Ở ngôi nhà tranh sập xệ tại một ngôi làng hoang vắng, một thư sinh nghèo vẫn đọc sách trong căn phòng chỉ thắp duy nhất ngọn đèn dầu. Chàng tên là Phong Vân.
Chị nghĩ câu này cần sửa lại. Thay vì giới thiệu nhân vật có vẻ khô khan như thế thì em nên viết câu chữ uyển chuyển hơn.
Chàng nhìn thấy Y mặc xiêm y màu trắng như tuyết, đội cái khăn choàng rách rưới đang đứng ôm thân mình chặt cứng vì rét run và có lẽ Y chuẩn bị ngất. Chàng đỡ vội Y vào phòng, kê cho Y một cái gối rồi lấy mấy cành cây khô cho vào lò sưởi nhóm lên cho lửa cháy to. Nhờ có ánh lửa, chàng mới thấy rõ mặt của Y.
Nàng là một cô gái xinh đẹp có khuôn mặt trái xoan được ôm gọn bởi mái tóc dài bồng bềnh màu đen óng. Hai chân mày của nàng thanh tú với hàng lông mi dài và dầy trông rất đẹp. Gò má nàng đỏ ửng lên như cánh hồng phấn, và nàng đôi môi đỏ căng mộng khiến trái tim chàng bỗng loạn nhịp. Da nàng rất trắng, có phần hơi lạnh vì ở ngoài trời quá lâu.
Từ Y chuyển thành nàng mà không hề có sự liên kết nào dẫn đến sự mắc mứu khó hiểu. Em nên thêm vào câu dẫn hay thay từ Y đi, từ này thường chỉ dành cho nam và nó tạo nên vẻ thù địch không cần thiết.
"Mùi bánh thơm quá, lại còn nóng hổi nữa! Bánh ngon quá! Lần đầu tiên ta được ăn một món ngon như vậy."
"Trời ơi! Xấu hổ quá! Tại sao đúng vào thời điểm như vậy chứ?"
"Ủa? Chàng đang nhìn mình."
"Ủa? Chàng đang đứng trước mặt mình."
Đây là lý do chủ yếu khiến câu truyện trở nên giống truyện cổ tích cho trẻ con. Những đoạn độc thoại nội tâm này là không cần thiết, thông thường chẳng ai nói huỵt toẹt kiểu này cả. Nếu em thấy cần thì nên chuyển nó thành câu dẫn thì tốt hơn. VD:
Nắng ban mai chẳng biết đã rọi vào phòng từ khi nào. Nàng ngáp dài một cái, dụi dụi mắt.
"Mùi gì vậy ta?"
=> Nắng ban mai chẳng biết đã rọi vào phòng từ khi nào. Nàng ngáp dài một cái, đưa tay dụi mắt. Khi đã tỉnh táo hơn thì Viên Nhi nhận ra một mùi hương truyền từ bên ngoài vào.
Đừng liên tục dùng từ "nàng". Việc lặp đi lặp lại này khiến câu truyện giống như chiếc đĩa bị xước ấy.
- Lấy thân báo đáp ta đi. - Chàng đùa.
Viên Nhi đỏ mặt, vội rụt tay lại quay mặt đi.
- Ơ, ta đùa hơi quá à? Xin lỗi nàng.
Cái này chính là rất quá đó. Thư sinh có ăn học thời xưa mà đùa suồng sã kiểu này thì không hợp tý nào.
Chàng vén chiếc khăn phủ trên đầu nàng
Cái này gọi là mạng che mặt hay khăn che mặt.
Phong Vân hỏi tại sao Viên Nhi ở giữa trời tuyết rồi thì đáng ra phải hỏi gia đình nàng ra sao, rồi sao đó chính anh cũng phải nói gì đó về gia đình mình chứ. Chị cảm thấy em quá chú trọng vào câu chuyện tình mà bỏ quên các yếu tố ngoại vi khiến truyện trở nên phi thực tế và hời hợt. Phong Vân là thư sinh lại sống một mình, vậy thì anh lấy cái gì mà mua đồ ăn rồi còn nuôi thêm Viên Nhi? Đã vậy còn nấu đồ ngon nữa chứ!

Chị không thể rà hết nên em tự xem lại nhé!