Hồi thứ bảy
Quán Cao Lầu, bạch y công chúa chuốc thảm bại
Sông Thu Bồn, Trương Văn Hiến đối cảnh đề thơ
*
Phố Hội An, một địa danh, một hải cảng sầm uất bậc nhất của đất Đàng Trong kể từ ngàn xưa, thời còn thuộc đế quốc Chiêm Thành. Ngày trước đất này là kinh đô Sinhapura hay “Kinh thành Sư Tử” của vương quốc Chămpa từ khoảng thế kỉ thứ sáu đến thế kỉ thứ bảy. Sinhapura là kinh đô của tiểu quốc Avamarati, một trong năm tiểu quốc của vương quốc Chămpa ở Trà Kiệu, trên bờ nam thượng nguồn sông Thu Bồn, dùng cửa Đại Chiêm ở phố Hội An làm thủy lộ chính. Đến khi các đời chúa Nguyễn vào Nam mở mang đất nước tới tận Hà Tiên thì Hội An trở thành cửa ngõ chính để mở rộng giao thương với các nước Á, Âu. Nhân dân trong nước dù đi đường thủy hay đường bộ đều đổ dồn về Hội An cho nên ở đây không thiếu món gì.Quán Cao Lầu, bạch y công chúa chuốc thảm bại
Sông Thu Bồn, Trương Văn Hiến đối cảnh đề thơ
*
Hội An nằm trên bờ bắc sông Thu Bồn, dùng cửa biển Đại Chiêm thông ra biển Đông. Phía nam sông Thu Bồn có đầm Trà Nhiêu sâu và rộng được dùng làm bến cảng để thuyền buôn khắp nơi vào đây buôn bán, trao đổi hàng hóa. Thuyền buôn tấp nập, tàu ghe đi lại như mắc cửi.
Vào những ngày đầu mở cửa ở thế kỷ 17, người Nhật Bản đã có mối giao thương mạnh mẽ với Đàng Trong ở phố Hội An. Dọc theo đường phố chính trên bờ bắc sông Thu Bồn, họ đã xây dựng một khu phố Nhật Bản với hàng trăm thương hiệu. Họ góp công xây dựng đường sá và bắc những chiếc cầu hai tầng qua các rạch nhỏ trong khu vực với lối kiến trúc đặc thù của Nhật. Những cư dân Việt gọi khu phố Nhật này là “Phố Cầu Nhật Bản”. Về sau, với chính sách bế quan tỏa cảng của Nhật dưới thời Mạc phủ Tokugawa, thêm vào đó là sự cấm đoán của các Chúa Nguyễn đối với những người Thiên Chúa giáo Nhật đã khiến cho khu phố Nhật giảm dần sự phồn thịnh, nhường chỗ cho người Trung Hoa, đặc biệt là những người Minh Hương bị đàn áp bởi Thanh triều.
Người Trung Hoa giỏi buôn bán lại có tính tương trợ người đồng hương cao nên Hội An ngày nay có bốn dãy phố chính dọc theo bờ sông thì đại đa số chủ hiệu ở đấy là người Hoa, sau mới đến người Việt. Người Hoa qui tụ với nhau lập thành bốn khu phố Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu và Hải Nam nhưng phồn thịnh nhất là phố Phúc Kiến. Các thương thuyền Âu châu trước tiên là Bồ Đào Nha, sau đó là Hà Lan bắt đầu vào đây buôn bán và mở cửa hàng từ những năm cuối đời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1614). Đến cuối đời Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần thì có thêm người Anh Cát Lợi và người Pháp Lang Sa vào buôn bán ở đây.
Với sự phát triển đó, Hội An không chỉ là nơi tập trung những mặt hàng nội địa để bán cho nước ngoài mà còn là nơi thu mua hàng hoá nước ngoài rồi phân phối đi khắp nước. Bên cạnh sự giao lưu thương mại, Hội An còn là nơi giao lưu giữa các nền văn hóa như Âu châu, Trung Đông, Ấn Độ, Á châu... và bản địa. Sự trộn lẫn giữa các sắc da cùng sự giao thoa các nền văn hóa vì còn khá mới mẻ nên bộ mặt của Hội An có rất nhiều sự khác biệt trong sinh hoạt tinh thần. Và trong quá trình trộn lẫn đó không khỏi nảy sinh những xung đột về quyền lợi, có khi dẫn đến tinh thần tự ái dân tộc phải dùng đến vũ lực, đổ máu, chết chóc. Chưa kể đất lành chim đậu, chim hiền về đậu ắt cú quạ cũng tụ tập theo. Thương khách nhiều thì đạo tặc cũng lắm. Tất cả những sự lộn xộn trên đã khiến chính quyền phủ Chúa phải điên đầu nhức óc trong việc giữ gìn trật tự trị an cho khu phố cảng.
Khi ba người vào đến Hội An, Hồng Liệt tìm một tên ăn mày và nhờ hắn đi gọi ba tên ăn mày hôm trước đến quán Cao Lầu gặp chàng. Quán khá đông, đủ loại thực khách, tiếng nói chuyện râm ran khắp phòng. Khi họ bước lên lầu thì tiếng nói chuyện bỗng ngưng bặt, mọi con mắt đều đổ dồn về phía Bạch Mai. Sau đó có tiếng bàn tán xầm xì. Hồng Liệt liếc sang Bạch Mai nói nhỏ:
- Họ đang khen sư tỷ đấy.
Bạch Mai hai má ửng đỏ nguýt chàng một cái. Họ ngồi vào chiếc bàn trong góc cạnh cầu thang. Hồng Liệt hỏi:
- Sư tỷ ăn cao lầu nhé? Lại một món đặc sản của quê hương đệ nữa đấy.
Bạch Mai mỉm cười:
- Tất nhiên rồi! Không biết khi hai anh vào trong ấy thì tôi phải đãi món gì cho xứng đáng đây nhỉ?
Lúc đó, tên ăn mày hôm trước ở dinh Quảng Nam cùng hai tên khác có lẽ là người ở đây đã bước lên lầu. Hồng Liệt liền gọi chúng đến ngồi vào bàn rồi gọi cao lầu cho bọn chúng. Chàng hỏi:
- Tin tức thế nào?
Tên lớn nhất trong bọn nói:
- Theo lời của những anh em ở đây thì ba tên này đã xuất hiện ở cửa hiệu Diệp Sanh Ký trong phố Phúc Kiến nhưng bảy hôm trước đã rời Hội An về Phúc Kiến trên một chuyến tàu buôn rồi.
Hồng Liệt nói:
- Các em giỏi lắm! Có gì lạ ở đây trong thời gian qua không?
Tên ăn mày ở Hội An đáp:
- Dạ không. À, mà có đấy. Có một chiếc thuyền thật đẹp, thật sang trọng chở một nàng công chúa cũng hết sức xinh đẹp vừa cập bến hôm kia.
Hồng Liệt mỉm cười hỏi:
- Chú mày đang kể chuyện thần thoại đó à?
Tên nọ khẳng định:
- Bọn em nói thật đấy! Thuyền còn đậu ở ngoài bến, anh cả không tin thì ra coi.
- Tin. Nhưng thế thì có gì là lạ?
- Dạ có chứ! Nàng công chúa ấy tuy xinh đẹp nhưng rất kiêu kỳ. Lại còn bọn cận vệ nữa, hách dịch chẳng kém gì bọn túc vệ quân của Quốc Chúa. Hôm kia, khi họ rời thuyền và đi ngựa từ bến cảng sang phố Phúc Kiến, lúc ngang qua cầu Nhật Bản, bọn em bu lại xem thì đã bị bọn cận vệ tóm cổ quăng xuống sông. Chúng còn mắng bọn em là đám ăn mày dơ dáy này nọ, hãy cút xéo ngay đừng làm bẩn mắt công chúa của bọn chúng.
Bạch Mai hỏi:
- Hống hách thế à?
Tên thứ hai trong bọn nói:
- Dạ, bọn em tức lắm. Lúc ấy có một tên thủy thủ người Anh đứng gần đó thấy vậy liền xông ra nói xí xa xí xố gì đó rồi ra tay đánh tên cận vệ. Không may hắn bị tên cận vệ đó đấm cho một quyền, máu mồm máu mũi hộc ra lai láng. Hai bên xông vào đánh nhau túi bụi thì có hai kiếm sĩ người Nhật trong một cửa hiệu Nhật Bản gần đó thấy vậy đã nhảy vào góp phần đánh bọn cận vệ. Thế là một trận đánh kinh hồn xảy ra. Tên thủy thủ người Anh đánh không lại bọn cận vệ bèn rút súng hỏa điêu ngắn ra bắn một tên cận vệ khiến hắn ngã xuống tại chỗ. Khi lực lượng phòng thủ khu phố kéo đến dàn xếp thì tên thủy thủ người Anh đã bị đâm một nhát rất sâu vào bụng, còn hai người Nhật, một bị chặt đứt một tay trái, một bị đâm lòi ruột. Riêng bọn cận vệ có ba tên bị thương rất nặng, tên bị bắn không biết có sống nổi không.
Hồng Liệt hỏi:
- Rồi sao nữa?
Tên ăn mày kể tiếp:
- Chỉ thấy nàng công chúa ấy ngồi trên mình ngựa xem trận đánh mà nét mặt tỉnh bơ và lạnh như tiền. Lúc mọi chuyện đã được dàn xếp xong, nàng mắng bọn thuộc hạ vô dụng khiến mấy tên cận vệ còn lại sợ hãi cúi đầu xin công chúa thứ tội mãi. Rồi bọn họ kéo nhau về khách sạn Tuyền Châu gần hội quán Phúc Kiến ở đằng kia.
Hắn nói xong đưa tay chỉ về hướng cuối phố. Hồng Liệt gật gù:
- Như thế càng hay! Sự xung đột của bọn Nhật và bọn Tàu lại càng sâu sắc hơn. Sẽ còn nhiều chuyện vui nữa trong thời gian tới.
- Anh cả muốn có chuyện vui thì chờ ngày mai là có ngay rồi.
Văn Hiến hỏi:
- Ngày mai có gì mà vui?
- Mai là lễ hội Long Chu. Cả phố Hội An sẽ rất nhộn nhịp.
Bạch Mai hỏi:
- Long Chu là lễ hội gì?
Hồng Liệt đáp:
- Long Chu là lễ hội tống khứ ôn thần, dịch bệnh của người dân xứ Quảng, đặc biệt là người dân ở Hội An này. Long Chu là thuyền rồng được làm bằng tre, lợp giấy màu có chở hình nộm âm binh thiên tướng trên đó. Hàng năm cứ đến rằm tháng giêng (thượng nguyên) và rằm tháng bảy (trung nguyên) thì người dân ở đây làm thuyền rồng và rước đi khắp nơi để bà con trong vùng gởi những thứ họ tin là của ôn thần, dịch bệnh lên thuyền. Sau đó, họ cùng nhau rước ra sông đốt rồi thả trôi ra biển. Làm như thế họ tin là đã tống khứ các loại ôn dịch ra khỏi nhà và khu phố họ đang sống.
Tên ăn mày chen vào:
- Bọn em nghĩ ngày mai thế nào cũng sẽ có đánh nhau giữa người Hoa và người Nhật nữa cho mà xem.
Văn Hiến hỏi:
- Em chỉ đoán thôi hay là đã có thông tin gì về vụ đánh nhau ngày mai?
Hắn đáp:
- Dạ, sau trận đánh hôm ở cầu Nhật Bản, bọn em nghe ngóng thêm thì biết được cả hai bên đều có ý muốn trả thù. Em tin là ngày mai, trong lúc mọi người rước Long Chu quanh phố thể nào cũng có chuyện lớn xảy ra.
- Giữa bọn người của công chúa đó và Diệp Sanh Ký có liên quan gì nhau không?
- Dạ chắc là có. Bọn em thấy ông chủ Diệp Sanh Ký hôm đó có ghé sang khách sạn Tuyền Châu và chiều hôm qua đám vệ sĩ lại hộ tống nàng công chúa sang cửa hiệu Diệp Sanh Ký.
Bạch Mai nói:
- Thế lực bọn Diệp Sanh Ký ở Giản Phố Châu rất lớn. Chúng còn có ý định giết chết dần các thương hiệu khác để độc chiếm thị trường. Chúng tôi gặp không ít khó khăn với chúng.
Hồng Liệt chen vào:
- Thế à? Đã đến mức xung đột bằng võ lực chưa?
Bạch Mai mím môi:
- Đại ca và một số thương hiệu khác biết họ mạnh vốn, mạnh người cho nên chủ trương hòa hoãn và có ý nhờ đến chính quyền ở Trấn Biên can thiệp khi cần, bởi vậy giữa chúng tôi vẫn chưa xảy ra xung đột vũ lực.
Văn Hiến hỏi:
- Kim Cương Môn là của họ à?
- Vâng. Đó lực lượng nồng cốt của Diệp Sanh Ký. Họ có nhiều cao thủ lắm.
- Cường Oai hầu Nguyễn Phúc Oai cai trị vùng Trấn Biên thế nào?
- Cường Oai hầu nhân từ quá nên trong việc cai trị có chút lỏng lẻo. Cũng vì thế mà bọn Diệp Sanh Ký và Kim Cương Môn mới lộng hành đến như thế.
Văn Hiến chợt quay sang nói với Hồng Liệt:
- Không chừng nàng công chúa này có liên quan đến tên Lý đại vương gì đó cũng nên. Có thể họ là thủ lĩnh của Diệp Sanh Ký và Kim Cương Môn.
- Ta nghĩ như vậy.
Văn Hiến hỏi mấy tên ăn mày:
- Bọn em có biết chiếc thuyền chở nàng công chúa đến từ đâu không?
- Dạ, hình như từ ở Phúc Kiến bên Tàu qua. Nghe nói họ chỉ dừng chân ở đây vài hôm để công chúa nghỉ mệt rồi đi tiếp vào Gia Định.
Lúc ấy, nhà hàng đã đem thức ăn và một bình Mai Quế Lộ ra. Hồng Liệt nói:
- Các em giỏi lắm! Nào ăn đi, sư tỷ ăn thử món cao lầu này xem hương vị thế nào.
Chàng đưa tay rót rượu cho mọi người. Bọn ăn mày đói lắm nhưng vì ngồi trong nhà hàng, trước mặt vị sư tỷ đẹp như tiên của anh cả nên bọn chúng cố ăn từ từ cho phải phép. Bạch Mai ăn thử hai miếng rồi nói:
- Ngon thật! Trông thì giống mì tàu, mì quảng nhưng hương vị lại khác xa. Thú vị thật!
Bọn ăn mày ăn xong liền đứng lên chào mọi người:
- Anh cả có dặn dò gì bọn em nữa không?
Hồng Liệt nói:
- Anh sẽ đi xa một thời gian, ở nhà lưu ý bọn Diệp Sanh Ký cho anh. Thôi các em đi đi, khi nào cần anh lại liên lạc.
Cả ba dạ ran rồi bước lại chỗ cầu thang định xuống lầu nhưng chợt giật mình lùi lại vì dưới cầu thang lúc ấy đang có hai tên người Hoa mặc đồ vệ sĩ bước lên. Đó là hai tên mà bọn chúng đã nhìn thấy hôm trước. Một tên áo đen bước về phía quầy, miệng la lớn:
- Chủ quán đâu, mau dọn ngay một bàn lớn ngay cửa sổ cho ta! Trải khăn trắng lên tất cả bàn ghế. Nhanh lên!
Tên còn lại vừa nhìn thấy mấy tên ăn mày liền quát lên, giọng tức giận:
- Lại gặp bọn bẩn thỉu các ngươi ở đây nữa à? Các ngươi muốn tự nhảy xuống lầu hay đợi ta ném xuống?
Tên ăn mày lớn tuổi nhất thấy có anh cả mình ở đây nên yên tâm hỏi lại:
- Tại sao ta phải nhảy xuống lầu? Quán này đâu có đề bảng cấm ăn mày lên ăn? Cầu thang này cũng đâu có treo biển cấm ăn mày đi xuống?
Tên vệ sĩ nghe hỏi nổi nóng liền đưa tay toan tát vào mặt tên ăn mày hỗn láo. Nhưng tay hắn vừa vung ra nửa chừng thì từ trong góc phòng một chiếc đũa tre bay nhanh đến điểm đúng ngay huyệt khúc trì nơi khuỷu tay của hắn. Cánh tay hắn đang đà đi rất mạnh mà phải đột ngột dừng lại rồi buông thõng xuống, đồng thời chiếc đũa tre cũng rơi theo. Ba tên ăn mày vội chạy ra sau lưng Văn Hiến đứng. Tên vệ sĩ bị đánh lén kinh ngạc đưa mắt nhìn về phía chiếc bàn trong góc phòng. Ở đó có hai người thanh niên và một thiếu nữ đẹp như hoa đang ngồi thản nhiên nói chuyện. Cánh tay phải của hắn sau phút tê điếng đã hoạt động bình thường trở lại vì lực đạo phóng ra chỉ vừa đủ để cản cú tát của hắn mà thôi. Hắn không hiểu rằng đó là việc hết sức khó làm mà lại nghĩ rằng người đánh lén mình chỉ là một kẻ tấm thường. Hắn bước đến gần chiếc bàn hất hàm hỏi:
- Trong bọn ngươi, ai đã đánh lén ta?
Văn Hiến ngồi mé ngoài, nghe hỏi ngẩng mặt lên:
- Đây là quán ăn, ai có tiền thì lên ăn. Anh bạn lấy quyền gì mà đuổi mấy người ăn mày này? Lại còn bắt chúng nhảy qua cửa sổ, không cho đi xuống bằng cầu thang. Anh bạn có thấy là mình quá đáng lắm không?
Tên vệ sĩ hất mặt về phía cầu thang:
- Công chúa của ta sắp đi lên, để bọn ăn mày dơ dáy này đi xuống sẽ làm hôi thối cầu thang và bẩn mắt người. Đó là lý do bọn chúng phải nhảy qua cửa sổ cút xéo, ngươi rõ chưa?
Văn Hiến cười lớn:
- Ngay cả đại công chúa Ngọc Huyên của Võ vương khi đi vào dân gian cũng chưa bao giờ giở giọng phách lối đến như vậy. Công chúa của anh bạn là ai mà có hành động coi thường thiên hạ đến thế?
Tên vệ sĩ định lên tiếng trả lời thì ngay lúc đó, nơi cầu thang xuất hiện một tên công tử ăn mặc sang trọng và sặc sỡ bước lên. Tuổi của hắn chừng hăm hai, hăm ba, khuôn mặt trắng trẻo trông rất bảnh trai tuy có phần gian xảo và thâm hiểm. Hắn bước lên lầu xong vội nghiêng mình ôm quyền đứng nép sang một bên. Lát sau đã thấy một cô gái chừng hai mươi tuổi, xinh đẹp tuyệt trần, y phục trên người toàn một màu trắng tinh khiết. Trên đầu nàng, mái tóc đen như nhung được bới cao và cài bởi ba chiếc trâm vàng có khảm những viên ngọc bích lấp lánh càng làm tăng thêm vẻ quí phái và kiêu kỳ. Nàng xuất hiện mang theo một mùi hương thoang thoảng tỏa ra khắp gian lầu. Tất cả thực khách đang yên lặng theo dõi câu chuyện giữa chàng thư sinh và tên vệ sĩ bỗng ồ lên kinh ngạc trước sắc đẹp của bạch y nữ tử. Nàng quả thật là trang tuyệt sắc giai nhân! Nét đẹp vừa lộng lẫy kiêu kỳ, vừa quyến rũ lại vừa lạnh lùng. Nếu đem nàng so sánh với những bức danh họa “Ngũ Đại Mỹ Nhân” của Đại Việt thì thật chẳng thua kém chút nào, nhiều khi lại có phần hơn.
Thực khách trên lầu sau tiếng ồ kinh ngạc thì bỗng im phăng phắc, không ai dám thở mạnh vì sợ kinh động đến nàng. Trong thâm tâm họ đều cho rằng bọn vệ sĩ không cho ba tên ăn mày kia xuất hiện chung quanh nàng cũng có cái lý lẽ của nó. Cái lý lẽ của sự tôn sùng vẻ đẹp, một vẻ đẹp tuyệt bích của tạo hóa đã ban tặng riêng cho một mỹ nhân. Họ kín đáo liếc nhìn cả hai cô gái áo trắng như để so sánh xem trong hai nàng, ai đẹp hơn ai.
Chàng thanh niên ăn mặc bảnh bao sau khi đón cô gái xinh đẹp bước lên lầu thì vội khúm núm mời nàng đến chiếc bàn đã được phủ khăn trắng tinh. Hắn ta đưa tay sửa lại chiếc khăn trắng phủ trên ghế rồi đứng sang một bên.
- Mời công chúa!
Thái độ chiều chuộng và phục tùng của hắn trông thật lố bịch. Nàng công chúa vẫn giữ nét lạnh lùng, lặng lẽ ngồi xuống, mắt vô tình hướng về phía góc phòng nơi chiếc bàn của bọn Văn Hiến. Hai tên vệ sĩ đi theo sau nàng cùng tên đã hét chủ quầy dọn bàn đứng ngay ngắn phía sau ghế của nàng như ba pho tượng. Tên vệ sĩ đang tranh luận với Văn Hiến đứng yên tại chỗ cúi đầu đón công chúa. Khi hắn thấy công chúa ngồi hướng mặt về phía mình thì hoảng sợ vô cùng, hắn vội vàng nhìn ba tên ăn mày nói nhanh, giọng giận giữ:
- Bọn chúng bay có xéo ngay lập tức hay không?
Vừa nói, hắn vừa chồm người tới giơ tay phải định tóm cổ tên ăn mày gần nhất. Văn Hiến đang cầm chiếc đũa trong tay trái liền đưa lên, động tác hết sức thong thả nhưng đầu đũa lại nhắm đúng ngay vào huyệt lao cung giữa lòng bàn tay tên vệ sĩ. Hắn giật mình vội xoay bàn tay, biến cú chụp thành cương đao chặt chéo vào cổ tay Văn Hiến. Chàng xoay ngoặt cổ tay nửa vòng, đầu đũa trên tay lại nhắm đúng vào huyệt nội quan nơi cổ tay tên vệ sĩ. Chàng cố tình trêu chọc tên này cho bõ ghét nên không điểm trúng vào tay địch thủ mà chỉ xoay đầu đũa chờ sẵn để bàn tay hắn đánh tới. Nếu hắn không dừng tay hoặc biến thế thì ngay lập tức sẽ bị điểm trúng huyệt đạo trên tay. Tên vệ sĩ lại một phen giật mình, hắn vội vàng hạ cánh tay xuống một tấc, bàn tay vẫn giữ thế cương đao xỉa thật nhanh vào mặt của Văn Hiến, đồng thời tay trái chặt mạnh vào huyệt thái dương bên phải của chàng. Đòn đánh của hắn ở cả hai tay đều rất nhanh và ác độc, trong một cự ly gần như thế, mọi người đều nghĩ chắc là chàng thư sinh mảnh khảnh này không thế nào tránh né được, trừ phi chàng ta phải ngã ngửa người ra phía sau.
Nhưng còn nhanh hơn cả ý nghĩ của mọi người, Văn Hiến vẫn ngồi yên, xoay tay thật lẹ. Mọi người không nhận ra chàng đã xuất chiêu thế nào mà cả hai tay của tên vệ sĩ đang đà đánh bỗng nhiên dừng lại rồi rơi xuống tự do. Thì ra Văn Hiến thấy tên vệ sĩ xuất đòn thâm độc nên đã nhanh chóng dùng đầu đũa điểm vào hai huyệt ngũ lý ở khuỷu tay của hắn. Tất cả những diễn biến đó đều không thoát khỏi ánh mắt lạnh lùng của nàng bạch y công chúa nhưng chỉ thấy nàng khẽ cau mày mà không nói gì. Tên công tử bảnh bao nhận ra cái cau mày của nàng vội đứng thẳng người lên, bước tới chỗ tên vệ sĩ và đưa tay tát cho hắn một cú như trời giáng, giọng hách dịch:
- Tránh ra! Ngươi định bêu xấu công chúa lần nữa hả?
Thái độ lúc nãy trước mặt nàng công chúa khúm núm bao nhiêu thì bây giờ với tên vệ sĩ, gã công tử trở nên hách dịch bấy nhiêu. Tên vệ sĩ bị cú tát tuôn máu mồm, hắn ôm má:
- Dạ, công tử.
Rồi hắn lui ra sau cúi đầu đứng im, vẻ sợ hãi hiện rõ trên nét mặt. Gã công tử nhìn Văn Hiến hất hàm:
- Ngươi là ai mà dám ra tay đánh người của công chúa?
Văn Hiến nhìn hắn mỉm cười:
- Ta có đánh hắn đâu. Là tự hắn đưa tay vào đầu đũa của ta đấy chứ.
Hắn trừng mắt:
- Ngươi lại dám đùa bỡn cả với bổn công tử ư?
Chưa dứt câu nói thì bàn tay phải của hắn đã biến cương trảo vươn ra như móng chim ưng chộp vào vai Văn Hiến. Nhìn thấy bàn tay địch thủ, Văn Hiến nhận ra ngay hắn đang sử dụng “Ưng Trảo công”, một môn võ rất hiểm độc của võ thuật Trung Hoa nên chàng không dám xem thường. Chiếc đũa đang cầm trên tay trái của Văn Hiến nhanh chóng điểm vào lòng bàn tay địch thủ. Gã công tử đã đoán trước được ý định đó nên thủ trảo của hắn chưa đến nơi thì cổ tay đã xoay ngang, năm ngón tay như vuốt chim ưng chụp nhanh vào bàn tay cầm đũa của Văn Hiến. Văn Hiến vội hạ cánh tay xuống, đưa đầu đũa đâm xéo lên mu bàn tay của địch. Gã công tử cũng hạ nhanh tay xuống, xoay ngược ưng trảo chụp vào cổ tay đối phương. Động tác của hắn tuy nhanh nhưng đầu đũa trên tay của Văn Hiến còn nhanh hơn một bậc. Bất kể ưng trảo của địch thủ xoay chuyển thế nào thì đầu đũa của chàng cũng tìm đúng hai huyệt nội quan và ngoại quan nơi cổ tay của địch mà điểm vào.
Gã công tử ngay từ đầu đã muốn ra đòn độc hạ nhanh địch thủ để lấy điểm với công chúa nhưng qua hơn mười chiêu mà hắn vẫn chưa đụng được đến sợi lông tay của địch thủ. Điều đó khiến hắn vừa thẹn vừa giận. Hắn thét lên một tiếng rồi cả hai tay xuất chiêu cùng một lúc, mười ngón tay như mười vuốt chim ưng chộp lia lịa vào khắp các bộ vị thượng bàn của địch thủ. Tay phải Văn Hiến cũng bốc nhanh chiếc đũa khác rồi dùng hai đầu đũa trên hai tay điểm vào cổ tay đối phương. Hai người một đứng một ngồi, kẻ chộp người điểm hơn bốn mươi chiêu liên tiếp mà chưa phân thắng bại. Thực khách lúc này nín thở theo dõi trận đấu nên cả gian lầu im phăng phắc, chỉ còn nghe tiếng gió vù vù phát ra từ những cú chộp của gã công tử. Mặt hắn lúc đầu đỏ lên vì giận, sau một lúc giao đấu đã từ từ chuyển sang màu tím biểu hiện sự tức tối đến cực độ. Trong khi Văn Hiến vẫn bình thản, hai tay nhẹ nhàng nhưng mau lẹ và chính xác, ngăn chặn các thế công của địch thủ.
Bỗng gã công tử hét to một tiếng, hai tay chộp nhanh vào hông Văn Hiến đồng thời chân tung ra một cú đá thật mạnh vào chiếc ghế chàng đang ngồi. Văn Hiến liền nhún mũi bàn chân một cái, chiếc ghế đã lui nhanh ra sau một khoảng vừa đủ thoát khỏi cú đá của gã công tử. Gã gầm lên tiếng thứ hai, chân bước sấn tới, tay phải rút thanh đoản kiếm đeo ngang hông ra đâm nhanh vào ngực Văn Hiến còn ưng trảo nơi tay trái thì chộp vào mặt chàng cố ý hạ sát đối phương cho bằng được. Văn Hiến không ngờ gã công tử lại ra sát chiêu cố giết mình, chàng ngửa người về phía sau thật nhanh nhưng vẫn bị mũi kiếm sượt qua cứa một đường dài trên ngực áo. Trong tư thế nằm ngửa đó, tay chàng từ bên dưới xỉa thẳng vào cổ tay cầm kiếm và thuận đà dùng chân phải đá thốc lên hạ bàn của đối phương. Cú đá ở cự ly rất gần, chàng tin chắc gã công tử thể nào cũng trúng đòn. Nhưng hắn không phải tay vừa, trong lúc nguy cấp, hắn vội rút nhanh tay về, cùng lúc co chân trái lên đưa đầu gối ra chịu cú đá của Văn Hiến rồi mượn đà tung mình về phía sau. Trúng cú đá đó, đầu gối trái của hắn đã chấn thương nên khi đáp xuống hắn phải đứng bằng chân phải. Hắn càng thêm tức giận vì thẹn nên chân vừa chạm đất tay đã phóng vút thanh đoản kiếm vào bụng Văn Hiến. Chàng giật mình vội né người ra khỏi ghế và tránh được mũi kiếm trong đường tơ kẽ tóc. Phập một tiếng, thanh kiếm cắm sâu đến lút cán vào mặt ghế trong tiếng ồ kinh hoàng của thực khách. Văn Hiến trong khi né mình thoát khỏi mũi kiếm, tay phóng thật nhanh chiếc đũa về phía địch. Gã công tử sau khi phóng vội thanh đoản kiếm đi, hắn vẫn chưa kịp định thần thì chỉ nghe tiếng vút, chiếc đũa đã bay đến điểm trúng ngay vào huyệt đản trung giữa ngực của hắn khiến nội lực bị tản mác, cả thân người hắn run lên. Văn Hiến bật nhanh người dậy bước đến tát vào mặt hắn hai cú như trời giáng. Chàng gằn giọng:
- Ta với ngươi không thù không oán sao ngươi lại cố ý giết ta? Ngươi ác tâm quá lớn, lại coi mạng người như cỏ rác. Nếu để ngươi sống chắc sẽ còn giết hại nhiều người vô tội, nhưng ta niệm đức hiếu sinh tha cho ngươi một mạng.
Nói đến đây tay chàng nhẹ nhàng phất vào huyệt phân kinh của hắn, đẩy theo một luồng nhu lực. Gã công tử thấy toàn thân như có một luồng hơi nóng từ đan điền tỏa lên ngực rồi tản mác ra khắp châu thân, cả người rũ rượi không còn một chút khí lực nào. Văn Hiến nhìn hắn nói:
- Ta phế võ công của ngươi để từ nay ngươi không còn có thể giết người vô tội nữa, và nhờ vậy mà ngươi sẽ sống lâu hơn.
Nói xong, chàng quay lưng bước về chỗ ngồi. Thân hình gã công tử run lên bần bật, hắn hét to một tiếng như thú dữ bị thương sắp chết, mắt trợn trừng đến rách cả mí, máu chảy thành dòng xuống hai má, cả người hắn từ từ sụm xuống. Tên vệ sĩ đứng gần đó vội chạy lại đỡ hắn rồi dìu lại gần chiếc bàn của nàng bạch y công chúa. Ba tên vệ sĩ đứng sau lưng nàng đồng loạt rút kiếm định xông ra tấn công Văn Hiến. Bỗng nàng công chúa đưa bàn tay như ngọc ra và quát nhỏ:
- Đũa!
Ba tên cận vệ vội chạy đến các bàn khác vơ lấy các hộc đũa mang lại cung kính để trước mặt nàng rồi lui ra. Trong khi đó mọi người lại nghe nàng quát lên lần nữa, giọng lạnh băng hướng về phía Văn Hiến đang trở gót về bàn của mình:
- Quay lại!
Văn Hiến nghe tiếng quát liền dừng bước, từ từ quay lại. Bạch y công chúa nét mặt vẫn lạnh như tiền, chỉ thấy tay phải của nàng vung ra, hai chiếc đũa lao vút về phía Văn Hiến rồi chia ra một trên một dưới nhắm thẳng vào mặt và bụng của chàng. Thủ pháp của nàng tuy rất nhẹ nhàng nhưng hai chiếc đũa khi lao đi lại nhanh như hai mũi tên bắn, tạo ra thanh âm gió rít nghe đến lạnh người. Khoảng cách giữa hai người tuy khá xa nhưng lực đi của hai chiếc đũa lại nhanh cấp kỳ, chỉ vèo một phát đã đến nơi. Văn Hiến đưa cả hai tay một trên, một dưới nhẹ nhàng bắt gọn hai chiếc đũa. Chàng vừa bắt xong hai chiếc đũa đầu tiên thì hai chiếc kế tiếp đã xé gió lướt đến. Chàng chuyển hai cánh tay, dùng hai đầu chiếc đũa vừa bắt điểm thật chính xác vào đầu hai chiếc đũa đang bay tới.
Với lực bay nhanh như thế, lẽ ra khi bị điểm trúng thì hai chiếc đũa đang bay tới phải bật ngược lại hoặc lệch sang bên nhưng đằng này chúng lại nhẹ nhàng rơi xuống đất. Thì ra chúng đã bị một lực âm nhu mà chàng truyền vào đầu đũa đang cầm trên tay mình để hóa giải lực bay tới khiến chúng đụng vào như chạm phải miếng vải mềm và rơi ngay xuống đất. Bàn tay nàng công chúa lại không ngớt vung lên, những chiếc đũa liên tiếp xé gió lao về khắp các bộ vị trên người Văn Hiến. Thủ pháp phóng ám khí của nàng thật tinh kỳ, cùng một cú phóng mà những chiếc đũa lại bay đi nhiều hướng khác nhau. Tiếc rằng hôm nay nàng gặp phải Văn Hiến, một danh gia về môn phóng ám khí cho nên dù nàng phóng cách nào, phóng bao nhiêu đi nữa thì những chiếc đũa cũng đều bị chàng điểm trúng và rơi xuống. Trong khi ba tên vệ sĩ liên tục đi đến các bàn thu gom đũa đem lại cho nàng công chúa thì Đinh Hồng Liệt mỉm cười lên tiếng:
- Tên đồ gàn, hôm nay ngươi gặp đối thủ rồi đấy!
Văn Hiến hai tay điểm những chiếc đũa đang bay tới còn miệng thì ung dung cười đáp:
- Đúng vậy! Ta thật thấy hứng thú với trò chơi này.
Bạch y công chúa phóng hơn ba mươi chiếc đũa mà không trúng đích được chiếc nào, lại thấy đối phương cười nói tự nhiên như không thì trong lòng vừa kinh ngạc vừa tức giận. Hai má nàng đã ửng đỏ, có lẽ phần vì giận, phần vì dùng nhiều sức. Nàng đổi thủ pháp, dùng cả hai tay phóng một lúc đến sáu chiếc đũa nhắm vào cả thượng bàn, hạ vị của Văn Hiến. Hai tay Văn Hiến di động nhanh hơn trước nhưng bây giờ chàng không điểm rớt những chiếc đũa nữa mà lại hất chúng về phía sau nhắm vào hướng Đinh Hồng Liệt, miệng chàng la lớn:
- Tên trộm! Bắt lấy!
Đinh Hồng Liệt ngồi nơi bàn thản nhiên đưa hai tay chộp lia lịa những chiếc đũa do Văn Hiến hất lại, miệng cười ha hả:
- Hay lắm! Ngươi không bắt được hết thì cứ hất lại đây ta giữ cho để trả lại người ta. Người ta sắp hết đũa rồi kìa.
Nói xong, chàng một tay bắt đũa, một tay phóng nguyên nắm đũa đã bắt được sang cho ba tên hộ vệ đang đứng cạnh công chúa. Thủ pháp của chàng trông đẹp mắt vô cùng. Cả bó đũa bay tà tà về phía địch như chúng đã được cột chặt lại với nhau vậy. Một tên hộ vệ vội đưa tay ra bắt lấy rồi đặt trở lại trên bàn cho nàng công chúa. Thực khách trên lầu nãy giờ nín thở để xem thì đột nhiên tất cả cùng vỗ tay tán thưởng. Trong khoảnh khắc đó, mọi người đã quên mất rằng đây là một trận đấu sống chết. Có tiếng nói vang lên ở một góc phòng:
- Thật là một trận đấu cổ kim hiếm thấy! Cả ba người đều xứng đáng là danh thủ về môn ném ám khí, thiên hạ khó có người sánh kịp.
Bạch y công chúa sắc mặt đỏ bừng, trông nàng càng kiều diễm hơn, nhưng đúng là nét kiều diễm chết người. Nàng đột nhiên hốt cả nắm đũa trên bàn, dùng thế “Mãn Thiên Hoa Vũ” tung nguyên nắm đũa hơn ba mươi chiếc về phía Văn Hiến. Bó đũa bay ra khỏi tay nàng bỗng tách làm hai, một nửa tấn công Văn Hiến, nửa kia tấn công Đinh Hồng Liệt. Tuyệt hơn nữa là mỗi phần đũa sau khi tách ra làm hai lại chia thành nhiều hướng nhắm vào các bộ vị của cả hai người bay véo đến. Văn Hiến la lên:
- Tên trộm coi chừng! Ngươi chọc giận người ta rồi đó.
Miệng nói, hai tay chàng xoay nhanh thành những vòng tròn, dùng nhu lực đón những chiếc đũa rồi thu gọn chúng vào lòng bàn tay. Trong khi đó, Hồng Liệt sẵn số đũa vừa bắt được trong tay, chàng tung chúng về phía những chiếc đũa của bạch y công chúa đang phóng đến. Từng chiếc một đụng nhau tung bật lên cao rồi rơi xuống sàn. Số đũa còn lại chưa bị rơi mà tiếp tục phóng đến, chàng đưa hai tay bắt gọn. Văn Hiến rút ba chiếc đũa cầm nơi tay phải rồi la lớn:
- Trả lại cho cô nương ba chiếc đây!
Xong chàng vung mạnh tay một cái, ba chiếc đũa rời khỏi tay bay vút về phía bạch y công chúa. Ba chiếc đũa bay ra cùng lúc với một tốc độ kinh người nhưng khi đến gần nàng công chúa, chúng đột ngột tách ra, hai chiếc hướng vào hai bàn tay nàng còn chiếc thứ ba bay vồng lên trên nhắm đúng vào cạnh ba chiếc trâm trên đầu nàng mà ghim vào đó như chính tay nàng đã cài lên vậy. Bạch y công chúa vì phải chú ý đến hai chiếc đũa đang bay rất nhanh đến hai tay mình, khoảng cách quá ngắn nên nàng ngưng thần đón bắt chúng mà đành để chiếc thứ ba ghim lên mái tóc mình.
Nàng ngồi sững sờ, nét mặt từ đỏ bừng chuyển sang trắng bệch. Cả gian lầu đột ngột vang lên một tiếng ồ thật lớn rồi xôn xao bàn tán.
- Tuyệt kỹ! Diệu thủ thần châm! Diệu thủ thư sinh!
Bạch y công chúa vừa giận vừa thẹn, nàng đứng lên quát:
- Về!
Cùng lúc ấy nàng đưa tay rút chiếc đũa trên đầu ném xuống sàn rồi lạnh lùng bước đến cầu thang để xuống dưới lầu. Đi ngang qua chỗ Văn Hiến, nàng đứng lại nhìn chàng và nói bằng một giọng lạnh băng:
- Giỏi lắm! Nhưng ngươi phải lo giữ cái mạng của mình đi!
Nàng bước xuống lầu. Bốn tên vệ sĩ vội vàng bước theo sau, một tên vác gã công tử áo hoa sặc sỡ trên vai. Bọn chúng không quên đưa tám con mắt tóe lửa nhìn Văn Hiến và Hồng Liệt. Ánh nhìn chứa đựng bao sự thù hận như muốn phanh thây hai người ra muôn ngàn mảnh ngay lập tức. Đợi bọn chúng đi khỏi, mọi người trong quán mới thở phào nhẹ nhõm. Tiếng xì xào bàn tán về trận đánh vừa rồi vang lên khắp nơi. Chủ quán người Việt vội chạy lại bàn của bọn Văn Hiến, giọng run run:
- Hiệp sĩ gây nên họa lớn rồi. Người mà hiệp sĩ vừa đánh đó là đại công tử của hãng Diệp Sanh Ký ở đây. Thế lực của bọn chúng rất lớn, từ lâu chúng coi Hội An này như đất riêng của chúng, hoành hành tác oai mà chẳng ai dám động đến. Tên công tử đó lại càng giống như một hung thần. Hắn về Trung Quốc theo thầy học võ từ lúc mười ba tuổi, hắn mới trở lại Hội An hai năm nay mà đã có không biết bao nhiêu người bị hắn giết chết. Hà! Hiệp sĩ ra tay như thế thì thật là phúc cho cư dân ở đây nhưng tôi e rằng từ nay hiệp sĩ sẽ gặp nguy hiểm vô cùng.
Văn Hiến mỉm cười:
- Cảm ơn chú chủ quán. Nếu đó là phúc cho cư dân ở đây thì tôi có bị nguy hiểm một chút cũng chẳng sao.
Nói xong, chàng ra dấu cho Hồng Liệt và Bạch Mai rồi móc tiền định thanh toán. Chủ quán vội xua tay:
- Không cần đâu. Ba vị hãy rời khỏi Hội An ngay bây giờ để tránh phiền phức cho ba vị mà cho cả chúng tôi nữa.
Văn Hiến quay sang đưa tiền cho ba tên ăn mày:
- Các em phải lập tức rời khỏi Hội An ngay. Bảo tất cả anh em trong nhóm cũng phải rời khỏi nơi đây một thời gian để tránh bị chúng trả thù.
Xong cả bọn thong thả bước xuống lầu. Có tiếng nói khẽ phía sau:
- Trông chàng ta mảnh khảnh như thư sinh thế mà võ nghệ thật siêu quần. Hà, chớ nên coi mặt mà bắt hình dong. Thật là một trận đánh hi hữu và ngoạn mục khiến cho tôi mở rộng tầm mắt. Thôi, chúng ta cũng nên rời khỏi nơi đây ngay để tránh phiền phức.
Thực khách nghe người nọ nói, tất cả đều lần lượt rời khỏi quán. Ra đến đường phố ba tên ăn mày vội chạy biến vào trong các ngõ hẻm. Nhóm Văn Hiến đến nơi cột ngựa, tung người lên tuấn mã của mình rồi ra roi chạy về phía ngược lại với hướng cửa hiệu Diệp Sanh Ký. Mai là lễ hội Long Chu nên giờ này đường phố ở Hội An người qua lại tấp nập. Ba người phải khó khăn lắm mới ra khỏi khu phố, họ đồng thanh hét lớn “đi” và ba con ngựa hí vang rồi lao vút. Văn Hiến nói lớn trong gió:
- Chúng ta nên rời khỏi Hội An để tránh phiền phức cho cư dân ở đây như lời ông chủ quán. Ha ha... Chuyến này vào Giản Phố Châu chắc sẽ còn nhiều chuyện vui hơn nữa đấy.
Giọng của Bạch Mai có chút lo lắng:
- Vui thì có vui nhưng chết người như chơi đó, anh đừng xem thường.
Hồng Liệt cười lớn:
- Sư tỷ đừng lo. Tên đồ gàn biết xem tướng. Hắn nói tướng của hắn phải sống hơn bảy mươi tuổi nên hắn không chịu chết non đâu.
Ba con thiên lý mã phóng như bay trên đường quan lộ rời Hội An theo hướng tây để trở lại bến Thu Bồn. Vầng trăng mười bốn nhô lên từ từ trên nền trời xam xám phía đông. Cả ba xuống chuyến đò cuối cùng qua sông lớn. Con đò vắng tanh chỉ có ba người bọn họ và ba con ngựa. Đò ra giữa dòng sông, Bạch Mai nhìn ánh trăng lung linh phản chiếu trên sóng nước buộc miệng khen:
- Trăng đẹp quá!
Hồng Liệt nói nhỏ:
- Trăng đẹp thật! Đồ gàn, ngươi trổ tài xuất khẩu thành thơ tặng sư tỷ một bài đi.
Bạch Mai vỗ tay reo lên:
- Đúng đó! Tôi cũng muốn biết tài “thất bộ đề thi” (bảy bước làm thơ) của anh xem có hơn Tào Thực và Vương Bột ngày xưa không.
Văn Hiến cười:
- Tên trộm này có ý làm khó tôi mà thôi. Tôi làm gì có tài xuất khẩu hay “thất bộ đề thi”. Bạch tiểu thư đừng tin lời hắn.
Bạch Mai chu đôi môi xinh xắn lên lắc đầu:
- Tin! Tôi tin lời nói của Đinh huynh. Anh đừng tìm cách thoái thác nữa. Thôi, cho anh thời gian từ đây đến khi con đò cập bến. Như vậy là dễ dàng cho anh rồi đó.
Văn Hiến vò đầu:
- Tên ăn trộm chết tiệt kia, ngươi không làm khó ta chắc là ăn cơm không ngon phải không?
Tuy nói thế nhưng mắt chàng đã hướng về vầng trăng tròn treo lơ lửng trên trên cao. Bóng trăng lồng trong dòng nước lấp lánh trên sông Thu Bồn đã phản chiếu lên khuôn mặt sáng ngời của Bạch Mai, trông nàng xinh đẹp tuyệt trần. Sau một chốc im lặng xuất thần, chàng cất tiếng ngâm nga:
Kim dạ thanh thiên mãn nguyệt luân
Thu Bồn giang thượng hữu giai nhân
Tu hoa bế nguyệt mai khôi diện
Nhất tiếu ngư trầm thủy thượng vân
Huyền mấn như ti thanh ngọc khánh
Tư phong yểu điệu hàm đan tâm
Thập niên vĩnh phụ vô phương diện
Vạn lý đơn thân hiếu nữ tầm.
Dịch nghĩa:
Đêm nay một vầng trăng đầy treo trên nền trời trong
Trên sông Thu Bồn có một người đẹp
Mặt như ngọc sáng khiến hoa nhường nguyệt thẹn
Nàng cười khiến cho cá phải lặn, mặt nước gợn lăn tăn
Tóc đen mượt như tơ, tiếng trong như khánh vàng
Phong thái yểu điệu ẩn chứa một trái tim son
Mười năm cách biệt cha không thể gặp
Một mình vượt ngàn dặm hiếu nữ tìm cha.
Tiếng ngâm vừa dứt, Bạch Mai đứng lặng người với nỗi lòng nao nao khó tả. Nàng chưa bao giờ có được cảm giác vừa sung sướng, vừa hạnh phúc lại vừa kiêu hãnh như thế trong đời. Thâm tâm nàng hết sức cảm mến và kính phục chàng thư sinh mảnh khảnh nhưng rất mực tài hoa mới quen này. Hồng Liệt khi nghe xong bài thơ liền vỗ tay khen:
- Tuyệt! Cái gì mà “Tu hoa bế nguyệt mai khôi diện, nhất tiếu ngư trầm thủy thượng vân”. Hay quá! Ha ha... Như vậy là Bạch Mai sư tỷ đáng được liệt vào “Đại Việt – Lục Đại Mỹ Nhân” rồi. Nhưng ta thích nhất hai câu “Tư phong yểu điệu hàm đan tâm” và “Vạn lý đơn thân hiếu nữ tầm”. Hai câu này mới nói lên được một cách trọn vẹn con người của sư tỷ. Đệ xin chúc mừng sư tỷ được tặng một bài thơ miêu tả thật chính xác về mình. Ta cũng có lời khen tặng tên đồ gàn ngươi. E rằng tài của ngươi còn hơn cả Tào Thực và Vương Bột năm xưa.
Văn Hiến mỉm cười:
- Ngươi đừng quá khen. Ta chỉ là mượn chữ của cổ nhân ghép lại mà thôi chứ chẳng có tài cán gì đâu.
Hồng Liệt phản đối:
- Ngôn ngữ là của chung thiên hạ chứ nào phải của riêng ai. Những ai biết sắp xếp sao cho ngôn từ đạt ý, đạt lý đều là những kẻ có tài. Hơn nữa, ngươi đối cảnh sinh tình mà nghĩ ra chứ cổ nhân nào đã biết sư tỷ đẹp ra sao mà đề ra được bài thơ tuyệt tác như thế.
Văn Hiến chắp tay vái:
- Thôi được ta thua ngươi. Nhưng điều quan trọng là vì ở đây có cảnh đẹp mà người cũng đẹp nên ta mới có thể đối cảnh mà sinh ra được lắm tình như thế chứ. Ngươi có đồng ý không?
Hồng Liệt cười lớn:
- Đồng ý, nhất định là đồng ý rồi!
Bạch Mai bây giờ mới bước ra khỏi cơn mơ hạnh phúc, nàng nghe hai người tán qua tán lại vẻ đẹp của mình trong lòng vui lắm nhưng làm bộ phụng phịu:
- Thôi cho tôi xin đi! Hai người đừng kẻ tung người hứng để tìm cách nhạo người ta nữa. Cái gì là “bế nguyệt trầm ngư” lại còn “Đại Việt – Lục Đại Mỹ Nhân” nữa chứ. Chỉ là những sáo ngữ hão huyền. Mà này, họ là những ai vậy?
Hồng Liệt cười nói:
- Một là nàng công chúa Mỵ Châu con vua An Dương Vương, người con gái Việt có một tâm hồn hết sức trong sáng và một trái tim yêu rất mực chung tình. Hai là Nguyên phi Ỷ Lan, người thôn nữ làng Siêu Loại, đẹp nết, đẹp người lại đa tài, đã giúp vua Lý Thánh Tông trị quốc bình thiên hạ trong gần nửa thế kỷ. Ba là An Tư công chúa con vua Trần Thái Tông, người đã hy sinh đời công chúa cành vàng lá ngọc của mình để gả cho Thoát Hoan, khiến cho tên tướng nhà Nguyên này mê mẩn, giúp nhà Trần chiến thắng quân Mông Cổ. Bốn là Huyền Trân công chúa, cháu của công chúa An Tư, người được xem là đệ nhất mỹ nhân với nét đẹp cao quí và thanh khiết như đóa sen trắng, đã khiến cho vua Chiêm Chế Mân chỉ nghe tiếng thôi đã đem dâng hai châu Ô, Rí làm sính lễ cầu hôn. Năm là công nữ Ngọc Vạn, con của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, người đã sánh duyên cùng vua Chân Lạp Chay Chetta II. Vùng đất trù phú miền Nam ngày nay thuộc về chúng ta cũng là nhờ bước đi mở cõi này của nàng. Nay thêm sư tỷ nữa là sáu người. Là “Đại Việt – Lục Đại Mỹ Nhân” đó.
Bạch Mai làm bộ dỗi, nàng nguýt Hồng Liệt:
- Anh chỉ giỏi bịa ra để chọc người ta thôi. Làm gì có “Đại Việt – Lục Đại Mỹ Nhân”? Trương huynh, anh nói đi, chuyện bịa cả phải không?
Văn Hiến mỉm cười nhưng giọng nói hết sức nghiêm nghị:
- Là thật đấy! Những người mà tên trộm vừa kể đều là những tuyệt đại mỹ nhân của Đại Việt. Họ không những rất đẹp mà sự đóng góp và hi sinh của họ đối với dân tộc ta cũng lớn lao vô cùng.
Hồng Liệt làm mặt nghiêm chỉnh, giọng tỉnh khô như thật:
- Thấy chưa! Tỷ giờ là đệ lục mỹ nhân rồi. Về nhân phẩm thì đồ gàn đã tặng cho bốn chữ “đan tâm, hiếu nữ”, như thế cũng tạm đủ. Nhưng mà sau này tỷ chịu sang lấy vua Cao Miên để đổi lấy thêm đất hai châu của Miên quốc nữa thì càng tuyệt hơn.
Bạch Mai đưa tay đấm vào ngực Hồng Liệt hai cú thật mạnh:
- Anh ác vừa chứ! Tôi trả cái danh hiệu đệ lục, đệ thất mỹ nhân gì gì lại cho anh đó. Tôi nhất định không chịu sang Cao Miên làm hoàng hậu đâu.
Hồng Liệt giả bộ ôm ngực la bai bải:
- Trời ơi chết tôi rồi! Yểu điệu thục nữ gì mà đấm mạnh đến bể phổi người ta rồi.
Bộ tịch của chàng khiến cả ba người đều phá lên cười. Cùng lúc đó, con đò đã cập bến. Họ rời đò lên bờ rồi tiếp tục phi ngựa đi dưới trăng. Hồng Liệt nói:
- Đêm nay chúng ta nghỉ tại nhà trạm Long Phúc[1] nhé?
Văn Hiến đồng ý:
- Tốt đấy! Để cho Bạch tiểu thư nghỉ ngơi nữa.
Bạch Mai nói:
- Trương huynh bỏ hai tiếng “tiểu thư” cho em nhờ có được không? Sao mà nghe khách sáo và xa lạ quá, em không thích chút nào.
Văn Hiến vội vàng chữa:
- Xin lỗi, tôi quen miệng rồi. Thôi được, từ giờ gọi là Bạch muội nhé?
Bạch Mai gật đầu:
- Như thế có phải thân mật hơn không. Cả Đinh huynh nữa, bỏ cái tiếng “sư tỷ” đi. Em cho anh làm sư huynh đó. Người ta nhỏ tuổi hơn nhiều mà bắt làm chị để vòi vĩnh hả?
Thấy nàng vui vẻ và tự nhiên như thế, Hồng Liệt nhìn sang Văn Hiến gật đầu làm dấu rồi cả hai đồng thanh gọi:
- Bạch muội!
Bạch Mai cười khúc khích:
- Có em đây, hai vị đại ca muốn sai xử việc chi?
Cả ba lại phá lên cười. Gió mát trăng thanh, ba con ngựa phóng nhanh, lòng người lại vui nên hành trình dường như thu ngắn lại. Đầu giờ hợi thì ba người đã đến trạm Long Phúc. Họ vào quán ăn tối. Trong khi ăn, Văn Hiến hỏi:
- Bạch muội lúc trước từ Gia Định ra đây bằng phương tiện gì?
- Em theo thuyền buôn của nhà họ Cao ở đầm Hải Hạc ra Quy Nhơn, sau đó lại theo thuyền của họ ra Phú Xuân. Khi đến Phú Xuân, em mới biết ngài Hình bộ thượng thư vừa đi kinh lý Phù Ly nên vội vã trở vào tìm. Họ Cao ở Quy Nhơn là khách hàng quen thuộc của Thần Quyền Môn.
- Khi nào thì họ khởi hành vào lại?
- Cuối tháng này thuyền của họ sẽ chở hàng vào Đại Phố Châu. Họ có mời muội ngày hai mươi sáu này vào dự lễ thôi nôi của tiểu thư Cao Đại Hồng nhà họ. Có lẽ chúng ta nên có mặt ở Quy Nhơn trước ngày đó.
Hồng Liệt mỉm cười hỏi:
- Nghe nói họ Cao ở đầm Hải Hạc là tay giàu có lớn. Không biết tên trộm như ta vào nhà họ có sợ không?
Bạch Mai đáp:
- Có em bảo lãnh thì họ còn sợ gì nữa.
*****
[1] Năm Minh Mạng thứ ba đổi tên trạm lại là Nam Phúc.