Cảm nhận Đọc "Bốn Năm Phấn Lầu" của Dịch Phấn Hàn

fanny1324

Gà con
Tham gia
12/5/14
Bài viết
65
Gạo
0,0
Bốn Năm Phấn Hồng của Dịch Phấn Hàn là loại sách dễ đọc, dễ hiểu đến khó tin – nếu bạn thuộc loại hơi lười đọc sách một tí như tôi thì tốn hai ngày cho bốn trăm trang – nếu bạn là mọt sách thì chắc còn nhanh nữa, nhưng mà bạn phải hội tụ đủ 2 điều kiện: là con gái trên 17 tuổi (điều kiện cần) và là sinh viên (điều kiện đủ). Không đáp ứng được hai cái điều kiện này cũng không sao, nhưng sẽ giảm mất nửa phần thú vị. Cái thú vị ấy tôi xin để dành cho các bạn đã và sắp đọc Bốn Năm Phấn Hồng.


Lý do tôi thích tiểu thuyết của chị Dịch Phấn Hàn là vì tôi thấy quí mến chị thôi. Bởi vì trước nay tôi ảo tưởng hơi quá, muốn đi học tập các vị xuất chúng nhưng lại không chịu nhận ra mình thực lực không đủ để với tới các vị. Tôi thấy tôi có thể dễ dàng nhận ra những thứ mình đang thiếu ở Dịch Phấn Hàn, qua Bốn Năm Phấn Hồng.

Dịch Phấn Hàn chủ quan, rất chủ quan đấy nhưng không gây khó chịu cho độc giả. Nói chung bạn dễ dàng thông cảm với nhân vật “Tôi” vì nàng ta là một nữ nhi thường tình. Trên đời có yêu thì có ghét. Yêu ghét là những cái tự nhiên không giải thích được, nhân vật “tôi” thể hiện điều đó. Cho nên cô em này không giả tạo. Dịch Phấn Hàn không tỏ ra hiểu biết, lọc lõi mà kể với một sự hồn nhiên. Khen thì khen lấy để mà chê cũng chê không tiếc lời, sau đó lại hối cải và có những nhận xét tinh tế hơn.

Nhân vật của Bốn Năm Phấn Hồng là các cô gái. Tâm hồn họ muôn màu muôn vẻ, không ai giống ai và từ đó tạo ra một cái vũ trụ nho nhỏ trong phòng kí túc. Bạn dễ dàng nhận thấy một, hai nét cá tính của những người bạn xung quanh mình qua các cô Tô Tiêu, La Nghệ Lâm, Trịnh Thuấn Ngôn... Và như các bạn biết, cái tiểu vũ trụ của các cô thiếu nữ không hề đơn giản. Mỗi cô là một cái thiên hà với biết bao lo toan, xung đột trong hành động và suy nghĩ.

Tuần trước vừa đọc xong cuốn này, lên mạng xem vài cái review của dân tình thì nhận thấy nhiều người có phản ứng là “tôi không tin Dịch Phấn Hàn...”, “truyện của Dịch Phấn Hàn làm tôi mệt mỏi...” “mẫu nhân vật của Dịch Phấn Hàn là những tuýp người khó ưa...” để phê bình cô Dịch (gọi tên bằng họ như vậy cho nó có mùi Khựa vì em đang review tiểu thuyết Tàu). Ở đây muốn tin hay không, cho là nhân vật của cô Dịch dễ thương hay dễ ghét tôi không có ý kiến; nhưng nói sách của cô Dịch làm cho mệt mỏi thì chắc bạn này chưa đọc những thứ như là Buồn Nôn chẳng hạn?

Cô Dịch nổi tiếng qua dòng văn học mạng; vì cái tính liên hợp quốc và hổ lốn của văn học mạng nên các bạn cũng không nên yêu cầu quá nhiều những nhà văn có thể gọi là không thừa một chữ, không thiếu một chữ được. Thiết nghĩ có bạn chê cô Dịch nhiều như vậy thì có cái lý của các bạn và tôi khen cô Dịch có cái lý của tôi. Lâm Ngữ Đường nói một câu, đại ý đọc sách hay mà thấy cái hay thì giống như vào bảo tàng trưng bày toàn những tuyệt tác, tuyệt tác cạnh tuyệt tác khiến người ta ngỡ ngàng, nhưng đọc những sách vở tầm thường mà ngộ ra điều hay thì lại càng thú vị gấp bội. Người ta ăn ở những cửa tiệm sáng trưng nhiều cũng chán! Ăn vỉa hè có cái thú vị mà trong cửa tiệm năm sao không có được.

Tôi mới đọc 1 tiểu thuyết của chị Dịch, Bốn Năm Phấn Hồng. Văn chương cũng chỉ “thường thường bậc trung” mà thôi, tình tiết thì cũng chẳng giật gân như các nhà sách quảng cáo: “Những nhân cách tha hoá, những tâm hồn mục ruỗng dưới áp lực của hư danh và tiền bạc. “Bốn Năm Phấn Hồng” là những cuộc chiến khắc nghiệt của các nữ sinh chống lại những thử thách của hoàn cảnh: đơn độc, thiếu thốn, bị ức hiếp, bị thôi miên bởi đồng tiền và dục vọng. Càng nếm trải cuộc sống, họ càng chua chát nhận ra tính thị trường hoá của nó…” Các bạn không nên bị những dòng thế này làm cho tẩu hỏa nhập ma. Việc con người phải đối mặt với những thử thách trong cuộc đời là rất bình thường thôi, và tôi nghĩ Dịch Phấn Hàn cũng không có nhu cầu bi kịch hóa mọi thứ lên đến tầm đó. Tôi nghĩ những gì chị làm là phản ánh và ôn lại bốn năm đại học: quá trình một tâm hồn thiếu nữ thuần khiết vô tư chuẩn bị cho cuộc đời đầy sóng gió.
 
Bên trên