Tình yêu Mùa lúa trổ đòng - Cập nhật - Umio

Umio

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/1/14
Bài viết
207
Gạo
1.240,0
04. Cậu Trinh

Khi anh Đông thở dài nhắc nhở cái Lúa “đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma”, chắc anh cũng không ngờ rằng lời nói của mình lại ứng nghiệm nhanh như vậy. Chỉ có điều con ma mà cái Lúa xui xẻo đụng trúng chẳng phải cô hồn dã tử vất vưởng ở đâu, mà lại là một người bằng xương bằng thịt nhưng cũng đáng sợ không kém gì ma quỷ.

Ấy là cậu Trinh, con trai độc của cụ Ký trong làng.

Năm nay cái Lúa vừa tròn mười bốn tuổi. Đám bạn bè cùng trang lứa với nó đã lũ lượt được thầy u gả đi lấy chồng hết cả. Tính ra ở làng Sỏi này, hạng con gái như cái Lúa cũng sắp sửa “được” liệt vào hạng… ê sắc ế! Thế nhưng ngặt nỗi sau lần sinh non năm ngoái, u cái Lúa ốm một trận thập tử nhất sinh, thầy nó xót u nên chưa vội gả nó đi ngay, ý là muốn trong nhà có bàn tay đỡ đần của cô con gái nhớn.

Những ngày tan chợ sớm, lại được dịp trời hửng nắng, u và cái Lúa hay bảo nhau bắc hai chiếc ghế con con ra ngoài đầu hiên, nó sẽ ngoan ngoãn ngồi im để cho u vạch tóc bắt chấy. Những lúc ấy, thể nào u cũng gí yêu vào trán nó mà mắng rằng:

- Tiên sư nhà mày, to xác rồi vẫn còn phải để u hầu! - Rồi tự dưng u chép chép miệng, đôi mắt đã hơi mờ mờ thoáng qua một vệt buồn. - Nhưng nhớn thế nào vẫn là con u! Sang năm mày đủ mười nhăm, u mới cho mày đi lấy chồng con ạ!

Cái Lúa nũng nịu kêu toáng lên:

- Năm nào u cũng bảo sang năm! Khéo mà mười cái sang năm rồi! Ứ ừ, con mà bị ế, không ai thèm rước là tại u cả đấy!

Mỗi khi nó giả vờ kêu lên như thế, nếu không có mặt hai thằng cu Toản và cu Mít thì thôi, chứ hễ chúng đang thơ thẩn chơi trong nhà thì trăm lần như một - chúng sẽ cun cút chạy lại, vừa ôm chặt lấy chân u vừa lè lưỡi ríu rít:

- Lêu lêu, có người mót đi lấy tồng[1]! Lêu lêu!

Khi ấy, thầy chúng nó - nếu đang ngồi sưởi nắng trên sân - sẽ nạt hai ông tướng kia một trận vì sợ cái Lúa xấu hổ mà đâm sợ việc lấy chồng, rồi sau đó thể nào ông cũng ngửa cổ lên nhìn giời mà tặc lưỡi - y như một vị thiền sư đang đúc kết sự đời:


- Ngẫm ra thì các cụ nhà mình nói cấm có sai, u nó ạ! Gả con gái đi lấy chồng thì phải tìm nhà nào ở giữa làng mà gả, chớ gả đầu làng hay cuối làng, nếu không phải hạng khố rách áo ôm, không có đến cả tấc đất cắm dùi[2] thì cũng rặt một đám ngụ cư[3].

U nó vừa miết cây lược bí vào mái tóc dày của Lúa vừa chua ngoa đáp:

- Đầu làng cuối làng gì tôi kệ sất! Cái Lúa ưng ai thì tôi gả nó vào nhà ấy, chỉ chừa lại thằng Đông con lão Bính!

Cái Lúa lẩn thẩn nghĩ, các cụ nhà nó sao mà nói cái gì cũng đúng thế: giữa làng chẳng phải là nhà cụ Ký tiên chỉ[4] đó sao! Nhà cụ không thiếu gì ruộng vườn, tiền bạc nhưng lại hiếm hoi về đường con cái, cụ chỉ có độc một anh con trai - ấy chính là cậu Trinh.

Cậu Trinh được cụ Ký nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, đến các bậc cha chú trong làng cũng phải kiêng nể gọi bằng một tiếng “cậu”. Mới lên mười, cậu đã được gửi ra Hà Nội để học làm ông Tham[5], ông Phán[6], hay bét ra thì cũng phải là hạng thầy thông, thầy ký[7].

Nhưng cái Lúa sợ cậu Trinh hơn sợ cọp. Cậu đâu có thật thà, chất phác như anh Đông, so với anh, có khi cậu còn chẳng bằng một góc! Lúa chỉ dám trộm nghĩ như thế trong lòng chứ đời nào dám nói ra miệng. Mặc dù nó biết, tụi con gái ở cái làng Sỏi này, hay thậm chí là làng Bầu cạnh bên cũng chẳng ưa gì cậu Trinh.

Cậu đi học trên Hà Nội chẳng biết có được điều hay gì không mà chỉ riêng cái thói chơi bời lêu lổng, háo sắc thì ai ai cũng nhận ra là cậu học rất nhanh.

Những lời đồn đại bay đi khắp làng trên xóm dưới, rằng không biết đã có bao nhiêu đứa con gái tơ đã qua tay cậu, rằng cậu Trinh đã làm cho con Hiền làng Bầu chửa ễnh bụng, tủi hổ tới mức phải bán xới khỏi cái đất này…

Có một đêm giăng sáng, cái Lúa và cái Na rủ đám bạn gái ra sông ngồi hóng gió, khi chúng nó vừa thẩn thơ đi trên đường làng ngập ánh trăng ngọt vừa rúc rích chuyện trò với nhau thì cả lũ bất ngờ ré lên oai oái vì một bóng người con trai thù lù bước ra từ đám cỏ bên đường. Nhưng khi nhận ra đó là cậu Trinh với gương mặt quạu cọ và nửa thân trên trần như nhộng thì cả đám cúi đầu và lặng im rảo bước thật nhanh.

Cái Lúa trẻ con đâu có hiểu cơ sự gì nhưng vì sợ, nó cũng làm theo chúng bạn. Đêm ấy, nằm trong màn với u, nó bèn thậm thọt kể lại cho u nghe và tò mò hỏi:

- Đêm hôm khuya khoắt không biết cậu Trinh rúc vào trong bụi ấy làm gì hở u?

Nhưng chẳng ngờ u nạt nó gay gắt và cấm tiệt:

- Mày mà nghe lời thằng ấy nó dỗ ngon dỗ ngọt rồi theo nó chui vào bụi rậm thì chết với u, nghe chửa!

Cái Lúa đã tò mò một bụng giờ lại còn ấm ách vì tự dưng bị u mắng! U chẳng biết gì sất, nó đâu có ưa gì cậu Trinh cơ chứ! Mỗi lần vô tình bắt gặp cậu trên đường làng, nó đều cố gắng tránh đi thật nhanh. Mặc dầu, cậu chẳng làm hại gì đến nó mà còn đon đả chào:

- A, em Lúa nhà chú Chức đấy nhỉ! Lâu ngày không gặp đã ra dáng thiếu nữ rồi!

Thế nhưng lúc nào nó cũng sờ sợ cái ánh mắt hau háu mà cậu đặt lên trên người nó. Cái Lúa trở mình, xua tan đi suy nghĩ trong đầu và chập chờn chìm vào giấc ngủ trong câu thơ văng vẳng của anh Đông…

Từ ngày anh Đông bắt thóp được cái Lúa vì vụ giả ma giả quỷ trên cây đa, nó chẳng còn nói chuyện với anh thêm lần nào nữa. Nếu như chỉ mới nửa tháng trước, nó còn tìm đủ mọi cách để được ngủ lại nhà chị Loan thì nay nó lại tìm đủ mọi cách để trốn rịt trong nhà, mặc cho u cứ léo nhéo mắng nó ở ngoài sân. Những hôm bất đắc dĩ phải chạy qua nhà chị Loan trông cu Mùi, Lúa cũng ở tiệt trong buồng hoặc quanh quẩn chỗ mấy luống hoa, chứ chả dám bén mảng ra gian bếp như trước nữa. Lần này thì đến lượt chị nó léo nhéo suốt cả ngày. Thế là tự dưng cái Lúa bị gán cho cái tên “thần lười” một cách oan uổng!

Ấy vậy mà Lúa không ngờ rằng nó và anh Đông nói chuyện lại với nhau trong một hoàn cảnh thật éo le.

Hôm ấy giời tối đen như mực vì không có trăng, bác cả và bác hai qua thăm nhà nó, cái Lúa đang thơ thẩn chơi với bọn cu Toản, cu Mít trong sân lập tức bị thầy “triệu” lại, sai ra quán nước bà Ất mua lấy cút rượu.

Trên đường về, chẳng hiểu sao cái Lúa lại bắt gặp cậu Trinh.

Bình thường nó đã sợ cậu thì chớ, lại mới hôm nào bị u mắng cho đầy một bụng ấm ức nên vẫn còn nhớ đời, vừa nghe thấy tiếng cậu cười khanh khách, nó đã cúi đầu lẻn đi như một con chuột. Thế mà khác với mọi hôm, lần này cậu Trinh lại chẳng để nó trốn đi dễ dàng đến thế.

Đường làng vắng ngắt, giời lại tối đen, cậu một mực nắm lấy tay nó, thì thầm vào tai:

- Này Lúa ơi, ngoài kia cậu mới thấy con chim sáo hay lắm, đi với cậu… cậu cho xem… nhé!

Hơi rượu nồng nặc phả vào mặt Lúa, nó nhăn nhó van nài:

- Con chắp tay con lạy cậu, thầy con đang đợi ở nhà… cậu cho con về kẻo thầy đánh con!

Cậu Trinh vốn cao to lại sẵn có hơi men trong người, cậu chẳng để nó nói hết câu đã một tay lôi tuột cái Lúa vào trong bụi cây ven đường, còn một tay cậu bịt chặt mồm nó lại. Cút rượu tuột khỏi tay Lúa rơi “choang” một cái, rượu chảy ra lênh láng khắp mặt đường đất.

Một bàn tay to lớn, lạnh lẽo sờ soạng lên từng tấc da thịt của Lúa, hàng cúc đính trên áo bị giằng ra một cách gấp gáp và thô bạo.

Cái Lúa chưa bao giờ sợ hãi đến thế, nước mắt tuôn rơi giàn giụa khắp mặt khắp cổ, mọi thứ xung quanh tối sầm lại, chỉ còn gương mặt to bè của cậu Trinh hiện lên mờ mờ phía trước. Nó cố gắng dùng sức hét lên thật to nhưng những gì thoát khỏi cổ họng lại chỉ là vài âm thanh ú ớ không tròn tiếng.

Biết rằng không thể kêu cứu, nó dùng hết sức bình sinh để quơ tay quơ chân thật mạnh, mong rằng sẽ có người vô tình đi qua nghe thấy.

Nhưng làm gì có ai… Kể cả có người chứng kiến, thì cũng đâu có ai dám đứng lên chống lại cậu Trinh, con trai độc nhà cụ Ký...

Mùi rượu nồng nặc xộc thẳng vào mũi khiến cơn buồn nôn quặn lên trong bụng, người Lúa mỗi lúc một lả đi, nó thổn thức nhìn lên bầu trời đen thẫm mà kêu cứu một cách tuyệt vọng…

Có ai không.... Có ai không…

- Buông ra!

Tiếng kêu của người con trai ấy xé toạc không gian tĩnh lặng, khiến bàn tay giữ chặt cái Lúa nới lỏng ra một tí, nó thoi thóp cố hít vào mũi vài hớp không khí lành lạnh của buổi đêm.

Anh Đông! Có phải là anh đấy không?!

Bụp!

Sau tiếng “bụp” ấy, cái Lúa bị thả rơi tự do trên đám cỏ vệ đường, nó mê man đi, chẳng còn biết gì nữa ngoài những tiếng đấm thùm thụp dữ dội...
_________
Chú thích:

[1] Nói chệch của từ “lấy chồng”.

[2] tấc đất cắm dùi: Tấc đất chỉ đủ để cắm dùi, dùng để chỉ phần đất nhỏ bé để sinh sống và canh tác của người nông dân. Thành ngữ “tấc đất cắm dùi” muốn nhấn mạnh sự nghèo hèn đến cùng cực.

[3] Trong xã, sự phân biệt rõ rệt nhất là phân biệt dân chính cư và dân ngụ cư (còn gọi là dân nội tịch và dân ngoại tịch). Dân chính cư là dân gốc ở làng ấy, còn dân ngụ cư là dân từ nơi khác đến trú ngụ. Sự phân biệt này hết sức gắt gao: dân chính cư có đủ mọi quyền lợi, còn dân ngụ cư luôn bị khinh rẻ. (Trích bài viết Tổ chức nông thôn của Di tích lịch sử - Văn hóa Hà Nội)

[4] tiên chỉ: người đứng đầu Hội đồng kỳ mục ở các làng xã miền Bắc Việt Nam thời kỳ Pháp thuộc. Tùy theo phong tục của từng làng mời người có chức tước, phẩm hàm hoặc cao tuổi nhất ra làm. (Theo bài viết Tìm hiểu thiết chế tổ chức ở làng xã đồng bằng Bắc Bộ trong thời kỳ Pháp thuộc của tác giả Nguyễn Thị Lệ Hà). Ở chương sau sẽ tìm hiểu rõ hơn về “Hội đồng kỳ mục”.

[5] Tức Tham tá (hay Tham biện): viên chức cao cấp trong các công sở thời Pháp thuộc.

[6] Tức Thông phán: viên chức trung cấp làm việc trong các công sở thời Pháp thuộc.

[7] thầy thông: 1. Nhân viên hạng trung, dưới thầy phán, trong thời Pháp thuộc. 2. Người làm nghề phiên dịch trong thời Pháp thuộc.

thầy ký: Viên chức cấp thấp làm việc văn phòng ở các công sở thời Pháp thuộc.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

chuyencuangan

Duyệt quyền tác giả
Nhóm Tác giả
Tham gia
15/3/16
Bài viết
1.202
Gạo
34,0
Truyện dễ thương quá em ạ. Cách viết chị thấy rất có hồn. Tuy nhiên chị thấy chương 4 tình tiết hơi bị quá mạnh so với ba chương đầu. Tức là mạch chuyện đang dễ thương nhẹ nhàng trong ba chương đầu, rồi đùng một cái sự việc rất kịch tính xảy ra ở chương 4. Nhưng nói thế là do chị không biết hướng diễn biến của truyện tiếp sẽ như thế nào. Nếu đây chỉ là bắt đầu của một chuỗi cái sự việc kịch tính và có cảm xúc mạnh tương đương thì sẽ vẫn trôi chảy nhịp nhàng.
 

Umio

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/1/14
Bài viết
207
Gạo
1.240,0
05. “Không chồng mà chửa”
“Không chồng mà chửa mới ngoan,
Có chồng mà chửa thế gian sự thường!” [1]


Chuyện xảy ra vào buổi tối hôm đó đã khiến thầy u cái Lúa đâm lo sợ và bảo nhau giữ gìn cô con gái lớn duy nhất trong nhà cho thật chặt. Cái Lúa thành ra lại được thảnh thơi đôi phần, vì cứ hễ chiều chiều đổ bóng trở đi là thầy u chỉ túm đầu sai thằng cu Toản chạy ra chỗ nọ chỗ kia mua mấy thứ lặt vặt. Thế nhưng mỗi lần Lúa cần ra ngoài đi đâu đấy là phải có u kè kè đi theo, nếu u bận thì đến phiên thầy “hộ tống” nó. Còn la cà đi chơi với chúng bạn thì cấm tiệt! Thế là chẳng còn cách nào khác, thi thoảng vài ba bữa cái Na nhà ông Vừ lại chạy sang nhà thủ thỉ với bạn cho đỡ tủi thân, còn hễ hôm nào nó trót ham chơi, bận theo chân đám trẻ ranh đi chăn trâu, thả diều thì cái Lúa chỉ độc thui thủi một mình quanh xó bếp.

Giữa những lúc thời gian thì rảnh rang mà tâm trạng thì rối bời, chẳng hiểu sao cái Lúa đã nhen nhóm một tia hi vọng mong manh từ chuyện xảy ra hôm nào. Rằng u nó sẽ bớt ghét anh Đông đi một chút, rằng u sẽ thấy không phải cứ là con bác Bính thì anh Đông sẽ xấu xa và xua đuổi cái Lúa, ngược lại anh còn chẳng chần chừ gì mà lao vào đánh nhau với cả cậu Trinh - cậu ấm của cả cái làng này chỉ để cứu nó.

Lúa cứ ấp ủ mãi niềm an ủi bé nhỏ ấy cho tới tận khi tiếng ồn ào ngoài ngõ đánh thức nó từ một cơn ngái ngủ buổi sớm…

- Cái gì đấy, cái gì đấy hở u nó?!

Không chỉ có một mình Lúa bị tiếng ầm ĩ dựng dậy nửa chừng, vừa dụi mắt bước ra khỏi tấm liếp, nó đã thấy thầy đang xỏ áo, thì thầm hỏi u.

- Hình như là làng phạt vạ chửa hoang thầy ạ… Cái Nguyệt con nhà bác Mão xóm dưới…

U nói rất khẽ như sợ bị ai rình trộm bắt quả tang, thế nhưng cái Lúa vẫn nghe thấy. Gần một tháng giời chỉ chôn chân trong nhà, cái Lúa đã lâu không giáp mặt anh Đông, cái Nguyệt, còn thằng Thóc từ bữa biết anh Đông phát hiện ra chuyện giả ma giả quỷ tai quái của chúng nó thì cũng lủi đi đâu không thấy tăm hơi. Thành ra lời nói của u sớm hôm ấy, cái Lúa nghe mà chẳng hiểu gì.

Cho tới tận khi trời đã sáng rõ mặt người, tiếng huyên náo càng lúc càng đến gần khiến nó không nén được cơn tò mò, bèn nhân lúc thầy u không để ý mà chạy vọt ra bên ngoài.

Khi bước chân ra khỏi cổng, cái Lúa được chứng kiến một cảnh tượng lạ lùng nhất trong cuộc đời nó từ trước đến nay.

Một đứa con gái, mà thoạt tiên nó không nhận ra ngay là cái Nguyệt, đầu bị cạo trọc lóc như đàn ông, trên trét vôi trắng xóa, hai tay bị trói bẻ ngoặt ra phía đằng sau lưng. Đi ngay sau đó là bác Mão, thầy cái Nguyệt, vừa thúc vào người đứa con gái đi trước vừa dắt theo sợi thừng trói tay nó.

Rất nhiều người trong làng lố nhố đi theo phía sau, cái Lúa thấp thoáng nhận ra đám bạn gái quen thuộc của nó cũng có mặt. Đi xung quanh và gây ra thứ âm thanh ầm ĩ nhất là đám trẻ ranh, chúng ném sỏi túi bụi vào người đứa con gái bị trói, miệng ríu rít một bài đồng dao.

- Con chim mỏ nhát,

Nằm trong đống rác,

Gác mỏ kêu trời,

Chửa hoang đẻ lậu, giữa trời ai nuôi!
[2]

Đám đông ồn ào cứ nhích dần một cách chậm chạp theo thứ tự kỳ lạ ấy, người con gái đi đằng trước lầm lũi nhắm mắt, nét mặt cam chịu và bất chấp nhưng tuyệt không có một chút gì lấy làm xấu hổ hay sợ hãi. Có lẽ trong đoạn đường ngắn ngủi vừa rồi, nó đã quen với khung cảnh lạ lùng xung quanh mình rồi chăng?

Đờ đẫn nhìn mãi vào đứa con gái xấu số ấy, Lúa giật mình nhận ra đó là Nguyệt xóm Hạ, cái Nguyệt mà mới ngày nào chính mắt nó còn thấy đang líu lo chuyện trò cùng anh Đông ở dưới gốc đa đầu làng.

Mới vài ngày trôi qua, chuyện gì đã xảy ra ở cái làng Sỏi này mà nó không được biết?

Đám đông đã tiến đến rất gần nơi cái Lúa đang đứng chôn chân. Nó vẫn bàng hoàng chưa kịp hiểu cảnh tượng diễn ra trước mắt mình là gì thì thằng Thóc, cái đứa biến mất dạng bấy lâu nay, từ đâu xông tới như một mũi tên vừa bật ra khỏi nỏ. Mũi tên ấy mạnh mẽ lao đi xô ngã đám trẻ con vẫn đang líu ríu bài đồng dao độc ác và ném những viên sỏi lên người cái Nguyệt.

Nhưng thằng Thóc chỉ có một mình.

Nó không đủ sức để cản bọn trẻ con phóng ra những thứ độc địa, cay nghiệt vào người chị mà nó hết mực yêu thương, nó thậm chí còn chẳng ngăn nổi những lời xì xầm bàn tán của đám đông phía sau lưng. Cuối cùng thằng Thóc yên lặng đi bên cạnh Nguyệt, giúp Nguyệt hứng chịu những viên đá cứng ngắc.

Cái Lúa lầm lũi gia nhập vào hàng người càng lúc càng dài. Nhưng thay vì hùa vào hóng hớt cùng những người xung quanh, nó chọn cách đi trong im lặng. Từ tận sâu thẳm thâm tâm mình, cái Lúa nghĩ đó là điều duy nhất mà nó có thể làm được cho Nguyệt ngay lúc này.

Thầy Nguyệt dắt nó đi diễu[3] khắp một vòng quanh làng, cứ đi qua một cổng nhà là hàng người đang đi lại được nối dài thêm một chút. Và khi đi ngang qua nhà bác Bính, cái Lúa gần như ngay tức khắc nhận ra vẻ mặt bàng hoàng sửng sốt của anh Đông. Không biết lúc đó cái Nguyệt có hé mắt ra nhìn anh lấy một cái nào hay không? Và nếu có nhận ra anh đang đứng đó nhìn mình chằm chằm thì liệu cái Nguyệt sẽ có suy nghĩ gì trong lòng…? Quả thực, chính bản thân Lúa cũng rùng mình khi nghĩ đến những câu hỏi ấy.

Đoàn người chỉ dừng lại khi hai thầy con nhà Nguyệt đến được trước đình làng. Đang khoan thai ngự trên chiếu trên ngà ngà chén chú chén anh với nhau, cái Lúa nhận ra ngay có cụ Ký tiên chỉ, cụ Biểu thứ chỉ và các ông, các bác kỳ mục khác[4]. Loay hoay phục dịch trên ấy là bác Tí lý trưởng[5], vừa thấy đám đông nhốn nháo tiến vào sân đình, bác vội lăng xăng chạy lại hô hoán:

- Trật tự! Trật tự! Thấy các cụ mà cứ láo nháo thế hử? Thằng Ngọ, thằng Ngọ đâu!

Sau màn phô trương quyền lực của mình bằng những tiếng hò hét bở hơi tai, bác Tí bắt thầy Nguyệt dắt nó tiến vào giữa sân đình, quỳ ở đấy đợi đến lúc tra hỏi.

- Trần Thị Nguyệt, con gái Trần Văn Mão xóm Hạ, không chồng mà chửa, nay làng đem ra xét xử. Thị Nguyệt, mày ăn nằm với thằng nào mà đến nông nỗi này?

Đáp lại lời kết tội và tra hỏi của bác Tí chỉ có những tiếng xì xèo của những người dân trong làng tới xem phiên xét xử. Cái Nguyệt cúi gằm mặt, cái đầu trọc lóc bôi vôi trắng lóa lên nhức mắt dưới ánh nắng mặt trời.

- Thằng Ngọ, đánh nó cho tao! Đánh đến khi nào nó chịu khai thì thôi!

Thế là anh Ngọ cầm chiếc roi mây dài quất từng cái lên lưng lên người cái Nguyệt. Cứ mỗi lần roi vụt xuống da thịt, Lúa thấy người cái Nguyệt khẽ nảy lên theo từng cơn. Cùng với nhịp roi lên xuống là những tiếng quát mắng thét ra lửa của bác Tí:

- Này thì chửa hoang! Này thì câm họng!

Đánh cả nửa ngày, mặt trời đã gần đứng bóng, các cụ kỳ mục cũng đã uống tới cút rượu thứ ba mà cái Nguyệt vẫn gan lì không nói lấy một chữ. Bác Tí ra hiệu cho anh Ngọ dừng tay roi, tiến tới thì thầm gì đó vào bên tai Nguyệt. Cái Nguyệt bỗng hơi ngọ nguậy cổ, và nó bắt đầu chậm chạp lướt tia nhìn quanh một vòng những người đang đứng đó. Cứ mỗi lần tia nhìn của nó quét tới người con trai nào, người con trai ấy đều rụt hết người lại như thể muốn thối lui khỏi đám đông.

Cuối cùng, cái Nguyệt dừng lại ở anh Đông. Tia nhìn của nó tĩnh lặng tới mức bất động.

- Nguyễn Văn Đông, con nhà Nguyễn Văn Bính xóm Thượng?

Cái gật đầu của nó như một lời kết tội gián tiếp. Tất cả đều lặng đi trong một giây, và chỉ một giây sau đó tiếng xì xầm bàn tán bùng lên như vũ bão.

Thằng Thóc nãy giờ vẫn đứng im lặng ở cuối đám đông bỗng nhiên rẽ lên và lao đi như mũi tên xé gió đấm thốc một cái “bụp” thật mạnh vào giữa bụng anh Đông.

Ngay tại khoảnh khắc cú đấm ấy chạm tới người anh, mắt cái Lúa hoa lên, tựa hồ như nó vừa đánh rơi trái tim mình ở đâu đó...

_________
Chú thích:

[1] [2] Ca dao Việt Nam.

[3] diễu: đi qua trước mặt để cho nhìn thấy.

[4] [5] Trong làng xã Việt Nam cổ truyền, Hội đồng kỳ mục nắm toàn bộ quyền quyết định và điều hành mọi hoạt động của làng xã. Đứng đầu Hội đồng kỳ mục là Tiên chỉ và Thứ chỉ. Giúp Hội đồng kỳ mục thực hiện các quyết định có bộ phận chức dịch gồm: Lý trưởng, Phó lý và Trương tuần (hay xã đoàn).

Năm 1921, người Pháp thay thế Hội đồng kỳ mục truyền thống bằng Hội đồng tộc biểu (hay còn gọi là Hội đồng hương chính). Hội đồng hương chính áp dụng được 6 năm, đến năm 1927 thì phải bỏ vì sự phản đối của dân quê vốn ủng hộ lệ làng cổ truyền. Người Pháp phải thích ứng bằng cách cho lập lại Hội đồng kỳ mục để cùng điều hành việc làng với Hội đồng hương chính.

Đến năm 1941 thì Hội đồng tộc biểu bị giải thể, mọi chức năng nhiệm vụ chuyển sang Hội đồng kỳ mục. Hội đồng kỳ mục trở thành cơ quan duy nhất điều hành mọi công việc của làng xã với sự giúp việc của các chức dịch thừa hành đứng đầu là Lý trưởng. Câu chuyện diễn ra trong bối cảnh sau năm 1941.

(Tham khảo Wikipedia và bài viết Tìm hiểu thiết chế tổ chức ở làng xã đồng bằng Bắc Bộ trong thời kỳ Pháp thuộc của tác giả Nguyễn Thị Lệ Hà.)
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Mộ Vân

Gà tích cực
Tham gia
24/10/16
Bài viết
81
Gạo
0,0
Nhớ quê quá! Tên truyện mang cả một trời kỷ niệm.
 

Kevin Đẹp Trai

Gà cận
Tham gia
3/5/20
Bài viết
339
Gạo
0,0
Chị làm bìa truyện ở app hay trang nào vậy? Em muốn biết để còn làm bìa truyện nữa!
Đọc giới thiệu đã muốn lướt qua còn đọc truyện rùi, hấp dẫn quá!
 

Umio

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/1/14
Bài viết
207
Gạo
1.240,0
Nhớ quê quá! Tên truyện mang cả một trời kỷ niệm.
Cảm ơn nàng đã ghé qua! ^^
Chị làm bìa truyện ở app hay trang nào vậy? Em muốn biết để còn làm bìa truyện nữa!
Đọc giới thiệu đã muốn lướt qua còn đọc truyện rùi, hấp dẫn quá!
Bìa truyện chị đặt làm ở một forum khác nhưng hiện tại dịch vụ làm bìa bên đó cũng đóng cửa rồi.
 

Umio

Gà tích cực
Nhóm Tác giả
Tham gia
5/1/14
Bài viết
207
Gạo
1.240,0
06. Đám cưới tháng cô hồn

AD3iAmL.jpg

(Ảnh: Pngtree)
Hồi bà nội vẫn còn, cái Lúa thích nhất là những buổi trưa hè được nằm trên chõng để bà vừa phe phẩy cái quạt mo cau, vừa nhẩn nha kể hết câu chuyện cổ tích này đến câu chuyện cổ tích nọ. Trong số ấy, nó mê tít chuyện Ông Ngâu Bà Ngâu mỗi năm chỉ được gặp nhau một lần vào ngày mùng bảy tháng bảy âm lịch. Lần nào nghe nó nài nỉ, bà cũng chỉ cười bỏm bẻm rồi lại cất giọng ngâm nga:

- Ngày xửa ngày xưa, có một vị thần chăn trâu của Ngọc Hoàng tên là Ngưu Lang...

Làn gió êm dịu từ chiếc quạt mo cau đều đều phả vào gáy, lại thêm bàn tay thô ráp, chai sạn của bà gãi nhẹ trên lưng làm cái Lúa không sao cưỡng lại được cơn buồn ngủ. Nó cố nâng hai mí mắt để lắng nghe nốt câu chuyện bà kể, nhưng rồi những lời trầm thấp của bà cứ như vậy ru nó chìm vào giấc ngủ ban trưa:

- Bắt nguồn từ sự tích Ngưu Lang - Chức Nữ nên dân ta thường gọi tháng bảy là “tháng ngâu”, đại kỵ việc cưới xin vì đôi lứa sẽ gặp phải sự chia ly, trắc trở như vợ chồng Ngâu…

Lớn lên hơn một chút, cái Lúa lại được thầy cắt nghĩa cho rằng, tháng bảy lịch ta[1] là thời gian mở cửa địa ngục, những vong linh vất vưởng sẽ được dịp tràn lên cõi dương và nhăm nhe cướp xác của người sống hòng thoát kiếp Ngạ quỷ[2]. Thầy còn dạy cho cái Lúa rất nhiều điều cấm kỵ trong tháng cô hồn, có điều nó nhớ có điều không, nhưng suốt cả tháng ấy lúc nào Lúa cũng nơm nớp lo sợ như thể bọn Ngạ quỷ vô hình đang thè lưỡi ngay trên đầu nó.

Trong suy nghĩ của cái Lúa, tháng bảy giống như một quãng âm u trong năm, không ai mong nó tới, và khi nó tới thì người ta chỉ ngóng chờ cho chóng qua để còn đón tết Trung thu.

Vậy mà năm nay, làng Sỏi lại được chứng kiến một đám cưới vào tháng ngâu.

- Lúa! Lúa ơi! Đi sang nhà bác Mão nấu cỗ với bọn tao đi.

Nghe thấy tiếng í ới ngoài cổng, Lúa biết ngay là tụi cái Hồng, cái Na đang đứng thập thò. Sáng nay u nó đã lật đật chạy sang nhà bác Mão từ sớm, cũng bởi cái đám cỗ - nửa là đám cưới, nửa là làng phạt vạ chửa hoang. Nói như vậy là vì hương ước[3] của làng Sỏi có lệ: trai gái chưa nộp tiền cheo[4] mà đã trót ăn nằm với nhau đến có chửa thì phải mua thịt, mua rượu làm cỗ khao làng ba ngày ba đêm. Hết ba ngày ấy, hai bên gia đình còn phải lo liệu đủ một số tiền để nộp cho các cụ kỳ mục, mới coi như xong chuyện.

Thành thử cái đám cỗ ở nhà bác Mão xóm Hạ và bác Bính xóm Thượng, gọi là đám cưới mà cũng chẳng ra hình hài của một đám cưới. Nhà trai, nhà gái mặt mũi ai nấy đều buồn xo, chỉ có đám con trẻ được dịp ăn uống no nê là thích thú, mới tinh mơ đã ríu rít chạy đến nhà hai họ để rình cỗ.

- Tao không đi được đâu. Bà Loan vất[5] thằng cu Mùi ở đây để sang nhà bác Bính, tao phải trông nó đây này.

Cái Na nhăn mặt:

- Đưa cả nó theo, có sao đâu! Đi đi, sang đấy cỗ to tha hồ mà ăn.

Sự bướng bỉnh của cái Na làm Lúa phát bực, định thò tay véo vào người nó một cái. Nó làm như cái Lúa tham ăn lắm mà cứ lấy cỗ to ra để dụ, chẳng mảy may biết rằng trong lòng con bé lúc này đang rối như tơ vò.

Nó thấy buồn và giận anh Đông quá! Còn nhớ mới hôm nào nó khen anh thật thà chất phác, cậu Trinh có “xách dép” cũng không theo kịp. Thế mà anh nỡ lòng nào bỏ rơi cô hàng xóm chỉ cách nhà anh có một bờ tường để học theo cái trò của cậu Trinh - rủ con gái nhà người ta vào bụi rậm, đến nông nỗi phải vạ[6] với làng!

Bây giờ tụi cái Hồng, cái Na lại bảo Lúa sang nấu cỗ cho đằng nhà gái - làm sao nó làm được?

Đương lúc hai bên còn dùng dằng, chẳng ai chịu nhường ai thì con bé Mơ cháu ông Thìn bỗng từ đâu chạy đến, nom cái bộ dạng hớt hơ hớt hải cứ như bị ma đuổi.

- Các chị ơi. - Nó vừa thở hổn hển vừa mếu máo không thành tiếng. - Chị Nguyệt… Chị Nguyệt nhảy sông tự vẫn rồi!

Nhất thời cả ba đứa con gái đồng thanh kêu lên:

- Hả?

- Sáng nay mọi người tưởng chị Nguyệt ngủ mệt nên không dám gọi, đến gần trưa vào kiểm tra buồng thì mới biết chị ấy bỏ đi từ bao giờ, còn để lại thư tuyệt mệnh. Các chú, các bác chia nhau đi tìm thì thấy… thấy đôi dép với dải buộc tóc của chị Nguyệt trên bờ sông. Bây giờ em phải về gọi thầy em đi mò sông tìm xác chị ấy đây!

Nói rồi con Mơ tất tả chạy đi, để lại ba đứa đứng ngẩn người không biết nói gì. Cuối cùng tụi cái Na, cái Hồng quyết định sang nhà bác Bính để nghe ngóng tình hình và phụ giúp người lớn, còn cái Lúa tốt nhất là cứ ở nhà với thằng Mùi, có chuyện gì tụi nó sẽ qua thông báo ngay.

Hứa hẹn như vậy mà cả ngày hôm đó chúng nó cũng biến đâu mất dạng, chỉ có một mình Lúa ở nhà thấp thỏm không yên.

Mãi cho đến khi trời tối mịt, thầy u mới mệt mỏi trở về.

Lúc ấy Lúa mới biết thầy nó cũng tham gia mò sông vớt xác cái Nguyệt, nhưng lùng sục cả một buổi chiều mà không tìm được gì, cánh đàn ông đành phải bỏ cuộc và hy vọng rằng ngày mai cái xác sẽ nổi lên. Còn u thì ở lại nhà bác Mão để thu dọn cỗ bàn, nghe đâu bác Mão gái biết tin cái Nguyệt nhảy sông tự vẫn thì gào khóc đến mức ngất đi, bây giờ nhà bên ấy đang rối tinh rối mù[6] hết cả lên.

Rồi sau nữa, cái Lúa lại được u kể cho nghe rằng, trong lá thư tuyệt mệnh Nguyệt có thú nhận đứa bé trong bụng nó không phải là con anh Đông. Đúng thật là hai người vẫn chỉ trò chuyện trong sáng với nhau ở dưới gốc đa đầu làng thôi, anh Đông cũng chưa một lần đi quá giới hạn với nó. Còn về việc cha của đứa bé là ai thì cái Nguyệt không nhắc đến, nhưng người ta đang kháo nhau đích thị là cậu Trinh chứ chẳng phải ai khác. Đến lúc này, một thằng cu xóm Hạ mới khai rằng nó từng nhìn thấy cậu kéo tay cái Nguyệt trong buổi tối nọ.

Thầy ngồi ngoài sân nghe thấy hết câu chuyện u kể, nhưng từ đầu đến cuối cũng chẳng hé môi, chỉ lặng lẽ kéo một hơi thuốc lào. Mãi sau thầy mới trầm ngâm như đang nói chuyện một mình:

- Khổ thân thằng Đông, vì nhà ta nên nó mới phải…

Ngay cả u, thường ngày ghét bỏ anh Đông là thế mà cũng thở hắt ra một hơi buồn bã. Câu nói tự trách của thầy và cái thở dài đầy áy náy của u đã khiến Lúa lờ mờ nhận ra điều gì đó.

Làng trên xóm dưới ai cũng biết cái Nguyệt thích anh Đông, tại sao nó lại phải nói dối để đổ vạ cho anh? Trong phiên xét xử ngày hôm đó, bác Tí đã thì thầm câu gì để nó phải nhận là anh Đông làm nó có chửa?

Chỉ một câu nói đã “đổi trắng thay đen”, còn ai khác ngoài cậu Trinh có thể làm được điều ấy? Ngẫm ra thì một người ngạo mạn và hung hăng như cậu sao lại để yên cho anh Đông sau buổi tối hôm ấy cơ chứ.

Tất cả là tại cái Lúa, tại nó nên anh mới ra cớ sự này…

Nếu như ngày hôm đó, anh Đông không đi ngang qua đường làng, hoặc có đi qua nhưng lại ngó lơ việc đồi bại của cậu Trinh thì có lẽ gia đình anh sẽ không trở thành cái gai trong mắt cụ Ký tiên chỉ, anh cũng sẽ không vướng vào tất thảy những bòng bong này. Nhưng… nếu không có anh Đông thì người nằm dưới bờ sông lạnh lẽo ngày hôm nay sẽ là nó, chứ không phải cái Nguyệt…

Nghĩ đến đấy cái Lúa thốt nhiên rùng mình một cái, dù không có cơn gió nào thổi qua. Nó ngước mắt nhìn thầy u rồi lại nhìn xuống hai đứa em đang ngủ ngon lành, đêm nay sẽ là một đêm mất ngủ với nhiều người trong làng, ngay cả với chính nó, thế nhưng những âu lo và rối bời ấy dường như không thể chạm được đến bọn trẻ.

Và cái Lúa chợt nhận ra, đã đến lúc nó phải giã từ những vô lo vô nghĩ để mà học cách thương, cách nhớ một người. Dẫu cho cái người ấy với nó cũng xa xôi, cách trở chẳng kém gì ông Ngâu bà Ngâu trong lời bà kể năm nào. Thế nhưng mùa hè năm mười bốn tuổi, cái Lúa đã tự nhủ với lòng mình rằng, đến ông Ngâu bà Ngâu còn được gặp nhau mỗi năm một lần, vậy thì nó và anh hàng xóm chỉ “cách nhau cái dậu mùng tơi xanh rờn” kia sẽ chẳng thể cách xa mãi mãi.

Lúa sẽ lớn thật nhanh, thật nhanh để mùa lúa trổ đòng sang năm, khi vừa tròn mười lăm tuổi, nó có thể đường hoàng nhìn vào mắt anh mà nói: Em thương anh đã từ lâu lắm. Từ giờ trở đi hãy chỉ ngâm thơ cho một mình em thôi, anh nhé!

_________
Chú thích:

[1] lịch ta: tức Âm lịch.

[2] Ngạ quỷ: ma đói, cô hồn, vong linh hoặc còn biết đến với tên gọi dã quỷ, quỷ đói - cách gọi của dân gian chỉ những con ma hay những linh hồn phiêu dạt không nơi nương tựa, không người thờ cúng hoặc chết vì đói khát bệnh tật.

[3] hương ước: những quy ước, điều lệ của một cộng đồng chung sống trong một khu vực. Là bản pháp lý đầu tiên của các làng xã nhằm góp phần điều hòa các mối quan hệ xã hội trong cộng đồng.

[4] tiền cheo: Tiền cheo là khoản tiền nhà trai dùng để nạp cho làng xã bên nhà gái, được manh nha từ một tục có tên gọi “lan nhai”, xem như một thủ tục hành chính nhằm công nhận cuộc hôn nhân của những đôi nam nữ khi đến tuổi trưởng thành.

[5] vất: (ít dùng) tương tự động từ “vứt”.

[6] phải vạ: như “phải tội”.

[7] rối tinh rối mù: (Khẩu ngữ) như rối tinh (nhưng nghĩa mạnh hơn).

rối tinh: (Khẩu ngữ) rối tung, mọi cái nhằng nhịt vào nhau làm cho không còn biết đằng nào mà lần.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bên trên