Nguyện - Cập nhật - Nhạc Vũ

Nhạc Vũ

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
1/2/18
Bài viết
65
Gạo
29,0
Tên truyện: NGUYỆN
Tác giả: Nhạc Vũ
Tình trạng sáng tác: Đang sáng tác - Tình trạng đăng: Cập nhật
Lịch đăng: Không cố định
Thể loại: Truyện dài
Độ dài: 20 chương (50000 từ)
Giới hạn độ tuổi đọc: Không - Cảnh báo về nội dung: Không

Mục lục
Mở đầu --- Chương 1 --- Chương 2 --- Chương 3 --- Chương 4
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Nhạc Vũ

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
1/2/18
Bài viết
65
Gạo
29,0
MỞ ĐẦU
Một người sống mà lúc nào cũng thèm chết thì chẳng mấy khi làm được gì có ích. Họ đè nén khao khát. Họ sống cầm chừng. Họ quá bận lòng. Họ bận suy nghĩ xem bản thân cần sống như thế nào cho qua ngày, và bao giờ thì cái chết tìm đến, hoặc, bao giờ thì tìm đến cái chết.

Thật thừa thãi khi cố khuyên những người này hãy sống cho tốt, cho hạnh phúc, cho ý nghĩa, hay những điều gì tương tự. Mấy lời khuyên đó đối với họ, nghe chói cả tai.

Những người này có vài đặc điểm nhận dạng như sau: hòa nhã, dễ chịu, hay cười hiền, không bao giờ cho ý kiến, hiếm khi từ chối ai, có kha khá người không biết đến sự tồn tại của họ. Và đặc biệt, họ hay nói “không sao”.

Thật kỳ lạ là chỉ trong tích tắc, sau khi nghe tin một người nói “không sao” vừa chết, thế giới chợt vắng hơn.

“Hôm nay bầu trời rất đẹp.

Phút giây được ngắm nhìn bầu trời đẹp đẽ này, tôi đã tha thứ cho tất cả những sai lầm, u minh và non nớt của mình. Tôi tha thứ cho tất cả, cho cuộc đời này nữa.

Hôm nay bầu trời rất đẹp.

Rất tiếc.

Chưa kịp nói lời chia tay.”

- Trích bức thư cuối của một người nói “không sao”,
 

Nhạc Vũ

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
1/2/18
Bài viết
65
Gạo
29,0
1. THEN PAC THÚ
Đêm hôm trước, mưa rất dài. Cả một vùng cao nguyên chìm trong màn mưa trắng xóa mịt mờ. Ánh điện vàng leo lắt, khó nhọc phát ra từ những ngôi nhà gỗ đơn sơ và cũ kỹ. Vài đốm sáng nằm thưa thớt, cách xa nhau cả gần cây số, xen vào giữa những rẫy cà phê rộng lớn bạt ngàn.

Tiếng mưa ào ào, tiếng gió lùa vào rừng cây gào thét. Mấy con chim lợn vẫn đang bay vòng quanh trên ngọn cây đa cổ thụ ở đầu làng, tiếng “éc éc” tru tréo càng lúc càng lớn hơn và không có dấu hiệu gì là dừng lại. Một cảnh tượng hệt như âm tào địa phủ. Đêm khuya rách rưới lại càng rách hơn.

Như là dấu hiệu báo trước…

Cơn mưa vừa tạnh vào sáng nay.

Hơn mười con trâu trong chuồng của một gia đình giàu có nhất vùng được phát hiện đã chết. Những con trâu đủ kích cỡ nằm ngược xuôi, chồng lên nhau, bất động. Nước dãi đặc sệt và trắng nhẫy hòa lẫn với bùn đất, rơm rạ, phân chuồng.

Người trong vùng bỏ lại tất cả công việc đang dang dở rồi tập trung về một chỗ, vây quanh những cái thây đen ngòm, thì thầm nho nhỏ. Quá nhiều người thì thầm đến nỗi, chỉ nửa ngày, tiếng thì thầm đã lấn át luôn tiếng khóc gào của người đàn bà vừa mất của.

- Thật tội nghiệp!

- Chắc bị đánh thuốc.

- Tội nghiệp quá!

Lời cảm thương tất nhiên không dành cho những con trâu đã chết.

Dường như không một ai có ý định báo công an, kể cả gia chủ, làng xóm hay khách qua đường. Họ đã quá quen với tình huống này, hay cũng có thể vì một lý do gì đó mà trong lòng ai cũng rõ.

Quá trưa, dòng người đến thăm viếng mười con trâu vừa chết còn đông hơn cả số người đi viếng đám ma của một ông thầy giáo già đã dạy học cho cả hai, ba thế hệ những người sống tại đây.

Những người đàn ông bắt đầu lội vào cái chuồng trâu đầy sình và chất thải, mặt nhăn nhó, dùng hết sức lực để di chuyển mười sinh vật chết to lực lưỡng ra khỏi cái mồ chết tập thể của chúng.

Mỗi con trâu bị túm bốn chân, cột vào những dây thừng lớn, rồi kéo đi lê lết, làm thành những vệt sình dài nhầy nhụa. Chúng được xịt rửa cho bớt đi sự dơ dáy, rồi người ta bắt đầu chặt đầu, moi ruột, xẻ thịt chúng ra thành từng mảnh. Và cuối cùng là đặt lên những cái bao bố, rải đầy trên mặt đất.

Cuộc mua bán bắt đầu.

Mọi người đắm chìm vào việc chọn lựa, trả giá và đặt lên cân những miếng thịt đỏ bị ruồi nhặng bu đầy mà chẳng đoái hoài đến sự an toàn, khi mà những con trâu đó bị chết vì thuốc độc. Cũng chả hiểu vì lý gì mà họ lại thèm thuồng món thịt này nhiều như vậy.

- Mắc thế! Trâu chết xẻ thịt mà, phải bớt giá chứ.

- Mua nhiều thì phải bớt bớt tiền nha.

- Chênh có tí xíu, tính tròn luôn đi!

Ôi thật tội nghiệp cho gia chủ vừa mất mươi con trâu, phải phanh thây tất cả chúng một lúc, đem bán mong kiếm chút đồng bù lại. Ấy vậy mà lòng thương xót của người khác lại không đủ để du di vài món lời mọn, một ít tiền lẻ, một lạng thịt trâu.

Có cô bé con, tóc cháy lưa thưa, người đen nhẻm, quần áo cũ rách. Em ngồi cách đám đông không xa, chỉ nhìn mà chẳng hề động đậy. Không rõ em ngồi đó làm gì, có thể em không muốn mua thịt. Hoặc nếu có, em cũng không có tiền.

Mẹ em đã bỏ đi vào năm trước. Em trai bị não úng thủy của em vừa mất vào tháng trước. Còn bà ngoại em chắc hẳn đang làm rẫy. Mỗi khắc mỗi giây của bà đều quan trọng, hơn bất kỳ ai hết, vì ngày nào bà không thể lên rẫy, em và bà sẽ để bụng đói để đi ngủ vào ban đêm.

Em vẫn nhớ vào một đêm mưa lớn, đứa em vô tri vô giác của em bỗng dưng nằm yên tím tái và hơi thở yếu dần. Em thấy bà mặc vội chiếc áo mưa, chạy đến ngôi nhà nơi gần nhà em nhất. Người ta bảo đó là nhà giàu, vì nhà giàu có nhiều trâu và bao giờ cũng đầy đủ cơm ăn. Trước khi bà quay lại, cô bé ôm em trai và ngủ thiếp đi.

Hôm sau, bỗng dưng nhà em có rất nhiều người đến. Nhiều nhất em từng thấy trong quãng đời bảy tuổi của em. Họ tách em ra khỏi đứa em bé bỏng. Em thấy bà khóc, và họ cũng khóc. Em không hiểu tại sao họ lại khóc. Khi em trai em thành hình hài họ cũng khóc, khi họ tách rời chúng em họ cũng khóc.

- Đồ nhà giàu mà keo kiệt!

- Đồ không có tình thương!

- Thể nào cũng bị quả báo!

Hôm đó em đã nghe được những lời thì thầm, hôm nay em cũng nghe được thì thầm. Nhưng những người thì thầm đó, vừa ngoảnh mặt đi đã có thể nở nụ cười. Dường như một đứa bé như em là vô hại và họ không cần dè chừng hay quản lý biểu cảm của mình. Và quả thật như vậy, em không phân biệt được nhiều, không giống như khuôn mặt bà hiền hậu, em trông thấy mặt họ lúc nào cũng méo mó giống nhau.

Cuộc mua bán thịt trâu vẫn kéo dài không dứt, càng về chiều càng trở nên tấp nập hơn. Mấy người đàn ông đã bắt đầu làm mồi nhậu từ những miếng thịt thừa không mấy giá trị. Đám con nít chụm lại, hò nhau lấy củi và cành khô mang về làm thành đống lửa lớn. Còn hội đàn bà miệng cười toe, ra chiều mừng rỡ cho gia chủ vì buôn may bán đắt.

Cô bé nhìn mấy đứa nhỏ đang nói chuyện ồn ào bên đám lửa, tự hỏi bao lâu nữa thì bà ngoại quay về. Hôm nay liệu số rau rừng và củ sắn bà mang về có thể đổi được bao nhiêu gạo và có may mắn được thêm vài quả trứng.

Bỗng dưng, tiếng gầm rú của những con ngựa sắt cắt đứt dòng suy nghĩ của em. Hàng chục chiếc xe máy có hình thù gớm ghiếc đang di chuyển từ bên kia quả đồi trọc, đổ dốc và tập kết về làng.

Những thanh niên trở về sau cả tháng trời đi biền biệt vào rừng. Và khi trở lại đã mang theo cơ số nào những cây gỗ quý và cả động vật rừng. Chuyến này thu hoạch không hề tệ. Không gặp bất cứ trở ngại nào khiến họ phải bỏ lại gỗ mà chạy hoặc đốt luôn cả gỗ và xe.

Mặt trời mọc rồi mặt trời lặn, sương tàn rồi lại sương giăng, ngày hỗn loạn này dường như lại có thêm cơ hội kéo dài vô tận.

Những miếng thịt trâu vừa vơi, những con thú rừng liền được xẻ thịt. Đám thanh niên phó mặc cho mọi người muốn làm gì thì làm. Chúng đã quá mệt và hiện tại chỉ cần vài ly rượu cùng miếng thịt hun khói ngon lành sau một chuyến đi dài.

Trời chập choạng tối, ánh lửa bập bùng, cô bé trông thấy cảnh tượng này thật ghê sợ. Những con người trước mắt em hệt như những hồn ma chết oan đang rì rầm.

Một hồn ma xuyên qua đám đông tiến đến gần em. Ngồi xuống và hỏi:

- Bà ngoại chưa về hả?

Em gật đầu.

- Này, mang về ăn nhé. Cả em và bà ngoại cùng ăn.

Hồn ma đưa cho em một miếng thịt nhỏ mà em không phân biệt được đó là loại thịt gì.

Em vui mừng rời bỏ cái gốc cây nơi em đã ngồi non nửa ngày trời, và trong một khoảnh khắc em xoay người lại, em thấy hồn ma đang vẫy tay với em. Cô bé thầm cảm ơn, một hồn ma trở về từ rừng núi, hồn ma mà em thấy gương mặt không hề méo mó.

Chú thích: THEN PAC THÚ - Bài then LỜI CA VỀ ÂM PHỦ của đồng bào người dân tộc Tày.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Nhạc Vũ

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
1/2/18
Bài viết
65
Gạo
29,0
2. LẠC LOÀI
Mặt trăng tròn xám quạch đang neo đậu trên những rặng thông già. Trong đêm tối lặng thinh, đột nhiên những ngôi sao vụt tắt, những con thú kiếm ăn chạy tan đàn, những trận cuồng phong gió lốc ùn ùn kéo đến. Rừng đen thăm thẳm bỗng trở mình thức dậy và cây cối vùng vẫy điên cuồng.

Vạn vật đang xôn xao, vì em không khóc.

Ba đã chết. Mọi người đang rơi nước mắt. Chỉ có đứa bé trai hai tuổi cầm cái súng nhựa ngơ ngác nhìn đời. Và em, không buồn, cũng không vui.

Có lẽ bây giờ không thể gọi cô bé là cô bé nữa. Em đã lớn phổng phao, tóc dài bóng mượt, da trắng hồng hào. Ba em đã mang em rời xa khỏi bà ngoại và nuôi nấng em tốt như vậy đấy. Ba cho em một gia đình, nhưng vì không có bà ngoại bên cạnh, em thấy mình không khác gì một đứa trẻ mồ côi.

Nhà của ba có ba và người mà ba bảo em hãy gọi là mẹ. Có đèn đóm sáng trưng. Có rất nhiều bò, những con bò màu trắng đen mà trước nay em chưa từng thấy. Và có cả cánh đồng rau rộng lớn bạt ngàn. Nhà ba, à không, nhà của người mà ba bảo em hãy gọi bằng mẹ hình như là nhà giàu đó.

Ba ở trong ngôi nhà này lúc nào cũng vui vẻ và chẳng bao giờ đánh đập người mà ba bảo em hãy gọi bằng mẹ. Ba nói rằng sau này em sẽ sung sướng, sẽ đầy đủ cơm ăn áo mặc, sẽ được đến học ở ngôi trường rất đẹp.

Đường đến trường rất xa, em không thể tự đi bộ như ngày còn ở với bà. Mỗi sáng, ba chở em đi ngược hướng mặt trời lên. Xe máy bon bon trên con đường nhựa, láng o và chạy dài tít tắp. Trước cổng trường, em được ba mua cho bánh mì nóng giòn và sữa đậu nành ngọt lịm. Cặp ba mua thì to, mà người em thì nhỏ. Bạn học nhìn em chòng chọc, cười con bé đen đúa và lúc nào cũng trống rỗng vô ngôn.

Em nhìn cô giáo mới và bỗng nhớ thầy ở trường làng vô hạn. Thầy cho em và bà ngoại miếng thịt rất ngon. Thầy giúp em thoát khỏi bãi sình trên con đường làng quanh năm bùn đất. Thầy chỉ cho em từng con chữ, thầy bày em viết tên của bà.

Em nhớ bảng đen rách rưới nơi ngôi trường chỉ có duy nhất một lớp học. Em nhớ cái ghế gỗ bị lủng ngay chỗ em ngồi. Nhớ anh chị lớp trên, nhớ các em lớp dưới. Nhớ ô cửa sổ nhìn ra núi đồi, nhớ nền đất lồi lõm, nhớ mái hiên đầy giọt nắng rót vào.

Em nhớ bà ngoại, nhớ bữa đói bữa no. Nhớ ngày theo bà lên rẫy, nhớ đêm bóp chân cho bà. Em xin ba cho em về ở với bà. Nhưng ba nói rằng bà không muốn nuôi em nữa, bà là người bảo ba hãy mang em đi đấy, bà không muốn em trở về đâu.

Cánh rừng nơi nhà của ba không những có những hồn ma mà còn có một người đàn bà điên. Hôm nào bà ta cũng mặc bộ đồ rách rưới, đi xuống suối lấy nước bằng những cái chai nhựa đen đúa, nấu ăn trong cái nồi không bao giờ rửa, và ngủ trong túp lều chất đầy những thứ đồ đạc dơ dáy vô cùng. Cứ mỗi khi trời nắng lên cao, bộ não của bà ta gần như không chịu nổi lượng máu quá lớn mà tim đang tìm cách đưa lên não, đó là lúc những cơn chửi bới bắt đầu. Bà ta đi vòng quanh túp lều, hướng mặt về bốn phía, phát tiết ra, gào thét và mạt sát cuộc đời.

Không ai hiểu điều gì được chứa đựng và suy nghĩ gì đang lướt qua bộ não của một người điên. Nhưng ngoài việc làm ồn ào vào những khoảng thời gian cố định và khiến người ta trông ngứa cả mắt vì sự bẩn thỉu thì bà điên gần như vô hại. Và dẫu bà điên lạc loài, em lại thấy khuôn mặt bà không méo mó.

Tiếng chửi của bà điên là thứ âm thanh quen thuộc đối với em. Kỳ lạ thay, nó khiến em bớt đi cảm giác cô đơn và lạc lỏng nơi mảnh đất mới mẻ này.

Có một hôm, trong giấc ngủ ban trưa, em không nghe tiếng bà điên chửi nữa, em nghe tiếng bà ngoại hát ru thầm thì.

“Lưng núi thì to mà lưng bà thì nhỏ

Đừng làm bà ngã, bà trỉa bắp trên nương

Mặt trời của bắp thì nằm lưng núi

Mặt trời của bà, em nằm trên lưng.”(*)

Tiếng hát ru vừa dứt, tiếng bà điên vọng về. Em choàng mình thức dậy, cổ họng đau rát và cả cơ thể toàn mồ hôi.

Vậy là, nỗi đau lớn nhất trong đời em đã đến. Bà ngoại đã đi xa. Ngủ một giấc và ra đi mãi mãi. Dưới đuôi giường bà để lại một rổ chứa rất nhiều, rất nhiều quả trứng gà.

Ba đưa em trở về kịp lúc những hồn ma chuẩn bị đưa bà ngoại đi về phía bãi tha ma. Họ bảo em hãy khóc đi, khóc thật to tiễn biệt bà, khóc cho bà nghe thấy em ở đấy, để bà thanh thản ra đi. Em không muốn! Em ôm rổ trứng gà và gọi bà thức dậy. Trong phút giây cần tìm ra thứ gì đó để đánh đổi lấy dáng hình của bà, em đã hứa hẹn tất cả những khả năng em có thể. Em hứa sẽ ngoan, em ngoan lắm rồi, bà phải dậy, phải ở lại cùng em.

Tim em vỡ nát, lồng ngực em đau đớn, và tiếng lòng em không thể cất thành lời. Em không biết đặt tên nỗi đau này là gì. Dường như em còn quá bé bỏng để hiểu hiểu hết kiếp người.

Em trai chết, là em trai đã nằm sâu trong lòng đất. Bà đã chết, có phải bà cũng sẽ nằm nơi đấy. Nơi mà em gọi lớn bao nhiêu thì cũng không bao giờ nhận được tiếng trả lời. À thì ra, cái chết là khoảnh khắc một người không còn hồi đáp lại với thế giới ngoài kia nữa. Nhưng nào phải, em đã từng gào thét tên mẹ và chưa từng nghe mẹ trả lời, ấy vậy mà sao không có ai bảo rằng mẹ em đã chết.

Hôm nay, ngày mà đã cách cái ngày bà ngoại không còn hồi đáp nữa rất xa, có một người cũng đã ngưng hồi đáp.

Trời bắt đầu mưa suốt ba ngày. Đất trời xám xịt, cây cối tan hoang. Khắp xa gần chỉ nghe thấy tiếng mưa và côn trùng rên rỉ, nuốt trọn hết tất cả những lời thì thầm vừa lạ vừa quen.

Ngàn đời vẫn thế, mất mát, buồn đau thường khiến con người ta khóc. Vì em không khóc, vì em chưa từng khóc trước sự chết nên em trở thành một kẻ lạc loài.

Em không phải không biết khóc. Em ước mình có thể khóc ngay lúc này. Nếu khóc có thể khiến em xua đi những kiềm nén, khó chịu, đớn đau, ngàn vạn lần em muốn mình rơi nước mắt. Ấy vậy mà em cứ trơ ra, em tỉnh táo dẫu đang rối bời. Ba đi mất, nhưng ba đã thoát khỏi những cơn đau. Em mất ba, nhưng em sẽ thôi không khổ sở khi chứng kiến ba trải qua những cơn đau nữa.

Người mà ba bảo em gọi bằng mẹ khóc đến rệu rã, cả người tiều tụy và ngất đi không biết bao nhiêu lần. Mẹ hãy khóc đi, khóc thật nhiều, để thoát khỏi nỗi trầm luân khổ ải này.

Mẹ đã khóc từ những tháng ngày ba bắt đầu lâm bệnh. Khóc vì thấy ba đang chết mòn. Cái phận con người nó trái ngang vậy đấy. Có bao nhiêu tiền của thì cũng khó giành lại sự sống từ thần chết về tay.

Về một thế giới bên kia cái chết, luôn là một điều gì đó mơ hồ và con người gần như mù tịt về nó, nên ai cũng sinh ra sợ hãi cái sự chết. Nếu chết là hết thì con người ta cần gì thiết tha sống đến thế, dù cuộc sống cơ cực, dù khổ tận cam lai.

Giữa những tháng ngày ba đang chết mòn, còn em sống mòn, ba mẹ mang về một đứa bé và bảo đó sẽ trở thành em trai em. “Hãy thương yêu nó như em ruột của mình”.

Em ngồi bên cỗ quan tài to, ôm đứa em nhỏ trong lòng. Nó đã ngủ lịm đi trong bộ đồ vải đanh trắng muốt, ngứa ngáy và khó chịu, cựa mình liên tục. Nó đang chịu tang cho một người không cùng huyết thống với nó và càng không hiểu gì về những điều đã, đang và sắp diễn ra. Người ta bày nó khóc khi có tiếng kèn trống tru lên, và nói “ba chết rồi” khi có ai hỏi “ba đâu?”

Những người ghét, kẻ thương, tất cả đều ủ dột. Họ đang nhìn chúng em, thương cảm. Cái chết có thể khiến người ta dung thứ cho nhau. Sự chia ly này dường như gợi nhớ cho họ tất cả mọi sự chia ly trong đời. Sau cùng, em không biết họ đang thương cảm cho em hay thương cảm cho chính họ.

Ôi thôi, ông trời mưa mãi, cứ mưa như kéo dài từ kiếp này qua kiếp sau. Giam cầm những nỗi buồn đày ải vào chung một chỗ. Những tiếng lòng, những tiếng thở dài, ai oán, nỉ non.

Trong một phút giây mệt nhoài, em đã ngủ thiếp đi với em bé trên cánh tay tê dại. Mơ trong mơ, em nhắm mắt ngủ một giấc dài, lúc mở mắt đã thấy mình đi qua kiếp khác, một kiếp mới bắt đầu với hình hài của một hài nhi.

Chú thích:
Nguyên bản:

“Lưng núi thì to mà lưng bà thì nhỏ
Đừng làm bà ngã, bà trỉa bắp trên nương
Mặt trời của bắp thì nằm lưng núi
Mặt trời của bà, em nằm trên lưng.”
- Trích bài hát: Lời ru trên nương.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Nhạc Vũ

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
1/2/18
Bài viết
65
Gạo
29,0
3. THIỀN THÌ VŨ

“Giang thượng tây phong mộc diệp hy,
Hàn thiền chung nhật táo cao chi.
Kỳ trung tự hữu thanh thương điệu,
Bất thị sầu nhân bất hứa tri.” (1)
Nguyễn Trãi

Trong khu rừng, có bà điên đang đứng gục đầu buồn bã. Ngôi nhà của bà điên đã bị xẻ đôi, những người bạn của bà bị đốn ngã, dòng suối mát bà hay tắm vào mỗi chiều nắng ấm đã khô cằn.

Nhà của bà là bầu trời, là đất mẹ, là rừng núi. Anh em và bạn bè của bà là cây cối, là dòng nước, là vạn vật sinh sôi. Bà điên không có một số tuổi, cũng chẳng có một cái tên. Nhưng bà đã đặt tên cho tất cả những “người thân” bà có. Và hôm nay, bà đếm đi đếm lại số vòng vân để tính tuổi thọ cho những cái cây vừa bất đắc dĩ lìa đời.

Thiên nhiên sẽ bảo vệ vùng đất cao nguyên hùng thiêng và rộng lớn này. Nhưng con người không làm thế. Đến một ngày, tất cả mọi người đều phải rời đi, rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, để lại đất đai cho một cái đập thủy điện lớn sẽ thành hình. Chỉ còn bà điên ở lại. Bà biết tìm đâu, một nơi để đến, một chốn để về.

Lần cuối cùng cô gái gặp bà điên là vào cuối đông. Và cuối hạ, bà điên xuất hiện, ở một nơi có thể bà chưa từng lai vãng đến từ khi trượt dài khỏi cuộc đời.

Những công nhân ở công trình thủy điện phát hiện bà điên đang nằm bất tỉnh bên bờ suối trơ gầy sỏi đá. Họ cho rằng bà đã chết. Và dù bà chưa chết, họ cũng không muốn lại gần.

Công an khu vực đưa bà điên vào bệnh viện khi trời đã tối. Trên tay bà vẫn còn cầm chặt một con chim nhỏ, chết ngắc, dù bà đã mất ý thức vẫn quyết không buông.

Cô gái nhìn người đàn bà nằm trên cái giường lạnh lẽo. Nổi bật trên tấm ra giường trắng toát là một hình thù đen đúa, gầy gò. Mùi hôi quanh người bà điên nồng nặc bốc ra, át luôn cả mùi thuốc khử trùng hăng hắc luôn có trong bệnh viện. Mấy y tá trẻ đùn đẩy nhau. Họ ớn lạnh và gần như muốn nôn ra khi nghĩ đến việc phải chạm vào bà. Không một ai muốn tiến đến, và cũng không một ai dám so đo với công an rằng ai sẽ chịu trách nhiệm về viện phí điều trị của bà điên.

Cô gái cởi cái áo khoác dày, mặc vào cái áo blue mà cô chỉ vừa cởi ra vài phút trước. Cuộc sống đã đẩy bà điên đi đến bước đường cùng, còn cô muốn đưa bà trở lại.

Bóng đêm nặng nề buông xuống, vạn vật chìm trong màn sương mờ lửng lơ. Trên đỉnh đồi, một cái bệnh viện và một cái nhà tang lễ đặt cạnh nhau. Một em bé vừa khóc tiếng chào đời và một người vừa ra đi trong yên lặng. Chỉ trong một sát na, nhân sinh đã xảy ra muôn vạn hành trình đi và đến.

Quãng đường về nhà hôm nay, lạnh lẽo. Dưới những tán thông già, lối đi bộ lát đá đã phủ đầy rêu xanh, những mầm rêu ướt át và xanh thẫm một màu. Cô gái cố dùng khăn quàng che đôi tái đã tái đi vì lạnh, hơi thở yếu ớt, bước chân nhẹ nhàng.

Đã vô số lần cô dùng những tấm vải trắng phủ lên một người nào đó, những tóc xanh tóc bạc. Và hôm nay, một lần nữa, cô thành thạo phủ tấm vải trắng đó lên một người lớn cũng như chưa lớn, tóc không rõ đã bạc hay hẵng còn xanh.

Người đàn bà điên đã trải qua một hành trình cô đơn và kiệt quệ, cả về thể xác lẫn tinh thần. Đáng thương thay, trên đoạn sinh mệnh cuối cùng của đời mình, bà phải chết đi trong cái đói và cô độc. Chết khô như dòng suối máu mủ của bà.

Bây giờ cô gái đang xót thương bà, như nàng Kiều khóc trước mộ Đạm Tiên. Cô nhìn cái bóng xám quạch đang ngả nghiêng rượt đuổi theo từng bước chân của mình, băn khoăn tự hỏi, sẽ ra sao nếu cô trở thành một người điên.

Những chiếc xe cấp cứu vẫn ngược xuôi. Tiếng còi tru tréo vọng lại, rồi lại xa dần, như một vòng luân hồi không bao giờ chấm dứt.

Quãng đường về nhà hôm nay, gió nhẹ và muôn dặm không mây. Trăng ló dần dạng, bắt đầu thu dọn tàn cuộc tiêu điều.

Trong căn hộ chung cư nhỏ, mẹ ngồi đan len. Bên cạnh, em trai còn chưa ngủ. Bằng cách nào đó, nó có được một con ve và nhốt con ve đó trong cái chai nước ngọt đã xé sạch bao bì. Thằng bé điên cuồng lắc cái chai đã vặn chặt nắp hòng chọc cho con ve nhỏ kêu lên.

Cô gái nhẹ ôm thằng bé vào lòng.

- Nó đã chết, vì nó không còn không khí để sống. Mà dù nó còn sống, nó cũng không thể kêu vì nó là ve cái.

- Tại sao vậy chị?

- Vì đó là đặc tính giống loài. Sau này em muốn nghe ve kêu, thì chỉ cần nghe là được, đừng bắt nó về.

- Tại sao vậy chị?

- Vì sinh mạng những chú ve ngắn lắm, chúng phải đánh đổi rất nhiều mà chỉ sống được mấy mươi ngày trên đời.(2)

- Sau này em sẽ không bắt ve nữa đâu. Phải yêu thương nhau, phải cùng nhau sống thật lâu đúng không chị.

“Không thể sống thật lâu, nhưng hãy yêu thương nhau là đủ”. Cô gái thầm thì.

Mẹ giống như không nghe nổi nữa, buông cuộn len và hai cây đan vào rổ. Vuốt đầu em trai rồi đi vào phòng ngủ. Người phụ nữ mong manh cứ như nàng tiên cá mất đi giọng hát để đổi lấy đôi chân lên bờ.

Trong ngôi nhà này, ba thế hệ, ba người xa lạ ở cùng nhau, trở thành một gia đình. Và cùng chịu đựng một nỗi đau phi lý.
Rút cuộc năm tháng nào mới là năm tháng tốt đẹp của một đời người.


Chú thích:
(1) Dịch nghĩa:
“Gió tây thổi trên sông lá cây thưa thớt
Ve sầu lạnh suốt ngày kêu trên cành cao
Trong tiếng kêu có điệu thanh thương
Không phải người buồn thì không biết được.”

(2) Hầu hết các loài ve có vòng đời từ hai đến năm năm. Một số loài có vòng đời dài hơn nhiều, ví dụ như loài Magicicada có vòng đời mười bảy năm và đôi khi là mười ba năm.
Ấu trùng ve sống dưới đất ở độ sâu từ 35cm đến 2,5m trong suốt vòng đời. Còn thời gian sống của ve sầu trưởng thành rất ngắn ngủi, chỉ kéo dài khoảng bốn mươi đến sáu mươi ngày. Điều này đồng nghĩa với việc, quá trình trưởng thành của ve sầu đều chôn vùi trong đất và làm bạn với giun.
 

Nhạc Vũ

Gà con
Nhóm Tác giả
Tham gia
1/2/18
Bài viết
65
Gạo
29,0
4. TẬN TRIỆT
“Trời mưa bong bóng phập phồng, mẹ đi lấy chồng, con ở với ai…”
Tiếng mẹ ru em trai văng vẳng bên tai khi cô gái rời khỏi nhà vào lúc nửa đêm.

Mưa đã rơi suốt hai ngày liền, cơn mưa kéo dài bất tận như kiếp này qua kiếp khác. Cây cối nghiêng mình, ướt đẫm. Những mái nhà đã bạc chìm sâu hút hút trong mưa.

Bệnh viện gửi đến thông báo tập hợp khẩn cấp khi đồng hồ sắp điểm qua ngày mới. Cô gái nhìn qua cửa sổ taxi, chỉ thấy những vệt vàng loang lổ và hình ảnh phố phường đã bị nhòe đi vì nước. Trong xe, đài FM đang phát thông tin về những vụ lũ quét và sạt lở đất xảy ra khuya hôm nay, một ở đập thủy điện đang xây, một ở khu thác tập hợp những nhà kính trồng hoa, một ở lưng chừng đèo.

Trên mọi ngã đường, xe cấp cứu, xe cứu hỏa, xe quân sự chạy ngang dọc, ngược xuôi.

Trước sảnh cấp cứu của bệnh viện, nhác thấy vài bóng dáng áo xanh đang đi qua lại. Nền nhà trắng bóng bị điểm xuyết bằng những vết giày bẩn, những vệt bùn xám khô lại bám chặt xuống nền. Đã có người bị nạn được đưa vào, bao gồm cả dân thường và bộ đội. Người nằm trên cáng, người ngồi băng bó. Những tiếng rên khe khẽ, có người chẳng thở than.

- Cần một đội y tế đến hiện trường ở trên đèo.
Chú bộ đội nói với trưởng khoa cấp cứu.

Và khi chưa mấy ai kịp hiểu hết tình hình, cô gái cùng vài đồng nghiệp khác đã chia nhau ngồi trên những chiếc xe biển đỏ, chạy vun vút xé màn đêm.

Mưa vẫn rơi, nặng hạt. Mưa dày, trắng cả đất trời. Ngoài tầm nhìn của những ngọn đèn pha, gần như chằng thể thấy gì ngoài mưa. Dọc theo hai vệ đường đèo, những rặng thông im bặt. Xe chạy nhanh, cua vội từ dốc này sang dốc khác, rồi đột nhiên thắng vội, ở một khúc ngoặt lưng chừng đèo.

Cô gái nhảy xuống từ phía sau chiếc xe quân sự, cả người chao đảo vì gió lớn. Những hạt mưa to tạt nghiêng nghiêng vào khuôn mặt, đau buốt.

Phía trước, một mảng núi lớn đã bị lở ra, đất bazan theo dòng nước xiết ào ào kéo xuống, hàng ngàn mét khối đất đá lẫn những cây thông già tràn lấp mặt đường, cắt ngang con đường đèo hiểm trở.

Sau những chốt chặn, gần chục phương tiện cứu hộ đang nổ máy, một khoảng không gian được soi sáng bởi ánh đèn. Một chiếc ô-tô khách đang bị vùi lấp. Chiếc xe nằm bên phải đường sát vách núi, đang bị ép xuống bởi một lượng đất đá vô cùng lớn, và nếu chỉ cần xê dịch một chút thôi, một mảng đồi nữa đang manh nha bóc tách sẽ ngay lập tức đổ ập xuống. Đội cứu hộ buộc phải tìm cách gia cố phần sạt lở này trước để đảm bảo an toàn.

Quá trình gia cố càng kéo dài, đồng nghĩa với việc cơ hội sống sót của những nạn nhân càng ít đi. Cô gái vuốt lớp nước mưa trên mặt, nghe trái tim tha thiết:“Hãy chạy đến và dùng đôi tay để đào bới, để cứu lấy những con người đang trầm luân trong bể tuyệt vọng kia.”

Những nhân viên y tế chẳng thể làm gì ngoài đứng yên một chỗ, chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho mọi tình huống phát sinh, và cầu nguyện.
Ôi! Ai mà chẳng thiết tha sống trên đời. Cô gái thiết tha cho mình và cho cả những con người bên trong chiếc xe kia nữa.

Gần như mỗi ngày, bàn tay cô đều dính máu, để níu giữ mạng người. Nhưng những khoảnh khắc đó, cô không có niệm mong cầu gì cả. Còn hiện tại, vì đang không thể làm gì, vì phải chờ đợi, nên dường như tất cả mọi van lơi, mong ngóng của một đời còn lại, cô gái dùng vào lúc này hết cả. “Om mani padme hum!”

Một đội thi công công trình tư nhân được đưa đến hỗ trợ cùng hàng tá vật dụng từ thô sơ đến hiện đại. Mọi người đều nín thở, lồng ngực căng tức và áp lực gần như muốn vỡ ra.

Nửa tiếng, lại một tiếng trôi qua… Mưa vẫn nặng nề trút xuống, những dòng nước dần mạnh và xiết hơn. Sương trắng, mưa mờ, đêm khuya lại càng thêm lạnh giá. Mỗi giây trôi qua, thần kinh cô gái càng căng ra như những sợi dây đàn, đôi mắt vẫn luôn mắt dán chặt vào vách núi.

Dần dần, khi vực gia cố từng bước hoàn thiện. Rồi bỗng có tiếng hò lớn “Xong!”, “Nhanh!”, “Nhanh lên!”. Một vách chắn bằng gỗ và sắt khổng lồ được dựng lên, cố định chắc chắn, áp sát vào vách núi. Hàng chục và có khi là cả trăm nhân viên cứu hộ thở hắt ra, bộ đồ bảo hộ trên người đã ướt đẫm và nhớp dính toàn bùn đất. Có người ngồi gục ngay khoảnh khắc vách chắn hoàn thành.

Không ai có ý định nghỉ ngơi, họ lập tức chuyền tay nhau các loại cuốc, xẻng. Máy xúc cỡ nhở cũng được đưa vào, tiếp cận ngay sát vị trí chiếc xe khách đang bị chôn vùi. Người ta bắt đầu múc phần bùn đất và cây cối trên nóc chiếc xe để làm giảm bớt đi áp lực đè xuống. Một đội khác đào xới song song để tiếp cận vào mặt trước của chiếc xe.

Mọi người vỡ òa lên thấy khi tấm kính chắn gió phía trước xe được kích bể, tan tành. Hai nhân viên cứu hộ tìm cách vào bên trong chiếc xe đã dúm dó vì bị đè bẹp. Bên ngoài, hàng chục chiếc đèn bin đang chiếu thằng vào trong.

Những phút giây sau, sáu cõi luân hồi như ngưng đọng. Tất cả mọi người lại bị đẩy xuống hố sâu hãi hùng. Một cảnh tượng kinh hoàng phơi bày ra trước mắt. Thời bình mà cứ như thời chiến vậy.

Những xác người lần lượt được đội cứu hộ chuyển ra ngoài, xếp nằm ngay ngắn trên mặt đất. Dưới cái lán nhỏ mới dựng tạm không lâu, máu, thịt, xương trần trụi. Hơn hai mươi đôi mắt nhắm nghiền, những cơ thể thương tích khắp nơi. Dù là nam hay nữ, dầu là già hay trẻ, vẻn vẹn, đều đã chết.

“Còn sống!”
“Bác sĩ, còn sống!”

Những giọt mưa đang lơ lửng bỗng buông mình rơi xuống, cô gái bừng tỉnh trở lại thế gian. Nương theo tiếng gọi, cô thấy một chiến sĩ áo cam đang ào tới, đặt trước mặt cô một hình hài. Còn thở. Dẫu yếu ớt. Nhưng còn thở. Chỉ là thở thôi cũng thấy may mắn rồi.

Dưới sự va chạm và sức đè quá lớn, người phụ nữ đang nằm trên cáng đầy cứu thương đã bị tổn thương rất nhiều phần cơ thể. Sau khi sơ cứu và kiếm tra các dấu hiện sinh tồn, nạn nhân được khẩn trương đưa lên xe cấp cứu, di chuyển về bệnh viện.

Cô gái ngồi trên xe, nhìn đồng nghiệp khuất sau cánh cửa xe đang đóng xuống. Trước khi cửa đóng hẳn, cô trông thấy người ta lôi ra một tắm băng-rôn đỏ, có dòng chữ vàng ghi:”Đoàn doanh nhân…”

Vô thường!

“Ngọn lửa đã tàn
còn có thế khơi.
Đêm biến thành ngày,
và ngày thành đêm tối.
Nhưng hạt mầm luân hồi một khi bật gốc,
mọi dính mắc rụng rơi,
vòng sinh tử vĩnh viễn dừng.
Tận triệt,
mãi mãi"
- Yantra Amaro -

 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bên trên