(Chương 1. Tiếp theo)
Chưa đứa nào kịp trả lời Yến Vi thì tiếng hắng giọng lạnh lùng vang lên.
- Mấy cô kia không nghe thấy trống hả?
Ms Hạnh đứng trên bục giảng từ lúc nào, bộ vest màu vàng chanh chói mắt với búi tóc cao hoàn hảo sau gáy đang nhìn xuống thiếu kiên nhẫn. Nếu đám Cẩm Hà lề mề thêm vài giây thì chắc hẳn không chỉ có tên trong sổ ghi bài và một bản kiểm điểm cuối tuần.
"Một bà cô ngoài 30 chưa chồng đầy nhạy cảm và hách dịch!"
- Lấy giấy kiểm tra. Không mở sách. Không trao đổi. - Ms Hạnh gõ thước 'cộp' ra hiệu bắt đầu.
"Thời gian gần đây Uyển Nghi có xích mích hay mâu thuẫn với ai không?"
"Không có."
"Có ai được Uyển Nghi đặc biệt nhắc đến không?"
"Bạn ấy thích một đàn anh khoá trên..."
Không đâu, đàn anh kia chỉ là cơn mưa rào chóng tạnh như những mối tình nửa kín nửa công khai của Uyển Nghi, so với người
"hách dịch" kia thì chẳng đáng gì.
"Nếu bà ấy đem theo mới vest loè loẹt cùng cái cằm vừa ngắn vừa tù kinh dị kia tham gia người mẫu Việt Nam biết đâu đoạt giải an ủi cho phiên bản hai của Lê Thuý."
"Bà không soi gương trước khi đi làm thì phải, cằm đã nhô còn thích búi tóc, cứ như quỷ dạ xoa đội mồ."
Uyển Nghi luôn mỉa mai như thế vì nó ghét cay ghét đắng Ms Hạnh. Nếu được cho phép, nó sẽ câng câng mặt lên trả treo với
"bà ta" và bỏ ra ngoài ngay trước khi vào tiết tiếng Anh. Nhưng buồn nỗi. Nghi phản đối bạo lực, tính cách dịu dàng của nó không thích những hành động nóng nảy và quá xúc động. Và rằng có rất nhiều ánh mắt nhìn vào nó, con gái của một uỷ viên, lớp phó học tập 11A6.
Một nỗ lực cuối cùng của Uyển Nghi trước khi mất tích là tờ đơn kiến nghị chuyển giáo viên bộ môn nhưng hình như chả ai chú ý đến hoặc người ta cố tình lờ đi nên tờ đơn bị thất lạc ở phương trời nào đó. Nó tức gần như nổi điên.
Rồi không ít đứa bị tác động bởi thái độ đè nén, hậm hực của nó. Thỉnh thoảng vài câu bàn tán bới móc rộ lên cực kì khó nghe.
"Bà này chẳng coi học sinh ra gì cả, nhìn kiểu châm chọc lộ liễu ấy mà đòi học sinh phải tôn trọng mình?"
"Nghe nói năm kia bà ta suýt được lấy chồng, nhưng gần đến ngày tổ chức thì nhà chú rể phát hiện ra chuyện xấu của bà ta nên huỷ hôn ngay."
"Phát hiện ra chuyện gì?"
"Bà ấy o ép học sinh làm đứa đó uống thuốc ngủ tự tử."
...
Chẳng qua Ms Hạnh luôn tóm trúng những đứa vào ngay lúc chúng nó quên bài, hỏi khó vài câu khiến chúng xấu hổ và "quẫn" rồi mới nhắc nhở. Nhưng đã "quẫn" rồi, lời nhẹ nhàng cũng thành chỉ trích.
Cẩm Hà chống cằm nhìn lên khi cả lớp đều chúi đầu vào làm bài. Ms Hạnh nhìn nó, ý hỏi "Sao thế?" thì nó nở nụ cười ngây ngô. Ms Hạnh không hài lòng khẽ nhíu mày lại, ý nhắc nhở "Tập trung vào!" Nó vừa cười vừa lật tờ làm bài úp xuống, "Em đã làm xong rồi!" - kiểm tra 15 phút chỉ hỏi từ mới với một, hai mẫu câu cũ, rất dễ.
Thật kì quặc khi một bàn hai đứa lại có hai thái độ trái ngược với Ms Hạnh. Cẩm Hà vẫn nhớ ngày khai giảng ấy, lần đầu tiên vừa lúng túng vừa xấu hổ mặc áo dài ngồi dưới sân trường và nghe Ms Hạnh đọc diễn văn chào đón học sinh mới - Đó là người phụ nữ tự tin nhất và đẹp nhất nó được thấy. Áo vest ghi đậm đĩnh đạc chỉnh tề, búi tóc chẳng hề xấu xí với giọng nói thôi miên khiến nó tin tưởng và thôi sợ hãi những ngày sắp tới ở nơi xa lạ này. Hình ảnh đó không dễ bị mờ đi bởi câu nói của người khác, dù rằng từng ngày chúng được lặp đi lặp lại bên tai, dù rằng chỗ của người đó nay là chiếc ghế trống lạnh băng.
Ms Hạnh nhận ra điều đó, cô luôn dễ chịu với Cẩm Hà, tuy hiếm khi có lời khen ngợi giữa lớp và chẳng cần cãi cọ bênh vực, chứng tỏ đúng sai - sự quý mến lặng lẽ mà Ms Hạnh biết, nó biết, Nghi biết, cả lớp đều biết và chẳng ai phàn nàn gì. Bởi vẫn có những đứa thích học tiếng Anh hoặc thờ ơ với trò miệng lưỡi.
Và vì ngồi cùng bàn, nên Nghi dù ghét Ms Hạnh nhưng vẫn tôn trọng Cẩm Hà, một trong các yêu cầu của "bạn thân" phải không?
- Còn ba phút! - Ms Hạnh nhắc.
Cẩm Hà vuốt phẳng tờ làm bài của mình rồi chợt ngẩng đầu lên. Bàn thứ hai dãy trong cùng, Nhung đang nghiêng người xuống nhìn nó chằm chằm. Tóc mái dài chấm mắt với điệu bộ so vai quen thuộc khiến cái nhìn của con bạn này trở nên buồn bã, u ám. Cẩm Hà hỏi, miệng mấp máy từng chữ nhưng không có tiếng, "Có chuyện gì thế?"
Nhung lắc đầu, nhìn Cẩm Hà lần cuối rồi quay lên. Thật kì quặc, con bé này luôn thích tỏ ra như thế. Nếu Ms Hạnh xếp đầu danh sách "ghét" của Uyển Nghi thì chắc hẳn Nhung sẽ xếp thứ hai.
Nhung học làng tàng, người gầy gò, có tóc dài khô xơ và nỗi sợ hãi đến ám ảnh về cái chết cùng với tất cả những gì liên quan đến cái chết, như ma mãnh, búp bê, nguyền rủa... Nó thao thao bất tuyệt các câu chuyện creepy tìm được trên mạng, vừa nói vừa run. Rồi nó nghi ngờ trong trường có ma vì nghe đứa nào đó nói trường được xây trên bãi tha ma. Nó sợ phải về cuối cùng, sợ phải đóng cửa sổ và khoá cửa lớp một mình, nó sợ cả đi vệ sinh nữa, toàn tự mình hù mình. Ngạc nhiên là nó dám đi học thêm buổi tối. Chỉ có thế thì Cẩm Hà thấy bình thường, ví như thằng Phong mắc chứng sợ độ cao nên không dám mon men gần cửa sổ cũng như hành lang ngay trước phòng thí nghiệm Hoá ở tầng 5. Hoặc là cái Ngân, nó sợ thịt mỡ đến độ nhìn thấy là nôn. Nhưng Nhung lại mắc sai lầm lớn khi muốn người ta cùng sợ với mình. Cuối năm ngoái, Nhung nói với Nghi, có cái bóng đen đi theo sau mày - bóng một thằng bé con chừng năm tuổi mặc quần bò yếm luôn thì thào, "Quay lại đi, quay lại đi!"
Không biết Nhung thấy thật hay nó tin thế nhưng cũng đủ để nhận một cái tát vang trời ngay giữa lớp từ Nghi. Nghi hiếm khi nổi điên, trừ tờ đơn với Ms Hạnh, nó luôn nhẹ nhàng và có thừa kiên nhẫn, khéo léo với bất kì ai. Mà lần đó, Cẩm Hà thấy hai mắt Nghi muốn phun lửa và không e dè gì mắng Nhung là đồ đặt điều, hoang tưởng.
Chẳng ai chịu được một kẻ lẽo đẽo bám theo mình nhiều ngày liền rồi lảm nhảm những điều xúi quẩy. Cẩm Hà thở dài, ngẫm nghĩ. Nếu Nhung không nói linh tinh liệu Nghi có ghét nó nữa không. Chắc có. Nghi luôn nhăn trán mỗi khi cả đám tụ tập buôn chuyện vì có đứa
"lề mề, chậm chạp" tham gia với toàn chuyện
"vớ vẩn, thiếu chất xám". Chỉ cái Ngân hay bộp chộp, nóng tính mà tốt bụng mới ngồi được cạnh Nhung và quát "Im đi!" khi con bé luyên thiên quá đà.
Vậy mà dạo này, Nhung lại quấn Nghi, rủ Nghi đi vệ sinh và thậm thụt nói chuyện vài lần với nhau ngoài hành lang. Rồi khi cái Nghi mất tích thì nó quấn cái ghế của Nghi. Chỉ ngồi đó, nạy nạy góc da thừa ở đầu móng tay - u ám, kì dị kiểu truyện ma nó đọc, thỉnh thoảng lại run lên, nắm lấy tay Cẩm Hà ngay bên, nước mắt lưng lưng sợ hãi. Chắc nó lại tưởng tượng ra kịch bản kinh khủng nào đó mà Nghi là nhân vật chính để tự hù mình.
Cẩm Hà viết mẩu giấy nhỏ, ném lên bàn Yến Vi khi lớp trưởng đi thu bài, "Cái Nhung lại nhìn tao."
Yến Vi cười lắc đầu, ném lại mẩu khác, "Kệ nó, nhìn chán rồi thôi."
"Nhưng nó làm ảnh hưởng đến tâm trạng tao, phiền kinh."
"Mày khuyên nó đến bệnh viện đi, chập mạch không sửa sớm là hỏng cả đầu."
"Nói không được."
Hết buổi học, Cẩm Hà cũng không gọi Nhung về cùng, nhưng nó gặp Ms Hạnh khi xuống nhà để xe. Cô đứng ở chiếu trời tầng hai, mắt đăm đăm nhìn đâu đó. Mấy đứa Yến Vi chào vội rồi bỏ đi trước.
- Bài trên lớp hôm nay có khó hiểu lắm không em? - Cô cười hỏi Cẩm Hà.
- Dạ không.
- Ừ, có gì khó cứ hỏi cô nhé. À Nhung không về cùng các em à?
- Nó có anh đến đón rồi cô. Mà cô đang đợi ai ạ?
- Không, cô không đợi ai cả. Thôi em về trước đi.
- Dạ, em chào cô.
Khi xuống đến lưng cầu thang, Cẩm Hà quay lại nhìn, Ms Hạnh vẫn đứng chỗ cũ và nhìn nó. Nhưng cô không cười mà mệt mỏi lẫn suy sụp. Nó run lên, bước nhanh hơn.
Sân trường ướt mưa lâm thâm, áo trắng học sinh thưa vắng chạy ngang qua. Mấy thằng con trai đá cầu trong lúc đợi nhà xe bớt đông, cặp ném thành chồng dưới gốc cây.
- Con cưng cô Hạnh có khác, được chào lại ha, mỗi bọn tao là không khí thôi. Sao nói gì với mày thế - Ngân khoác tay Cẩm Hà tò mò hỏi.
- Có gì đâu, hỏi xem cái Nhung đâu.
- Hỏi cái con hâm ấy làm gì? - Yến Vi bật cười.
Chợt Thục Minh rầu rĩ nói.
- Thỉnh thoảng tao thấy tội bà Hạnh ghê. Nhớ thằng Cường cãi với bà ấy hôm trước không, bà ấy ngồi khóc trong phòng y tế đấy.
- Tao không thích mấy đứa lớp mình thái độ thế, cái gì cũng có mức độ chứ mà nói không được, không nói thì khác gì tán đồng.
Cả bọn trầm hẳn xuống trong tiếng gió xào xạc lành lạnh. Vi ngẩng đầu nhìn trời thở dài.
- Ừ, quá đáng nhất là cái Nghi, nó là người ghét bà ấy nhất nhưng bà ấy lại chẳng đụng đến nó bao giờ. Bọn mày biết tổng kết môn Anh kì trước của nó là bao nhiêu không? 8,9 đấy.
Ngân không cho là thế.
- Đâu chỉ bà ấy, mấy thầy cô khác cũng đâu dám cho nó điểm thấp. Con ông cháu cha mà.
- Không phải đâu. - Vi ngừng lại, ráo rác ngó xung quanh rồi nói tiếp - Tao thấy bà ấy tát cái Nghi. Sau đợt thi giữa kì kì trước. Chiều đó tao quên áo dài trên lớp nên phải chạy lên lấy. Tao nhìn thấy bà ấy với cái Nghi đứng ở sân sau nói chuyện. Tao loáng thoáng nghe cái Nghi chửi bà ấy rồi bà ấy tát cái Nghi, mạnh lắm, đủ năm ngón trên mặt luôn.
- Tao chẳng tin - Cả bọn tròn xoe mắt ngạc nhiên, trừ Cẩm Hà.
- Thật, thề đấy!
- Vậy mà nó vẫn được 8,9. Khó hiểu quá!
Cẩm Hà cau mày khẽ giục.
- Thôi chúng mày lấy xe nhanh nhanh rồi về. Không đói hả?
- Rồi rồi đây! - Ngân cười hì hì, kéo tay Thục Minh chạy lên trên. Yến Vi vẫn ở phía sau, song song với Cẩm Hà, hỏi nhỏ.
- Mày nghĩ sao hả Hà?
- Mày có kể vụ đó với công an không?
- Không, tao thấy nó vô nghĩa. Bà ấy là giáo viên bọn mình, tao cũng không ghét bà ấy như cái Nghi.
Cẩm Hà gật đầu. Nói hay không nói như nhau cả. Người ta muốn thông tin liên quan, người liên quan nhưng một cô giáo bị ghét, một đứa con gái thích sợ ma thì làm thế nào khiến một người sờ sờ mất tích?