<tiếp>
Hồ Điệp vốn là một đứa trẻ trọng tình cảm. Cô rất ít khi muốn cái gì cho riêng bản thân mình, nhưng kể cả khi có thực sự muốn cái gì đó cô cũng sẽ không vì bản thân mình muốn mà bằng mọi cách chống đối lại gia đình. Lần này cũng không phải là ngoại lệ. Đêm hôm đó, sau một lần to tiếng với bố mẹ về vấn đề này, cô biết trong cuộc tranh cãi này, mình đã thua rồi.
Nghe lời bố mẹ, thi vào ngôi trường mà họ mong muốn, Hồ Điệp cũng đạt điểm khá cao. Cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên, cô vốn là một đứa trẻ có tư chất thông minh. Nhưng cũng từ ngày đó, cô không hát nữa. Mọi quá khứ của cô liên quan đến nghệ thuật đều được dọn dẹp, cất riêng vào một chỗ. Mọi thứ liên quan đến ca hát bây giờ đối với cô không còn là hạnh phúc mà bỗng nhiên trở thành niềm đau, trở thành một vết thương lòng khó giải tỏa. Cô cảm thấy có lỗi với chính mình, có lỗi với ước mơ của mình, có lỗi với những người đã hi vọng một ngày cô có thể đứng trên sân khấu. Cô luôn tự trách mình đã hèn nhát mà từ bỏ mọi thứ. Từ bỏ ước mơ cũng đồng nghĩa với việc cô đã từ bỏ niềm vui của chính mình. Cô trở thành con người lặng lẽ, cô ít giao lưu với bạn bè mới, bạn bè cũ khi gặp lại nhau cũng không nói chuyện gì nhiều. Ai cũng cảm thấy cô thật tội nghiệp, không ai biết nói gì để có thể chạm đến tâm hồn cô. Cô đối với họ bây giờ đã trở nên quá xa lạ, một con người mà dường như không có linh hồn vậy.
Bốn năm đại học cũng cứ thế mà trôi qua, Hồ Điệp ngày càng trở nên lặng lẽ. Dường như cô đang tự giam mình trong cái thế giới của riêng cô. Không ai biết cô nghĩ gì, cảm thấy ra sao. Tâm lí của cô càng ngày càng trở nên trầm uất. Năm cô 22 tuổi, một lần tình cờ, cô đi qua Nhạc viện, ngôi trường mà cô từng ao ước thi vào. Như có một sự níu kéo vô hình, cô bất giác dừng lại, đứng trước ngôi trường từng là ước mơ của mình, cô bỗng mỉm cười. Cảm giác hạnh phúc được sống với hoài bão năm nào lại hiện về. Sau đó, cô lại tự cười chính mình. Nhiều năm như vậy, không đụng đến, cô cứ nghĩ mình đã có thể quên đi mọi chuyện, không ngờ, ước mơ ngày đó vẫn hiển hiện như mới ngày hôm qua, khi cô còn là cô gái 18 tuổi mới bước vào đời. Đang mải suy nghĩ miên man, bỗng cô cảm thấy có người đứng cạnh mình. Quay mặt lại, cô ngạc nhiên. Đó chẳng phải là người thầy đã từng dạy cô những buổi đầu chập chững cầm đàn đi học đấy sao. Lại nói đến người thầy này, đó là một người thầy mà cô ngàn vạn lần kính trọng. Ông là một điển hình về việc dành cả cuộc đời mình cống hiến cho nghệ thuật. Chính vì thế mà từ ngày đầu tiên học ông, dù ông đối với học sinh của mình vô cùng nghiêm khắc, nhưng cô vẫn luôn yêu kính và ngưỡng mộ ông. Ông từng nói, cô là một trong số những học trò mà ông thích nhất, không được nhìn thấy cô đứng trên sân khấu chính là niềm hối tiếc cả đời của ông. Năm đó, ông cũng đã gặp bố mẹ cô để nói chuyện nhưng những lời ông nói cũng không thể lay chuyện được quyết định của bố mẹ cô.
Gặp lại người thầy cũ, ông hỏi cô về cuộc sống những năm qua. Cô chỉ cười nói với ông cô vẫn ổn để ông không phải lo lằng. Nhưng hơn ai hết, nhìn gương mặt mệt mỏi của cô, ông hiểu. Ông càng hiểu sâu sắc hơn nỗi đau của người đã đánh mất ước mơ của mình là như thế nào. Cuối cùng ông nói với cô:
- Hồ Điệp, có một học sinh như em là niềm tự hào cũng như là niềm ân hận nhất cuộc đời thầy. Tuy rằng thầy nghe bạn bè nói, bây giờ em không hát nữa nhưng thầy cũng sắp về hưu rồi, trong buổi chia tay trên trường sắp tới, em có thể vì tình nghĩa thầy trò mà lại một lần nữa để cho thầy được nhìn thấy hình ảnh hạnh phúc của em trên sân khấu được không?
Nhìn vẻ chờ đợi trên gương mặt người thầy, cô đau lòng mà nói:
- Em xin lỗi. Nếu thầy đã nghe mọi người nói thì chắc thầy cũng hiểu vì sao em lại làm như thế. Em thực sự là không thể đứng trên sân khấu được nữa rồi. Đã quá lâu rồi, thậm chí giờ em cũng đã quên mất cảm giác ngày xưa rồi.
Nghe vậy, người thầy nhìn cô mà càng cảm thấy đau lòng hơn, ông nói:
- Cảm giác có thể tìm lại. Giọng hát là trong con người em, khả năng đàn đã ăn sâu trở thành bản năng của em. Em không dùng đến nó nữa, không có nghĩa là nó sẽ mất đi. Nó chỉ tạm thời bị chôn giấu ở đâu đó, em chỉ cần tìm lại mà thôi. Em hãy nhớ khi em từ bỏ ước mơ của mình không có nghĩa là ước mơ của em cũng từ bỏ em. Hôm đó, thầy sẽ vẫn chờ sự xuất hiện của em, đến hay không đến là quyền của em. Nếu em thục sự không muốn đến, thầy sẽ không bắt ép em.