Mùa hạ, năm Hội Tường Đại Khánh thứ sáu,
Thạch Thất tự, núi Sài Sơn, phủ Quốc Oai(**),
Từ Đạo Hạnh một tay lần từng hạt tràng, một tay thi thoảng gõ vào cái mỏ đặt trước mặt, miệng lẩm bẩm đọc kinh.
Sau lưng ông, một nhóm người đang quỳ.
Hai vị đầu tiên đoán là vợ chồng, tuổi quá tứ tuần, vải gấm sang trọng khoác lên người cũng không che hết được nét ủ rũ từ trong đáy mắt.
Theo sau họ, có lẽ là nô bộc, sắc diện lo âu chẳng khác chủ nhân.
Nhìn khung cảnh trầm mặc lúc này, có lẽ tất cả họ đã duy trì trạng thái như thế từ rất lâu rồi.
Cuối cùng, người đàn ông cũng lên tiếng, giọng van nài: “Đại sư, chẳng lẽ người đành ngoảnh mặt làm ngơ hay sao?”
Từ Đạo Hạnh không đáp lời. Chỉ có tiếng mỏ thi thoảng lại vang lên, ai oán não nề.
Người phụ nữ chịu không nổi nữa, nước mắt ngắn dài, giàn giụa trên gương mặt đã điểm nếp nhăn: “Nếu ông vẫn sắt đá như thế, tôi chỉ còn một con đường chết.”
Người đàn ông nghe vợ kêu than, chỉ có thể ngậm ngùi ôm lấy bà ta. Bởi lẽ chính bản thân ông cũng không tìm được một lối thoát nào.
Từ Đạo Hạnh tụng nốt những câu kinh cuối cùng trong quyển kinh đang ở trước mặt, sau đó quay lại đối diện với hai vợ chồng, từ tốn trả lời: “Hầu gia, con cái là tại ý trời, hai vị có cưỡng cầu cũng vô ích.”
Người phụ nữ chấm những giọt nước mắt đang lăn dài trên má, giọng run run: “Đại sư, người ta nói rằng chỉ có ông mới có thể giúp vợ chồng tôi. Chồng tôi đã từng cứu ông một mạng, bây giờ ông lại lấy oán báo đáp ân tình này sao?”
Người đàn ông – Hầu gia nghe vợ mình phát ngôn bất kính, lập tức kêu lên: “Kim Ngọc, đừng vô phép!”
Đỗ Kim Ngọc nào còn hơi sức để quan tâm đến lễ nghi thường tình nữa, bà ta bật cười: “Hay cho ông mang danh đại sư, thiên hạ đều kính nể, vậy mà đối với ân công lại mặc nhiên vô tình. Lẽ trời đang ở đâu? Ông ta có tư cách gì mà bắt chúng tôi chịu họa không người hương khói chứ?”
Nói rồi Đỗ Kim Ngọc lại bật khóc. Một trong những gia nô phía sau vội vã tiến lên đỡ lấy bà. Hầu gia đứng giữa hai bên, khó xử thập phần. Nhưng dù gì một bên là vợ, cũng là người trong nhà, không thể trực tiếp bênh vực; bên còn lại, đại sư của nước Đại Việt, sao ông có thể dung túng cho vợ mình bất kính. Cuối cùng ông đành thân bất do kỷ, cúi đầu trước Từ Đạo Hạnh: “Phu nhân đau lòng nên lời lẽ khinh suất, đại sư thông cảm bỏ qua.”
Từ Đạo Hạnh từ tốn lắc đầu: “Hầu gia, thứ cho bần tăng nói thẳng điều này… con cái là duyên, một khi đã đến lúc thì ắt có, hai vị cũng đừng vì lẽ đó mà đau buồn. Số mệnh hai vị, không định là tuyệt tự!”
Hầu gia nghe thấy đáy mắt chợt sáng lên như bắt được báu vật vô cùng quý giá. Hầu phu nhân tuy đang khóc lóc um trời nhưng vẫn để lời nói của Từ Đạo Hạnh vào tai, đột nhiên trở nên phấn chấn: “Ông không nói gạt chúng tôi chứ?”
Từ Đạo Hạnh chấp tay, gật đầu: “Kẻ xuất gia không dám nữa lời gian dối. Mong hai vị hãy yên tâm quay về.”
Không lâu sau đoàn người nhanh chóng rời khỏi Thạch Thất tự. Đường núi chập chùng khó đi, nhưng Hầu phu nhân tuyệt nhiên không một tiếng kêu than. Bởi lẽ chuyến đi này bà đã thu hoạch được thứ bà cần.
Đỗ Kim Ngọc gả cho Sùng Hiền hầu năm mười tám tuổi, hiện tại bà đã ngoài bốn mươi nhưng vẫn không có lấy một mụn con. Ban đầu bà tự trách bản thân không làm tròn trách nhiệm người vợ, nguyện ý đem sính lễ đến nhà người ta, rước thiếp cho chồng. Nhị phu nhân, tam phu nhân, tứ phu nhân… hiện tại lục phu nhân dung nhan mỹ miều gả vào Hầu phủ hai năm rồi bụng cũng chưa thèm nhúc nhích. Vạn bất đắc dĩ bà mới bày chồng lên núi tìm lại Từ đại sư xin người chỉ dẫn, trong bụng cũng không dám hy vọng nhiều. Nhưng hơn cả sự mong đợi, đại sư đã nói gia đình bà không tuyệt tự, bà tin nhất định gia đình bà không tuyệt tự.
Dưới chân núi có xe ngựa chờ sẵn, số lượng không đông nhưng độ bề thế cũng đủ khiến thôn Thảo Lương vốn ít người lui tới phát sinh náo nhiệt. Nông phu đang canh tác cũng kịp dừng lại, ngóng theo xe ngựa chạy qua cho đến khi tất cả khuất hẳn sau làn bụi mịt mù. Trong số đó, có một bé gái lên bảy trông theo đầy luyến tiếc: “Ước gì mình được ngồi trong xe ấy!”
Sự tiếc nuối nhanh chóng qua đi, nhường chỗ cho những âm thanh trẻ con í ới gọi tên nhau: “Nguyệt Vũ làm gì đó, lại đây với tụi tao mau lên.”
Hà Nguyệt Vũ ngoảnh đầu nhìn phía xa xa một lần nữa trước khi quay trở về trò chơi đánh trận với lũ trẻ con trong xóm. Những tưởng sự yên bình đó sẽ kéo dài mãi mãi…
Tháng mười, năm Hội Tường Đại Khánh thứ sáu,
Phủ Sùng Hiền Hầu,
Đỗ Kim Ngọc sinh bệnh, phủ Hầu cho mời thầy thuốc. Qua ba lần chẩn mạch, ông phấn khởi thông báo với Hầu gia: “Bẩm Hầu gia, phu nhân đã có tin vui!”
Hầu gia ban thưởng cho thầy thuốc hai thỏi vàng, tất cả nô bộc trong phủ nhận thêm hai tháng lương. Có lẽ hơn hai mươi năm nay, đây là tin đáng mừng nhất trong phủ.
Hầu gia sau đó lập tức sai người đi đến Thạch Thất tự báo tin với đại sư Đạo Hạnh. Đệ tử Vô Sắc đứng bên cạnh, thở dài: “Sư phụ, Sùng Hiền hầu định sẵn vô sinh, sao lại có thể…?”
Từ Đạo Hạnh treo lại chuỗi tràng lên giá đỡ, hốt một nắm thóc trong hũ cho đàn bồ câu lượn lờ trước sân, mỉm cười: “Khi xưa nếu không được Hầu gia cứu giúp, e ta đã viên tịch từ sớm. Nay ta đem hai mươi hai năm còn lại, đáp ân đó, âu cũng là tự nhiên.”
Vô Sắc nghe xong, nước mắt ngắn dài.
Tháng sáu năm Hội Tường Đại Khánh thứ bảy, Hầu phu nhân trở dạ, Từ Đạo Hạnh viên tịch. Một tháng sau đó Sùng Hiền hầu mở tiệc ăn mừng đích tử khỏe mạnh, đặt tên Lý Dương Hoán. Đương Kim hoàng thượng đặc biệt ban ngọc như ý trăm năm.
Chín năm sau,
“Mộc Cầm, liễn này treo ở đâu?”
“Trước cổng, đừng treo cao quá, để ai đến phủ cũng đọc được câu đối thiếu gia viết cho Hầu gia.”
“Chị Cầm, bánh thọ này để ở đâu?”
“Để hai bên heo quay, mỗi bên bốn đĩa.”
“Cô Cầm, mấy phần quà gửi tới cho Hầu gia, sắp xếp thế nào đây?”
“Cái đó để lục phu nhân sắp xếp, đừng động vào.”
Mộc Cầm hối hả thu xếp từng công việc dù là nhỏ nhặt nhất để đảm bảo buổi tiệc đêm nay không xảy ra bất kỳ sự cố gì.
Từ nhà trong, Đỗ Kim Ngọc bước ra, xiêm y chỉnh tề, so với chín năm trước dường như trẻ hơn vài tuổi. Mọi người đều nói, tất cả niềm vui trong phủ, đặc biệt là hầu gia và đại phu nhân, đều do thiếu gia mà ra. Bốn tuổi cậu ấy đã được gửi vào Quốc tử giám trau dồi sử kinh, tư chất thông minh khiến các lão sư không tiếc lời khen ngợi, hầu gia bội phần hài lòng. Năm nay Lý Dương Hoán lên chín tuổi, đôi liễn mừng thọ treo trước cổng cũng là đích thân cậu viết cho phụ thân.
Thịnh thế trường thanh thụ (Đời thịnh cây xanh mãi)
Bách niên bất lão tùng (Trăm năm tùng chẳng già)
“Mộc Cầm, mọi thứ như thế nào rồi?” Đỗ Kim Ngọc ôn tồn hỏi.
Mộc Cầm cúi đầu, lễ phép thưa: “Bẩm phu nhân, mọi thứ đều ổn thỏa, nhất định không xảy ra sơ suất gì đâu.”
Đỗ Kim Ngọc gật đầu: “Tốt lắm, vất vả cho ngươi.”
Sùng Hiền Hầu là em trai hoàng đế, đại thọ sáu mươi dĩ nhiên khách mời là người hoàng tộc, quan lại trong triều; những phú thương giàu có cũng chỉ có thể gửi quà mừng, không được bước chân vào phủ đêm nay. Thức ăn đãi khách đều được chế biến từ những đầu bếp nổi tiếng nhất, nguyên liệu tươi ngon nhất, rượu trà thượng hạng nhất,… thậm chí đến ca kỹ đêm nay cũng nổi tiếng nhất kinh thành – Đào nương Vũ Tuyết.
Thành Thăng Long không thiếu thứ gì, ngay cả ca kỹ xinh đẹp nhất cũng xuất thân nơi đây. Kỹ nữ chung quy không có tên, mọi người gọi các ả là Đào nương, ai nổi tiếng lắm thì có thêm nghệ danh. Vũ Tuyết là một trong số đó, không ai biết tên của nàng, chỉ biết vào một ngày lạnh lẽo của mùa đông, Đào Hoa viện xuất hiện một đào nương da trắng như tuyết, nhan sắc rung động lòng người. Mỗi khi múa, cơ thể nàng nhẹ nhàng uyển chuyển như những bông tuyết rơi ngoài trời, từ đó mọi người gọi nàng là Vũ Tuyết.
Hàng hóa có giá trị của hàng hóa, ca kỹ có giá trị của ca kỹ. Vũ Tuyết nhận thức rõ điều đó, nên trước giờ, không phải bất cứ ai cũng dễ dàng ép buộc được nàng. Trước đây cũng vài kẻ vô công rỗi việc đến Đào Hoa viện, hạch sách nàng tiếp khách. Vũ Tuyết chẳng những không tiếp, mà những kẻ kia tự khắc có người giáo huấn, ghi nhớ cả cuộc đời. Người ta đồn rằng sau lưng Vũ Tuyết có một vị đại nhân chóng lưng, tuy không rõ là ai nhưng tốt nhất là đừng gây sự với nàng.
Lần này, nhận lời đến phủ Hầu gia, không phải ai ép uổng, cũng không phải vì nhận được thù lao hậu hĩnh, mà thực ra Vũ Tuyết nghe mọi người đồn rằng lục phu nhân của Hầu gia dung mạo chẳng kém Tây Thi. Nàng muốn đích thân kiểm chứng, Tây Thi nước Đại Việt so với Tây Thi nước Việt khác nhau như thế nào… và so với Vũ Tuyết nàng, mười tám xuân xanh yêu kiều tha thướt, lục phu nhân già nua kia có điểm nào hơn?!
Vũ Tuyết chỉ mặc yếm, chưa vội khoác áo ngoài, đôi vai trần thon gọn trắng ngần khiến bao người mê đắm. Nàng ngắm mình trong gương, điểm xuyến thêm một cây trâm hoa mai lên mái tóc được chải cầu kỳ.
“Nếu bà ấy là Tây Thi, thì mình cũng chẳng khác Hằng Nga!”
Vũ Tuyết làu bàu, nửa đùa nửa thật nhưng cũng tự huyễn hoặc chính mình. Trong gương, một cô gái mỹ miều đang nở nụ cười tươi như hoa đào nở rộ, lại nhanh chóng tắt ngấm.
“Đẹp đến đâu thì cuối cùng cũng chỉ là một kỹ nữ, người đời coi khinh!”
Nàng chép miệng than vãn, rồi lại cầm một cây trâm, chuẩn bị cài lên tóc. Thình lình bên ngoài có tiếng bước chân hối hả, Vũ Tuyết chưa kịp phản ứng gì thì cánh cửa đột ngột mở toang, một thân ảnh mập ú len vào.
“Ai vậy?”
Vũ Tuyết hốt hoảng kêu lên. Rồi nàng bình tĩnh nhìn lại, thấy trước mặt mình chỉ là một cậu nhóc nên bật cười: “Nhóc con, mới tí tuổi đầu mà đã có máu đạo tặc rồi ư?”
Cậu bé không mở miệng được một lời, đôi mắt to tròn cứ chăm chú nhìn đôi vai trần của Vũ Tuyết. Nhanh chóng nhận ra mình vô lễ cậu liền quay đầu chỗ khác, mặt đỏ bừng: “Tôi xin lỗi, tôi không biết trong này có người…”
Cậu bé bối rối định quay ra, nhưng một giọng lảnh lót khác vang lên, khiến cậu chùng bước: “Lý Dương Hoán, ngài mà không chịu xuất hiện thì tôi sẽ mách với phụ thân ngài, lúc đó đừng trách.”
Lý Dương Hoán nép mình sau cánh cửa, ánh mắt nhìn Vũ Tuyết khẩn cầu: “Cho tôi đứng đây một chút thôi!”
Vũ Tuyết phì cười – thì ra chỉ là trò đuổi bắt của bọn trẻ con, vậy mà lúc nãy nàng còn tưởng thằng nhóc con kia là hái hoa đạo tặc nữa chứ. Nàng khoác hờ chiếc áo mỏng manh, xuất hiện ở cửa đúng lúc cô bé kia định tiến vào.
“Tiểu thư à, đây là phòng của ca kỹ, cô định vào đây tìm ai?”
Cô bé kia ngó Vũ Tuyết một lượt từ trên xuống dưới với thái độ khinh khỉnh: “Ngươi có gặp Lý Dương Hoán không?”
Vũ Tuyết giả vờ suy nghĩ rồi đáp lại với một điệu bộ vô cùng lẳng lơ: “Lý Dương Hoán thì ta không gặp, nhưng ở đây có Vũ Tuyết, kỹ nữ nổi tiếng nhất Thăng Long này. Cô em thích thì vào đây, ta chỉ cho vài kỹ nghệ, lúc đó cô em không phải chạy đi tìm đàn ông nữa đâu, họ tự khắc mò đến giường cô.”
Cô bé kia mặt từ đỏ chuyển sang tái, bực tức buông lời: “Thô bỉ!” rồi nhanh chóng bỏ đi như sợ đứng đây thêm một giây thôi cũng đủ làm dơ bẩn bản thân.
Vũ Tuyết trông theo đến khi cô bé kia hoàn toàn khuất dạng mới quay sang, hất mặt với Lý Dương Hoán đang đứng thấp thỏm trong này: “Mỹ nữ đi rồi, cậu nhóc còn định đứng đây đến khi nào?”
Lý Dương Hoán thở phào nhẹ nhõm, lại liếc thấy sự hờ hững của Vũ Tuyết, gò má ửng hồng vô cùng đáng yêu: “Cảm ơn cô!”
“Thôi không cần đâu, cậu nhanh chóng đi ra cho tôi thay đồ.” Vũ Tuyết thờ ơ nói.
Lý Dương Hoán dè dặt bước ra cửa, trước khi rời khỏi còn quay lại hỏi: “Cô thật sự là kỹ nữ à?”
Vũ Tuyết đang cầm áo lên kiểm tra, nghe cậu nhóc kia hỏi, thoáng chút ngạc nhiên rồi lại bật cười: “Không sai, tôi là Vũ Tuyết ở Đào Hoa viện. Mười năm sau nếu cậu có hứng thú cứ đến tìm, tôi tình nguyện tiếp đón.”
Tiếng cười Vũ Tuyết vừa lả lơi vừa ai oán. Làm kỹ nữ thì có gì để tự hào? Nhưng nếu tự ti cũng đâu thể chối bỏ được thân phận, thậm chí còn bị người đời lên tiếng dè bỉu. Nếu đã vậy, tại sao bản thân mình không thể yêu thương mình. Trước nay Vũ Tuyết chưa bao giờ e ngại khi giới thiệu bản thân là kỹ nữ. Đó là yêu thương, hay chính là sự căm phẫn cho số mệnh này?
Vũ Tuyết không biết!
----------
Năm 1115, thời vua Lý Nhân Tông.
(**) Sơn Tây ngày nay