PHI LỘ
Một buổi chiều thu khi ánh dương quang vừa tắt, mảnh trăng thượng huyền như chiếc lưỡi liềm treo lơ lửng trên hàng tre bao bọc ngôi làng Liên Chiểu, huyện Mộ Hoa
[1], phủ Quảng Ngãi. Vài tia chớp lóe lên trên bầu trời âm u phía biển Đông báo hiệu cơn mưa sắp tới. Rồi chỉ phút chốc sau, mây đen ùn ùn kéo đến, phủ kín bầu trời, bao trùm vạn vật, gió mạnh từ biển thổi vào mang theo hơi nước mát lạnh. Chớp giật liên hồi và sấm động từ biển khơi tiến dần vào đất liền. Sau những tiếng nổ vang trời, mưa bắt đầu trút nước. Gió trở mạnh hơn, giật từng hồi khiến cơn mưa càng lúc càng trở nên dữ dội. Những hạt mưa tạt mạnh vào cỏ cây cuốn theo hàng ngàn chiếc lá. Cảnh tượng khiến người ta kinh hãi và dự cảm sẽ có điều gì đó không lành sắp xảy ra. Mọi nhà đều đóng kín cửa, không ai dám ra ngoài vì sợ tai bay vạ gió khi trời đang nổi cơn cuồng nộ thế này. Tuy vậy cũng có kẻ lớn gan hé cửa lén nhìn ra bên ngoài. Và những gì đang diễn ra trong đêm bão tố qua ánh chớp đã làm họ kinh hồn bạt vía, tay chân rụng rời.
Tại nông trang bên bờ nam Liên Trì cách núi Long Cốt không xa bỗng xuất hiện nhiều bóng đen như những bóng ma, nhanh chóng bao vây trang trại. Bọn họ đều mặc đồ dạ hành, mặt bịt kín, trên tay đao kiếm sáng ngời. Hòa trong tiếng gió loạn sấm cuồng là những tiếng reo hò, gào thét và tiếng đao kiếm chạm nhau chan chát. Đao ảnh, kiếm quang lấp loáng dưới ánh sáng của những tia chớp. Rồi những tiếng rú thảm thiết vang lên không ngớt. Cuộc chém giết kéo dài không bao lâu thì trong đám hỗn loạn bỗng có tiếng la lớn:
– Anh cả chạy mau đi! Trần gia chúng ta dù chết hết cũng phải bảo vệ thanh Ô Long đao, đừng để bọn giặc Tàu cướp đoạt.
Ngay sau đó là tiếng huýt gió, tiếng vó ngựa dồn dập vang lên. Dưới ánh chớp người ta nhìn thấy một người đàn ông tay cầm đao nằm rạp trên lưng ngựa phóng như bay vào vùng núi Long Cốt. Lại có tiếng người đang đuổi theo sát phía sau:
– Muốn sống sót hãy để bảo đao Ô Long lại cho ta!
Hai con ngựa lao đi mất hút trong màn đêm. Cuộc thảm sát vẫn tiếp diễn cho đến khi cơn mưa nhẹ hạt dần. Lúc này, không gian quanh vùng Liên Trì bỗng bừng sáng bởi ánh lửa bốc lên từ những ngôi nhà ở Trần gia trang. Cảnh vật im ắng sau cơn hoảng loạn, chỉ còn tiếng nổ lách tách của ngọn lửa đang bùng cháy mỗi lúc một mạnh hơn. Người ta nhìn thấy ánh lửa bên Liên Trì nhưng không một ai dám đến xem vì họ vẫn còn khiếp đảm bởi những thanh âm cuồng nộ vừa qua.
Sáng hôm sau người dân quanh vùng Liên Chiểu bàng hoàng khi biết cả nhà Trần gia, vốn là những người nhân đức nhất vùng, đã bị giết sạch không còn một ai. Tất cả xác chết bị bọn sát nhân mang bỏ vào trong nhà rồi nổi lửa đốt. Trong một đêm, cả nông trang rộng lớn bị thiêu rụi chỉ còn lại một đống tro tàn. Cái tin hãi hùng đó lan nhanh làm chấn động cả phủ Quảng Ngãi. Ai cũng thắc mắc lẫn ngạc nhiên vì một gia đình nhân đức, tốt bụng như Trần gia sao lại có thể lâm vào cảnh thảm sát bi thương như vậy. Suốt bao đời kể từ lúc rời bỏ Đàng Ngoài vào cư trú tại Liên Trì, họ đã không ngừng tu nhơn tích đức, giúp đỡ mọi người trong vùng bất kể thân sơ thì làm sao có thể gây thù chuốc oán với ai được? Còn thanh bảo đao Ô Long là vật quí giá thế nào mà dù cho toàn gia bị tiêu diệt, họ vẫn cương quyết bảo vệ nó đến cùng?
Trong khi bao nhiêu nghi vấn đặt ra còn chưa có lời giải đáp thì ngay trưa hôm đó từ núi Bích Khê ở huyện Phù Ly lại có một tin hãi hùng không kém lan đến. Gia đình của một người tên Võ Trụ cũng lâm cảnh toàn gia thảm sát và trang trại ngựa của họ dưới chân núi Bích Khê gần đầm Trà Ô cũng bị thiêu rụi trong cùng một đêm giống như Trần gia tại Liên Trì. Người ta kháo nhau rằng, đó là một cuộc chém giết vô cùng tàn ác nhưng may mắn là nhà họ Võ có hai người thoát nạn. Một con bạch mã chở trên lưng một người đàn bà và một đứa bé phóng nước đại trong đêm, thoát khỏi vòng vây của bọn sát nhân. Mọi người suy đoán người chạy thoát là vợ và đứa con trai duy nhất khoảng sáu, bảy tuổi của Võ Trụ.
Hai vụ đại huyết án xảy ra cùng một lúc mà không để lại một dấu tích khả nghi nào, chứng tỏ hung thủ đã tính toán kỹ lưỡng và sắp đặt kế hoạch từ lâu. Tất cả mọi cố gắng điều tra của nhà cầm quyền thuộc ba phủ của dinh Quảng Nam đều vô vọng. Hung thủ là ai? Chúng có âm mưu gì khi thực hiện hai cuộc thảm sát vào cùng một thời điểm? Vì tư thù hay vì quyền lợi của mỏ vàng Kim Sơn mà Võ gia bị diệt vong? Thanh Ô Long bảo đao của Trần gia hiện lọt vào tay ai? Bí mật vẫn hoàn toàn bí mật.
Vào một đêm sau vụ huyết án, dưới ánh trăng, người ta thấy có bốn chàng thanh niên khoảng ba mươi tuổi và một cô gái độ chừng mười tám, bày hương án trước ngôi mộ tập thể của Trần gia ở chân núi Long Cốt lễ bái. Họ dùng rượu rưới xuống đất trước bàn thờ thay lời tiễn đưa những người quá cố, mà cũng có lẽ, đó là lời thề trước những vong linh bị chết một cách thảm thương, oan ức. Sau đó, họ ngồi uống rượu với nhau. Người cao tuổi nhất trong bốn chàng thanh niên cao giọng ngâm:
Hồi vấn cố tri thiên lý mưu
Bàng hoàng tặc loạn một thiên vưu
Phương liên thẩm thẩm Liên Trì hận
Thanh thảo thê thê Long Cốt cừu
Phủ khốc hàn tinh xuy vạn ảnh
Ngưỡng hào oán khí phún thiên ưu
Phiêu phiêu ma ảnh uất triêm lệ
Túy thệ truy thù tế vĩ lưu.
Tạm dịch:
Ta quay về hỏi cố tri về mưu ngàn dặm
Bàng hoàng thấy giặc loạn làm mất của quý trời đất
Sen thơm gãy chìm khắp gây nên hận Liên Trì
Cỏ xanh thảm thiết in mối thù núi Long Cốt
Cúi xuống khóc, những điểm hàn tinh thổi vạn ảnh
Ngửa lên la to oán khí phun ngàn mối lo
Ma ảnh bay bay đẫm lệ tức uất
Say, thề đuổi giết quân thù tế dòng tộc lớn.
Giọng ngâm chan chứa niềm bi hận. Một người trong bọn nói:
- Tuyệt tác! Bài thơ nghe thống hận tận tâm can.
Một người khác tiếp lời, giọng cương quyết:
- Ta thề sẽ tìm cho ra tên hung thủ chính đứng sau hai vụ án này, phanh thây hắn ra trăm ngàn mảnh để trả thù cho gần bốn mươi nhân mạng của Võ gia và Trần gia.
Cô gái nhỏ nói, giọng uất nghẹn:
- Bài thơ này Bằng huynh nên đặt cho nó một cái tên chứ?
Người được gọi là “Bằng huynh” gật gù:
- Đặt là
Liên Trì – Long Cốt hận tạm vậy!
Người nãy giờ chưa lên tiếng xen vào:
- Hay lắm! Mối hận ở Liên Trì và núi Long Cốt này chúng ta không trả được thề không làm người!
Cả bốn người bưng bốn chung rượu vừa rót xuống đất vừa đồng thanh nói:
- Không trả được thù, thề không làm người!!!
Bốn chàng thanh niên và người thiếu nữ dưới trăng ấy là ai? Họ có vén được bức màn bí mật đang phủ kín hai vụ huyết án kia và tìm ra chân dung hung thủ được hay không? Muốn biết rõ sự việc, hãy theo chân của họ trở lại thời kỳ nước Đại Việt rơi vào cảnh Nam Bắc phân tranh vào cuối nhà Hậu Lê với chúa Trịnh Giang ở Đàng Ngoài và chúa Nguyễn Phúc Khoát ở Đàng Trong.
***
Hồi thứ nhất
Đất Phù Ly, song hùng đồng xuất thế
Thành Phú Xuân, hào kiệt ngộ anh tài
*
Kim Sơn - Núi Vàng!!!
Đó là một tập hợp những ngọn núi thuộc dãy Trường Sơn, nối liền với dãy núi An Lão nằm trong địa phận huyện Bồng Sơn, phủ Quy Nhơn, phía chính Tây trị sở Lại Khánh, nơi khởi nguồn của dòng Lại Dương Giang, một trong ba con sông lớn ở phủ Quy Nhơn.
Dãy Kim Sơn trập trùng hiểm trở, cổ thụ ngàn năm cao lớn rậm rạp, nhiều nơi mây mọc chằng chịt, gai góc um tùm tạo thành những truông mây bạt ngàn. Núi có tên Kim Sơn vì trong núi có nhiều vàng. Vàng ở đây đã được triều đình nhà Lê khai thác để đúc người vàng cống cho nhà Minh. Lệ cống người vàng thâm độc này có từ đầu đời nhà Hậu Lê. Nguyên do vì nhà Minh đòi vua Lê Thái Tổ phải đền mạng cho tướng Liễu Thăng đã bị tướng Lê Sát của ta chém đầu ở ải Chi Lăng năm 1427. Suốt mấy trăm năm, lượng vàng khắp nơi trong nước Đại Việt bị cống dần sang Trung Hoa.
Vùng Lại Khánh và Bồng Sơn có nhiều người giàu lên nhờ thu mua, tinh lọc, chế biến vàng nữ trang. Trong số đó phải kể đến họ Trần ở Hoàng Kim Môn gần thành Lại Khánh. Họ Trần đã có mặt ở núi vàng từ lúc nơi đây được phát hiện và khai thác. Họ làm nghề thu mua và chế biến vàng từ thuở khai thiên đến thời Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi vào năm 1738 đã truyền được năm đời. Người nối dõi đời thứ năm là Trần Đại Chí. Đại Chí vốn là người khôn ngoan, sống kín đáo nhưng lại kết giao rất rộng với những nhà giàu, có thế lực, các quan chức phủ, huyện của chính quyền sở tại... Một trong những gia tộc có mối giao tình mật thiết với ông ta là Châu gia trang của Châu Doãn Thành ở mặt nam núi Bích Khê, thuộc địa phận Phù Ly. Trần Đại Chí và Châu Doãn Thành tuy không kết nghĩa sinh tử chi giao nhưng tình như thủ túc, luôn tương trợ nhau trong công việc kinh doanh.
Châu gia trang là trang trại nuôi ngựa lớn nhất nhì phủ Quy Nhơn, với hàng trăm giống ngựa quí hiếm. Dòng họ Châu không ai rõ gốc tích nhưng đã nhiều đời cư ngụ tại Phù Ly. Châu Doãn Trí nối dòng đời thứ ba, là người ham thích võ nghệ. Ông theo học nhiều thầy và vốn cơ trí hơn người, ông đã tinh lọc tuyệt chiêu võ học nhiều nơi để sáng chế riêng cho Châu gia một bộ bí kíp võ học lấy tên là Châu gia quyền pháp và đao pháp truyền lại cho con cháu. Châu gia cùng Trần gia ở phía bắc tạo thành Châu – Trần nhị trang nổi danh khắp phủ Quy Nhơn.
Doãn Thành cưới Phan thị, sinh được đứa con trai đầu lòng đặt tên là Châu Doãn Chữ. Năm Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi, Phan thị sinh người con trai thứ hai, đặt tên Châu Doãn Ngạnh. Một hôm, thầy tướng Lư Trung Tử vốn nổi tiếng khắp phủ Quy Nhơn ghé thăm Châu gia trang, thấy đứa bé mới sinh có tướng mạo lạ kỳ đã không tiếc lời ngợi khen. Dù vậy, ông cho rằng đứa bé nên có một cái tên khác. Doãn Thành nghe lời thầy liền đặt thêm cho Doãn Ngạnh cái tên Châu Văn Tiếp. Thầy Trung Tử gật gù:
- Đứa bé này mai sau ắt sẽ là tay anh hùng nổi danh khắp thiên hạ, Châu huynh phải lưu tâm đào tạo cho nó. Dòng họ Châu có được lưu danh thiên cổ hay không là nhờ nó đấy.
Châu Doãn Thành mừng rỡ trong bụng nhưng vẫn khiêm tốn nói:
- Lư tiên sinh đã quá khen. Châu gia chúng tôi chỉ cần được sống no đủ, nào dám mơ đến việc lưu danh thiên cổ.
- Tôi không nói quá đâu. Đứa trẻ này ngũ quan đoan chính, còn nhỏ mà chính khí đã lan tỏa khắp toàn thân, gặp buổi loạn lạc ắt sẽ là người “Lương sơn tá quốc” (quân giỏi ở núi rừng lo giúp nước).
- Đa tạ Lư tiên sinh đã có lời khen. Nếu được như thế thì Châu gia chúng tôi sẽ đời đời làm việc nhân đức để đáp tạ ơn trời.
Từ đó Châu Doãn Thành đổi hẳn cung cách sống, ra sức làm việc nghĩa. Ông đem tiền của giúp đỡ người hoạn nạn, bố thí kẻ khó khăn. Hôm thôi nôi của Châu Văn Tiếp, Châu gia trang mở tiệc linh đình, mời tất cả bằng hữu khắp nơi đến dự. Khách khứa ngoài vị quan huyện Phù Ly Bùi Thế Phát còn có mặt người bạn thiết Trần Đại Chí, trại chủ một trại mộc lớn ở huyện Phù Ly Lê Lập, thầy tướng Lư Trung Tử, Võ Trụ ở tiểu trang trại ngựa trong núi Bích Khê gần đầm Trà Ô cùng rất nhiều khách giang hồ khác. Khi mọi người đã yên vị, Châu Doãn Thành vui vẻ lên tiếng:
- Chào tất cả các bạn hữu, cảm ơn mọi người đã nể mặt Châu mỗ mà quá bước đến đây tham dự lễ thôi nôi đứa con thứ của tôi. Thầy Mạnh Tử nói: “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” (có ba tội bất hiếu, trong đó không có con nối dõi là tội lớn nhất). Châu mỗ nay đã có được hai mụn con trai nối dõi nên tránh được đại tội bất hiếu, do đó trong lòng cao hứng muốn mời mọi người đến cùng uống chung rượu chia vui. Vài chung rượu nhạt, dăm ba món ăn đạm bạc miền quê tỏ chút lòng biết ơn, mong mọi người niệm tình.
Ai nấy nghe xong đều vui vẻ nói:
- Châu huynh đừng quá khách sáo. Là chỗ thân tình cả mà.
Thầy Trung Tử đứng lên góp lời:
- Cá nhân tôi đã có duyên nhìn thấy diện mạo nhị công tử. Lư Trung Tử tôi nói ra e mọi người cho đó là lời ba hoa nhưng quả thật nhị công tử tướng mạo phi phàm, mai sau sẽ là bậc siêu quần “lương sơn tá quốc”.
Không biết Lư Trung Tử tâm đắc điều gì ở đứa bé mà lại luôn dùng bốn chữ “lương sơn tá quốc” để khen nó.
Châu Doãn Thành trong lòng hoan hỉ vô cùng, vội chắp tay vái tạ nói:
- Đa tạ Lư tiên sinh đã có lòng đề cao. Cháu còn bé quá, chưa biết về sau thế nào nên thật không dám nhận.
Quan huyện Bùi Thế Phát ngắt lời:
- Châu huynh không cần nhún nhường. Mau đem cháu ra đây cho mọi người nhìn mặt sẽ biết rõ thực hư chứ gì.
Châu Doãn Thành vui vẻ:
- Được thôi, được thôi!
Sau đó, ông ra hiệu cho gia nhân vào gọi Phan thị bế đứa trẻ ra. Phan thị là một thiếu phụ trẻ, vừa xinh đẹp vừa phúc hậu. Bà cúi chào mọi người, trao đứa bé cho chồng rồi lui lại đứng nép phía sau lưng. Châu Doãn Thành bồng con nói với quan khách:
- Đây là vợ tôi, còn đây là đứa con thứ hai. Hy vọng nó không ngỗ nghịch làm cho Châu gia phải xấu hổ là phước lắm rồi.
Nói xong ông bồng đứa trẻ đi xuống các bàn tiệc để cho bạn bè nhìn mặt. Mọi người đều tấm tắc khen và đồng ý rằng Lư Trung Tử đã không nói quá. Võ Trụ quan sát đứa bé rất kỹ, trong lòng thầm nghĩ
: “Năm tháng nữa vợ mình cũng đến kỳ sinh nở. Ước gì cũng sinh được một thằng con trai kháu khỉnh thế này thì hạnh phúc biết bao!”. Suy nghĩ ấy cứ lởn vởn mãi trong đầu Võ Trụ cho đến khi tan tiệc về nhà. Đêm đó ông nói với vợ:
- Hôm nay anh đi dự đám thôi nôi đứa con thứ hai của Châu gia, thằng bé có tướng mạo rất lạ. Thầy Lư Trung Tử đoán sau này nó sẽ lưu danh thiên cổ khiến anh cứ mơ rằng em cũng sẽ sinh được một thằng con trai như họ Châu vậy.
Vừa nói ông vừa âu yếm đưa tay sờ vào bụng vợ. Vợ ông nghe chồng tâm sự thì mỉm cười:
- Châu gia bao đời giàu có, thế lực, con cái người ta có cơ hội tá quốc lương sơn là phải. Còn anh một mình trơ trọi, cực khổ chắt chiu mấy năm nay mới có được một trang trại nhỏ thì so bì sao được với người ta?
- Giàu có chỉ là thứ yếu, nên danh hay không là nhờ vào phước đức ông bà để lại và ơn trời ban cho. Họ Võ nhà ta tuy bao đời nghèo khó nhưng lúc nào cũng lấy chữ đức làm đầu, chữ nhân làm trọng, em lại là người hiền lương, biết đâu trời thương cho chúng ta một mụn con như ý thì sao?
Nguyễn thị nghe chồng nói cho là phải, liền đưa tay vuốt bụng mình khẽ khàng nói:
- Đứa bé này mới bốn tháng mà em thấy nặng nề quá, chắc là con trai rồi. Ước gì con chúng ta được như lời anh nói thì tốt biết bao.
Đêm đó Nguyễn thị mơ thấy có một vị thần to lớn, đen trũi giống hệt vị hộ pháp ở ngôi chùa mà nàng thường đến lễ bái, bỗng nhiên từ trên trời bay xuống chui tọt vào miệng nàng. Nàng kinh hãi la lên. Võ Trụ nằm bên giật mình thức giấc, lay vợ dậy.
- Em làm sao vậy?
Nguyễn thị mở mắt, trán đẫm mồ hôi, hổn hển trả lời:
- Em vừa mới nằm mơ, giấc mơ kỳ lạ lắm.
- Em mơ thấy gì?
Nguyễn thị đưa hai bàn tay ôm lấy ngực, cố dằn nhịp thở xuống:
- Em mơ thấy có một vị thần to lớn, đen trũi như vị hộ pháp trong chùa từ trên trời bay xuống rồi chui thẳng vào miệng khiến em sợ quá.
Võ Trụ trấn an vợ:
- Chắc em nghĩ ngợi chuyện anh nói về con mình nên ngủ mơ thôi, không có việc gì đâu. Thôi ngủ đi, đang có mang phải cẩn thận sức khỏe mới được.
Năm tháng sau, Nguyễn thị hạ sanh một bé trai bụ bẫm, nước da ngăm đen, khỏe mạnh. Võ Trụ đặt tên cho nó là Võ Văn Doan. Khi đứa bé đầy tháng, vợ chồng Võ Trụ bế con lên núi Bích Khê ra mắt thầy mình là Đại Bi thiền sư. Nhìn thấy tướng mạo đứa bé, thiền sư giật mình than:
- Thằng bé này tướng mạo hiếm thấy, sau tất làm nên việc kinh thiên động địa. Chỉ e tính nó cương ngạnh, nếu không khéo dạy dỗ sẽ trở thành mối lo cho thiên hạ. Hai con phải hết sức tu nhân tích đức và đem những điều nhân nghĩa dạy cho nó, được vậy thì thiên hạ sẽ hưởng phước lây.
Võ Trụ nghe thiền sư nói, lo lắng thưa:
- Thưa thầy, hai con vốn ngu muội, không biết có đủ khả năng dạy dỗ cho nó nên người tốt được không. Hay con gởi nó lên đây nhờ thầy giáo huấn để tránh sự đáng tiếc về sau.
- Là họa là phúc, mọi sự đều đã có nhân duyên từ tiền kiếp. Việc các con cần làm bây giờ là phải cố gắng tu tâm hành thiện, đem cái thiện nghiệp của mình làm nhẹ bớt hung nghiệp cho đứa trẻ. Phải ráng dạy cho nó có tâm ngay thẳng, biết thương người. Các con nên nhớ rằng để cải hóa những đứa trẻ ngỗ nghịch không gì bằng tình thương, nhất là tình thương của người mẹ.
Võ Trụ nài nỉ:
- Vài năm nữa đợi nó lớn lên, xin thầy thương chúng con mà nhận nó về dạy dỗ. Như vậy con mới an tâm.
Thiền sư mỉm cười:
- Vợ chồng con đều có tâm lành, thầy chỉ nói xa thế thôi chứ không đến nỗi nào, hai con đừng lo lắng quá.
Nguyễn thị thưa:
- Con xin ghi khắc lời thầy trong tâm để dạy dỗ thằng bé sau này. Mong cho nó có đủ duyên phước để nhận được sự giáo huấn của thầy.
Từ lúc nghe được lời dạy bảo của Đại Bi thiền sư, vợ chồng Võ Trụ càng trì tâm hướng thiện, chí thú làm ăn, mong dành được chút vốn liếng để đào tạo con thành tài.
Năm tháng thoi đưa, giống ngựa quí ở núi Bích Khê cạn dần, Võ Trụ cùng đám đệ tử phải đi xa hơn, vào tận vùng Kim Sơn để tìm bắt, mang về trại nhân giống và thuần hóa trước khi bán cho Châu gia trang. Một hôm đang sục sạo trong núi Kim Sơn, Võ Trụ bỗng phát hiện một con ngựa có bộ lông đỏ như huyết. Biết đó là loài ngựa cực kỳ hiếm, xưa nay chưa từng thấy nên Võ Trụ quyết lòng bắt cho bằng được. Ông cố đuổi theo con vật vào sâu trong vùng rừng rậm Kim Sơn, giáp với Vĩnh Thạnh. Cuối cùng thì ông cũng quăng được vòng dây vào cổ con Huyết mã. Sau một hồi vật lộn, con ngựa hung dữ phải chịu thuần phục. Võ Trụ cột ngựa vào gốc cây rồi xuống con suối nhỏ gần đó rửa mặt. Dưới ánh nắng chiều xuyên qua kẽ lá, những tia sáng từ dòng suối phản chiếu lấp lánh khiến ông không khỏi hiếu kỳ. Ông nhìn xuống đáy dòng suối, với tay nhặt thử vật phát ra ánh sáng ấy lên xem. Bỗng dưng, ông giật mình la lớn:
– Kim Sơn! Vàng! Đúng là vàng ở Kim Sơn rồi! Ha ha... Đúng là vàng ở Kim Sơn rồi!
Quả là “mừng như bắt được vàng”. Và vì quá mừng nên lúc này Võ Trụ đã quên mất sự mệt mỏi, quên cả con ngựa quí đang cột bên gốc cây, ông đi tới đi lui dọc theo con suối tìm nhặt những viên vàng lấp lánh dưới đáy nước. Khi hai túi đã khá nặng thì trời vừa chạng vạng tối, ông trở lên dắt con Huyết mã tìm lối trở ra, dọc đường không quên bẻ cây, đặt đá làm dấu định bụng hôm sau sẽ trở lại tìm kiếm tiếp. Ra đến bìa rừng, đám đệ tử đang chờ bên ngoài mừng rỡ chạy đến đón. Võ Trụ biết việc này hết sức hệ trọng nên dù trong bụng đang mừng vô hạn nhưng vẫn giữ nét mặt bình tĩnh. Đêm đó ông đem số vàng ra cho vợ xem, tay run run vốc nắm vàng thầm thì:
- Em xem này! Vàng đấy, vàng ở Kim Sơn đấy! Chúng ta giàu to rồi. Em xem kỹ đi!
Nguyễn thị cầm mấy viên lên soi dưới ánh đèn. Đúng là vàng ư? Cả đời nàng chưa bao giờ nhìn thấy vàng thỏi nên không biết thật hay giả:
- Anh có chắc là vàng thật không? Nhiều thế này chúng ta phải làm gì với chúng bây giờ?
- Là vàng thật đó, có điều vàng này bị pha tạp, cần phải qua giai đoạn tinh lọc mới có được vàng nguyên chất. Chà! Chúng ta phải làm gì với nó đây? Vả lại, không phải chỉ có bấy nhiêu thôi đâu, anh nghĩ trong vùng núi hoang đó còn nhiều lắm. Làm sao để khai thác hết được đây?
- Chúng ta không thể độc chiếm một mình được đâu.
Võ Trụ trầm ngâm một lát hỏi:
- Theo ý em thì chúng ta làm thế nào?
- Em nghĩ mình nên hỏi ý kiến thầy xem sao rồi cứ theo đó mà hành xử thì an tâm hơn.
- Em nói phải. Nhưng mấy ngày trước thầy đã theo sư bá ở Thập Tháp Di Đà tự đi Phú Xuân để lập đàn cầu siêu giải sấm gì đó. Nghe đâu hai năm nay trong thiên hạ bỗng dưng lan truyền lời sấm kỳ lạ lắm. Theo lời sấm thì phủ Chúa chỉ truyền được đúng tám đời. Lời sấm còn tiên tri sắp tới đất nước sẽ xảy ra nhiều thiên tai kỳ quái khiến Chúa Võ lo sợ đã triệu tất cả những sư thầy đạo hạnh cao thâm về Phú Xuân cúng tế đất trời để giải lời sấm kỳ quái kia.
Nguyễn thị ngạc nhiên:
- Có chuyện lạ thế à? Nếu lời sấm đúng thì thời loạn lạc sắp đến rồi. Doan nhi ắt sẽ phải lớn lên trong cảnh khói lửa binh đao. Em lo quá!
- Vậy nên chúng ta phải có chút của cải phòng thân để lo cho tương lai của nó. Anh sẽ tìm thêm một ít nữa, đợi thầy về chúng ta báo lại sau.
- Như thế cũng được nhưng anh phải cẩn thận.
- Em an tâm!
Hôm sau Võ Trụ cùng người học trò thân tín nhất là Đặng Chí Hiếu mang theo dụng cụ đào đất trở lại Kim Sơn. Đứng bên bờ suối, Võ Trụ nói với Chí Hiếu:
- Thầy có bí mật này muốn chia sẻ với con. Hôm qua thầy đuổi theo con Huyết mã đến đây, vô tình phát hiện ra dưới đáy dòng suối này có vàng. Trong số các đệ tử và gia nhân, thầy biết con là người có tâm địa tốt nên đưa con đến đây để cùng tìm xem lượng vàng ở đây còn nhiều hay ít. Việc này nếu lộ ra ngoài thì cả gia trang chúng ta sẽ mang đại họa diệt vong. Con ghi nhớ kỹ.
Chí Hiếu nghe nói giật mình, cảm động thưa:
- Thầy dạy thế nào con sẽ nghe theo thế ấy, quyết không phụ lòng thương yêu của thầy.
Hai thầy trò xuống suối dò tìm. Họ lần theo con suối lên đến tận đầu nguồn thì thấy con suối chia làm hai ngả rẽ bèn chia nhau mỗi người một ngả tiếp tục tìm kiếm. Hồi lâu bỗng nghe tiếng Chí Hiếu gọi lớn:
- Thầy ơi, mau đến đây xem! Ở đây con tìm thấy nhiều lắm!
Võ Trụ vội vàng tìm đến chỗ của Chí Hiếu thấy hắn đang mê say đào xới, chiếc túi đeo bên hông đã trễ xuống vì sức nặng. Chí Hiếu ngừng tay mừng rỡ nói:
- Chắc là mỏ vàng ở đây rồi thầy ạ. Xem này, chỉ cuốc vài nhát là đã thấy vàng.
Võ Trụ quan sát kỹ một lúc rồi bảo:
- Con tiếp tục đào nữa đi.
Chí Hiếu hì hục đào. Đất vỡ ra, hai thầy trò bóp nát rồi hốt từng bụm nhúng vào dòng nước suối. Nước chảy trôi đất, đọng lại những mẫu vàng nho nhỏ trên tay.
Võ Trụ nói:
- Làm thế này không được. Vàng còn lẫn trong đất sẽ trôi theo dòng suối. Chúng ta phải tìm cách khác để đãi kỹ hơn.
- Ý thầy như thế nào?
- Chúng ta về chuẩn bị đầy đủ dụng cụ đãi vàng rồi quay lại khai thác.
Những ngày sau đó Võ Trụ cùng Chí Hiếu tiếp tục bí mật lẻn vào suối đãi vàng. Khi đã thu được một số vàng khá lớn, Võ Trụ muốn xác định giá trị của chúng nên cùng với Chí Hiếu ăn vận chỉnh tề, mang theo một số vàng thô, ruổi ngựa về phủ Quy Nhơn. Khi qua khỏi huyện Phù Ly đến một nơi đồng trống, Võ Trụ cho ngựa đi chậm lại, đưa tay chỉ về một xóm nhỏ khoảng độ trăm nóc nhà gần chân núi Lý Thạch ở phía tây đường trạm nói:
- Đó là làng Mỹ Hòa, nơi thầy được sinh ra. Tuổi thơ của thầy lớn lên trong khu xóm đó.
Chí Hiếu ngạc nhiên hỏi:
- Vậy ra đó là quê của thầy?
Võ Trụ thở dài:
- Ta được sinh ra ở đó, còn quê hương ở đâu thì ta không biết, chỉ nghe cha ta nói xa lắm, tận ngoài miền Thanh Nghệ.
- Sao thầy không ở đó nữa mà về Bích Khê?
- Cha mẹ ta bỏ quê lưu lạc đến làng này rồi xin làm công cho nhà phú hộ họ Trương. Sau đó sinh ra ta. Nhà họ Trương cũng từ Hải Dương vào đây lúc Chúa Tiên trấn nhậm miền Nam này. Họ Trương ai cũng mình mang tuyệt nghệ. Khi lên mười ta cũng được họ dạy cho một ít quyền cước căn bản.
- Vì sao thầy ra đi?
Võ Trụ im lặng một lúc mới đáp, giọng thoáng chút ngậm ngùi:
- Năm ta lên chín, một cơn dịch bộc phát trong vùng làm chết rất nhiều người, trong đó có cả cha mẹ ta. Từ đó ta sống côi cút trong sự bảo bọc của những người cùng làm công với cha mẹ mình. Ta vốn rất thích võ nghệ nên đêm đêm thấy gia đình họ Trương tập luyện, ta lén học theo. Một hôm, ông chủ bắt gặp ta đang tập bài quyền của họ nên lấy làm lạ bảo ta đi trọn bài quyền cho ông xem thử. Sau biết ta học lén, tự luyện tập một mình, ông đã khen ta thông minh và có căn cơ luyện võ tốt. Từ đó, ông bắt đầu dạy võ cho ta. Ba năm sau, lúc ta tròn mười ba tuổi thì căn bản đã khá vững vàng.
- Ông chủ họ Trương đó thật tốt bụng.
- Ông chủ thì tốt nhưng đứa cháu nội bằng lứa với ta thì chẳng tốt chút nào cả. Hắn từ bé đã bắt nạt và hành hạ ta đủ điều, biết phận mình là con của người làm công nên lúc nào ta cũng nhẫn nhịn. Cho đến một hôm hắn giật món đồ duy nhất mà mẹ ta để lại từ trong tay ta rồi đập vỡ nát, vì quá tức giận nên ta tống cho hắn một quyền trúng huyệt thái dương. Hắn ngã ra, đầu đập vào gốc cây gần đó nằm im bất tỉnh. Ta sợ quá liền cắm đầu bỏ trốn.
Võ Trụ dừng lại, đưa tay chỉ về ngọn núi Lý Thạch xa xăm rồi kể tiếp:
- Đó là ngọn núi mà xưa nay dân chúng quanh đây đều sợ vì trên núi có yêu quái, thỉnh thoảng có tiếng hú dài từng hồi rất ghê rợn. Ta nhắm mắt trốn chạy, quên cả lời dặn của mọi người và lạc trong đó.
- Rồi thầy có gặp yêu quái không?
Võ Trụ cười:
- Có yêu quái gì đâu mà gặp. Ở đó ta chỉ gặp sư tổ của con đang hái thuốc thôi. Thầy thấy ta bơ vơ nên nhận ta làm đệ tử, còn giải thích cho ta hiểu tiếng rú kia là do gió lồng vào hang động trong núi tạo ra.
- Vậy là từ đó thầy theo sư tổ về Bích Khê phải không?
- Đúng vậy. Từ đó ta theo sư tổ về cái am nhỏ trong núi Bích Khê. Vì sư tổ không chịu nói tên nên ta gọi người là Đại Bi thiền sư, bởi lẽ người nhân từ và đại bi như một vị Phật.
Hai thầy trò Võ Trụ vừa thong thả cưỡi ngựa vừa ngắm cảnh quang hai bên đường. Phủ Quy Nhơn mới qui về lãnh thổ của Đại Việt khoảng hơn hai trăm năm. Các đời chúa Nguyễn đã không ngừng khuyến khích những cuộc di dân vào đây nên chỉ trong thời gian ngắn, bộ mặt của vùng đất này đã khôi phục được dáng vẻ phồn thịnh ngày xưa dưới thời của đế chế Chiêm Thành. Trước thủ phủ đóng ở thành Đồ Bàn nhưng vào cuối năm 1743, phủ Chúa lệnh cho dời phủ lỵ ra thôn Châu Thành (thuộc Phù Cát bây giờ) nằm ở phía bắc thành Đồ Bàn, bên kia con sông Cầu Đài và cho xây đắp thành lũy rất kiên cố. Vì phủ lỵ mới đang trong giai đoạn xây dựng nên những phố xá chính phần lớn vẫn còn nằm trong khu thị trấn quanh thành Đồ Bàn cũ.
Dọc theo con đường chính, phố xá san sát với những cửa hàng mua bán của người Việt và người Minh Hương. Ngựa xe qua lại đông đúc, tấp nập, thật là một thị trấn phồn vinh. Thời bấy giờ ở phủ Quy Nhơn ngựa hoang nhiều vô kể, bởi vậy mọi sinh hoạt giao thông đều dùng ngựa làm phương tiện chính. Đàn bà, phụ nữ khi đi chợ xa cũng dùng ngựa. Vì là vùng đất mới, dân xiêu tán tứ phương đổ đến nên phụ nữ ở phủ Quy Nhơn, đại đa số đều học múa roi đi quyền để phòng thân.
Thầy trò Võ Trụ dừng chân ở tiệm kim hoàn Hưng Phát trên lộ chính ở thị trấn Phú Đa. Chủ nhân tiệm này là một người đàn ông tuổi chừng bốn mươi. Thấy có khách lạ ông ta vui vẻ chào hỏi:
- Hai vị chắc không phải người quanh đây? Chúng tôi có thể giúp được gì cho quí khách chăng?
Võ Trụ lấy ra mười viên vàng nhỏ đưa cho ông chủ.
- Tôi có mấy đỉnh vàng nhỏ của ông bà để lại, vì có việc cần nên phải đem đi bán. Của gia bảo nay phải đem ra chợ, thật đáng tiếc.
Ông chủ tiệm cầm lấy số vàng săm soi rồi nói:
- Vàng này còn nhiều tạp chất, chắc là vàng khai thác ở các mỏ ngày xưa. Ông là người Hoài Nhơn, Kim Sơn à?
Võ Trụ thầm phục sự hiểu biết của chủ tiệm, ông mỉm cười:
- Ông chủ thật tinh mắt, mới nhìn đã nhận ra xuất xứ của người và vật. Vâng, tổ tiên tôi ở Bồng Sơn. Thứ này ông thu mua chứ?
Chủ tiệm vồn vã:
- Mua chứ, mua chứ! Chúng tôi mở cửa tiệm này lâu đời lắm rồi. Ngày xưa, ông bà chúng tôi cũng đã mua vào rất nhiều vàng Kim Sơn. Thế ông định bán bao nhiêu?
- Tùy nơi ông chủ cả. Chúng tôi trước nay chưa bao giờ đụng tới việc này nên chẳng rành giá cả. Nghe đồn Hưng Phát là nơi mua bán chắc giá, uy tín nên mới mang đến đây. Ông chủ cứ tùy tiện định giá đi.
- Vậy là ông đến đúng nơi rồi đấy. Ở đây chúng tôi mua bán chắc giá trước giờ. Để tôi cân xem nào. À, cũng khá nặng, những mười lượng đấy. Nhưng ông cũng biết rồi, vàng này phải tinh luyện mới thành vàng ròng. Qua công đoạn tinh luyện, một lượng vàng sẽ bị mất đi một phần mười, thêm công xá của chúng tôi nữa nên vị chi là ba phần mười. Đây còn bảy lượng. Một lượng vàng xưa chỉ đổi được 20 quan, nay được 40 quan, vị chi là 280 quan tất cả. Quí khách có đồng ý không?
Võ Trụ giả bộ trầm ngâm giây lát ra vẻ tiếc rẻ. Đoạn nói:
- Thôi thì đành chịu vậy. Mà này, công tinh chế gì mà những hai phần mười dữ vậy? Hèn chi các nhà buôn kim hoàn như các ông, nhà nào cũng giàu có cả.
- Ậy, nói nghe đơn giản nhưng làm thì khó lắm đấy. Phải có dụng cụ và tay nghề tinh xảo mới làm được chứ không phải chuyện chơi đâu. Chúng tôi làm ăn uy tín mà.
Nói xong chủ tiệm cất vội số vàng vào và đếm tiền giao cho Võ Trụ. Trên đường về, Chí Hiếu thắc mắc:
- Thưa thầy, sao chúng ta không mang vàng sang Hoàng Kim Môn trao đổi? Thầy với họ là chỗ quen biết mà?
- Tuy là chỗ quen biết nhưng Trần Đại Chí là người thâm trầm khó đoán. Thầy không muốn cho họ biết việc này. Các con cũng phải cẩn thận khi giao tiếp với bọn Hoàng Kim Môn. Tốt nhất là không nên dây vào họ.
- Dạ!
Những ngày sau đó, Võ Trụ chọn thêm bốn người học trò thân tín nữa, mang dụng cụ đãi vàng lên Kim Sơn. Cứ hai ba bữa lại âm thầm đi, một nửa tìm ngựa, một nửa còn lại đãi vàng. Chiều đến thầy trò dắt vài con ngựa trở về trại. Thỉnh thoảng ông lại vào Quy Nhơn đổi vàng lấy tiền, có lần còn ra đến tận Quảng Nam để đổi.
Đại Bi thiền sư về, hai vợ chồng Võ Trụ lên thăm và đem việc phát hiện mỏ vàng trình lại. Thiền sư nghe xong thở dài rồi lẩm bẩm một mình:
- À! Thật là nợ trần chưa dứt, vòng tục lụy còn trói lấy ta chăng?
Đoạn, thiền sư nói với vợ chồng Võ Trụ:
- Theo ý thầy, các con nên báo cho quan phủ biết và giao quyền khai thác cho họ thì sẽ tránh được tai họa, không khéo lại là họa sát thân.
Võ Trụ lo lắng:
- Báo cho quan phủ biết, liệu họ có nghi ngờ mình đã tự khai thác quá nhiều rồi hay không, thưa thầy?
- Lòng người lúc nào cũng tham lam nên chắc chắn họ sẽ nghi ngờ. Nhưng chúng ta cứ thành thật và sống theo lẽ tự nhiên, còn thiên hạ nghĩ sao thì đành chịu. Chuyến đi vừa rồi ra Phú Xuân, thầy có diện kiến Chúa Võ, để thầy viết một phong thư trình bày sự việc và xin Chúa cho quan Khâm sai đến đây tiếp nhận việc khai thác có lẽ ổn hơn.
Võ Trụ mừng rỡ thưa:
- Con vốn không ưa lắm bọn quan phủ huyện ở đây. Chúng là những tên tham lam, nếu ta giao cho bọn chúng thế nào số vàng khai thác được cũng chui vào túi chúng hơn phân nửa. Giao cho phủ Chúa thì ít ra dân chúng còn được hưởng phước lây.
- Đêm nay thầy sẽ viết hai phong thư, con mang ra Phú Xuân, đến chùa Thiên Mụ gặp trụ trì Minh Giác sư bá và trao hai bức thư cho ngài. Đọc thư xong ngài sẽ có cách đưa bức thư còn lại đến tay Võ vương.
Nguyễn thị hỏi:
- Chúng ta có nên khai thác một số vàng để xây dựng nơi này thành một ngôi chùa lớn không, thưa thầy?
Thiền sư mỉm cười:
- Thầy ưa thanh tịnh không muốn người đời biết đến. Chùa lớn hay nhỏ không quan trọng, việc của người tu hành là giác ngộ bản thân mình và giúp chúng sanh giải thoát mọi khổ đau. Con không cần bận tâm đến việc đó.
***
Mùa hạ năm Ất Sửu (1745), nước Đại Việt đời vua Lê Hiển Tông thứ năm, Đàng Ngoài chúa Minh Đô Vương Trịnh Doanh năm thứ năm, Đàng Trong chúa Võ Nguyễn Phúc Khoát năm thứ bảy.
Vào những năm đầu thập kỷ 40, trong khi Đàng Ngoài loạn lạc, đói kém thì Đàng Trong lại lan truyền lời sấm:
“Chỉ đến tám đời Chúa thì trở về Trung Đô (Đông Kinh)” làm dân chúng hoang mang, phủ Chúa lo sợ. Triều thần nhiều người dâng biểu xin chúa lên ngôi vương để giải trừ ý nghĩa lời sấm trên.
Nhân ở Phú Xuân có chuyện lạ xảy ra: cây sung bỗng dưng nở hoa, gọi là
Ưu Đàm khai hoa. Bá quan viện cớ đó đề cử Hương Danh hầu Nguyễn Đăng Thịnh xướng sách, rồi cùng những đại thần phe ủng hộ dâng sách khuyên chúa Nguyễn Phúc Khoát xưng vương. Sách có câu:
Chính danh phận vu nhất quốc duy tân chi thủy
Hưng lễ nhạc vu bách niên tích đức chi dư
Tạm dịch:
Bắt đầu cuộc duy tân, phải chính danh phận cho một nước
Hơn trăm năm tích đức, lễ nhạc cần được hưng thịnh.
Sách ấy còn viết:
Dĩ thất thập lý chi cương vũ, tự khai huyền điểu
[2] chi cơ
Thẩn tam thiên lý chi dư đồ, thượng tiễn hoàn khuê
[3] chi vị.
Nghĩa là:
Chỉ cần bảy mươi dặm biên cương, tự mở nền huyền điểu
Huống chi đã ba nghìn dặm đất hơn, sao chịu vị hoàn khuê.
Do tất cả những nguyên nhân trên, đầu mùa xuân năm Giáp Tý (1744), Chúa Nguyễn Phúc Khoát làm đại điển đăng Vương, cho đúc ấn riêng. Năm sau lại họp quần thần đưa ra kế sách thay đổi toàn bộ cơ cấu hành chánh trong nước, từ những việc lớn như chia lại các dinh, trấn, phủ... cho đến các việc nhỏ như thay đổi cách ăn mặc trong dân chúng. Phú Xuân trở thành kinh đô của một nước, Võ Vương ra sức dựng thêm cung đài, điện ngọc. Sự phồn thịnh sẵn có nay càng nguy nga, sung túc hơn.
***
Mấy ngày sau việc bàn bạc với Đại Bi thiền sư, Võ Trụ mang hai bức thư và dẫn theo một đệ tử tên Doãn Trọng Hào lên đường đi Phú Xuân. Đoạn đường từ phủ Quy Nhơn ra Phú Xuân ước chừng hơn sáu trăm dặm, phải mất hơn hai ngày đường. Hai thầy trò qua đò sông Hương lúc trời chạng vạng tối ngày thứ ba. Họ tìm quán trọ nghỉ ngơi qua đêm, sáng hôm sau lên chùa Thiên Mụ.
Trời hãy còn sớm nên chùa chưa có khách đến viếng. Thầy trò Võ Trụ sau khi vào điện Thiên Vương thắp hương lễ Phật xong liền tìm vị tri khách tăng để xin gặp thiền sư Minh Giác – một trong những cao đồ của thiền sư Nguyên Thiều. Vị tri khách tăng tuổi độ năm mươi chào khách rồi hỏi:
- Xin hỏi hai vị từ đâu đến, gặp sư trụ trì có việc gì?
Võ Trụ chắp tay thưa:
- Bạch thầy, chúng đệ tử ở Phù Ly, phủ Quy Nhơn. Đệ tử vâng lệnh sư phụ ra đây vấn an sư bá Minh Giác thiền sư và trao thư của người.
- Sư phụ của thí chủ là ai?
Võ Trụ ngẩn người vì sư phụ chưa bao giờ nói tên hoặc danh hiệu cho ông biết thì trả lời sao đây? Nghĩ ngợi một lúc ông bèn thưa:
- Bạch thầy, sư phụ của đệ tử không có tên họ hay danh hiệu gì cả. Sư phụ chỉ nói người là sư đệ của Minh Giác thiền sư mà thôi.
Vị tri khách tăng chợt hiểu ra, mỉm cười rằng:
- Ta biết rồi. Là Vô Danh sư thúc đây mà. Sư thúc vừa từ đây về, không biết lại có việc gì gấp mà phải viết thư như thế? Thôi được, hai vị thí chủ ngồi đây dùng trà nhé, tôi sẽ vào thưa cùng sư phụ.
Tri khách tăng đưa hai thầy trò Võ Trụ vào phòng khách, rót hai tách trà sen thơm phức mời họ rồi đi vào phía sau đại điện.
Võ Trụ nhìn quanh thấy trên vách phải có treo bức họa chân dung của một vị sư. Bức họa tuy đơn sơ nhưng nét bút như rồng bay làm nổi bật khí chất người được họa. Không thấy ký tên người họa chỉ thấy dòng chữ:
“Tổ Hạnh Đoan thiền sư - Siêu Bạch hoán bích”. Võ Trụ liền ra hiệu cho Trọng Hào cùng cung kính chắp tay vái lạy vị tổ sư của mình. Nhìn sang tường bên trái cũng thấy treo một bức họa chân dung một vị thiền sư khác, bên dưới đề dòng chữ:
“Hòa thượng Thạch Liêm - Thích Đại Sán”.
Doãn Trọng Hào hỏi:
- Thưa thầy, hai vị hòa thượng trong tranh này là ai vậy?
- Tổ Hạnh Đoan - Siêu Bạch chính là tổ sư phái thiền Lâm Tế của chúng ta, tức tổ Nguyên Thiều ở Thập Tháp Di Đà tự. Còn Hòa thượng Thạch Liêm - Thích Đại Sán thuộc thiền phái Tào Động ở Quảng Đông, Trung Quốc được chúa Phúc Chu mời sang truyền giáo. Chúa Phúc Chu cũng tu theo Thiền phái Tào Động.
Hai thầy trò đang nói chuyện thì vị tri khách tăng trở lại, ông nói:
- Sư phụ mời hai vị vào trong thiền thất để gặp ngài. Mời hai vị theo tôi.
Họ đi qua hành lang của Đại Hùng bửu điện và điện Ngọc Hoàng đến vườn Tỳ Da phía sau chùa. Trên đường đi, Võ Trụ hỏi:
- Thưa sư huynh, hai bức họa tuyệt bút trong phòng kia là của ai mà không thấy đề tên tác giả?
Vị tri khách tăng cười đáp:
- Là thủ họa của sư phụ hai vị đó. Sư thúc vốn không ưa danh tự nên ngay cả tên mình cũng không có thì làm gì có việc lưu lại tên trên bức họa?
Võ Trụ nghe nói hết sức ngạc nhiên:
- Thì ra sư phụ là một nhà danh họa, vậy mà đệ không biết.
- Chẳng những là danh họa, Vô Danh sư thúc còn là người hội đủ cầm kỳ thi họa, môn nào cũng tuyệt cả. Còn một tuyệt nữa là kiếm tuyệt, điều này chắc hai vị biết rồi. Trước khi theo tổ sư xuất gia, sư thúc được người đời đặt cho một danh hiệu là Ngũ Tuyệt thư sinh. Nhưng giờ thì người chối bỏ tất cả, không muốn ai nhắc đến cái danh ấy nữa. Vừa rồi khi ở đây, sư phụ nài nỉ mãi sư thúc mới chịu phóng bút vẽ hai bức họa đó đấy.
Câu chuyện dừng lại ở đó vì cả ba đã đến thiền thất.
Ngôi thiền thất của thiền sư Minh Giác nằm cạnh bờ sông Hương, ở cuối vườn Tỳ Da. Vầng dương ban mai tỏa ánh nắng ấm áp, ngọn gió trong lành từ dưới sông thổi lên mát lạnh khiến Võ Trụ cảm thấy thật thanh bình sảng khoái. Ba người vào bên trong. Gian thiền thất đơn sơ, chỉ độc một chiếc giường trong góc, ở chính giữa bức vách cuối căn phòng có một vị thiền sư râu tóc bạc trắng đang ngồi trên chiếc bồ đoàn giữa chiếc chiếu trải sẵn. Vị tri khách tăng cúi lạy thưa:
- Bạch sư phụ, hai vị thí chủ đã đến.
Thầy trò Võ Trụ vội đến quì trước mặt thiền sư lạy bốn lạy thưa:
- Đệ tử xin ra mắt sư bá!
Doãn Trọng Hào thưa:
- Đồ tôn xin ra mắt tổ sư bá!
Minh Giác thiền sư nhìn Võ Trụ một lúc rồi nở nụ cười:
- Vô Danh sư đệ có được người đệ tử thế này thật lành thay. Các con ra đây gặp ta có việc trọng đại à?
- Thưa sư bá, sư phụ có hai bức thư gởi cho sư bá, mời người đọc qua.
Võ Trụ lấy hai phong thư ra và hai tay dâng lên cho Minh Giác thiền sư. Minh Giác cầm hai phong thư coi qua, xé một bức ra đọc xong nói:
- Việc này khá hệ trọng. Ngày mai ta phải vào thành gặp Võ Vương để tâu rõ mọi việc. Chưa biết ngài sẽ giải quyết thế nào. Các con cứ ở lại đây nghỉ ngơi dạo cảnh Phú Xuân cho biết.
- Thưa sư bá chúng con phải về ngay. Sư phụ dặn mọi việc cứ để sư bá lo, chúng con không cần phải chờ kết quả.
- Như thế cũng được.
- Vậy chúng con xin chào sư bá.
Hai thầy trò vái chào Minh Giác thiền sư rồi lui ra.
Họ rời thiền thất, đến trước cổng thì ghé vào ngôi nhà hình lục giác để xem chiếc chuông đồng nổi tiếng khắp Đàng Trong.
Doãn Trọng Hào nhìn thấy đại hồng chung to lớn thì trầm trồ không ngớt miệng:
- Thầy xem, chiếc đại hồng chung này lớn quá chừng, dễ thường có đến vài ngàn cân chứ không ít.
- Con đoán đúng. Trên thành chuông có ghi chuông nặng 3.285 cân.
Xem xong hai thầy trò sang phía bên kia cổng. Trọng Hào nhìn tấm bia cao lớn ghi bài Minh của Chúa Phúc Chu bèn tò mò đọc. Xong quay ra hỏi Võ Trụ:
- Thầy ơi, trong bài thơ có câu:
“Đạo pháp vô vi chừ hòa đồng Nho Phật”. Câu này nghĩa là gì ạ?
Võ Trụ giải thích:
- Chúa Minh Phúc Chu tu theo thiền phái Tào Động của Hòa thượng Thạch Liêm. Ngài Thạch Liêm chủ trương việc hòa đồng tôn giáo cho nên Chúa Minh cũng khuyến khích việc hòa đồng Nho, Thích, Lão ở nước ta.
Vừa lúc đó có một đôi thanh niên nam nữ từ ngoài bước vào. Hai người ăn vận tuy đơn giản nhưng vẫn không giấu được vẻ quí phái. Người thanh niên nét mặt phương phi, tướng mạo đường đường, hiên ngang. Người thiếu nữ dường như đang mang thai, dáng dấp thanh tao, khuôn mặt như trăng rằm, mỹ lệ như hoa. Nàng bước vào làm gian phòng lục giác chợt sáng hẳn lên. Vì phòng không lớn nên khi chạm mặt, mọi người đều cúi đầu chào nhau. Võ Trụ thấy có người lạ vào bèn kéo Trọng Hào né sang một bên và nhỏ giọng giải thích tiếp:
- Trong văn hóa cổ Trung Hoa có hai nền triết học lớn ảnh hưởng đến toàn bộ hệ tư tưởng của xã hội và nó lan rộng ra cả Đông Phương, trong đó có Đại Việt ta. Đó là tư tưởng của Lão giáo và Khổng giáo. Tinh thần cơ bản của Lão giáo đặt ở hai chữ “vô vi” mà Lão Tử – người sáng lập đã từng nói: “Đạo vô vi nhi vô bất vi”. Lão giáo chủ trương để mọi vật phát triển theo lẽ tự nhiên, con người cũng thuận theo tự nhiên mà sống thì sẽ được an nhàn, tiêu sái và tự tại. Còn tinh thần Khổng giáo đặt ở hai chữ “trung dung”. Khổng giáo đề xướng ra mẫu mực sống cho người quân tử và khuyên họ nhập thế hành đạo giúp đời, giúp người, cải thiện xã hội ngày một kỷ cương, an vui, hạnh phúc hơn. Đạo dạy người quân tử phải giữ cho được chữ trung dung, biết trung hòa, chừng mực không thái quá cũng không bất cập. Với đạo Thích, tức là đạo Phật thì bao la, cao siêu và huyền nhiệm. Ở những người trí huệ, đạo Phật là "giác ngộ" còn ở cái nhìn trong đời thường, đạo Phật là "từ bi". Đạo khuyên ta trước hết hãy giác ngộ để tự giải thoát mình, sau đó đem cái tâm từ bi yêu thương giúp cho chúng sinh trong vũ trụ này thoát ra khỏi bể trầm luân. Con thấy đó, đạo nào cũng muốn đưa con người đến chỗ an lạc, hạnh phúc, chỉ có phương cách và hướng đi là khác nhau thôi. Do đó, mới có chủ trương “tam giáo đồng lưu”, dung hòa ba đạo lại để cùng nhau phục vụ con người, tránh bớt những tị hiềm khác biệt về tôn giáo.
Trọng Hào hỏi:
- Thưa thầy, các đạo ở Trung Hoa và Ấn Độ đều xây dựng một con người kiểu mẫu. Ở Đại Việt ta, người như thế gọi là hiệp sĩ. Vậy người hiệp sĩ của chúng ta dựa trên căn bản của đạo nào?
- Con hỏi hay lắm. Trước khi có những nền triết học bên ngoài du nhập vào thì dân ta đã có một nền Minh triết thuần túy nhân bản, gọi là Việt Nho, khác với Hán Nho của người Hán. Sau này vì bị áp chế bởi giặc ngoại xâm, nền Hán Nho đã thống trị đời sống tâm linh của người Việt. Tuy vậy tinh túy Việt Nho vẫn luôn là cội rễ chính điều khiển tâm thức và lối sống của người Việt chúng ta. Khi các nền triết học và tôn giáo khác du nhập vào, người Việt đã tiếp nhận rồi dung hòa chúng với cái gốc của mình và tạo thành một phong cách sống có sắc thái riêng biệt. Đó cũng là mục đích của sự hòa đồng Nho, Thích, Lão mà chúa Phúc Chu đề xướng. Và người hiệp sĩ của chúng ta chính là sự hòa hợp đó. Người hiệp sĩ có cái khí tiết quân tử, đức độ trung dung của Nho giáo, có tính ung dung tự tại của Lão giáo, có cái tâm từ bi của Phật giáo và tấm lòng nhân bản của Việt Nho nguyên thủy.
Đôi thanh niên nam nữ nãy giờ đứng gần đó xem lời bia, nghe Võ Trụ giảng giải về ba tôn giáo lớn ở Đông Phương và tính chất người hiệp sĩ Đại Việt, trong lòng cảm thấy bội phục lắm. Người thanh niên lên tiếng:
- Xin chào nhân huynh, nghe qua lời cao luận của nhân huynh, kẻ phàm phu thô lỗ như tôi thật đã sáng tỏ vấn đề mà mình chưa thấu rõ. Ba tôn giáo, mỗi tôn giáo gói gọn chỉ trong hai chữ. Thật tuyệt! Cho tôi gởi một xá này để tạ ơn mở trí, khai tâm.
Võ Trụ nghe người thanh niên khen thì hổ thẹn, vội nói:
- Huynh đã quá khen rồi. Đó chẳng qua là lời dạy của sư phụ, nay tôi đem ra truyền lại cho đệ tử thôi. Tôi vốn tài thô trí thiển nên trong cách giảng giải e có điều sai quấy và thiếu sót sợ làm bẩn tai bậc thức giả như hai vị đây. Thật là hổ thẹn!
- Nhân huynh chớ quá khiêm nhường, lời tôi nói là lời thật tự đáy lòng. Giữa đường gặp mặt chắc cũng có chút duyên, nếu không chê thì xin được làm quen.
- Được làm quen với hai vị thì còn gì vinh hạnh hơn cho Võ Trụ này?
Nói xong Võ Trụ cúi chào. Đôi thanh niên nam nữ cũng cúi đầu đáp lễ.
- Tiểu đệ Đoàn Phong, còn đây là Tuyết Hoa vợ đệ, xin chào Võ Trụ huynh.
Doãn Trọng Hào bước đến ra mắt hai người. Đoàn Phong hỏi:
- Nghe khẩu âm hình như Võ huynh không phải người ở đây thì phải?
- Đúng vậy, chúng tôi vừa từ Phù Ly, phủ Quy Nhơn ra đây. Tôi cũng định hỏi Đoàn huynh câu ấy đấy. Nếu tôi đoán không lầm thì hai vị là người Đàng Ngoài?
- Dạ vâng. Vợ chồng đệ cũng vừa từ phương Bắc lánh nạn đến Phú Xuân vài năm nay. Võ huynh cùng chú em đây đến Phú Xuân ngoạn cảnh à?
- Không, chúng tôi ra đây có chút việc, sớm mai phải về rồi.
Đoàn Phong tỏ vẻ tiếc rẻ:
- Mai Võ huynh đã về rồi sao? Tiếc thật, không biết chúng ta còn có duyên gặp lại hay không?
- Hy vọng sẽ có ngày gặp lại. Nếu có dịp vào Quy Nhơn đừng quên ghé thăm trại ngựa họ Võ của chúng tôi ở Bích Khê, Phù Ly nhé.
- Tất nhiên rồi! Nhà đệ ở gần bến đò Vĩ Dạ, có dịp xin mời Võ huynh ghé đến chơi. Tiếc là chiều nay đệ có việc phải vào thành, chúng ta đành chia tay nhau ở đây vậy. Chúc thầy trò huynh lên đường bình an.
- Cảm ơn Đoàn huynh. Mong có ngày gặp lại.
Họ chia tay nhau. Võ Trụ cùng Trọng Hào ra cổng dắt ngựa về lại quán trọ. Vợ chồng Đoàn Phong tiếp tục vào chánh điện lễ Phật. Trên đường về nhà, Lê Tuyết Hoa nói với chồng:
- Thiếp thấy hai thầy trò này có vẻ thật thà ngay thẳng, chính trực lại thân thiện. Những người như thế đáng để kết giao.
- Nàng nhận xét rất đúng, ta cũng nghĩ như thế. Tiếc rằng họ ở xa quá.
Tuyết Hoa thở dài:
- Sau vụ nổi loạn của hoàng thúc Lê Duy Mật bất thành, vợ chồng ta lánh nạn vào đây, may nhờ Dục thúc thúc giúp đỡ mọi việc nên cuộc sống coi như tạm ổn, có điều hình như người trong Nam này họ có chút gì đó kỳ thị chúng ta. Thiếp thấy rất khó thân thiện với họ. Tìm được một người bạn như Võ huynh ở đất này thật không dễ.
Đoàn Phong an ủi vợ:
- Nàng đừng buồn, mọi việc từ từ rồi sẽ quen thôi. Hơn trăm năm chia cắt hai đàng, có sự khác biệt cũng là lẽ tự nhiên thôi.
- Chiều nay chàng phải vào thành à?
- Triều đình Đàng Trong đã có ý tách biệt hẳn với Đàng Ngoài, lập nên một nước riêng cho nên bá quan mới xin Chúa Võ xưng vương và đúc ấn riêng. Nay Võ vương họp bá quan để bàn bạc việc thay đổi cơ cấu hành chính. Nàng nghỉ ngơi nhé, phải cẩn thận giữ gìn thai nhi.
*****
[1] Huyện Mộ Hoa: Đời vua Minh Mạng, vì mẹ vua tên húy là Hoa nên đổi tên huyện thành Mộ Đức cho đến nay.
[2] Chữ “
huyền điểu” là dựa theo Kinh Thi câu: “Thiên mệnh huyền điểu giáng nhi sinh Thương” nghĩa là trời sai giáng chim huyền điểu xuống mà sinh ra nhà Thương, Trung Quốc.
[3] Chữ
“hoàn khuê” là tên loài ngọc quí ở Trung Quốc thường được những người có tước Công đeo. Vị hoàng khuê tức là chỉ tước Công.