Sam sanh ly
Phần 1
Chương 2
1.
Tôi ngồi trước gương, tự mình vấn một kiểu tóc nam nhân. Trời sinh tôi có đôi lông mày đậm nét, lại thêm gần đây thường bê tha ngoài đường nên sắc da tối hơn trước, vì vậy khi cải nam trang cũng có phần khí khái của nam nhi.
- Tiểu thư, hôm nay là ngày qui ước với lão gia không ra ngoài. - Tử Điệp nhắc nhở.
Nàng tựa lưng vào cửa, tay khoanh trước ngực, ánh mắt hờ hững nhìn tôi từ sau lưng, khuôn mặt ẩn khuất một nửa sau vạt tóc.
Tôi bôi thêm một thứ bột phấn cho khuôn mặt góc cạnh hơn chút, vẽ đuôi mắt xếch lên, ngắm nghía nam nhân có phần phong lãng trong gương, mỉm cười hài lòng nói:
- Giờ ta đang là Lục công tử, không phải Lưu Giả Tịch.
Tôi ỷ vào hình dạng cải trang của mình để ngụy biện.
Tử Điệp dường như chẳng thèm nghe tôi nói. Qua gương, tôi thấy nàng khẽ nghiêng đầu, ánh mắt tập chung về phía hồ sen. Tôi biết Tử Điệp không đời nào ngắm hoa, thứ nàng nhìn chắc chắn là cây cầu độc mộc bắc ngang hồ, cũng là con đường duy nhất để bước vào tư phòng.
Khi tôi đẩy cánh cửa bí mật phía sau bức bình phong vẽ hoa hải đường, nghe thấy giọng Tử Điệp bên ngoài nói:
- Lão gia, tiểu thư đã ra ngoài từ lâu. - Ngữ điệu thẳng thắn không có lấy một phần e sợ.
Tôi biết trên đời này Tử Điệp chỉ coi một người thực sự là chủ nhân, nàng học tính cố chấp không chịu thay đổi, không dễ dàng chấp nhận từ người đó.
Tử Điệp giống loài cây mà nàng yêu thích, mạnh mẽ, kiên cường. Tôi vì Tử Điệp nên trồng một cây tùng bên hồ sen, cây mới chỉ được nửa năm tuổi, không biết phải chờ đến bao giờ Tử Điệp mới có thể luyện kiếm dưới bóng tùng như năm xưa.
Sau khi lẻn ra ngoài, tôi đến tửu lầu Thanh Lương uống rượu.
Chủ tửu lầu nhét mấy quan tiền vào ngực áo, sai tiểu nhị mang ra cho tôi một vò nữ nhi hồng và hai đĩa đồ nhắm. Ba ngày hôm nay tôi thực sự buồn chán, làm gì cũng không thấy vui. Nghe thiên hạ nói…
- Nghe nói rượu có thể giải sầu. - Một giọng nói cắt ngang dòng suy tư của tôi.
Tôi ngẩng lên nhìn người ngồi bàn đối diện, da trắng, mắt diều hâu, dáng người hơi gầy, vừa dứt câu hắn liền uống cả bát rượu rồi đặt mạnh xuống bàn, mái tóc rũ trước trán.
- Chỉ sợ sầu càng sầu hơn.- Tôi cười trầm, chiếu tia nhìn hứng thù về phía hắn.
Tôi rót một chén rượu đưa về phía nam tử kia tỏ ý mời rồi uống cạn. Hắn ngẩng lên nhìn, khóe mắt sắc nhuộm màu u uẩn, trầm lặng một lát rồi khẽ phất tay áo màu xanh lục nâng rượu, một lần nữa rượu tràn ra vạt áo, nhỏ từng giọt.
- Huynh đệ nói có lý, sầu càng sầu hơn.- Hắn cảm thán, đôi môi mỏng như mím chặt thành một đường.
Tôi ôm vò nữ nhi hồng đi sang bàn hắn ngồi xuống, nâng tay rót rượu, miệng giới thiệu:
- Ta họ Lục tên Tử.
- Mạnh Tử. – Hắn chắp tay.
- Xem như có duyên, ta với ngươi cùng tên.- Tôi cười.
Mạnh Tử khẽ gật đầu, nét mặt từ đầu đến cuối vẫn thập phần bi thương, hai mắt đã mờ đục vì hơi men.
Mạnh Tử không ăn, liên tục uống rượu, xong càng uống khuôn mặt càng tái nhợt. Tôi cũng chẳng nói thêm gì, tì tì nâng chén, nhưng không giống Mạnh Tử coi rượu như nước, mà có phần thưởng thức.
Qua một lúc, Mạnh Tử nhìn tôi rồi cười mỉa:
- Ta thấy ngươi bình thản không giống thương tâm, nhưng lại nói lời như rất hiểu thế nào là thương tâm.
- Mạnh huynh rất hiểu lòng người. - Tôi thở dài, ngẩng lên nhìn những tia nắng sớm đang tán thành những vạt nhỏ qua khe lá.
Mạnh Tử cười khẩy một tiếng:
- Nhưng lại chẳng hiểu nổi lòng thê tử.
Tôi gắp một miếng thịt dê bỏ vào miệng, cảm nhận vị thanh ngọt trôi xuống cổ họng, bộ dáng thờ ơ.
Tôi không hỏi, nhưng Mạnh Tử lại vừa uống vừa kể cho tôi nghe chuyện đang đi tìm thê tử. Thê tử hắn năm năm trước tự nhiên bỏ nhà đi, hắn đi khắp nơi tìm kiếm nhưng đều nhọc công vô ích.
Mạnh Tử còn nói thêm nhiều điều nữa, nhưng chẳng có lời nào lọt vào tai tôi. Tôi nhìn những chùm hoa phượng đỏ rực lác đác, qua tán lá thấy bóng người lười nhác dựa gốc cây ngủ, thỉnh thoảng có người đi qua thả xuống một đồng tiền vào nón rách.
Tôi nhìn chăm chú cho đến khi nghe tiếng lạch cạch mới chuyển tâm về người ngồi đối diện. Mạnh Tử đứng lên, chuôi kiếm khẽ va vào bàn.
Hắn bỏ đi không nói một lời, vò nữ nhi hồng cũng cạn sạch.
Tôi thở dài, nhấm nháp thêm hai ly rượu nữa cũng tần ngần đứng dậy.
"Leng keng" - Âm sắc thanh thúy lọt vào tai tôi mê hoặc như mưa tháng sáu.
Dạ Ca ngẩng lên nhìn tôi rồi cúi xuống nhìn đồng tiền lẻ sáng chói, xong cũng chẳng nói cảm ơn, nhàn nhạt nhắm mắt, biểu tình không hề quan tâm.
Tôi đã quá quen thuộc với hành động khi được người khác cho tiền của Dạ Ca, nên không lấy làm ngạc nhiên, mỉm cười nhìn hắn thêm một lát rồi bỏ đi.
Lần này tôi đến Thanh Xuân lâu.
Vừa nhìn thấy tôi, Cẩm Tú đã vui mừng cười khanh khách, nàng liền đưa tôi vào Oải Hương các.
Cẩm Tú là một trong năm hoa khôi nổi tiếng của Thanh Xuân lâu, còn tôi là khách quen của nàng. Tôi rất thích Cẩm Tú, nàng tuy xuất thân phong trần nhưng tính cách không thua gì một đại trượng phu, khiến người khác khi đối diện không dám có ý nghĩ khinh bạc.
- Mỹ nhân, hôm nay nàng trang điểm thật đẹp. - Tôi nhìn hình vẽ bướm màu lam giữa mi tâm Cẩm Tú tán thưởng.
Cẩm Tú thích chí, cười duyên một cái, lướt đầu ngón tay mềm mại lên con bướm trên trán rồi rót cho tôi một chén trà. Tôi nhìn mi tâm nàng đến không chớp mắt, nhưng Cẩm Tú cũng chẳng thèm đỏ mặt.
- Chỉ có điều, hình bướm này có chút khác lạ. - Tôi hơi chau mày, khẽ vén vạt áo chàm, ngón tay mân mê viền nắp trà, một vòng, hai vòng...
Thấy nàng im lặng, tôi liền cầm tay Cẩm Tú kéo nàng ngồi lại gần hơn, vạt áo màu hoa oải hương, mùi hoa oải hương vờn quanh mũi, quanh mắt.
- Nói ta nghe, vì sao nàng lại họa hình này?- Tôi ôn tồn nói, giọng dịu dàng như nước, đè nén thanh quản đến phát đau.
Cẩm Tú theo ý tôi, thân hình thơm hương khẽ nghiêng theo chiều tôi kéo. Nàng còn tiện thể mân mê lại ngón tay tôi, khóe môi đỏ cong cong định mở lời, rồi bất chợt lại khép vào, đuôi mắt nhếch lên.
Thấy biểu hiện Cẩm Tú bỗng nhiên khác lạ, tôi liền hỏi:
- Nàng sao vậy?
Nhưng hình như Cẩm Tú không để lời tôi vào tai, khóe mắt cứ nheo lại, rồi nàng gạt tay tôi ra, thản nhiên đi đến bên cửa sổ.
Tôi đi theo phía sau lưng nàng, nhìn ra phía cổng chính, lúc này đang có một đám đông đi vào, ồn ào cãi vã. Cẩm Tú nhìn một lát rồi định trở lại chỗ ngồi, lúc xoay người không ngờ có tôi đứng sau lưng thì giật mình. Cẩm Tú liền phá lên cười rồi xin lỗi tôi rối rít, chỉ có điều mi tâm nàng phảng phất sự nhốn nháo trong lòng, khiến con bướm lam như khẽ động đậy muốn bay đi.
Cẩm Tú kéo rèm che kín cửa sổ, nắm tay tôi ngồi xuống ghế tiếp tục châm trà. Thanh Xuân lâu thường tiếp khách bằng rượu, nhưng mỗi khi tôi đến tuyệt nhiên chỉ có trà.
- Ta nói chỉ sợ Lục công tử giật mình, hình này trước đây là biểu tượng của Điệp gia nổi tiếng ở Lam Sơn. - Cẩm Tú bỗng nhiên quay trở lại vấn đề tôi vừa hỏi.
Tôi giật mình, vì hành động ban nãy của Cẩm Tú làm sao nhãng mà bản thân suýt quên.
Thấy bộ dạng thất thần của tôi, Cẩm Tú cười khẽ trêu trọc:
- Ta tưởng người có tâm thì sẽ bền, hóa ra lại nhanh tàn. Ta tưởng ta vô ý, hóa lại ghi tâm.
Môi hoa đào mấp máy, ngắt một nhịp lại nói tiếp:
- Trước đây họ Điệp không hiểu sao một đêm toàn gia chết thảm, hình vẽ này khi xưa vốn nổi tiếng trong các hoa lâu kinh thành, sau chuyện đó thì không còn ai sử dụng nữa. - Cẩm Tú tiếp tục nói, khuôn mặt còn giả bộ nuối tiếc, ánh mắt không hề liếc nhìn tôi, nhưng tôi cảm tưởng mỗi câu mỗi ý Cẩm Tú nói ra đều cố tình soi xét.
Tôi gõ nhẹ cây quạt lụa lên trán nàng nịnh:
- Chỉ có Cẩm Tú là hơn người, chỉ sợ sau hôm nay cách trang điểm này sẽ nổi tiếng trở lại nhờ nàng.
- Ta làm sao sánh bằng Điệp tiểu thư Điệp gia năm xưa. Nàng ấy khiến tất cả các cô nương thành Đông nhốn nháo một thời, còn ta chỉ mong có thể khiến một người động tâm. - Cẩm Tú lườm tôi, hai má phiếm hồng phụng phịu.
Tôi cười mỉa trong lòng, chuyện Cẩm Tú nói chưa từng có ai nhắc đến tai. Tôi mang tiếng là đi khắp nơi hiểu không ít chuyện thiên hạ, cuối cùng chuyện gia đình lại nhờ một người xa lạ nói cho biết.
Tôi nhấp một ngụm trà:
- Cái cũ không qua, làm sao cái mới đến.
Cẩm Tú cúi xuống mân mê góc áo, nét mặt suy tư, nàng lẩm nhẩm lại lời tôi rồi ngẩng lên nói:
- Công tử nói phải. - Ánh mắt đồng thời phiếm một màu tím nhạt mê hoặc.
Hôm nay Cẩm Tú nói nhiều lời ẩn ý tôi không sao hiểu nổi. Thực ra Cẩm Tú hơn tôi vài tuổi, nhưng dáng vẻ vẫn trẻ trung, nhan sắc so với các cô nương mười lăm, mười sáu vẫn không hề thua kém. Nhưng dù có trẻ thế nào đi nữa, Cẩm Tú cũng đã bảy nổi ba chìm trốn phong nguyệt từ khi sáu tuổi, nên suy nghĩ của của nàng chín chắn hơn người thường không ít. Còn tôi dù có cải trang thành công tử trưởng thành, cũng chỉ là một cô nương quá mười lăm.
Tôi còn đang mải mê đánh giá, thì cửa phòng đột ngột đổ rầm xuống, tiếng la hét cùng bước chân rầm rập ùa vào. Tôi vội vàng kéo Cẩm Tú ra phía sau lưng lùi lại vài bước, một tay cầm quạt chắn phía trước.
Nam tử khoảng ba mươi tuổi, khuôn mặt dữ tợn nhìn hai người chúng tôi. Sau lưng hắn có gần chục cô nương đứng nép hai phía ngó nhìn, biểu tình ba phần sợ hãi, bảy phần tò mò, năm hán tử vây xung quanh nhưng chỉ dè chừng không động thủ.
- Bình nhi, mau theo ta trở về! - Nam tử có hình dạng thô lỗ gằn lên từng tiếng, hốc mắt ửng đỏ.
Tôi chiếu theo ánh mắt hắn, quay lại nhìn Cẩm Tú sau lưng mình. Nàng không có chút nào hoảng sợ, thần sắc còn có phần lạnh băng.
Cẩm Tú vòng lên đứng trước mặt tôi, tay áo dài quét đất, cử chỉ kiêu ngạo:
- Phạm Minh, ta đã nói nhiều lần, ta không phải muội tử thất lạc của ngươi.
- Không phải muội tử thì không phải muội tử, ta sẽ chuộc muội khỏi Thanh Xuân lâu, sau này cho dù muội không muốn theo ta thì ta cũng không cản, chỉ cần muội không tiếp tục ở đây nữa.
- Ngươi khinh ta sao? - Cẩm Tú cười khẩy, giọng nói đanh lại.
- Ta không có ý đó. - Phạm Minh lúng túng, khuôn mặt đỏ bừng, bàn tay nắm chặt đến mức nổi gân xanh.
Phạm Minh bước thêm hai bước, một hán tử liền cầm gậy đưa ra chắn phía trước ngăn cản. Hắn gạt tay, nam tử kia ngã chổng kềnh xuống đất, xổ đổ bình hoa rơi xuống, mảnh vỡ bắn lên cứa thành một vệt trên cổ chân Phạm Minh, nhưng hắn không hề để ý.
Cẩm Tú nhìn một màn xong càng tức giận:
- Ngươi đừng đến làm phiền ta, ta đã có lang quân như ý, chàng cũng đã đồng ý chuộc thân cho ta.
Nói rồi, nàng phất mạnh tay áo, quay nghiêng người nhìn tôi, ánh mắt sẫm lại, bờ môi run run.
Tôi vẫn một bộ dáng lịch thiệp như mọi khi, bình thản đáp lại cái nhìn của Cẩm Tú rồi khẽ chớp mắt một cái. Nàng nhìn tôi như hiểu ý, liền tiến thêm một bước, đầu cúi xuống tựa vào vai tôi. Cẩm Tú có thân hình nhỏ nhắn chỉ đứng đến tai tôi, lúc này nàng khiến tôi có cảm giác như thể mình là một nam nhân thực thụ.
Mặt Phạm Minh như ăn phải quả đắng, toàn thân run rẩy không rõ nên vui hay nên buồn. Tôi đoán Phạm Minh đang khó xử, hắn muốn Cẩm Tú chuộc thân, nàng cũng đáp ứng chuộc thân, lại còn chứng minh có nam nhân nguyện bên nàng kề vai, sánh bước. Hắn muốn nàng hạnh phúc, giờ nàng diễn trò hạnh phúc cho hắn xem.
Một giọt mồ hôi từ trán tôi nhỏ xuống, cả người nóng bức, nhưng không nóng bằng bờ vai đang thấm ướt.
Phạm Minh không thốt nên lời, hai mắt nhìn tôi như muốn hỏi "thật sao".
Tôi không giải thích, cũng không gật đầu hay mỉm cười ra vẻ đồng tình với lời Cẩm Tú vừa nói, chỉ khẽ vuốt ve dải tay áo bằng lụa mềm đang buông thõng xuống của nàng, cử chỉ ôn nhu, nét mặt dịu dàng.
Ngón tay Cẩm Tú đang đặt trên vai tôi chợt co lại, cả người nàng căng cứng, lồng ngực hít mạnh vào một hơi, rồi lại thở nhẹ ra khi Phạm Minh một lần nữa hầm hầm tức giận bỏ đi.
Tôi không chất vấn Cẩm Tú về hành động vừa rồi, chỉ để lại chiếc quạt lụa trắng thêu hoa mộc lan làm tín vật rồi nói:
- Chỉ cần nàng muốn, bất cứ lúc nào ta cũng có thể chuộc thân cho nàng. Có điều khi đó, quạt lụa này phải trao lại cho ta.
Cẩm Tú nhìn quạt một hồi rồi ngẩng lên nhìn tôi như muốn hỏi gì đó, cuối cùng lại nuốt vào. Nàng khách sáo nói một hai câu từ biệt tôi rồi xoay lưng đi vào trong. Tôi thấy tiếng rèm châu va vào nhau lách cách, qua ô cửa hình bán nguyệt, mỹ nhân dáng vẻ phong tình không còn, thay vào đó lại giống một cô nương đơn thuần, bạc nhược.
Tôi chắp tay sau lưng đi lòng vòng một hồi, thấy mặt trời đã lên đến chính ngọ, liền rẽ vào trà quán nghỉ ngơi nghe kể chuyện.
Trà quán Từ Phong là một nơi khá nổi tiếng ở kinh thành, tập chung đủ mọi hạng người, lúc nào cũng đông đúc. Tôi gọi một chén trà đậm và một cái bánh ngọt, ngồi xuống cùng bàn với một nam tử khoảng hai hai tuổi có khuôn mặt nhã nhặn. Thấy tôi cười chào, hắn cũng vui vẻ gật đầu đáp lại.
Người này tên Lê Thuần Lương, tôi đã gặp hai ba lần ở Từ Phong nên xem như có quen biết. Lê Thuần Lương là người thường xuyên lưu lạc nay đây mai đó, tính tình thoải mái nhưng có phần kiêu ngạo.
Hôm nay lão Hinh kể chuyện về gia tộc thanh thế họ Lê nổi tiếng về trà. Những loại trà ngon của Lê gia mặc dù không được liệt kê vào hàng cống phẩm triều đình, nhưng đều nổi tiếng khắp các tỉnh của Nam quốc. Xưa nay các thế gia, thương nhân đều dựa vào hai chữ "hàng cống" để trở thành độc nhất vô nhị, nhưng Lê gia không cần thương hiệu đó mà vẫn giữ được danh tiếng mấy đời. Vì thế, người ta càng nể Lê gia có thực lực.
Chỉ có điều gần đây Lê gia đang tranh chấp quyền thừa kế, trà hương không biết sẽ thuộc về tay ai. Vốn dĩ chuyện nhỏ như thế này không mấy khi được đem ra kể ở Từ Phong, nhưng do Lê gia này xảy ra nhiều chuyện kỳ lạ, khiến không ít người lưu tâm.
Nghe nói lão gia họ Lê ra đề thi, trong ba người con trai ai có thể khiến cho trà của họ Lê trở thành hàng cống thì được quyền thừa kế trà hương. Chỉ có điều đề thi này đã ra đến ba năm mà không có ai giải được, hơn nữa còn xảy ra một chuyện kinh hãi thế tục. Sau khi ba người con nhận được đề thi liền bỏ ra ngoài tìm cách, năm thứ nhất không hiểu sao người anh cả chết, năm thứ hai ngươi em thứ trở về với đôi chân tàn tật không nói lý do, còn người em thứ ba bỏ đi đã ba năm không rõ tung tích.
Mọi người trong trà quán đều bàn tán chuyện này do Từ gia tìm cách hãm hại Lưu gia, bởi vì danh hiệu trà cống đang thuộc về họ Từ.
- Không có chứng cứ mà đổi lỗi cho Từ gia, như thế có phần không quang minh. - Tôi cười nhạt.
Lê Thuần Lương đặt chén trà xuống ngẩng lên nhìn tôi với vẻ không đồng tình:
- Thường ai được hưởng lợi nhất sẽ luôn bị nghi ngờ. Có điều, cũng không có chứng cứ chứng minh Từ gia không có tội.
Tôi phá lên cười:
- Lê huynh, ngươi nói thế là buộc tội vô lý. Nói như huynh, ta đây cũng đang có ý định buôn trà, hiện cũng không có cách nào chứng minh mình không liên quan. Hơn nữa, ngoài Từ gia, Lê gia cũng còn nhiều trà hương khác nổi danh, cũng không thể loại trừ.
Lê Thuần Lương ngẩn mặt ra.
Tôi chỉ vào Lê Thuần Lương:
- Ta nói huynh…
Rồi lại chỉ vào từng người xung quanh:
- Ngươi…ngươi…cả ngươi nữa…Không có ai trong chúng ta chứng minh mình vô tội. Không nhất thiết phải vì trà hại người, cũng có thể vì đất đai, vì tiền tài, vì người…
Một cô nương áo hồng đội nón che mặt ngồi cách tôi hai bàn bật lên tiếng cười thanh thúy như ngọc nói:
- Tiểu huynh đệ kia, hình như ngươi có quen biết Từ gia nên mới nói lời bênh vực.
Tôi liếc mắt nhìn nữ tử áo hồng đeo trường kiếm đeo bên hông đáp lời:
- Ta chưa từng quen biết Lưu gia và Tề gia, chỉ là suy nghĩ khách quan mà thôi.
Tôi quay sang nhìn Lê Thuần Lương:
- Lê huynh, ta với ngươi xem như cũng có duyên, hay là chúng ta đánh cược một phen.
Lê Thuần Lương nheo nheo mắt nhìn tôi:
- Chuyện Lê gia và Từ gia?
- Ý ta chính là như thế, cá cược xem năm nay trong Từ gia và Lê gia, ai sẽ được danh hiệu trà cống. - Tôi cười, trong lòng khen tặng họ Lê nhanh trí, chưa nói đã hiểu.
- Vậy Lục công tử chọn gia tộc nào?- Lê Thuần Lương hỏi.
- Từ gia.
Lê Thuần Lương tỏ vẻ không ngạc nhiên, nhưng đáy mắt ngầm lóe lên một tia sáng:
- Vậy ta chọn Lê gia.
- Ta cũng chọn Từ gia. - Một thương nhân ngồi bàn bên cạnh thốt lên.
- Ta cũng vậy…
- Ta cũng vậy…- Thêm vài khách nhân giang hồ cũng nhiệt tình tham gia.
Đám người trong trà quán tự nhiên trở nên nhốn nháo, đem chuyện trà cống ra cá cược, đa phần bọn họ chọn Từ gia, vì hiện tại Lê gia đã giống như con cá chết, tuy nhiên vẫn có nhiều người tin vào kỳ tích, ví dụ như cô nương áo hồng kia.
Chuyện tôi và Lê Thuần Lương cá cược, ban đầu chỉ khiến một trà quán làm theo, sau này khiến cả Đông thành có thêm một tệ nạn cờ bạc. Tôi đã góp một công không nhỏ cho hoàng đế Quý Ly trong việc đưa Nam quốc đi xuống.
3.
Khi tôi trở về từ trà quán Từ Phong đã là buổi chiều, trong đầu liên tục ôn lại những chuyện hôm nay gặp phải.
Nếu tôi là Mạnh Tử, liệu tôi có bỏ ra năm năm đi tìm thê tử hay không.
Cẩm Tú, vì sao không chịu dứt bỏ chốn hồng trần.
Lê gia vì sao lại muốn một danh hiệu trà cống trước nay chưa từng cần đến.
Tôi vắt tay sau lưng, ngơ ngẩn lẩm bẩm "Có hay không", chân rẽ vào một con đường khác lúc nào cũng không rõ.
Tiếng ngựa hí lồng lên, giọng quát thất thanh khiến tôi giật mình lùi lại vài bước, toàn thân mất thăng bằng ngã ngồi xuống đất, hai mắt trợn trừng nhìn về phía trước.
Nữ tử áo đỏ giật mạnh cương ngựa, vó ngựa lồng lên vòng qua đầu tôi rồi nện mạnh xuống đất. Sau khi ghìm cương, nàng ta vội vàng nhảy xuống đi đến trước mặt tôi. Tôi tưởng nàng ta nói một lời tạ lỗi, hoặc ít nhất hỏi tôi có làm sao, không ngờ nàng ta giáng cho tôi một cái tát đến xây xẩm mặt mày.
Hai mông ê ẩm, chân tay xước xát, tôi còn chưa kịp nuốt giận thì một cơn giận khác như cơn đại hồng thủy ầm ầm đổ xuống, tê giật da đầu.
Tôi còn chưa mở miệng, nữ tử áo đỏ đã chỉ tay vào mặt tôi quát ầm lên :
- Mắt mũi ngươi để đi đâu?
Uổng công cho nàng ta nhan sắc không tồi, ai ngờ lại là người vô lý, chua ngoa đến vậy. Tôi đứng bật dậy, định trả lại cái tát vừa rồi, lại nghĩ ra hình dạng mình bây giờ đang là nam nhân, nên đành nuốt xuống.
Tôi phủi tay áo, mắt ánh lên vẻ khinh khi nhìn nàng ta nói:
- Ngươi tưởng đây là đường nhà ngươi chắc, ngươi phi ngựa nhanh như vậy đã suýt nữa giết người.
- Còn dám dạy khôn ta! - Nữ tử áo đỏ gằn giọng, "soạt" một cái rút thanh kiếm bên hông chĩa thẳng vào mặt tôi.
Tôi lùi lại, không phải tôi sợ, cũng không phải tôi không biết võ công, mà tôi không muốn kinh động đến Lưu gia.
Nàng ta tiến lên hai bước, tôi lùi lại hai bước, mèo vờn chuột một hồi cuối cùng nàng ta cũng múa kiếm thành chiêu.
Tôi thấy nữ tử này quá lắm, nhịn một lấn mười, lúc này dù chỉ là vài ba công phu mèo cào cũng muốn trả lại cái tát cho nàng ta. Tôi gẩy mũi chân hất cành cây ven đường lên cầm lấy làm kiếm, dứt khoát so chiêu.
Nàng ta cười khẩy một cái, vung kiếm lên không một chút nương tình, tràn đầy sát ý chém gẫy cành cây trên tay tôi làm hai. Tôi lùi lại, trong lòng hơi nao núng nhưng vẫn đưa tay vào ngực áo lấy ngân châm. Ai ngờ thanh kiếm nữ tử áo đỏ đang giương lên bỗng dừng lại nửa chừng.
Tôi ngẩn ra, tay khựng lại nhìn nam nhân cao gầy trước mặt đang nhàn nhạt nói:
- Đường tiểu thư, ta đoán Đường tướng quân chắc sắp đuổi đến nơi rồi.
Tôi nhìn Dạ Ca có chút thất thần, hắn vừa nói cái gì "Đường tiểu thư". Tôi ngờ ngợ, nếu không nhầm thì đó là Đường Bích Yên tam tiểu thư của Đường gia, tính khí ngang tàng có tiếng ở Đông thành, năm nay mười bảy tuổi.
- Ngươi… - Đường Bích Yên hằn học lườm Dạ Ca, ánh mắt tóe lửa, cổ tay dãy dụa hai ba cái nhưng không thoát khỏi.
Tôi thấy bàn tay Dạ Ca từ từ nổi gân xanh, thanh kiếm trên tay Đường Bích Yên liền rơi xuống đất. Ngay sau đó Dạ Ca buông tay Đường Bích Yên ra, cúi xuống nhặt lấy thanh kiếm. Mà lúc này, Đường Bích Yên nhìn Dạ Ca với ánh mắt khó tin, nàng lướt nhìn bộ quần áo rách bạc màu, lại nhìn vào chòng mắt nâu sâu thẳm, bộ dáng hùng hổ vừa rồi hoàn toàn biến mất.
Dạ Ca đưa thanh kiếm về phía Đường Bích Yên.
Đường Bích Yên cầm lây, không nói một lời nhanh chóng quay phắt người rồi nhảy lên lưng ngựa quất roi phi thẳng, chẳng mấy chốc bóng hồng y đã biến mất sau bụi đường.
"Hôm nay thật mở mày mở mắt, anh em Đường gia toàn những kẻ coi trời bằng vung." - Tôi ngẩm nghĩ.
Tôi quay sang Dạ Ca định nói, đã thấy hắn đã đi về phía trước được một đoạn, liền vội vàng đuổi theo.
- Dạ…này huynh đệ…mau dừng lại!
Dạ Ca vẫn tiếp tục đi.
Tôi tăng tốc, chạy lên chắn trước mặt Dạ Ca, vừa cười vừa nói:
- Ta…
- Không cần tạ ơn.
- Không phải, là ta muốn hỏi vì sao ngươi biết đó là Đường tiểu thư.
Dạ Ca dừng lại, dưới vành mũ rơm nheo nheo mắt nhìn tôi, nét mặt có chút quỉ quái hỏi:
- Vì sao quan tâm?
- Là vì… tò mò. - Tôi đi giật lùi phía trước Dạ Ca, bởi hắn chỉ dừng một lát đã chậm dãi bước tiếp.
- Nếu đã tò mò, sao không tự mình tìm hiểu, cần gì hỏi ta.
Tôi khựng lại, Dạ Ca cũng tự giác dừng lại, hai người chỉ cách nhau một bước chân.
Hắn nhìn tôi, khóe mắt có ý cười, viền môi khẽ cong rồi ghìm lại. Tròng mắt nâu nhạt trong vắt như trời xanh tháng sáu, như mặt nước không động. Tôi giật mình, lùi lại rồi bước sang bên trái hai bước tránh đường.
Dạ Ca đi qua, chất giọng nhạt như nước lã lại có chút lững lờ thả lại phía sau:
- Nàng ta mặc hồng y, cưỡi bạch mã, chuôi kiếm khắc hoa đỗ quyên, tính cách lại lỗ mãng. Ngươi cũng không nên trách nữa, Đường Bích Yên dù sao cũng đã chủ động ghìm dây cương, cũng tại ngươi ngơ ngẩn đi giữa lòng đường.
Tôi hiểu lời Dạ Ca vừa nói. Đường Bích Yên không hẳn sai hoàn toàn, tôi cũng không phải kẻ đúng, không nên chấp nhặt. Nhưng thực ra ý tứ Dạ Ca là muốn khuyên tôi không nên tìm cách trả thù, bởi cho dù lúc đó Đường Bích Yên không thèm ghìm cương mà cố tình nghiến tôi dưới vó ngựa, bằng vị thế của Đường gia tôi cũng chẳng làm được gì.
Tôi cảm kích, liền khen Dạ Ca một cầu:
- Ta thấy ngươi nếu làm quan thì cũng không tệ.
Nói xong tôi định bỏ đi, lại thấy bóng lưng Dạ Ca hơi run lên, chân còn tạt sang lề đường trốn tránh. Tôi liền nhìn kỹ phía trước, có hai cô nương xinh đẹp mặc lục y đang chạy đuổi nhau qua chỗ Dạ Ca trước khi di chuyển.
Lục y nữ chạy phía sau giữ tay nữ tử chạy trốn nói:
- Lan Quân, nghe ta…
Nữ tử tên Lan Quân bịt hai tai lại, vừa lắc đầu vừa gào lên:
- Ta không nghe…ta không nghe…Nếu các người muốn ta lấy hắn, thà rằng Mộc Lan Quân ta lấy một tên ăn mày còn hơn.
Vừa nói là làm, nàng chỉ tay thẳng vào người đang đứng sánh vai.
Dạ Ca lùi lại một bước, quay ngoắt đầu đi trở lại phía tôi, nét mặt phiền chán cực độ.
Tôi bật cười.
Hắn trừng mắt, tôi lại kéo khóe môi lại.
Không ngờ cây muốn lặng mà gió chẳng dừng, Mộc Lan Quân kia biểu tình dứt khoát phi thân chắn đường Dạ Ca, nắm lấy tay hắn dơ lên nói với lục y nữ phía sau:
- Yên Chi, nói với phụ thân, ta đời này chỉ lấy hắn.
Mộc Lan Quân liếc mắt sang nhìn Dạ Ca định nói gì đó, nhưng thấy bộ quần áo rách nát cùng nửa mặt dưới nón nhọ nhen thì hốt hoảng buông tay. Nàng khẽ phủi phủi bàn tay rồi lau vào vạt áo, khuôn mặt lúng túng nói:
- Không sao, ta vẫn…lấy hắn…chỉ cần cho hắn ăn mặc sạch sẽ trông cũng không tệ. Yên Chi, ngươi về nói với cha ta, ta bồi đắp tình cảm xong sẽ đưa phu quân về ra mắt.
Dạ Ca kéo nón, chẳng nói chẳng rằng giật phắt tay lại đi thẳng một đường, lúc qua mặt tôi cũng không thèm nhìn một cái. Tôi và Mộc Lan Quân gần như cùng quay lưng nhìn theo hắn ngay lúc đó, vậy mà chẳng thấy bóng dáng Dạ Ca đâu, cả hai liền quay lại nhìn Yên Chi hỏi:
- Hắn đâu?
Yên Chi lắc đầu:
- Ta ... ta không để ý.
Mộc Lan Quân ngừng một chút, đột nhiên quay sang nhìn tôi, biểu tình ngạc nhiên như thể tại sao tôi lại ở đây.
Tôi chẳng thèm để tâm, phi thân lên mái nhà tìm Dạ Ca.
Xem ra, Dạ Ca cũng chẳng phải một tên ăn mày đơn giản.
4.
Sau khi thất bại với việc đuổi theo Dạ Ca, tôi buồn phiền trở về Lưu phủ.
Tôi thậm chí không thèm cởi bỏ lớp nam trang mà trực tiếp đến gặp phụ thân.
- Con muốn tuần sau đi Lam Sơn.
Cha tôi đang luyện thi thư, lướt mắt nhìn từ đầu đến chân tôi một lượt, tay cầm bút hơi run run nhưng khuôn mặt vẫn bình thản. Hai mươi năm làm thái phó, dù không cần phải cung đấu nhưng cũng đủ tôi luyện khí chất kiên định. Cha không ngẩng lên chỉ chậm rãi nói:
- Đã chán làm ăn mày rồi sao, lần này con muốn trở thành cái gì?
- Thương nhân - Tôi mỉm cười.
Cha nhìn tôi bằng ánh mắt hiền từ, đuôi mắt bạc nhăn lại, mặc dù mới ngoài tứ tuần nhưng đã giống một ông già ngũ tuần. Tôi cảm thấy có chút áy náy cộng xót xa, chân bước lại phía sau cha, hai tay xoa bóp vai cho người rồi mở lời ước định:
- Nghe nói Lam Sơn phong cảnh hữu tình, nên con muốn đi chơi một chuyến, lần này trở về nhất định nghe lời cha không đi đâu nữa, ngoan ngoãn ở nhà..
Cha đặt bút xuống, lông mày chau lại giả vờ cân nhắc thiệt hơn. Người còn giả vờ như thấy ý tưởng của tôi không tồi, bày ra một nụ cười hài lòng. Có lẽ ông thấy tôi không rũ nổi đám bụi mười ba năm xuôi ngược, đã khiến ông quá mệt mỏi nên dễ dàng thỏa hiệp.
Khi tôi bước ra khỏi thư phòng, bắt gặp tam tỷ Lưu Diễm và nhị tỷ Lưu Đào đi vào, tôi cười chào lấy lệ rồi bước qua. Sau lưng vẳng vặng tiếng Lưu Diễm trách móc cha nuông chiều tôi vô lý.
Hết chương 2. =>
Chương 3