Chương 1.2
Hoàng Yên Lam: Quá khứ là lưỡi dao vô hình, nhẹ nhàng đâm vào tim đau nhói
Bản năng ham sống và khát vọng được chết. Là một luận điểm mà Sigmund Freud(1) đã từng trình bày trong quá trình ông phát triển học thuyết phân tâm. Trong đó, theo Freud mỗi cá nhân đều có một mục đích sau cùng của đời sống là sự chết. Từ sâu thẳm, mỗi người có một khát khao vô thức là được chết. Và đây là một bản năng nằm bên phía dưới của bản năng ham sống. Trên thế giới từng có những nhận định tin rằng số người đau khổ luôn nhiều hơn số người hạnh phúc và trong số đó có rất nhiều người không dám trực diện đối mặt với những nỗi đau của chính mình. Và, như thế cái chết vô tình đã hứa hẹn sẽ giải phóng họ thoát khỏi hết thảy những vật lộn và giằng xé trong con người nội tại.
Bị đánh thức bởi tiếng nói của ba cùng với mùi thức ăn thơm phức xộc xạo khắp không gian, tôi mang theo cái đầu nặng trĩu cùng đôi mắt kèm nhem vì ghèn để nhận biết ánh sáng. Thảm hại. Chỉ có thể dùng từ này để hình dung. Cái gạt tàn thuốc bằng pha lê lâu ngày không sử dụng giờ đây đầy những mẩu đầu lọc, cả căn phòng được phủ một lớp mờ mờ của khói thuốc, chúng bám vào tóc, vào áo quần, vào chăn gối. Ly rượu lăn lóc trên chiếc bàn nhỏ đặt nơi đầu giường, mặt bàn còn vương lại dấu vết của rượu bị đổ ra trước đó, giờ chỉ còn một mảng mờ mờ.
Đầu tóc tôi rối mù, áo quần nhăn nhúm và xộc xệch. Nhưng tâm trí của tôi lúc này không để ở đây, trong căn phòng này. Lại một ngày như mọi ngày sau khi tôi thoát khỏi cơn ác mộng đầu óc tôi vẫn mải phiêu du trong cơn mơ.
Mọi thứ như những bức ảnh chụp về lần đầu tiên vội trượt qua đầu tôi. Từng thứ từng thứ lướt đi vội vàng nhưng cái vội vàng ấy cũng đủ để cứa vào tâm trí tôi những vệt sâu hoắm. Lần đầu tiên ba tôi nhập viện trong tình trạng nguy hiểm, lần đầu tiên tôi biết được cuộc đời mình được xây dựng từ hằng hà những dối lừa, lần đầu tiên tôi chính mắt nhìn thấy mẹ mình rưng rức khóc trong vòng tay người đàn ông xa lạ tại nơi chỉ nên thuộc về ba mẹ, lần đầu tiên ba ôm tôi nức nở còn mình cố nuốt những giọt nước mắt cay đắng vào trong, lần ba dạy tôi đốt điếu thuốc đầu tiên trong đời, uống ly rượu đầu tiên trong đời, lần đầu tiên tôi mất đi người tôi tưởng chừng còn quan trọng hơn cả sinh mạng mình. Và còn nhiều, còn nhiều những cái lần đầu tiên như thế nữa...
Sinh ra trong một gia đình với đầy đủ cả ba và mẹ tôi lớn lên mà không hề lo lắng bất kỳ chuyện gì. Ba tôi là một người đàn ông vĩ đại - ít ra trong mắt tôi không ai có thể vĩ đại hơn ông - ngày bé tôi còn từng ghen tị với mẹ mình vì tình cảm ông giành cho bà. Hồi đó tôi chưa biết Freud cũng như cái gì gọi là mặc cảm Oedipe(2) hay phức cảm Electra(3) nhưng giờ ngẫm lại có lẽ hồi đó tôi đã từng như thế thật. Lúc nào cũng quấn lấy ba, chỉ muốn ông yêu thương mình mình, ghen tị với mẹ, thậm chí tôi còn ngây thơ khẳng định rằng “lớn lên con sẽ lấy ba, mẹ không được giành ba với con”.
Lúc ấy ba tôi chẳng nói gì ông chỉ cười lớn rồi nhấc bổng tôi lên và ôm vào lòng. Mẹ tôi cũng rất thương tôi, tôi biết điều đó nhưng đôi lúc ánh mắt bà nhìn tôi làm tôi không thoải mái. Ánh mắt sâu hun hút pha chút tiếc nuối chút bi thương mà một đứa trẻ như tôi không tài nào hiểu nổi nhất là những khi tôi quấn lấy ba hoặc được ông cưng nựng, vậy nên càng ngày tôi càng xa cách mẹ hơn, bà làm cho tôi cảm thấy khó chịu.
Cuộc sống êm đềm tươi đẹp mãi cho đến khi tôi mười sáu tuổi. Ngày đó ba tôi bị tai nạn trong một đợt diễn tập quân sự, do sự bất cẩn của cấp dưới. Ba tôi đã phải bất chấp sự an toàn của chính mình để cứu người này. Rất nặng, mất nhiều máu. Đó là những gì tôi còn nhớ được. Những thuật ngữ y học phức tạp và lời giải thích của bác sĩ trôi tuột qua tai của tôi không còn đọng lại một ti tí gì. Sợ hãi và hoang mang là cảm giác của tôi lúc bấy giờ. Tôi thậm chí còn không thể điều khiển được cơ thể hay suy nghĩ của chính mình.
Tôi lao đến bệnh viện và bắt gặp khuôn mặt đẫm nước của mẹ, lúc này tôi vừa trở về sau một tuần tập huấn của Nhạc viện Thành phố, tôi tự nhủ “Bình tĩnh, không được khóc”. Tôi vừa nhẩm đi nhẩm lại câu này trong đầu vừa cố hết sức lấy lại khả năng điều khiển thân thể. Cơ thể mẹ tôi mềm nhũn dựa hoàn toàn vào tôi. Sự bình tĩnh giả tạo đối lập với nội tâm hoang mang của tôi không ngờ lại đánh lừa được khá nhiều người.
Vị bác sĩ từ nãy đến giờ vẫn đang luyên thuyên với hàng lô hàng lốc những thuật ngữ y học lúc này mới quay trở lại vấn đề chính. Tóm lại ba tôi bị thương rất nặng nhưng vẫn có khả năng xử lí được chỉ có điều rằng ông bị mất máu trầm trọng, thêm vào đó nhóm máu của ông loại là O RH(-) một nhóm máu hiếm mà kho máu dự trữ của bệnh viện không còn đủ số lượng cần thiết nên người nhà phải tiếp thêm máu. Tất cả chỉ có thế rất đơn giản mà cũng rất phức tạp. Lúc đó thực sự tôi đã dùng ánh mắt thù hận để nhìn vị bác sĩ nọ.
Mọi chuyện sẽ chẳng có gì nếu không có sự phản đối gay gắt từ phía mẹ và sự cố chấp của tôi. Lúc đó tôi không có nhiều thời gian để chần chừ mạng sống của ba tôi đang leo lét như ngọn đèn trước gió cả nhà tôi chỉ có mỗi mình tôi có đủ khả năng giúp ông, vậy mà mẹ tôi lại một mực ngăn cản. Thậm chí bà còn đưa ra hàng đống lý do hoàn toàn vô lý và ngớ ngẩn chỉ để ngăn cản tôi cứu sống ba mình. Lần đầu tiên trong suốt từ khi sinh ra tôi cảm thấy giận bà xa lạ, cũng là lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy nghi ngờ về cái gọi là tình yêu, tình cảm vợ chồng. Còn bây giờ khi nhiều chuyện đã qua tôi cảm thấy hận và ghê tởm bà ta.
Gạt tay bà, tôi nhanh chóng theo y tá vào phòng xét nghiệm để làm thủ tục. Trước khi cánh cửa phòng xét nghiệm đóng lại tôi còn nghe đâu đó tiếng nấc nghẹn ngào của mẹ, ánh mắt sợ hãi của bà ám ảnh tôi. Và, chỉ ít lâu sau tôi đã lý giải được thái độ khi ấy của bà. Tất chỉ đều rành rành theo từng con chữ. Kết quả xét nghiệm cho thấy tôi không cùng nhóm máu với ba mình. Trong khi ông là nhóm máu O còn mẹ tôi là A thì nhóm máu của tôi lại là AB. Hoàn toàn không phù hợp. Hoàn toàn không phù hợp.
Tại sao? Tôi tự hỏi chính mình. Hình ảnh ba tôi nằm thoi thóp trong phòng cấp cứu, cả người được quấn băng trắng toát, máu thấm qua từng lớp băng làm chúng dần được nhuộm đỏ in sâu vào tâm trí tôi. Rồi cả sự sợ hãi, hoảng hốt, cùng đau thương của mẹ cũng quay lại dày vò tôi. Vì sao? Chuyện gì đang xảy ra? Tôi là ai? Tôi từ đâu đến. Mọi thứ cứ xoay vần, xoay vần quấn lấy tâm trí tôi. Khụy xuống trước cửa phòng cấp cứu tôi gào khóc trong thinh lặng mặc kệ ánh mắt thương hại và ngần ngại của những người xung quanh.
Tôi không biết mình mất bao nhiêu nước mắt, mãi cho đến khi có một người đồng nghiệp của ba tới báo cho tôi biết ông đã được tiếp máu kịp thời, cơn nguy hiểm đã qua và đang được bác sĩ theo dõi trong phòng hồi sức. Mãi đến lúc ấy tôi mới thôi nghẹn ngào dù nước mắt vẫn rơi không ngừng. Nhưng cũng bắt đầu từ khi đó cuộc sống của tôi đổi thay khôn lường, chuỗi ngày tăm tối cứ từ đó mà tăng như dãy Fibonacci vô hạn, thấy điểm bắt đầu mà không có điểm kết thúc.
Từng bí mật được lật giở. Quá khứ ùa về, hiện tại bủa vây còn tương lai chỉ là một mảng mờ tối không rõ trắng, không rõ đen. Vô định. Lạc loài.
Ba tôi nằm viện ba tháng, tròn ba tháng tôi như con thoi chạy qua chạy lại giữa trường học, nhà và bệnh viện. Cũng chính giai đoạn này tôi từ bỏ cơ hội duy nhất theo đuổi tương lai âm nhạc của mình. Từ bỏ Violin, từ bỏ Nhạc viện, từ bỏ Vienna. Nhưng suốt ba tháng này tôi tuyệt nhiên không hề nhắc về chuyện trước đó đã xảy ra với mẹ. Cả bà và tôi – cả hai chúng tôi dường như đều đang tránh mặt nhau. Tôi nhận ra ánh mắt u uất của bà. Cũng lại nhận thấy sự đau thương xen lẫn ngại ngùng lẩn khuất đâu đó nơi đáy mắt bà.
Đêm cuối cùng ở viện – sau nhiều ngày dài im lặng và đấu tranh – ba ôm tôi và nói lời xin lỗi. Ông nói dù có thế nào tôi vẫn là con gái ông, chỉ của ông, không gì có thể thay đổi được. Từng giọt nước mắt của người đàn ông mái tóc đã pha sương lăn dài xuống má tôi, từng giọt, từng giọt thấm vào thân thể tôi, bỏng rãy, mặn chát. Tôi ước gì mình có thể thay đổi được nhiều chuyện, quá khứ, những chuyện đã qua, đã xảy ra. Tôi tức giận, hổ thẹn, ba tôi ông làm gì nên lỗi cơ chứ? Nước mắt bắt đầu chảy tôi lại mất kiểm soát với tuyến lệ của chính mình. Đêm đó ông ôm tôi ngủ thật sau, thật an ổn. Một giấc ngủ bình yên đến lạ, bình yên nhất trong ba tháng vừa qua. Trước khi chính mình chìm vào giấc ngủ tôi tự nhủ “Quên đi”.
Sáng hôm sau tôi rời bệnh viện từ khi còn tờ mờ, đèn đường còn chưa tắt. Người bảo vệ đã quá quen mặt tôi nên nhanh chóng mở cửa. Định bụng về nhà chuẩn bị sách vở và bữa sáng cho ba rồi mới đến trường. Nhưng có một bất ngờ khác đang đợi chờ tôi ở phía trước. Một bất ngờ khủng khiếp.
Một chiếc Mercedes màu đen được đỗ cách nhà tôi không xa, thời điểm đó – khi mà bầu trời đang dần chuyển mình, vạn vật còn đang níu kéo màn đêm – tôi đã ngây thơ cho rằng đó là của một người hàng xóm nào đó trong khu nhà mình. Rón rén bước vào trong nhà như kẻ trộm, tôi không muốn đánh thức mẹ. Hơn ai hết tôi hiểu suốt nhiều tháng vừa qua bà cũng chưa từng có một ngày thảnh thơi, giấc ngủ trọn vẹn có lẽ là điều duy nhất tôi có thể làm cho bà lúc này.
Nhà cửa trở nên lạnh lẽo hơn bình thương, thằng em tôi đã qua nhà dì ở tạm từ trước nên trong nhà giờ chỉ còn mình mẹ. Không gian tĩnh lặng, lặng đến độ tôi có thể nghe rõ mồn một tiếng kẽo két của loài mọt đang gặm nhắm từng thớ gỗ xưa cũ. Khoan đã, còn có một thứ âm thanh, rất nhỏ, nỉ nỏn, rưng rức. Từng sợi lông tơ trên người tôi bắt đầu dựng đứng hết cả lên. Tôi theo đạo thiên chúa như mẹ, những đứa trẻ như tôi từ nhỏ đã không tin vào chuyện ma quỷ nhưng không có nghĩa là chúng tôi không sợ.
Lấy hết can đảm tôi tiến thêm vài bước thanh âm nỉ non to dần, to dần. Là tiếng khóc, tôi tự nhủ là tiếng mẹ khóc. Xen với tiếng khóc là tiếng thở đều đều. Lúc này đây tôi đã đứng trước cửa phòng ngủ của bà, cửa không đóng hẳn chỉ khép lại chỗ trống vừa đủ để một kẻ tọc mạch có thể ghé mắt vào quan sát những gì diễn ra bên trong. Và, trong tình cảnh này kẻ tọc mạch nọ chính là tôi. Một thoáng chần chừ, tôi không biết mình đang sợ điều gì, mà có lẽ biết chỉ là bản thân không dám thừa nhận.
Một lần nữa tôi gom góp chút dũng khí ít ỏi còn sót lại, đưa một mắt nhòm qua khe cửa hẹp. Ánh đèn ngủ vàng vọt hắt ra từ phòng ngủ vừa đủ để tôi quan sát những chuyện đang diễn ra bên trong.
Đập vào mắt tôi là một cảnh tượng khủng khiếp, khủng khiếp ít nhất đối với tôi. Mà mãi nhiều năm sau này những gì tôi thấy được vào đêm hôm ấy vẫn quay ngược trở lại ám ảnh tôi trong những cơn mơ. Trong căn nhà của ba, trong phòng ngủ của ba, trên chính tại chiếc giường của ba. Mẹ tôi để trần nửa thân trên – cả cơ thể bà ánh lên nhàn nhạt dưới ánh đèn, thân thể bà được ba bọc bởi một dáng người cao to, một người đàn ông. Nước mắt của mẹ lăn dài trên vòm ngực người đàn ông nọ.
Dường như trước đó đã xảy ra một cuộc hoan ái mãnh liệt. Áo quần cả hai người vặn xoắn vương vãi khắp nơi trên sàn nhà. Mồ hôi bết lại trên cơ thể hai người. Giờ đây căn phòng ngập tràn tiếng thút thít của mẹ tôi. Bà khóc, bà khóc vì cái gì cơ chứ, đáng lý ra tôi mới là người phải khóc. Không. Không đúng, tôi cũng không có cái quyền được khóc, người khóc phải là ba tôi mới đúng.
Tôi muốn bỏ chạy nhưng không thể. Cơ thể tôi lúc này không còn nghe sự sai khiến của đầu óc nữa rồi. Tôi lại nhớ ra hôm nay là ngày kỷ niệm ngày cưới của ba mẹ, tôi muốn xông vào trong nhưng không dám. Xông vào? Tôi sẽ làm gì? Sẽ nói gì? Sẽ phản ứng ra sao? Đầu óc dần trở nên trống rỗng trắng xóa, một giây phút tôi quên cả việc phải thở. Mọi thứ trở nên tối dần, tối dần đến mức tôi không còn phân biệt nổi đâu là bóng tối đâu là ánh sáng nơi căn phòng hắt ra. Tiếng mẹ tôi nỉ non “ Em phải làm sao bây giờ? Con bé biết chuyện rồi anh ơi”.
Sau hồi nỉ non ấy là tiếng nấc nghẹn ngào của bà, dạ dày tôi cuộc thắt cảm giác buồn nôn ập tới, mãi nhiều năm về sau khi nói chuyện với mẹ tôi cũng không ngăn nổi cơn buồn nôn. “Em yên tâm đi. Con bé sẽ hiểu cho em mà, dù sao nó cũng là con của em”. Giọng ông ta trầm thấp, vang vang trong căn phòng vàng vọt sặc mùi nhục dục. “Nó cũng là con của anh mà…” Lời của mẹ như sét đánh ngang tai, tôi không cách nào có thể nghe tiếp câu chuyện của hai người tai tôi ù lên hết cả, mọi âm thanh trở nên hỗn loạn, rối reng.
Tôi lao thẳng ra ngoài mà không va phải bất kỳ thứ gì, thậm chí tôi không thể phân biệt rằng mình có nhìn thấy hay chưa, nghe thấy hay chưa? Tâm trí tôi là một mảng mờ vô định.
Tôi đi thẳng vào núi – ngọn núi phía trước nhà, nơi tôi thường dùng để tập đàn khi không muốn bị ai làm phiền – thay vì đến lớp. Đốt hết cả bao thuốc to. Lần đầu tiên tôi biết hút thuốc là ba dạy tôi, cả ly rượu đầu tiên tôi uống cũng là uống với ba. Ngày đó ông bảo “Thứ ba có thể cho con chỉ có tình yêu, sự tự tin và bản lĩnh, ba dạy con hút thuốc uống rượu vì đôi lúc trên đời này có những chuyện không phải muốn quên là quên được, muốn không đau là không đau được, ba chỉ cần con hứa với ba một chuyện dù làm gì cũng cần phải tỉnh táo, biết mình là ai và mình đang làm gì. Hiểu không?”
Đó chính là một trong rất nhiều lần tôi và ông nói chuyện thẳng thắn với nhau. Có lẽ ba tôi đã biết trước sẽ có ngày hôm nay nên ông giúp tôi chuẩn bị chăng?
Lần đầu tiên tôi hút nhiều đến thế, cũng là lần đầu tiên tôi lờ đi cảnh báo của ba. Đầu óc tôi mờ đi vì khói thuốc, nicotine thấm vào từng noron thần kinh xoa dịu, làm tê liệt chúng. Tôi thầm ước giá như có thể thay hết toàn bộ máu trong người, tôi sẽ không ngần ngại dù phải trả bất cứ giá nào. Tôi muốn xóa sạch cái dòng giống nhơ nhớp đang tuôn trào trong huyết quản mình. Tôi bắt đầu rơi nước mắt.
Trở về nhà khi đã xế chiều, mọi thứ trở về bình thường, căn nhà trở về trạng thái gọn gàng sạch sẽ như nó vốn dĩ nhưng ở đâu đó tôi vẫn cảm thấy sự nhơ nhớp bẩn thỉu lẩn khuất trong không khí. Tắm rửa sạch sẽ và cố hết sức tẩy sạch mùi khói thuốc bám dính vào cơ thể, tôi vào viện với ba. Lúc này, mẹ tôi đã ngồi cạnh giường ba tự bao giờ nhưng thái độ lạnh nhạt đến lạ. Có vẻ bà muốn ngửa bài. Ván bài này ba tôi chơi không nổi nữa rồi vậy thì để tôi chơi với bà ta vậy.
Buổi tối, chỉ tôi và mẹ trở về có lẽ ba muốn bà và tôi thẳng thắn một lần với nhau. Tôi chủ động gọi bà đến nói chuyện, chúng tôi ngồi đối diện nhau trong phòng bếp, ánh sáng nhờ nhờ của chiếc đèn huỳnh quang soi rọi căn phòng, vài con thiêu thân lao vào nguồn sáng, rồi rớt xuống bàn vì bị sức nóng thiêu rụi.
Lúc tôi đang đếm tới con thiêu thân thứ tám mươi lăm thì mẹ tôi cũng vừa kịp kết thúc bài diễn văn của bà, bài diễn văn mà tôi không biết bao nhiêu phần trong đó là sự thật, thay vào đó là những giọt được mắt từ từ lăn dài trên má. Tôi cũng không ngần ngại kết thúc màn khóc lóc thảm thiết ấy bằng một câu cộc lốc. “Đêm qua, tôi đã thấy ông ta, có cả ảnh làm bằng chứng”. Bà sững người, im bặt, đáy mắt lộ rõ sự đớn đau. Thật sự tôi cũng không biết mình có chụp ảnh lại. Tất cả những điều tôi làm lúc đó chính bản thân tôi còn không ý thức được. Cũng may lúc ở bệnh viện tôi có mở ảnh thằng em ra cho ba xem chứ không thật sự tôi cũng không biết đến sự tồn tại của chúng. “Chuyện li hôn là không thể, bà cũng không được qua lại với ông ta nữa, nếu chuyện này lộ ra thì bà đợi hậu quả đi, tôi nói được làm được”. Bà gầm lên trong tức giận, trạng thái tĩnh lặng bị đập tan. “Cô dám, dù sao ông ta cũng là…” “Cũng là cái quái gì? Bà đừng khích tôi, tôi đã hỏi ông ngoại rồi, bà đừng quên tôi là người thừa kế của ông ngoại, chỉ cần tôi muốn cả bà và ông ta không chết ngay thì cũng lao đao”. Tôi hét lên, ánh mắt trở nên sắc lạnh, mẹ tôi im bặt bà không thể ngờ ông ngoại lại xuất hiện. Ngày xưa ông ngăn cản mẹ được thì giờ ông cũng có cách để xử lý bọn họ. Tôi tin chắc thế.
Bỏ lại người mẹ không biết đáng thương hay đáng tội, tôi lao ra khỏi nhà, để đến bệnh viện với ba. Tôi tìm thấy ông khi ông đang hút thuốc ở sân thượng, nụ cười yếu ớt, khóe mắt hơi ướt. Ông chìa một điếu thuốc về phía tôi rồi châm lửa. Đêm đen thẫm, lạnh ngắt, cái lạnh của sương giá dịp cuối năm, tiếng gió, tiếng thì thầm của màn đêm, tiếng trở mình của cây cối hòa quyện vào đêm tạo nên sự tĩnh lặng lạ thường, lặng đến mức tôi có thể nghe rõ mồn một tiếng cháy của đốm lửa theo sau từng hơi thuốc rít vào. Còn chúng tôi – tôi và ba – chỉ lặng lẽ hút hết điếu này đến điếu khác mà không nói một lời.
Một đoạn quá khứ đau thương cứ được lặp đi lặp lại trong mỗi cơn mơ. Đã nhiều năm rồi tôi vẫn cố duy trì một lớp vỏ bọc vì ba, vì em và trên hết là vì sự vị kỷ của chính mình. Khi bắt đầu vào đại học tôi chuyển hẳn lên Thành phố sống, không còn thường xuyên về nhà nữa. Quả thực nếu không có các cuộc gọi của ba tôi cũng không còn tha thiết gì trở về cái nơi gọi là nhà mà chẳng phải nhà này nữa. Những lần đi đi về về diễn ra chóng vánh. Mẹ tôi không nói gì, chỉ là ánh nhìn của bà giàn cho tôi ngày càng u uẩn, mờ mịt. Ba tôi thì vẫn vậy, vẫn yêu thương, vẫn bao dung, vẫn bảo bọc cho cả tôi và bà. Tình yêu của ông làm tôi ngây ngất.
Nếu không phải do cuộc gọi của ông ta có lẽ tôi cũng không nhớ lại những chuyện vốn dĩ đã được chôn sâu vào tận đáy lòng, những chuyện tôi chẳng muốn hồi tưởng dù rằng chính mình chưa một ngày quên đi. Đứa nhỏ bị bệnh – đứa con trai độc đinh của ông ta với bà vợ hợp pháp – tan máu bẩm sinh. Đã không dưới một lần ông ta đề nghị nhận được sự giúp đỡ từ phía tôi. Ông ta đề nghị tôi làm xét nghiệm, tôi vui vẻ nhận lời đến khi cầm chắc kết quả thích hợp hiến tủy trong tay tôi mới thẳng thừng từ chối ông ta. Tôi muốn cho ông ta nếm trải một chút cảm giác mất mát, đau thương, bất lực mà tôi cùng ba đã phải trải qua.
Mỗi lần nhớ đến chuyện này tôi lại cười nụ cười thương xót kèm hả hê. Thương xót cho thân phận của chính mình, cho sự hi sinh của ba và cho cả sự đoản mệnh của đứa nhỏ. Nhưng chỉ có thế tôi vẫn không nhận lời giúp ông ta. Tôi chẳng có lý do gì giúp đỡ cho kẻ thù của mình cả. Đêm qua ba không về, tôi biết chứ. Đã nhiều năm rồi ông chọn cách thà cô độc trong phòng trực ở cơ quan còn hơn là trở về nhà để phải đối mặt với sự u uẩn của mẹ tôi. Phải chăng cuộc hôn nhân của họ đã đến lúc kết thúc? Phải chăng gia đình này đã nên tan vỡ. Phải chăng tôi nên đặt dấu chấm hết tròn chĩnh cho cả câu chuyện này? Tôi tự hỏi chính mình.
(1) Sigmund Freud : Nhà phân tâm học người Áo. Ông là cha đẻ của học thuyết phân tâm gây nhiều tranh cãi.
(2) (3) : Là hai mặc cảm ra đời cùng với thuyết phân tâm của Freud. Được gọi tên theo hai nhân vật trong thần thoại Hi Lạp. Có thể hiểu đơn giản hai mặc cảm này xuất hiện khi đứa bé trai/gái giành quá nhiều tình yêu cho mẹ/cha của mình và ghen tị với người còn lại.