Ôi, chị Ngân giống em thế, vừa đọc xong hai chương mới của em ý, đang định chỉ cái đoạn "Tôi vỡ lẽ..." kia nè. Thần giao cách cảm ghê ha! Hề.
Chị có ý này, nếu em không chê có thể xem xét:
Thay cụm "Tôi vỡ lẽ" đó thành cụm "Tôi hiểu,..." và sửa một chút ở câu sau kiểu như:
Tôi hiểu, những điều Khải Huy nói đều đúng, không sai. Nhưng hiểu thì hiểu vậy, còn để vượt qua được rào cản của quá khứ lại là chuyện khác. Chỉ có người trong cuộc như tôi mới biết rõ, nỗi ám ảnh đó kinh khủng biết chừng nào, không dám đối diện, chỉ biết lảng tránh một cách ngu ngốc. Và rằng, Khải Huy không phải là người duy nhất an ủi tôi những lời như thế! Nhưng dù ở quá khứ, hiện tại hay về sau, tôi biết rõ chỉ có bản thân mới có thể tự tay tháo gỡ những vướng bận trong lòng.
Khải Huy xoay xoay đĩa bánh quy trên bàn, nhìn gương mặt trầm luân trong suy nghĩ của tôi, liền nở một nụ cười hiền...
Cuối cùng, chị xin được nhận xét một chút về tổng thể.
Thứ nhất, chị thấy cách em đặt tình huống người kể người nghe để giải quyết vấn đề cũng ổn đấy. Bởi muốn nhắc lại quá khứ như một câu chuyện thì cần có dẫn dắt logic và hợp lí hơn cả. Chị hi vọng ở chương sau, đối với câu chuyện của Khải Huy sẽ có gì đó mới và hấp dẫn hơn để níu giữ được bước chân của chị. Hì.
Thứ hai, chị thấy lời kể của em (chính là giọng văn) hơi rối và lan man. Bản thân chị thấy vậy thôi, bởi chị thích ý văn rõ ràng ra. Câu nào câu nấy phải có chức năng thể hiện của nó. Ví dụ, trong một đoạn văn kể, mà câu nào cũng không rõ ràng, ý chồng ý, sắp xếp rối rắm thì truyện sẽ bị mơ hồ, người đọc sẽ khó hiểu được tư tưởng của tác giả muốn nói đến là gì. Mà truyện mơ hồ sẽ mất đi sức hấp dẫn. Ví dụ rõ ràng nhất là đoạn "Tôi vỡ lẽ..." kia của em. Có thời gian em thử đọc lại xem điều em muốn truyền tải ở đây là gì rồi sửa lại "bố cục câu chữ" sao cho phù hợp. Với các đoạn văn khác cũng tương tự. Cái bố cục kiểu rõ ràng là rất rất cần thiết, không chỉ trong một tác phẩm văn học, truyện mà bất cứ lĩnh vực nào cũng cần. Đơn giản như chụp một bức ảnh, ảnh nào bố cục không rõ ràng, rối mắt, chi tiết thừa và không cần thiết quá nhiều, thì bức ảnh đó coi như hỏng, vứt đi, không có giá trị. Trong văn chương cũng vậy, tác giả chúng ta cần nắm rõ tác dụng của ngôn từ, để mỗi một câu viết ra đều phải có ý nghĩa, có tác dụng rõ ràng, tránh lan man, tránh gây mơ hồ, tránh nhầm lẫn... Hề.
Ý kiến của chị đã hết, hi vọng nó có thể giúp em được phần nhỏ nào. Chị rất thích những người biết học hỏi, lắng nghe và thay đổi. Cái tôi cần có, nhưng chỉ ở một mức độ nào đó thôi. Biết lắng nghe, tiếp thu và sửa đổi mới có thể tốt hơn. Càng trẻ tuổi thì càng phải khổ luyện!