Ngoại tình - Cập nhật - U Huyễn

U Huyễn

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
11/4/14
Bài viết
909
Gạo
900,0
Ngọc Sinh Yên, nghe được gọi bằng chị là U mừng muốn chết luôn đó em. Tiền bối gì đâu, U còn ngây thơ lắm. U ngoan hiền, trong sáng, thuần khiết nhất Gác mà. :D
Còn vụ dẫn truyền dài dòng, lê thê, lung tung là tánh xấu của U rồi, nhiều khi cũng muốn thay đổi nhưng lúc đọc lại cứ thấy thiếu thiếu, kỳ kỳ, hẫng hẫng, vậy là tiếp tục dài dòng. Em chịu khó xíu ha.
Cảm ơn em đã đưa mặt ra hứng cùng U. :-*
 

U Huyễn

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
11/4/14
Bài viết
909
Gạo
900,0
12592456_881807891918078_4351308786777148611_n.jpg

3.
Cánh cổng từ từ đóng lại, đóng cả nét chán chường trên gương mặt vẫn luôn xinh đẹp của Yến và mở ra một vẻ hân hoan rất nông. Cô ngồi bất động nơi ghế lái, soi mình vào gương chiếu hậu trên chiếc ô-tô là niềm mơ ước của bao phụ nữ đồng trang để điều chỉnh nụ cười sao cho ít méo mó nhất, trước khi đẩy cửa bước ra. Một tay cầm túi xách, tay bên kia là túi thức ăn, cô nhanh chóng nhập vai người phụ nữ háo hức trở về mái ấm sau ngày dài bôn ba bên ngoài.

Trong nhà đèn đóm sáng choang, có tiếng trẻ con ngây thơ vọng ra: “… Hôm nay con được hai cái điểm mười, cô giáo còn khen con trước cả lớp…”

Yến bước nhanh hơn. Nụ cười cũng bớt gượng. Làn gió đầu đông se lạnh mang theo tiếng cười thơ trẻ ùa vào lòng cô, trong rét buốt có cả tia lửa ấm áp, trong chán nản vẫn dấy lên hy vọng.

“A… Mẹ về! Hôm nay, Thỏ được điểm mười tiếng Anh đấy mẹ ạ.” Thỏ trìu mến đặt chú gấu bông hai màu nâu – vàng xuống ghế rồi chạy ào về phía Yến. Đôi tay bé bỏng dang rộng như cánh chim non đang hồ hởi bay lượn trên bầu trời thênh thang chẳng chút lo sợ bởi biết rằng chim mẹ luôn kề bên.

“Thưa mẹ con mới về!” Yến đổi túi thức ăn sang tay đeo túi xách để dành một tay còn trống cho con gái bé bỏng. Mắt cô hướng về người phụ nữ có bề ngoài trông rất tao nhã, phúc hậu đang đọc sách cạnh nơi con gái mình đã ngồi bằng cái nhìn xa lạ.

Đến lúc này, người phụ nữ kia mới rời tầm mắt khỏi trang sách và mỉm cười bằng cơ hàm. Sau tròng kính lão, bà trả lại cho Yến một cái nhìn xa lạ tương tự: “Về rồi đấy à! Mệt không con?”

Ngoài vị trí hai mẹ con Yến ra thì không khí lạnh dường như phủ kín căn nhà hai tầng, diện tích sàn lên đến con số hàng trăm mét vuông, cửa kín tường dày của họ. Môi Yến cử động theo hướng mắt, từ giông giống một nụ cười chuyển thành một nụ cười dịu dàng - từ người phụ nữ kia nhìn xuống gương mặt có gì đó bồn chồn của Thỏ. Âm giọng nhẹ nhàng cất lên: “Mẹ đi đón cháu có mệt không ạ? Con xin lỗi, việc gấp quá nên phải giải quyết luôn cho kịp.” Nói xong, cô đưa tay vuốt tóc Thỏ: “Thỏ chơi với bà nội để mẹ nấu cơm nhé!”

Người phụ nữ đứng lên, dợm bước về hướng phòng bếp: “Cứ để cơm nước cho mẹ. Con tắm cho Thỏ rồi nghỉ ngơi tí đi, bao giờ nấu xong mẹ gọi. Thân già này còn chăm sóc con cháu được bao lâu nữa đâu cơ chứ!” Nhưng dứt lời xong, bà vẫn đứng yên ở đó cùng đuôi mắt khẽ nheo lại thành cái liếc sắc mảnh.

Đôi tay cầm túi thức ăn của Yến bỗng nặng trịch, làn hơi nóng chạy dọc theo sống lưng khiến xương hàm bất giác siết lại. Thỏ tan học từ bốn giờ ba mươi, còn hiện tại đã là bảy giờ kém mười, hơn hai tiếng đồng hồ chẳng đủ thời gian để chuẩn bị bữa tối hoặc giả chỉ là trông cháu tắm hay sao? Đây chẳng phải là lần đầu đối mặt với hoàn cảnh này, càng hiểu rằng không phải lần cuối nhưng cô vẫn không thể không giận, vẫn muốn được gào khóc cho thỏa. Tuy nhiên cơn giận luôn ập đến và nén xuống, qua đi trong lặng lẽ bởi mỗi lần như thế, Yến sẽ tự giác nhìn vào đôi mắt trong veo của con gái, sau đó đảo mắt nhìn quanh căn nhà tạm gọi là mái ấm của mình, cuối cùng là nghĩ đến những mẫu chuyện ngồi lê đôi mách về cô A bỏ chồng, cô B bị chồng bỏ, cô C không biết hy sinh cho con cái vẫn thường nghe hằng ngày.

Thỏ đang đưa mắt nhìn mẹ và bà nội, nét mặt khẽ co lại khi đưa tay lay lay vạt áo mẹ: “Hôm nay Thỏ không ra ngoài chơi với các bạn nên không bẩn, không cần tắm đâu ạ. Thỏ cũng uống sữa rồi, chẳng đói tí nào cả…”

Bốn đôi mắt không còn ngây thơ cùng hướng về Thỏ. Người phụ nữ nhếch môi đắc ý. Còn cơn uất trong lòng Yến tựa chiếc bong bóng chưa kịp bơm căng đã vội thủng.

“Con đi nấu cơm…” Yến không nhìn thẳng về người phụ nữ mà dịu dàng xoa đầu Thỏ: “Con học bài tiếp đi!”

Bữa cơm tối cuối cùng cũng đã được bày biện lên bàn. Vì về muộn nên Yến chỉ kịp cắm cơm, rán cá và xào đĩa rau.

“Con mời mẹ!”

Người phụ nữ nhận đôi đũa từ hai tay Yến rồi thở dài: “Nhà với chả cửa! Bữa cơm nào cũng chỉ có ba người phụ nữ vò võ với nhau…” Nói xong, bà xới vài hạt cơm nhưng chẳng có ý định đưa lên miệng: “Người ta cưới vợ cho con trai xong thì nó năng ở nhà với mẹ già hơn. Còn nhà này thì…”

Ngồi đối diện người phụ nữ, Yến cúi đầu thêm thấp, đôi đũa dường hóa đá trên tay. Cảm giác nghèn nghẹn đã át cơn đói cồn cào. Hơn ba năm nay, hầu như bữa cơm tối nào Yến cũng được mẹ chồng thết đãi món khai vị than thân trách phận này. Yến nào đâu không muốn cả nhà quây quần bên nhau nhưng người đàn ông bất hợp tác, cô làm được gì? Mắng chửi, khóc than hay đến tận nơi bắt anh ta về?

“Ơ, con ăn đi chứ, để cho cái Thỏ còn ăn.” Rồi như không có chuyện gì xảy ra, người phụ nữ gắp một cọng rau, nhỏ nhẹ nhai. Xong, bà dẻ miếng cá, đặt vào bát cơm của Thỏ: “Thỏ ăn nhiều vào! Trẻ con bị đói là không thông minh đâu đấy.”

“Cháu cảm ơn ạ! Bà cũng ăn nhiều vào cho sống lâu trăm tuổi bà nhé.”


Rõ ràng nụ cười thành tiếng là dành cho Thỏ nhưng mắt người phụ nữ lại nhìn chăm chăm vào Yến. Giọng nói như đùa như không nhẹ nhàng vang lên: “Thỏ nhanh nhanh bảo mẹ sinh cho bà thêm đứa em trai với, có mỗi mình Thỏ, sau này Thỏ lấy chồng mất thì bà trăm tuổi biết làm sao?!”


Với tâm trí của đứa trẻ chín tuổi, Thỏ nghe thế liền nhanh nhanh nuốt phần cơm chưa kịp nhai xuống rồi níu lấy tay Yến. Đôi mắt xoe tròn nài nỉ: “Mẹ sinh thêm em cho Thỏ, mẹ nhé! Nhà bạn Nam lớp trưởng vừa có em bé, bạn ấy thích mê luôn ấy.”

Miếng cơm trong miệng Yến bỗng hóa thành đá sỏi cứng còng, lạnh ngắt. Những lúc thế này, cô chỉ muốn gào lên rằng, con của người đàn ông khác thì có được không? Cô có thể một mình giữ gia đình trọn vẹn cho con nhưng không cách nào một mình tự mang thai, sinh con được. Nghĩ đến đây, nước mắt lại chực trào ra, khao khát được nằm trọn trong vòng tay một người đàn ông mà khóc cho thỏa lòng cũng bùng lên theo.

Trân người chịu đựng ánh mắt chờ đợi của con gái hồi lâu, đôi vai Yến chợt thõng xuống, rã rời. Nụ cười trên môi méo xệch: “Thỏ ăn nhanh rồi còn tắm nào…”

Cạch!

Tiếng đũa nặng nề chạm xuống mặt bàn kính. Đôi mắt người đàn bà ánh lên những tia lửa dữ dội: “Con lấy hộ mẹ cốc nước! Già cả rồi, ăn cơm không canh rau chả khác gì nhai rơm cả.”

Yến vâng nhỏ rồi mím chặt môi, lặng lẽ nhấc ghế đứng lên. Nhưng chân cô chưa kịp di chuyển thì một tiếng xô ghế lớn đã vang vọng căn phòng ăn lạnh lẽo. Người phụ nữ đứng bật dậy, âm giọng vang qua những kẽ răng không hở: “Tôi cưới cô về bằng trầu cau, quà lễ đủ đầy, con trai tôi vất vả từ sớm tinh mơ đến tận tối mịt còn chưa về nhà cũng vì muốn mẹ con cô được nhà cao cửa rộng, hãnh diện với chúng bạn bè. Cô không biết đẻ, như nhà người ta là trả cô về nhà đẻ từ lâu nhưng tôi vẫn thông cảm, vẫn đối đãi tử tế với thông gia. Thế đấy, giờ tôi phải làm sao cô mới hài lòng?”

Thỏ ngừng nhai, len lén nhìn lên mẹ rồi vội vã cúi gầm đầu, gồng mình nuốt trọng thức ăn trong miệng xuống. Đôi môi nhỏ bé dường như đang hợp thể thành một khối hòng ngăn tiếng nấc phát ra.

Nơi hai khóe mắt khô khốc bỗng chốc cay xè khi Yến bắt gặp hình ảnhThỏ đang run run giữ chặt bát cơm bằng cả hai tay. Môi cô cũng run lên theo. Có lẽ vì vậy mà âm thanh phát ra từ thanh quản đang phừng phừng lửa cháy đã không còn chút dấu vết bỏng rát nào. Nó nhỏ nhẹ, yếu ớt như chính thái độ của cô: “Con có gì chưa tốt, xin mẹ cứ trách, cứ dạy nhưng đừng nói thế trước mặt cháu. Tội con…”

“Tôi nào dám dạy cô!?” Người phụ nữ quắc mắt, môi mím lại thành một rãnh dài khi chỉ tay vào Thỏ: “Mới nhờ rót hộ cốc nước, cô đã xô bàn đá ghế như thế; tôi còn không biết thân phận mẹ chồng vô dụng của mình mà im mồm hay sao? Cháu tôi nó là con gái đấy, cô dạy thế nào thì dạy, chỉ cần nhà chồng nó đừng mắng nhà này không biết dạy con cháu đạo làm dâu thì tôi đã ơn nhà đẻ cô chín xe mười vàng.” Nói xong, bà ta đưa tay giũ mạnh vạt áo như thể muốn phủi sạch những nhơ bẩn từ đứa con dâu bất trị trước khi quay ngoắt đi.

Bóng người phụ nữ khuất dạng đã lâu nhưng Yến vẫn đứng sững đó. Không khí quanh cô đều ngập ngụa vị mặn đắng nên lồng ngực liên tục quặn lên những cơn đau âm ỉ. Cơn đau của người phụ nữ thèm khát được một lần vứt bỏ tấm áo vợ hiền dâu thảo để dũng mãnh tiến đến trước mặt bao người, nói cho cạn nỗi uất ức và mặc kệ bao phán xét. Song còn quá nhiều được mất níu chân cô lại, gí cô ngồi xuống cạnh bên đứa bé gái chưa từng dời ánh mắt thất thần khỏi bát cơm ăn dở.

Yến cố hít thở vài hơi dài, tự nhắc nhở bản thân không được quên lời mẹ đẻ cô răn dạy từ thuở còn con gái – Hy sinh là một loại hạnh phúc cao đẹp và người phụ nữ không biết hy sinh cho mái ấm của mình là người phụ nữ vô giáo dục, là niềm hổ thẹn cho gia đình họ tộc. Không biết tự bao giờ, những lời này đã thành kim chỉ nam cho tất thảy mọi người phụ nữ trong gia đình cô, nối tiếp hết đời này sang đời khác. Còn nhớ năm cô vào cấp Ba, gia đình chú thứ Năm mâu thuẫn to dẫn đến nguy cơ ly hôn; lúc ấy, cả dòng họ nội đã bị một phen nháo nhào, mọi người đều đồng lòng lên án thím là người phụ nữ thiếu bao dung, không biết cách giữ chồng, chỉ vì cái tôi nông cạn của mình mà ảnh hưởng đến tương lai con cái,… Cuối cùng, sau bao lần họp gia đình, đôi lần còn có cả sự tham gia của bố mẹ thím, vợ chồng chú đã từ bỏ ý định ly hôn. Và đến tận hôm nay, không khí căng thẳng ngày ấy vẫn còn khắc sâu trong tâm trí cô.

“Thỏ, ăn nốt đi con…” Gượng môi cười cùng con, Yến nhỏ giọng. Cô đưa tay vuốt tóc Thỏ, vừa như thầm trấn an con bé vừa tự dỗ dành bản thân rằng ít ra thì cô vẫn đang có gia đình trọn vẹn, không khiến bố mẹ buồn lòng và vẫn đang được yêu dẫu tình yêu ấy không đến từ người đàn ông mang danh xưng Chồng. Mỉa mai thay!

“Vâng ạ!” Thỏ đưa tay quệt má rồi ngước đôi mắt còn ươn ướt lên nhìn Yến: “Có Thỏ yêu mẹ, mẹ đừng buồn mẹ nhé.”

“Không sao đâu con. Tại hôm nay mẹ về muộn nên bà giận, bà nói thế thôi…”

Chợt, Thỏ mím môi, nhìn chằm chằm vào Yến hồi lâu nhưng không nói gì thêm mà chỉ gật đầu rồi cắm cúi vào bát cơm. Yến thấy biểu cảm ấy, song vì luôn cho rằng Thỏ là trẻ con vô tư hoặc giả đã quá mệt mỏi để phân tích, tìm hiểu nên yên lặng trệu trạo nhai cho xong bữa tối muộn.

Mỗi buổi tối của Yến đều luôn quẩn quanh với những công việc cơm nước, dọn dẹp, phơi giặt, tắm cho con, kiểm tra tình hình học tập của con và cho con đi ngủ. Khoảng đêm tĩnh lặng của cô chỉ bắt đầu sau khi Thỏ đã ngủ ngoan, mẹ chồng cũng về phòng riêng. Còn chồng cô thì hiếm hoi lắm mới về nhà trước khi ngày mới sang.

Cẩn thận đắp chăn cho Thỏ xong, Yến nhoài người hôn một cái thật kêu lên má con: “Thỏ yêu của mẹ ngủ ngoan nhá!” Cô cố giấu nỗi buồn vào tận sâu trong đáy mắt để trao cho con tất thảy yêu thương.

“Mẹ…” Gương mặt Thỏ hiện rõ vẻ băn khoăn khó nghĩ qua đôi mày vòng nguyệt khẽ nhíu lại. Cô bé ngập ngừng: “Hôm nay không phải bà nội đón con…”

“Thế con tự đi về à?” Yến giật mình, hốt hoảng hỏi lại.

Thỏ chầm chậm lắc đầu, mắt chăm chú quan sát Yến trong bóng đêm: “Không ạ! Bà ngoại đón con. Lúc về đến nhà mình, con nghe bà nội bảo với bà ngoại là bà nội hơi mệt nên không đón con được.” Dứt lời, cô bé thở phào khe khẽ, thầm mong mẹ sẽ không tự trách bản thân về muộn, phải nhờ bà nội đi xa đón mình tan trường nữa.

Nghe Thỏ nói xong, Yến như ngừng thở trong giây lát và bất giác đưa bàn tay lên che mặt. Phòng Thỏ rất kín nhưng cô vẫn cảm thấy toàn thân run lên bần bật. Giọng nói nghẹn lại: “Ừ, mẹ biết rồi. Thỏ ngủ đi nhé!” Rồi không thể chờ Thỏ chìm vào giấc ngủ mới nhẹ nhàng rời đi giống mọi ngày, cô vội vã bước. Nhà mẹ cô cách nhà cô chỉ hai dãy phố, mọi lần cũng là cô nhờ mẹ đón Thỏ hộ nếu phải về muộn. Tuy nhiên, hôm nay mẹ cô đang ốm và mẹ chồng cô biết rõ điều ấy. Vậy mà… Đầu óc cô như mụ đi, cơn giận cuồn cuộn dâng lên, chảy rần rật trong từng thớ máu thịt.

Yến đi một mạch đến trước cửa phòng mẹ chồng. Bàn tay nắm chặt để lộ những đường mạch máu phập phồng dứt khoát đưa lên cao. Và khi nắm tay vừa kịp chạm vào mặt gỗ thì bên tai cô đột ngột vang vang lên câu nói “… nếu không vị tình mẹ cô và tôi là chị em đồng nghiệp mấy mươi năm thì tôi đã mời bố mẹ cô sang thưa chuyện từ lâu rồi. Ngày xưa, phần vì tin tưởng mẹ cô là giáo viên dạy Ngữ Văn, đạo đức, nhân phẩm đều hơn người nên tôi mới hết lòng vun vào cho hai đứa, không xét nét chuyện có chửa trước mà đồng ý đón cô về làm dâu con trong nhà; ai nào ngờ cô chẳng học được gì từ bà ấy, đến chuyện khiến chồng muốn về nhà cũng chả xong...”

Bên trong phòng, người phụ nữ hốt hoảng đặt cốc sữa nóng hổi cùng đĩa nho vào ngăn tủ. Nét cáu bẳn thể hiện trực tiếp trên nét mặt bà ta và sự khó chịu ấy càng tăng cao trước sự xuất hiện của Yến: “Thế nào? Sang kiểm tra xem tôi có mách lẻo kể tội cô với con trai tôi không đấy à?” Bà ta mở rộng cửa nhưng không có ý định để Yến vào phòng mình bằng cách đứng chắn ngang lối đi, mặt nghênh lên khiêu khích.

Lật đật giấu nắm tay ra sau lưng, Yến khó nhọc nuốt khối nước bọt có vị đắng ngắt đang xâm chiến toàn bộ khoang miệng xuống đôi lần, trước khi đôi môi có thể nở được nụ cười cầu hòa. Cô cúi thấp đầu, cố che đậy ánh nhìn còn sôi sục của mình: “Con sang là để xin lỗi mẹ vì đã lỡ tay xô ghế hơi mạnh ạ! Mong mẹ đừng hiểu nhầm…” Chỉ nói hai câu ngắn, ngữ điệu rời rạc tựa đang trả bài nhưng mồ hôi đã tuôn ra ướt đẫm lưng áo như thể cô vừa trải qua một trận sốt cao. Có lẽ đúng! Nếu không sốt đến mông muội tri giác thì cô đã chẳng đi xin lỗi kẻ ức hiếp người rứt ruột sinh ra mình. Sau lưng cô, nắm tay càng thêm siết chặt.

Người phụ nữ cười khẩy, nét mặt có phần dịu hơn: “Thôi… thôi… Chả cần văn vẻ làm gì cả. Tôi còn không hiểu cô nghĩ gì hay sao. Nhưng dù sao vẫn đang sống chung một nhà, cô đừng quá thể quá đáng thì tôi cũng mắt nhắm mắt mở cho qua. Liệu liệu mà đẻ thằng cháu cho tôi là được."

“Con… con…” Yến nghẹn lời. Nét mặt rúm ró đến đáng thương.
Nhưng cánh cửa đã đóng sầm lại, trước khi Yến kịp hoàn chỉnh câu từ.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Ngọc Sinh Yên

Gà tích cực
Tham gia
16/7/15
Bài viết
148
Gạo
40,0
Yến cũng được mẹ chồng thếch đãi món khai vị
~> Thết.

, đôi vai Yến chợt thỏng xuống
~> Thõng.

Vừa giận vừa thuơng Yến. Thương vì cô ấy xui xẻo khi chọn nhầm bến đỗ cho mình, và vì mẹ em cũng từng rơi vào hoàn cảnh bị mẹ chồng và chồng làm mấy trò "xỏ lá" như thế (dù đã đẻ được con trai :v ). Nhưng mẹ em chả hiền như bà Yến nên đã dứt áo đi cắp theo hai con sau mười mấy năm với n trận to tiếng nảy lửa. Thế nên em giận cô ấy không dũng cảm để sạc cho bà mẹ chồng cà chớn 1 trận dù biết cô ấy rất khó xử. U viết thật quá, phũ quá, em muốn tát bà già đó mấy phát quá. :tho128:

U còn ngây thơ lắm. U ngoan hiền, trong sáng, thuần khiết nhất Gác mà. :D
Em thấy U bảo sở thích của U là hư hỏng cơ mà. ;)) (Hình như còn 2 từ đằng trước nữa, nhưng em ấn tượng với "hư hỏng" nhất.)
 

U Huyễn

Gà cận
Nhóm Tác giả
Tham gia
11/4/14
Bài viết
909
Gạo
900,0
Ngọc Sinh Yên, bình tĩnh bình tĩnh em ui. U thích chọc người khác nổi điên nên còn điên dài dài. :D
Yến nhẫn nhịn cũng có lý do, từ từ U sẽ hạ màn. Đôi khi người đáng thương nhất cũng chính là kẻ đáng trách nhất.
Còn vụ "hư hỏng" là bởi vì U ngoan hiền quá nên mới thích được hư hỏng nhưng cố mãi vẫn mới chỉ hư chứ chưa hỏng được. Hu hu...
 
Bên trên