả được như bây giờ, chiếc chăn bông cưới của bố mẹ đắp bên trên, phía dưới, mẹ dùng tã bông của con khâu lại lót cho đỡ lạnh nhưng cái lạnh vẫn ngấm qua lớp lót mỏng manh đó. Mẹ đặt con lên bụng cho con ngủ đỡ lạnh, thành thói quen, sau này con luôn thích được nằm trên bụng mẹ, có lần lúc mẹ đã có em T, con thèm quá xin mẹ được nằm lên bụng mẹ một lát cho đỡ nhớ.

Mẹ đan cho con rất nhiều áo len, cài tên con vào áo, cái thì viết “V.H”, “Bé ngoan”... có một cái áo len xanh mẹ tháo từ cái áo len của mẹ nên đan được một cái rất dày cho con sau này đến em T còn đang dùng được rất tốt, chiếc áo len đó mẹ đan hoàn thành vào đúng hôm trời rất rét, mẹ vui mừng vì có nó tránh rét được cho con.

Sinh nhật thứ hai của con, khu tập thể tổ chức cùng cho hai đứa, con và em TL ( em sinh tháng 12 năm 1992), dì D dùng một từ giấy làm giấy đăng kí kết hôn cho hai đứa, dì D tinh nghịch lắm, thật khổ thân cho dì một đời bất hạnh. Sau sinh nhật con, mẹ chuyển trường về cấp 2 ĐB. Một bước ngoặt mới.

Bố vẫn đi học, đồng lương ít ỏi, mẹ làm đủ các việc để kiếm thêm tiền chi tiêu cho gia đình. Nuôi lợn, khâu len, may quần áo hàng chợ, may hàng da,bán hàng da, nhập lạc cho ngoại thương, ai mách cho việc gì mẹ đều làm hết, mẹ gầy như không thể gầy hơn được nữa- 37 kg.

Con đi trẻ, con khóc nhiều lắm, mẹ sót ruột. Có hôm dù mình bị ốm nhưng mẹ vẫn nhờ anh H chở mẹ đến, thập thò nhìn qua cửa sổ sau lớp học của con xem con có chơi ngoan cùng các bạn hay không. Đón con hầu hết là nhờ ông ngoại vì mẹ bận đi trường và dạy thêm.

Con vào lớp 1, mẹ kì vọng ở con trai mẹ rất nhiều, đứa con đầu lòng của mẹ. Suốt cả thời gian con học tiểu học và THCS,bao giờ cũng có hai thời khóa biểu trong nhà, một cái dán ở bàn học của con, một cái dán ở bàn làm việc của mẹ để mẹ theo dõi bài vở của con.

Ngày em T ra đời, con chạy khoe khắp hàng xóm và các bác ngoài chợ TT là con có em bé. Bố thương con vì lâu nay mỗi khi con ăn đều được mẹ bón đút cơm, hôm đầu tiên khi em T về nhà, mẹ bận em, bố bận giúp mẹ và em bé. Đặt bát cơm trước mặt con, bố thương con lắm và lại lo đút cho con ăn.

Năm con học lớp 9, vì sơ suất, con để sai một bài trong đề thi vào chuyên Tin LS, con trượt chuyên năm đó, mẹ thương con vô cùng, mẹ biết con đã rất cố gắng và con rất ngoan luôn nghe lời mẹ hướng dẫn.

Hè lớp 11 của con, đúng vào ngày sinh nhật mẹ, thầy giáo chủ nhiệm gọi điện báo con trốn học đi đánh điện tử, bố và bác A thương mẹ không muốn nói cho mẹ biết (từ ngày có các con, hầu như sinh nhật mẹ năm nào các con cũng thay nhau mừng mẹ bằng các trận ốm), con có biết rằng, sau sinh nhật năm đó, vì sự việc xảy ra với con mẹ đã sợ ngày sinh nhật của mình đến nỗi luôn tắt điện thoại trong ngày đó của vài năm tiếp theo, các anh chị không dám chúc mừng mẹ trong ngày sinh nhật vì sợ mẹ buồn.

Lớp 12 của con, mẹ theo sát con từng bước chân, dõi theo con xem con đã ổn định chưa? Có còn ham chơi nữa không? lịch học của con là ưu tiên hàng đầu trong bộ nhớ của mẹ, lo bồi dưỡng sức khỏe cho con, lo nước cam cho con uông mỗi ngày, mua sữa ENSUA pha cho con mỗi tối. Mỗi lần dọn cơm, xới cơm cho cả nhà, mẹ cũng chọn cho con cái bát tròn đẹp nhất, con không thể biết được điều đó và rất nhiều điều nhỏ nhặt nữa nhưng mẹ đều luôn mong muốn đem đến cho con một sự tròn trĩnh nhất. Tối con thức học, mẹ luôn thức cùng con, lo nấu đồ cho con ăn thêm để có sức khỏe học bài. Năm đó mẹ cũng lại gầy đi đến thảm hại.

Con vào Đại học, chặng đường đời đầu tiên, xa bố mẹ, xa nhà, nỗi trăn trở lớn nhất của mẹ là sợ con vấp ngã, con non yếu trước xã hội đầy cạm bẫy. Con trai mẹ còn nhỏ lắm.

Ngày con biết đi xe máy, tết con về chở mẹ đi mua sắm, ngồi sau xe con, ngước nhìn con mẹ đã cao lớn, mẹ hạnh phúc rất nhiều.

20.3 ngày quốc tế hạnh phúc, mẹ nhận được điện thoại con thông báo nhận tháng lương đầu tiên muốn mua quà cho em Tân và bố mẹ, đó là ngày hạnh phúc của mẹ.

26.3 con nhận bằng tốt nghiệp Đại Học, nhìn tấm bằng và ảnh con gửi qua Email cho mẹ.

Con trai mẹ đã lớn thật rồi. (/quote)

[tác giả: một bà mẹ]
 

Phương Hoàng

Người phủi bụi bị bụi phủ
Nhóm Biên tập
Tham gia
16/3/14
Bài viết
1.981
Gạo
21.993,0
Re: Con đã lớn rồi!
[review] – Con đã lớn rồi. - Tình cha mẹ luôn là thứ những đứa con không bao giờ hiểu được.

1476161_279412985517218_1953664956_n.jpg
Tôi không phải là một người mau nước mắt, nhưng quả thực tôi đã rơi nước mắt từ những dòng đầu tiên của đoạn nhật ký này.

À, nói là nhật ký cũng không đúng, nó giống lá thư hơn, lá thư của một người mẹ viết cho con trai mình nhân lễ trưởng thành. Trên pháp luật thì 18 tuổi đã được coi là trưởng thành, phải chịu hết mọi trách nhiệm hình sự rồi, nhưng đối với bậc cha mẹ trong, thì con cái mãi mãi vẫn còn rất nhỏ, ngày nào con chưa tự lập thì ngày đó bố mẹ còn theo sát con từng bước. Chắc là vậy, tôi cũng không biết nữa, có lẽ phải chờ khi tôi làm cha mẹ mới có thể hiểu được phần nào.

Con vào Đại học, chặng đường đời đầu tiên, xa bố mẹ, xa nhà, nỗi trăn trở lớn nhất của mẹ là sợ con vấp ngã, con non yếu trước xã hội đầy cạm bẫy.
Con trai mẹ còn nhỏ lắm.


Biết bao cảm xúc xuất hiện, đọc, cảm nhận và rơi nước mắt. 2446 từ đương nhiên không thể diễn tả hết hai mươi mấy năm trời yêu thương, nhưng chỉ cần một đoạn nhỏ đó là quá đủ để tôi cảm thấy sống mũi cay cay, để cảm thấy giọt nước nóng hổi.

Tình cảm của người mẹ người cha, từ xưa tới nay, không biết bao nhiêu tác phẩm văn học, biết bao áng thơ hùng vĩ, vậy mà tôi vẫn không thể không chao đảo vì những con chữ bình dị nhất. Bài viết không có miêu tả, không có các phép tu từ, không sử dụng những cấu trúc đặc biệt, không có những từ ngữ ấn tượng, chỉ là những dòng cảm xúc của một người mẹ bình thường – không phải một nhà văn với một bụng đầy chữ. Nhưng có lẽ chính vì vậy mà bài biết làm tim tôi rung động mạnh nhất.


“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”


Tôi chưa bao giờ có thể hiểu thấu đáo đôi câu thơ đó, kể cả khi đọc hết bài viết này. Tôi luôn cảm thấy công cha nghĩa mẹ luôn luôn là thứ gì đó mà mấy đứa con không thể nào hiểu được hết. Kể cả khi đã làm cha mẹ. Bởi vì, những đứa con, không con nào giống con nào nên làm cha mẹ cũng không bao giờ là giống nhau.

Mối liên hệ giữa cha mẹ với con cái, theo tôi nghĩ, căn nguyên là chính từ máu thịt, con cái hình thành từ một phần cơ thể của cả cha và mẹ, nhưng người mẹ là người mang thai và sinh đẻ, nên có lẽ mối liên hệ đó đậm hơn một chút chăng?

10 tháng, con bị một trận ốm, không hiểu vì sao con nôn rất nhiều, bố mẹ vội đem con sang bệnh xá nhờ y tá khám cho con. Trên vai bố, con vẫn nôn liên tục. Bố cứ dỗ con “Bán cái ốm cho bố”

Đọc đoạn này tôi mới thấy, dù cho tình mẫu tử có nổi bật hơn bao nhiêu, thì tình phụ tử vẫn luôn còn đó, âm thầm nhưng cũng không kém phần sâu sắc.

Tôi nhớ đến một cuốn sách của Nhã Nam, Hãy chăm sóc mẹ của Shinkyungsok (chắc là vậy, tôi cũng không nhớ lắm). Đã mấy lần định mua nhưng lần nào cũng cất trở lại giá, không phải tiếc tiền, không phải nghĩ rằng sách không hay, chỉ là tôi sợ. Sợ sau khi đọc sách sẽ thấy hối hận… thấy tiếc nuối… với mẹ tôi. Tôi biết rằng mình hèn nhát mà!
***
“Những lời của em gái khiến cô phải giật mình. Cô chưa bao giờ nghĩ đến hình ảnh mẹ không gắn liền với gian bếp. Mẹ là bếp và bếp cũng chính là mẹ. Chưa khi nào cô tự hỏi, mẹ có thích quẩn quanh bếp núc không?"

***
“Để kiếm tiền, mẹ làm đủ nghề, từ nuôi tằm, ủ mạch nha cho đến giúp làm đậu phụ. Nhưng cách tốt nhất để có tiền là không tiêu tiền. vì thế mẹ rất tiết kiệm. Đôi khi mẹ còn bán cả cây đèn cũ, viên đá kỳ cũ, cả chum vại cũ… cho những người mua đồ cũ từ nơi khác đến. Họ muốn mua những thứ đồ cũ mẹ đang dùng và mặc dù chẳng thấy mấy thứ đó có gì ghê gớm, mẹ vẫn đội giá lên rồi mặc cả như một người bán hàng thực sự. Lúc đầu có vẻ như mẹ bị lấn lướt nhưng về sau mẹ luôn giữ thế chủ động.[...]. Những người mua đồ cũ lẩm bẩm bảo mẹ buôn bán rắn thế, nhưng rồi cũng đành trả tiền theo giá mẹ yêu cầu.

Khi phải mua thứ gì, mẹ không bao giờ trả đúng giá. Hầu hết mọi thứ mẹ đều tự làm lấy, thế nên khi nào mẹ cũng luôn tay luôn chân. Mẹ khâu vá, đan lát, không lúc nào hết việc đồng áng. Mẹ không bao giờ bỏ trống ruộng vườn. Vào mùa xuân, mẹ gieo hạt khoai tây trên các luống cày, trồng rau diếp, hoa cúc, cẩm quỳ, hẹ, các loại ớt và ngô. Mẹ đào những cái hốc nhỏ dưới hàng rào để trồng bí ngô xanh, tra hạt đậu xung quanh vườn. Mẹ còn trồng cả vừng, dâu tằm và dưa chuột. Suốt cả ngày mẹ không ở trong bếp thì ở ngoài vườn hoặc ngoài cánh đồng. Mẹ dỡ khoai tây, khoai lang, hái bí ngô xanh, nhổ bắp cải và củ cải đỏ. Công việc lao động của mẹ cho thấy rằng nếu không gieo hạt giống sẽ không có gì để thu hoạch. Chỉ những thứ không thể nảy nở từ hạt giống mẹ mới bỏ tiền ra mua. Vào những ngày xuân, ngoài sân lúc nào cũng thả đầy gà vịt, trong chuồng có cả đàn lợn con béo tròn mũm mĩm.

Có năm, con chó đẻ được chín chú cún con. Khoảng một tháng sau, mẹ chỉ để lại hai con để nuôi, những con còn lại mẹ cho cả vào thúng.[...]. Ngay sau khi bán xong con chó cuối cùng, mẹ đứng dậy vặn mình rồi quay sang cô và hỏi cô thích cái gì. Cô nắm tay mẹ và ngước nhìn mẹ vẻ ngạc nhiên, hầu như chẳng bao giờ mẹ hỏi cô như vậy.

“Mẹ bảo là con có thích cái gì không?”

“Sách ạ!”

“Sách ư?”

“Vâng, sách!”

Mẹ tỏ vẻ khó hiểu trước yêu cầu của cô. Mẹ nhìn cô hồi lâu rồi hỏi nơi bán sách ở đâu. Cô đi trước dẫn mẹ đến hiệu sách ở cổng chợ, chỗ ngã năm. Mẹ không bước vào hiệu sách nhưng dặn cô rằng chỉ được chọn một quyển, hỏi xem bao nhiều tiền rồi ra nói với mẹ. Dù khi mua một đôi dép cao su mẹ cũng thử hết đôi này đến đôi kia rồi cuối cùng vẫn trả thấp hơn giá người bán đưa ra, thế nhưng với sách thì mẹ lại bảo cô cứ chọn một cuốn đi, như thể mẹ sẽ không kỳ kèo mặc cả vậy. Đột nhiên cô có cảm giác hiệu sách giống như một đồng cỏ và hoàn toàn không biết mình nên chọn quyển sách nào. [...]. Mẹ nhìn chằm chằm vào quyển sách cô vừa chọn mua, quyển sách đầu tiên mẹ trả tiền mà không phỉa là sách giáo khoa.

“Con cần quyển sách này à?”

Cô gật đầu ngay, lòng đầy lo sợ mẹ sẽ đổi ý. Thực ra cô cũng không biết đó là quyển sách gì. Tên tác giả cuốn sách là Nietzsche nhưng cô không biết người đó là ai. Cô chọn quyển sách này chỉ vì thấy nhan đề "Con người, quá đỗi con người" thật kêu.

Mẹ giúi tiền sách vào tay cô, không bớt một đồng....”

***

"Mẹ tự hào về con nhất đấy!"

"Bố nói gì cơ ạ?"

"Nếu con xuất hiện trên báo, thế nào mẹ cũng gập tờ báo đó lại cất vào trong túi xách rồi cứ lấy tờ báo đố ra ngắm nghía suốt. Mỗi khi đi vào trong thị trấn, gặp ai mẹ con cũng lấy ra khoe với người ta đấy"

Cô con gái im lặng.

"Nếu ai hỏi rằng con gái làm gì... mẹ con sẽ nói rằng con là nhà văn... Mẹ con còn mang cả quyển sách con viết nhờ một cô ở Ngôi nhà Hy vọng của trẻ mồ côi đọc cho nghe đấy. Con viết gì mẹ con đều biết hết. Cô gái đọc sách cho mẹ con kể rằng, khuôn mặt mẹ con lại rạng rỡ hẳn lên, còn cười nữa. Vì vậy, cho dù có việc gì đi nữa, con cũng phải viết tiếp cho thật hay vào con nhé! Mọi điều đều có một thời điểm thích hợp để nói ra. Suốt cả cuộc đời mình có khi bố đã không nói với mẹ con, có khi để tuột mất thời cơ, có khi lại đinh ninh mẹ con đã hiểu rồi. Giờ đây bố cảm thấy mình đã có thể nói ra mọi điều nhưng lại không có ai nghe cả. Chi-hon à?"

...

[Hãy chăm sóc mẹ - Shin Kyung Sook]

***

- “Bố mẹ luôn yêu thương, chiều chuộng con, còn con thì... chẳng làm được gì cho bố mẹ cả...”

- “Đừng nghĩ lung tung, con đã tặng bố mẹ bao món quà quý báu... không đếm xuể là đằng khác!
Món quà đầu tiên, chính là sự xuất hiện của con trên thế gian này, lúc đó khoảng 3 giờ sáng! Tiếng con khóc chào đời nghe như tiếng đàn của thiên sứ vậy...! Cả đời bố chưa từng nghe âm thanh nào hay đến thế! Khi rời bệnh viện, đằng đông trời đã hửng sáng, nhưng trên kia vẫn là một bầu trời sao tuyệt đẹp. Một sinh mệnh bé nhỏ nối tiếp cuộc đời của bố mẹ đã xuất hiện giữa vũ trụ bao la này... Nghĩ đến đó bố cảm động vô cùng... Nước mắt bố tự nhiên cứ chảy ra. Rồi con lớn lên, vui tươi, nhí nhảnh... Đó là những năm tháng đầy kỉ niệm, tất cả đều là món quà quý giá con dành cho bố mẹ. Dù bố có thấy buồn, thì những kỉ niệm sẽ làm lòng bố ấm trở lại!! Con cứ yên tâm, không phải lo cho bố..."


[Đêm trước đám cưới Nobita, Fujiko. F. Fujio]

***


[Phương Hoàng]
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Mèo Lười

Mèo con ham chơi!
Nhóm Tác giả
Gà về hưu
Tham gia
21/2/14
Bài viết
3.420
Gạo
4.743,0
Re: Con đã lớn rồi!
Đọc lá thư mẹ viết cho con, chị đã khóc, chỉ bởi chị bỗng nhớ tới bố mẹ chị, nhớ cái hôm trước khi chị đi học đại học, lần đầu tiên mẹ lên ngủ chung với chị, kể từ khi chị có ý thức, mẹ chưa bao giờ ngủ chung với chị. Mẹ là người duy nhất chỉ nhìn qua là biết chị mập lên hay ốm đi, trong khi những người khác nhìn chị toàn nói điều ngược lại. Bố cũng là người duy nhất nói với chị "Mệt mỏi thì về đây, cảm thấy không thể chịu đựng được nữa thì về đây, bố nuôi. Một tháng, hai tháng hay một năm bố đều nuôi được." Chị đã lớn thế này, chồng con sắp có rồi mà mẹ lúc nào cũng gọi điện lên nhắc chị phải ăn uống đầy đủ, nhắc chị nhớ bỏ áo mưa vô cốp xe không lại dính mưa rồi cảm. Lúc nào trong mắt bố mẹ, chúng ta cũng là những cậu bé, cô bé chưa trưởng thành hết...
 
Chỉnh sửa lần cuối:

ChanhPu

Gà tích cực
Tham gia
7/3/14
Bài viết
154
Gạo
1.240,0
Re: Con đã lớn rồi!
Đọc bài này mình cũng khóc, cảm thấy nhớ mẹ.
Không hiểu tại sao, dù không có cùng những câu chuyện như vậy, nhưng bỗng dưng thấy nhớ hồi mẹ đẻ em, cũng vất vả thế...
Đến giờ, em mình cũng đang dần trưởng thành, nó cũng là con trai, và mẹ mình có lẽ cũng có những cảm xúc như thế này.
Tuy em chưa "trưởng thành" được như chị Mèo Lười nhưng dù sao cũng là "con gái lớn" rồi.
Thế mà vẫn để mẹ lo cho từng chút một.
Vẫn cứ như đứa trẻ lúc nào cũng muốn có mẹ ở bên.
 
Bên trên