Truyện ngắn Ký ức tuổi thơ.

china nguyễn

Gà con
Tham gia
8/11/21
Bài viết
1
Gạo
0,0
Tuổi thơ của phần lớn thế hệ 8x đều gắn liền với giếng nước, gốc đa bên lũy tre làng. Tôi nhớ những buổi trưa hè cùng bạn bè rong ruổi khắp chốn từ xóm ra tới cánh đồng làng hái sim, mò cua, ...đó thực sự là ký ức đẹp. Quê hương là bến bờ xa nhớ để neo đậu tâm hồn mình lúc người ta đi xa. Tôi yêu quê hương nơi đó có ông bà, cha mẹ, cả bầu trời tuổi thơ tôi.
Giặc dày xéo quê hương, cha tôi lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của đất nước. Không có tinh thần thép chắc những người lính ấy đã quỵ ngã vì chứng kiến sự man rợ của khmer đỏ: bộ đội thì bị mổ bụng moi gan, dân thì bị bắt trói luộc chín. Trước tình hình giặc hung hăng, đồng đội hao mòn phải rút để bảo toàn lực lượng. Bao nhiêu câu chuyện là bấy nhiêu gian nan mà chỉ những người lính từng tham gia chiến trận mới hiểu hết.
Gian lao nối tiếp gian lao, hết những năm tháng ăn lá rừng uống nước suối, nghe muỗi ngân điệp khúc đêm đêm lại tiếp những tháng năm ăn cơm vắt uống mồ hôi tuôn trên những cánh đồng mùa vụ, cuộc đời cha lắm gian truân. Rời quân ngũ cha trở về tiếp tục trọng trách với gia đình, quê hương.
Nông nghiệp là nguồn thu nhập chính của hầu hết các gia đình trong làng thuở đó. Có những lúc mồ hôi như tắm, bước chân không vững nhưng nhờ những mẩu chuyện hài khiến bao mệt mỏi tan biến, bởi cha hiểu tinh thần quan trọng, như sự lạc quan cần có của một người lính khi ra chiến trận. Lúc làm việc hay thư giãn cha luôn mang tới năng lượng tích cực cho mọi người xung quanh.
Mấy ai biết được người có nét chữ đẹp, làm toán hay lại có một tuổi thơ lam lũ cần mẫn. Tiếc rằng cuộc sống lo toan vất vả, cha chẳng còn thời gian thực hiện hoài bão của bản thân. Người ta sẽ buồn biết nhường nào khi phải đành lòng từ bỏ một con đường đã chọn đề bước qua một ngã rẽ khác.
Lòng yêu nước, sự dũng cảm không tự nhiên có mà được hình thành từ lòng căm thù giặc, ai không yêu sự sống nhưng đối mặt với quân thù là xác định một mất một còn cũng như xác định sẽ chẳng được gì cho riêng mình sau nhũng năm tháng hào hùng ấy.
Cuộc sống không thể làm hài lòng tất cả mọi người bởi đâu đó còn có kẻ ác ghét người lương thiện, giàu có khinh miệt người nghèo, kẻ tiểu nhân ghét người quân tử, “tốt đời đẹp đạo” nhân gian có bao nhiêu người, vậy sao không trân quý quân tử, đãi tốt bạn hiền, tiểu nhân thì lơ đi mà sống, chính mình chứ không ai khác mang lại sư bình an cho bản thân. Cha sống chan hòa cùng với sự đam mê sách, tìm tòi công nghệ thông tin, là thợ điện gia dụng free cho anh em, bà con lối xóm.
Là anh em nhưng bác tôi lại có số phận khác cha, bác tôi tướng mạo thư sinh, học giỏi, nhưng cũng phải gác lại hoài bão vì hai chữ hòa bình. Thời gian tỷ lệ nghịch với thanh xuân, gian khổ, nghèo đói tưởng chừng như đè bẹp ước mơ thế nhưng với bác đó lại là lý do để bác phấn đấu vượt qua nó. Xuất ngũ trở về bác lại đi tiếp con đường còn giang dở. Bà nội tôi kể:
- Nó lúc nào cũng chỉ biết học, bạn bè tới kiếm thì nó mang sách ra sau nhà trốn học tới chiều mới vô. Có lần tôi hỏi bà:
- Bác làm nghề gì bà nhỉ?
- Bữa tao nghe nó nói làm kỹ sư thiết kế, đọc bản vẽ các công trình thủy điện.
- Chú làm nghề gì bà nhỉ!
- Chú mi học đại học quân sự mà cuối cùng… mắt nội rưng rưng, mỗi lần nhắc tới chú là nội lại khóc, nội thương chú mà cũng tiếc cho chú “bỏ lỡ mất một con đường”.
Bốn mươi tuổi ông nội mất bỏ lại bà với bốn người con cùng nỗi lo cơm áo khiến lưng bà ngày một còng. Người lớn kể xưa nội tôi là “hoa khôi”, O tôi cũng giống bà, cao ráo xinh xắn. Dù đã lớn tuổi nhưng nội rất minh mẫn, nội kể chuyện thời bao cấp lúc đó nội còn trẻ, cố nội siêng năng chăm chỉ nên có của ăn, của để lại bị “quy” địa chủ, thu hết tài sản. Chuyện hạn hán cây cối khô héo, lũ tới thì nhà cửa trâu bò trôi hết…cạnh nội tôi như được sống về quá khứ, cái quá khư chỉ có cố can, ông bà tôi, nghe có gì đó rất chua chát.
Nội hay ăn trầu nên sát sân nhà tôi có một hàng cau, không biết hàng cau có từ bao giờ, một loài cây cao, không cành, mọc thẳng, tưởng chừng như yếu ớt lắm. Dẫu bao lần giông bão ngao du làm xiêu đổ cây lá hàng cau lại thêm bẫy nhiêu lần được tập dượt để thân mình dẻo dai hơn. Rồi bao mùa nắng hạn cây cối khô héo vì rễ không tìm thấy nguồn nước, hàng cau vẫn đứng đó sừng sững như thách thức mọi khí trời, nô đùa cùng mây gió, dường như hàng cau cũng biết vai trò của nó. Cây cũng như con người, đôi khi sự kiên cường không được thể hiện ở vẻ bề ngoài.
Tục ăn trầu là thói quen, từ bao giờ đã trở thành nét đẹp văn hóa, sự kết hợp giữa trầu, cau, vôi tạo nên “bộ trang điểm” cho môi thắm má hồng của các cô gái xuân xưa. Nếu hàng cau là thanh xuân của nội thì chiếu cối giã là bạn đồng hành của nội khi mắt mờ, răng yếu. Tôi từng dặn nội:
- Khi nào nội không dùng cối nữa cho cháu nhé!
- Cha mi, tau không có răng mới dùng cối, bay có ăn trầu mô mà xin.
Ngày đó những lúc nội hết cau ăn trầu dù không nói nhưng em tôi (Mèo) lại xung phong leo tít lên ngọn cau chỉ bằng dây chuối xoắn hình số tám.
Thời gian trôi nhanh, tôi rời quê hương khi vừa qua tuổi mười tám, cuộc sống xô bồ nơi phố thị với nỗi lo toan cơm áo, bạc tiền để có cuộc sống ổn hơn sau ngày ra trường khiến tôi có phần vô tâm với chính những người thân yêu của mình.
Về tới sân, Tâm trí vẫn in sâu dáng nội lom khom đi ra, tôi lại nắm tay nội bằng da bằng thịt, được vuốt mái tóc dài óng ả như mây: bà ơi, Cháu lại được về rồi. vẫn nụ cười hiền, vẫn ánh mắt ấy, ánh mắt đã sưởi ấm tôi khi bị cha mẹ mắng, bất giác tôi gọi nội ơi, nội! mọi thứ vẫn im lìm, chỉ còn được nhìn nội qua di ảnh, không khóc nhưng lồng ngực nghe buốt từng cơn. Cái rét ngoài da sao sánh được cái lạnh ở trong tim. Mười năm nội đi rồi, hàng cau cũng không còn nữa, chiếc cối giã còn đó giờ ai ăn trầu nội ơi!
Mẹ tôi, Còn gì tuyệt vời hơn ngày đầu tiên đến trường được diện quần áo mới. Tuy mẹ không là thợ may chuyên nghiệp nhưng những bộ quần áo mẹ may luôn làm hài lòng “những khách hàng nhí” không quá khắt khe, ngày đó tôi học mẹ may được vài món. Heo nhà tôi cũng trốn mẹ may xuyên luôn ngón tay trỏ, may thay chiếc kim không gãy nên chỉ cần sát trùng vài bữa, tất nhiên sau đó thì mẹ cấm không được đứa nào đụng vào máy may khi không có mẹ.
Hình ảnh bàn chân mẹ thoăn thoắt nhịp nhàng cùng với chiếc máy may bên cửa sổ những trưa hè oi bức hay những đêm đông thanh vắng đã in sâu trong tâm trí tôi. Mẹ chỉ có thể tranh thủ may đồ khi thiên hạ đã ngả lưng sau buổi làm đồng mệt rã hoăc khi bóng tối trong lối xóm lần lượt dập tắt những ánh đèn.
Thức khuya nhưng mẹ dậy sớm lắm khi người ta đứng cách nhau vài mét mà không nhận rõ mặt nhau. Tuy vậy, con đường gồ ghề ra đồng, ra nương không thể làm lỗi nhịp bước chân mẹ như thể đôi bạn thân hiểu nhau từng ý nghĩ. Trong mắt tôi lúc đó mẹ thật “phi thường”, nữ công gia chánh, gánh vác luôn việc của nam nhi. Mẹ hiền hòa nhưng không dễ bị ăn hiếp. Xưa Mèo xuống đường chơi bị một chú trong làng đánh, chạy về khóc như mưa, mẹ xuống đánh chú đó một trận tới khi ổng phải xin lỗi mẹ.
Bàn tay mẹ như có phép nhiệm biến khu đất bạc màu, thành một vườn rau xanh mướt. vườn trước mẹ trồng rất nhiều rau: nào cải, dền, khoai lang, dưa leo, đậu cô ve…Một nửa vườn mẹ dành trồng bắp, trái bắp căng tròn thơm dẻo, dễ gây nghiện đối với một đứa ba trăm sáu mươi lăm ngày mới có một lần được ăn bắp mẹ trồng.
Vất vả là thế, nhưng mẹ rất lạc quan, những chậu hoa có bao nhiêu màu sắc là mẹ có bấy nhiêu tình yêu dành cho cây cảnh. Trồng hoa, một thói quen từ lâu của mẹ, những cây cảnh được cắt tỉa cẩn thận theo tầng chỉ để làm vui mắt con cháu. Cũng nhờ vậy sân nhà tôi không tẻ nhạt, đơn điệu mà trở nên sinh động hơn. Mỗi khi trở về, bước vào sân điều đầu tiên là tôi ngắm chúng, những chậu hoa có khoe sắc, những cây cảnh có tươi tốt tôi biết mẹ tôi bình yên.
Mẹ thương ông bà vô bờ bến, biết ông ngoại thích ăn bánh mướt với lòng heo nên bữa đó mẹ mua về chế biến thật kỹ, nêm nếm cẩn thận, thức ăn chín, chưa kịp sắp vào cặp lồng thì con Mực từ cửa sau phi thẳng ra như thiêu thân khiến nồi thức ăn đổ tứ tung, không hề biết lỗi tiếp tục băng cửa trước bắt bằng được con mouse đang cố trốn thoát, vèo cái chúng bay qua hang xóm luôn rồi. Sự việc diễn ra quá nhanh khiến mẹ không kịp trở tay, nhìn mắt mẹ “rơm rớp” tôi biết sáng đó mẹ dậy sớm lắm hái rau gánh ra chợ bán mới có tiền. Người ta nói: Nhìn cách một người đối xử với cha mẹ để biết mức độ tử tế của người đó quả không sai.
Mẹ nói ông lao lực nhiều, hai mươi năm cầm súng, khi pháp rút ông trở về lao động chân tay vì miếng cơm manh áo ở cái tuổi mà lẽ ra phải được an nghỉ tuổi già.Trong nhà ông ngoại treo kính huân chương, có lần tôi hỏi:
- Ông ngoại có nhiều giấy khen quá, lương ông bao nhiêu một tháng ạ?
Ông trầm ngâm:
- có đồng nào đâu con.
Lúc đó tôi ước mình lớn thật nhanh để làm được điều ý nghĩa. Trách mình vô tâm, ngay cả bữa cơm cuối cùng cũng không thể nán lại, ông đã vĩnh viễn giã từ trần thế.
Chiến tranh đã vắt kiệt sức lực, bào mòn thanh xuân ông ngoại thế nhưng cha không truyền mà con phải nối, ông xuất ngũ thì cậu cả tôi nhập ngũ, gia đình có 3 thế hệ cầm súng (cố ngoại tôi là liệt sỹ). Cậu tôi trở về không còn lành lặn, khi chiếc xe đạp cũ cũng phản chủ dắt thôi đã khó nói gì chạy. Chỉ còn một cánh tay, sức khỏe hao mòn thế nhưng cậu tôi vẫn dãi nắng dầm sương đêm về những cơn đau lại tái phát, cũng như ông ngoại, tôi biết rằng cậu tôi đã bị “lãng quên” rồi.
Người ta thường nói, dành cả tuổi thơ để ước mình lớn thật nhanh, rồi lại dành cả quãng đời trưởng thành để mong mình một lần bé lại. Lớn lên từ đồng quê tôi được trải qua những thứ chân chất mà nơi phố thị hiếm khi tìm thấy. Nhà tôi âm thịnh dương suy nhưng cha mẹ không vì thế mà được yên bình.
“Thùy mị” nhất là bé thứ hai(Mèo) vì nó hay trèo cây nên đặt biệt danh là Mèo. Bên trái vườn nhà tôi có một cây đào Tiên, còn gọi là cây lòng gà, loài cây cao, tán rộng, lại rất giòn. Bữa đó tôi đang quét vườn thì bỗng “ình” một trái đào chín vàng xém trúng chân, vừa nhặt lên thì nghe tiếng cười khúc khích của Mèo, ngó lên thấy nó ngồi vắt vẻo trên cây, giọng như chim hót:
- Đào chín nhiều lắm, chị mang cái mủng ra mà hứng.
- Xuống đi, gan quá nha.
Theo phản xạ tôi lùi xa bốn năm bước, bỗng có tiếng “rắc...rắc”, từ phía sau em trai tôi “gừ” một tiếng rõ to cuối cùng là “rầm”! lá cây, bụi đất bay như cuồng phong, trên cây trơ trọi khúc gãy, trước mắt cành đào nằm đó um tùm lá, trái sum suê, nhiều nhánh nhỏ cao gấp đôi người tôi.
- Ủa, Mèo đâu!
Vừa dứt lời, thấy nó ló cái đầu, hai tay dẹp mấy nhánh nhỏ bước ra, vừa lúc đó mẹ trong nhà ra tới hốt hoảng:
- Ôi trời đất ơi, hết chỗ nhởi rồi ak, khổ thật...can chi không?
chưa hoàn hồn nó trả lời mẹ nhưng mắt nhìn mãi cái “trực thăng” vừa công nó xuống:
- Con không can chi mô.
Mẹ giận lắm, lôi nó vô nhà, sẵn bẻ luôn cái roi tre. Lúc này tôi mới bình tĩnh nghĩ lại, khoảnh khắc đó. Với trọng lượng hơn ba chục ký rơi tự do ở độ cao khoảng năm mét một trọng lực không nhỏ đủ gây ra điều tồi tệ, may thay, điểm tiếp đất là cành cây chứ không phải da thịt mèo, hơn nữa cành cây cũng đủ lớn để làm chậm vận tốc rơi, nói như nội tôi “nó có ông bà đỡ” nên phúc nhà không sao. Nghĩ tới đó bỗng thấy khóe mắt cay cay, tự dưng nhà mình đông người dễ sợ, đưa tay quệt vội hàng mi cảm ơn trời đất. Tiếng động mạnh không sao thoát khỏi con mắt tò mò của mấy cô chú hàng xóm.
Sau mèo là (Heo) cũng không ít lần Heo lập “thành tích bất hảo”. Ngày đó, hầu hết nhà nào cũng có ít nhất một cây rơm trong vườn hoăc để cho trâu bò ăn, hay làm mồi nhóm bếp khi đông tới giá rét. Nhà tôi cũng không ngoại lê, Để rơm vàng đẹp thì phải phơi đủ nắng, không để ướt mưa. Bắt đầu mẹ chuẩn bị một thân cây chắc, khâu chuẩn bị đã xong, nhân lực gồm: thợ chính là mẹ, thợ phụ...mẹ luôn và tôi là thợ sai, mẹ kêu gì làm đó.
Bằng cách dồn rơm quanh thân cây được cố định rồi đi vòng tròn cho cây rơm thêm chắc, Cây rơm cao lên nhanh chóng, không đếm được bao nhiêu vòng tròn mẹ phải đi mà chỉ thấy sự mệt mỏi thấm qua từng lời nói và hơi thở, mồ hôi mẹ như tắm, ánh nắng bắt đầu làm rát da mặt, những cơn gió ngang qua trở nên khô và nóng chứ không còn mát dịu như lúc ban mai. Bé Heo vẫn chơi gần đó thỉnh thoảng kêu mẹ ơi, gần xong chưa? Mẹ đói bụng chưa? bẵng đi một lúc không nghe nó gọi, tôi nghĩ nó vào nhà chơi rồi.
Bỗng xa xa cách ba bốn mét có đốm lửa sáng, chưa kịp định hình thì có cơn lốc xoáy bốc luôn đốm sáng bay lên họa thay rơi trúng cây rơm. Cháy, Cháy! Tiếng mẹ như xé tan bầu không khí lặng yên nhưng vì vườn nhà tôi rộng hơn nữa buổi sáng là thời điểm mọi người đi làm nên hàng xóm không có ai phụ giúp. Dùng bao tải dập lửa, không khả quan mẹ chạy vào lấy xô múc nước dội liên tục, tôi phụ mẹ kéo nước dưới giếng lên, sợi dây thừng không mấy mềm mại làm tay bỏng rát, khi tuyệt vọng, như một sự cầu cứu tôi gọi thầm “Ông nội ơi!” đơn giản chỉ để giải tỏa sự bất lực. Trùng hợp, trên đầu bỗng xuất hiện đám mây đen che mát một góc vườn, cũng từ đám mây đó những giọt nước đều đều rơi xuống liên minh những xô nước đầy từ dưới lòng đất đã dập tắt ngọn lửa vô tình. Xô nước cuối cùng me mang thật đầy có vị mặn của mồ hôi, vị nồng cay của khói lửa có cả nước mắt rơi, như trút hết mọi muộn phiền lên cây rơm. Chỉ dặn dò, không đánh mắng hôm đó mẹ hiền hòa đến lạ. Thủ phạm là Heo mang diêm ra nhóm bếp.
Nhóc! cha mẹ mót mãi mới ra được nó, vốn là đứa ngoan đi hỏi về thưa nhưng trẻ con thì hiếu kỳ. Vườn sau nhà tôi ngày xưa cố nội trồng rất nhiều mít, những cụ mít thân cao, tán rộng khã im mát là nơi lý tưởng cho chị e tôi và mấy đứa bạn hàng xóm tụ tập những buổi trưa hè.
Mùa hè năm đó, khi người lớn đã nghỉ trưa, ve sầu mải miết ca “bài ca bất tử” nhóc nhà tôi mò ra vườn sau, tôi đoán tìm bắt ve hay bẻ nhựa mít bẫy chuồn chuồn, tự dưng nó lù lù đi vào với cái đầu mít ướt nhìn vừa tội nghiệp vừa mắc cười:
- Cái gì trên đầu ghê vậy?
Dường như chưa hoàn hồn, nó trả lời giọng run run không đầu không đuôi:
- Mít rớt!
- Có sao không? mà sao trái mít rơi chính xác vậy, hay là đứng căn nãy giờ đó.
Tôi nhìn nó một lượt đầu đến chân, hình như trái mít này bị sâu, hai bàn tay nó vuốt vuốt cái đầu xong xòe ra trước mắt nhìn chăm chăm thứ hỗn hợp khô, uớt, vàng, đen lẫn lộn ấy, miệng lắp bắp:
- Chị, Chị đừng mách mẹ nha.
- Uh, mách cha thôi không mách mẹ đâu.
- Chị ăn kẹo không, e còn một bao luôn.
- Được đấy. Vô gội đầu đi.
Từ đó nhóc chơi corona với cây mít luôn, cứ ra sau vườn là phải nhìn lên cây mít xem có trái nào “căn” nó không.
Cũng mùa hè năm đó nhóc đòi ngồi xe bò chở lúa, lọt xuống gầm, bị bánh xe cán làm mẹ phải bế a chạy bộ cả cây số vào trạm y tế xã vừa chạy vừa khóc nức nở cho tới khi cái tai sắp đứt lìa được khâu lại.
Nhóc nghịch nhưng càng lớn càng biết nghĩ, sống có nguyên tắc, ngoài giờ đi học còn đi mò cua bắt ốc, thậm chí bắt cả rắn bán lấy tiền đóng học phí, nó tuyệt đối không dùng số tiền đó mua áo quần hay chơi bời, cha mẹ cho tiền thì nó kêu còn. Năm đầu sinh viên nó đã biết đi xin việc làm thêm. Ý thức được việc học quan trọng nên nhóc chẳng nghỉ buổi nào, chủ nhật kêu nó ra ngoài thư giãn, nó kêu e còn bài chưa làm, nhiều đêm học tới một hai giờ sáng tôi nằm trên gác thường xuyên phải ghé đầu xuống nhắc:
- Tây ngủ được rồi, mai học tiếp!
Ngày nào cũng code với demo thức mòn người, nhiều lúc cũng tội nghiệp nhóc lắm. Nhờ nỗ lực mà kết quả học không tồi, còn về mách với chị nó: đậu tốt nghiệp chỉ có em với bốn đứa nữa còn lại 30 đứa rớt. Ra trường dù chưa có bằng đã photo bảng điểm đi xin việc, ảnh sợ chờ đợi phí thời gian nữa chứ! Thương dễ sợ.
Chị hai nó, sống đơn giản nhưng có nguyên tắc, có thể quay lưng với thế giới để bảo vệ một người nhưng cũng có thể từ bỏ khi không còn ý nghĩa.
Sống không nên bi lụy, hãy nghĩ rằng nếu cuộc đời mình là một bản trường ca thì người đi qua là nốt nhạc trầm trong bản trường ca đó.
Bạn tử tế với tôi thì tôi chân thành với bạn, dẫu bạn không tử tế với tôi, tôi vẫn tử tế với bạn nhưng chúng ta không là gì cả thế thôi.
 
Bên trên