Mở đầu:
Có ba nguyên tắc nhất định phải biết trước khi tìm đến người tư vấn:
1. Phải lý trí.
2. Luôn luôn bình tĩnh.
3. Quan trọng nhất là phải thoải mái (Vì chúng ta đều xa lạ với nhau mà).
Cách mà chúng ta sẽ bắt đầu cuộc nói chuyện:
1. Gọi điện thoại.
2. Chat mạng xã hội.
3. Tới phòng làm việc của người tư vấn.
Và có một lưu ý nho nhỏ là người tư vấn chỉ là người tư vấn, không phải bác sĩ tâm lý hay người có trình độ chuyên môn nhất định. Vì vậy nên có thể sau cuộc trò chuyện, người tư vấn có thể hoặc không thể giúp bạn giải quyết vấn đề, hãy thông cảm đi vì chúng là miễn phí! Miễn phí tiền bạc, và miễn phí cả thời gian.
Nếu đã nắm rõ những điều trên, vậy thì chào mừng bạn tới gặp người tư vấn.
Chương 1: Tự tử
- Xin chào, người tư vấn!
- Chào bạn! – Tôi mỉm cười đưa tay ra về phía cô gái trẻ đang ngồi trước mặt mình. Chúng tôi bắt tay nhau và cuộc trò chuyện bắt đầu bằng việc cô gái tự giới thiệu mình trước.
- Tôi tên là Y, là học sinh cuối cấp. – Y nói, cô có chất giọng rất nhẹ nhàng và uyển chuyển. Y là một cô gái có khuôn mặt tròn, làn da ngăm ngăm đen với mái tóc dài thẳng cùng đôi mắt một mí nhỏ xíu. Cô gái đeo một chiếc kính cận dày cộp, nhìn chung có vẻ là người hướng nội, nhút nhát.
Khi bắt tay, tôi có chú ý đến ngón giữa ở bàn tay phải của cô ấy. Ở đó có một cục chai tay rất to, chắc hẳn là kết quả sau những tháng ngày ôn thi đại học miệt mài.
- Kì thi thế nào? – tôi hỏi.
- Thật tệ hại. – Và Y đáp.
Tôi im lặng và chờ đợi Y nói tiếp. Nhưng trông sắc mặt của cô ấy không ổn lắm! Y hắng giọng, rồi bắt đầu kể với tông trầm:
- Tôi sinh ra trong một gia đình có rất nhiều khuyết điểm. Đầu tiên phải kể đến chính là bố tôi, tôi không có bố. Mẹ tôi năm mười tám tuổi đã bị lừa quan hệ và khi phát hiện mình mang thai, gã đàn ông nọ đã lập tức bỏ trốn. Mẹ tôi phải bỏ dở chuyện học hành để ở nhà nằm chờ đẻ. Nhưng gia đình tôi không khá giả mấy nên trong quá trình mang thai, mẹ tôi cũng không được bồi dưỡng đầy đủ và kết quả là tôi sinh ra bị thiếu cân, rất yếu ớt.
Năm tôi hai tuổi thì ông bà tôi mất vì bị tai nạn, một mình mẹ tôi chèo chống nuôi tôi. May thay là trên mẹ tôi còn có ba bác gái nữa, tuy họ cũng chẳng giàu gì nhưng thi thoảng vẫn mua sữa, mua bỉm cho tôi, còn thay phiên nhau trông tôi để mẹ tập trung đi làm nữa. Mẹ tôi vì chẳng có bằng cấp gì nên xin việc rất khó khăn, mấy năm đầu tiên thì phải đi làm lao công cho một công ty, rồi vào làm công nhân cho một xưởng may nhỏ,… Mãi tới khi tôi năm tuổi, bà mới xin được vào làm phụ bếp ở một trường tiểu học gần nhà. Cuộc sống của chúng tôi khó khăn vô cùng.
Cũng chính vì vấp ngã ở tuổi đời còn quá sớm, nên mẹ tôi luôn mặc định rằng mình thành ra thế này tất cả chỉ vì không vào được đại học, không học hành tử tế và không có bằng cấp gì cả. Vậy nên bà luôn đặt áp lực rất lớn lên vai tôi, luôn căn dặn tôi đặt việc học lên hàng đầu. Tôi vì không muốn mẹ thất vọng nên cũng đã rất cố gắng.
Cấp một, cấp hai tôi luôn là học sinh giỏi đứng top đầu của khối, đi thi Olympic cũng đạt được rất nhiều giải thưởng, mẹ tôi tự hào vô cùng, họ hàng tôi cũng tự hào vô cùng: Ôi con bé này thương mẹ nó lắm, nhà nó nghèo nhưng nó học rất giỏi, mẹ đẻ khéo sinh con gái tài giỏi đúng là phúc đức,… Họ dành cho tôi rất nhiều lời khen ngợi…
Nói đến đây, tôi thấy Y bỗng nhiên dừng lại, giọng nghèn nghẹn như sắp khóc tới nơi: - … Nhưng họ không biết, họ càng tự hào thì áp lực trên vai tôi càng lớn!
Rồi cô gái bật khóc. Và tất nhiên là tôi vẫn sẽ im lặng chờ đợi, vì tôi chẳng bao giờ cấm khách hàng của mình thể hiện cảm xúc, miễn là họ không mất bình tĩnh. Mấy phút trôi qua, cô gái dần dần trở lại bình thường. Tôi đưa cho Y mấy tờ giấy để cô ấy có thể lau sạch nước mắt vẫn còn vương lại trên mặt mình. Khi đã ổn định, Y lại tiếp tục kể cho tôi nghe câu chuyện của cô ấy:
- Và nhờ có số lượng thành tích lớn như vậy, tôi thi đỗ vào một trường chuyên ở trong nội thành. Điều đó đồng nghĩa với việc hàng tháng tôi sẽ mất thêm một khoản xe bus kha khá và mẹ tôi sẽ thêm gánh nặng vì học phí không hề rẻ chút nào. Tôi đã từng đề nghị chuyển trường về đây cho gần, nhưng mẹ tôi không đồng ý. Bà nói dù vất vả thế nào thì cũng sẽ nuôi tôi ăn học tử tế.
Và mẹ tôi bắt đầu đi làm thêm tối, hầu như toàn bộ thời gian bà đều dành cho việc đi kiếm tiền. Nhiều lúc tôi không nhịn nổi mà phải hỏi, tại sao, tại sao cứ nhất quyết phải làm như vậy? Và bà đã nói rằng, chỉ cần tôi học giỏi, dù vất vả thế nào bà cũng thấy hạnh phúc.
Trước áp lực kinh khủng như vậy, tôi bắt đầu trở nên chán nản việc học. Trụ tới học kì năm lớp 11 thì kết quả của tôi cũng tụt dốc không phanh. Và hậu quả là tôi bị học sinh tiên tiến năm học đó. Sau khi họp phụ huynh, mẹ khóc thảm thiết và ốm một trận dai dẳng làm cả nhà lo sốt vó lên. Mẹ không mắng mỏ gì tôi, nhưng những bà bác của tôi thì có.
Họ nói tôi không biết thương mẹ, không biết lo lắng cho gia đình, mẹ thì è cổ nuôi ăn học tử tế mà không biết đường báo đáp,… Có một câu nói mà tôi vẫn nhớ tới tận bây giờ…
- Họ nói gì? – Tôi hồi hộp.
- “Cùng trả một số tiền học phí bằng nhau, nhưng tại sao kết quả lại chênh lệch như vậy? Đâu phải cứ học dốt là người ta sẽ giảm tiền học phí?” – Y nhại lại, bằng tông giọng buồn tới não lòng: - Sau trận ốm đấy, mẹ mới như bừng tỉnh ngộ mà nói với tôi, rằng tất cả là lỗi tại bà ấy, tại bà mải đi kiếm tiền mà không quan tâm chăm sóc tôi, nên tôi mới chểnh mảng chuyện học hành.
Và nói là làm, mẹ “quan tâm” tôi hơn. Lịch học thêm của tôi dày tới mức tôi cảm tưởng một ngày của mình trôi qua chỉ có học, ăn và ngủ. Mẹ tôi giám sát tôi rất chặt chẽ, bà cấm tôi dùng điện thoại cho tới khi thi xong, cũng cấm tôi ra ngoài hàng ngày hàng tháng. Tôi đã cãi nhau với mẹ một trận lớn. Tôi nói tôi không chịu được kiểu học hành áp bức như thế này, và mẹ tôi lại khóc. Bà bắt đầu kể lại vì sao bà lại khổ sở như vậy. Cùng làm tám tiếng đồng hồ, nhưng tại sao dân văn phòng được ngồi trong phòng điều hòa mát mẻ, còn bà phải chui rúc dưới căn bếp ám đầy mùi khói nóng bức tới ngạt thở mà tiền lương của họ lại nhiều hơn bà ấy? Chẳng phải chỉ hơn nhau có một cái tấm bằng thôi sao?
Tôi bị nói tới không thốt lên lời. Tôi không chắc mình đã thực sự hiểu ra ý của mẹ, nhưng sau đó, tôi lao vào học như một con rối. Viết, viết lia lịa, viết tới chai tay, viết tới mỏi mắt… Tôi học như điên như dại vậy đấy mà tình hình không khả quan lên một chút nào.
Mẹ không biết gì cả, bà chỉ thấy vở tôi dày đặc chữ và tôi lúc nào cũng ngồi trên bàn học. Bà muốn tôi thi kinh tế quốc dân, thật xa vời làm sao! – Y lắc đầu đầy bất lực: - Tôi đã trải qua kì thi đại học thật tệ hại, tôi dám chắc chắn rằng mình sẽ không đỗ, nhưng tôi đã giấu kín chuyện đó, để cả họ hàng chờ đợi trong niềm hy vọng to lớn. Mẹ tôi, mẹ tôi thậm chí còn nghĩ rằng tôi sẽ đỗ thủ khoa…
- Bạn hẳn là đã có một khoảng thời gian thật tệ hại. – Tôi nói, khi nghĩ tới việc chỉ còn mấy ngày nữa sẽ công bố điểm chuẩn.
- Phải. Thời gian trôi đi thật kinh khủng, ngày nào tôi cũng giam mình trong phòng, vừa nằm khóc vừa nghĩ ngợi, nghĩ thật nhiều… Nhiều tới mức mất cả ngủ hàng tuần liền. – Y nói, khuôn mặt cô trở nên trắng bệch.
- Bạn đã nghĩ gì vậy? – Tôi hỏi trong khi rót cho Y một cốc nước trắng. Cô ấy nhận lấy, nói cảm ơn và uống được mấy hớp.
- Nghĩ gì ư? Tôi đương nhiên là nghĩ tới tương lai. Khi mà mẹ và những bà dì của tôi biết sự thật. Mẹ sẽ lại khóc và lại ốm, còn những bà dì của tôi sẽ chửi bới tôi thậm tệ hệt như lần đó, họ sẽ dày vò và nói trong tiếng thở dài. Họ sẽ rất thất vọng… - Y nở nụ cười nhàn nhạt hiếm hoi: - Mới chỉ tưởng tượng ra vẻ mặt của họ lúc chửi tôi, tôi đã thấy nặng nề kinh khủng rồi.
- … - Tôi uống chút nước trong khi chờ Y kể tiếp.
- Nững bà dì sẽ nói gì nhỉ? Có phải sẽ kêu tôi không thương mẹ? Không biết lo lắng cho gia đình? Mẹ bỏ nhiều tiền cho tôi ăn học như vậy mà kết quả chẳng ra làm sao… Rồi họ sẽ nói với con họ: Đấy, con nhìn xem, chị ấy không học hành tử tế, nên mới trượt đại học, con nhìn đấy mà làm gương, phải cố mà học tập đi… Rồi họ sẽ nói gì với hàng xóm, với bạn bè họ: Em gái tôi là bà mẹ đơn thân, thương con gái lắm, lúc nào cũng chỉ muốn tốt cho nó vậy mà… Rồi bạn bè tôi, họ sẽ nghĩ gì về tôi: Ôi, thấy học chăm chỉ lắm mà, đứng nhất nhì lớp mà trượt đại học,...
Còn mẹ tôi nữa, bà sẽ đặt ra ba vạn câu hỏi vì sao để hỏi tôi từ đấy cho tới mùa thi năm sau, và những bài ca chửi bới đấy sẽ được hàng chục con người họ hàng hang hốc của tôi lặp đi lặp lại cho tới năm sau… Và tôi sẽ giam mình như thế đúng một năm, hoặc là mẹ sẽ bắt tôi quay lại địa ngục học thêm thêm một năm nữa… Tôi rồi còn mặt mũi nào mà gặp bạn gặp bè, gặp hàng xóm cơ chứ???
Tôi mất dần hết hy vọng, tôi thực sự muốn chết, muốn tự tử quách cho xong. Sống khổ thế này thì sống làm gì? – Giọng của Y lạnh dần, lạnh dần: - Tôi chết rồi, sẽ chẳng phải nghe ai chửi bới, chẳng phải nghe ai dày vò, cũng chẳng phải học… Mà như thế, có khi lại hay, mẹ tôi sẽ chẳng cần phải còng lưng xuống nuôi tôi ăn học nữa. Tôi chắc chắn bà sẽ rất buồn, nhưng rồi bà sẽ nhận ra, không có tôi cuộc sống cũng chẳng tệ, vì chẳng bao giờ phải lo nghĩ, mấy giờ con Y về còn nấu cơm, đi làm ở abcxyz nữa thì thêm được bao nhiêu tiền, sắp tới cuối tháng rồi, học phí làm sao bây giờ?...
Và Y dừng lại tại đó, tôi đợi mà không thấy cô ấy nói thêm gì, chắc hẳn câu chuyện đã kết thúc. Tôi mỉm cười và lịch sự mời Y uống nước đi cho đỡ rát cổ hỏng. Tôi mừng là cô ấy không khóc nữa, nhưng vẻ mặt bất cần đời này của Y lại làm tôi lo lắng hơn cả. Nó làm tôi phải cân nhắc rất nhiều lần trước khi quyết định nói ra bất kì điều gì.
Y cũng rất kiên nhẫn chờ tôi lên tiếng, và quan trọng là tôi chẳng bao giờ để khách hàng của mình phải chờ quá lâu. Tôi nói với Y:
- Câu chuyện của bạn thật sự rất tăm tối, tăm tối ngang ngửa đời chị Dậu rồi.
Đáp lại câu trêu đùa của tôi, Y khá bình tĩnh:
- Nhưng chị Dậu chẳng có cách nào để giải thoát, còn tôi thì có, tôi có thể chết.
Cái chết từ bao giờ lại trở nên dễ dàng như vậy, tôi thầm nghĩ trong lòng.
- Không hẳn. – Và tôi lắc đầu. Tôi dùng từ “không hẳn” thay cho “không”, vì tôi muốn Y biết rằng, cô ấy đúng, chết là một cách giải thoát, nhưng tại sao lại chọn nó thay vì chọn những giải pháp khác tích cực hơn?
- Bạn nói bạn suy nghĩ nhiều về tương lai? Vậy bạn có bao giờ suy nghĩ về viễn cảnh sau khi mình chết không? – Tôi hỏi.
Y im lặng không đáp, rồi cô ấy gật đầu. Tôi mỉm cười nhẹ nhàng:
- Nó sẽ như nào nhỉ? Mẹ bạn chắc chắn sẽ khóc lóc thảm thiết và không ngừng đổ lỗi cho mình, những bà bác họ hàng của bạn sẽ phải cảm thấy day dứt, hối hận vì đã mắng chửi bạn, trường lớp thầy cô của bạn và gia đình sẽ phải chịu trách nhiệm vì đã tạo áp lực thi cử khiến bạn tự vẫn? Bạn có nghĩ thế không?
Y không đáp, nhưng cô ấy mím môi lại. Nhưng tôi tin rằng cô ấy đồng tình với những gì tôi vừa nói. Tôi mỉm cười lần nữ, đan hai bàn tay vào với nhau:
- Nhưng tôi không cho là vậy. Tôi dám cá là cái chết của bạn sẽ xuất hiện trên báo, với một cái tít như “nữ sinh tự tử vì áp lực thi cử”, và sau đó sẽ có hàng trăm bình luận bên dưới, đa phần sẽ lên tiếng chỉ trích nền giáo dục Việt Nam và những bất công trong đó, một số còn lại sẽ kêu bạn thật dại dột, ngu ngốc, và một số ít khác sẽ dành ra những câu đại loại như “mong bạn sớm yên nghỉ”,… Bạn thấy đấy, khi mà con người ta gặp một vấn đề nào đó, họ thường có xu hướng đổ lỗi cho người khác thay vì tự xem lại bản thân mình.
Nếu bạn tự tử, thì gia đình bạn có lỗi, nền giáo dục Việt Nam có lỗi, và bạn cũng có lỗi. Chẳng ai là không có lỗi cả nhưng người đau khổ nhất sẽ là mẹ bạn, và người hối hận nhất sẽ là bạn. Bạn bè, thầy cô của bạn sẽ nói về bạn như nạn nhân của vấn nạn học đường, còn những bà bác của cô sẽ im lặng, hoặc là đổ lỗi cho bất cứ ai khác không phải họ,… Và rồi chuyện của cô sẽ đi vào di vãng và bị người đời quên lãng, vì chẳng ai nhớ tới nạn nhân quá lâu nhưng họ lại nhớ rất rõ hung thủ.
Tin tôi đi, cô đi tìm cái chết không phải giải thoát mà là đang tự đẩy bản thân vào địa ngục. Vì chẳng có ai tự hành hạ mình mà lên thiên đường được đâu.
Tôi dừng lại quan sát sắc mặt của Y, phải, chúng tệ hết sức. Tôi thở dài và chuyển đề tài:
- Nói về giáo dục Việt Nam, tôi nói thẳng là chúng thối nát hết sức. Bên nước ngoài đa số đại học người ta sẽ thả lỏng đầu vào và thắt chặt đầu ra, có nghĩa là vào được đại học thì dễ nhưng muốn ra khỏi với cái bằng tốt thì rất khó. Nhưng ở Việt Nam, nó lỏng cả đầu vào lẫn đầu ra, vì thế mà tiến sĩ với thạc sĩ Việt Nam nhiều vô số kể, nhưng tại sao họ vẫn thất nghiệp và phải đi bán trà đá? Bởi vì giáo dục Việt Nam quá coi trọng lí thuyết, vào làm cho nhà nước thì quan trọng phải có nhiều tiền nếu muốn xin được việc, còn vào làm cho các công ty tư nhân thì nhà tuyển dụng người ta thường muốn tuyển những người có kinh nghiệm để vào đào tạo chuyên môn sau chứ chẳng ai tuyển một kẻ chỉ có lý thuyết không. Như thế thì tiến sĩ, thạc sĩ hay cái đứa bằng loại khá cũng như nhau cả thôi!
Người nước ngoài gọi đại học Việt Nam là lò đào tạo toàn siêu nhân, vì kiến thức của chúng ta quá nặng, có những điều mà ở nước ngoài lên đại học người ta mới dạy thì bên mình cấp ba đã học xong rồi.
Nhưng tất cả những gì chúng ta học được chỉ là lý thuyết. Đi học thầy cô dạy bạn sống là gì nhưng không dạy bạn sống như thế nào, cũng như dạy bạn phải biết vượt qua áp lực nhưng không dạy bạn làm thế nào để vượt qua nó,… Một tiến sĩ nhà nghèo với cái đầu toàn lý thuyết thì thất nghiệp cũng là phải.
Thời đại này các công ty nhà nước đang chuyển dần sang thành những công ty cổ phần cả rồi
. Vì vậy, những nhà tuyển dụng sẽ lại càng khắt khe hơn, họ cần người có kinh nghiệm hơn là một người với tấm bằng loại tốt mà chẳng biết làm gì.
Có một người rớt đại học, vì nhà nghèo không đủ tiền lo cho thi năm thứ hai nên người đó đành ở nhà tiếp quản quán nước nhỏ của bố mẹ. Ba năm sau, quán nước nhỏ trở thành một quán tạp hóa, 10 năm sau, quán tạo hóa trở thành một đại lí chuyên cung cấp bánh kẹo nước ngọt lớn nhất vùng,…
Vậy đó, đại học không phải con đường duy nhất, cũng như chết chẳng phải là cách giải thoát duy nhất. Đời người ngắn ngủi, cần phải biết nắm lấy cơ hội thì mới thành công được. – Tôi cười mỉm khi thấy khuôn mặt Y đã có tín hiệu giãn ra.
- Bạn có thể về và hai mẹ con nói chuyện thẳng thắn với nhau. Một là tiếp tục theo đuổi đại học, hai là có thể xin đi học nghề nào đó. Ra ngoài nhiều hơn, tiếp xúc nhiều hơn, làm dày kinh nghiệm của mình rồi bạn khắc sẽ tìm được một công ty tốt hoặc một ngành nghề phù hợp với mình thôi! Mẹ bạn sa ngã một lần nên đâm ra hơi ám ảnh một chút, bà chỉ mong bạn có một tương lai tốt đẹp và không vấp vào vết xe đổ của mình. Bạn cũng chẳng cần phải quá để ý tới những lời mắng chửi của các bà bác làm gì, bạn chăm sóc mẹ tốt cũng là yêu thương mẹ rồi chứ chẳng cần phải học giỏi. Rồi mẹ bạn sẽ hiểu cho bạn thôi!
Chào bạn!
Chú thích:
Cái này là thật nhé, bạn có thể lên hỏi google để biết thêm thông tin vì mình mới chỉ nghe trên thời sự thôi!