Chương 6:
“Là yêu… cũng là si…”
~*~
Kỳ Dương rót một ly hoàng tửu (1), hương nồng chảy trôi vào cổ họng, nhưng bản thân chàng lại chỉ thấy đắng chát vô vị.
Thiếu nữ ngồi sau mành trúc cách chỗ của chàng không xa, dáng người của nàng thướt tha uyển chuyển, nàng mặc hồng y hoa lệ, đeo mạo sa che nửa phần mặt bên dưới chỉ lộ đôi mắt sắc sảo dưới hàng mi dài cong cong quyến rũ, nhìn chàng không nói gì.
“Tích Ngọc, đêm đã khuya, ta còn đến làm phiền ngươi nghỉ ngơi.” Kỳ Dương cười nhạt.
Thiếu nữ cất tiếng cười trong trẻo vui đùa: “Chủ nhân đang khách sáo với tiểu nữ ư? Vốn Thủy Kính Lâu là do ngài tạo dựng, tiểu nữ chỉ thay ngài trông coi thôi. Đã là nhà của ngài, sao lại nói chi đến chuyện phiền hà?”
Thủy Kính Lâu là thanh lâu đặc biệt nhất ở kinh thành, tuy mang danh là thanh lâu nhưng những vị cô nương ở đây chỉ bán nghệ không bán thân. Lúc trước, cũng thi thoảng dăm ba vị công tử ỷ vào quyền thế có hành động khiếm nhã với họ, sau đều chẳng có kết cục tốt đẹp, còn xấu mặt đích thân đến xin lỗi tú bà của lâu – cũng là nàng – Phùng Tích Ngọc. Người ta bảo nhau, chống lưng cho lâu này hẳn là kẻ quyền cao chức trọng khuynh cả triều dã, nên hầu như chẳng còn thấy những hành động gây rối hồ đồ lặp lại nữa. Mới lập ra hai năm trở lại đây nhưng Thủy Kính Lâu đã là một trong những thanh lâu danh giá nhất kinh thành, sở dĩ khách vẫn ra ra vào vào lâu vì các khuê nữ nơi đây chẳng những nhan sắc mặn mà còn thông thạo luật âm thi phú thu hút vô số quan tâm của những vị công tử am hiểu chuyện phong hoa tuyết nguyệt.
“Dạo gần đây có chuyện gì không?” Kỳ Dương lại hỏi.
“Là chuyện vui, thu nhập tăng hơn tháng trước đáng kể.” Tích Ngọc cười thanh thúy, âm phát ra ngọt ngào dễ nghe, “Còn nếu chuyện vui khác, thì đối với một thanh lâu, còn gì hứng khởi hơn khi nhìn đối thủ gặp chuyện. Chẳng biết tối nay sao Lạc Hoa Lâu lại phát hỏa.”
Dị sắc lóe lên trong đôi mắt thâm trầm của Kỳ Dương, nụ cười trên môi chàng nhạt đi đôi phần, chỉ ừ một tiếng cho qua, lại nốc cạn một ly hoàng tửu.
Tích Ngọc tinh tế quan sát biểu tình của Kỳ Dương, hiểu rõ lòng chàng có muộn phiền khó giải, nếu không đã chẳng đêm khuya đường đột đến Thủy Kính Lâu làm con sâu rượu, nhưng nàng phải biết lựa lời để nói. Sở dĩ nàng được chọn làm tú bà Thủy Kính Lâu cũng vì đi theo Kỳ Dương lâu nhất cùng lúc với Tằng Vân, lại hơn người trong Điệp Cung chút đỉnh về phản ứng khéo léo nhanh nhạy.
“Nói đến chuyện vui, hẳn là chủ nhân mới phải, chỉ độ vài ba hôm nữa thôi là hỉ sự của ngài, bọn thuộc hạ lại băn khoăn chẳng biết nên tặng quà gì biểu đạt thành ý.” Tích Ngọc mở lời, sóng mắt lay động theo nét cười duyên dáng e lệ.
Tay cầm ly rượu của Kỳ Dương hơi khựng lại, trong đôi con ngươi hiện tia nhìn trào phúng sâu sắc.
Phải, đúng là chuyện vui, từ giờ có người xen vô sinh hoạt nhàm chán của chàng, người bên gối cũng chính là kẻ thù cần đề phòng nhất.
Kỳ Dương lại rót hoàng tửu vào ly, cười khô khốc: “Các ngươi cứ kiếm tiền cho tốt là được rồi, nhưng nếu riêng ngươi đã có nhã ý đến vậy, gảy ta nghe đôi ba khúc tự tình đến giờ Tí, thấy sao?”
“Thật hân hạnh cho tiểu nữ, chẳng hay chủ nhân muốn nghe điệu nào?”
“Vậy, ‘Dương xuân bạch tuyết’ (2) đi.” chàng đáp tùy hứng.
Mi mắt Tích Ngọc giật nhẹ, sau đó thuận theo yêu cầu của Kỳ Dương, nàng chỉnh lại tư thế ngồi, đặt những ngón tay nõn nà lên dây đàn cổ cầm, bắt đầu gảy, hòa cùng cung, thương, giốc, chủy, vũ (3).
Tiếng đàn trầm bổng khoan thai chảy trôi qua tai khiến người nghe như đắm chìm vào thế giới hư ảo nguyện quên đi hết thảy hồng trần sầm uất.
Như tên của nó, vào khoảnh khắc chuyển mùa còn cái hơi lạnh ngày cuối đông nhưng đã thấm nhuần vào trong từng mạch gió dư vị ấm áp của mùa xuân, người ta mơ màng những tia nắng ấm áp lan tỏa, xa xa những đụn tuyết đọng tan ra trên nhành cây trơ trọi.
Tích Ngọc không rõ chàng có để tâm vào tiếng đàn của mình không, nàng chỉ thấy một mảng hồng nhạt trên gò má ngỡ chàng đã ngà ngà say cùng ánh mắt chứa đựng hết thảy thâm tình, dịu dàng như làn nước biếc đang chăm chú nhìn mình, nhưng kì thật là đuổi theo bóng ảnh mơ hồ nào đó khác, cũng là người duy nhất có tư cách đón nhận tất cả ấm nồng này của chàng.
Tích Ngọc nghĩ, Kỳ Dương chỉ hợp với khúc “Mai hoa tam lộng” (4) du dương thanh u thể hiện tiết tháo cao quý tĩnh tại an tường của chàng.
Dương xuân bạch tuyết…
Vẻ mặt này…
Chủ nhân, ngài đang yêu sao?
Nàng có phần hoảng hốt với lối suy tưởng chợt lóe lên trong đầu mình, nhưng vẫn giữ được bình tĩnh không tấu trật một nhịp nào đến cuối.
Tiếng đàn dứt, người cũng tỉnh mộng.
“Xuân tuyết mãn không lai, xúc xứ tự hoa khai.” (5) Kỳ Dương tán thưởng, nâng ly rượu kính trước nàng. “Cảm xúc đến vậy, ngươi hẳn là đang nhớ đến Tằng Vân.”
Tích Ngọc nhấc tay áo che miệng cười duyên: “Chủ nhân lại chê cười tiểu nữ.”
Nàng đích thật có nhớ đến y, còn chính chàng, hẳn cũng đang mơ về một bóng hồng trong tâm khảm.
Tích Ngọc tinh ý nhận ra, ánh mắt nồng nàn mà Kỳ Dương vô ý để lộ ra đêm nay đã hoàn toàn biến mất.
“Tình yêu thủy chung son sắt luôn được người người hâm mộ, tựa như ngươi cùng Tằng Vân.” Kỳ Dương chống tay phải lên bàn khiến ống tay áo trượt xuống lộ ra làn da trắng mịn màng mờ ảo dưới ánh nến chao, chàng nghiêng đầu tì thái dương lên, tay trái nâng ly hoàng tửu sòng sành chực đổ tràn ở trên không, mắt mị thành nét cười bâng quơ.
Tích Ngọc lại cười thật trong trẻo, mơ hồ nhận ra được độ cong cánh môi anh đào duyên dáng của nàng qua làn vải mỏng, nàng nói: “Tiểu nữ chỉ hiểu rõ lòng mình, vốn không thể thấu được tâm tư người khác, Vân lang chẳng ở cạnh, việc chàng có một chân hai thuyền hay chăng, tiểu nữ sao dám chắc.”
“Ồ, ta không nghĩ ngươi là một người bao dung trong tình yêu.” Kỳ Dương khẽ nhướn mi, chàng đặt ly rượu bên môi chưa vội uống, nét cười nơi khóe miệng càng sâu, nhìn nàng bằng ánh mắt thưởng thức, chính chàng rõ hơn ai hết, thế giới của Tằng Vân sau trước chỉ có người con gái tài hoa trác tuyệt này.
“Chẳng ai lại không mong mình được độc quyền chiếm hữu đối phương, tất nhiên tiểu nữ cũng vậy, Vân lang ở trong cung cấm gặp bao tú nữ liễu trúc đào liên muôn nghìn dáng vẻ liệu sẽ nghĩ sao, tiểu nữ tất nhiên băn khoăn, nhưng so với lòng tin quá lớn sớm đã đặt trên thân chàng ấy lại chẳng là gì.” Nàng tâm tình nói ra nỗi lòng, dáng vẻ điềm đạm, nhu thuận đáng yêu làm người ta yêu thích có đôi chút tiếc thương. “Đợi đến ngày chủ nhân tháo xuống hết thảy khúc mắc, tiểu nữ sẽ đòi người về, còn giờ, tiểu nữ chỉ biết dùng đôi câu để giữ lòng Vân lang lại.”
“Chẳng hạn?” Kỳ Dương dốc cạn hoàng tửu, cảm thấy có đôi phần buồn cười, hẳn đáp án nghe được sẽ khiến bản thân chấn kinh, người con gái trước mặt chàng đây vô cùng hiểu chuyện mực thước, nhưng lại rất độc đoán với trúc mã Tằng Vân hoạn nạn có nhau của mình, đến ngay cả chàng cũng bị nàng đặt trong diện ghen tuông thế này…
Tự dưng bản thân lại sinh ra cảm giác tội lỗi vì đã rẽ thúy chia uyên đến khó hiểu… giống như đang thưởng thức kịch hay vậy…
Quả là tội lỗi thật.
Nàng dùng vẻ mặt thản nhiên: “Tiểu nữ bảo, Vân lang chàng dám di tình biệt luyến thì để tiểu nữ thiến chàng ấy, còn Vân lang để mặc tú nữ nào chủ động sà vào lòng không chối từ bất kể liễu trúc đào liên thì biết đường tự cung đi.”
“… Cách yêu của ngươi thật đặc biệt.” Dù đã dự đoán được sẽ nghe một đáp án làm mình chấn kinh, nhưng ngờ đâu lại còn khủng khiếp hơn thiên lôi giáng thế như vậy, suýt chút nữa Kỳ Dương đã thất thố phun sạch rượu ra, khóe miệng co rút, lòng thầm cảm khái thay cho số phận bèo bọt của Tằng Vân, mong rằng y hãy tự mình cầu nhiều phúc.
Ai cũng ích kỷ.
Chàng đương nhiên chẳng hơn gì, mong muốn được giữ Tiểu Mạn bên cạnh mình cả đời, thế nhưng lo lắng cùng do dự đã làm chàng vuột tay nàng mãi.
“Reng… reng…”
“Tiếng chuông báo giờ Tí đã điểm của gia đinh trong lâu.” Tích Ngọc nhỏ nhẹ. “Chủ nhân, giờ ngài hồi cung hay sao?”
“Chưa vội, ngươi mang cho ta xấp giấy cùng một lư đồng đến đây.” Kỳ Dương trầm ngâm, rút ra trong người đĩnh bạc năm mươi lượng cuối cùng đặt lên bàn khiến nàng nâng mi khó hiểu, nghe chàng tiếp. “Của Tằng Vân.”
Nàng không hỏi qua chàng cần giấy cùng lư đồng làm gì, hẳn không phải để viết, vì không nghe nhắc đến bút nghiên, chỉ phì cười rời khỏi mành trúc, uyển chuyển đi lấy những thứ chàng cần: “Ngài lại bắt nạt Vân lang rồi.” Có điều tưởng tượng đến vẻ mặt bi phẫn của Tằng Vân trong tình cảnh đó, nàng lại thấy đáng yêu lạ kì.
Kỳ Dương nghe cáo trạng của Tích Ngọc, cũng cười. Nói là chàng bắt nạt, nhưng không phải trong vụ làm ăn sáng nay người chịu thiệt là chàng sao. Còn về việc dịch dung, chỉ là chàng lờ mờ đoán, hẳn là nội trong nay hoặc mai thì tổng quản sẽ đến thông báo hôn sự, nếu thật là hôm nay thì xem như phần tiền kia là chàng thuê Tằng Vân làm thế thân cho mình, còn nếu là hôm sau thì cho qua coi là chàng phóng khoáng với y một lần vậy.
Nhận lấy giấy và lư đồng từ tay Tích Ngọc, Kỳ Dương với lấy cây nến đặt trên đầu tủ gỗ gần đó, nhiễu sáp nến lên bàn rồi cắm nó thật vững, tiếp đến, chàng lấy từng tờ lại từng tờ đặt trước lửa nến đốt thả vào lư đồng.
Ánh lửa bập bùng, rọi lên gương mặt của Kỳ Dương mơ hồ nỗi buồn sâu kín, nhất là đôi mắt tuyệt đẹp kia ánh lên những tia nhìn rất phức tạp, ngỡ bi thương chế nhạo, lai mơn man nét cười cay đắng đắm chìm trong hồi ức diệu vợi.
Tiểu Mạn…
Ta không có tư cách đến trước linh đường của nàng, càng chẳng thể đốt vàng mã cho nàng ở hoàng cung – nơi dơ bẩn oan nghiệt đã gián tiếp gây ra cái chết của nàng.
Xin lỗi…
Lời này của ta, liệu nàng có nghe được không?
Nàng đi rồi… Ngân Diện của nàng cũng chẳng còn…
Thù của ta… thù của nàng…
Đều là vận mệnh đã định của riêng ta…
“Chủ…” Tích Ngọc nhìn hành động của Kỳ Dương, giật mình bật thốt lên một tiếng, nhưng rất nhanh, lý trí đã cản nàng lại. Nàng im lặng dõi theo chàng, trong đầu lại gợi lên liên tưởng khiến nàng hoảng hốt.
Chủ nhân, ngài đang đốt giấy hay đốt vàng mã tiễn đưa?
Ánh mắt kia… sao lại khiến người nhìn thấy phải quặn lòng đến vậy?
Lửa bùng lên…
Như thiêu rụi hết thảy thành tro tàn…
Tán loạn…
~*~
Chú thích:
(1) Hoàng tửu: Rượu Hoàng Tửu có lịch sử từ rất lâu đời, là một trong những loại rượu ngon nổi tiếng. Nguyên liệu để chế biến loại rượu này chính là gạo nếp, và nước suối có vị ngọt tinh khiết mà tạo thành. Khi chế biến xong có sắc màu hơi vàng, hương thơm nồng. Muốn ủ được loại Hoàng tửu ngon thì cần phải ủ trong một một cái hũ làm từ gốm, sau đó dùng bùn trát lên đậy chặt hũ lại.
Cái hũ rượu này sẽ được chôn dưới đất khoảng từ 3 tới 5 năm, nhiều nhất là khoảng từ 10 tới 20 năm, cho nên loại rượu này còn được gọi bằng một cái tên khác là “lão tửu”. Hoàng tửu có một số loại rượu ngon nữa như “rượu cơm, hoa điều tửu, trang nguyên hồng tửu, hay tuyết hương tửu”…. Người ta gọi là rượu cơm là bởi vì trong qua trình lên men, người chế biến rượu cho thêm một số lượng gạo nếp tương đối nhiều nên mới có cái tên như vậy.
(2) Dương xuân bạch tuyết: một trong thập đại tuyệt khúc Trung Hoa.
Thập đại tuyệt khúc Trung Hoa gồm:
* Dương Xuân Bạch Tuyết
* Cao sơn Lưu Thủy
* Mai Hoa Tam Lộng
* Thập Diện Mai Phục
* Hán Cung Thu Nguyệt
* Quảng Lăng Tán
* Hồ Gia Thập Bát Phách
* Ngư Tiều Vấn Đáp
* Bình Sa Lạc Nhạn
* Tịch Dương Tiêu Cổ
Dương Xuân Bạch Tuyết lấy từ điển tích Tạ Hy Dật luận về đàn cầm nói: Lư Duyên Tử giỏi về đàn và trống, nên chế ra khúc nhạc Dương Xuân Bạch Tuyết. Ngài Tông Cảnh cười ha! ha! ha! Và nói rất là kỳ vì khúc nhạc Dương Xuân Bạch Tuyết, người cả nước có chưa quá mười người hòa được khúc nhạc này.
Dương Xuân Bạch Tuyết dùng tiếng đàn miêu tả cảnh mùa xuân sang, tuyết đang tan ra. Ở thời điểm giao mùa vẫn còn cái hơi lạnh của mùa đông nhưng đã có cái ấm áp của mùa xuân. Tiếng đàn trầm bổng khoan hòa, nhẹ nhàng như nước chảy bên tai, làm người nghe quên cả trời đất, cảm thấy trong lòng nhẹ nhàng sảng khoái, mơ màng như thấy có những tia nắng ấm áp lan tỏa lên thân mình, xa xa những lớp tuyết đang từ từ tan ra trên một cành mai gầy.
(3) cung thương giốc chủy vũ: Âm nhạc Trung Hoa là dựa trên hệ thống âm nhạc cổ truyền của Trung Hoa bao gồm 5 loại âm điệu, 5 nốt nhạc chính gọi là ngũ âm. Năm âm thanh này được sắp xếp thành: Cung, Thương, Giốc, Chuỷ, và Vũ.
Âm giai của dây Cung được sắp hạng thuộc loại cao thượng, có liên hệ với Thổ (đất), và ảnh hưởng đến bộ phận tụy tạng. Những người thường xuyên nghe loại nhạc như vậy thì sẽ trở nên lương thiện và nhẫn nhục.
Âm điệu của dây Thương là nặng nề, giống kim khí, không bị bẻ cong. Loại âm nhạc này ảnh hưởng phổi; nếu nghe thường xuyên thì người ta sẽ trở nên chân chính và thân thiện.
Âm nhạc lấy căn bản là dây Giốc thì chào mừng mùa Xuân tới và đánh thức mọi đời sống trỗi dậy sảng khoái. Loại âm nhạc này ảnh hưởng gan. Nghe nó thì người ta sẽ trở nên lương thiện và hòa giải.
Âm nhạc với dây Chủy làm chủ là rất sôi nổi về tình cảm, giống như Hỏa. Nó ảnh hưởng quả tim, khiến cho người nghe nó trở nên rộng lượng.
Âm điệu lấy dây Vũ làm chủ là u sầu, giống như nước chảy êm đềm. Nó ảnh hưởng quả thận. Lắng nghe những âm điệu này làm cho người ta cảm thấy đầu óc quân bình và nhẹ nhàng, “buồn nhưng không đau khổ”, “vừa ý nhưng không đi quá mức”, giống như những lời nói của cổ nhân Trung Hoa.
(4) Mai hoa tam lộng: một trong thập đại tuyệt khúc Trung Hoa
Nhạc khúc thuộc loại “tá vật vịnh hoài”, mượn hình ảnh tinh khiết,sự thơm ngát và sức kiên cường chống chọi với cái lạnh của hoa mai để tán tụng những người có tiết tháo cao thượng. Nửa đầu khúc nhạc giai điệu du dương, thanh u gợi lên sự cao quý và trạng thái tĩnh tại an tường của hoa mai. Nửa đoạn sau vội vàng, hấp tấp biểu hiện động thái bất khuất của hoa mai. Giai điệu tiết tấu hai đoạn đầu và cuối như là bất đồng, tương phản rõ rệt…
(5) Xuân tuyết mãn không lai, xúc xứ tự hoa khai: Trích trong bài “
Xuân tuyết” của Đông Phương Cầu.
Dịch nghĩa: Tuyết xuân bay ngợp khoảng không, chạm vào nơi nào đều như hoa nở nơi ấy.