Chương 5: Về quê Trâu.
“Có công mài sắt
Có ngày nên kim
Kim mà chưa thấy
Sẽ chạm được tim”
Chuyến tàu Hà Nội - Hà Tĩnh khởi hành lúc 6h sáng thứ 6. Sau khi xin phép qua video call với mẹ về quê anh cùng nhóm bạn, mẹ tôi hạch hỏi cho có lệ rồi cũng đồng ý cho tôi về khai phá đồng quê, thưởng thức thiên nhiên để không bị ngố như gà gô (lí do tôi mè nheo). Trong tiếng va đập nhè nhẹ của tàu vào đường ray, tôi háo hức quay qua, quay lại nhìn những hàng cột chạy ngược theo chiều tàu chạy. Nắng sớm nhưng đã tỏa vàng lấp lánh trên khắp cánh đồng bên đường. Có những khi cả đàn chim sà xuống rồi lại đột ngột bay cả lên đậu thẳng hàng trên dây điện như những chiếc kẹp áo giữa dây phơi ngang trời. Toa tôi ngồi không đông lắm. Thậm chí tôi và anh còn ngồi đối diện, mỗi người chiếm hẳn một ghế đôi. Anh đang chúi đầu vào một quyển sách kinh tế dày cộp thì đột nhiên ngẩng lên nhìn vẻ mặt tôi một lúc rồi bảo:
- Em đổi chỗ ngồi cho anh đi.
- Ơ, sao ạ?
- Em đang ngồi ngược chiều tàu chạy, lại cứ quay lên quay xuống như thế sợ em say tàu ấy.
- Không sao đâu. Em thấy khỏe mà. Đi ô tô, máy bay em còn chả say nữa là đi tàu hỏa.
- Em đi tàu hỏa bao giờ chưa?
- Chưa, lần đầu tiên đấy.
30 phút sau…
- Sao em nhắm mắt thế? Buồn ngủ à?
- Hình như em hơi chóng mặt.
- Ừ, chắc tại ngồi ngược và chưa quen đi tàu. Em đổi chỗ cho anh.
- Nhưng ngồi một mình thấy lắc lư lắm.
- Thế...em sang đây, em có thể dựa đầu vào vai anh cho đỡ lắc lư.
- Thế sao anh không sang đây cho em dựa? Di chuyển cũng chóng mặt lắm.
- Em nhõng nhẽo phát khiếp.
- Thì thôi – tôi uể oải - em sang vậy...
Chưa dứt câu, đã có bóng người đứng dậy, che tia nắng xiên qua cửa kính tàu, nhẹ nhàng ngồi xuống bên tôi. Tôi mỉm cười trong lòng, ngả đầu vào vai anh, thấy tiếng rầm rập của thanh sắt đập vào thành tàu cũng trở nên dịu dàng hơn hẳn. Anh không có mùi thơm của bất cứ một loại nước hoa hay dầu tắm, dầu gội nào, chỉ có mùi như gỗ mộc thoang thoảng. Tôi đoán đó là mùi da thịt của anh. Anh thờ nhè nhẹ, tôi hít vào cũng nhè nhẹ. Mùi gỗ mộc giản dị có thể xua tan chứng say tàu xe của người khác giới mới lạ chứ. Cứ im lặng hít - thở như thế cả quãng đời, à quãng đường sau này thì bình yên thật, tôi bất giác mơ màng. Không biết thời gian trôi qua bao lâu, sợ anh nghe thấy tiếng trống ngực thùm thụp không che giấu được của mình, tôi kiếm chuyện:
- Em cứ tưởng ghế ngồi trên tàu phải bằng gỗ cứng, có những thanh sọc ngang cơ.
- Em tưởng tượng ở đâu ra?
- Xem phim đó. Hồi nhỏ xem trên tivi, thấy người ta đi về quê bằng tàu hỏa, ghế gỗ nâu thì cứng, xong ngồi chen chúc nhau. Có điều hòa, ghế mềm như thế này đâu.
- Em sang các toa bên cạnh thì sẽ thấy ghế cứng.
- Sao anh không mua vé ở mấy toa ấy?
- Em có chịu được đau lưng không, tiểu thư?
Tôi ngẩng đầu dậy, mắt liếc xéo anh:
- Sao anh cứ nghĩ em yếu ớt thế nhỉ?
- Thế ai đang chóng mặt chỉ vì đi tàu hỏa?
- Chóng mặt là do tiền đình, không liên quan đến ngồi ghế mềm hay ghế cứng.
- Thôi em nhắm mắt vào ngủ đi – Anh chúi đầu tiếp vào quyển sách.
Gần 8 tiếng trên tàu, cuối cùng, chúng tôi cũng về đến Hà Tĩnh, sau khi đã ăn tạm 4 cái ngô, 5 quả trứng luộc chấm muối tiêu, một chùm bánh gai và cam quýt mít dừa của những người bán hàng rong tranh thủ leo lên tàu giữa các trạm dừng. Tôi háo hức đánh chén sạch bách cùng anh, không giữ vẻ yểu điệu thục nữ nào, mặc dù mỗi lần giải lao giữa buổi học, anh biết chị Liên chiều chuộng phục vụ tôi khoản ăn uống ra sao. Xuống ga, anh gọi taxi đi tiếp về quê anh. Tôi đồ rằng có tôi nên anh mới xa xỉ như thế, chứ không thì có lẽ anh sẽ bắt xe khách chặng thứ hai để về nhà. Cũng nói thêm là tôi không dám tranh trả tiền với anh, chỉ vì một lần, tranh luận chuyện gì đó liên quan đến việc bình đẳng nam nữ thì cần bình đẳng cả về vấn đề campuchia tài chính thì anh cứng cỏi phản bác ngay. Anh bảo, là đàn ông, nếu đi cả một nhóm bạn nam nữ và giao hẹn cùng chia tiền trước, thì không sao. Chứ nếu đi với một phụ nữ mà để chị em trả tiền thì không ra thể thống gì!!! Đấy, anh cứ khốt ta bít với thời cuộc thế đấy.
Chính hè, trời Hà Nội đã nóng nhưng miền Trung thì oi ả hơn nhiều, chỉ thua thủ đô về độ ngột ngạt của xe cộ và hiệu ứng nhà kính. Bù lại, hai bên đường là đồng lúa mênh mông, màu xanh tít tắp như chạm cả được đến những dãy núi mờ xa. Chiếc taxi giở chứng vì mấy nay chạy điều hòa quá tải, anh tài xế phân bua, nên xe đi một đoạn thì điều hòa bắt đầu mất dần tác dụng. Anh phải quay cửa kính xuống để không khí bên trong bớt ngột ngạt. Mùi đất ngai ngái theo gió tạt hơi nóng vào mặt. May mà tôi có đeo đôi kính đen để giảm bớt sức nóng lên mắt và làm theo lời mẹ bôi kem chống nắng thường xuyên. Đột nhiên thấy anh lục lọi gì đó trong ba lô, rồi một làn sương bụi mát lạnh được xịt trước mặt tôi, xung quanh tôi. Tôi quay qua ngỡ ngàng:
- Anh mà cũng dùng xịt khoáng á?
Anh cau mày không trả lời. Tôi nhướng mày rồi toét miệng:
- Anh thú nhận đi: một là mua cho em dùng vì biết trời nóng thế này, hai là, đây chuẩn chỉnh là đồ của dưỡng da của anh.
Anh bật cười không trả lời, ấn chai xịt khoáng vào tay tôi rồi quay qua chỉ đường cho anh tài xế. Tôi mân mê chai xịt khoáng trong tay, đúng loại tôi vẫn mang ra dùng khi ngồi trong phòng học máy điều hòa vì sợ khô da. Cái con người này thật là…
- Đến ngã ba phía trước anh rẽ phải, rồi cho chúng tôi xuống đi bộ vào, đường đó nhỏ, xe không vào được.
Chúng tôi xuống xe, anh vác cái ba lô của anh và 2 cái túi xách của tôi. Trông anh gầy mà khỏe thật. Anh không hề nói đến việc, đường vào nhà anh lại nhấp nhô thế này để tôi chuẩn bị đôi giày thể thao cho phù hợp. Tuy không đến nỗi diện đôi giày cao gót điệu đà, nhưng đôi giày Chanel cao 5 cm của tôi cũng không phù hợp lắm với sỏi đá mấp mô thế này. Tôi liếc xéo nhìn anh, bụng bảo dạ ta đây biết thừa. Anh cố tình không nhắc, để tôi tự nhận thấy tôi không thuộc về nơi này chứ gì. Xác định tư tưởng như vậy xong, tôi không cúi mặt lò dò đi giữa trời nắng nữa. Kệ anh đi trước, tôi vừa đi vừa chọn chỗ nào có sỏi đá răm nhỏ hơn thì đặt chân xuống. Dĩ nhiên, tốc độ sẽ chậm lại. Tôi ngước nhìn, thấy anh đã bỏ cách mình một quãng. Tôi bặm môi cúi xuống hất đá to ra đi tiếp. Kệ. Chậm mà chắc!
Mò mẫm được một đoạn thì đột nhiên, có bóng người chắn ngay phía trước, bàn tay trái được nắm lại, không một lời cảnh báo. Anh đã chuyển hai túi xách của tôi sang một tay, còn bàn tay dư thừa thì đang kéo tôi đi mạnh mẽ. Tôi líu ríu bước theo, im lặng. Cảm giác lần đầu tiên nắm tay một người con trai thật khó tả, không giống với cái nắm tay của ba tôi một tẹo nào. Tay ba ấm, không có điện. Tay anh mát, khô cứng và những vết chai trong lòng bàn tay anh như những gai điện truyền cảm giác bị chích lâm râm vào tôi. Người ta nói, bàn tay ai mùa hè mát thì mùa đông ấm lắm. Không biết đến mùa đông, tôi còn có cơ hội nắm tay anh như thế này không? Tôi mỉm cười liếc nhìn anh, cho phép đầu óc lại lang thang đôi chút. Không sao, cơ hội là do mình tạo ra. Anh không nói, ánh mắt nhìn thẳng về phía trước, mồ hôi đã nhỏ ướt hết chân tóc mà lòng bàn tay anh lại khô ráo lạ thường. Lại cũng nghe nói, con trai mà có tình cảm với con gái, khi nắm tay sẽ đổ mồ hôi chứ không khô thế này đâu. Thôi kệ, thôi kệ, không nghĩ đến những thứ phản ứng vật lý, sinh hóa ấy nữa. Hãy cứ tận hưởng cảm giác lâng lâng này đã. Nắm bàn tay anh, giống như có một chỗ dựa để tôi bước bừa đi, không sợ đá, không sợ sỏi, không sợ gập ghềnh nữa.
Ngoặt qua ngoặt lại thêm vài đoạn ngõ nữa, chúng tôi đến một lối đi dễ thở hơn. Một bên là hàng rào có hoa vàng rực rỡ, một bên là cái ao nhỏ có những bông hoa súng màu hồng tía lập lờ trôi. Anh nhẹ nhàng buông tay tôi:
- Đến rồi!
Còn chưa kịp ngỡ ngàng trước cảnh trí thanh bình thì một cô bé lao ra từ trong nhà:
- Anh Quân về rồi u ơi!
Và theo sau là một người phụ nữ bé nhỏ, tất bật chạy cùng. Anh bước nhanh vào cổng, mỉm cười đón nhận vẻ tíu tít của hai người phụ nữ, gương mặt mềm mại đi hẳn. Rồi như nhận ra có người lạ, mẹ anh ngẩng lên nhìn tôi đang ngượng nghịu trước cổng:
- Ủa có khách hả con? Vào nhà đi cháu.
- Dạ, cháu chào bác.
- Đây là học trò của con. Cuối tuần này không có ai trông con bé nên ba mẹ em ấy nhờ con cho về theo để tiện chăm sóc.
(Con bé??? Không ai chăm sóc???) Tôi chưa kịp hết sửng sốt vì nhận thức anh cũng biết nói dối trắng trợn thì cô bé kia reo lên vui mừng:
- A, là chị học lớp 12 mà anh đang dạy phụ đạo đó hả. Chị vào đi kẻo nắng. Em là Bông, ý, là Lan, em gái anh Quân.
- Chào em, chị là An.
- Nhà em còn anh Mạnh nữa, nhưng anh ấy đang thi hết môn nên không về kịp.
- Chắc mai là anh về được đó Bông. Anh con vừa gọi điện cho mẹ rồi. Nóng không cháu? Vào nhà uống cốc trà xanh bác hãm cho mát nhé.
- Dạ, cháu cảm ơn bác.
Nhà anh tuy không phải lợp giấy dầu hay vách đất, nhưng đúng là một kiểu nhà đơn sơ. Nhà mái ngói, 3 gian, ngăn cách các gian bởi tấm rèm mành tre mà không có tường tạo thành phòng như thường thấy. Bông da nâu, mắt một mí đen láy, tóc ngang vai, được buộc lên bằng một dây thun nhỏ. Con bé hồn nhiên kéo tôi vào gian nhà bên phải:
- Chị nghỉ ở đây với mẹ và em nhé. Để anh Quân ngủ bên kia với anh Mạnh. Đồ của chị cứ để trên tủ này nhé, nhà chả có ai, không sợ mất đâu. Nhà vệ sinh mới xây lại, ở góc ngoài nhà chính, cạnh bếp chị nhé. Em dẫn chị ra rửa mặt cho mát, ở quê toàn dùng nước mưa thôi chị.
- Ừ, chị thấy bảo nước mưa mát lắm. Đúng lúc đang nóng.
- Vâng, để em lấy thau với khăn mặt cho chị.
Rồi tiếng dép loẹt quẹt của mẹ anh vang lên, bác cười nói:
- Trà xanh tươi hái vườn nhà đây, không sợ thuốc gì đâu, cháu uống đi cho mát.
- Cháu cảm ơn bác ạ.
- Con gái thành phố có khác, trắng trẻo xinh xắn quá. Về đây phải chịu nóng rồi.
- Trên kia cũng nóng lắm ạ. Vì xe cộ, người đông, chứ không thoáng đãng như nhà mình đâu bác. À bác ơi, ba mẹ cháu gửi quà để thắp hương cho bác trai ạ.
Tôi mở túi xách, lấy ra mấy hộp bánh, thuốc, trà, rượu mà chị Liên giúp việc chuẩn bị, cùng một phong bao màu đỏ được cất tận sâu bên trong gói quà. Chị Liên cũng vốn là người ở quê, rất coi trọng việc giỗ chạp cúng bái nên tối qua, chị đã dành cả buổi dặn dò tôi cách thức thắp hương người quá cố và chu đáo chuẩn bị đồ lễ cho tôi vào một túi xách để tôi chỉ việc xách đi là xong.
Bác gái cười hồn hậu, cảm ơn tôi và dắt tôi ra gian nhà giữa. Bác châm mấy nén hương, bày mấy hộp quà lên bàn thờ rồi đưa hương cho tôi. Tôi thành khẩn vái bố anh ba vái, bỏ qua bài khấn chị Liên dạy, thay bằng những lời lầm rầm cầu mong ông ở trên linh thiêng, đèn trời soi xét, ưng cái bụng tôi, cho tôi được đường hoàng bước chân vào nhà anh trong những lần sau.
Lễ xong, bác gái bảo tôi uống trà xanh cho mát. Không thấy anh đâu, chưa kịp hỏi thì lại được Bông lôi ngay ra vườn. Tới luống rau, Bông háo hức:
- Rau em trồng đó, cho chị chọn thích ăn rau gì thì chiều nay em nấu cho chị.
- Nhà mình nấu bằng bếp rơm à em?
- Cách đây hai năm thì thế, nhưng giờ thì có bếp ga rồi chị ơi. Đợt trước anh Quân về xây nhà vệ sinh, xây bếp cho u nấu đỡ vất vả. Nhưng u vẫn tiếc ga lắm, bảo hơn 300 ngàn một bình, gần bằng cả tạ thóc nên thi thoảng mới đun thôi. Có rơm, có củi thì em vẫn nấu. Cơm có cháy thành vầng ngon hơn nấu nồi cơm điện.
- Thế chiều nay Bông cho chị nấu thử nhé.
- Ớ, chị biết nấu không?
- Chị sẽ thử. Chị mà không biết thì Bông dạy chị.
- Hihi em tưởng nhà chị giàu lắm mà. Chị cũng thích nấu bếp rạ à?
- Chị chưa bao giờ nấu cả, nhưng mà chị muốn thử. Em bé thế này còn làm được, nữa là chị.
- Hì, em sắp vào lớp 10 rồi đấy, chỉ kém chị 2 tuổi.
- Ôi thế à? Chị tưởng Bông mới học cấp 2.
- Vâng, em còi từ bé mà. Hồi nhỏ anh Quân suốt ngày bắt cóc về làm ruốc cho em ăn để chóng lớn, cơ mà chả ăn thua. Em cứ còi thế.
- Ăn ruốc cóc á? Chị tưởng da cóc có độc, ăn sao được?
- Vâng, ngày xưa anh Quân chuyên làm ruốc cóc ấy. Anh ấy làm khéo lắm, lúc lột da làm thịt thì không để bị độc trên da cóc dính vào là ăn được mà chị. Sau mỗi cơn mưa, cóc nhảy ra rào rào béo mầm. Lúc bắt được nhiều cóc, anh ấy tranh thủ làm ruốc, em ăn không hết còn đem bán lấy tiền mua sách vở cho ba anh em nữa cơ.
- Nói xấu gì anh đấy? - Cuối cùng thì anh ở đâu cũng xuất hiện, đột ngột xen vào.
- Nói gì đâu, em kể anh hồi trước đi bắt cóc ngoài vườn này cho em ấy.
- Ừ, thế mà vẫn còi! Phí cả công anh.
- Phí đâu mà phí, em cao đến gần mang tai chị An đấy chứ.
- Thế mà cũng khoe. Vào xem u còn thiếu đồ gì không rồi anh đưa đi mua.
- Vâng ạ, chị An chọn rau đi nhé. Mấy loại cũng được, em sẽ đãi chị món lẩu rau.
- Ừ, chị sẽ chọn, nghe vừa ngon vừa mát.
Anh trìu mến nhìn theo con bé tung tăng chạy vào nhà, rồi hỏi tôi:
- Con bé nói nhiều có làm em nhức đầu không?
- Không, em không ai chăm sóc mà. Giờ có Bông chăm sóc cho con bé này, tốt quá còn gì?
Anh cười:
- Người quê hay cả nghĩ. Anh không muốn u với mọi người nghĩ lung tung.
- Nên anh lôi cái mác thầy trò là đảm bảo đúng không ạ?
- Nắng không? - Anh đổi đề tài ngay, cái con người này.
- Nắng nhưng mà thoáng.
- Hôm nay chưa nóng đỉnh điểm đấy, mấy hôm nữa gió Lào rát mặt, đất thì nứt ra. Chả mấy chốc em sẽ đen nhẻm như con bé Bông nhà anh.
- Kem chống nắng để làm gì ạ?
- Trời đất tiểu thư ơi, gái quê không biết đến kem chống nắng là gì đâu. Cùng lắm có cái nón, mặc bộ bảo hộ lao động thật dày ra đường để tránh nắng thôi.
- Em cũng làm được như thế. Mà đen cũng được chứ sao. Bông đen nhưng dễ thương lắm mà. Anh không thấy nước ngoài toàn phải đi phơi nắng để có được làn da như của Bông ấy à?
Anh không phản bác, lấy cái mũ lưỡi trai của mình chụp lên đầu tôi:
- Đội vào đi, anh không muốn mai em về Hà Nội lại thành vệt trắng vệt đen nham nhở.
- Mà anh vừa đi đâu đó, loáng cái đã không thấy anh đâu.
- Anh vừa xem lại mấy đường điện trong nhà cho u và Bông yên tâm. Sợ có dây nào hở thì nguy hiểm.
Tôi chỉnh chỉnh cái mũ trên đầu cho áp hẳn xuống, phần vì che nắng, phần vì muốn truyền cái mùi gỗ mộc đặc trưng của anh vương trên tóc. Anh cũng không nói gì nữa. Tôi nheo mắt nhìn ra hàng cây xanh mướt, có những khóm hoa li ti màu trắng trước nhà anh:
- Hoa gì mà đẹp thế anh?
- Hoa dâu da.
- Trên Hà Nội không có nhỉ?
- Vẫn có nhưng không nhiều như ở quê. Cây này vẫn được trồng ở đoạn đường 5 từ Hải Phòng vào Hà Nội hoặc khu ven ven đô thị thì khá nhiều. Khu nhà em thì đương nhiên không có, vì người ta sẽ quy hoạch cây theo chủ đầu tư thiết kế sinh thái ngay từ đầu. Không ai chọn dâu da cả, chỉ toàn xoài, sấu thôi, ngọc lan.
- Ừ nhỉ, như dãy nhà em toàn hoa ngọc lan. Hoa này có đậu quả không anh?
- Có chứ. Quả dâu da chua lắm, bọn trẻ con ở quê mới ăn thôi, chứ trên phố giờ chỉ lấy bóng mát, không ai ăn nữa.
- Thế ạ, hoa đẹp thế cơ mà. Bao giờ mới có quả hả anh để em ăn thử?
- Tầm 2-3 tháng nữa, hoa này đậu thành quả, xanh thì khó ăn lắm, chín thì còn đỡ. Quả đậu thành chùm, màu vàng, đỏ cam cũng vui mắt.
- Thế khi nào ra quả, anh mang cho em 1 chùm ăn thử nhé.
- Tiểu thư ăn được không?
- Anh đừng có một câu tiểu thư, hai câu tiểu thư nữa nhé. Nhà em neo người, em cũng phải tự làm mọi việc hết đấy. - Tôi nóng mặt.
- Vâng, thưa tiểu thư!
***
Bữa cơm chiều đậm chất quê mà tôi ao ước đã được dọn ra. Tôi cũng góp tí công đun bếp đấy. Cá rán từ dưới ao, gà luộc chạy từ vườn, bát canh bí nấu tôm và rau ngót luộc. Mẹ anh vốn là cô giáo làng dạy tiểu học. Từ sau khi chồng mất thì bà vừa dạy học vừa chạy chợ, trồng thêm rau trong vườn tranh thủ bán buổi sáng, kiếm thêm chút ít nuôi 3 đứa con ăn học. Bà ít nói, chỉ cười hiền lành gắp đồ ăn cho các con. Bông thì lí lắc hỏi tôi hết thứ nọ đến thứ kia trên thành phố. Quân cũng nhường lời cho hai chị em tôi độc diễn. Con bé cười rũ bảo:
- Anh không biết lúc bếp rạ bùng lên, chị An hét to thế nào đâu. Chị ấy cho cả đống rơm to đùng vào bếp một lúc.
- Sao em không kiểm tra lượng rơm trước rồi hãy bảo An châm lửa – anh hơi nhíu mày – Hai chị em có sao không? – Anh hỏi Bông nhưng lại nhìn tôi.
- Không sao ạ. Chị An lực lượng phản ứng nhanh, ngả ra sau tránh lửa nhanh lắm – Con bé vẫn cười - Thế cơ mà chị ấy vẫn kiên cường luộc hết mớ rau ngót mới đứng lên đấy.
- Không có em rút bớt rơm với củi ra thì chị chắc chỉ luộc được nửa mớ là cháy bếp - tôi hơi ngượng thú tội.
Bác gái cũng cười:
- Thế là giỏi rồi. Lần đầu tiên cái Bông đun bếp rạ, nó làm cháy cả khu.
- Không u ơi, chỉ bén vào mái gianh thôi, may là con kịp lao ra múc nước bên bể hất vào kịp hahaha.
- Ừ, anh nhớ tí nữa thì u cầm cái đũa cả đét đít Bông. Xong u mừng quá vì Bông chỉ bị xém một tí vào tóc nên ôm Bông khóc tu tu, quên cả đánh đòn.
- Phải rồi. Lúc đó u sợ chết khiếp. Mà sao lại tự dưng thổi bếp rạ thế? Sao không dùng bếp ga cho chị An quen?
- Là cháu muốn nấu bằng bếp rạ đấy ạ. Nên cháu bảo em Bông cho cháu thử ạ.
Bác cười hiền hậu nhìn tôi:
- Lát nữa ăn cơm xong bảo Quân chở cháu đi một vòng quanh làng cho biết thế nào là đồng quê. Hết nắng rồi thì mát hơn. - Rồi vừa xới cơm, bác vừa quay sang anh - Tiện mua cho u ít đồ bày ban trên thị trấn. U sợ sáng mai chợ quê mình không có.
- Vâng u.
Ngồi sau cái xe Wave tàu cũ mà phải nổ máy mãi mới chạy, anh chạy xe trên con đường không xóc nảy như lúc mới đến. Gió mát lộng, vi vu lẫn trong tiếng máy bình bịch. Anh chỉ cho tôi bụi tre hồi tiểu học anh từng trốn u và ba anh ra ngủ trưa. Xe chạy qua bờ đê nơi anh dạy anh Mạnh thả diều và rẽ vào con đường nhỏ vắng hoe nơi anh dạy Bông đi xe đạp. Tôi chưa thấy anh nói nhiều như thế bao giờ, dù qua mỗi điểm, anh cũng chỉ giới thiệu sơ sơ đôi chút về những kỉ niệm gắn bó với anh cả thời thơ ấu. Nhưng tôi biết, với cái tính ít nói của mình, anh hẳn phải yêu lắm miền quê này, khung cảnh này mới có thể phun châu nhả ngọc nhiều đến thế. Trên cao, mấy con diều màu sắc nổi bật nền trời xâm xẩm tối. Phía xa ánh mặt trời cố ráng lên một vài tia hồi dương cuối cùng trước khi tắt hẳn. Có vài con chim chao liệng ríu rít kéo nhau về tổ. Có con nào đi thành đôi giống như tôi và anh lúc này, thanh bình và đầm ấm. Đầu óc tôi lại bật chế độ lang thang: Chỉ ước sao con đường dài mãi, để tôi được ngồi sau ngắm tấm lưng gầy của anh suốt như thế này. Đường trải đá dăm nhỏ, anh đi cũng chậm để hỗ trợ bộ giảm xóc đáng thương của cái xe Wave tàu đời cũ. Thế mà tôi chẳng thấy khó chịu gì hết, có nhẽ người tôi đang êm lâng lâng. Tôi vươn tay, nhẹ níu lấy chiếc áo của anh cho vững dạ trước những ổ gà lớn hơn. Không biết tôi có nhạy cảm quá không, nhưng dường như có một tiếng hít thở nhẹ của anh, khi anh cảm nhận được cái níu tay của tôi vào áo. Chiếc sơ mi trắng in hằn áo may ô bên trong. Hình như anh chỉ mặc áo sơ mi trắng thì phải. Mỗi lần đến dạy, anh đều đóng thùng sơ mi trắng và quần sẫm màu. Tôi đoán anh cũng không nhiều áo, chắc chỉ 2-3 cái thay đổi. Áo anh chất liệu tuy không phải hàng hiệu nhưng luôn trắng và sạch tinh tươm. Đáng lẽ anh nên vào ngành Y cho phù hợp với tính ưa sạch sẽ, gọn gàng của anh. Tôi chưa từng thấy tay áo anh xắn lên bị cáu bẩn, hay cái cổ áo đóng bụi mồ hôi như của bọn con trai cùng lứa. Tuy gầy nhưng vai anh khá rộng. Tôi lại vơ vẩn nghĩ, có lẽ cấu trúc sinh trắc học của anh cũng cho phép vai anh thuận theo chức năng gánh vác gia đình mà anh đang mang.
Một vòng vào đến thị trấn, anh mua một số đồ cần thiết cho bữa cơm cúng ba anh ngày mai. Họ hàng không còn ai ở đây nên mẹ anh cũng chỉ làm mâm cơm gọn nhẹ, không bày vẽ cỗ bàn như nhiều vùng quê khác mà tôi biết. Người dân ở đây hồn hậu, nhà nào cũng biết nhau. Họ vồn vã hỏi thăm anh sống trên Hà Nội ra sao, làm việc ở đâu, lương lậu khá không, bao giờ lấy vợ, rồi tò mò nhìn tôi vui vẻ. Nghe anh giải thích gì đó, các bác bán hàng gật gật rồi cười xòa, nhưng vẫn không quên soi tôi từ đầu đến chân. Kể cũng lạ thật, từ bé đến giờ, người khen tôi cũng không ít, bao gồm cả những người có vai vế địa vị, nhưng tôi không thấy tự hào bao giờ. Chắc tôi cũng ý thức được, họ khen tôi vì tiền của ba. Thế mà chỉ vài lời khen xinh xắn của những người dân quê anh lại khiến trong tôi trào lên cảm giác tự hào lạ. Có lẽ là vì, những người này đã tặng cho tôi cái cảm giác, cuối cùng thì tôi cũng có điểm gì đó xứng với anh! Từ nhà anh ra đây cũng không gần, nhưng rất nhiều người biết anh. Có lẽ là vì, anh học giỏi. Ở vùng quê miền Trung nghèo, người ta trọng sự học và trân quý những người học giỏi lắm. Tôi nhớ chú Viện từng giới thiệu, anh được vào thẳng Đại học vì đoạt giải Học sinh giỏi Toán quốc gia năm lớp 12, không phải thi mà. Thế thì chắc anh là ngôi sao của vùng mất. Kiểu Trạng nguyên, Bảng nhãn ngày xưa trong các kì thi đình, thi hội, thi hương ấy.
Trời ập tối sau khi những ráng hoàng hôn cuối cùng hồi dương và lặn mất. Không khí đã dịu mát đi nhiều. Bông lăng xăng hướng dẫn tôi sử dụng bình nước nóng để tắm. Rồi ngượng nghịu bảo: có phải em nói nhiều lắm không? Chị đừng ghét em nhé, chỉ tại bởi anh Quân chưa có bạn gái nên em không biết phải nói gì với chị nào anh ấy dẫn về nhà thôi. Với lại, em đoán nhà chị dùng thiết bị khác với phòng tắm nhà em. Trước thì nhà tắm cạnh nhà bếp cơ, không có máy nóng lạnh này đâu. Mùa đông u với em cứ đun nước nóng rồi đổ vào thùng, xách vào nhà tắm thôi. Năm ngoái anh Quân đi làm hơn một năm, có tiền dư giả hơn mới xây nhà tắm sát nhà chính. Anh bảo để mùa đông hai u con em đỡ phải đi lại, sợ ra ngoài đột quỵ. Mới cả lắp thêm bình nóng lạnh ấy. Nhưng mùa hè nóng, em với u ít dùng lắm. Tắm nước lạnh cho mát.
Tôi hăng hái: thế chị cũng tắm nước lạnh cho mát.
Bông xua tay: ấy ấy không được, chị so với em sao được. Em quen tắm nước lạnh rồi, chứ chị mà thế là cảm đấy. Anh Quân mà biết em để chị tắm nước lạnh thì anh ấy không vui đâu.
Tôi mặt tỉnh queo, vừa treo áo lên mắc vừa hỏi thản nhiên: Em sợ anh Quân lắm à?
Con bé cười: em không sợ, nhưng mà anh ấy ít nói, không như anh Mạnh. Nên anh ấy hơi khó gần hihi.
Treo nốt cái quần lên, tôi thủng thẳng: Thế anh Quân nói gì về chị mà em bảo sợ anh ấy không vui?
Bông hồn nhiên: Đợt trước, anh ấy có gọi về cho u em, bảo nể chú gì đó trong công ty nên đi dạy phụ đạo cho một học sinh nữ năm nay vào lớp 12, để thi vào Đại học.
- Mỗi thế thôi à?
- À, u em có rào trước là chuyện thầy nam trò nữ xảy ra nhiều lắm, anh phải chú ý.
- Thế anh ấy nói sao em?
- Anh ấy bảo u em đừng lo. Người ta là tiểu thư. Mọi thứ không phù hợp, anh ấy không để tâm đâu. Với lại giờ anh ấy còn nhiều việc phải lo, không muốn nghĩ chuyện yêu đương nhăng nhít, nhất là với học trò trẻ con.
Tôi vuốt vuốt bộ quần áo ngủ trên mắc, cố nén cục tức xuống. À, ra thế, ngay từ đầu người ta đã cố ý xây tường rồi. Mà xây tường bê tông chứ không phải gạch ba chỉ để mà dễ đục. Thảo nào lúc nào cũng lạnh lùng, nghiêm khắc như ông đồ già.
Tắm xong, u anh và em gái chạy đi mua thêm đồ gì đó. Tôi im lặng, ngồi bệt xuống hàng hiên, ngắm nhìn dãy dâu da trước ngõ. Lạ thật, sao anh bảo hoa thơm lắm.
- Sao lại ra đây ngồi? Em mang thuốc xịt muỗi không?
- Chỉ thấy trắng một màu trời, chả thấy thơm gì cả. Đồ điêu toa.
- Hả? Ai điêu?
- Anh!
- Anh làm sao?
- Anh bảo hoa dâu da thơm lắm. Có ngửi thấy gì đâu.
- À, buổi tối không thơm đâu, sáng sớm thì em sẽ cảm thấy rõ.
- Nghĩa là muốn ngửi thì phải dậy sớm.
- Ừ, nếu em dậy được sớm thì tầm 5 giờ là thơm nhất. Càng muộn càng nhạt mùi hơn.
- Chả ra cái kiểu gì. Sáng nắng chiều mưa. Thất thường.
Anh nhìn tôi một thoáng ngắn, rồi phì cười:
- Sao thế tiểu thư? Hôm nay lại còn giận dỗi cả thiên nhiên?
- Thơm thì thơm cho trọn cả ngày đi. Cứ thời điểm này thời điểm khác, ai biết đâu mà lần.
- Cái cây sinh ra nó thế rồi, bắt nó lúc nào cũng thơm à?
- Ừ! Làm cây phải ra dáng cây cho phải đạo. Đừng có lúc thơm lúc không. Nhăng nhít!
- Vâng, đại tiểu thư giận phải lắm!
Tôi quay mặt lại nhìn anh:
- Tại sao anh cứ mặc định em là tiểu thư mãi thế?
- Thì rõ là thế.
- Anh có hiểu gì về em đâu?
- Ừ.
- Anh cũng không cần hiểu về em đúng không?
Anh trù trừ như lựa lời, rồi giọng anh nghiêm khắc hơn:
- Anh hiểu rằng em cần học tốt hơn để đỗ đại học theo nguyện vọng của ba mẹ em, thế là đủ rồi.
- Thế anh có từng hỏi, thực ra em có muốn vào đại học hay không không?
- Đó là chuyện mà em nên nói với ba mẹ, không phải với anh. Anh là người mà ba mẹ em thuê để giúp em đỗ đại học thế thôi.
- Vâng, em hiểu rồi. Em hỏi những câu vớ vẩn rồi. Làm phiền anh quá.
Cả tối ấy hoa không còn thơm nữa. Sự im lặng khác thường giữa anh và tôi khiến hai người phụ nữ trong nhà cũng nhận ra. Em Bông cũng không còn lăng xăng nữa, thi thoảng lại lén nhìn anh. Tôi ngồi phụ giúp u anh, xếp những bó tiền vàng âm phủ vào một mâm nhỏ để mai đốt cho ba anh có phí tiêu pha dư giả dưới kia hơn. Cô giáo làng tiểu học đã về hưu cố gợi chuyện cho bầu không khí đỡ bao trùm tiếng ếch nhái:
- Cháu có mệt thì cứ đi ngủ sớm nhé. Cả ngày ngồi trên tàu rồi, về đây lại nắng nóng nữa chứ.
- Dạ cháu không mệt ạ. Chỉ nóng lúc trưa và đầu giờ chiều thôi bác. Mà thời tiết ở đây hay thật, chiều tối là mát luôn, như Sài Gòn ấy.
- Thế à? Bác và con Bông có nghe nói nhưng chưa bao giờ được đến đó. Cháu hay vào Sài Gòn không?
- Dạ cháu cũng hay theo ba mẹ vào ạ, nhưng đợt này thì ít vì ba cháu muốn cháu tập trung học hành. Ba mẹ cháu thì đi đi lại lại Sài Gòn - Hà Nội suốt ạ.
- Thế ngoài này cháu ở với ai?
- Có chị giúp việc ở với cháu lâu rồi ạ, nên ba mẹ cháu cũng yên tâm. Với lại, ba mẹ cháu cũng đi đi về về, chứ không ở một nơi cố định ạ.
- Ừ, bác hiểu, công việc kinh doanh lớn thì khó có nhiều thời gian như những gia đình bình thường khác. Bác đoán ba mẹ cháu đẹp lắm.
- Hi, ba cháu thì bình thường, nhưng mẹ cháu thì đúng thật ạ.
- Ừ, nhìn cháu là bác đoán được.
- Mẹ cháu giống diễn viên Diễm My ngày xưa, nhưng trông trẻ hơn ạ.
- Ối giời, thế thì mẹ cháu là hoa hậu rồi.
- Ngày xưa thì chắc đúng ạ.
- Cháu thật là may mắn.
- Nhưng cháu thấy, bác cũng rất đẹp ạ. Kiểu đẹp khác với mẹ cháu.
- Ngày xưa thì chắc đúng. Bác cảm ơn cháu.
Tôi và bác gái cười to. Trời ơi, sao mà anh không thừa kế chút đáng yêu và hài hước như bà già tóc muối tiêu này nhỉ. Lúc nào anh cũng kín như bưng rồi lạnh lùng phát chán. Hồi mang bầu anh, chắc u anh lỡ ngậm hột thị suốt. Chuyện qua chuyện lại cũng đã hơn 10 giờ đêm, bác giục tôi đi ngủ cho đỡ mệt. Cơn hờn dỗi anh đã phai đi từ lúc nào. Tôi vào nhà tắm đánh răng rồi chết điếng nhận ra một tình huống dở khóc dở cười. Lòng tôi bấn loạn chưa biết xử trí ra sao, mẹ và em gái anh chắc chắn chưa đủ thân thiết để tôi nhờ vả trong trường hợp khẩn cấp này. Tôi cứ ở lì trong đó suy tính mà chưa nghĩ ra phương án xử lý. Chợt có tiếng anh gọi ở ngoài, giọng lo lắng:
- Hoài An, em ở trong đó hả? Sao lâu vậy? Có chuyện gì không?
Một là sống, hai là chết, thôi kệ, mặt dày lên đi, anh mà, có phải ai đâu. Nhưng tôi vẫn chưa biết mở lời ra sao với anh, ngoài tiếng “vâng” yếu ớt. Giọng anh lại lo lắng hơn:
- Em làm sao thế?
Tôi vẫn chưa tìm ra câu nào để nói.
- Vẫn giận dỗi linh tinh hả? Anh chỉ nói những gì mình nghĩ...
Cánh cửa nhà tắm hé mở, tôi thò đầu ra hắng giọng: Em không sao.
- Tại thấy em ở trong đó lâu, anh sợ em không biết xử lý mấy thiết bị trong đó.
- Ờ thì... đúng, có vấn đề em không biết xử lý thật.
- Chuyện gì thế?
Tôi ngước mắt lên trần nhà, hát vu vơ “Where do I begin, to tell the the story of…”
Anh phì cười:
- Nói đi!
- Anh mua giùm em gói băng vệ sinh nhé! - Câu nói được tuôn ra nhanh không kém tốc độ tôi đóng cánh cửa nhà tắm lại.
Và cũng tốc độ không kém, hình như tôi đếm được đến con cừu thứ mấy nghìn thì nghe tiếng gõ cửa nhè nhẹ:
- Hoài An!
Cửa mở hé, hai loại băng vệ sinh khác nhau được lách vào qua cánh cửa hẹp. Không ai nói với ai câu nào, nhưng ánh điện chắc vẫn kịp soi tỏ gương mặt ngượng nghịu như quả lựu của hai chúng tôi lúc đó. Tôi đi ngủ với niềm vui khúc khích: anh chắc đã chạy quăng khắp mấy hàng tạp hóa ở xung quanh, hoặc thậm chí phải lên thị trấn, gõ cửa nhà họ trong đêm để mua cho tôi hai gói băng vệ sinh này. (Câu chuyện này tôi không kể với anh: về sau, số băng vệ sinh còn thừa lại được tôi giữ trong 1 chiếc hộp lưu niệm, rất trân trọng)!
***
Sáng sớm, tôi tỉnh giấc. Như có đồng hồ báo thức nhắc nhở tôi đừng bỏ lỡ thời điểm khám phá này, mặc dù bình thường mà ở nhà, khó có điều gì có thể đánh thức tôi dậy vào lúc tờ mờ như vậy. Nhẹ nhàng bước xuống giường để không làm thức giấc Bông và bác gái, tôi rón rén bước ra cửa, chạy ra đầu ngõ. Anh đã ở đó, dưới gốc cây dâu da nhiều hoa nhất. Thấy tôi hớn hở chạy đến gần, anh mỉm cười:
- Nhắm mắt lại, em hít một hơi thật sâu nhé!
Lích chích tiếng chim sâu trong lá. Tiếng gà gáy xa xa xen lẫn tiếng ếch kêu ộp oạp ngoài ruộng. Và rồi, lan tỏa trong không gian bắt đầu ươm những vệt sáng đầu ngày, một hương thơm tinh khiết, trong trẻo len lỏi khắp khứu giác của tôi. Trong đời, chưa bao giờ tôi được thưởng thức một hương thơm nào có sức mạnh đánh thức giác quan như thế. Không quá nồng nàn như hoa ly, không sâu lắng quen thuộc như ngọc lan, mà trong lành, dịu dàng đến kì lạ. Cái chạm của mùi hương này, thật mong manh, nhưng thực sự, nó thật giống khoảnh khắc tôi nhìn anh trong ngày đầu tiên anh đến ...Trong buổi sáng mùa hè trong lành, gió mơn man nhẹ nhàng, tôi như được nâng niu tắm mình trong một sự thanh khiết mới mẻ. Hóa ra, tôi cũng trúng tiếng sét với hương hoa dâu da buổi sáng như anh mất rồi. Tham lam hít thêm một hơi nữa, tôi mở nhẹ mắt và thấy trước mắt mình một nhành hoa dâu da, với những chùm bông li ti trắng.
- Tặng em.
- Cảm ơn anh! Từ giờ, nó là loài hoa em thích nhất. Anh vừa hái xuống đấy à?
- Ừ, hoa này có tuổi thọ ngắn lắm. Chỉ ít ngày nữa, bông sẽ rụng xuống và ra quả. Lúc ấy, không còn mùi thơm nữa. Anh hái cho em đúng thời điểm hoa thơm nhất, đừng giận nó sáng nắng chiều mưa nữa nhé! Tội nghiệp nó.
Tôi ôm nhành hoa dâu da lên trước mũi và nhân tiện ngắm gương mặt kia qua những nhánh hoa liu xiu. Tôi có thể chắc rằng, không thời khắc nào đẹp hơn thế trong 18 năm qua của cuộc đời tôi. Anh chưa bao giờ dịu dàng và lãng mạn đến thế. Anh ngay gần đây, cách một nhành hoa thơm man mác, cũng đang nhìn tôi lặng lẽ. Không cau mày, không lạnh lùng, không xa cách. Chúng tôi chỉ là hai thanh niên nam nữ ở bên nhau trong một sớm mùa hè, cảm nhận một thứ gì đó trong trẻo đang len lỏi dâng lên qua những nhánh hoa mong manh…
Và rồi, con gà trống nào đó đột nhiên cất tiếng gáy rất to, rất thô, phá vỡ khoảnh khắc màu nhiệm của hai chúng tôi. Anh chớp mắt, thu về vẻ lãng mạn dịu dàng vừa le lói. Con gà ấy mà bị thịt trong bữa cơm cúng ba anh trưa nay, tôi nguyện sẽ ăn nó nhiệt tình.
***
Tầm 9 giờ sáng, Đức Mạnh - em trai anh về đến nơi. Hai anh em không giống nhau, cả ngoại hình lẫn tính cách. Anh Mạnh đang là sinh viên Mỹ thuật Hà Nội, tóc tai lòa xòa chứ không ngay ngắn nghiêm chỉnh như anh. Nhưng ở anh Mạnh, tôi thấy được vẻ hồn nhiên, vô lo vô nghĩ của tuổi trẻ. Có lẽ bao nhiêu cái lo lắng, cái già dặn đã được dồn để hun đúc cho anh cả hết rồi, còn bao cái tươi vui, cái hồn hậu lại được san sẻ bù đắp cho hai người em của anh.
Anh Mạnh rất dễ gần. Anh hỏi han tôi nhiều điều và cười đùa thoải mái với những người phụ nữ trong nhà. Vừa tước vỏ đậu đũa để làm cơm cúng, anh vừa nháy mắt hỏi tôi:
- Này, sao em lại thích ông cụ nhà anh?
- Dạ? – Tôi lảng đi - Em...chưa gặp bác trai bao giờ ạ.
- Haha, em gái mồm miệng cũng láu lỉnh đấy! Ông cụ là ông Quân ấy. Cả nhà lúc nào cũng nghĩ ông ấy là ông cụ, chỉ có điều không dám gọi thế trước mặt ông ấy thôi.
- Thế thì em sẽ mách anh ấy.
- Chả sao. Mách cũng được, có khi em mách lẻo, ông ấy lại biết đường mà sửa tính cho trẻ hơn ấy. Nhưng này, đừng có đánh trống lảng, em tìm thấy điểm gì đáng yêu ở ông ấy mà thích?
- Hơ…, em có thích đâu. (Yêu chết đi được ấy chứ thích gì giờ này)
- Thôi đi cô, không thích mà theo ông ấy về đây.
- Cuối tuần này, em không có ai trông nom. Nhân tiện, em cũng muốn biết quê quán gốc tích của người dạy dỗ em, nên anh ấy cho em đi cùng.
- Khiếp, trả bài trơn lèo lèo.
- Anh hỏi anh ấy mà xem – Tôi cười.
- Hỏi ông ấy thì hỏi cây ngoài vườn còn hơn. Ghê thật, anh em ở với nhau mà ông ấy không nói nửa lời về em. Đùng một cái cho em về quê.
- Thực ra là thế này ạ, anh ấy thua em một trò chơi, và điều kiện là em được về giỗ ba các anh, với lại em cũng chưa từng về quê ạ.
- Ừ, em nói thế thì anh cũng biết thế. Hóa ra em là em gái mà ông cụ ấy đồng ý làm gia sư đấy. Ông ấy bỏ nghề gia sư lâu lắm rồi, giờ đi làm bận chết cha chết mẹ đi được, gia với sư vào lúc nào nữa. Nghe nói nể sếp anh ấy là chỗ quen biết nào đó với mối gia sư này thì ông ấy mới nhận lời. Nhưng mà nhận lời cũng bõ công nhỉ, em gái xinh xắn đáng yêu như thế này cơ mà haha.
- Thế anh ở với anh Quân trên Hà Nội à?
- Ừ, anh lên học Mỹ thuật thì ở trọ cùng ông ấy. Anh thì cứ lông bông thế này, nghề vẽ chả kiếm ra tiền giúp gia đình. Toàn ông ấy lo toan cả. Nhưng mà ông ấy khuyến khích anh, thích thì theo đuổi đam mê, đừng bỏ vẽ.
- Eo ơi anh nói như sách.
- Haha, hoặc có lẽ ông ấy quá hiểu anh, vô tích sự chẳng biết làm gì ngoài vẽ. Nên thôi làm cái gì mình biết cho lành. Ý là không phá của nhà là tốt rồi ấy.
- Khiếp! Anh cũng trả bài lèo lèo!
- Mà này, em gái tiểu thư!
- Dạ?
- Thích ông anh của anh thì cứ thích đi, nhưng mà đừng có chơi bời làm ông ấy khổ thêm vì tình nhé. Ông ấy đã khổ vì tiền lắm rồi.
- Anh cứ nói linh tinh.
- Haha, anh nói thật đấy. Ông ấy một mảnh tình vắt vai chưa có bao giờ, ngây ngô lắm. Người không kinh nghiệm thì bước vào tình trường dễ dập mặt thôi. Không như anh, lăng nhăng lớp bớp sến sẩm. Ông ấy tinh khiết lắm. Em đừng có mà bôi bẩn ông cụ nhà anh. Haha.
Tôi mỉm cười, nhìn góc bếp ngoài sân. Anh đang tay làm miệng nói gì đó với bác gái, bé Bông lăng xăng bóc bóc giã giã rồi kêu ré lên. U anh mở ra mở vào cái nồi nghi ngút hơi. Đúng là một gia đình. Rồi đột nhiên anh ngẩng lên nhìn về phía tôi. Tôi giơ những quả đỗ trong nắm tay lên dứ dứ về phía anh. Anh mỉm cười. Ừ, đúng là tinh khiết thật. Chùm hoa dâu da trong góc phòng lại thoang thoảng!
***
Bữa cơm cúng ba anh rất nhẹ nhàng vì mẹ anh tư tưởng khá hiện đại. Với bà, ngày giỗ người chồng đã khuất chỉ đơn giản là dịp để bà được tụ hội với ba đứa con ngoan, được thi thoảng chấm tay lên đôi mắt đỏ hoe vì hạnh phúc sum vầy đoàn viên, và để “gửi cho ông ấy thêm ít đồ dùng cho thoải mái. Ngày trẻ ông ấy tằn tiện cho vợ con, bản thân không màng cái gì”. Vì vậy, năm người ngồi quây quần trên chiếc chiếu cói, với cái mâm nhôm và vài món ăn mà ba anh khi còn sống ưa thích, kể những câu chuyện bắt đầu từ “ngày xưa”. Những câu chuyện mà kí ức đã mờ dần khi Bông chỉ là một đứa bé 5 tuổi, anh Mạnh còn mải chơi trốn học, anh Quân thì tranh thủ chăn lợn, nuôi gà ngoài giờ học chờ mẹ đi dạy về. Cả nhà chỉ có 2 chiếc quạt máy chạy hết công suất, không điều hòa nên càng về trưa trời càng nóng hơn. Gió quạt chỉ thổi không khí nóng từ bên này sang bên khác nhưng không hiểu sao tôi thấy rất dễ chịu. Tôi chỉ mong thời khắc bình yên này dài mãi. Trước khi đi, tôi còn nấn ná khấn thêm ba anh một lần nữa, mong bác phù hộ cho tôi được chính thức trở lại, ngồi cùng mâm cơm với cả gia đình anh một ngày không xa.
Sau bữa cơm trưa, tôi và anh tạm biệt gia đình lên Hà Nội trước. Bác gái hái cho tôi ít ổi và hồng xiêm vừa chín tới, dặn dò tôi lên tàu ăn ngay cho ngon. Tôi nhiệt tình nhận hết, vì đằng nào tôi cũng không phải người xách. Tôi chỉ đeo chiếc túi và cầm theo nhánh hoa dâu da bên mình. Bông ngạc nhiên:
- Chị thích dâu da à?
- Ừ, chị thích lắm.
- Thế để mấy hôm nữa ra quả chín, em hái gửi lên cho chị nhé.
- Chị cảm ơn Bông! Nhớ nhé.
- Vâng, em gửi anh Quân, rồi bảo anh Quân gửi cho chị nhé.
- Thôi thôi, Hoài An thích hoa, không thích quả dâu da. Bông đừng gửi lên làm gì. Anh cũng không mang đến đâu.
- Ơ kìa - cả tôi và Bông cùng kêu to.
- Thôi được rồi. Mang thì mang.
Chương 4<<>
> Chương 6