Chương 9: Tiếng lòng của hoa Đỗ Quyên
Thế nào là một cô gái khó yêu? Tôi cũng không định nghĩa được điều đó! Nhưng tôi biết rằng, bản thân là một cô gái như vậy. Chỉ vì khó rung động mà tôi đã bỏ lỡ bao nhiêu người tốt, bao nhiêu mối duyên phận? Chẳng phải tại người khác không có đủ kiên nhẫn đối với tôi, mà là do bản thân tôi đã quá cố chấp đối với chính mình. Không bao lâu nữa tôi sẽ bước sang tuổi ba mươi, thỉnh thoảng nghĩ tới tôi cũng sợ, sợ rằng đến lúc đó tôi vẫn chỉ có một mình đi qua hết những năm dài tháng rộng…
“Đây là thuốc bôi ngoài da, còn đây là thuốc uống. Sắp tới mưa nhiều chỉ sợ có nhiều bệnh phát sinh nên anh cứ đem đến cho em kháng sinh và các loại thuốc cần thiết. Anh đã ghi rõ công dụng và liều lượng dán hết ngoài bao bì rồi, khi nào cần dùng đến em cứ tìm là được. Có gì không hiểu thì cứ gọi điện cho anh nhé!”
Bác sĩ Thịnh vừa thao thao bất tuyệt vừa sắp xếp các lọ thuốc vào hộp cho tôi. Anh ấy luôn chu đáo như thế! Hẳn là đối với ai cũng thế thôi chứ không riêng gì tôi… Nói vậy không có nghĩa là tôi không biết tình cảm mà anh dành cho tôi. Nhưng tôi đối với anh thật sự chỉ có cảm kích, ngưỡng mộ giống như một người em gái đối với anh trai của mình.
“Em biết rồi ạ. Sao anh mang tới cho em nhiều thuốc quá vậy? Em không có đủ tiền trả tiền thuốc anh mất.” Tôi nhăn mặt trêu anh.
“Ai nói cần em trả tiền đâu? Mà nếu không có đủ tiền thì anh cho nợ cơ mà. Sau này em dùng cái gì để trả anh cũng được, thậm trí…” Thịnh ngừng động tác tay, ném ánh nhìn ám muội về phía tôi rồi mới nói tiếp: “Em mà nguyện ý dùng thân báo đáp thì càng tốt. He he.”
“Thôi ạ, không nói lại được anh. Em đi nấu cơm tối đây, anh Thịnh ở lại ăn cùng luôn nhé!” Tôi chính là đang kiếm cớ chuồn lẹ.
Thịnh dường như cũng tinh ý thấy được điều đó, giọng anh sảng khoái nói với theo:
“Có ăn chứ, ngu gì. Cho em cả đống thuốc mà anh chỉ đòi ăn có một bữa cơm thôi đấy. Em lời to rồi nhé!”
Tôi ra vườn hái rau mà miệng vẫn không ngừng cười. Thực ra, bình thường bác sĩ Thịnh là một người đàn ông rất hài hước. Bất cứ ai ở với anh cũng sẽ cảm thấy cuộc sống này bớt nhạt nhẽo hơn.
Năm tôi mới tới đây sống, vì chưa quen với khí hậu Sa Pa nên thường hay bị dị ứng thời tiết. Nhất là mỗi lần giao mùa, cả người tôi sẽ mọc đầy những nốt mè đay, thậm trí là hoa mày chóng mặt, có khi nặng còn bị ngất đi. Tôi lại chẳng uống được thuốc, phải nói là ghét cay ghét đắng tất cả các loại thuốc. Cũng may từ nhỏ đến lớn tôi chẳng phải là đứa sức khỏe yếu hay ốm vặt vãnh, dù tạng người tôi khá mỏng manh và trông hơi nhỏ nhắn giống như không có sức lực vậy.
Còn nhớ năm đó, khi thời tiết bắt đầu chuyển từ mùa xuân sang mùa hè, tôi bị dị ứng nặng đến nỗi không ngồi dậy được, cứ nằm ì một chỗ, cả người khó chịu. Cuối cùng phải nhờ những người bạn trong đội tình nguyện vác đến bệnh viện đa khoa Huyện Sa Pa. Nghĩ lại vẫn thấy thật xấu hổ, vì chẳng có ai như tôi cả, người ta bị dị ứng thì chỉ cần uống thuốc là khỏi. Còn tôi, đâu dám uống thuốc, cố chấp đến nỗi bạn bè ép uống thế nào cũng không chịu. Không còn cách nào khác, họ đành phải chờ đến lúc tôi không thể đi được nữa, người ngợm mọc đầy nốt mới dễ dàng khênh tôi đến bệnh viện bỏ mặc cho các bác sĩ điều trị.
Thịnh năm đó còn đang là thực tập sinh ở bệnh viện đa khoa huyện Sa Pa. Và thật khổ cho anh khi phải tiếp nhận một bệnh nhân cố chấp như tôi.
Dù vậy thì cuối cùng người bác sĩ thực tập ấy cũng đã trị được tôi. Bằng cách nào đó, giờ tôi đã có thể uống thuốc như những người bình thường khác mặc dù thỉnh thoảng vẫn thấy ghê ghê nếu thuốc đó có mùi quá nồng nặc.
Thế là từ đó, Thịnh trở thành người bạn, người anh thân thiết của tôi trong những năm tháng sống trên vùng đất xa lạ này.
Sau khi tôi chính thức nhận nuôi Pao và chuyển về Hầu Thào sống thì một năm sau Thịnh cũng tốt nghiệp ra trường rồi cũng lên đó làm ở trạm y tế xã. Tôi khá bắt ngờ vì sự trùng hợp… Nhưng lại cảm thấy có Thịnh ở gần thật may mắn. Anh ấy vẫn giống như một người anh trai luôn đối tốt với tôi và Pao. Tôi cảm thấy mình nợ anh rất nhiều. Nhất là từ khi biết tình cảm của anh dành cho mình, tôi lại càng cảm thấy áy náy hơn vì không thể đáp trả tình thương ấy.
Thịnh nói chờ tôi, chờ đến bao giờ cũng được… Anh ấy sẽ luôn có rất nhiều kiên nhẫn đối với tôi. Nhưng tôi thì không thể. Dù biết anh ấy sẽ bị tổn thương nhiều lắm, nhưng tôi vẫn quyết định biểu đạt sự thẳng thắn của mình. Từ trước đến nay, tôi vẫn luôn như vậy. Đối với những người mình biết rõ không thể trao cho họ tình yêu thì ngay từ đầu không thể để họ phải chờ mình. Như thế là tàn nhẫn đối với họ.
Thịnh là một người đàn ông tốt, tự lập và rất biết quan tâm người khác. Tôi luôn muốn anh tìm được hạnh phúc của riêng mình, tìm được một người con gái khác tốt hơn tôi, xứng đáng với anh hơn tôi. Và tôi sẽ giống như một cô em gái, gửi lời chúc phúc chân thành nhất đến anh.
Sương đêm rơi sớm, trời mới chập tối mà trên những luống rau đã đọng sương ướt sũng. Tôi nhìn ra cổng trông về phía xa xa, nơi có những quả đồi và dãy Hoàng Liên Sơn im lìm nằm đó. Tự hỏi, sao giờ này mà người kia vẫn chưa về?
Bóng ai đó thấp thoáng giữa con đường đất đang từ xa tiến lại. Tôi dụi mắt nhìn kĩ thì thấy bóng hai người, một lớn một nhỏ lồng vào nhau. Càng đến gần, tiếng cười đùa của họ càng rõ hơn, vang vọng trong không gian tĩnh mịch của thung lũng khi về chiều muộn.
“Chú Lâm có nhớ nhà không ạ?”
“Có chứ?”
“Vậy sao chú không về thăm bố mẹ chú ạ?”
“Bây giờ chưa phải lúc, chú còn việc phải làm ở đây. Mà Pao không thích chú Lâm ở đây à?”
“Pao thích lắm ạ. Bình thường chỉ có Pao với mẹ Quyên ăn cơm, bây giờ có thêm chú Lâm nên vui hơn.”
“Được, vậy chú Lâm sẽ ở đây lâu lâu vì chú cũng thích sống ở đây lắm.”
“Có thật không ạ? Yeah, vui quá.”
“…”
Lẫn trong tiếng cười giòn tan của Pao là tiếng trái tim tôi lệch đi vài nhịp. Phong Lâm nói sẽ ở đây lâu lâu là ở đến bao giờ?
Tôi cũng không biết mình đang nghĩ gì nữa. Luôn có quá nhiều mâu thuẫn trong con người tôi. Bình thường tôi không hề như vậy? Tôi luôn dứt khoát và thẳng thắn cả trong cuộc sống lẫn tình cảm. Nhưng giờ tôi lại cảm nhận được một con người khác trong cơ thể mình. Nhất là từ sau khi gặp lại Lâm, tôi mới lại có cảm giác như đang hi vọng vào một điều gì đó.
Khi tôi trở vào nhà, một bầu không quái dị bao trùm không gian nhỏ bé. Hai người đàn ông to xác đang ngồi đối diện nhau, mắt đối mắt, ánh nhìn chằm chằm của cả hai khiến tôi lạnh cả sống lưng.
Họ đang làm cái quái gì vậy? Sắp đánh nhau ư? Không phải? Thi xem ai chớp mắt trước ư? Cũng không giống?...
Tôi liếc nhìn về phía Pao, thấy mặt cô nhóc cũng căng thẳng không kém. Em ngồi bên cạnh, chăm chú theo dõi từng nhất cử nhất động của hai người lớn.
“Bác sĩ Thịnh, nhường anh đi trước đó.” Lâm trịnh trọng lên tiếng kèm theo một nụ cười có thể nói khá thân thiện.
“Không, không, nhường anh đi trước.” Thịnh lắc đầu.
“Làm thế sao được, anh là khách, nhường anh đi trước là phải phép mà.”
“Uầy, nói thế sao được. Anh cũng chỉ là khách ở đây thôi mà.”
“Chú Thịnh, chú Lâm, Pao có con ba bích nên phải là Pao được đi trước chứ ạ.”
“…”
Hiểu rồi… Tôi cuối cùng cũng hiểu rồi. Họ chỉ là đang chơi bài thôi mà, có cái gì to tát đâu mà vẻ mặt ai cũng căng thẳng như vậy? Vì cái trò con nít này mà suýt chút nữa họ dọa tôi sợ chết khiếp rồi.
Tôi vui vẻ quay về bếp làm nốt bữa tối. Để lại sau lưng không gian sặc mùi “súng đạn”…
Khi tôi bưng cơm lên thì họ đã dừng chơi bài, đang ngồi xếp hàng dài trên ghế xem chương trình thời sự. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn cảm thấy bầu không khí căng thẳng lãng vãng đâu đây, tận cho đến lúc ăn cơm vẫn chưa thuyên giảm.
“Con mời mẹ Quyên ăn cơm, mời chú Thịnh, chú Lâm ăn cơm ạ.”
Đoạn Pao vô tư cắm cúi vào bát cơm, mặc cho không khí căng thẳng vẫn bao trùm bữa ăn.
“Hai… hai người có muốn uống chút rượu không ạ?” Tôi rụt rè lên tiếng, hi vọng xua đi chút nào đó căng thẳng.
“Anh thì không vấn đề gì, nhưng không biết anh Lâm đây có uống được rượu không?” Thịnh ném ánh nhìn dò xét về phía Lâm.
“Anh cũng không vấn đề gì.” Lâm trả lời.
“Vậy tôi, tôi đi lấy rượu lên cho hai người.”
Và sau đó, là từng bình, từng bình rượu táo mèo cạn đáy. Tôi và Pao đã ăn xong bữa tối của mình, chỉ biết ngồi đó há hốc mồm nhìn hai người còn lại đang đối rượu với nhau.
Pao dụi mắt, ngáp một cái dài rồi kéo vạt áo tôi nỉ non:
“Mẹ Quyên, Pao buồn ngủ.”
“Được rồi, Pao vào trong phòng ngủ trước đi nhé. Nhớ đắp chăn ấm vào không sương đêm xuống lạnh lắm. Còn nữa, chắc tối nay sẽ có mưa to đó, nhớ đóng chặt cửa sổ không nước mưa bắt vào phòng đấy.” Tôi xoa đầu Pao, dặn dò.
Quay lại với hai kẻ không biết tự lượng sức mình kia, sau khi uống xong ba bình rượu mà vẫn còn đòi uống tiếp trong khi bản thân họ đã say đến mức nào rồi.
Tôi nhất quyết không đem rượu ra nữa mà chủ động đi đến kéo Thịnh đứng dậy, đuổi anh về. Cũng may cái người này tửu lượng tốt, vẫn còn mở được mắt nhìn được đường. Tôi phải để xe anh ở lại, rồi lái xe của mình đưa anh về tận nhà mới an tâm.
Khi tôi trở về căn nhà nhỏ thì không thấy Lâm đâu nữa. Có thể anh ấy đã tự mò về được phòng của mình. Lặng nhìn cánh cửa gỗ im lìm nằm đó, tựa như một bức tường ngăn cách giữa hai thế giới. Tôi vẫn không có đủ can đảm để mở cửa hỏi xem anh có ổn không nên đành phải đi dọn bãi chiến trường trước.
“Ầm, ầm...” Bầu trời bên ngoài đang bắt đầu gào thét dữ dội, chuẩn bị cho một đợt bão mùa hè nữa ghé ngang trấn nhỏ. Tôi đi đến khép chặt các cánh cửa lại, rồi lại nhanh chóng dọn dẹp.
“Ầm, ầm...” Lần này là tiếng động của một vật thể rơi xuống đất chứ không phải tiếng sấm. Mà nó lại phát ra từ căn nhà số hai. Chẳng biết Phong Lâm ở trong đó có xảy ra chuyện gì không nữa? Nãy tôi có để ý thấy anh ấy uống khá nhiều.
Không yên tâm, tôi đành để bát đũa xuống, đi đến dùng chìa khóa dự phòng mở cửa. Bên trong không bật đèn nên hơi tối. Khi tôi đang mò mẫm tìm công tắc trên tường thì đột nhiên một bàn tay lạnh lạnh nắm lấy cổ chân tôi khiến tôi sợ hãi thốt lên.
Điện đã được bật sáng, trước mắt tôi là một căn phòng nhỏ nhưng thật sự ngăn nắp, chẳng hề bừa bộn như tôi vẫn nghĩ. Vì thường có nhiều du khách sau khi trả phòng, cũng là trả lại cho tôi cả một đống hỗn độn.
Đúng như tôi nghĩ, Phong Lâm đã nằm vật ra sàn gỗ lạnh lẽo, một tay anh vẫn đang nắm lấy cổ chân của tôi. Bên ngoài, gió bắt đầu gào thét dữ dội, những hạt mưa đầu tiên nặng nề rơi xuống mái hiên lộp độp. Tôi thở dài, cơ thể nhỏ bé cố oằn mình dưới lớp áo cardigan mỏng trong cái lạnh về đêm.
Nhìn xuống cái người đang say không biết trời đất gì kia, thật không biết làm cách nào để đưa được anh lên giường. Càng không thể để mặc anh nằm dưới sàn gỗ cả đêm như thế.
“Anh Lâm, anh Lâm. Anh đứng dậy đi lên giường nằm đi. Không nằm dưới này được đâu, sẽ lạnh lắm.”
Phản hồi lại tôi chỉ là tiếng “ư ử” của Phong Lâm rồi đâu lại vào đấy. Thật đúng là… không biết uống rượu mà cứ đòi uống nhiều.
“Tôi nói cho anh biết, chẳng có chủ nhà nào tốt được như tôi đâu.” Tôi vừa lẩm bẩm cho đỡ bực vừa cố gắng kéo thân xác to đùng dưới sàn về phía chiếc giường nhỏ dựng trong góc tường.
Sau khi đắp chăn thành công cho Phong Lâm, tôi cũng đã dùng hết sức của mình. Chưa vội đi ra vì tôi muốn quan sát phòng anh thêm một lần nữa. Kể từ ngày anh đến ở, đây là lần đầu tiên tôi có đủ can đảm bước vào căn phòng này, bước vào thế giới của anh.
Những ngày sau đó, mưa mãi không ngừng. Đất trời thung lũng ảm đạm. Nhà nhà, người người thở ngắn than dài chẳng biết làm gì, chẳng muốn đi đâu. Những con đường đất bị mưa tạt xuống nhầy nhụa khắp nơi.
Khổ thân nhất là mấy cô cậu sinh viên tranh thủ nghỉ hè từ thành phố về du lịch vào đúng mùa mưa chẳng kịp trở tay. Cả đám thểu não ngồi hết ngoài hiên nhà tôi ngắm mưa phùn. Đứa kêu trời kêu đất, đứa ru rú trong chiếc áo khoác mỏng vì tiết trời ngày mưa bao giờ cũng se lạnh hơn ngày nắng.
Tôi đốt than củi trong một cái chậu nhôm rồi mang ra hiên cho họ sưởi. Cả đám thấy thế liền mừng rỡ, quay nhau ngồi xung quanh chiếc lò tự chế. Phong Lâm từ sớm đã chiếm một chỗ ngồi đang hăng say chém gió với mấy cô sinh viên trẻ. Cùng là khách du lịch, nên chắc đồng cảm. Thấy nói chuyện hợp rơ lắm!
“Ôi, cảm ơn chị chủ nhà nhé!” Cả đám nhao nhao cùng lên tiếng.
Tôi cười, lắc đầu tỏ ý không có gì.
“Chị ơi, chị không bận thì ngồi xuống sưởi lửa nói chuyện với bọn em cho vui.”
Tôi vốn đang định đi trở vào trong, nghe thấy cậu sinh viên nói, bất quá lại ngồi xuống. Cũng chỉ định ngồi hơ lửa ngắm mưa thôi cũng không biết phải nói gì. Có lẽ sống một mình nơi hẻo lánh này lâu quá rồi, tôi cũng quên đi cách để bắt đầu những câu chuyện phiếm.
“Trời ơi, chán như con gián. Tại các ông rủ tôi đi mà không xem thời tiết trước đó. Giờ tha hồ ngồi đây ngắm nhau cho đến lúc về nhé!” Một cô gái trong nhóm lại than thở.
“Ai mà biết được. Thôi thì đến cũng đến rồi, cứ cảm nhận không khí ở đây đi. Không đi chơi được thì mình vui cái khác.” Cậu bạn bên cạnh đáp.
“Ông nói hay lắm! Huhu. Chuyến đi của tôi, tiền của tôi… Ông trả lại cho tôi đi.” Cô gái được thể làm nũng.
Cả đám lại càng thểu não.
“Anh có ý kiến thế này…” Phong Lâm im lặng nãy giờ đột nhiên lên tiếng. “Hay chúng ta làm chút văn nghệ nhé. Các bạn ở đây có ai muốn nghe thổi kèn lá không?”
“Ôi, anh Lâm biết thổi cả kèn lá ạ?” Cô gái khác ngồi bên cạnh anh biểu đạt cảm xúc sau khi nghe Phong Lâm nói, ánh mắt long lanh không giấu nổi vẻ mong chờ.
“Anh không.” Phong Lâm trả lời nhanh theo phản xạ, ánh mắt anh đột nhiên hướng về phía tôi. “Nhưng có người biết thổi. Quyên, em thổi một bài cho các bạn giải trí đi nào.”
Bị chỉ điểm bất ngờ, tôi chỉ biết chừng to mắt nhìn anh. Cái người này, muốn tôi bị mất mặt ư?
Trước những ánh mắt tha thiết đang hướng về phía mình, tôi ú ớ cố đính chính lại:
“Tôi, tôi không biết thổi đâu. Các bạn đừng nghe người kia nói linh tinh.”
“Anh Lâm đã nói thì chắc là đúng rồi. Chị thổi một bài đi chị.”
“Đúng rồi, chị sống ở đây lâu như vậy chẳng lẽ lại không biết thổi. Chị thổi một đoạn thôi cũng được.”
Ngay sau đó là một chiếc lá được ngắt bừa từ cây si trước nhà đưa đến cho tôi. Phong Lâm cố tình tặng kèm thêm một nụ cười trấn an:
“Ngoan. Tự tin lên nào!”
Dưới những ánh mắt mong chờ, tôi đành cầm lấy chiếc lá gấp lại, hít một hơi thật sâu lấy đà.
Và sau đó không còn có sau đó nữa...
Sau trận cười nắc nẻ với những giai điệu the thé từ chiếc kèn lá của tôi, đám trẻ bắt đầu hòa vào không khí ca hát vui nhộn. Người gảy đàn, người thổi sáo... Phong Lâm cũng góp vui bằng những bản hacmonica vui tai.
Tôi chỉ im lặng lắng nghe họ hát, họ đàn. Tuổi trẻ của họ thật thích... có gì đâu mà vướng bận. Tôi chẳng biết mình đã đi qua những tháng ngày tươi đẹp ấy như thế nào. Giờ ở giữa lưng chừng tuổi trẻ, mới thấy năm tháng vội vã đã cướp đi của tôi và của rất nhiều người niềm vui nỗi buồn.
Mưa vẫn chẳng có dấu hiệu chấm dứt. Nhìn màn mưa trắng xóa từng lớp, từng lớp cũng như nỗi lòng của tôi. Giống một người đi trong mưa nhưng lại chẳng thể nhìn thấy hình hài của mưa.
Dứt khỏi những tâm trạng vẩn vương, rời khỏi cuộc vui, tôi cầm theo ô, hòa vào màn mưa. Đến giờ đi đón Pao rồi!
Tôi nghe đâu như là thanh âm của ai đó gọi từ phía sau. Nhưng tiếng đàn, tiếng mưa, tiếng hát hòa vào làm một khiến tôi chẳng nghe được gì. Chỉ biết băng qua mưa, một đường đi thẳng.
Đường lên trường THCS Hầu Thào là đường đất, dốc thoai thoải. Trời mưa, đường trơn trượt lại càng thêm khó đi. Thế mà nhiều em học sinh vẫn một mình tự cắp sách đến trường. Đó là những đứa trẻ vùng cao, quen nắng mưa, quen với bùn đất, sỏi đá.
Đi được nửa đường, xuyên qua màn mưa, tôi lờ mờ thấy Pao cùng những đứa trẻ khác đang đi tới.
Khi tôi chưa kịp cất tiếng gọi Pao thì bỗng nghe một loạt âm thanh quái dị kéo đến. Nghi có đất đá đang bị sạt lở, tôi vội vã ném chiếc ô sang một bên, vừa chạy nhanh tới chỗ Pao và những đứa trẻ vừa cố hét thật to:
“Pao ơi, bảo các bạn chạy nhanh qua đoạn này đi. Nguy hiểm lắm!”
Mưa vẫn dữ dội! Âm thanh nghe thấy mỗi lúc một to và gần kề. Cả đám trẻ cũng bắt đầu nháo nhác chạy nhanh về phía trước.
Tôi cố mở mắt thật to, trực chờ trông thấy bé nào gần ngay trước mặt là một tay bế một tay kéo nhanh các em đến nơi an toàn. Cơn mưa vẫn xối xả trút xuống mặt đất, gió thổi ngược những hạt mưa hất thẳng vào mắt, cay xè, đau rát nhưng tôi không cho phép mình chớp mi lúc này.
“Mẹ Quyên!” Sau tiếng gọi là bóng dáng nhỏ bé của Pao đang lầm lũi chạy tới. Theo sát là một bé khác đang nắm chặt tay em.
“Pao, chạy nhanh lên phía trước cùng các bạn đi con!”
Dưới chân tôi, bùn đất sền sệt càng lúc càng dày khiến cho tốc độ di chuyển cũng khó khăn hơn.
“Á...” Tiếng cậu bé theo sau Pao kêu lên tất thanh, thân ảnh em theo đó ngã xuống mặt đất.
“Mẹ Quyên, chúng con ở đây...”
Tôi bỏ cả đôi dép dưới chân, di chuyển nhanh tới chỗ Pao, kéo mạnh vai em nói:
“Nhanh lên, con mau chạy trước lên phía trước. Ở đây nguy hiểm lắm!”
“Nhưng mà còn...”
“Mẹ sẽ cõng cậu ấy theo sau. Con chỉ cần cố gắng đi thật nhanh qua đoạn đường này thôi!”
“Vâng! Mẹ Quyên nhớ cứu nó nhé. Huhu.”
“Được rồi. Nhanh lên đi. Chạy nhanh...”
Quay lại với cậu bé duy nhất, có lẽ là người cuối cùng, thì ra chân em bị một hòn đá đập vào. Khi tôi chưa kịp bế em lên thì một loạt âm thanh ào ào xông tới, mang theo những tiếng rít, tiếng đất đá va vào nhau loảng xoảng.
Mọi thứ hỗn loạn, tôi cũng bấn loạn theo. Chỉ biết theo phản xạ tự nhiên ôm lấy cả người cậu bé đang nằm dưới đất. Cơ thể nhỏ nhắn nằm gọn trong lòng tôi vẫn không ngừng run rẩy. Tiếng khóc của em như xé tan cả không gian ồn ào, xộc thẳng vào tim tôi hóa thành những giọt nước mắt lã chã rơi xuống.
Đột nhiên, tôi chẳng còn nghe thấy bất kì âm thanh nào nữa. Chỉ cảm nhận được một trận đau đớn từ sau lưng theo đất đá sạt lở ập đến. Chớp mắt, mọi thứ liền tối sầm lại, cánh tay trong vô thức càng siết chặt hơn.
“Quyên…”
Có ai đó đang gọi tên tôi. Có ai đó đang đến cứu chúng tôi chăng…