Hoàng Lan Trong Mưa - Cập nhật - Phong Nhi

phongnhi2183

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
17/8/16
Bài viết
530
Gạo
0,0
15hxvsn.jpg

Chương 3: Tạm biệt ngoại!
Ở trên đời này có ai ngốc xít như em Sương của tôi không? Khi chỉ có mình bà ngoại cũng vẫn phải gọi “bà ngoại ơi”. Tôi chạy ra đến cửa, em Sương đứng cao hơn khóa cửa một chút, mắt nó đen láy, chớp chớp hai cái nhìn tôi. Nó làm tôi mừng suýt khóc.

Tôi mở cửa cúi xuống định ôm nó một cái cho đỡ nhớ…

“Bà ngoại ơi, con mang bánh cốm qua cho bà ngoại!

Nó phi vèo qua tôi, làm tôi thấy hụt hẫng, mặt đen xì lại, tôi cắn môi tự nhủ:

“A, được nha!” Tôi xoa đầu mỉm cười đứng dậy.

Mẹ đứng đó cười hiền hòa như ánh nắng ban trưa, tóc bố tôi đã điểm nhiều sợi bạc, mặt bố hơi gầy, trống ngực tôi nao nao. Tôi mừng rỡ nói:

“Bố mẹ vào nhà đi, để con xách đồ cho mẹ!”

Tôi sấn lại gần mẹ, làm một thanh niên gương mẫu, đương nhiên rồi, giờ tôi đã cao hơn cả mẹ. Mẹ nhìn tôi cười, tôi biết mẹ đang rất mãn nguyện.

Ngoại cũng đã ra đến cửa đón em Sương, nó víu tay ngoại nói nhỏ gì đó, ngoại cười mắng yêu nó:

“Tiên sư bố nhà cô!”

Tôi nheo mắt tò mò, phải công nhận là tôi hơi ganh tị, lần nào gặp ngoại em Sương cũng có bí mật kể cho ngoại nghe, tôi thì chả có bí mật nào cả. Ngoại quay ra ôn tồn nói với bố mẹ tôi:

“Hai đứa đến rồi đấy à? Vào nhà đi, nghỉ ngơi rồi ăn cơm!”

Bảo Nhi cũng ra đón mọi người, mặt cô ấy có chút ửng đỏ, tôi đoán là Bảo Nhi hơi thẹn.

“Cháu chào hai bác!”

Cả bố mẹ và em Sương đều có vẻ ngạc nhiên với nhân vật đặc biệt của tôi, chuyện này càng khiến Bảo Nhi thêm e thẹn. Mẹ nhanh chóng đã hiểu ra, liền hiền hậu cười hỏi:

“Đây là...!?”

Tôi đỡ lời mẹ:

“Cô ấy tên Bảo Nhi, bạn gái của con!” Tôi kiêu hãnh giới thiệu với mẹ.

Bảo Nhi mặt càng đỏ hơn, em Sương cũng đã chạy lại bên cạnh nắm lấy tay Bảo Nhi, mẹ tôi đưa mắt mắng yêu tôi một cái, liền quay sang Bảo Nhi nói đỡ:

“Bác nhớ rồi, con là con gái mẹ Tâm Phương phải không? Con lớn nhanh quá, nhìn càng ngày càng xinh ra, bác không nhận ra nữa đấy!”

Bảo Nhi được mẹ tôi khen cũng đã bình tĩnh hơn một xíu, tuy là sắc hồng trên mặt vẫn chưa phai đi. Tôi theo gót mẹ, tay nắm tay còn lại của cô ấy cùng bước vào nhà.

Bữa cơm hôm nay thật đầm ấm, mọi người sum vầy đông đủ, món bánh trôi khá là đặc biệt với nhiều kích cỡ to nhỏ, mặc dù vậy cũng không ai thắc mắc cả, em Sương còn tỏ ra thú vị, con bé thích được ăn những chiếc to nhất, ngoại cười suốt đến mức những nếp nhăn cũng như muốn mờ đi.

Bảo Nhi mang món canh su hào hầm xương mà cô ấy kỳ công chuẩn bị cả buổi sáng ra, tôi thấy khuôn mặt cô ấy có chút căng thẳng, tôi nhìn cô ấy động viên, Bảo Nhi khẽ cười ngồi xuống bên cạnh tôi.

Chiếc vung bằng nhôm trắng hé mở ra, hành hoa thơm mát nồng vào hương đậm đà của sườn heo khiến dạ dày của tôi lập tức đình công. Tôi toan sấn đến gắp một miếng, không ngờ là cả ngoại, bố và mẹ đều nhìn tôi cười, tôi dừng lại còn chưa hiểu nguyên do ra sao.

Em Sương háu ăn đã nhào vào.

“Wow… w w w www!”

Mắt nó tròn xoe như hai hạt nhãn lồng, nhìn chăm chú đầy yêu thương với nồi canh. Bảo Nhi mặt đã ửng đỏ, tôi thắc mắc cũng ghé cạnh đầu em Sương nhìn vào.



Tôi bị xúc động mạnh làm cho đứng hình, tôi quay sang Bảo Nhi, cô ấy vẫn thẹn cúi mặt xuống, mà trong mắt tôi cô ấy cứ sáng lung linh. Nếu lúc này không có ngoại và bố mẹ ở đây tôi nhất định sẽ hôn cô ấy một cái.

Em Sương khẽ liếm môi, chầm chậm thò đũa vào. Tôi kéo nồi canh lại phía mình tinh quái nhìn nó:

“Nồi canh này là của anh...”

Mặt nó đáng thương nhìn mẹ cầu cứu:

“Mẹ, anh Phong bắt nạt con!”

Mẹ chỉ cười, ngoại vội chen vào:

“Không trêu em nữa, thôi cả nhà ăn đi cho nóng.”

Ngoại đứng dậy múc cho mỗi người một bát, em Sương thè lưỡi làm mặt xấu một cái, tôi cười khoan khoái.

Món su hào om xương hôm nay sở dĩ đặc biệt là bởi Bảo Nhi đã tỉ mỉ gọt su hào thành hình trái tim, hình tam giác, hình ngôi sao, còn cà rốt thì hình mặt cười, hình trái tim nho nhỏ. Những ngôi sao cà rốt lang thang trôi trong ngân hà Xương Hầm. Em Sương gọi đó là món “canh bầu trời”, còn tôi đặt tên là “canh tình yêu”. Món canh đã kéo gia đình chúng tôi lại với nhau, và đó cũng là lần cuối cùng gia đình chúng tôi ăn bữa cơm sum vầy cùng ngoại.

Một tuần sau, ngoại tôi ốm nặng. Tôi và Bảo Nhi vội vã đưa ngoại vào viện, tình trạng sức khỏe của ngoại suy giảm nghiêm trọng, tôi gọi điện cho mẹ lòng rối bời. Đi lại ngoài phòng cấp cứu không biết đã bao nhiêu vòng, mẹ và bố tôi cũng đã đến nơi, nhìn thấy vẻ lo lắng của tôi mẹ òa khóc. Ông bác sĩ mặc áo blouse trắng bước ra từ phòng cấp cứu, mẹ lao lại gần nắm lấy tay ông ấy, mếu máo hỏi:

“Bác sĩ, mẹ tôi sao rồi?”

Ông ấy lắc đầu không nói gì cả, Bảo Nhi cũng khóc, tôi ngồi thụp xuống ghế, chết lặng đi. Ông bác sĩ đứng lại một lúc như cảm thông với nỗi đau của chúng tôi, chờ cho mẹ tôi bớt sốc mới rời đi.

“Bà cụ muốn gặp cháu Phong, ai là Phong thì vào đi” Cô y tá mở cửa phòng vội nói.

Tôi không kịp nói gì đã vội và theo vào trong, ngoại nằm bất động trên gường, mái tóc trắng như cước, hai bàn tay khô gầy, tôi ngồi sát xuống gường rơm rớm lệ. Ngoại gượng cười nói:

“Con trai lớn thế rồi mà còn khóc nữa sao?”

Tôi thấy nghẹn ở cổ, nắm lấy chặt lấy tay ngoại:

“Ngoại đừng bỏ con!”

Nước mắt ngoại khẽ trào ra, sáu năm nay ngoại chăm lo cho tôi từng miếng ăn giấc ngủ. Tôi còn chưa kịp báo hiếu ngoại, bầu trời quanh tôi như tối sầm, ngoại khẽ cười an ủi tôi:

“Ai già rồi cũng đến lúc phải chết, chết không có nghĩa là hết, chỉ là ngoại đi trước các cháu một bước, lại chờ cháu ở nơi ấy mà thôi.”

Tôi khẽ gạt lệ, nghẹn ngào không nói thêm được lời nào, ngoại lại tiếp:

“Cháu lớn rồi, cũng đã phân biệt được phải trái. Bố cháu trước đây mắc phải không ít sai lầm, nhưng dù sao cũng vẫn là một người tốt, vì hoàn cảnh đùn đẩy mà ra như vậy. Nay bố cháu đã biết sai mà sửa, cháu không được phép hận bố nghe chưa!”

“Con nhớ rồi thưa ngoại!” Tôi nấc nhẹ.

Ngoại gượng nói:

“Cháu ra gọi mẹ vào đây, ngoại có chuyện riêng muốn nói với mẹ cháu.”

Tôi vâng lời ngoại, lủi thủi bước ra ngoài, mẹ nghe xong vội vã vào phòng với bà ngoại. Tôi quay nhìn ra, thấy bố đang ngồi lặng im bên ghế chờ, màu trắng của đèn hồ quang trên hành lang dường như càng soi rõ nỗi cô đơn trong lòng bố. Tôi bước lại gần, ngồi xuống ghế bên cạnh, khẽ dựa vào vai ông.

Lòng bố khẽ động, lòng tôi cũng động, đã sáu năm rồi tôi không được dựa vào vai bố. Sau buổi bố đưa tôi đến nhà ông bà ngoại, vì ngại gặp ông nên bố rất ít đến, có đến cũng chỉ chốc lát rồi về. Sáu năm trong đống nợ nần ngập đầu, bố tôi dường như đã trầm lắng hẳn đi, tóc cũng bạc ra rất nhiều. Tôi bỗng thấy lo sợ, lo nột ngày nào đó bố cũng rời xa chúng tôi như ông ngoại.

Trong phòng mẹ khóc đỏ cả hai mắt, mẹ khóc từ khi nghe điện thoại của tôi, khóc suốt cả quãng đường đến bệnh viện, đến lúc xuống xe mới gạt vội nước mắt. Vào tới viện, nhìn thấy tôi lại không cầm được nước mắt.

Giọng ngoại vẫn bình tĩnh:

“Bố mẹ sinh được một mình con, số mệnh con người sướng khổ lại do ông trời xếp đặt. Con là đứa hiểu chuyện, việc gia đình mẹ cũng yên tâm. Bố mẹ cả cuộc đời không có gì để lại cho các con, chỉ duy nhất có một căn nhà. Mẹ biết con coi nó là cả một ký ức, nhưng cái quan trọng nhất vẫn là con người, người còn thì của còn. Mẹ đã làm giấy tờ nhà sang tên của con, sau này nếu khó khăn quá cứ bán đi mà trả nợ. Bố con trước lúc mất cũng dặn mẹ như thế, nhưng vì thương thằng Phong còn nhỏ nên chưa đành.”

Mẹ nghẹn ngào khóc, không nói được gì. Dặn dò mẹ xong ngoại tôi ra đi. Cả gia đình tôi chìm vào trong u ám.

Theo lời ngoại, mẹ tôi làm thủ tục hỏa táng, đưa ngoại về an nghỉ gần ông trên nghĩa trang Yên Kỳ.

Hôm đưa tang ngoại trời mưa phùn ảo não, mẹ với em Sương khóc nhiều suốt từ Hà Nội lên đến Yên Kỳ. Bố ở bên cạnh mẹ, suốt buổi lặng im, những nếp nhăn in hằn trên trán bố làm tôi càng thêm đau lòng.

Tôi cầm ô che cho Bảo Nhi, cô ấy khóc đỏ cả hai mắt, dáng gầy mỏng manh đứng trong mưa đầu thu. Thu đến rồi, hoa hoàng lan chưa kịp nở vậy mà ngoại đã bỏ chúng tôi đi. Mưa rơi ướt cả lòng tôi, tôi ngước nhìn trời khẽ nhủ:

“Tạm biệt ngoại!”
***​
Lễ tang của ngoại có nhiều bạn bè của bố và mẹ đến chia buồn, cô Tâm Phương và bác Hùng cũng có mặt. Hai người đứng ở cuối đoàn khách, cô Tâm Phương đứng lặng cả buổi, mấy lần bỏ khăn tay ra lau nước mắt, cuối cùng cô rời đi trước. Bác Hùng nán lại một lát rồi cũng về sau cô Tâm Phương. Mọi người lần lượt về cả, chỉ còn lại tôi, Bảo Nhi, bố mẹ và em Sương đứng lại trong mưa.

Ở ngoài cổng nghĩa trang cô Tâm Phương mặc bộ đồ màu đen, cô đang chờ đón taxi về thành phố. Trời mưa cũng đã tạnh, nắng hé nhạt nhòa. Chiếc Mercedes Bens – C450 AMG màu trắng trang nhã dừng ngay sát bênh cạnh, cô làm vẻ không quan tâm, khóe miệng chỉ khẽ cười.

Kính xe từ từ trôi xuống, một người đàn ông trung niên, vận áo vét caro, đeo cặp kính đen nhãn Oakley Taper ghé nhìn ra, nói một câu có cánh:

“Quý cô, tôi cũng về nội thành, cô có sẵn lòng về cùng tôi không?”

Cô Tâm Phương tủm tỉm cười tháo cặp kính lớn xuống, vẫn đứng im đó không nói. Người đàn ông trung niên kiên nhẫn tiếp:

“Lâu rồi không gặp, em càng ngày càng đẹp!”

Cô Tâm Phương nhìn về phía nghĩa trang, Bảo Nhi con gái cô vẫn chưa ra. Trong mắt cô thoáng vẻ không vui, nhưng hôm nay là một ngày đặc biệt, đã có quá nhiều nỗi buồn ở trong lòng mọi người. Cô quay lại nói với người đàn ông trong xe:

“Anh không định ra mở cửa xe cho em như một người đàn ông ga lăng sao?”

Người đàn ông trung niên khẽ cười, ồ lên một tiếng:

“Phải rồi, anh thật vô tâm quá, xin lỗi em!”

Bác Hùng vội ra khỏi xe, đi sang bên kia mở cửa cho cô Tâm Phương. Chiếc xe bon nhanh trên con đường quê vắng vẻ. Ánh chiều nhạt nhạt, lúa chín vàng óng hai bên đường, vẻ mặt hai người mang hai nỗi buồn khác nhau, mặc nhiên đều không biết bắt đầu câu chuyện như thế nào.

Xe đã về gần đến Hà Nội, không khí náo nhiệt của thành phố ồn ào xua tan nỗi buồn lắng đọng trong lòng họ, cô Tâm Phương mới mỉm cưới nói bóng một câu:

“Lâu không thấy Giám đốc Hùng ghé qua công ty em, dạo này anh bận nhiều công việc nên quên mất bạn cũ rồi!”

Bác Hùng không có phản ứng gì, vẫn chỉ cười chăm chú lái xe băng nhanh qua cầu Thăng Long. Mặt trời chiều khẽ rẽ mây ló ra, tạo thành muôn màu đỏ rực rỡ phía chân trời, tựa như quả cầu lửa đang rớt xuống dưới dòng sông màu hồng đục.

“Dạo này nghe nói em được nhiều sếp lớn quan tâm nâng đỡ, anh sợ anh quan tâm không nổi nữa!” Bác Hùng nhìn gương xe đáp trả.

Sắc mặt cô Tâm Phương có chút thay đổi, nhắc một câu:

“Anh Hùng về sớm vậy chắc là không đành lòng nhìn thấy người đẹp khóc…”

Két… z z z.

Chiếc Mercedes Bens dừng ở giữa cầu, Bác Hùng lặng im không nói gì. Cô Tâm Phương biết mình cũng lỡ lời liền nhìn quanh nói:

“Xe đang ở trên cầu, anh không muốn bị phạt đó chứ?”

Bác Hùng không nói, chầm chậm đạp ga băng về phía thành phố ồn ào.

***
Mùa khai giảng năm đó chúng tôi gác nỗi buồn sang bên cạnh, mỗi sáng tôi thường đón Bảo Nhi đến lớp. Cô Tâm Phương không vui mỗi lần gặp tôi, tôi cũng thầm hiểu trong lòng cô không thích tôi. Tôi và Bảo Nhi vẫn tỏ ra bình thường trước mặt cô, tuy thấy lương tâm cắn rứt vì giấu cô, nhưng tôi vẫn hi vọng một ngày nào đó cô sẽ hiểu cho tình cảm chân thành của hai chúng tôi.

Bà ngoại mất rồi, bố tôi không thể giữ mãi lòng tự trọng, cuộc sống khó khăn với nhiều khoản phải chi trả, bố mẹ và em Sương cuối cùng cũng chuyển về nhà ông bà ngoại ở. Những tưởng rằng sóng gió đã trôi qua với gia đình bé nhỏ của tôi, nhưng hóa ra sóng gió chỉ mới bắt đầu.

Gió lạnh lại về, Hà Nội mùa se lạnh như bức tranh quyến rũ, với mưa bay bay trên phố, với áo gió và son môi muôn màu, với hương hoa sữa thơm nồng và hương hoàng lan thơm ngát ùa về từ trong quá khứ, với một chiều Tây Hồ lộng gió hòa cùng điệu nhạc du dương của nhạc sĩ Phú Quang trong quán café Xưa & Nay trên ven hồ mỗi buổi chúng tôi về:

Em ơi, Hà Nội phố
Ta còn em mùi hoàng lan
Ta còn em mùi hoa sữa
Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ…

Hôm nay Bảo Nhi có buổi học thêm nên tôi về trước để ghé qua chợ mua vài món thức ăn tối cho mẹ. Đường phố heo hút gió đông, sương nhè nhẹ phủ, tôi hướng mặt ra đón gió như được bay về nhà.

Chiếc Mercedes Bens màu trắng đỗ trước cổng, là xe của Bác Hùng, thi thoảng bác vẫn đến nhà tôi chơi. Bác Hùng là bạn học của bố mẹ tôi thời cấp ba, sau lại là bạn học cùng trường với bố tôi thời đại học. Lúc ra trường bố tôi ở lại làm giảng viên, còn bác Hùng ra ngoài làm kinh tế, cuộc sống bon chen nơi thị thành Hà Nội trôi qua mau lắm, thoáng cái đã gần hai chục năm. Bác Hùng xuất thân vốn là một gia đình nghèo ở Hà Nội, nhưng biết vận dụng thời cơ nên chả mấy chốc đã xây dựng được một công ty lớn.

Ba năm trước trong lúc bố tôi đang trật vật xoay sở để trả nợ, hàng ngày sau mỗi giờ dạy học đều phải đến nhà bạn bè, nói khó để vay nóng tiền trả vào những chỗ hết hạn. Cuộc sống với bố tôi dường như đã lâm vào đường cùng quẫn, nếu không có tôi và em Sương làm niềm tin để bố gắng gượng và mẹ một lòng động viên, có lẽ bố đã tìm đến cái chết. Nhưng bạn bè ai vay được thì đã vay cả, không còn nơi nào để xoay sở, căn nhà ở quê cũng đã bán. Bố đã tính đến nước phải trốn nợ đi nơi khác thì đột nhiên bác Hùng xuất hiện. Bác bỏ tiền ra cho bố tôi vay để trả nợ, bác nói không lấy lãi nhưng bố tôi nhất định không chịu, cuối cùng bác Hùng đồng ý lấy bằng tiền lãi tiết kiệm gửi ngân hàng, bố tôi mới đồng ý. Nhưng khoản tiền trên hai tỷ đồng với lãi xuất bằng tiền tiết kiệm thì bố mẹ tôi cũng phải dành dụm, nai lưng hàng tháng mới đủ trả nợ. Dù sao chúng tôi vẫn phải cảm ơn bác ấy, vì khoản tiền của bác mà chúng tôi còn được đoàn tụ như bây giờ.

Tôi đang định vào chào bác Hùng một câu thì phía sau giọng cô Tâm Phương nhẹ nhàng gọi:

“Phong, cô có chuyện muốn nói với cháu!”

Tôi hơi lúng túng, gần đây tôi thường tránh đối diện trược tiếp với cô, tôi sợ cô sẽ ngăn cản chuyện tình cảm của hai chúng tôi. Tôi khẽ quay lại, đành cúi chào cô:

“Con chào cô!”

Cô bước vào trong nhà, tôi lặng lẽ dắt xe theo sau, trống ngực cứ đập liên hồi, chẳng khác nào chàng rể sắp ra mắt bố mẹ vợ lần đầu tiên.

Vào đến trong nhà, cô Tâm Phương vẫn vẻ mặt bình thản hàng ngày, tôi tạm yên tâm. Cô đi rót cho tôi một cốc nước, bảo tôi ngồi xuống ghế đối diên, vẻ mặt cô hơi buồn buồn kể:

“Phong à, cháu chơi với Bảo Nhi nhà cô đã hơn sáu năm chắc cháu cũng biết, Bảo Nhi không có bố…”

Tôi khựng người lại run run nói:

“Cháu…”

Thực tình là chuyện này tôi chưa bao giờ hỏi Bảo Nhi cả, không phải tôi vô tâm mà tôi không muốn thấy Bảo Nhi buồn. Tôi còn chưa nói ra được thành lời, cô Tâm Phương đã tiếp:

“Thực ra không ai là không có bố cả, nhưng bố của nó không xứng đáng là một người bố. Hắn ngoài chuyện rượu chè cờ bạc, đàn đúm gái gú thì chả làm được một việc gì, về nhà còn đánh đập vợ con. Năm Bảo Nhi hai tuổi, cô đã phải bồng nó bỏ trốn lên thành phố này để kiếm sống. Một thân phụ nữ yếu đuối phải vật lộn giữa cái thành phố bạc bẽo này, hàng ngày kiếm sống để nuôi con là vì lý do gì chắc cháu hiểu…?”

Tôi yên lặng cảm thương với nỗi lòng của cô, tôi cũng hiểu một phần lý do vì sao cô lại không thích tôi. Tôi khẽ thu cốc nước trong tay vào lòng, cảm thấy nó nặng trĩu.

“Cô biết cháu là người tốt.” Cô an ủi tôi: “Nhưng tốt không thì không đủ, cái xã hội bây giờ hạnh phúc được xây dựng lên bằng vật chất, bằng địa vị xã hội. Cô chỉ có một mình Bảo Nhi, cô không muốn cả đời nó giống cô, luẩn quẩn trong cái đường cùng của xã hội. Vì thế, cháu hãy tránh xa Bảo Nhi ra một chút!”

Lời nói của cô khiến tôi cảm thấy hụt hẫng vô cùng, như chuẩn bị rơi xuống đáy vực thẳm. Tôi có một chút tự ái, một chút tự ti, một phần mặc cảm và cả một tình yêu lớn với Bảo Nhi. Tôi lấy tất cả sự dũng cảm trong tim mình, cố gắng đứng dậy nói với cô:

“Con biết cô không thích gia đình con, nhưng con xin hứa với cô sẽ cố gắng để Bảo Nhi có một cuộc sống hạnh phúc! Xin cô hãy thương chúng con!”

Cô Tâm Phương có một chút xúc động, nghẹn ngào dừng lại một hồi lâu, cô nhìn tôi, rồi quay ra cửa sổ nói:

“Cô đã nói hết những gì cô cần nói với cháu, vì Bảo Nhi cô xin cháu hãy suy nghĩ! Cô đã lên kế hoạch sẵn cả rồi! Từ mai sẽ có con trai anh bạn cô đến đón Bảo Nhi đi học, cháu không cần phải đưa đón nó nữa.”

Tôi chết đứng ở đó, không khí như cô đặc đến khó thở, ngực tôi nghẹn lại. Tôi biết rõ nếu còn đứng ở đây có thể tôi sẽ khóc, tôi cần phải thể hiện với cô tôi là một người mạnh mẽ, tôi khẽ cúi đầu thưa:

“Con xin phép cô! Con về.”

Cô Tâm Phương không trả lời, tôi âm thầm bước ra ngoài cửa, chân như không dẫm xuống đến đất.

“Lát cô sẽ tự đi đón Bảo Nhi, cháu không cần đến đón nó đâu.” Cô nói với theo.

Tai tôi lúc này như đã ù đi, tôi không trả lời nổi, lặng lẽ dắt xe ra ngoài hè phố. Ánh đèn đang chiếu hắt xuống mặt đường in bóng cây hoàng lan của chúng tôi, tôi khẽ ngước mặt lên, giọt nước mắt khẽ rơi xuống.

Chát…

Kẹt… kẹt…

Cánh cổng sắt bên nhà mở ra, mẹ tiễn bác Hùng ra đến cổng, tôi vội gạt nước mắt cúi xuống giấu đi hai con mắt đỏ hoe.

“Cháu chào bác, con chào mẹ.” Tôi chào hai câu rồi vội dắt xe vào nhà.

Mẹ phát hiện ra tôi có điều gì lạ lạ bèn hỏi:

“Hôm nay con về muộn thế?”

“Hôm nay con có tiết học thêm.” Tôi dừng lại nói dối mẹ, rồi vội vã bỏ lên phòng.

“Hình như thằng bé có chuyện gì!” Bác Hùng nhắc mẹ.

Mẹ thoáng chút lo âu lại cười tươi tắn nói:

“Tuổi thanh niên chúng nó thế, cũng không có gì đáng lo cả.”

Bác Hùng nhìn mẹ, trước lúc lên xe khẽ quay lại nói:

“Hoàng Lan này, thứ sáu này là sinh nhật anh, anh tổ chức ở nhà hàng Dạ Lan, em nhớ đến nhé!”

Mẹ cười:

“Vâng em với nhà em sẽ đến!”

Bác Hùng có vẻ nghiêm trọng nói:

“Không, chỉ mình em đến thôi!”

Mẹ hơi ngạc nhiên hỏi lại:

“Sao lại một mình em!”

“Anh có chuyện riêng muốn nói với em!”

Mẹ hơi thắc mắc còn chưa kịp hỏi, bác Hùng đã lên xe lùi ra ngoài phố. Mẹ quay vào nhà, nhìn thấy túi thức ăn tôi quên trên giỏ xe chỉ khẽ lắc đầu cười.

Tối hôm đó tôi không xuống ăn cơm, chiếc điện thoại bên gối rung lên khe khẽ:

Tin nhắn của Bảo Nhi:

Mẹ đến đón em rồi, anh ăn cơm đi nhé!

Tôi lười nhác bỏ cái điện thoại rồi gục đầu vào gối.

Đêm ấy tôi không mang sách ra ngoài ban công đọc, nhìn qua cửa kính tôi biết Bảo Nhi đứng đó, tà áo bay trong gió ngát hương hoàng lan.

Tôi suy nghĩ rất nhiều về cuộc trò chuyện với cô Tâm Phương ban chiều, nhìn những bức hình của Bảo Nhi trên bàn học, tôi đấu tranh tư tưởng và rồi cũng quyết định. Nắng có thể tắt ở cuối trời, mưa có thể rơi suốt mùa đông, tôi vẫn sẽ bước tới nơi cuối cùng của con đường hạnh phúc này.

Sáng sớm ánh nắng chan hòa soi trong tim tôi, tôi vội vã chuẩn bị mọi thứ, lòng tràn đầy nhiệt huyết tôi chào mẹ dắt xe ra đường.

Đỗ trước mặt tôi, bên dưới tán hoàng lan mọi ngày là một chiếc Jaguar F- Type hai chỗ ngồi mà tôi chỉ thấy trong mơ. Một bạch mã hoàng tử với bộ vest caro sang trọng đang đứng dựa bên mui xe chờ đợi, nhìn hắn tôi thấy tự ti vô cùng. Cửa nhà Bảo Nhi hé mở, cô ấy bước ra cùng mẹ. Vẻ mặt Bảo Nhi rõ ràng là không vui, cô ấy nhìn tôi có vẻ cầu cứu.

Không hiểu vì sao tôi lại cúi xuống, lặng im nổ máy chầm chậm bỏ đi trước. Liếc nhìn lại gương xe, tôi thấy Bảo Nhi tức giận đá cái lốp chiếc siêu xe hai ba cái rồi mới chịu lên xe.

Tôi không biết tôi đang nghĩ gì nữa, ngửa mặt lên hứng gió lạnh bình minh, cứ thế mà băng đi…

 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bên trên