Tóm lại là quê tôi rất nhiều đồi. Thế nên trường tôi cũng nằm trên đồi, không phải một mà là hai quả đồi khác nhau. Một bên được gọi là “trường cấp một”, còn bên kia được gọi là “trường cấp hai”. Nói vậy chứ trường cấp một chỉ có lèo tèo vài phòng học nên chúng tôi học chung ở cả hai khu. Các anh chị lớn học buổi chiều, còn chúng tôi học buổi sáng. Phần giữa hai khu tạo thành một khoảng rộng với đường đi ở giữa, khi nào học sinh tập đội hay xuống đó tập. Mọi người đều gọi đó là “sân trường” mặc dù mỗi khu trường trên đồi đều có sân riêng.
Từ nhà tôi đi một tí là ra đến sân trường. Buổi tối, cô Hậu hay dẫn tôi với cái Ngọc ra sân trường chơi. Cô đem chiếu ra trải trên phần đất nhô cao khá phẳng phía bên trường cấp một, rồi bảo chúng tôi múa hát trên đó. Gió thổi mát lịm. Hôm nào có trăng thì càng tuyệt. Ánh trăng bàng bạc chiếu khắp nơi làm cảnh vật xung quanh thật huyền ảo. Tôi thích hát bài “Ông trăng tròn tròn là ông trăng tròn ơi, một mình trên đấy sao không xuống đây chơi với em.” Cái Ngọc là em gái tôi. Nó mới bốn tuổi. Nó cũng thích múa hát lắm nhưng lại nói ngọng. Nó chuyên trị hát: “Chú voi
đon ở bản Đôn, chưa có ngà nên còn trẻ
đon”, nhưng không hiểu sao mẹ tôi và các cô chú rất thích, cứ bảo nó hát mãi.
Cô Hậu không chỉ đi một mình với chúng tôi ra sân trường chơi. Cô còn rủ thêm cô Phượng. Cô Phượng là bạn học của cô Hậu. Nhà cô cũng ở gần nhà tôi, chỉ cách qua một cái ruộng. Nhà cô Phượng có rất nhiều cái đặc biệt. Cái đặc biệt thứ nhất là nhà cô có một cây đào bích to ở ngay trước cổng. Trong xóm chả nhà nào có đào bích, nên cứ Tết đến là mọi người đều thi nhau đến nhà cô xin lấy một cành về cắm trong nhà. Năm ngoái, vì bố tôi sang xin muộn nên chỉ được một cành bé tí teo mà lại ít nụ.
Cái đặc biệt thứ hai là nhà cô Phượng có một cái ti vi đen trắng. Cứ đến gần sáu giờ chiều là mẹ tôi với hàng xóm xung quanh, cả người lớn lẫn trẻ con, đều kéo nhau sang đó xem phim. Phim “Người giàu cũng khóc” có cô diễn viên chính tóc vàng xinh ơi là xinh, mẹ tôi vừa xem phim vừa khóc sụt sùi. Rồi phim “Đơn giản tôi là Ma-ri-a” mà bọn trẻ con chúng tôi cứ hò nhau đọc bài vè không biết từ đâu ra:
Ma-ri-a là nhà tạo mốt
Hoan Các-lốt là người bỏ đi
Bà Ma-chi là người nhân hậu[1]
Con rắn độc là mụ Lo-ren
Người hay ghen là anh Víc-to
Người hay lo là anh Các-lốt
Người hay hốt là cô Lo-ra…
Nhưng cái đặc biệt thứ ba mới là thứ làm tôi thích sang nhà cô Phượng nhất, đấy là nhà cô làm bánh chưng để bán. Cô Phượng gói bánh chưng giỏi ơi là giỏi. Cô xếp lá, đổ gạo, cho nhân đỗ rồi gói lại, vèo cái đã thành một cái bánh vuông vức, xinh xắn. Cô còn thường tước lá dong bằng cách bẻ nhẹ sống lá rồi lấy răng tước roạt một cái. Lá nào cũng đều đẹp, chẳng đứt gãy chỗ nào. Chẳng riêng gì cô, ông bà Vân Đại bố mẹ cô với chú Quyết anh trai cô cũng đều giỏi như thế.
Tôi thường sang nhà cô Phượng vào giữa chiều, lúc ấy nhà cô đang gói bánh. Tôi ngồi đó cho đến cuối buổi, lê la buộc lạt, tước lá dong hoặc lăng xăng lấy cái nọ cái kia khi được ai nhờ. Bốn người nhà cô Phượng, người tước lá, người gói bánh, người buộc lạt, người thì làm việc này việc nọ. Vừa làm, họ vừa nói chuyện. Nào là chuyện mọi người vừa đi đập con chó dại nhà ông Vượng hôm nọ. Nào là chuyện con cô Thơm bị ốm vào viện, vẫn chưa đến thăm. Thi thoảng, ông bà Vân Đại cũng nói về nhà tôi, rằng mẹ tôi là cô dâu tốt như thế nào, hai đứa tôi và cái Ngọc xinh xắn, ngoan ngoãn thế nào. Về cơ bản là tôi thích thú. Nhưng đôi khi có cảm thấy chán thì tôi vẫn cố gắng ở lại đến tận cuối buổi. Lúc đó, cô Phượng sẽ nắm cho tôi một nắm nhân đỗ nho nhỏ, bằng chỗ nhân đỗ cô cố ý để dành lại như một phần thưởng cho cái sự tận tụy của tôi cả buổi chiều. Nắm đỗ xanh đã được đồ chín, có vị mằn mặn của muối, bùi bùi, đặm đặm, ngon không thể tả. Tôi lần nào ăn xong cũng vẫn thấy thòm thèm.
Một hôm, tôi sang, lúc cô Phượng không gói bánh. Cô đang ngồi đóng những thanh gỗ trong vườn. Tôi mon men lại gần, hỏi:
- Cô đang làm gì đấy?
- Cô đang làm chuồng thỏ.
Nghe thấy thế, mắt tôi sáng lên.
- Ôi, nhà cô có thỏ à? Mà cô biết làm chuồng thỏ, giỏi thế!
- Ừ. Biết chứ. – Cô Phượng lên giọng tự hào. - Nhà cô chuẩn bị nuôi thỏ nên cô làm cho nó cái chuồng.
- Thế cô cho thỏ ăn gì?
- Cô cho ăn rau. Thỉnh thoảng mày sang đây cho thỏ ăn hộ cô nhé.
Nghe cô Phượng nói thế, tôi sướng lắm. Tôi chưa nhìn thấy thỏ bao giờ, thế mà bây giờ còn sắp được cho thỏ ăn nữa. Tôi sẽ dẫn cả cái Ngọc sang cho nó xem thỏ cùng tôi mới được.
Tôi chỉ vào mấy thân cây chuối để ở gốc cây khế, hỏi:
- Mấy cây chuối kia cũng để làm chuồng thỏ ạ?
- À không. Để cô làm bè.
- Làm bè? Để làm gì hả cô? – Tôi tròn mắt.
- Để cô đi trong ao nhà cô. Giống như trong phim Tôn Ngộ Không ấy.
Nhớ lại cảnh Tôn Ngộ Không chèo bè đi qua biển, xung quanh vang lên khúc nhạc hùng tráng, tôi thích quá. Tôi liền níu áo cô:
- Khi nào làm xong, cô cho cháu đi bè trong ao với cô nhé.
- Ừ. Yên tâm. Sang đây cô cho đi cùng.
Lời hứa của cô Phượng làm tôi phấn khởi lắm. Nhưng hôm sau tôi lăn ra ốm, cả tuần không sang nhà cô được. Tuần sau, tôi dẫn cái Ngọc sang, thấy cô đang chẻ lạt ở hè. Tôi hỏi cô:
- Cô ơi, cô làm xong bè chưa?
- Cô làm xong rồi.
- Thế cô có bơi trong ao không?
- Có chứ, cô chèo nó bơi quanh ao nhà cô mấy vòng. Nhưng nó hỏng rồi.
Giọng cô Phượng chùng xuống. Lời nói của cô làm tôi cứ ngỡ mình rơi xuống hố. Tôi thảng thốt.
- Sao lại hỏng hả cô?
- Ừ, cô đang chèo thì nó đứt dây, bung ra. Cô phải bơi vào bờ, ướt hết quần áo.
Nếu như bình thường thì tôi sẽ ngạc nhiên hỏi “Ôi, cô biết bơi cơ à?”, nhưng lần này tôi chỉ để ý đến cái bè bị đứt. Tiếc quá. Nếu tôi không bị ốm thì có khi đã được chèo quanh ao cùng cô rồi. Tôi rụt rè hỏi cô:
- Thế cô có làm lại cái khác được không?
Cô Phượng lắc đầu, le lưỡi:
- Không được đâu. Ông bà mắng chết.
Tôi im lặng. Ngó sang cũng thấy mặt cái Ngọc buồn thiu. Lúc đi tôi đã khoe với nó biết bao nhiêu điều về cái bè và lũ thỏ, nó hứng khởi lắm. Thế mà… À đấy, còn lũ thỏ nữa. Tôi hỏi cô Phượng về lũ thỏ. Nhưng cô Phượng nói, giọng buồn buồn:
- Thỏ chết hết rồi. Cô cho nó ăn rau có nước, thế là chúng nó đau bụng chết hết.
- Ôi…
Cái Ngọc kêu lên, mặt nó phụng phịu. Tôi cũng buồn thiu, mắt thấy như muốn ngân ngấn nước. Vừa thương lũ thỏ, vừa tủi thân, vừa tiếc. Giá mà mình không bị ốm, thì vừa được cho thỏ ăn, lại vừa được đi bè. Hai đứa chúng tôi chào cô Phượng đi về mà mặt buồn rười rượi, đến mức cô phải cười mà bảo:
- Ơ, hai cái đứa này buồn cười nhỉ. Thỏ nhà cô chết mà chúng mày còn buồn hơn cả cô là thế nào?
[1] Thực ra, câu này ban đầu bọn tôi đọc là “Bà Ma-chi là người dân tộc”, nhưng về sau có đứa nào bảo là phải là “nhân hậu” mới đúng, chứ “dân tộc” nghe chẳng có lí gì. Vậy là cả đám bọn tôi sửa lại, đọc tất là là “Bà Ma-chi là người nhân hậu”.