Truyện ngắn Hạnh.

Sâu

Gà BT
Nhóm Tác giả
☆☆☆
Tham gia
9/12/13
Bài viết
2.969
Gạo
11.380,0
Chị Hạnh là con út nhà bà Năm làng tôi. Chị đẹp nhất làng. Khác với những anh chị còn lại, vẻ đẹp của chị hình như không được thừa hưởng từ ông bà Năm. Cái đẹp không lẫn vào đâu và cũng không giống bất cứ cô gái nào ở làng. Chị có mái tóc đen dài, khuôn mặt thanh tú cùng làn da trắng mịn, ở cái làng quanh năm ruộng đồng mà chị lại trắng, hình như sau nắng là mưa đã gột sạch làn da chị

Thế nhưng, nhìn chị, người ta ấn tượng nhất là đôi mắt, nét đẹp dịu dàng, thanh mảnh của đôi mắt to, đuôi mắt dài, nét đẹp ẩn khuất và chìm đắm trong một thế giới khác, một thế giới mộng của những nỗi buồn khó gọi thành tên.

Người ta đồn chị không phải con ông Năm…

Tôi quý chị Hạnh, thích chạy qua nhà chơi cùng chị, để chị kể chuyện, đọc thơ cho tôi nghe. Truyện Kiều của Nguyễn Du chị thuộc làu và thích nhất, giọng đọc mênh mang đến khắc khoải, ám ảnh cả trí óc non nớt của tôi và cuộc đời chị.

Chị Hạnh hơn tôi chín tuổi, học rất giỏi, chị là cô gái đầu tiên ở làng tôi vào đại học. Chị đỗ đại học thủ khoa và nhận được học bổng ngành Biên kịch điện ảnh truyền hình, trường đại học sân khấu điện ảnh Hà Nội. Và chị đi học, lặng lẽ nhưng gây ồn ào cho cái làng nhỏ.

Khi bộ phim truyền hình do chị viết kịch bản được phát trên ti vi thì chị trở về. Hai mươi lăm tuổi, chị đẹp hơn xưa, cái đẹp mặn mà đến ám ảnh. Một lần nữa chị trở thành đề tài được bàn tán xôn xao, cái làng nhỏ này lại có chuyện để nói, cô gái đẹp nhất làng bị ế, bị con ma tình ở đầu làng quấn lấy nên không lấy chồng được.

Tôi nghe nội kể lúc sinh chị Hạnh, bà Năm sinh non chị ở cây chay đầu làng, sát bên nhà tôi, khi ấy bà vừa đi chợ về, và bà ngất ở đó cho đến khi nội tôi nghe tiếng trẻ nhỏ khóc mà chạy ra. Ở chỗ ấy, giờ vẫn còn ngôi miếu nhỏ người trong làng lập cho một người hoàn toàn xa lạ thắt cổ chết khi bà nội tôi còn con gái.

Tôi nghe mẹ kể chuyện trong bữa cơm tối mà cười lặng lẽ, chua xót, người dân làng tôi quanh năm đồng ruộng, rảnh rỗi thì họ dòm ngó, hóng hớt để tìm kiếm niềm vui cho chính bản thân sau những giờ vất vả với ruộng đồng. Chuyện trong nhà chưa rõ nhưng ngoài ngõ, dân làng như đã biết, đã thế con gái làng tôi lấy chồng phần lớn tuổi hai mươi. Đâu ai bịt được miệng thiên hạ…

Tôi ngồi bên chị hàng giờ chỉ để gặm nhấm những im lặng, nghe chị trút những tiếng thở đầy tâm sự mà chưa một lần cất lời oán trách. Chấp nhận. Đau thương.

Khi tôi nghĩ chị sẽ nghe lời mai mối, lấy chồng ở làng bên rồi yên ổn sống thì chị lại ra đi, lần này là chạy trốn khỏi cái làng khắc nghiệt đầy cổ hủ. Chị ra đi để cha mẹ yên lòng với làng xóm. Đêm trước khi đi, chị ra sông tắm như gột rửa mọi kí ức, để tắm lại lần cuối nơi ôm ấp nuôi dưỡng chị suốt hai mươi lăm năm qua, để hòa mình vào con sông một thời gắn bó.

Ánh trăng đổ dài trên người chị, vàng vọt màu thời gian, nhuộm màu nỗi buồn, trải dài trên tóc chị, soi bóng hàng mù u bên sông, hòa cùng tiếng gió như réo gọi, như khóc than. Nhìn chị lặng thinh bên con sông, tôi nghe tim mình nhói đau, tiếng gọi “chị” mắc nghẹn trong cuống họng, tôi bơ vơ, hơn hết là bất hạnh, tôi không có quyền khuyên nhủ hay níu kéo. Cuộc đời của chị thuộc về chính chị.

Đêm ấy, cả làng chỉ mình tôi nhìn thấy chị kéo va li băng qua cây cầu nhỏ, đi qua bóng cây chay đầu làng, ngoái lại nhìn làng với khuôn mặt đẫm nước. Chị khóc cho làng, cho cha mẹ, hay cho bản thân?

Chị đã không đủ mạnh mẽ để ở lại, chị chọn cách ra đi, có lẽ đó là cách giải thoát cho tất cả mọi người, lặng lẽ đến đáng sợ. Đôi khi chạy trốn cũng là một cách giải quyết cho những thứ liên quan đến tình cảm nếu biết chắc khi trốn sẽ không ai tìm ra…

Đêm sau đó, tôi nghe con cú đậu nhánh cây mù u chỗ chị đứng cất tiếng gọi như oán trách, như điềm báo cho một cái chết hay cho một số phận đau thương?

Chị ra đi để không thấy có lỗi với cái làng nhỏ, với con sông nhỏ ngăn giữa làng. Chị đi để giữ lại toàn bộ kí ức tốt đẹp cho những con người chân chất, vất vả, những cánh đồng xanh mướt, con trâu nhởn nhơ dưới hàng mù u hai bên bờ sông và cái nắng vàng rực rỡ đến rát buốc nhưng không đốt nỗi làn da chị. Chị đi, nhận phần tổn thương về mình, để ngăn không cho chính bản thân hét vào mặt những người trong làng để chị yên.

Và nó trở thành chuyện lớn, đến nỗi người đàn bà ít chuyện nhất làng là mẹ tôi đi chợ về phải thở dài với thầy tôi : “Tội ông bà Năm quá!”. Tôi không chỉ nghe câu thán này duy nhất từ mẹ tôi, đủ dạng, đủ kiểu nhưng tuyệt nhiên không một câu cho chị, có cũng là những lời nhiếc móc, trách than.

Bà Năm lầm lũi đến tội nghiệp, bà đi chợ để nghe người ta chỉ trích con gái bà, nhiều đến nỗi bỗng một ngày tôi thấy bà gom đống lá tươi sau nhà đốt, để khói bay khắp làng, rồi bà chửi, vừa chửi vừa đưa tay gạt nước mắt.

Có lẽ lòng người mẹ này đau khi con gái bà ra đi nhưng không đau bằng nó chạy trốn vẫn không thoát khỏi miệng lưỡi của thiên hạ sống trong ngôi làng phong kiến, khi những mầm rễ của tập quán cứ lặng lẽ ăn sâu vào tiềm thức và không gì có thể dứt bỏ. Định kiến do những người làng xây dựng mạnh đến nỗi đẩy một cô gái trẻ ra đi trong lặng lẽ, trong đớn đau. Họ không dễ dàng chấp nhận cái mới và chị đã để những lời phán xét đó vượt qua bản thân, bỏ lại gia đình.

Hai năm sau.

Khi tôi biết tin mình đỗ đại học thì chị về, không phải một mình, chị về cùng chồng và đứa con trai hai tháng tuổi. Khi chiếc xe ô tô đen bóng sang trọng lăn bánh vào làng, những người trong làng gần như bỏ việc chỉ để thỏa mãn bản tính tò mò, họ giật mình khi xe dừng trước nhà bà Năm và chị Hạnh bước xuống. Chị rạng rỡ trong hạnh phúc, thứ hạnh phúc mà lúc sinh chị bà Năm đặt tên là Hạnh, Hạnh của hạnh phúc.

Bà Năm sững người nhìn rể, cái nhìn thảng thốt, đau thương. Chị Hạnh ôm con cất giọng gọi “Mẹ ơi” ngọt ngào. Chàng rể nhìn vợ âu yếm, lễ phép xưng một tiếng “Mẹ”.

Bà Năm đổ sụp. Tôi đứng cạnh bà, nụ cười trên mặt tắt ngấm, vội vàng đưa tay đỡ. Dìu bà vào nhà, tôi cười khẽ chào hỏi một tiếng rồi trở về nhà mình.

Tôi nhập học. Sau một tuần xong mọi thủ tục, tôi trở về.

Nội tôi nhìn tôi thở dài rồi kể lại mọi chuyện.

Đời người chẳng bao giờ như mơ. Con rể bà Năm lại là anh trai cùng cha khác mẹ với chị Hạnh. Nội tôi kể chuyện nhẹ tênh nhưng day dứt.

Tôi chạy qua nhà bà Năm, băng qua cây cầu nhỏ nối liền con sông, trái tim nghẹn khuất. Chị Hạnh rời đi ba ngày, chồng chị cũng rời đi, ông Năm hấp hối, tiếng khóc trẻ con không còn vang lên nữa…

Cuộc sống cứ quay vòng bỗng chốc bị dừng đột ngột, như con tàu chệch ray, không ai đủ sức kiểm soát.

Tôi đứng như trời trồng nhìn đứa bé yên lặng cứng đờ trong nôi, tiếng khóc ai oán của bà Năm còn vang vọng từ nhà trên, vài con kiến nhỏ luồn từ sau lưng đứa bé bò ra phía trước đốt bàn tay nhỏ sưng vù. Mẹ đi. Con chết.

Hóa ra, cuộc đời này, Hạnh không chỉ là Hạnh Phúc mà còn là Bất Hạnh.

Đồng hồ vẫn quay.
 

Vì Em Là Nắng

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
8/12/13
Bài viết
909
Gạo
6.226,0
Re: Hạnh.
"Đôi khi chạy trốn cũng là một cách giải quyết cho những thứ liên quan đến tình cảm nếu biết chắc khi trốn sẽ không ai tìm ra…"
 

Ryan Nguyễn

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
15/1/14
Bài viết
683
Gạo
198,0
Re: Hạnh.
Em bị thích câu cuối cùng.
 

Sâu

Gà BT
Nhóm Tác giả
☆☆☆
Tham gia
9/12/13
Bài viết
2.969
Gạo
11.380,0
Re: Hạnh.
"Đôi khi chạy trốn cũng là một cách giải quyết cho những thứ liên quan đến tình cảm nếu biết chắc khi trốn sẽ không ai tìm ra…"
Em bị thích câu cuối cùng.
Bạn Sâu tự hào giới thiệu đây là truyện ngắn thứ 2 trong sự nghiệp cầm bút sáng tác và là truyện ngắn đầu tiên có một kết thúc buồn.
Cảm ơn mọi người đã thích. ^^
 

Thảo Little

-Incredible-
Nhóm Tác giả
Tham gia
4/4/14
Bài viết
1.571
Gạo
6.429,0
Re: Hạnh.
Đùa chứ đọc truyện này xót không tả được. Hạnh của bất hạnh... Cả đời chị ấy không có tí ti hạnh phúc nào, mà chỉ toàn đau thương... :(
 

Sâu

Gà BT
Nhóm Tác giả
☆☆☆
Tham gia
9/12/13
Bài viết
2.969
Gạo
11.380,0
Re: Hạnh.
Đùa chứ đọc truyện này xót không tả được. Hạnh của bất hạnh... Cả đời chị ấy không có tí ti hạnh phúc nào, mà chỉ toàn đau thương... :(
Ừ, xót thật đó em, lúc chị biết và chứng kiến toàn bộ câu chuyện này, chị bằng tuổi em bây giờ. :(
 
Bên trên