LỤA
Tác phẩm của Alessandro Barico, tiểu thuyết gia người Ý, bản gốc dài 91 trang và bản chuyển ngữ tiếng Việt dài 162 trang. Bản gốc đã được xuất bản ở Ý năm 1996 và được dịch ra 17 thứ tiếng kể cả tiếng Việt.
Dịch giả: Tố Châu
NXB liên kết: Văn học và Nhã Nam
Giá bìa: 26.000 VND
Số trang: 162
Kích thước: 12 x 20 cm
Ngày phát hành: 2007
Lụa là một tác phẩm ngắn, khá ngắn với rất ít trường đoạn đối thoại nhưng vẫn làm tôi rất ngạc nhiên vì khối lượng cảm xúc được chuyển tải qua đây, những câu chuyện được kể ra, những tâm tư được trình bày, những chuyện tình được bộc lộ – dịu dàng và ám ảnh, hư ảo.
Tôi nghĩ ở đây tôi không cần tóm tắt câu chuyện, bất cứ bạn nào đọc bài này thì cũng có thể chỉ với một cú nhấp chuột, gõ vài dòng trên thanh công cụ tìm kiếm thì sẽ có được trước mắt mình những dòng tóm tắt nội dung của Lụa, và cả những câu bình luận khen ngợi câu khách cho Lụa, như:
- “Một câu chuyện tình yêu vừa trữ tình vừa mê hoặc, một hư cấu lịch sử trọn vẹn, một tiểu sử thi cô đặc về lòng người trong cơn khủng hoảng” – Allan Cheuse, All Thing Considered.
- “Lụa là một lựa-chọn-mua-hoàn-hảo… Một cuốn sách của những ý tưởng và hình ảnh gây sửng sốt” – Obsserver.
Với tôi, Lụa với những dòng cảm xúc nó mang đến cũng êm mượt, dịu dàng và ve vuốt như bản chất vật lý của tên gọi vậy. Seta (tiếng Ý) nghe cũng êm ái gợi tình như Lụa (tiếng Việt) vậy. Nó là những cảm xúc ám ảnh của Herve Joncour trước người phụ nữ Nhật – người thiếp của Hara Kei – mang gương mặt của một thiếu nữ và đôi mắt “… mắt nàng không hề có vẻ Đông Phương, và chúng nhìn anh đăm đăm đến sững sờ, như thể là trước đó mắt nàng không làm việc gì khác ngoài nhìn đau đáu vào anh ngay cả dưới làn mi nhắm…”. Có những nỗi ám ảnh không thể gọi tên ra, nhưng chỉ với những ngôn từ văn xuôi, Alessandro Barico đã viết ra, gọi lên, rất lớn nữa là khác, những nỗi ám ảnh ấy - vẫn còn ở trạng thái thu hút, bấp bênh, hoang mang, như trong cái cách Herve Joncour “… Anh cầm tách trà và xoay nó như thể anh muốn ngắm nó, như thể anh muốn tìm cái gì đó trên sợi màu trang trí mép chén. Khi đã tìm thấy, anh đặt môi trên đó và uống cạn…”, anh muốn đặt môi lên tách trà ngay đúng vị trí mà người phụ nữ ấy đã đặt môi.
Nỗi ám ảnh ấy vẫn bám theo anh cho đến lần quay lại Nhật thứ hai, anh vẫn thắc mắc cô là ai mà lại có một gương mặt thiếu nữ và một đôi mắt không Phương Đông. Anh đã đợi trước nhà của Hara Kei, đã đắm chìm trong nhục cảm “…Nước mơn man êm như dầu chảy. Và quanh anh im lặng lạ thường. Anh cảm thấy một lớp lụa mỏng sa xuống người anh. Và bàn tay đàn bà vữa lau lên người, vừa ve vuốt thân anh, khắp thân anh. Cả cái bàn tay ấy, cả cái thứ the mỏng manh dệt nên từ hư vô ấy. Anh không cựa quậy chút nào, kể cả khi anh cảm thấy bàn tay ấy lướt dọc vai anh tới cổ và các ngón tay – là ngón tay nàng hay là lụa trên tay nàng đây – mơn man trên môi anh, vuốt qua một lần, thật chậm và biến mất…”
Nỗi ám ảnh ấy dẫn anh quay lại Nhật lần thứ ba, không phải vì tương lai của anh, của gia đình anh, của toàn bộ Lavilledieu nữa, mà vì nàng, vì câu nói trong mảnh giấy viết bằng mực Tàu mà nàng nhét vào tay anh: “Hãy quay lại, nếu không em sẽ chết”…
Rất rất nhiều những ngôn ngữ chuyển tải hình ảnh, những xúc cảm không được gọi tên. Những câu ngắn, những hành động diễn ra nhanh chóng nhưng ẩn chứa bao cuộc đấu tranh nội tâm trong con người Herve. Chỉ một ánh mắt nàng, anh về nhà và định hình trong đầu một khu vườn xinh đẹp cho vợ, chỉ một câu nhắn của nàng và câu nói nhắc tới nước Nhật của một thương gia người Ba Lan, anh ngắm vợ lúc trời còn chưa bình minh và nói: “Anh mãi mãi yêu em”. Đó là những trạng thái đối lập khi Herve ngoại tình, dẫu chỉ ngoại tình tư tưởng…
Lụa chính là dải tơ mềm mại, len lỏi trong những xúc cảm của tôi về cuộc hôn nhân dịu dàng của Herve và Helene, và nỗi u sầu tuyệt vọng trong tình cảnh ngoại tình tư tưởng của Herve. Anh đã làm tình với cô gái mà nàng dẫn đến, với những quan tâm ve vuốt say đắm khi tư tưởng anh nghĩ rằng “… Trong bóng tối, yêu nàng đã không là gì, mà không yêu nàng cũng không có nghĩa gì…”. Những nỗi tuyệt vọng u sầu đó, nuôi dưỡng cũng như giết mòn tâm hồn anh:
“… - Tôi thậm chí còn chưa được nghe giọng nàng nói.
Và một lát sau:
- Nỗi đau thật lạ lùng.
Thật nhẹ nhàng anh thêm:
- Chết vì nỗi nhớ một điều gì đó mà tôi chưa từng được biết đến bao giờ.”
Chỉ với một ánh mắt và gương mặt ám ảnh, anh đã nhớ đến tuyệt vọng. Chi tiết “gương mặt thiếu nữ và đôi mắt không phải Phương Đông” được lặp lại khá nhiều lần trong tác phẩm một cách tinh tế để khẳng định điều đó.
Lụa cũng chính là nỗi thủy chung bền bỉ của Helene – vợ anh. Một nỗi thủy chung nhất quán, dịu dàng mà ràng buộc, nhẫn nhịn và đầy yêu thương. Cô đã băn khoăn, đã nghi ngờ, đã chờ đợi, đã đau khổ; và rồi cô đã tha thứ cho anh, giải thoát cho anh khỏi nỗi nhớ khắc khoải vô vọng với người phụ nữ có gương mặt thiếu nữ và đôi mắt không có vẻ gì là mắt Phương Đông bằng một lá thư mang danh người phụ nữ ấy, giải thoát cho chồng cô khỏi những ẩn ức tình dục, nói lên tâm tư và tình yêu vô bờ của chính cô dưới danh nghĩa của người phụ nữ ấy; rồi ba năm sau cô chết. Nhưng cô đã có anh, trọn vẹn, trong ba năm cuối đó của mình…
Lụa, như tôi đã đề cập ở trên, là một tác phẩm ngắn. Nhưng những dòng cảm xúc, những tình tiết, câu chuyện được kể ra không hề ngắn. Những chuyện tình đẹp, gợi cảm, đau buồn, tuyệt vọng và tan vỡ… tất cả đều được kể ra ở đây, với ngôn từ trữ tình, giàu hình ảnh.
Tôi vẫn có thể viết thêm được nữa, vì những cảm nhận của tôi vẫn tràn đầy ở đây, nhưng mục đích của những tác phẩm viết ra là để được đọc, được cảm nhận, và được chia sẻ; thì tại sao khi bạn đọc đến dòng cuối này rồi bạn không tắt màn hình này đi và tìm đọc Lụa? Nhớ đừng lật trang và bỏ qua đoạn nào, bạn sẽ thấy Lụa mềm mại và đẹp đẽ, huyền ảo biết bao.
Chỉnh sửa lần cuối: