Truyện ngắn Nhà cổ ven sông

Adrian Luong

Gà con
Tham gia
9/4/25
Bài viết
1
Gạo
0,0
Một dãy nhà cổ hiện lên trong nắng sớm ngày Chủ Nhật. Trẻ em lại có dịp về thăm nhà ông bà, lại nô đùa trong những trảng cỏ lộng gió nơi đất hoang ven bờ sông cạn đáy. Người lớn thì chẳng thể nào như vậy, họ đang có cho mình mối bận tâm về mùa mưa sắp tới. Họ dành cả ngày xem xét những mái nhà cũ kĩ, trông khéo như sẽ bị giông lốc hất bay đi.

Họ chẳng dám sửa vì nhà cổ nào quanh đây cũng đã có bằng di tích. Muốn sửa thì phải nộp đơn, rồi ngồi chờ một đoàn cán bộ xuống mà giải thích, xong thì lại chờ các cán bộ họp lại, xin ý kiến trên uỷ ban thành phố duyệt thì mới được làm. Nếu không thì bị phạt.

Nhưng nhà cổ thế nào thì cũng là nhà của họ, nhà của tổ tiên họ để lại từ trước khi cái thành phố này được lập ra. Không sửa được thì khổ mình. Họ nhìn lên mà thấy những mảng tường thi thoảng rơi lã chã màu bụi xám, những cái xà nhà mục ruỗng vì bao nhiêu năm mưa gió. Họ lo âu, sốt sắng bàn tán bên những ly cà phê và khói thuốc bên sông, chẳng ai muốn có thêm một năm nữa chờ đợi trong vô vọng.

*

Hôm nay có cán bộ xuống đến dãy nhà, một nhóm cán bộ trẻ từ đủ loại ban ngành khác nhau, trang phục đủ màu sắc, có người mang cả camera theo. Ông tổ trưởng, bước ra khỏi nhà trong bộ đồ công binh về hưu và mái tóc bạc đều, đại diện cư dân, xung phong dẫn đoàn đi tham quan từng ngôi nhà.

“Như anh chị thấy đây thôi. Nhà cửa xây từ cả trăm năm nay, mái lủng, tường bong, sơn tróc, chỉ may là chưa khi nào chịu sập. Tụi tui chỉ xin thành phố cho sửa đi chút đỉnh, chứ cứ mãi như thế thì khổ cả bọn”, ông tổ trưởng giải thích.

“Tụi con đã nhận được yêu cầu của mọi người. Thành phố sẵn sàng hỗ trợ mọi chi phí tu sửa. Chỉ là, nếu sửa nhiều quá thì cả dãy nhà mất hết giá trị lịch sử vốn có”, một nữ cán bộ mặc quần tây đen, áo thun xanh lam của Đoàn Thanh niên đáp.

“Bọn này biết chứ. Nhà của ông cha chúng tôi để lại kia mà. Nhưng mà nếu không sửa thì khi mưa giông kéo đến thì sao? Lại chờ nữa à?”, một người đàn ông trung niên hói đầu, mặc quần ngắn, áo ba lỗ trắng, nói.

“Ý tụi con là thành phố vẫn đang tìm giải pháp thoả đáng cho mọi người”, một chàng trai mặc áo sơmi trắng, quần tây đen, thêm vào, “Trước mắt dự tính là hỗ trợ mỗi gia đình một khoản tiền để mua nhà tái định cư.”

“Thế khu tái định cư đó ở đâu?”, ông tổ trưởng hỏi.

“Bên kia sông, thôi ạ. Mấy toà nhà cao cao đó”, chàng trai chỉ.

“Các cô các cậu nghĩ chúng tôi đủ khả năng vay tiền để mua những căn hộ hạng sang ấy sao?”, người đàn ông hói hỏi lại.

“Ờm thì, phía thành phố thấy nơi đó phù hợp và hiện đang thảo luận với chủ đầu tư bên kia, có thể sẽ có ưu đãi cho mọi người.”

“Giả sử là được đi, cho tới lúc đó, chúng tôi phải chịu mắc kẹt tại đây, nhà ở không được, sửa không cho, còn đi thì không thể?”

Người đàn ông hói bực dọc nhìn từng thành viên trong đoàn cán bộ, khiến họ rùng mình nhưng chẳng dám nói gì thêm, chỉ xin phép rời đi để báo cáo với cấp trên.

*

Người lớn và trẻ em trong dãy nhà cổ dõi theo bóng lưng ướt sũng mồ hôi của những cán bộ trẻ ấy lầm lũi rời đi. Người lớn liền nghĩ: “Chắc lại tới xem xem vậy thôi, chứ chẳng ai làm gì”, thế là tự giải tán để tự lo việc nhà mình.

“Ông ơi, liệu họ có quay lại nữa không? Hay lại bỏ quên mình luôn như năm ngoái?”, cháu gái ông tổ trưởng hỏi ông mình.

“Ông không biết nữa.”, người đàn ông già buồn bã đáp.

“Chú Thanh, kệ chúng nó đi. Ta cứ sửa. Phạt thì chịu. Chờ miết đến bao giờ”, người đàn ông hói cau có bảo.

“Bình tĩnh đi, Vinh. Chuyện đâu còn có đó”, tổ trưởng Thanh đáp.

“Con nói thật. Bây giờ mà không làm gì thì nhà cửa sập hết. Mấy năm trước hên thì không sao, nhưng ai biết năm nay thế nào. Con đâu thể để gia đình mình sống mãi trong cái kiểu hên xui như thế. Đâu có ai muốn vậy.”

Đám đông nghe thế thì hưởng ứng, ông tổ trưởng cũng chỉ biết thở dài mà đồng ý. Họ quyết sửa, những người thợ quen liền được gọi đến. Mọi thứ liền bắt đầu từ nay mai.

Bọn trẻ có ý cũng quay camera như đoàn cán bộ, ban đầu chỉ định kêu gọi quyên góp từ cộng đồng mạng, nhưng ông Vinh lại có ý khác: “Hay cho cả nước này biết luôn. Tiền giờ chẳng quan trọng.”

*

Video ra đều đặn ba ngày sau đó, một số người dân từ các nơi khác vì hiếu kỳ liền mà tìm đến. Họ cũng quay video như bọn trẻ, chỉ khác là dư dả tiền bạc hơn để giúp đỡ cư dân trong dãy nhà cổ ấy. Ông tổ trưởng nhận thêm việc ghi chép tiền đóng góp vào một cuốn vở, bảo với cháu gái là để biết ơn và báo đáp nếu có sau này khi có thể.

Việc xây sửa còn dở dang thì một đoàn cán bộ khác được cử xuống vào ngày thứ tư. Đoàn này đông hơn, trông đều cộm cán hơn với nhiều mái tóc hoa râm, có cả dân quân và một cán bộ công an. Người đàn ông dẫn đầu đoàn tới nơi liền chỉ thẳng mặt ông Vinh, nhân vật chính và nhiều bức xúc nhất trong hầu hết video về dãy nhà cổ, mà lớn tiếng:

“Anh Vinh, anh làm cái gì vậy hả? Cũng từng là cán bộ nhà nước mà lại đi xúi giục mọi người làm bậy hay sao?”

“Anh biết tại sao mà, anh Hải chủ tịch phường. Chúng tôi không ít lần xin sửa nhà, mà có được đâu? Uỷ ban phường toàn cử tụi nhỏ xuống xem cho vui, rồi đi về. Lại còn tái định cư ở cái khu nhà hạng sang bên kia sông, chi phí tự lo. Ai chịu cho được?”, ông Vinh quát đáp trả.

“Tôi không cần biết. Như thế này là sai với chủ trương của phường, của thành phố. Các vị phải tháo dỡ giàn giáo các thứ ra hết, khôi phục những ngôi nhà về trạng thái ban đầu”, ông Hải ra lệnh.

“Không thì sao? Ông mất mặt, mất ghế à?”, ông Vinh định tiến sát lại vị quan chức thì liền bị dân quân ngăn lại.

“Tôi chỉ làm nhiệm vụ của mình thôi. Nhà các người ở đều là di tích, đâu phải muốn sửa là sửa. Phường chỉ có ý tốt khi chọn cái khu chung cư ấy, không xa nơi làm việc của mọi người rồi còn gì. Với lại, quanh đây cũng chẳng còn chỗ nào khác, toàn đất hoang. Chi phí thì phải bàn bạc lại đôi chút, chứ có gì đâu”, ông Hải phân trần.

“Thế bên đó, họ nói gì?”, ông tổ trưởng hỏi.

“Không có hồi âm cả tháng nay rồi, ạ. Nhân viên bên họ chỉ bảo là giám đốc ra nước ngoài có việc. Quản lý cấp cao thì ngại, không chịu ký kết hay thảo luận gì”, một nhân viên trong đoàn đáp.

Nghe thế thì đám đông, cả người dân của dãy nhà lẫn người ủng hộ, mới trở nên khó hiểu và bực tức. Họ dồn ép đoàn cán bộ bằng nhiều câu hỏi hơn về trách nhiệm và luật lệ, khiến đoàn phải tìm cách chống chế mà lui dần về xe của mình, rồi sau đó thì rời đi.

“Bà con thấy đó. Cẩu thả, cứ phải dồn ép người ta vào đường cùng mới chịu”, ông Vinh thốt lên trong một phiên livestream của một người vị khách.

“Thế chú nghĩ, phường sẽ làm gì?”, vị khách hỏi.

“Làm căng. Thằng cha Hải quyết dẹp bọn này cho yên ổn ấy mà, cứ tưởng tống cổ tôi về vườn là xong chuyện.”

*

Chuyện đến tai Thủ tướng khi ông vẫn còn trên máy bay từ nước ngoài về. Một cuộc họp bất thường nhanh chóng được triển khai và liền có kết luận.

Cùng lúc đó, công an phường đã được ông Hải chỉ định đến chỗ dãy nhà. Thợ hồ thấy thế bèn xin nghỉ, sợ vạ lây đến công việc sau này. Bọn trẻ cũng được cha mẹ chúng đón về để giữ an toàn. Chỉ còn người lớn tuổi ở lại mà đối mặt với những tiếng loa của ông Hải: “Bây giờ các người giải tán hay đến lượt chúng tôi?”

Ông Vinh chẳng bận tâm, thay thợ hồ mình thuê mà làm nốt việc thay mái nhà. Ông ném thẳng một viên ngói cổ xuống, vỡ toang nhưng chẳng trúng ai, khiến ông Hải tức điên mà quát tháo các công an viên bên cạnh mình: “Bắt nó!” Họ miễn cưỡng nghe theo mà tiến đến chỗ ông Vinh, nhưng chỉ dám khuyên can ông leo xuống để đi cùng mình.

Ông Vinh chẳng quan tâm, ngồi ngay trên giàn giáo mà phì phèo điếu thuốc. Mặt ông Hải đỏ bừng như trái cà chua, lăm lăm lao đến, ném vỡ cả chiếc điện thoại đang rung liên hồi, để tiến tới, nhưng chưa kịp làm gì thì người thư ký đi bên cạnh đã thông báo: “Thủ tướng với Chủ tịch thành phố đến đó, anh Hải.”

Mọi người nhìn nhau một lúc lâu. Quả đúng là ngay sau đó có tiếng xe hơi tiến lại chỗ nhóm công an phường. Thủ tướng bước ra khỏi xe, niềm nở chào bà con. Ông Thanh tổ trưởng lại được cử ra để đại diện người dân giải thích sơ qua mọi việc, sau đó là ông Hải, rồi ông Vinh. Thủ tướng nghe xong thì ôn tồn bảo:

“Những ngôi nhà này là một phần lịch sử của thành phố, tồn tại trước cả thành phố nữa. Nhưng giờ thì không ở được nữa rồi, nó cũ quá mà. Thế nên mọi người cần phải dọn đi thôi.”

“Dạ, nhưng phường bảo chúng tôi chuyển qua khu nhà cao tầng kia. Nó sang trọng quá, chúng tôi không đủ khả năng mua”, ông Thanh đáp.

“Đừng lo, chú Thanh ạ. Chính phủ đã có chỉ đạo về việc này, không phải chỗ đó đâu. Mọi người chỉ cần sẵn sàng thu xếp để chuyển đi thôi, không cần phải đi sửa những ngôi nhà này nữa. Chi tiết thì nay mai sẽ tổ chức họp báo, mời mọi người đến dự.”

Thủ tướng nán lại trò chuyện vui vẻ thêm một lúc nữa thì cũng rời đi, mang theo ông Hải còn nhiều hoang mang và lực lượng công an. “Chà, lần này coi bộ ổn đấy”, ông Vinh nhận xét.

*

Mấy ngày sau, báo chí liền đưa tin rầm rộ. Ông Hải và một số người thân cận đều bị cách chức. Khu nhà chung cư cao tầng bên kia bờ sông cũng mau chóng rơi vào diện bị điều tra vì sự biến mất bất thường của hầu hết ban lãnh đạo công ty quản lý.

Uỷ ban phường sau đó đã có một buổi họp báo với người dân khu nhà cổ như đã hứa, thông báo về kế hoạch xây dựng một khu dân cư mới gần nơi họ đang ở hiện tại, nhưng phải đến năm sau thì mới xây xong. Nghe thế, người dân tỏ ra hài lòng, ông Vinh dù còn chút hoài nghi nhưng cũng đã thấy gật gù tán thành trong phòng hội nghị ở uỷ ban phường.

Quả thế, ngày hôm sau, đã có một công trình được dựng lên trên khu đất trống bên cạnh khu nhà cổ, với máy móc và công nhân qua lại.

“Cái gì vậy, cô?”, ông Thanh hỏi một nữ cán bộ áo xanh.

“À, bác. Phường tiến hành xây dựng khu nhà mới cho mọi người, như họp báo đã nói”, cô gái vui vẻ đáp.

“Làm thật luôn sao?”, ông Vinh bất ngờ.

“Dạ, làm thật. Nhưng con ở đây là để dẫn mọi người đến chỗ này.”

Cô gái dẫn mọi người đến một khu lều tạm cách đó không. Ông Thanh nhận ra ngay đó là kiểu nhà dã chiến của quân đội thời ông còn tại ngũ, liền biết ngay là chúng có thể chống chịu được trước mưa giông nhờ kinh nghiệm. Cư dân nghe thế thì tin tưởng mà dọn vào, mỗi lều một hộ, đủ rộng vài người ngủ cùng nhau như cắm trại.

Khi được hỏi về khu nhà cổ, nữ cán bộ chỉ giải thích:

“Dự định của thành phố là khi nào mọi người chuyển được vào nhà mới ổn định thì mới tính đến chuyện mua lại nhà cổ, rồi dùng cho du lịch thôi. Sẽ cần mọi người giúp chuyện đó vì không ai hiếu những ngôi nhà đó hơn.”

Ông Vinh và mọi người nghe thế mà phấn chấn hẳn lên. Bầu trời khi đó nổi lên những cơn gió thoảng, đám trẻ tổ chức đá banh gần khu lều trại, còn người lớn giờ đây mới được thảnh thơi mà ngắm nhìn con sông rì rào sóng vỗ.​
 
Bên trên