Tình yêu Mùa lúa trổ đòng - Cập nhật - Umio

Umio

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/1/14
Bài viết
207
Gạo
1.240,0
MÙA LÚA TRỔ ĐÒNG

Thương tặng câu chuyện này cho Thóc.
Tác giả: Umio
Tình trạng: Đang sáng tác
Thể loại: Tình cảm, Đời thường, Thôn quê
Bối cảnh: Làng quê Bắc Bộ thời kỳ Pháp thuộc (trước Cách mạng tháng Tám năm 1945)
Độ dài: Cập nhật
Cảnh báo độ tuổi: Không

Giới thiệu


… Thầy còn bảo, thầy cũng hi vọng với cái tên ấy, mùa nào đi qua đời Lúa cũng là mùa lúa trổ đòng, có khói lam chiều tỏa ra từ mái bếp, có rơm vàng óng chất trong sân nhà, có nụ cười má lúm đậu trên gương mặt tròn trĩnh của Lúa.

Năm mười bốn tuổi, nó vân vê vạt áo tự hỏi, anh Đông có chăng cũng là một mùa lúa trổ đòng ngang qua đời nó? Để nó mỗi lần nghe câu thơ anh ngâm nồng ấm và bình dị, lại xao xuyến ngẩn ngơ đến lạ.


“Nhà nàng ở cạnh nhà tôi,
Cách nhau cái dậu mùng tơi xanh rờn…”*

*Hai câu đầu bài thơ “Cô hàng xóm” của Nguyễn Bính
Mục lục
01. Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
02. Bí mật của thằng Thóc

03. Ma
04. Cậu Trinh
05. “Không chồng mà chửa”

06. Đám cưới tháng cô hồn
07. Những ngày u ám
08. Hôm qua em đi tỉnh về
09. Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều
10. ...
...
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Lạc Tâm Vũ An

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
4/2/14
Bài viết
762
Gạo
259,0
Mình chờ đợi truyện này của bạn. Đọc phần giới thiệu thôi đã có cảm giác muốn đọc rồi.
 

Umio

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/1/14
Bài viết
207
Gạo
1.240,0
01. Nhà nàng ở cạnh nhà tôi

Trời hẵng còn lờ mờ tối, mặt trời chưa ló khỏi ngọn tre đầu làng. Râm ran ngoài ngõ vài tiếng chó sủa những người đi làm đồng sớm. Cái Lúa nhón chân lách mình khỏi tấm liếp, cẩn thận lẻn ra ngoài sân như một con mèo nhỏ. Nó vớ ngay lấy cái chổi dựng ở đầu nhà, cần mẫn quét tước qua một lượt. Xong xuôi đâu đấy, nó mới thong thả rảo bước về phía bếp, khẽ thổi phù phù vào đống trấu và bổi[1] mới giấm[2] tối qua, lửa vừa nhen nó đã nhanh tay bắc ngay ấm nước đặt lên bếp.

Tí nữa nước sôi, cái Lúa tranh thủ hãm một tích vối cho anh Thỉnh uống sau bữa cơm sáng. Anh Thỉnh nghiện vối hơn là nước chè, mà cái Lúa chừng đâu cũng cùng chung cái thú ấy với anh, thế nên mới có chuyện trời chưa rõ mặt người, nó đã tót vào bếp đun nước.

Cái Lúa ngỏng cổ sang bờ giậu nhà hàng xóm, mặt trời lưng lửng ngọn tre mới nghe thấy tiếng lạch cạch từ bên ấy.

- Đông ơi Đông, nhanh cái chân lên kẻo lại muộn!

- Vâng u đợi con tí, con sắp xong rồi đây.

Tiếng chân chạy bình bịch trên nền đất, tiếng dội nước ào ào bên sân nhà ấy vọng sang mái bếp nhà Lúa. Phỏng chừng cái anh con trai vừa cất tiếng đáp kia đang mải mốt rửa ráy chân tay.

- Nhà nàng ở cạnh nhà tôi,

Cách nhau cái giậu mùng tơi xanh rờn…
[3]

Sáng nào như sáng nấy, anh Đông – con trai bác Bính hàng xóm cũng vừa rửa mặt vừa nghêu ngao mấy câu thơ tình nghe rất đỗi bình dị, xao xuyến.

Cái Lúa dậy sớm để đun nước hãm vối, và cũng để chờ đợi khoảnh khắc êm dịu ấy của mỗi buổi tinh mơ.

Nó thơ thẩn nhìn nồi gang đặt trên bếp lửa đang nổ lép bép, lắng tai nghe cái giọng quen thuộc và nhịp chân vững chãi của anh Đông xa dần rồi mất hút trong tiếng gà gáy muộn.

Chẳng mấy chốc ở buồng trong nhà cái Lúa cũng vang lên tiếng khóc ngằn ngặt của trẻ con, tiếng người cáu gắt và tiếng bước chân nặng nề rảo bước. Ấy là lúc anh chị nó đã thức dậy.

Thầy u[4] Lúa có cả thảy bốn người con: chị Loan đã đi lấy chồng, cái Lúa là gái nhớn thứ hai trong nhà, sau nó còn hai thằng em trai: cu Toản lên bảy và cu Mít vừa tròn bốn tuổi. Mới đầu tháng Giêng năm ngoái, u nó sinh được một gái, nhưng sinh non, đứa em chưa kịp nhìn thấy mặt của cái Lúa mất.

Hồi cái Lúa còn để tóc trái đào, nó nhớ có lần thầy đặt nó ngồi ngay ngắn trên đùi thầy, rồi vừa âu yếm vuốt má nó vừa thủ thủ cắt nghĩa cái tên Lúa. Thầy bảo, năm u đẻ nó trời làm bão lớn, mùa lúa mất trắng, hoa màu vụ ấy cũng tan hoang cả. Cái Lúa được sinh ra vừa là lộc trời ban nhưng vừa là gánh nặng đè lên mái nhà vốn xác xơ.

Thầy còn bảo, thầy cũng hi vọng với cái tên ấy, mùa nào đi qua đời Lúa cũng là mùa lúa trổ đòng, có khói lam chiều tỏa ra từ mái bếp, có rơm vàng óng chất trong sân nhà, có nụ cười má lúm đậu trên gương mặt tròn trĩnh của Lúa.

Vụ gặt năm nay chị Loan nhà Lúa ở cữ lần đầu, ngặt nỗi bên đằng nội neo người, anh Thỉnh cũng phải đi làm quần quật cả ngày để nuôi đủ ba miệng ăn. Thế là cái Lúa bị u đuổi sang nhà anh chị ở xóm trên, vừa trông nom cu Mùi vừa cơm nước đỡ đần cho chị Loan. Thỉnh thoảng ham chơi, nó ngủ luôn lại nhà chị.

Mặc dù lấy cớ là sợ ma, không dám đi sớm về khuya thế thôi chứ cái Lúa biết tỏng trong bụng mình, ấy là nó muốn sáng sớm mai còn được nghe giọng anh Đông ở cách một bờ giậu ngâm nga hai câu thơ cũ rích. Nó thấy thẹn và như là thinh thích… Nhà anh và nhà chị Loan dẫu chẳng cách cái giậu mùng tơi xanh rờn nhưng cũng chỉ giáp nhau một bờ tường thấp lè tè. Cái “nàng” hàng xóm ngày ngày dỏng tai nghe anh vu vơ dăm ba câu thơ lại không phải nó thì chẳng nhẽ là chị Loan!

Cái Lúa chống cằm ngẫm nghĩ, ừ, có khi nào hai câu thơ ấy là anh đọc cho nó nghe không nhỉ? Nhưng… anh Đông còn chưa cả nói chuyện với nó cơ mà, thế thì làm sao anh biết đường ngâm thơ cho nó nghe?

Lòng cái Lúa rối như tơ vò, nhiều lúc bế em mà nghĩ thẩn nghĩ thơ đến nỗi bị anh Thỉnh cốc đầu mắng là “bà cụ non”! Nhưng nó nào dám đem chuyện ấy tâm sự với chị Loan, mặc dù ngày chị còn ở nhà, tối nào hai chị em cũng nằm trong màn rủ rì rù rì chán chê mới lăn ra ngủ. Không phải vì chị nó bận bịu hơn trước mà bởi cái Lúa bây giờ đã lớn rồi, đã thành “cô thiếu nữ” trong lời trêu chọc của thầy u. Nó bắt đầu biết thẹn thùng và suy nghĩ vẩn vơ. Thêm nữa chị Loan mà biết nó tơ tưởng anh Đông thì thể nào chị cũng chạy về nhà mách u cho mà xem. Bởi nhẽ, u ghét anh Đông lắm lắm.

Cái Lúa chỉ biết lờ mờ chứ không hiểu rõ ngọn ngành đầu đuôi, nghe đâu ngày xưa bác Bính trai kiên quyết lấy bác Bính gái, đến nỗi cãi lời cha mẹ, phá ngang đính ước với u nó. Thầy ở sát vách nhà ngoại, rõ là thương u mười mươi mà không dám ngỏ lời, mãi về sau chẳng có mối nào trong làng dám rước u làm dâu nữa thì thầy mới lẽn bẽn đem giầu cau sang hỏi u về.

Bởi lẽ ấy mà u giận nhà bác Bính lắm, giận lây sang cả anh Đông chẳng có tội tình gì. U chống nạnh dạy cái Lúa rằng thì là:

- Thương ai thì thương, lấy ai thì lấy, u chẳng cấm cản gì mày! Nhưng chớ có dây dưa với nhà thằng Đông nghe chưa con!

U đã phán thế, cái Lúa có mười lá gan cũng chẳng dám trái lời. Ai bảo nó sinh ra đã là con u, anh Đông sinh ra đã là con bác Bính! Ai bảo nhà anh lại sát vách nhà chị gái nó…

Thế nên Lúa chỉ dám giấu nhẹm những tương tư đầu đời trong lòng, chỉ biết mỗi sớm tinh mơ mặt trời còn chưa ló khỏi ngọn tre đầu làng, nó đã lẻn ra ngoài bếp ngỏng cổ chờ người con trai ở bên kia bờ giậu vừa dội nước vừa ngâm nga những câu thơ tình ngỡ như dành riêng cho nó.

Cái Lúa đồ rằng, chỉ cần như thế thôi là nó đã mãn nguyện lắm rồi.

*

* *

- Cái gì đây hở chị?

Đương lúc nghịch ngợm cái hòm chứa đồ của chị Loan, tay Lúa rớ phải bìa một cuốn sổ cũ đã bám đầy bụi. Chị nó khẽ mân mê quyển sổ với ánh mắt mơ màng.

- Hồi xưa anh Thỉnh đi học mót thơ của người ta rồi nguệch ngoạc mấy dòng vào đây, ngâm đi ngâm lại cho thật thuộc mới đem qua “tán” chị đó!

Cái Lúa che miệng cười khúc khích làm cho cu Mùi đang ngủ say trên võng cũng cựa mình ọ ẹ mấy tiếng. Chị Loan cốc vào đầu nó một cái đau điếng, rồi tựa như nhớ lại những kỉ niệm một thời, chị bỗng cất tiếng ngâm nga.

- Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,

Một người chín nhớ mười thương một người…
[5]



- U ới!

Cái Lúa giật nảy mình vì tiếng lạch cạch mở cổng vọng sang từ bên nhà hàng xóm. Nó vội buông đôi đũa cả, nhảy tót ra ngoài sân nghe ngóng.

- Bác Chín biếu nhà mình mớ tép ngon lắm u ạ, đây này, u xem…

- Úi giời, sao lấy của bác ấy làm gì!

- Bác ấy cứ giúi vào tay con thì biết làm sao? Thôi, u hẵng cứ ngồi nghỉ đi, để con thổi ào nồi cơm một cái.

- Ừ thế cũng được, tao tranh thủ sang nhà con Thơm xem nó ốm đau thế nào…

Tiếng trò chuyện nhỏ dần rồi bị ngắt quãng bởi tiếng mở cổng loảng xoảng, xem chừng chỉ còn mỗi anh Đông ở nhà. Cái Lúa vờ vịt tóm lấy cái chổi dựng trên đầu hiên, hết lượn ra lại lượn vào bên bờ giậu. Cuối cùng, lấy hết sức bình sinh, nó run run đọc hai câu thơ đã nằm lòng.

- Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông

Một người chín nhớ mười thương một người.
[5]

Bỗng Lúa giật bắn mình khi nghe thấy cái giọng vẫn hay ngâm nga thơ tình kia vang lên bên tai:

- Ô, Lúa đấy hả em? Lúa cũng thích đọc thơ giống anh à?

Cái đầu của anh Đông thập thò bên hiên giậu, anh hấp háy mắt cười nhìn Lúa với vẻ hiền lành. Nó lúng ta lúng túng như gà mắc tóc, hai tay vặn vẹo lấy cán chổi một cách khổ sở.

Đợi mãi mà không thấy Lúa đáp nhời, anh Đông có vẻ hơi ngượng, khuôn mặt hiền hiền của anh thoáng đỏ lên. Chắc phỏng anh đang nghĩ cái Lúa cũng giống như u nó, ghét cay ghét đắng cả nhà anh.

Nhanh như cắt, cái đầu ngó nghiêng của anh Đông mất hút khỏi bờ giậu trước ánh mắt hốt hoảng đầy tiếc rẻ của Lúa. Nó giận mình lắm, đến một câu chào anh mà cũng không dám thốt ra nữa.

- Lúa, bắt lấy này!

Đương khi cái Lúa vẫn ngẩn ngơ nhìn bờ tường thấp lè tè, anh Đông bỗng ló đầu sang cười với con bé, tay anh cầm một củ khoai nướng huơ huơ về phía trước. Lúa vội vàng vứt cái chổi đấy để chạy lại bên bờ tường, nhanh nhẹn đón lấy củ khoai nóng rẫy từ tay anh. Xong nó lí nha lí nhí nói:

- Em cám ơn anh ạ.

Anh Đông cười “hì” một tiếng, đôi mắt tít cả lại nom ngồ ngộ.

- Bao giờ có dịp, anh em mình đọc thơ cho nhau nghe nhé! Thôi Lúa quét sân tiếp đi, anh vào thổi cơm đây.

Anh Đông thoắt cái đã trèo khỏi bờ giậu, nhịp chân vững chãi của anh xa dần xa dần rồi tắt hẳn. Với gương mặt đỏ ửng như gấc chín, cái Lúa vội lỉnh vào trong bếp, vừa trông nồi canh cua vừa tỉ mẩn bóc vỏ củ khoai lang nướng.

Khuya lắc khuya lơ đêm hôm ấy, cái Lúa trằn trọc mãi trên giường mà không sao ngủ được, nó cứ mải mê mường tượng lại cuộc trò chuyện tình cờ ban chiều rồi bụm miệng cười lích rích trong màn. Hóa ra anh Đông cũng để ý đến nó, cũng biết cả tên nó kia đấy. Hóa ra, bấy lâu nay đâu phải chỉ riêng mình nó ôm ấp tương tư khờ dại...

Ở phía bên kia của căn buồng, tiếng hát ru ời của chị Loan vẫn vang lên da diết, xao xuyến lạ lùng.

“À ơi, à ời…

Nhớ ai bổi hổi bồi hồi

Như đứng đống lửa, như ngồi đống rơm,

À ơi…”
[6]

____________
Chú thích:

[1] bổi: vụn rơm (theo cách nói dân dã).

[2] Thời xưa, giữ lửa bằng cách xin mồi lửa rồi ủ trấu và rơm qua đêm. Cách làm này được gọi là dấm hoặc giấm (mình được nghe kể lại, chứ thực tình không biết từ này viết thế nào T^T).

[3] Trích trong bài thơ Cô hàng xóm - Nguyễn Bính.

[4] thầy u: cha mẹ (theo cách nói dân dã).

[5] Trích trong bài thơ Tương Tư – Nguyễn Bính.

[6] Trích Ca dao Việt Nam.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Umio

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/1/14
Bài viết
207
Gạo
1.240,0
02. Bí mật của thằng Thóc

View attachment 38581
Trời làm một cơn mưa to.

Cái Lúa ngồi bó gối trước đầu hè[1], hai tay chống cằm mơ màng nhìn nước nhỏ tong tong từng giọt xuống cái sân gạch trước nhà.

Thằng cu Mùi hẵng còn ngủ mê mệt ở buồng trong, còn chị Loan nó đã chạy sang nhà hàng xóm từ chiều sớm, chắc là dứt cơn mưa mới về. Chỉ có một mình đương lúc trời mưa, chẳng chạy nhảy đi chơi đâu được, cái Lúa đâm buồn ngẩn ngơ.

Gió từ ngoài vườn thổi thốc vào mặt nó từng cơn mát rượi. Trong làn không khí lành lạnh, nó nghe cả mùi đất nứt nẻ lâu ngày gặp mưa rào ngày hạ bốc lên ngai ngái.

Cái Lúa không thích những ngày nắng oi nồng, nắng đâu mà nắng khiếp quá, hơi nóng từ dưới mặt đất cứ phả liên hồi vào tận mặt còn mồ hôi thì thấm đẫm lưng áo. Ngày xưa cái Lúa chỉ thích những ngày mưa rào thật to, nó tìm thấy niềm vui trong những lần cùng đám trẻ con trong xóm ùa ra giếng Đá đầu làng tắm mưa, tắm chán chúng lại hùa nhau kéo từng gàu nước giếng mát lạnh và để mặc nước giếng hòa cùng nước mưa xối ào ào trên đầu trên cổ.

Thế nhưng từ ngày thầy u cấm Lúa không được nô nghịch cùng đám trẻ ranh ấy nữa thì nó cũng chẳng còn ưa những buổi mưa rào mùa hạ. Cái Lúa không tìm thấy niềm vui mỗi khi quẩn quanh bên hiên nhà, rứt từng cọng lá tre rồi ngồi nhìn chúng băng băng xuôi theo dòng.

Ấy vậy mà chiều nay, “niềm vui” bất ngờ tìm đường đến với nó. Thoạt đầu, “niềm vui” thình lình ló đầu khỏi bờ tường thấp lè tè và cất giọng rủ rê:

- Lúa ơi, đi tắm mưa không em?

Hóa ra “niềm vui” có hình hài của anh Đông hàng xóm.

Đã mấy bận từ sau lần vô tình nói chuyện kia, anh Đông thi thoảng lại lựa lúc chị Loan vắng nhà hay bận bịu với cu Mùi để đu mình bên bờ tường gạch, vu vơ bắt chuyện với cái Lúa. Lần nào anh cũng gọi một tiếng “em” nghe ngọt lịm. Để cái Lúa lại bắt gặp mình đứng ngẩn ngơ giữa sân, lòng xao xuyến bồi hồi.

- Đi tắm mưa không em? - Đợi mãi không thấy cái Lúa nhúc nhích, anh Đông thấp thỏm lặp lại câu hỏi.

- Em... Em lớn rồi, u em dặn con gái lớn không được tắm mưa... nhất là, nhất là với tụi con trai...

Nửa câu sau nó nói nhỏ xíu như tiếng muỗi kêu, nó ngờ rằng đến chính bản thân nó cũng không nghe ra mình vừa thốt lên câu gì giữa những tiếng mưa rơi lộp bộp.

- Lớn rồi cũng tắm mưa được chứ sao em! - Anh Đông gãi đầu gãi tai cười, dường như uy danh của u cái Lúa cũng không làm anh chùn bước. - Đi đi rồi anh chỉ cho Lúa xem ổ chim bách thanh mới nở, nom ngộ lắm!

Anh Đông là chúa... khờ! Anh không hiểu được tụi con gái khi lớn lên có gì khác so với hồi còn nhỏ, thế nên anh vẫn cứ vô tư rủ cái Lúa đi tắm mưa chung, còn bày ra bao nhiêu trò nghịch ngợm hòng hấp dẫn nó.

Thật may cho anh là cái Lúa lại chúa... ham chơi! Nghe anh Đông rủ rê một hồi, trong lòng nó đã xiêu xiêu. Nó nhủ thầm trong bụng, ờ, thằng cu Mùi thì hãy còn đang ngủ mệt trong kia, chị Loan thì chắc cũng sắp về, chạy ra đằng kia một tí cũng có sao đâu. Nhất lại là tắm mưa, bắt trứng chim - với anh Đông, cái người mà nó vẫn nhong nhóng mong chờ suốt nhiều tháng nay.

Nghĩ đến đó là cái Lúa gật đầu ngay tắp lự. Nó khép cổng, quày quả đi theo anh Đông. Đi tới vườn nhà ông Sấu thì trời ngớt dần, chỉ còn vài giọt nước mưa đọng lại trên tàng cây nhỏ tong tong xuống đất.

- Sắp đến chưa anh Đông?

Cái Lúa bỗng thấy hơi ngài ngại, áo quần ngấm nước mưa trở nên ướt nhẹp, dính sát vào người. Anh Đông chẳng ý tứ gì, thi thoảng vẫn cứ hồn nhiên quay đầu qua bắt chuyện với cái Lúa. Nó đâm sượng sùng chẳng biết giấu đầu đi đâu, đành hỏi một câu vu vơ để khỏa lấp sự ngại ngùng của mình.

Anh Đông lại tưởng cái Lúa “cả thèm chóng chán” nên vội vàng huơ tay nói:

- Tới cái ao kia là đến rồi em!

Nói rồi, anh bỗng nhiên nắm chặt lấy tay nó kéo đi. Đầu không ngoảnh lại, anh tiếp:

- Đi cẩn thận nhé Lúa, chỗ này toàn là bụi gai không, bị chích vào người là đau lắm đấy.

Nhìn vành tai đỏ lựng của anh Đông từ phía sau, cái Lúa ngượng nghịu vịn lấy vai anh dọ dẫm đi giữa đám bụi gai. Trên đầu nó, vòm lá che kín bầu trời chỉ có vài vệt nắng mới lên rớt lốm đốm xuống tóc xuống cổ. Đám chim sẻ nâu, chìa vôi lích rích chuyền cành giữa tàng lá xanh um.

- Nhìn này Lúa!

Anh Đông nhẹ nhàng vạch lá để chừa ra một khoảng không gian nhỏ, mặt anh sáng bừng như trẻ con được quà. Cái Lúa hơi nghến cổ nhìn theo hướng tay anh chỉ thì phát hiện ra một cái ổ chim lót bằng rêu, lá cây và cành củi khô, nằm ngay ngắn giữa đám bụi gai mọc tua tủa. Trong tổ có năm con chim non đang há mỏ kêu chiêm chiếp.

- Chim bách thanh mới nở đấy, có lần anh vô tình tìm thấy ổ của chúng ở đây.

Anh Đông cúi đầu thì thầm vào tai cái Lúa như thể anh sợ sẽ làm bọn chim non trong tổ giật mình. Tim đập thình thịch trong lồng ngực Lúa, nó giả vờ đưa mắt liếc nhìn lên cao để xua đi nỗi bồi hồi đang ngày càng dâng ngập.

- Ối! Ghê quá!

Cái Lúa giật bắn mình khi tia nhìn của nó chạm phải xác đám châu chấu, cào cào xuyên qua những cành gai nhọn hoắt, phơi mình ra nắng. Có cả xác một con thạch sùng dài hơn ngón tay người lớn, nằm xám xịt và khô queo giữa lùm cây.

- “Thành quả” của chim bố mẹ đấy! - Anh Đông nhẹ nhàng mỉm cười trấn an nó. - Chim bách thanh có tập tính giữ lại xác con mồi mà. Nhiều người gọi nó là loài chim đồ tể cũng đúng em nhỉ?

- Eo ôi, tên chúng hay mà chúng chẳng dễ thương chút nào hết!

Nhìn gương mặt bí xị của cái Lúa, anh Đông lại bật cười thành tiếng. Hai anh em đang rôm rả bàn tán về bọn chim chóc thì cái Lúa bỗng nhiên thấy đám lá khô dưới chân chuyển động lao xao. Nó chưa kịp định hình thì một cái đầu nhỏ, dài đã phóng phốc lên như một mũi lao xé gió.

Cái Lúa hét lên một tiếng bải hải[2]:

- Anh Đông! Có rắn!

Anh Đông nhanh như cắt nắm chặt lấy tay cái Lúa lôi nó chạy một mạch. Ra đến đường làng, hai anh em ôm bụng thở hồng hộc. Mặt cái Lúa cắt không còn giọt máu.

- Nó không đuổi theo nữa đâu em. - Anh Đông dịu dàng đặt tay lên vai nó trấn an. - Chắc là rắn nước từ dưới ao bò lên đấy, không phải rắn độc đâu.

Nó lo lắng ngước nhìn anh:

- Ngộ nhỡ... nó tấn công tổ chim non thì sao hở anh?

- Không sao đâu! Loài chim bách thanh này săn cả rắn đấy, em không cần lo cho chúng!

Ngần ngừ một lát, cái Lúa cũng yên lòng theo anh Đông trở về nhà. Suốt cả quãng đường về, trong lòng nó cứ tiếc rẻ vẩn vơ một điều gì đó mà chính bản thân nó cũng không hiểu nữa.

Để tránh “tai mắt” của chị Loan, cái Lúa trở vào nhà trước, còn anh Đông vòng theo đường tắt về nhà bằng lối cửa sau.

Cái Lúa không ngờ rằng khi nó vừa bước chân vào sân thì đã thấy chị Loan nó bế cu Mùi đứng đó chờ sẵn.

- Trời mưa gió mà mày bỏ đi đâu vậy Lúa? Có biết thằng Mùi nằm khóc ngằn ngặt trong võng không hả?

Cái Lúa giật thót mình, nó đứng như trời trồng giữa sân, nhăn nhó mãi mới ấp úng được một câu:

- Em chạy sang chơi với... cái Na chứ đâu!

Nó cứ tưởng lôi cái Na ra thì chị Loan sẽ tin ngay, bởi nó với cái Na nhà ông Vừ chơi thân với nhau từ tấm bé. Ai ngờ chị chẳng những chẳng tin gì sất mà còn hùng hồn đưa ra bằng chứng để vạch trần lời nói dối trắng trợn của nó:

- Đừng có dối! Cái Na sang chơi nhà chị Thơm cả buổi nay với tao chứ đâu!

Lúc nghe chị Loan nói thế, thực tình cái Lúa muốn òa khóc ngay quá. Nó có ngờ đâu người bạn gái thân thiết lại vô tình... phản bội sau lưng nó thế! Cái Lúa không khóc ngay lúc đó là bởi vì có một giọng nói đột ngột vang lên sau lưng nó, khiến cho cả hai chị em đều giật nảy mình.

- Chị Lúa đi nghịch mưa với em đó chị Loan!

Thằng Thóc từ đâu bất thình lình chui ra, đứng ngay bên cạnh cái Lúa. Nó nhìn gương mặt nửa tin nửa ngờ của chị Loan, vọt miệng thêm hai câu nữa:

- Chị Lúa sợ bị mắng vì trốn đi chơi nên mới nói dối vậy thôi à! Em núp sau gờ tường kia, nghe thấy hết ráo.

Chị Loan nghe vậy chỉ nạt: “Lần sau đừng có bỏ nhà bỏ cửa đi chơi nữa nghe chưa!” rồi bỏ vào trong nhà. Cái Lúa không ngờ nó “thoát nạn” nhanh thế, và nó gần như ngay lập tức quay sang chĩa tia nhìn vào kẻ vừa mới giúp nó trốn tội.

Thằng Thóc, chẳng cần cái Lúa mở miệng truy hỏi, đã nhanh nhảu nói:

- Em nhìn thấy hết rồi, thấy chị đi chơi với anh Đông nhà bác Bính! Nhưng em không kể cho ai nghe đâu, vì em cần chị giúp và chị cũng vậy.

Nghe thằng bé nói huỵch toẹt, cái Lúa đâm ngượng sống sượng[3]. Nhưng nó cũng không nén nổi tò mò:

- Ý mày là sao?

Thằng Thóc cẩn thận liếc ngang liếc dọc rồi mới chụm miệng vào tai cái Lúa thì thầm, nom hai đứa nó chẳng khác nào đang bàn bạc chuyện quốc gia đại sự.

Và tiết lộ của thằng Thóc khiến Lúa sửng sốt tới mức suýt trượt chân ngã ngửa.

- Chị Nguyệt ở xóm em đang cưa cẩm anh Đông của chị đấy! Nhưng chị đừng lo, em đã có kế hoạch để phá ngang hai người họ rồi.

- Tại... sao? Tại sao phải phá?

Nhìn vẻ mặt ngờ nghệch của cái Lúa, thằng Thóc chỉ nhăn nhó chép miệng một cái:

- Vì chị thích anh Đông còn em thì thích chị Nguyệt, chứ sao nữa!
________
Chú thích:

[1] hè: dải nền ở trước hoặc quanh nhà (tương đương với hiên nhà).

[2] bải hải (phương ngữ): (tiếng kêu la) to và thất thanh.

[3] sống sượng: thiếu sự nhuần nhuyễn, thiếu tự nhiên.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Umio

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/1/14
Bài viết
207
Gạo
1.240,0
03. Ma
ma.jpg

Đầu làng Sỏi có một cây đa trăm tuổi, ngụ dưới gốc cây bề thế ấy là cái miếu cổ thờ Hoàng thành làng. Khoảng đất trống bé cỏn con là nơi đám trẻ vẫn thường lê la tụ tập chơi quay, chơi đánh đáo mỗi độ Tết về. Thế nhưng khi bóng tối len xuống dày đặc tán cây đa sừng sững, sân chơi náo nhiệt của bọn trẻ lại trở thành một thế giới khác, âm u, huyền bí và đáng sợ. Không biết đã có bao nhiêu truyền thuyết đồn thổi khắp làng Sỏi về cái chốn “âm dương gặp gỡ” đó.
Cái Lúa từng được mấy chị lớn trong xóm rỉ tai những chuyện ma quái sởn gai ốc. Nó sợ nhất là chuyện hồi xửa hồi xưa có cô thiếu nữ chửa hoang bị làng phạt vạ, tủi nhục quá mới nhảy từ trên ngọn đa xuống chết tươi. Linh hồn cô gái mang nhiều uất hận nơi trần thế nên không thể siêu thoát, đêm đêm tìm về gốc đa để hại người yếu bóng vía. Nghe đâu cô gái ấy ngã lộn cổ mà chết nên hồn ma chỏng ngược đầu xuống đất, kẻ nào xấu số đi ngang qua gốc đa lúc đêm hôm khuya khoắt thể nào cũng nghe thấy mấy tiếng bịch, bịch, bịch.

- Đó là tiếng cái đầu của bả đập xuống đất khi nảy tưng tưng như lúc mày nhảy lò cò ấy!

- Eo ơi! – Một cơn ớn lạnh truyền đến dọc sống lưng làm cho cái Lúa không khỏi rùng mình dù trời đang nắng chang chang.

Nó đem mấy câu chuyện ma rùng rợn ấy về kể cho cả nhà nghe, cuối cùng chốt lại bằng một nỗi băn khoăn:

- Có thật là có ma ở gốc đa đầu làng mình không hở thầy u?

Thầy u nó khẽ đưa mắt nhìn nhau một hồi lâu, rốt cuộc u phán:

- Đích thị là ma chứ còn hở với kín gì nữa! Mày cứ liệu chừng đấy, đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma! Từ giờ thì cấm tiệt bước chân ra đường lúc trời tối nữa nghe chưa?

Từ ngày nghe u nói thế, cái Lúa lại càng đâm sợ. Trời vừa xâm xẩm tối, nó đã chạy tót về nhà, bỏ lại sau lưng tiếng gọi nheo nhéo của đám bạn cùng làng.

Thế nên khi thằng cu Thóc vừa mở miệng nhắc tới mấy chữ “gốc đa đầu làng”, cái Lúa đã trợn ngược mắt lên nhìn thằng bé:

- Mày điên rồi à?!

Thằng Thóc nhún vai:

- Em không điên, nhưng mà chị thì có đấy. Có họa là điên mới tin ở gốc đa làng mình có ma.

- Không thể nào! – Cái Lúa vội gân cổ lên cãi. – Chính miệng u tao bảo với tao ở đấy nhung nhúc những ma là ma!

- Mấy lần em đi đánh giậm đêm với thầy em, mệt quá vào ngủ tạm trong miếu mà có thấy ma nào đến xơi? – Thằng Thóc bĩu môi vẻ kẻ cả. – Thầy em bảo miếu thờ Hoàng thành làng, ma không dám bén mảng quanh đấy đâu.

Cái Lúa đuối lý không nói lại được, đành phải bấm bụng nghe nó tiếp tục luyên thuyên kế hoạch phá đám anh Đông và cái Nguyệt xóm Hạ. Theo như thằng Thóc trinh thám từ trước thì cái Nguyệt tối nào cũng rủ anh Đông ra cây đa đầu làng tâm sự tới khuya lắc khuya lơ mới về. Tất nhiên là chỉ trò chuyện trong sáng, chứ nếu anh Đông dám giở trò “trong tối” gì thì thằng Thóc đã xông vào ứng cứu cho chị Nguyệt của nó ngay chứ chẳng ở đó mà rình mò.

- Nhưng không có nghĩa là hai người đấy sẽ trong sáng mãi, chị hiểu chưa? Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, huống chi anh Đông mỡ để miệng mèo thế kia, sớm muộn gì cũng có ngày mèo xơi tuốt luốt!

Cái Lúa vẫn mếu xệu sau khi biết anh Đông của nó sáng thì tình tứ đọc thơ cho nó nghe, tối lại đều đều ra gốc đa đầu làng tâm sự với đứa con gái khác. Nó đâm ra ngẩn ngơ và phản ứng chậm chạp trước lời nói của thằng Thóc, tới mức bị thằng này thò tay cốc vào đầu “binh” một cái!

- Chị có nghe em nói cái gì không đấy?

Cái Lúa tay ôm trán, miệng méo xệch:

- Khổ quá, tao vẫn nghe mà!

Thằng Thóc lừ mắt nhìn nó, chép miệng hai cái ra vẻ ông cụ non rồi trịnh trọng tuyên bố:

- Tóm lại, chị sẽ giả ma để dọa anh Đông và chị Nguyệt.

Mặc cho con bé hết nài nỉ rồi đe dọa, thằng Thóc vẫn y lời mà làm. Nó bắt cái Lúa lấy trộm bộ áo dài trắng của chị Loan cất trong tủ, tối tối phải đợi cho vợ chồng chị say giấc, lẻn ra khỏi nhà.

- Tao sợ lắm mày ơi, nếu chị tao biết được thì tao no đòn! Hu hu, còn thầy u tao nữa…

Đêm đầu tiên gặp nhau ở ngoài đầu làng, cái Lúa khóc lên rưng rức. Thằng Thóc chẳng những không nổi đóa như thường lệ, mà còn khẽ khàng hỏi lại một câu:

- Thế bây giờ anh Đông lấy chị Nguyệt thì chị có chịu không?

Cái Lúa ngừng khóc, thẫn thờ hồi lâu. Cái thứ tình cảm yêu mến nó dành cho anh Đông chắc chắn không phải kiểu yêu đến chết đi sống lại. Mỗi lần nhớ về anh, nó chỉ thấy tâm hồn non nớt khẽ xao xuyến rung động, trong lòng ngập tràn cảm giác dịu dàng, êm ái. Nhưng nếu bây giờ anh đột ngột đi lấy vợ, sẽ chẳng còn những buổi sáng tinh mơ như vậy nữa, sẽ chẳng còn những lúc anh sẽ sàng gọi nó một tiếng “em” ngọt lịm, sẽ chẳng còn chiều mưa hai anh em nắm tay nhau đi xem ổ chim bách thanh mới nở, anh và nó sẽ chẳng thể gần nhau trong gang tấc một lần nữa.

Những cảm giác rất đỗi lạ kỳ mà nó mới được trải qua lần đầu tiên, sẽ giống như chiếc lá tre bị cơn mưa đầu mùa ngày nào cuốn đi trôi băng băng.

Nghĩ tới đó, cái Lúa gạt nước mắt, thì thầm với thằng Thóc:

- Làm thì làm, sợ gì chứ!

Đêm đầu tiên, hai đứa ngồi trên cây đa chờ đến tang tảng sáng.

Đêm thứ hai, cái Lúa bỏ về lúc trăng đã lên cao.

Đêm thứ ba…

Khi cái Lúa vừa định nhúc nhích thì tiếng cười khe khẽ từ dưới đất truyền tới:

- Anh Đông, hôm qua em gặp bác Bính ngoài chợ, bác ấy bảo là đang tìm vợ cho anh đấy!

Ngay sau đó nó nghe thấy tiếng anh Đông trầm trầm đáp lại:

- U anh nói đùa ấy mà, em đừng tin.

Cái Lúa vừa ngoảnh đi ngoảnh lại đã chẳng thấy thằng Thóc ở bên cạnh đâu nữa. Đợi thêm một lúc thì khói ở đâu bốc lên mù mịt, thoảng trong mùi cháy khét lẹt còn có mùi nhang bay qua, làm cho nó rờn rợn hết sống lưng.

Đúng lúc cái Lúa định kêu ré lên vì sợ thì nó chợt nhớ ra nó chính là ma đi dọa người chứ đâu, thần hồn nát thần tính thế nào lại dọa ngược chính mình.

Cái Lúa vừa đung đưa tà áo dài màu trắng vừa hờ khóc nỉ non.

- U hu hu, trả chồng, trả con cho tao… Đứa nào hại mẹ con tao chết oan chết uổng? Hờ hờ, trả con cho tao, hờ hờ…

Khói từ dưới đất bốc lên ngày càng mờ mịt làm cho nó đang giả vờ khóc mà đâm ra sụt sịt khóc thật, tiếng hờ khóc càng thêm ảo não rợn người.

Chẳng mấy chốc, cái Nguyệt ở dưới đất cũng phát hiện ra “cô hồn dã tử” đang bay lơ lửng trên tán cây đa, lẫn trong thoang thoảng khói là vạt áo dài trắng bay phất phơ phất phơ.

- Nam mô a di đà Phật, nam mô a di đà Phật!

Cái Nguyệt run rẩy bíu lấy lưng anh Đông, không ngừng tụng kinh niệm Phật. Cái Lúa chứng kiến cảnh tượng ấy càng thêm lộn ruột, nó cười gằn, hét lên:

- Chúng bay ở đâu tới, tại sao lại làm ô uế chốn yên nghỉ của tao?!

Anh Đông giống như gà mẹ, bình tĩnh che chở cho cái Nguyệt ở phía sau lưng. Anh vừa vái ba vái vừa nói:

- Chúng tôi không phải kẻ cướp con của cô, chỉ là tiện đường đi ngang qua đây. Xin cô hãy tha lỗi cho chúng tôi!

Nói rồi anh cùng cái Nguyệt vội vã rời khỏi gốc đa đầu làng, nhìn điệu bộ hãi hùng của Nguyệt, cái Lúa tin chắc rằng có cho vàng nó cũng chẳng dám mò xác tới đây lần nữa.

***

Khắp làng Sỏi đồn ầm lên việc có ma hiện hình ở gốc đa. Hễ trời xế chiều là đám trẻ con lại tót về nhà, không dám la cà như trước kia nữa.

Cái Lúa đi chợ nhìn thấy bọn con gái đang tụ tập trước quán nước chè của bà Ất, xôn xao trò chuyện có vẻ hăng hái lắm. Nó ghé vào xem thì thấy cái Nguyệt xóm Hạ chứ ai, đang vỗ ngực binh binh khẳng định chính mắt nó nhìn thấy ma nữ ôm một đứa trẻ treo lủng lẳng trên trời, hai mắt trắng dã, lưỡi thì đỏ lòm, dài thoòng cứ đung đưa đung đưa như quả lắc đồng hồ nhà cụ Ký. Bọn con gái túm tụm xuýt xoa:

- Eo ôi, kinh thế!

Cái Lúa tủm tỉm cười nhìn nó:

- Thế đêm hôm khuya khoắt, mày ra gốc đa làm gì hả Nguyệt?

Cái Nguyệt vênh mặt, lưu loát nói dối mà không vấp:

- U tao sai tao sang ngủ với bà ngoại bên làng Bầu!

Bọn con gái càng được đà khen nó tợn.

Ngoại trừ thằng Thóc, không ai biết con ma mà cái Nguyệt gặp phải đêm hôm ấy chính là cái Lúa. Nhưng cũng ngoại trừ ba đứa nó, chẳng ai biết đêm ấy cái Nguyệt đã chạy muốn són ra quần như thế nào.

Thế nên cái Lúa đã giật nảy mình khi nghe thấy anh Đông ở phía bên kia bờ giậu hỏi han:

- Đêm qua khói bay lên nhiều vậy, chắc cay mắt lắm ha Lúa?

- Anh Đông đang nói chuyện gì thế? Đêm qua em ngủ kĩ trong buồng, có thấy khói gì đâu?

Cái Lúa cúi xuống mải miết đưa tay thái bèo, vờ vĩnh không hiểu. Ai ngờ anh Đông thường ngày hiền lành, chất phác là thế, hôm nay lại cứng đầu một cách lạ lùng.

- Anh biết là em rồi Lúa, đừng chối nữa! Hôm qua anh đưa Nguyệt về xóm Hạ, khi quay lại thì thấy em mặc áo dài trắng, lén la lén lút mở cổng vào nhà.

- Sao em làm vậy hở Lúa?

Cái Lúa biết mình đã bại lộ, có bao biện thế nào anh Đông cũng chẳng tin. Nó đành ngẩng đầu, thở dài nói:

- Thằng Thóc thích cái Nguyệt, nó bày trò cho em để phá hai người đó!

- Chuyện đó anh biết rồi, thằng Thóc phá anh không phải lần một, lần hai. - Anh Đông hơi ngập ngừng, ánh mắt sáng lấp lánh của anh dừng lại trên gương mặt cái Lúa. - Còn em thì sao? Tại sao em phải vào hùa với nó phá anh?

Bởi vì em thích anh, thích nghe anh chỉ đọc thơ cho một mình em, thích được cùng anh đi tắm mưa, thích anh có món gì ngon đều lén thầy u để dành cho em… thích tới mức không muốn nhìn thấy anh lấy đứa con gái khác làm vợ. Bao nhiêu từ ngữ tuôn ào ào trong đầu cái Lúa, nhưng cổ họng nó lại tắc nghẹn, không sao thốt ra nổi.

Cuối cùng nó cúi gằm mặt, lí nhí nói:

- Bởi vì u dạy em phải ghét anh.

Không dám ngẩng mặt lên, cái Lúa chỉ nghe thấy tiếng anh Đông khẽ thở dài thật buồn ở phía bên kia hàng giậu:

- Đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma đó Lúa!
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Lê La

Gà BT
Nhóm Tác giả
☆☆☆
Tham gia
26/7/14
Bài viết
2.510
Gạo
7.759,0
Đọc thích quá em ạ. ^^
 

Umio

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/1/14
Bài viết
207
Gạo
1.240,0

Lê La

Gà BT
Nhóm Tác giả
☆☆☆
Tham gia
26/7/14
Bài viết
2.510
Gạo
7.759,0

Bình An Ping_An

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/8/18
Bài viết
3
Gạo
0,0
Truyện hay quá! ^^
 
Bên trên